Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015
Nguyễn Duy Chính - SỰ ÐÓNG GÓP CỦA GIÁM MỤC PIGNEAU DE BÉHAINE VÀO CÔNG CUỘC CẢI CÁCH Ở GIA ÐỊNH
LỜI MỞ ÐẦU
Trong chiều hướng đưa ra
một lời giải thích cho thời kỳ tranh hùng cuối thế kỷ XVIII giữa hai thế lực Tây Sơn và chúa Nguyễn, nhiều sử gia cận đại đã đồng hóa những giáo sĩ với các thế lực ngầm khuynh loát trong các âm mưu chính trị. Quan điểm này còn
nhiều điểm cần đánh giá lại. Tuy không thể
phủ nhận những thừa sai có ý định khai thác ảnh hưởng với chính quyền để truyền đạo nhưng ngược lại nhà cầm quyền cũng lắm phen sử dụng họ vào những mục tiêu quân sự.
Mọi việc không đơn giản khi chúng ta lại tìm ra những chứng cớ chúa Nguyễn và đồng minh thân cận nhất của ông là giám mục Pigneau de Béhaine [1741-1799] – thường được biết dưới tên Hán dịch là Bá Ða Lộc - đã bôn ba cầu viện không phải một thế lực mà gõ cửa rất nhiều nơi, lân bang cũng có, các nước Tây phương như Anh, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Hoà Lan, Pháp ... cũng có. Vai trò độc đáo của chúa Nguyễn khiến cho nhiều thế lực công khai đầu tư vào ông như một hình thức buôn vua đủ biết chính chúa Nguyễn cũng có những hình thức tự vận động rất đáng kể. Tuy ông được người Xiêm giúp đỡ trong một số trường hợp nhưng không phải không có lúc lâm nguy một khi chính ông lại trở thành một mầm hoạ đáng quan ngại cho chính họ.
Cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp dùng võ lực chiếm Việt Nam họ
đã nỗ lực đề cao vai trò của Bá Ða Lộc và các giáo
dân trong khuynh hướng làm nổi bật sự đóng góp vào công cuộc trung hưng của nhà
Nguyễn – biến ông thành một “điệp viên chính trị” đi tìm cơ hội bành trướng
thuộc địa nên đã trở thành mục tiêu tấn công của một số người có tinh thần cực
đoan chính trị hay tôn giáo.
Sau khi hoàn thành việc thống trị toàn
cõi Ðông Dương, một pho tượng cao gần 3 thước tạc giám mục Pigneau de Béhaine,
một tay dắt hoàng tử Cảnh, một tay đưa ra bản hiệp ước Versailles 1787 được nhà
cầm quyền Pháp dựng lên ngay trước nhà thờ Sài
gòn trong một đại lễ năm 1901.[1] (1)
Khi tường thuật
về vai trò của Pigneau de Béhaine, các
tác giả Tây phương thường nhấn mạnh vào việc ông xả thân cứu chúa Nguyễn khi
còn đang bôn đào nhất là được tin cậy để cầm quốc ấn và đưa hoàng tử Cảnh qua
Pháp cầu viện rồi trở về Gia Ðịnh với một số chiến thuyền, thủy thủ, súng ống. Người ta cũng nhắc
đến vai trò của ông trong những chiến dịch đánh với Tây Sơn trước khi ông qua đời nhưng lại đề cập rất giản lược vai trò trung gian trong du nhập kỹ thuật và văn
hóa vào nước ta, coi như một chuyện bình thường. Chính vì thế vị thừa sai chỉ được coi như một kẻ chủ mưu đáng lên án và những người
ngoại quốc đến giúp chúa Nguyễn cũng chỉ coi như một
số lính đánh thuê vì mục tiêu danh lợi chứ không phải là những cố vấn đóng góp
vào việc xây dựng một quốc gia theo kiểu mẫu Tây phương.
CON NGƯỜI
BÁ ÐA LỘC
Cho đến nay, khi viết về giám mục
Pigneau de Béhaine [1741-1799], tức Evêque d’Adran, hay Bá Ða Lộc, mỗi sử gia
có một nhận định, đôi khi hoàn toàn trái ngược. Một số nhà biên khảo kết án giám mục Pigneau có đầu óc thực dân đã mở đường cho cuộc xâm lăng
của Pháp nhưng một số khác lại cho rằng ông thuần tuý là một nhà tu, những việc
ông giúp chúa Nguyễn ngoài tình bạn cũng chỉ nhằm mục tiêu được dễ dàng hơn
trong việc truyền giáo sau này.
Tiểu sử của ông
chép trong Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện quyển XXVIII là quyển chép về những người nước ngoài theo giúp chúa Nguyễn như Hà Hỉ Văn, người
Trung Hoa [một dư đảng Thiên Ðịa Hội], Nguyễn Văn Tồn, người Cao Miên, Hà Công
Thái, người Mường, Bá Ða Lộc, người Pháp và Vĩnh Ma Ly, người Xiêm.[2] (2)
Nói chung, tuy
Bá Ða Lộc có công lớn nhưng sử triều Nguyễn chép về ông lại khá sơ sài, có vẻ muốn cho lu mờ để nâng cao vai trò sáng
nghiệp của Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, nếu đánh giá cho
khách quan và dù mục tiêu đích thực của ông là gì chăng nữa, Bá Ða Lộc quả đóng
góp rất lớn trong việc phục quốc của chúa Nguyễn.
Khác hẳn với lối
nhìn của Á Ðông khi đưa ra mẫu người “quân sư” mưu trí “ngồi trong
trướng mà quyết thắng chuyện ngoài ngàn dặm”, giám mục Pigneau hành động giống như
những cố vấn Tây phương gần đây, đưa ý kiến đồng thời
phân tích lợi hại để chúa Nguyễn chọn lựa giải pháp chứ không ép buộc hay đòi hỏi
kế hoạch của mình phải được thực hiện triệt
để. Nhiều lý do khiến chúng ta có thể tin rằng những mâu thuẫn hay xung đột với vị giáo sĩ
nếu có thường bắt nguồn từ tính đa nghi của
Nguyễn Ánh và sự ghen ghét của những cận thần.
Cũng vì thế tuy Bá Đa Lộc qua đời khá đột ngột, sự nghiệp của chúa Nguyễn không bị
bế tắc như Lưu Bị mất Khổng Minh. Cái chết của giám mục Pigneau gần như không ảnh hưởng gì đến thế lực của chúa Nguyễn lúc bấy giờ và người
thừa sai đã hoàn tất vai trò đầu cầu trung gian, tạo điều kiện để Nguyễn Ánh tiếp thu được văn
minh Âu Châu làm nền tảng cho những cải cách. Ðối chiếu với phát triển thực tế, những thay đổi
mạnh mẽ về tổ chức và kỹ thuật là những nhân tố cốt
yếu giúp chúa Nguyễn thành công.
Nếu không có Bá Ða Lộc, chúa Nguyễn sẽ không thể đột phá được những bế tắc của khu vực và rất khó tồn tại khi lực lượng của Gia Định so với anh em Tây Sơn quả là kém thế. Thắng lợi của Nguyển Ánh đã khiến cho cả Xiêm lẫn Pháp đều cho rằng vai trò của mình quan trọng hơn nhưng thực tình mà nói, Xiêm La cho ông nương thân khi còn hàn vi nhưng giúp đỡ cũng có giới hạn, một phần vì họ còn nhiều việc phải lo, phần khác cũng không thực tâm muốn Việt Nam sẽ trở thành một nước láng giềng nguy hiểm. Ngược lại, giám mục Bá Ða Lộc có quyết tâm giúp chúa Nguyễn vì mục tiêu lâu dài trong công tác truyền giáo ở Á Ðông và có thể ảnh hưởng từ chủ trương của một số người đi trước. Việc ông đưa bán đảo Tourane vào trong nhượng địa mà chúa Nguyễn sẽ phải nhường cho Pháp cho thấy ông đã đồng tình với Poivre [một nhà truyền giáo sau đổi sang nghề con buôn] về khởi đầu một chủ trương can thiệp sâu hơn vào bán đảo Ðông Dương nhưng cũng có thể chỉ là một đổi chác thường tình. Nếu so sánh với những ưu đãi mà Nguyễn Nhạc đề nghị với Chapman[3] (3) khi đòi mua khí giới và nhờ người Anh giúp đỡ thì thái độ của chúa Nguyễn còn dè dặt hơn và cũng không đáng kết án một cách nghiệt ngã.
Một điều chắc chắn, chúa Nguyễn không
bị ai dẫn dắt theo đường lối của họ mà chỉ tham khảo rồi có quyết
định tối hậu, dẫu rằng
khi đúng, khi sai. Ông là kiến trúc sư trong việc xây dựng mô hình
quốc gia và cũng là vị tham mưu trưởng trong mọi chiến dịch lớn.
VIỆC CẢI CÁCH Ở GIA ÐỊNH
Trong bài này chúng tôi lược bỏ phần
giám mục Adran đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp để cầu viện và ký với bá tước de
Montmorin [khi đó là ngoại trưởng nước Pháp thời vua Louis XVI] một bản hiệp ước
gọi là hiệp ước Versailles (1787). Vì nhiều lý do, hiệp ước
này không thi hành được nên giám mục Bá Ða Lộc phải xuất tiền ra chiêu mộ binh sĩ và mua chiến thuyền đem về Gia Ðịnh năm 1789. Những chi tiết cụ thể về chuyến đi này có thể
tìm thấy trong những biên khảo về công cuộc khôi
phục của vương triều Nguyễn, đặc biệt là tiểu sử của Bá Ða
Lộc trong Mgr Pigneau de Behaine, Évêque d’Adran của Alexis Faure
(Paris, 1891).
Nguồn kiến thức dùng trong cải cách
Theo hai tác giả
đến Ðàng Trong trong những thời điểm mà ảnh
hưởng và vai trò của giám mục Adran còn hiện hữu, chúng ta biết được một số chi tiết sử triều Nguyễn đã
không nhắc đến khiến vai trò của vị
thừa sai mờ nhạt hơn nhưng thực ra công lao của ông là những trọng điểm đưa đến sự thành công của vua Gia Long sau này.
Trong A
Voyage to Cochin China [John Barrow, 1806], tác giả người Anh ghi lại những
điều mắt thấy tai nghe ở Ðàng Trong khi Barrow
cùng phái bộ Macartney có dịp ghé ngang nước ta trên đường sang Trung Hoa năm
1792.
Gần 30 năm sau
[1819] John White, một thương gia người Mỹ trong một tác phẩm cùng tên [A
Voyage to Cochin China, 1824] ghi lại những gì ông ta thấy ở Gia Ðịnh giúp
chúng ta kiểm chứng được những gì đã thực sự hiện hữu 30 năm trước.
Theo Barrow, khi
tìm hiểu bản dịch bộ Encyclopedie của giám mục Pigneau de Béhaine, Nguyễn Ánh đặc
biệt quan tâm về hai phương diện: hàng hải và đóng
thuyền (navigation and ship-building).[4] (4)
Chi tiết này quan trọng và cho chúng ta thấy giám mục Adran đã trao lại cho
chúa Nguyễn kiến thức khoa học và quân sự Tây phương thông
qua một số đề tài thích đáng trong bộ bách khoa vì
đó là nguồn tài liệu tương đối cập nhật và chính xác, đại diện cho văn minh Âu
châu thời đó. Một số thành quả khác do những người đi cùng với Pigneau de
Béhaine đến Ðàng Trong còn được ghi lại trên giấy
trắng mực đen, chẳng hạn như Victor Olivier là tổng công trình sư (chief
engineer) xây thành Gia Ðịnh và Le Brun được coi như đại kế hoạch gia (principal architect-planner) của Saigon khi đó. Ðây là mô
hình thiết kế đô thị (urban
planning) theo khuôn mẫu Tây phương sớm sủa nhất ở khu vực Ðông Nam Á thời bấy
giờ.
Một
vai trò quan trọng khác cũng ít được nhắc đến là việc
Pigneau de Béhaine đã thực hiện công tác phiên dịch các tài liệu kỹ thuật Tây
phương sang chữ Hán [và có thể cả tiếng Nôm hay quốc
ngữ] để chúa Nguyễn và ban tham mưu có ý niệm và hiểu biết về văn minh cơ khí trong một giai đoạn
còn manh nha, đi trước tất cả mọi nơi khác trong khu vực. Công lao của ông
riêng trong lãnh vực phiên dịch cũng đã là một đóng góp to lớn cho việc khai
sinh ra vương quốc Ðồng Nai.
Giám mục Pigneau
vốn là một chuyên gia ngôn ngữ, đã đóng góp chính yếu trong việc hoàn thành bộ từ điển Annamite-Latin [Dictionarium
Anamitico-Latinum] vào khoảng 1772-3, được giám mục Jean-Louis Taberd bổ
túc và ấn hành năm 1835. Ông cũng thông thạo tiếng Việt và am
hiểu chữ Hán, chữ Nôm nên có lẽ ông đã dùng thì giờ khi đi trên tàu từ Pháp về Gia Ðịnh để tìm hiểu, chọn lựa và phiên dịch những gì ông thấy rằng cần
thiết cho chúa Nguyễn.
Cũng nên thêm rằng,
bộ bách khoa đại từ điển không phải chỉ thuần túy là chữ mà có rất nhiều hình vẽ được in theo lối đồng bản họa (copper plate printing) nên
chúa Nguyễn cũng có thể tìm hiểu nguyên bản, xem hình ảnh. Không thấy tài liệu
nào nói Nguyễn Ánh có biết chữ viết theo mẫu tự
Latin hay không nhưng Rei, một thương gia người Pháp có đề cập đến thái tử Ðảm biết viết chữ quốc ngữ.[5] (5) Trong những lá thư của
các thừa sai gửi về giáo hội hay liên lạc với nhau, thỉnh
thoảng chúng ta cũng thấy kèm theo một số từ ngữ Việt viết theo lối mẫu tự Latin.
Do đó, muốn tìm
hiểu xem chúa Nguyễn đã học hỏi được gì về kỹ thuật của
Tây phương – một phần chìm mà sử sách không đề cập đến nhiều – chúng ta phải đi sâu vào nguồn kiến thức, nếu không có nguyên bản bộ sách mà giám mục
Adran đã dùng thì ít ra cũng phải qua sách vở cùng thời kỳ để dựng lại một quá trình học hỏi và ứng dụng trong việc canh tân tổ
chức hành chánh và quân sự.
Chúng ta cũng có
thể xem những miêu tả, qua bản đồ, hình ảnh của những người có mặt ở Ðàng Trong
thời kỳ đó để ít nhiều biết được ảnh hưởng Tây phương như thế nào, hay những gì mà sinh hoạt truyền thống chưa hiện
hữu. Trước đây khi đề cập đến thắng lợi của
chúa Nguyễn, các sử gia thường chỉ nhấn mạnh vào sự tiếp sức của người Pháp qua viện trợ súng đạn và số tướng sĩ đi theo giám
mục Adran sang giúp mà thường không nhắc đến những định chế tổ chức và mô hình hành chánh là nền tảng giúp cho
cải cách có cơ hội phát triển.
Về bộ Encyclopedie mà giám mục Pigneau de Béhaine có thể tìm được trong
khoảng tháng 2 đến 12-1787 là thời gian ông và hoàng tử
Cảnh ở Pháp thì chỉ có bộ Encyclopédie của Denis Diderot, ấn hành trong khoảng
từ 1751-1766 mà bộ này cũng chỉ dịch lại từ bộ Cyclopaedia của Anh ấn hành năm
1728. Tuy nhiên bộ Encyclopédie của Diderot khó có thể kiếm được tại Paris sau 21 năm xuất bản, nhất là bộ này có nhiều chi tiết bị coi là trái với đường lối của giáo
hội (heretical).
Bộ đại từ điển dễ
kiếm hơn trong thời gian đó có lẽ là bộ
Encyclopedia Britannica ấn bản đầu tiên in từ năm 1768 đến 1771 [gồm 3 quyển, 2391 trang, với 160 trang đồng bản hoạ] hay lần
thứ hai năm 1784 được cải biên có thêm phần lịch sử, địa lý và tiểu sử các danh
nhân thế giới [tổng cộng 10 quyển, 8,595 trang
và 340 trang hình vẽ].[6] (6) Do đó, muốn tìm hiểu
những kiến thức và kỹ thuật mà giám mục Bá Ða Lộc
mang từ Tây phương truyền đạt cho chúa Nguyễn, chúng ta không
thể không tìm hiểu về những sở đắc cụ thể hiện hữu trong bộ
sách này.
TỔNG QUÁT
Từ những kiến thức mang tính thời đại, chúng ta có thể dựng lại những mô hình gần
nhất với kiến thức khoa học quân sự từ bốn mục quan
trọng là kỹ thuật xây thành (fortification), kỹ thuật hàng hải
(navigation), kỹ thuật chế tạo
súng (gunnery) và kỹ
thuật đóng tàu (ship building) để đối chiếu với những gì
được thực hiện ở Ðàng Trong trong khoảng từ 1789 đến 1799 là thời gian Bá Ða Lộc cộng tác mật thiết với Nguyễn Ánh. Ngoài ra chúng ta cũng không thể quên được những dự
án về xây dựng đô thị (urban planning) rất mới
mẻ so sánh với những thành phố khác trên bán đảo Ðông Dương. Thành phố Saigon
vào cuối thế kỷ XVIII là một mô hình Tây phương,
ngoài thành trì là căn cứ quân sự còn có những đường sá thẳng và rộng được trắc
địa theo ô vuông, có những khu vực trại lính, kho gạo, xưởng đóng tàu, lò đúc
súng và cả một nghĩa địa riêng biệt thay vì bạ đâu chôn đó như tập quán của người
Á Ðông.
Chúng ta cũng
không thể bỏ qua mô hình hành chánh vì đó là nền tảng cơ sở để
có thể ứng dụng những kỹ thuật mới. Tuy chỉ trong một thời gian rất ngắn,
trên dải đất Việt Nam thời đó đã xuất hiện một tiểu quốc mà người ngoài thường
gọi là nước Ðồng Nai, người Thanh gọi là đất Nông Nại còn sử nước ta quen gọi
là Gia Ðịnh, những cái tên còn tồn tại đến tận
bây giờ. Theo những
chi tiết mà chúng ta có được, về phương diện hành chánh vương quốc này có thể coi là thoái thân của
vương triều Nguyễn, được tổ chức theo một khuôn mẫu
tổng hợp nhiều mô hình nhưng đã được cải biên cho
phù hợp với nhu cầu. Trên nhiều lãnh vực, chúa Nguyễn Ánh đã áp dụng
nhiều canh tân và học hỏi từ Xiêm La và các
nước Ðông Nam Á nhưng cũng mạnh dạn cải cách theo đường lối Tây phương, chủ yếu là các lãnh vực quân sự, thương mại, kỹ thuật.
Giữa Bá Ða Lộc
và Nguyễn Ánh, chúng ta thấy hai người tuy vẫn hết lòng với nhau
nhưng mặt khác cũng tìm cách khai thác cho mục tiêu riêng của mình. Chúa Nguyễn
muốn Bá Ða Lộc làm đầu cầu trung gian để thủ đắc kỹ thuật và sự giúp đỡ của Tây
phương, trong khi vị giám mục cũng mong việc làm của mình sẽ đem tới những ưu
đãi để truyền đạo một khi chúa Nguyễn thành công.
Không nói tới những
âm mưu hay tham vọng dựa trên suy luận cảm tính, trong biên khảo này chúng tôi
cố gắng đào sâu vào một số chi tiết cụ thể, những
kỹ thuật mới du nhập vào nước ta trong đó bao gồm các kỹ thuật quân sự và một số
định chế được giám mục Pigneau de Béhaine giới
thiệu vào một tiểu quốc mới thành lập: Ðồng Nai hay đất Gia Ðịnh. Việc du nhập
đó được áp dụng một phần lớn vì đã giúp cho chúa Nguyễn gia tăng khả năng chống
lại Tây Sơn nhưng đồng thời cũng là một mô hình thí nghiệm theo kiểu Tây phương
đầu tiên trong vùng Ðông Nam Á. Miền nam nước ta
đã hình thành một quốc gia với đầy đủ cơ chế, dung hợp thực
lực bản địa với ba nguồn “chân khí ngoại chủng”, từ Trung Hoa của những
người di dân gốc nhà Minh, từ Xiêm La mà chúa Nguyễn đã lưu ngụ rút tỉa kinh
nghiệm chiến đấu, từ Tây phương do những thừa sai
và những người Âu Châu sang giúp.
Những vấn đề chính trị xen kẽ với quân sự và một tập thể đa dạng đặt ra những câu
hỏi về quản trị. Cũng vì trưởng thành trong
gian nan và luôn luôn bị đe doạ bởi chung quanh, chúng ta phần nào có thể hiểu
được thái độ quyết liệt, lắm khi tàn nhẫn của chúa Nguyễn
khi đã lên nắm quyền. Trên thực tế Nguyễn Ánh vẫn khôn khéo quân bình mọi lực lượng phò tá ông nên tuy
những người Pháp có nổi bật trong những ngày đầu về sau lại lui vào bóng tối khi người Việt đã thủ đắc những ưu điểm về quân sự và kỹ thuật của họ. Ngoài Bá Ða Lộc hầu như không một người
ngoại quốc nào được coi trọng hơn một tướng lãnh bậc trung.
Trong một thời
gian tương đối ngắn 1788 – 1792, chúa Nguyễn đã hoàn thành được những cơ cấu
căn bản để chuẩn bị tấn công. Trong những năm sau đó, ông đã đẩy đối phương vào
thế thủ và chưa đầy 10 năm thì ông đã lấy
lại được vương quốc của Nguyễn Nhạc và chiếm luôn cả lãnh
thổ miền bắc trong tay Nguyễn Quang Toản.
Việc cải cách ở
Gia Ðịnh không phải chỉ nhằm mục tiêu khai khẩn một vùng đất hoang hay tổ chức
một vương quốc độc lập mà mục tiêu tối hậu là khôi phục lại vùng lãnh thổ ở
phương nam nói theo từ ngữ ngày nay là xây dựng một hậu phương để hoàn thành
công việc bắc tiến. Tuy nhiên, đó chỉ là một suy luận
sau khi ông đã thành công còn ngay trong thời điểm đó, tuy Nguyễn Ánh vẫn nhắm
tới vùng đất của cha ông từ sông Gianh đổ vào nhưng làm sao bảo đảm được khu vực
Ðồng Nai không bị anh em Tây Sơn xua quân vào chiếm lại như thời
kỳ trước mới thực sự quan trọng.
Kinh nghiệm cũ
cho thấy một khi bị địch quân đuổi đánh phải bôn đào, mọi công trình chúa Nguyễn
đã và đang xây dựng đều trở thành tay trắng, tan biến như những viên cát tròn của con dã tràng trên bờ biển khi bị sóng
đánh qua. Do đó, trước khi tập trung được sức mạnh để tiến ra bắc, nỗ lực củng cố, xây dựng và phòng thủ là ưu tiên hàng đầu
lúc bấy giờ.
Cuối thế kỷ XVIII, cuộc nội chiến tại Việt Nam
cũng đưa đến những phát triển căn bản khiến chiến lược, chiến thuật phải thay đổi theo. Những tiến bộ kỹ thuật về vũ khí và qui mô của đội hình, vận chuyển để sử dụng những đội quân
đông đảo nên việc phòng thủ theo kiểu cũ không còn hiệu quả. Súng đại bác và thần
công đã tương đối thông dụng nên hai bên không còn phải cận chiến mà có thể bắn từ xa. Thành trì vì vậy được tổ chức sao cho linh hoạt
hơn, có thể tự túc được một thời gian dài mà không bị kiệt quệ về lương thực, nước uống hay đạn dược.
Những cuộc công
thành vì thế thường lâu hơn, kéo dài hàng tháng, có
khi hàng năm nên chiến thuật “thần tốc”, đánh mau
đánh mạnh, lấy số đông để áp đảo không còn hiệu quả. Thành Qui một mặt dựa vào
sông Sài Gòn, ba mặt còn lại có nhiều đầm lầy là những
chướng ngại thiên nhiên.
Nỗi ám ảnh lớn
nhất của chúa Nguyễn khi mới lấy lại được Gia Ðịnh là e ngại một cuộc tấn công
qui mô của Tây Sơn, chiếm lại những gì ông vừa có được. Chính
vì thế, trong giai đoạn đầu ông trông chờ ở
viện binh do giám mục Bá Ða Lộc đang đi vận động. Ông đã thiết lập những hệ thống thông tin từ biển vào đất liền để có được những tin tức sớm sủa nhất.
Khi Bá Ða Lộc trở
về, tuy không mang được những gì ông mong
đợi nhưng lại có được những cơ bản cần thiết đúng lúc mà
ông yêu cầu. Không phải vũ khí hay nhân sự, tiền bạc, giám mục
xứ Adran đã trao lại cho ông kỹ thuật của Tây phương, ngay cả những gì thuộc loại
bí mật, không như người Á Ðông thường thường dấu kín cho riêng mình.
Việc đầu tiên mà
chúa Nguyễn nhờ đến người Tây phương giúp sức là xây dựng
một thành phố nhưng phòng thủ được (fortified citadel). Cứ theo những tường thuật
của người nước ngoài, từ nam chí bắc cho tới lúc đó người Việt chưa xây được một
thành theo nghĩa đó, nếu không có chướng ngại thiên nhiên như
sông núi, đầm lầy thì chỉ biết đắp lũy, đào hào và dựng những chướng
ngại chung quanh nơi đóng quân. Lũy Ðồng Hới hay Lũy Thầy do Ðào Duy Từ thiết trí được coi là một công trình lớn nhưng thực tế chỉ là một bức tường có đặt súng theo mẫu Vạn Lý Trường Thành của
Trung Hoa ở một qui mô nhỏ.
Trong khi đó,
Tây phương thời trung cổ đã có những tiến bộ đáng kể về việc xây dựng những thành trì (citadel) và lâu đài (castle) và đạt tới
một hệ thống công sự (fortification) chu đáo. Muốn đạt tới tiêu chuẩn này, một
thành phố phải có thể tự bảo vệ được và nhất là mọi cơ cấu trong đó đều thông được với nhau khiến cho chỉ cần một
nhóm nhỏ có thể ngăn chặn được một lượng địch quân lớn và theo thời gian, quân
địch sẽ hao binh tổn tướng để chờ dịp phản công.
Trong bộ
Encyclopaedia Britannica in lần thứ nhất (1771) phần công sự đã được miêu tả kỹ
lưỡng trong 8 trang chữ nhỏ và ba trang hình ảnh, khá đầy đủ chi tiết bình đồ, thiết đồ đủ thiết kế một tòa thành với những ưu điểm vượt
trội.
- Hành chánh, tổ chức
Về phương diện tổ chức quốc gia, thời kỳ đầu chúa
Nguyễn mới lấy lại Gia Ðịnh chúng ta thấy có những kế hoạch xây dựng một kinh đô cho tiểu vương quốc, tái phân chia lại địa
giới các khu vực để hình thành một bộ máy chính quyền tương đối hữu hiệu nếu không hơn thì
cũng không kém các nước láng giềng.
Việc xây thành
Qui có thể do Nguyễn Ánh nung nấu đã lâu, kết hợp cả những
điều mới học hỏi lẫn kinh nghiệm đã qua.
Muốn biết ông học hỏi được gì, chúng ta không
thể không xét đến quá trình lưu vong tại Xiêm La trong
khoảng thời gian 1784 đến 1787 và những gì ông chứng kiến quân Xiêm đối phó với những cuộc tấn công khốc liệt của quân Miến từ phương bắc kéo xuống. Có thể nói, chính cuộc chiến tranh Xiêm – Miến đã là một mô hình tốt để ông suy ngẫm
về phương thức đối phó với Tây Sơn mà ông
sử dụng sau này.
Hoàn cảnh của
Xiêm La có thể nói rất gần với hoàn cảnh của Việt Nam thời đó, chỉ khác nhau là
những việc xảy ra ở Xiêm đi trước Việt Nam khoảng vài mươi năm. Vào giữa thế kỷ XVIII, người Miến thường xuyên đem quân xuống cướp phá
kinh đô Ayutthaya ở lưu vực sông Chao Phya. Năm 1767, quân Miến phá kinh đô Ayutthaya thành bình địa, giết và bắt làm nô lệ gần như toàn bộ dân chúng khi đó khoảng một triệu
người. Quốc vương bị giết và chỉ khoảng 10,000 người thoát chết.[7]
(7)
Một trong những
tướng lãnh tên là Taksin trốn thoát, chiêu tập binh mã chỉ một năm sau đánh đuổi
quân Miến và dựng lại một kinh đô mới ở phía
nam là Thonburi, bên kia sông của một làng chài có tên Bangkok.[8] (8) Cũng thời gian đó, gần
như toàn bộ lực lượng Miến Ðiện bị cầm chân trong chiến tranh với Trung Hoa năm 1768 khiến cho việc chiếm đóng Ayutthaya lỏng lẻo và Taksin có thể tiến đánh từng doanh trại của người Miến không mấy khó
khăn.[9] (9) Cục diện hoàn toàn
thay đổi khi quân Xiêm do tướng Suki chỉ huy tại Posamton thắng được một trận
quyết liệt đưa đến thắng lợi hoàn toàn. Năm 1782, Taksin bị hạ bệ và xử tử, tướng
Chakkri lên ngôi vua [sử gọi là Rama I] rồi dời đô sang Bangkok.
Việc thiên đô
này có mục tiêu chiến lược của nó. Vua Rama I cho rằng việc
thành lập kinh đô ở phía đông của bán đảo có lợi thế về phòng thủ vì hơn một nửa chu vi bao
quanh là sông. Ngoài ra, việc chọn một kinh đô mới cũng là dấu hiệu của việc khởi
đầu một triều đại theo tin tưởng của người dân Nam
Á.[10] (10) Vua Rama I cũng đổi
tên Bangkok thành Krungthep [City of Deities] nhưng người ngoại quốc vẫn quen gọi
theo tên cũ.
Thời gian chúa
Nguyễn sống lưu vong giúp ông học hỏi kinh nghiệm thực tế của nước Xiêm và tham gia một số trận đánh với quân Miến Ðiện. Thành Gia Ðịnh có khá nhiều tương đồng với
kinh đô Krungthep, cũng nằm cạnh bờ sông cách biển không xa lắm. Tuy nhiên,
ngoài vị trí địa lợi, chúa Nguyễn còn đi thêm một bực là xây thành không phải
chỉ là một hoàng cung như mẫu của Xiêm La mà còn là một mô hình phòng thủ Tây
phương mà chúng ta thường gọi là kiểu Vauban đề phòng một trận
tấn công đại qui mô của Tây Sơn từ Thuận Hóa đánh vào nhất là sau khi vua Quang
Trung đánh bại quân Thanh tạo nên một chiến tích lẫy lừng.
Việc xây một toà thành kiên cố ở Gia Ðịnh kết hợp nhiều nguyên nhân, từ việc chọn địa điểm phù hợp với phong thuỷ, cho đến sự thuận lợi để phòng thủ và là hậu phương để làm điểm xuất phát tấn
công ra bắc.
Trước đó đất Gia
Ðịnh mới khai khẩn, tình trạng tổ chức sơ sài, chưa thích hợp cho tổng hành
dinh qui mô để trú đóng lâu dài. Gia Ðịnh
Thành Thông Chí viết:
Trấn Gia Ðịnh
xưa có nhiều ao đầm, rừng rú, buổi đầu thời Thái
Tông (Nguyễn Phúc Tần 1648-1687), sai tướng vào mở mang bờ cõi, chọn nơi đất bằng
rộng rãi, tức chỗ chợ Ðiều Khiển
ngày nay, xây cất đồn dinh làm chỗ cho Thống suất tham mưu trú đóng, lại đặt
dinh Phiên Trấn tại lân Tân Thuận ngày nay, làm nha thự cho các quan Giám quân,
Cai bạ và Ký lục ở, được trại quân bảo vệ, có rào giậu ngăn cản hạn chế vào ra, ngoài ra thì cho dân trưng chiếm, chia lập ra làng xóm, chợ phố. Nơi đây nhà ở hỗn tạp, đường sá
chỗ cong chỗ thẳng, tạm tuỳ
tiện cho dân mà chưa kịp phân chia sửa sang cho ngăn nắp. Chức Khổn suý thay đổi lắm lần cũng để
y như vậy. Ðến mùa xuân năm Ất Mùi (1775), đời vua
Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) thứ 11, xa giá phải chạy đến trú ở thôn Tân Khai. Mùa thu năm Mậu Thân (1788) năm thứ 11, buổi đầu
đời Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh) Trung hưng, việc
binh còn bề bộn, ngài phải tạm trú nơi đồn cũ của
Tây Sơn ở phía đông sông Bình Dương để cho nghỉ quân dưỡng dân.[11] (11)
Việc cải tổ hành
chánh của Nguyễn Ánh bao gồm cả cải cách tổ chức lẫn định chế cai trị. Về tổ chức, chúa Nguyễn chia lại địa giới
các tỉnh và xây dựng một mạng lưới giao thông, liên lạc. Những cải cách kinh tế đã biến vùng Ðồng Nai từ một khu vực hoang
vu, ít người ở thành một tiểu quốc trù phú. Vì miền nam là một
tâm điểm giao lưu, một khi tình hình an ninh được ổn định, các thương thuyền qua lại buôn bán đem đến những món tiền lớn.
Trong một thời
gian tương đối ngắn, đất Ðồng Nai có thêm nhiều đại lộ, được
vẽ và trắc địa theo kiểu Tây phương, một hệ thống sông đào qui mô vừa thuận tiện
cho việc giao thông, vừa cải cách hệ thống thoát nước để thuần hoá một khu vực
rộng vốn chỉ là đầm lầy không thể canh tác được.
Những con đường
trong thành phố cũng được mở theo đường thẳng và nếu định vị với bản đồ Saigon về sau, chúng ta
còn có thể tìm ra được một số đại lộ chính. Nhờ các phóng đồ này, khi người
Pháp chiếm Nam Kỳ, việc mở rộng
thành phố không đòi hỏi việc tái qui hoạch toàn bộ khu vực mà chỉ tiếp nối vào những công trình cũ còn dở dang hoặc thoái hóa vì đã lâu
không tu bổ.
Theo tài liệu của
người nước ngoài, một số định chế pháp luật
tương đối mới mẻ và công bình được ban hành. Các chính quyền triều đại của phương Ðông thường không minh
bạch về luật lệ và dành quyền phán quyết cho các quan lại. Vì thế để có được những dễ dãi, các thuyền buôn thường
phải biếu xén rất nhiều cấp, nhiều lần vì chỗ nào cũng có thể gây khó
khăn, hạch sách làm ngăn trở công việc.
- Phát triển kinh tế
Ngoài ý nghĩa
giao thông, hệ thống đường bộ, đường sông cũng giải quyết việc lương thực, hậu cần để cung ứng cho chiến tranh với đối phương ở Ðàng Ngoài.
Theo Barrow,
chúa Nguyễn có mấy năm tương đối bình yên[12] (12) và nhờ sự cố vấn của
giám mục Pigneau de Béhaine, ông đã dốc toàn lực vào việc kiến tạo đất nước. Ông xây dựng một nhà máy diêm tiêu (salpetre) ở
Fen-tan (Tsiompa)[13] (13), mở mang liên lạc giữa
những vị trí quan yếu từ thành phố này đến thành phố khác, và trồng cây hai bên đường lấy bóng mát.
Chúa Nguyễn cũng
khuyến khích việc tái xây dựng những đồn điền trầu cau bị phá hủy vì chiến tranh và khuyến khích việc trồng dâu, nuôi tằm. Ông dành một vùng đất lớn để trồng
mía làm đường và xây dựng những xưởng làm keo, nhựa trét và hắc ín [dùng trong
kỹ nghệ đóng thuyền].[14] (14)
Tuy không biết rõ có những cải tiến nào cho kinh tế địa phương, nhưng ngay cả trong thời kỳ suy thoái
cũng có rất nhiều mặt hàng, đặc biệt giá cả rất rẻ so với
các quốc gia khác.
(Còn tiếp)
Chú thích:
1.James
P. Daughton, “Recasting Pigneau de Béhaine” trong Tran Tuyet Nhung &
Anthony Reid (chủ biên). Việt Nam – Borderless Histories (Wisconsin: The
University of Wisconsin Press, 2006) tr. 307
2.
Một số sĩ quan được liệt kê Chaigneau, de Forçant, Vannier, Dayot, Ollivier, Le
Brun, Barizy, Girald de l’Isle Sellé, Despiaux, Guillion, Guilloux ... [A.
Folliot, Notions sur l’histoire de l’Annam et sur les résultats de l’occupation
Française, (Saigon, 1905)] tr. 20. Cũng theo Folliot thì những người Âu có kiến thức và năng động
này đã giúp ông xây dựng một đội chiến thuyền, phòng thủ thành trì và xung phong giúp ông
trong mọi trường hợp cần đến
sự can trường và thiện chí của họ (...Ces
auxiliaires instruits et énergetiques lui construisirent une flotte, lui
fortifièrent ses villes eit lui prétèrent dans toutes les circonstances l’appui
de leur courage et de leur dévouement)
3....They
were no less than to subdue the Kingdom of Cambodia with the whole peninsula as
far as Siam, and the Provinces belonging to Cochin China to the north now in
the hands of the Tonquinese. To effect these (and indeed it would be requisite)
he wished much for the assisstance of some English vessels, in recompense for
which he would make them such grants of land for settlement as they might think
proper. “... Phải làm sao chinh phục
vương quốc Cambodia và toàn thể bán đảo cho tới tận Xiêm La, cùng [lấy lại] những
tỉnh thuộc Ðàng Trong ở phía bắc nay đang ở trong tay người Ðàng Ngoài. Và để
thực hiện dự tính đó, ông (Nguyễn Nhạc) mong được người Anh giúp cho một số tàu
chiến, và để
trả lại thì ông sẵn lòng nhường cho họ mảnh đất nào họ thấy thích hợp để trú
đóng.”
Alastair Lamb, The Mandarin Road to Old Hué: Narratives of Anglo-Vietnamese
Diplomacy from the 17th century to the eve of the French Conquest (London:
Chatto & Windus, 1970) tr. 100
4. ...and, through the translations into the Chinese character of the
Encyclopedie by the Bishop Adran, he has acquired no inconsiderable knowledge
of European arts and sciences, among which he is most attached to such as
relate to navigation and ship-building.
...
qua bản dịch bộ Encyclopedie sang chữ Hán
do giám mục Adran thực hiện, ông đã thu lượm được một số kiến thức Tây phương đáng
kể về kỹ thuật
và khoa học trong đó hai ngành ông chú trọng nhất là hải hành và đóng tàu. John Barrow, A Voyage to Cochinchina (Kuala Lumpur:
Oxford University Press, 1975) tr. 277
5. “Voyage from France to
Cochin-China : in the Ship Henry / Captain Rey, of Bordeaux, in the years 1819
and 1820” (London : Printed for Sir Richard Phillips and co., 1821)
6.
Hiện nay trên thị trường còn có một ấn bản chụp lại y như bản chính – kể cả những
dấu giấy cũ và những phần bị loại bỏ theo lệnh giáo hội [Authentic
Replica of the First Edition of the Encyclopedia Britannica, 1768-1771 (Three
Volume Facsimile Set) (Hardcover)]. Dựa theo nội dung trong bộ từ điển này,
chúng tôi dựng lại các kiến thức cơ bản mà giám mục Bá Đa Lộc đem về cho chúa
Nguyễn trong thời gian ấy.
7. John Blofeld, Bangkok (TIME-LIFE International, 1979) tr. 10
8.
Việc khôi phục lại vương quốc Xiêm La thành công chính vì quân Miến chỉ xuống để cướp
bóc tài vật và bắt người về
làm nô lệ mà không có ý định chiếm đóng đất đai, tương tự như quân Tây Sơn khi
xuống Gia Ðịnh hay vào Thăng Long với chủ đích thu góp chiến lợi phẩm, tiền bạc rồi lại rút về nên sau khi địch đi
khỏi chúa Nguyễn lại có cơ hội hồi sinh.
9. Các sử gia Thái Lan cũng vì quá đề cao việc phục quốc của Taksin nên không chú
trọng đến yếu tố Miến Ðiện đang có chiến tranh với Trung Hoa,
tương tự như trường hợp chúa Nguyễn nhờ vào mâu thuẫn của Nguyễn Nhạc – Nguyễn
Huệ và việc triều
đình Quang Trung đang vướng mắc vào vấn đề ngoại giao với Thanh triều.
10. ... This was a strategic move, since Bangkok was well protected by
water on one side and by a vast swampy plain stretching away to east and south
on the other. It was also a symbolic move, intended as a fresh and auspicious
start for the kingdom. Blofeld, Bangkok, tr. 10. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, ông
cũng dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long với cùng một ý nghĩa và mục tiêu như việc
vua Rama I chọn Bangkok làm kinh đô mới.
11.
Trịnh Hoài Ðức, Gia Ðịnh Thành Thông Chí
[bản dịch Lý Việt Dũng] (Biên Hòa: nxb Tổng Hợp Ðồng Nai, 2005) tr. 216
12. John Barrow, sđd. tr. 273. John Barrow ghi lại theo lời tường thuật
của người khác nên nhiều
chỗ không chính xác, nhất là niên biểu. Ông chép rằng hai năm bình an đó là
1797 và 1798 nhưng thực ra hai năm này là hai năm chiến sự đang căng thẳng. Hai
năm mà chúa Nguyễn được thong thả để củng cố lực lượng phải là năm 1789 và 1790
khi Bá Ða Lộc vừa ở Pháp về, Nguyễn Huệ đang bận giao thiệp với nhà Thanh
nên chưa tính chuyện đánh vào nam.
13. Tsiompa có lẽ là
phiên dịch hai chữ Chiêm Ba (tức Champa hay Chiêm Thành) nhưng không biết địa
điểm nào. Vào thời đó, người Tây phương gọi chung cà khu vực là Champa. Fen-tan
có thể là Phiên An, tên cũ của thành Saigon, tức ngay tại thủ phủ Gia Định.
14.
John Barrow, sđd. tr. 273-4
15.
Miền nam gọi là một quài
chuối, gồm nhiều nải chưa
cắt riêng.