Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Võ Phiến - Nguyên vẹn (Kỳ 26)

Tác giả: Nhà văn Võ Phiến
Sáng hôm sau, vào khoảng mười giờ, người phát thư đến. Vợ chồng Thu không có nhà, mẹ nàng cặm cụi may trong phòng. Dung ngồi chờ sẵn sau cánh cửa phòng khách. Nàng nghe tiếng chân người đưa thư leo lên các bậc cấp, nghe tiếng cánh cửa ngoài bị xô ra và tự động đập lại, nghe tiếng lách cách của nắp hộp thư. Cuối cùng khi tiếng chân lại kẽo kẹt trên sàn gỗ, tiếng cửa ngoài lại vừa bị đẩy nhẹ, thì Dung liền xô cửa tông cửa vọt ra. Người đưa thư ngoảnh lại, nhoẻn cười trước sự vồ vập của nàng.

Dung vào thẳng phòng mình, xé phong bì ra. Chỉ có một tờ giấy, với dáng chữ của Nghĩa:
“Dung,
Hôm ở trại Indiantown Gap, ra đi như vậy đó hả? Bà không để lại cho tôi địa chỉ; làm cách nào tôi có cái địa chỉ này để liên lạc với bà, đó cũng là chuyện ly kỳ, nhưng không đáng thắc mắc nhiều. Có điều bà phải trả lời cho tôi rõ về thái độ tình cảm của bà. Đất này tuy rộng nhưng bà không thể trốn tôi được đâu.
Sau những ngày với nhau ở Pennsylvania như thế rồi... thôi, coi như không có gì xảy ra, như vậy sao được hả Dung? Bà tưởng tôi là người không có tri giác sao chớ.
Bà biết tôi đã mê bà từ lâu mà, Dung?”
 Người con gái cầm lá thư trên tay, tần ngần. Nàng đọc lại một lần nữa, rồi một lần nữa. Nàng vẫn lửng lơ.
Có tiếng mẹ nàng gọi ở phòng bên, nàng đứng lên mang tờ báo Đời Sống Mới sang, trao cho bà. Bà hỏi:
— Hôm nay không có thừ từ gì sao con?
Bất giác nàng buột miệng trả lời:
— Không, má.
Mẹ nàng bỏ dở công việc nhưng vẫn ngồi nguyên bên chiếc máy may, lật xem qua tờ báo. Nàng ngồi xuống bên mép giường, tai lơ đãng nghe tiếng giấy sột soạt vang lên trong căn phòng im lặng. Bên ngoài, trời vừa hẩng nắng được một lát, lại sa sầm xuống, và tuyết bắt đầu rơi lai rai.
Cái tuyết đêm qua đổ ào ạt, đổ tơi bời trong từng cơn gió mạnh; tuyết sáng nay lơ phơ lất phất, như rơi cho có rơi, hững hờ, lấy lệ, biếng nhác, rơi cho một ngày tạnh ráo vừa đủ...buồn. Tuyết rơi từng sợi mỏng, xơ ra như bông, rơi hết sức nhẹ nhàng. Sợi tuyết bay lãng đãng ngập ngừng trên không, bay không định hướng. Đã xuống đến lưng chừng mặt đất, có những sợi tuyết như còn lưỡng lự, phân vân, không muốn đậu hẳn. Phân vân như còn tự hỏi về số phận mình!

Một buổi chiều tháng tư, Dung đang ngồi với bà Năm Mông ở một bến xe buýt trên con đường Lake chợt nghe có tiếng chim gì kêu trên không. Tiếng kêu nghe khác thường, lạ tai, không giống bất cứ tiếng một loài chim nào đã nghe qua ở bên quê nhà. Dung ngẩng đầu lên tìm.
Bầu trời chất chứa đầy mây nặng trĩu, không trung tối tăm mờ mịt, mây xám kéo nhau, lũ lượt tiếp nối nhau trôi đi triền miên. Cái cảnh hoàng hôn ở một vùng lục địa lạnh lẽo nó uy hiếp tinh thần con người nặng nề quá. Nàng nghĩ đến hoàn cảnh của những người da đỏ năm ba trăm năm trước từng sống ở xứ này, tại chỗ này. Chiều chiều, lúc chạng vạng tối như thế này, giữa núi rừng hoang vu quạnh vắng, nhìn lên vòm trời tối mịt với từng khối mây xám lặng câm di động, trên không trung tưởng chừng ác quỉ đang quần nhau, vờn nhau, xé nhau... Chịu trận qua những mùa đông như thế, khiếp thật.
Tìm mãi, Dung mới trông thấy một con chim cánh mảnh và dài, bay lần quần vòng vo như con dơi bay tìm mồi, trên khu phố. Cứ một lúc nó lại kêu lên một tiếng chẽo choẹt, như con nhái bị rắn nuốt nửa vời. Trên nền trời đêm, con chim loáng thoáng lúc hiện lúc mất; tiếng kêu nghe lúc gần trên đầu lúc xa tít. Nàng tò mò hỏi về tên con chim. Bà Năm Mông bảo: “Không biết”. Nhưng lát sau bà ta lại bảo:
— Nó có thể là con ó đêm (nighthawk). Tôi đoán thế. Có lần tôi nghe bố tôi nói đến tên ấy. Tôi không biết gì về chim, nhưng bố tôi biết. Ổng biết khá nhiều chim chóc và cây cỏ. À này! Hôm nào cô đi Faribault thế nào ổng cũng đưa đi coi hoa mẫu đơn. Ổng khoái. Mùa xuân tới rồi nè. Để tôi báo trước cho ba tôi về chuyện cô đến thăm nhé.
— Mùa xuân mà... thế này sao Catherine?
Bà ta cười rung rinh cả bộ ngực đồ sộ:
— Vẫn còn lạnh hả? Xuân đến nơi rồi đấy. Ngày chủ nhật 25 này đổi giờ: đồng hồ vặn tới một giờ theo thời tiết mới. Rồi cô coi, mùa xuân ở đây đẹp lắm.
Bà Năm Mông nói đúng: mùa xuân miền này thật đẹp. Nhưng theo lời Nguyện, mùa xuân xứ này có một vẻ gì huênh hoang. Cỏ cây xanh tươi đột ngột quá, bông hoa nở rộ vội vàng quá, sặc sỡ quá. Như hấp tấp trong sự phô trương.
Bên ta, hạ tuần tháng chạp đã thấy ấm áp, cây cỏ đã hé lộ những dấu hiệu chuẩn bị. Nhiều thứ hoa đã mừng tết vui xuân với chúng ta, như mai, như đào, như thủy tiên... Ra giêng, lộc non đầu cành. Rồi cứ từ từ lá xanh hoa thắm lần lượt xuất hiện hết xuân sang hè. Cũng tưng bừng đấy, nhưng đâu có gì gấp gáp?
Trái lại, bên này lá rụng cũng nhanh mà hoa nở cũng ồn ào. Đầu tuần mới vừa trông thấy mấy sợi cỏ lấp ló ở ven tường, cuối tuần tử la lan ở rào đã xanh um. Suốt một mùa đông uất kim hương rụi sát mặt đất, bị tuyết ngập không còn tí dấu vết gì; thế mà xuân vừa đến, thoắt cái nó đã phọt bông lên, những cái bông màu sắc rực rỡ, cánh dày và cứng trông cứ như hoa nhựa.
Trước sự phô trương quá hồ hởi, người ta muốn nhắn nhủ thiên nhiên: “Từ từ chứ, vội gì. Cứ cái đà rầm rộ ấy, mấy chốc mà hết vốn liếng?” (Quả nhiên, hoa lá ở đây phát rộ rồi tàn nhanh, không kéo dài được bao lâu).


Hôm đi Faribault, Dung có mời mẹ cùng đi chơi xem cảnh vật đây đó cho khuây khỏa, nhưng bà kêu nhức đầu. Vì vậy lại chỉ có ba anh em như hầu hết trong các cuộc du ngoạn khác.
Ông cụ Raymond Ford thừa hưởng ngôi nhà của người vợ thứ ba, chết cách đây sáu năm. Nhà có một tầng lầu, một tầng hầm, có khu vườn khá rộng mà ông cụ chỉ xới được một khoảnh nhỏ để trồng cà chua, cà-rốt và một ít cải củ; cuối vườn có một mớ măng tây không biết đã có từ bao giờ, ông cứ để cho tự do tàn đi rồi mọc lại tùy mùa.
Sát bên nhà xe có một cây du cao lớn. Bà Năm Mông tỏ ý thích cây ấy, bà bảo: “Đây là loại du Tàu, lá nhỏ hơn lá du Mỹ; nó không hay bị bệnh và chết như du Mỹ”. Ông cụ lại phàn nàn: “Cành nó rườm rà lắm kia. Cành khô gãy rơi lung tung; ngày nào cũng phải dọn.”
Tám mươi tuổi đối với người Mỹ chưa lấy gì làm cao, Dung đã trông thấy nhiều người ở tuổi ấy còn nhanh nhẹn cường tráng. Nhưng ông cụ Ray thì đã suy. Ông cao nhưng gầy, giọng nói khàn khàn như cổ lúc nào cũng có đàm đặc.
Một khu vườn rộng, một ngôi nhà lầu nhiều phòng, một cái xe to tướng trong tay một cụ già mong manh như thế, ở một mình, xa cách con cái như thế, Dung nghĩ mặc dù được sống giữa quê hương mình tuổi già của ông cụ cũng không lấy gì làm ấm cúng. Sáu tháng lạnh vừa qua, trên một đoạn đường nào đó bàn tay run rẩy của ông cụ có thể lạc tay lái; giữa một đêm khuya nào đó hệ thống sưởi có thể trục trặc làm ông cụ cóng người; hay một cơn choáng váng bất ngờ...
Vì bà Năm Mông đậu xe ở sân sau nên mọi người vào nhà bằng lối cửa sau: vào thẳng bếp, bước sang phòng ăn rồi tới phòng khách. Cụ Ray giới thiệu ngay tấm gương lớn đặt áp sát vách: đó là tấm gương mang từ cửa tiệm hớt tóc về từ ngày ông cụ nghỉ việc.
Bà Năm tiếp lời ông cụ, giải thích thêm: Ông cụ Ray làm nghề hớt tóc, từ hồi mười bảy tuổi, tức là đã sáu mươi ba năm nay. Đến năm sáu mươi lăm tuổi, cụ nhường cửa tiệm cho một người bạn. Năm ấy cụ mang về nhà tấm gương đồ sộ này, chưng giữa nhà như một thành tích lớn để làm kỷ niệm: Tuy vậy tấm gương không làm cụ bớt nhớ nghề, cho nên những ngày cuối tuần, những ngày lễ, ngày người bạn đau ốm v.v... cụ Ray vẫn hăm hở đến tiệm làm việc...
Thừa dịp bà Năm dừng lời ông cụ giơ một ngón tay lên như người xin phép được phát biểu ý kiến trong cuộc họp. Nhưng đây không phải muốn nói, ông chỉ kêu gọi sự lưu ý rồi đứng lên, dẫn mọi người vào phòng bên cạnh, chỉ cho xem cái chứng chỉ khả năng hành nghề lồng vào khung kính treo trên tường. Chứng chỉ mới toanh, mới cấp ngày 30 tháng 12 năm qua và có giá trị cho năm nay. Cho đến tám mươi tuổi mỗi năm ông cụ Ray đều mỗi xin tái cấp giấy chứng chỉ, và một lần xin phải nộp mười Mỹ kim lệ phí.
Đứng sau lưng ông cụ, bà Năm Mông nháy mắt để hai chị em Dung liệu lời đề cập tới hoặc tấm chứng chỉ hoặc tấm gương, niềm hãnh diện của ông cụ. Ông cụ lắng nghe câu nói tâng bốc, nét mặt không còn đủ linh động để diễn tả sự khoái thích, cho nên vẫn cứ một mực nghiêm chỉnh trịnh trọng.
Sau đó ông cụ hỏi:
— Các người nghĩ sao về một cuộc xem hoa mẫu đơn?
Bà Năm Mông cười khanh khách, kêu lên:
— Không gì hay hơn. Được ba hướng dẫn xem hoa là nhất.
Ông cụ vừa mặc áo, chụp mũ dạ lên đầu vừa nói:
— Xong, ta đi hồ Sakatak, vào công viên tiểu bang...
Bà Năm hăng hái thêm:
— Xong, lại đi vòng qua Dundas chứ.
Cụ Ray mỗi lúc mỗi thêm vẻ trịnh trọng. Như thế cũng có nghĩa là cụ bằng lòng, hay cụ cảm động.
Trại bông Brand Peony Farm kể ra đáng công đi xem, vì là một trại lớn, thành lập đã hơn một thế kỷ nay, và chắc chắn là trại trồng hoa lâu đời nhất của tiểu bang Minnesota. Tại đây có tất cả 114 loại mẫu đơn khác nhau; có loại mang từ Âu châu, từ Á châu sang. Ngoài mẫu đơn cũng có một số hoa khác: tử đinh hương, cúc v.v...
Vườn hoa mênh mông, chăm sóc thật kỹ, thứ nào thứ ấy mơn mởn. Đi dạo một lúc, thừa dịp cụ Ray tụt lại sau, ba anh em tự do trao đổi ý kiến với nhau. Dung bảo:
— Cũng đáng coi cho biết, nhưng không thích.
Nguyện tán thành:
— Mình không thích mẫu đơn, nhất là mẫu đơn xứ này. Trông nó ba hoa khoác lác thế nào. Bông hoa gì mà nở phê phê, to tướng quá trời.
Tự dưng Thu chen vào:
— Nếu ở Sài Gòn mình mua chậu bốn đồng kia, biếu ông Vũ Hoàng Chương.
Cả hai người con gái đều ngạc nhiên. Nguyện kêu:
— Hôm nay sao ông này tự nhiên nổi máu văn nghệ lên kỳ cục vậy?
Thu mỉm cười bí mật kéo hai người tới bên dãy hoa, chỉ cho xem cái tên: Bạch Vương (Blanche King), biệt hiệu của Vũ Hoàng Chương đấy, vì hai chữ ấy ghép lại thành chữ Hoàng.
Nghe tiếng nói cười vui vẻ, bố con bà Năm đi nhanh đến nơi, ông cụ Ray tưởng anh em Dung thích loại hoa này, sốt sắng khoe:
— Thứ mẫu đơn đặc biệt này đã đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc triển lãm hoa. Hình như hễ có triển lãm là nó luôn luôn trúng giải đấy.
Nguyện nói với bà Năm:
— Nhà tôi có con mắt tinh đời, đáng được chọn vào ban giam khảo các cuộc thi hoa... À này! Vừa rồi nghe bà nói tới Dundas...; có danh lam thắng cảnh gì vậy?
Bà quay về phía ông cụ, vùa cười vừa nói:
— Có một di tích lịch sử: tức cái nhà nơi một vĩ nhân là cụ Raymond Ford đã ra đời cách đây tám mươi năm.
Bà ta phá lên cười, tiếng cười rang rảng giữa trời, giữa những đám mẫu đơn mênh mông. Ông cụ hai tay nắn ve áo, nét mặt càng nghiêm chỉnh long trọng hơn bao giờ hết. Trong cái nhìn của Nguyện hướng về ông cụ ánh lên một vẻ ranh mãnh dịu dàng, nửa nghịch ngợm, nửa mến thương.
Nàng vỗ tay:
— Thế thì đi Dundas trước nhất. Xong, sẽ tới Sakatak. Tôi bỏ phiếu cho Dundas!
Mọi người đi về phía chiếc xe Oldsmobile kềnh càng của cụ Ray. Theo ý cụ, bà Năm Mông đã bỏ chiếc xe mình lại sau vườn, lái chiếc xe của bố đi chơi. Xe thì rộng nhưng trong xe bụi bặm rác rến. Ông cụ dọn dẹp các phòng trong nhà thật ngăn nắp sạch sẽ, nhưng chiếc xe thì hình như ít khi được dùng tới. Lên xe xuống xe Dung để ý lúc nào ông cụ cũng xách liền trên tay một cái túi vải, kiểu túi mà những người lính Mỹ sang Việt Nam vẫn thường dùng đựng đồ lặt vặt trong các cuộc di chuyển gần. Người Mỹ không có thói quen giữ tiền bạc châu báu ở nhà, Dung đoán đó có lẽ là cái túi đựng những giấy tờ quan trọng chăng.
Khi đi gần đến Dundas, ông cụ bắt đầu nói nhiều. Chiếc xe chạy trên con đường xuyên ngang một vùng đồng ruộng, làm giật mình những con chim bên đường, xua chúng cất cánh bay tránh ra xa. Cánh đồng còn trống trơ, chưa thấy trồng trọt gì.
Ông cụ hỏi:
— Ở xứ các anh chị có loài chim này không?
Thu sốt sắng:
— Có, có đấy.
Anh ta quay lại nói với Nguyện và Dung:
— Con cu cườm, hình như là có nơi gọi là chim đất. Treo chim cườm là một cái thú, nhiều người mê như chết.
— Treo chim?
— Ừa. Người ta nuôi chim mồi, bỏ vào lồng bẩy, treo lên cây, cho nó gáy. Chim ngoài nghe tiếng gáy bay tới, bị bẫy sập xuống. Một cách bẫy chim mà.
Ông cụ Ray chờ cho khách nói xong lại tiếp tục:
— Có thứ chim không giống hẳn, nhưng cũng một loại với chim này... Tôi muốn nói thứ chim cu rầu rĩ (mourning dove). Trông hình thù na ná như thế, nhưng đuôi nó xòe rộng, những chót lông đuôi đen sậm. Tiếng nó kêu buồn bã lắm.
Nguyện hỏi:
— Cụ thích cái tiếng kêu ấy?
Ông cụ phác một cử chỉ vu vơ:
— Không hẳn. Nghĩa là tôi nhớ đến cái thứ chim ấy... tôi thường nghĩ đến nó. Ngày nhỏ tôi ở Dundas, hàng ngày thường trông thấy những con cu rầu rĩ. Hình như ngày xưa nó nhiều hơn bây giờ... Tiếng nó kêu, nghe buồn lắm cơ...
Bà Năm Mông vừa lái xe vừa lắng tai theo dõi câu chuyện. Bà xen vào, hướng về các người bạn Việt Nam:
— Ông cụ diễn tả khó khăn. Đại khái là nhớ lại một kỷ niệm thơ ấu. Tiếng chim nghe không hay ho gì, nhưng chắc chắn có liên quan đến nhiều kỷ niệm.
Ông cụ hơi lảng tai, không nghe rõ câu nói của con gái. Ông vẫn tiếp tục:
— Hồi ấy tôi còn đi học. Chỉ đến trung học đệ nhất cấp (junior)... Hồi đó trưa trưa nghe tiếng con chim cu rầu rĩ ngoài đồng vẳng vào...
Nguyện nói nhỏ bằng tiếng Việt:
— Trưa trưa trên cánh đồng, “có cu gáy với bướm vàng nữa chứ”, cụ đang hồi tưởng một chuyện gì thơ mộng, chắc có liên quan đến bà cụ thứ nhất.
Ba người cười với nhau. Bà Năm Mông không hiểu gì, nhưng phỏng đoán đại khái, cũng cười theo.
Cụ Ray bảo hồi đó ở Dundas đã có trường trung học, có bệnh viện, đầy đủ. Nhân tiện cụ lưu ý: Bấy giờ đàn bà Dundas đã quen sinh đẻ ở bệnh viện, nhưng bà thân mẫu của cụ thì không: Bà đẻ ba lần, lần nào cũng mời y tá về tại nhà. Vì vậy, ngôi nhà mà ai nấy sắp ghé thăm đây đúng thực là nơi cụ Ray ra chào đời.
Kể ra đứng ngoài trông vào, ngôi nhà ấy cũng không có vẻ gì cổ kính lắm. Nó đã thuộc về chủ khác, chắc đã được sửa sang nhiều lần. Bà Năm dừng xe lại phía bên này đường, mọi người trong xe nhìn sang ngôi nhà “lịch sử” ở bên kia đường một lúc rồi lại đi.


Năm giờ chiều, xe về đến nhà cụ Ray.
Ông cụ xách cái túi vải xuống xe sau cùng. Ba anh em bàn với nhau có lẽ họ nên lấy cớ dạo phố Faribault để tránh đi, dành cho bố con ông Ford một thời gian chuyện trò riêng với nhau. Bà Năm vui vẻ tán thành:
— Các bạn có thể đi xem một ngôi nhà lịch sử khác trong thành phố này, một ngôi nhà tầm thường hơn cái di tích vừa rồi. Cứ đi dọc con phố chính này, đi chừng nửa dặm các bạn sẽ gặp ngôi nhà của Alexander Faribault, tức là người đã có công dựng lên thị xã này và để lại cái tên Faribault. Nhà cất năm 1853, bên một dòng suối. Các bạn có thể ghé chơi ở con suối hoang tàn rậm rạp đó, có cây cầu sắt cổ kính v.v...
Ông cụ Ray lắng nghe con nói, tiếng được tiếng mất. Bỗng nhiên, ông cụ chợt nghĩ đến một điều gì, gạt phăng ý kiến của con gái:
— Này, kế đây có một gia đình Việt Nam. Các người nên đến đó chơi. Một ông già với ba đứa bé con... Các người phải gặp họ.
Không biết vì sao lại “phải” gặp gia đình Việt Nam ấy: tuy nhiên thấy ông cụ sốt sắng đến thế, ba anh em nghĩ là không nên chối từ. Trước tiên hãy ghé lại coi là người Việt Nam nào, biết đâu là bạn bè quen biết cũ cũng nên; sau đó muốn đi đâu sẽ hay.
Theo lời hướng dẫn của ông cụ, họ đến một ngôi nhà cũng từa tựa như nhà cụ Ray, cũng một tầng lầu, cũng nhà xe, cũng một khu vườn. Hai chiếc xe đạp dựng bên tường, một mớ dép Nhật bỏ trước cửa. Họ bấm chuông đôi ba lần cửa mới mở. Bên trong có tiếng nhạc tiếng đối thoại ồn ào phát ra từ chiếc máy truyền hình lớn đặt ở phòng khách.
Một đứa con gái chừng mười một mười hai tuổi hé cửa ra nói chuyện, không mời khách vào nhà. Nó bảo bố nó đi vắng, đi đánh tổ tôm ở đâu đó trong thành phố vì có mấy người bạn vừa từ xa đến rủ. Nhà chỉ còn có ba chị em nó.
Trong lúc Nguyện nói chuyện, Thu đi loanh quanh ngoài vườn, Dung đứng ngắm nghía và suy nghĩ: Trông con bé quen quen, mà nghĩ mãi nàng vẫn không nhớ đã gặp ở đâu.
Con bé vừa nói chuyện với Nguyện, hình như nó cũng vừa để mắt nhìn Dung. Chợt nó nhoẻn cười, bước ra khỏi cửa, tiến lại gần nàng kêu:
— Chị!
Nàng ngạc nhiên. Nó cười, mừng rỡ:
— Chị Dung! Em biết chị mà!
— Kìa, nãy giờ chị đã thấy em quen quen.
— Em ở ngay sau lưng nhà chị. Hồi ở Sài Gòn, nhà em sau vườn nhà chị đó.
— Ờ! Vậy hả?... À chị nhớ ra rồi. Trời, mới mấy tháng nay mà em lớn hẳn lên. Em còn nhớ anh Thu chớ?
Con nhỏ gật đầu: “Nhớ”. Nó đưa khách vào nhà. Con Lang và thằng Đức đều nhận ra anh em Dung. Lang đã phát con gái, ăn mặc bạo dạn như gái Mỹ, nói và nghe tiếng Mỹ rất thạo; nó say mê tivi, khách vào nhà vẫn cứ vừa tiếp chuyện vừa theo dõi tấn hài kịch trên màn ảnh. Tiếng ồn ào của đám nhân vật hài kịch đang la lối làm cho cuộc nói chuyện khó khăn, Dung hỏi mấy đứa nhỏ qua loa rồi cáo từ. Con Bích, tức con nhỏ ra mở cửa, xin ghi cái địa chỉ của nàng. Nó bảo tháng tới không chừng nó theo bố đi Minneapolis sẽ ghé thăm nàng: “Ở đây thành phố nhỏ, buồn lắm chị. Tụi em nghe nói Minneapolis muốn đi lắm, mà sáu tháng nay ba em đâu có dám đi xa”.
Khi ba anh em đi khỏi nhà con Bích chừng trăm thước, chợt nghe có tiếng gọi sau lưng. Lại con bé đang chạy theo mời mọi người trở lại chơi vì ba nó vừa về. Phía sau con bé, một người đàn ông cũng đang hấp tấp đi tới. Gặp nhau, ông ta nói ngay:
— Tôi, Triêm dây. Tôi vừa về, nghe các cháu nói có bà con láng giềng bên Sài Gòn ghé chơi. May mắn, thật may mắn. Tôi về chậm chút xíu nữa là không gặp được quí bà con...
Ông Triêm mập và trắng hơn trước, tuy nhiên trông thấy khuôn mặt ấy với cặp kính cận ấy Dung nhớ lại ngay, nhớ cả cái dáng điệu ông ta ngồi trên chiếc Honda lúc rề rề quẹo vào con hẻm. Cùng lúc ấy ông Triêm cũng thoáng nhận định về nàng: “Hơi đẫy hơn trước một chút. Vẫn nước da trắng, khuôn mặt bầu bầu, cặp chân mày rậm. Ờ, vẫn cái miệng nhỏ nhắn, dễ thương... Nhỏ xíu hà!”
Ông Triêm thoáng nhìn qua người con gái rồi hướng về Thu nói:
— Bên đó, chúng ta ở bên cạnh nhau; rồi trong cơn hỗn loạn mạnh ai nấy chạy, chạy nửa vòng trái đất, lại gặp nhau, lại đứng bên cạnh nhau thế này. Không tưởng tượng được!
Thu cười, ông ta cười. Từ đó cho đến khi mọi người trở lại vào nhà, ông Triêm tiếp tục nói chuyện với anh Thu, mặc dù Dung biết hai người không nhận ra nhau: hồi ở Sài Gòn không bên nào có dịp để ý đến bên nào.
Thu bảo:
— Nghe nói bác đi đánh tổ tôm?
Ông Triêm cười:
— Ở bên nhà tôi chẳng biết qua một thứ bài bạc gì, vậy mà qua đây lại ham tổ tôm, thế mới buồn cười. Tập chơi hồi ở trong trại tị nạn, bên Arkansas. Bạn bè, buồn quá rủ nhau chơi cho khuây khỏa... Nhưng hôm nay thì không đủ chân, vừa rồi tôi đi loanh quanh tìm mua mấy món đồ dùng lặt vặt trong nhà.
Ông kể chuyện gia đình ông thất lạc, ông sang đây chỉ được bốn cha con, tháng trước ông được thư nhà, cho hay bà Triêm đã mang con cái ra Phan Thiết làm ăn với gia đình người anh. Ông bảo ngôi nhà này do nhà thờ bảo trợ mua giúp, đóng cho khoản tiền cọc đầu tiên rồi ông tiếp tục trả góp hàng tháng v.v... Dung chợt nhớ lại những tiếng chuông tiếng mõ ngày xưa, hỏi:
— Thưa, bác vẫn... theo Phật giáo chứ ạ.
— Vâng. Tôi vẫn tin Phật đấy, nhưng không còn tụng niệm đều đặn nữa. Hoàn cảnh có khác cô ạ.
Mới trông thấy nhau ngoài đường, ông Triêm vồ vập, nhưng dần dần trông ông tiếp khách không được thoải mái, có lúc như lúng túng, ngượng ngập. Vì vậy ba anh em không ngồi lâu. Ông Triêm hỏi xin địa chỉ, Nguyện bảo cháu Lê đã có ghi. Ông ta vừa đưa mọi người ra ngoài đường vừa nhắc mãi: “Thật không thể tưởng tượng được. Chạy nửa vòng trái đất lại gặp nhau”. Nguyện thì thào bảo Dung: Ông ta già thêm hàng chục tuổi vì sự lặp đi lặp lại câu nói ấy.
Về đến nhà ông cụ Ray, thấy bà Năm đã chuẩn bị sẵn sàng để lên đường. Ông cụ mặc nguyên áo vét, đội nguyên chiếc mũ dạ trên đầu y như lúc đi chơi, cái túi vải vẫn còn để trên bàn ở phòng khách. Thấy Dung ngừng mắt nhiều lần trên cái túi ấy, bà Năm Mông cười ha hả bảo bố mở cho nàng xem. Ông cụ trịnh trọng lôi ra từng món một: một cái bàn chải đầu, hai hòn đá mài dao, hai tấm da để liếc con dao cạo... Bàn tay hơi run rẩy làm cho dáng điệu ông cụ càng thêm trịnh trọng. Ông giải thích mấy lời về hòn đá bằng cái giọng khàn khàn, rồi cẩn thận xếp lại từng món một vào túi.
Ông cụ ra vườn, chờ mọi người lên xe, đứng nhìn theo chiếc xe con gái đi tận xa tít mới lững thững vào nhà.
Trên đường về bà Năm nói:
— Hôm nay thiếu thì giờ, nếu không các người thế nào cũng được xem một mục nữa.
— Mục gì vậy, Catherine?
— Cầu mái che. Ông cụ có vài chục cái dĩa sứ in hình cầu mái che, có một số tranh. Ngoài ra, các người có thể còn được đưa đi xem tận mắt cây cầu có mái che ở cách đây không xa.
Một lúc sau bà Năm Mông thở dài nói:
— Tháng sáu này hội có cuộc họp thường niên ở Zumbrota, tôi lại đi với ông cụ tham dự một cuộc họp nữa...
— Hội họp gì thế?
— Thì hội Cầu Mái Che đấy... Không biết rồi ông cụ còn dự được mấy cuộc họp nữa. Bố tôi đã yếu lắm, phải không mấy người?
Mấy anh em, người này chờ người kia, chưa kịp trả lời. Bà Năm đã tiếp:
— Ông cụ qua đời rồi không chừng chẳng mấy khi tôi có dịp tốt về Faribault nữa. Tôi sinh ra ở Faribault đấy.
— Rồi ngôi nhà cụ đang ở, sao Catherine không về đó ở cho tiện?
— Nhà đó, trong di chúc bà dì tôi có nói rõ là chỉ để ông cụ ở đến mãn đời. Ông cụ đi rồi, nhà sẽ thuộc về người con của dì. Bà ấy có con riêng. 
(Còn tiếp một kỳ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét