Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015
Uyên Nguyên - Tiếng cựa mình của những cánh hoa thơ…
Bài tựa cho tập thơ Dưới Rặng San Hô Bị Chôn Vùi, Tôi Tìm Thấy Biển, tác giả Nguyễn Man Nhiên, Lotus xuất bản, 2015 |
Giả định họa sĩ Salvador Dalí còn sống, luôn hăm hở sáng tạo, ông không cần nghĩ ngợi tìm kiếm đề tài, cứ vẽ lại y chang những hình tượng có trong tập thơ này, tuân thủ hay miễn chấp thứ tự xuất hiện, sự liên kết, vị trí, bố cục, màu sắc, thể dạng của chúng, biết đâu Salvador sẽ đẩy họa phẩm mới của ông vượt khỏi tầm siêu thực. Họa sĩ Hậu hiện đại.
Giả định thi sĩ Bùi Giáng sống dậy, xách đảy rách đi lang thang vô định trên bất cứ con đường Việt Nam hữu danh hay vô danh, đọc những bài thơ này với giọng khi râm ran, khi lầm bầm, khi ngặt nghẽo theo lối ngẫu nhĩ tương phùng, biết đâu tài danh, cá tính, cuộc đời ông được tán dương và được xưng tụng thêm một danh xưng mới. Thi sĩ Hậu hiện đại.
Giả định nhà hát Broadway nổi danh ở New York, Hoa Kỳ, dựng cảnh theo những gì được viết ra trong tập thơ này, cảnh trí phi thực hơn cơn mộng, vạn vật bất động hay hoạt động theo vô thức, ánh đèn loạn sắc hay tối om, tiếng động nhiễu âm hay vô thanh, nhân vật ẩn hiện, mờ ảo như ma quỷ, biết đâu khán giả sẽ dậy lên một cảm thức xa lạ, dị thường. Kịch nghệ Hậu hiện đại.
Giả định nhà hát Broadway nổi danh ở New York, Hoa Kỳ, dựng cảnh theo những gì được viết ra trong tập thơ này, cảnh trí phi thực hơn cơn mộng, vạn vật bất động hay hoạt động theo vô thức, ánh đèn loạn sắc hay tối om, tiếng động nhiễu âm hay vô thanh, nhân vật ẩn hiện, mờ ảo như ma quỷ, biết đâu khán giả sẽ dậy lên một cảm thức xa lạ, dị thường. Kịch nghệ Hậu hiện đại.
Và dung dị hơn, giả định ngay chúng ta, những người đọc tập thơ này xong, thử cắt vụn một xấp giấy màu với chiếc kéo cùn, bằng những nhát cắt vụng về, những mảnh cắt to nhỏ chẳng ra hình thù, rồi tung rãi trên một tấm nền – màu gì cũng được, dơ sạch không cần - biết đâu sẽ hình thành một bức tranh bất ngờ. Họa phẩm Hậu hiện đại.
Nói là “Giả định”, “biết đâu” bởi bản chất văn chương, nghệ thuật hậu hiện đại muốn trình hiện cho người thưởng ngoạn những hình tượng bất khả hiển bày (unpresentable), muốn diễn tả những cảm xúc và ý tưởng bất khả thấu đạt, vì tính phi thực (unreal), phi nghĩa (meaninglessness) và đầy ảo giác hỗn độn (hallucination) của chúng.
Riêng thơ văn, như một thông điệp gửi từ người viết đến người đọc, là những tín hiệu mong được tri nhận. Với người đọc thường lĩnh hội thơ văn bằng lý trí thường nghiệm, thông điệp đó như những ám hiệu, mã tín (code) cần phải giải mã. Tác phẩm siêu thực dầu sao vẫn còn được soi rọi dễ dàng dưới lăng kính của phân tâm học về cõi lặng của vô thức, về vùng hỗn mang của giấc mơ, về những xáo trộn hành vi và ngôn ngữ do những cơn hoang tưởng. Còn thơ hậu hiện đại thì sao khi chính nó vừa như siêu thực, vừa bất chấp mọi quy ước truyền thống, kiểu thức qui chuẩn (chủ đề, nhân vật, vần điệu, ý tưởng, ngữ nghĩa…) vừa để lửng vấn đề, không đề xuất một định hướng, không dẫn đạo bằng một tuyên ngôn nào…?
Nhưng tin tưởng người làm thơ khi in ra sách vẫn muốn nói điều gì sau mớ chữ nghĩa tinh khôi, mớ cảm xúc và lý trí lạ lẫm, ta cứ bình thản song hành cùng hắn. Không sao, cứ với tâm thức bình thường, tự ta tìm kiếm, tự ta cảm ứng cái hay đẹp, cái ý nhị sâu lắng trong mật ngôn thơ. Hãy bình tâm đi vào thơ Nguyễn Man Nhiên.
Cảm nhận đầu tiên là thơ Nguyễn Man Nhiên đầy những hình tượng tân kỳ, không còn khí hậu của văn chương Việt trước giờ. Không trăng nước thơ mộng, không cầu qua bến đợi hẹn hò, không con phố đèn đường lứa đôi một thuở, không cần vần điệu êm tai, không cần trau chuốt từng chữ… Hình ảnh trong thơ Nhiên là những sự vật, cảnh quan trong môi trường của nền kỹ thuật hiện đại, cảm xúc và lời miêu tả của một thị dân thành phố phát triển. Những hình tượng gần gũi, tiếp xúc hàng ngày, thường xuyên nằm trong tầm thị giác, được Nhiên đưa vào thơ, sắp xếp theo một dạng cấu trúc liệt kê, khô, đặc, rời rạc, lối thơ trần thuật hay tự sự. Sự vật, cảnh quan, “tôi” và các nhân vật xuất hiện có những hoạt động và nhận thức khác thường như trong giấc ngủ mơ mê mệt, như trong ảo giác lãng đãng, lập lờ. Để văn ảnh thêm màu sắc, ngoài những tính từ, anh thường xuyên sử dụng lối á dụ, so sánh (như) và đồng hóa (là). Nhưng “như”, “là” lại nhiều khi nối kết hai đối thể không cùng loại, người sánh với vật, cái hữu hình sánh với vô hình, cụ thể sánh với trừu tượng, khiến thơ anh trở thành “lạ hóa”, “trí thức”, “giàu triết lý”.
- thật không may, bạn là một cú pháp, một cấu trúc đảo ngược, một từ bị bẻ cong đếnnghẹt thở
- sự thật là một vết đỏ trên ngựcnó biết làm đẹpbằng những quả đấm không tì vết
- những tiếng leng keng của trẻ mục đồngchỉ là ngọn gió đắngthổi qua tán cây cao nhất
- tôi dấu trong túi quần jeans một nỗi buồn nhỏmỏng hơn lát bánh mìmột lời nói dối tuyệt đẹpnhư nếp gấp trên chiếc sơ-mi trắng
Bàng bạc trong thơ Nguyễn Man Nhiên là nỗi cô đơn, lạc lõng, bất toại của kiếp người. Phận người là những mảnh ghép, rã vụn, tứ tán. Đời người là những dòng chảy đứt đoạn, phân tỏa, rẽ hướng, hoặc lạc loài vô định, hoặc đọng vũng ao tù. Cái “tôi” của Nhiên vì thế thành bất định hình, bất định danh, là đa chủ thể (multi-subject), cái “tôi” không một phút an tại, thường tra vấn, và bị tra vấn, thường phủ nhận và bị phủ nhận, cái “tôi” đó thường trực hóa thân. Kafka chỉ thấy mình hóa hình thành con sâu khổng lồ, Nhiên thấy mình hóa thân thành đủ loại:
- tôi, một bóng ma mắc chứng tự kỷ- tôi nhìn thấy tôi chìm đắm, nhăn nhíu và bẩncơ thể của một đứa trẻ da trắng gầymong manh và trơn tuột
- tôi là một xác chết lủng lẳngtrên tầng áp mái….tôi là một anh hùng được tân trangvới những móng tay cắt tỉa….tôi là một cây thông nín thởtrên nền trời nửa đêmmột tù nhân của thời gian
như những bức tượng thánh trong khung kính
Nghĩ mình hóa thân là biểu hiện một trạng thái tâm lý bất an, cô quạnh, đơn độc vì mặc cảm bị bỏ rơi,hay thật sự bị bỏ rơi, không thông cảm và gần gũi mình. Người mang tâm trạng này đành thu mình lại, ẩn cư, xa lánh mọi người xung quanh và nghi ngờ ai cũng dè bĩu, khinh thi, từ chối hay sát phạt mình:
- một cái miệng nhỏ xinh xắn với hàm mở tovà răng của nó nhe vào tôi, dọa dẫm
- một nơi nào đó ở giữa những đám mây bị rơivà những con chim đang mắc kẹt trong lưới nhựamột chiếc bánh rán mặt thuỗn ra trông sợ hãi dưới vỏ bọc của đêmmột cái gì đó kéo dài cổ tôi, đánh dấu trên lưng tôi, làm rỗng tròn tâm hồn tôivà giữ tôi không ngủ
- hàng xóm của tôi là một con ma phiền muộnvới gọng kính dàyhắn đang bỏ bom tôinhững ngày phập phồng giả tạotôi ngã và rơi xuốngnhư con tàu bị đánh đập
bị giết chết từ từ
Bởi tự kỷ, người mang hội chứng Kafka như thế thường nghĩ mình nhỏ nhoi, yếu đuối, vô danh, không cõi trú như hài nhi vô thừa nhận, như mảnh đá trầm tích, chẳng hạn cứ cho mình là: mất tăm dưới đáy biển sâu, một đứa bé da trắng gầy mong manh và trơn tuột trong bồn rữa chén, một con tàu bị đắm, (người) bị mắc kẹt trong cái miệng hoang dã của mặt trời, một cái chuông trong thiên hà xoắn ốc, con tàu ma trôi dạt trên biển,…
Các ý thơ của Nhiên là những cú nhảy băng của trí tưởng, của cảm xúc, nhưng dù không được quảng diễn theo cú pháp, văn phạm qui ước, ta vẫn có thể hiểu được theo thuật liên tưởng. Thơ anh không còn biên giới giữa thơ mới, thơ siêu thực, thơ hiện đại hay hậu hiện đại. Như bài “Guốc Mộc”, “Bài Thơ Nhỏ Về Tình Yêu”, mang hương sắc của dòng thơ mới. Đến bài “Thơ Khỏe, Còn Anh?”, “Tôi Thả Tôi Giữ Chiều Đà Lạt” thì những ẩn nghĩa không còn, ý tưởng được dàn trải “huỵch toẹt”, rành mạch, rõ ràng. Thơ Nhiên là những dòng văn xuôi, để đọc chứ không thể ngâm. Riêng những bài đoản khúc, ngâm sẽ hay, câu thơ ngắn, hình ảnh mới lạ, nhịp thơ chậm, ngắt đoạn tinh tế, âm tiết thật mượt mà, tinh xảo. Chẳng hạn bài “Tôi Thả Tôi Giữa Chiều Đà Lạt”:
tôi thả tôi quanh quấtđường ong nắng mậtdốc em lên chum chúm vú đồi
tôi thả tôi lóc cóc ngược xuôingựa già mỏi vómây đi hoang thổ mộ về trời
tôi thả tôi mùa sương đăm đắmchân sẻ ngập ngừngmổ hạt chiêm baotôi thả tôi đà lạt chớm chiềuđuôi mắt ngây ngâyem gầy dáng rét
Với những bài thơ trường khúc, khi đã “cảm” được tứ thơ, “nhập” được hồn thơ, dù không có vần, thơ vẫn dễ dàng diễn đọc diễn tấu theo nhịp ngắn dài, ngưng lặng, gằn nén, thỏ thẻ hay cao giọng, buồn hay vui, lặng lờ hay phẫn nộ, rã rời hay chán ngán,… hồn thơ sẽ được khơi tỏa, mỹ cảm sẽ khởi sắc, tứ thơ sẽ thắm đượm. Hãy xem thơ Hài Cú của Nhật tinh giảm còn 17 chữ, cấu kết thành 3 câu súc tích 5-7-5 nối liền một dòng, thế mà người đọc, bằng liên tưởng, vẫn giải mã, thấm nhập được các ẩn nghĩa của hình ảnh, ý tưởng trong thơ. Thơ của Nhiên là những đoản khúc, trường khúc văn xuôi, gợi mở bằng những thi ảnh, thi tứ tuy mới mẻ nhưng cũng dễ làm người đọc cảm ứng đồng điệu.
*
Nhưng coi chừng! Nhà thơ, nhà văn khi viết theo một phong cách đặc thù, có thể do sở trường, do cảm hứng, do tài nghệ hay do chọn lựa có mục đích. Sự sáng tạo dẫn đến cách tân, cái cũ bị chối từ, muốn lãng quên, muốn dứt điểm giã từ vì người sáng tạo không muốn đi hoài trên vết mòn bế tắc, đường xưa lối cũ đơn điệu, tẻ nhạt, không khí cũ ẩm mốc, ngột ngạt, dòng sông xưa cạn kiệt sức chảy. Lý do canh tân trong cách viết, cách làm nghệ thuật không nhất thiết do sự bế tắc, mòn cạn, bảo thủ của chính văn chương, nghệ thuật đương thời có khi do sự mong mỏi bứt xích phá xiềng để giải thoát con người nói chung (chứ không riêng gì cho con người văn nghệ) khỏi mọi tù túng, giam hãm, mất sinh khí của xã hội, thời thế, thời đại.
Quả là khó hiểu tác phẩm của người viết ra đời và ra mắt vì sao. Là sáng tác do cảm hứng tự nhiên(?) hay do bức xúc cuộc sống vô nghĩa, môi trường sống bất toại, quyền sống bị phong tỏa, bị tước đoạt, v.v…(?) và, ngòi bút là tiếng gào đòi hỏi đổi thay. Người viết đôi lúc làm kẻ giả hình để bước qua cầu sinh tử. Hãy nhìn Nguyễn Man Nhiên kìa! Đừng tưởng nhà thơ chỉ than oán, bi lụy, nằm ngủ oải mệt, đẫn đờ như thân ốc nhừ xác trong vỏ mọc rêu xanh. Không đâu! Mắt nhà thơ tinh lắm, tai nhà thơ thính lắm, nhà thơ đang tỉnh táo quan sát chúng ta, theo dõi ngoại vật, đánh giá tất tất bằng những máy dò thiên bẫm nhạy bén dấu trong nội thân, trong vỏ sọ tinh tế của người thơ hay đâu đó giữa tầng không lơ lửng. Người thơ đo cảm xúc bằng lửa nham thạch, bằng đá băng sơn, đo vui buồn bằng đêm và ngày, biển sâu và rừng thẳm, đo phấn khởi chán ngán bằng bụi xương rồng và đám nấm mốc, đo tình yêu và ghen hờn bằng mây trời, sóng nước, đo cô đơn, đôi lứa với sắc màu, tường xám, xà phòng. Người thơ chẩn đoán, thăm dò, phát hiện mọi hành vi, phản ứng, xung động từ thân và tâm của đối tượng không chừng còn chuẩn xác hơn máy nội soi siêu âm, máy soi cắt lát, máy cọng hưởng điện từ. Người thơ phải chăng là kẻ ngụy tín, thầy phù thủy, vị tiên tri hay chỉ là người cưu mang thân phận như chúng ta ? Ai biết! Thôi cứ tin yêu, tìm mối chân tình hạnh ngộ trong (hay sau) những lời viết của nhà thơ.
*
Khi người làm thơ hậu hiện đại không chấp nhận mọi rào cản của tri thức, ý tưởng thông thường, không nhân danh, không lập thuyết, không đi theo những đường rầy tiền lập nhưng cũng không phủ bác những dòng văn học đi trước, thì mọi cố gắng lý luận về sự hiện hữu của chủ trương hậu hiện đại sẽ rơi vào bế tắc của luận lý triết học: phủ định của phủ định; nhưng mệnh đề này lại là một xác định.
Baudrillard, nhà tư tưởng thời danh, phê phán rằng văn hóa, tư tưởng, chính trị, kinh tế nhân loại là đang đi vào bế tắt, vô vọng. Ông được xưng tụng là vị giáo sĩ cao trọng của thuyết Hậu Hiện Đại (high priest of postmodernism) nhưng ông đã từ chối tên gọi này trong buổi diễn thuyết ở New York năm 1986, với ông: “Thuyết Hậu Hiện Đại… chẳng có nghĩa gì cả. Nó không thể xác nhận cái gì đang diễn tiến. Chỉ là rỗng tuếch, theo tôi phân tích” (It doesn’t have a meaning. It’s impossible to define what is going on now. There’s a void, which I analyse.). Không lưu tâm chuyện Baudrillard chê hay khen cái-gọi-là Hậu Hiện Đại, phải chăng chữ “void” ông dùng thật hứng cảm cho người làm thơ. Bản thân Hậu Hiện Đại là một nghịch lý (paradox), biết mình hiện hữu nhưng nghi ngờ hay từ chối mọi cảm tính và tri thức thường nghiệm có khả tính nhận ra mọi biểu hiện của sự hiện hữu chính nó. Phải chăng đã lộ ra chủ ý: Hậu hiện đại đòi hỏi người nhận (độc giả) khi nhận thông điệp (tác phẩm) phải có cảm tính, tri thức MỚI về cái không thực, không có, cái rỗng không (void).
Baudrillard có lần phát biểu: ”Nếu bạn thấy trên ván cửa có ghi: “Cửa này mở vào rỗng không” liệu bạn có còn muốn mở nó nữa không?” (If you were to see written on a door panel: ”This opens onto the void”, wouldn’t you still want to open it?).
Chẳng có gì để ưu tư, Đức Phật há chẳng đã dùng ngữ nghĩa tục đế giúp mọi người lần về đạo đế, đã nói về Tánh Không bằng ngôn ngữ thường đàm và thực chứng qua Thiền tịnh đó sao! Và sau 48 năm du thuyết, Ngài lại xác nhận “Ta không nói lời nào”.
Krishnamurti trong những bài nói chuyện cuối đời (7/1985) trước khi mất (đầu năm 1986) giữa vùng đồi núi Saanen an bình của Thụy Sĩ đã dứt khoát phủ nhận danh xưng “guru” hay “leader” do thính giả ban tặng.
Kafka sau bao đớn đau dày vò để tìm lẽ sống thật (real life) trong cùng cực cô đơn, và khi sắp chết vì lao phổi, đã nằng nặc nhờ bạn đốt hết những giấy tờ, thủ bút văn bản của mình. (May mà người bạn Max Brod đã từ chối, hậu thế mới biết văn tài kỳ diệu của Kafka!)
Cái “không” khi phủ bác mọi hiện hữu, đã làm hiện hữu thêm rạng rỡ tồn sinh. Cái “không” của Bát Nhã Tâm Kinh “không sanh, không diệt – không dơ, không sạch - không tăng, không giảm” một lần nữa được Nguyễn Man Nhiên tuyên thuyết về phận người bào ảnh, sương khói của mình:
- Không có thời gian cho câu hỏi từ bề mặt của tuyệt vọng
có thể là ngày mai, có thể vào tuần tới, cũng có thể tôi không bao giờ trở lạithu thập các mảnh của trò chơi ghép hìnhkhông có ngôn ngữ, không có các ngày trong tuần, không có quan chức chính phủbị đe dọakhông có gì để loại bỏ, không có gì để thêm, không có gì được chấp nhận hoặc bịtừ chốidòng chảy của sự thờ ơ không bao giờ dừng lại*
Chỉ có thơ mới đi nổi những bước nghịch hành để nói lên những mâu thuẫn: hạnh phúc cũng là khổ đau, thăng hoa cũng là đọa lạc, thiên đàng cũng là địa ngục. Đến với thơ Nhiên, đừng chuẩn bị những nhãn hiệu, đừng phân vân trước hữu thức lẫn vô thức. Dù lời thơ Nguyễn Man Nhiên miên man như những lời kinh nguyện của một đạo sĩ u trầm giữa rừng già cô tịch hay đại mạc hoang vu, hãy đến bằng cái tâm không, bằng tâm và thức rỗng lặng, sẽ nghe tiếng thơ Nhiên vỗ cánh lướt từ bóng tối ẩn áo (của) tâm hồn bay vút vào không gian lồng lộng (của) cảm xúc, bạn sẽ cảm nhận được tiếng cựa mình của những cánh hoa thơ ẩn nghĩa bung nở thành đóa ý tứ hương sắc không chút dị thường. Tin rằng tiếng thơ của Nguyễn Man Nhiên không hề tiềm tại bệnh chứng ưu uất mà là bản cáo trạng về không gian chật hẹp, tù túng, dằn nén lên phận người muốn thở, muốn nói, muốn viết thảnh thơi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét