Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015
Võ Phiến - Nguyên Vẹn (Kỳ 24)
![]() |
Nhà văn Võ Phiến (Hình: Dân Huỳnh) |
Bà Năm Mông
thường nói đến người cha già ở Faribault. Lần đầu tiên Dung biết đến người cha
ấy là một hôm đến nhà chơi, gặp bà ta đang nói chuyện với ông cụ qua điện
thoại, giọng thật dịu dàng, trìu mến. Lúc bỏ ống điện thoại xuống bà ta quay
lại cắt nghĩa:
— Tôi vừa nói với ba tôi. Ông cụ
ở cách đây năm chục dặm. Đáng lẽ mai tôi đi thăm ổng theo thường lệ, nhưng thời
tiết ngày mai được tiên đoán là xấu, có thể bão tuyết, nên tôi báo tin ông cụ
biết chừng là sẽ không đi được. Tuần sau vậy.
Dung tò mò hỏi về cái lệ thường;
bà ta bảo mùa xuân mùa hè, trời ấm áp, mỗi tuần bà đi Faribault một lần, còn
mùa này (bà nhún vai): “Không thể biết thời tiết cho phép lúc nào”.
Ở một người đàn bà phóng túng như
thế, ham vui như thế, cái định kỳ một tuần một lần thăm viếng cha già cách xa
ngót trăm cây số làm cho Dung ngạc nhiên. Nàng muốn thăm dò xa hơn nữa về cái
tình cảm gia đình của dân tộc xứ này. Và hôm đó bà Năm Mông đã kể cho nàng nghe
về cha mẹ, về hai bà dì, về ngôi nhà, cái xe, về cái sở thích đối với những cây
cầu có mái che của người cha.
Bà Năm Mông, người đàn bà hay đùa
nghịch ấy, lúc này nói năng nghiêm chỉnh; không đề cập gì tới tình thương cha,
bà ta trình bày chuyện nhà một cách giản dị. Tự nhiên Dung mến bà, mến người
cha ấy và tỏ ý muốn theo bà ta đi Faribault trong một chuyến thăm cha. Bà ta
vui vẻ cười to:
— Được chứ, được chứ. Nhưng không
phải mùa này chứ hả?
Dung lắc đầu rụt cổ:
— Mùa này thì chịu. Ngoài những
chuyến đi làm, nhất định không ham ra ngoài trời một chút nào.
Bà Năm Mông lại cười khanh khách:
— Nhưng lễ Valentine tới đây thì
cô phải đi với tôi. Cả cô cả vợ chồng Nguyện. Nhà thờ tổ chức vui lắm. Tôi sẽ
lôi các người đi.
— Valentine?
— Ừ, ngày 14 tháng 2. Ngày lễ của
tình nhân.
Dung đau nhói: Nàng? Đi dự ngày hội
của những cặp tình nhân! Người đàn bà tốt bụng kia đâu có biết đến cái ý nghĩa
mỉa mai ấy.
Ấy vậy mà rồi rốt cuộc đêm hôm ấy
nàng vẫn đi tới nhà thờ dự lễ Valentine, ăn những chiếc bánh hình trái tim đỏ.
Lễ tổ chức ở phòng họp của nhà
thờ, nơi đã đón nàng hôm đầu tiên. Mỗi người đến dự, tự mình cầm dĩa giấy đi
mua lấy món ăn ở quầy thực phẩm, rồi tìm lấy chỗ ngồi. Hôm ấy Nguyện rủ Dung
mặc áo dài. Dĩ nhiên bên ngoài bộ quốc phục phải đắp thêm mấy lớp đồ ấm; khi
vào phòng ấm mới cởi hết lớp nọ đến lớp kia.
Lúc chị em nàng vừa ngồi vào bàn
thì một người con gái thật xinh mang hai dĩa đồ ăn chạy đến ngồi bên cạnh, vồn
vã hỏi han về chiếc áo dài. Mãi một lúc nàng mới biết đó là cô con gái ông mục
sư. Hình như Dung đã gặp cô ta ở đâu đó một lần, nhưng quên bẵng.
Cô gái nhỏ tuổi hơn Dung nhiều,
mới mười chín tuổi, đang học năm đầu tiên ở đại học. Cô ta cho biết muốn tự do,
không ở chung với cha mẹ; vì vậy phải đi làm việc ngoài giờ học để tự đài thọ
cuộc sống riêng. Thấy cô ta có vẻ thành thực thích áo dài, Dung hứa sẽ may cho
cô một chiếc.
Một lát sau nàng thấy Julie — cô
con gái của ông mục sư — tiến lên khán đài, hát một bản tình ca. Bà Năm Mông
nghiêng về phía nàng giải thích: Hai ba năm nay, năm nào Julie cũng được mời
hát. Cô ta hát cừ lắm nhé. Kìa, người đang đánh dương cầm là bạn đồng hội của
bố tôi đấy: bà ta thích sử học, và cũng là hội viên hội Cầu Mái Che ở tiểu bang
này.
— Hội cầu...? Nguyện hỏi lại.
Bà Năm Mông bảo:
— Tôi đã nói với cô Dung về cái
hội ấy. Hội Cầu Có Mái Che, của những người nghiên cứu và bảo vệ những cây cầu
kiểu xưa cũ này, hiện còn sót lại cũng nhiều. Bố tôi mê những cây cầu ấy.
Một người đàn ông ghé lại từng
bàn phát những tờ giấy trên có in sẵn một số bài hát. Một lúc, tiếng dương cầm
nổi lên, rồi mọi người cùng hát theo. Thoạt tiên, Dung không mấy chú ý, không
hát. Một phần vì nàng không thuộc điệu hát, một phần nữa vì không thấy hứng thú
gì. Nhưng dần dần, tiếng hát xung quanh vẳng vào tai nàng; có những câu làm cho
người con gái không thể không thấy xao xuyến:
“I
love you truly, truly dear.
Life with its sorrows, with its tears,
Fades into dreams when I feel you are near;
For I love you truly, truly dear.”
Bài hát được hát đi rồi hát lại
hai lần, Dung bất giác lặp theo mọi người. Một xúc động bất ngờ làm nàng cúi
gầm đầu xuống, không dám trông ai, không muốn để ai trông thấy nét mặt mình.
Nàng có cảm tưởng nếu nhìn lại ai nấy đều có thể đọc rõ sự lẻ loi trên mặt
mình.
Giữa hai bài hát có một khoảng
ngưng nghỉ. Người ta trở lại chuyện trò. Chợt giữa tiếng trò chuyện lộn xộn,
Dung để ý đến tiếng ai hát khe khẽ mấy câu vừa rồi:
“Life
with its sorrows, with its tears,
Fades into dreams when I feel you are
near”.
Nói cho đúng đó là tiếng ai tập
hát lại bài cũ, vì nghe còn ngập ngừng, sai giọng. Dung liếc nhìn thì vừa gặp
mắt Nguyện! Trong ánh mắt có cả sự ái ngại, thương xót, lẫn lúng túng bối rối.
Dung thông cảm: Nguyện trót say
sưa với hạnh phúc của mình, quên Dung, và cái nhìn gặp nhau bất ngờ như nhắc
lại cho nàng thấy mình vừa có lỗi với bạn. “Tội nghiệp con Nguyện”, Dung nghĩ
vậy và nở một nụ cười tha thứ ngượng nghịu. Nguyện cười theo, không khí trở nên
nhẹ nhàng.
Cả phòng lại hát. Nhưng Dung để ý
thấy Nguyện chỉ hát theo mấy câu rồi bỏ cuộc. Nàng nói gì với anh Thu, rồi lấy
bút chì viết loáy hoáy sau lưng tờ giấy in bài hát.
Dung cũng không hát theo kịp,
nàng cầm tờ giấy lẩm nhẩm đọc theo tiếng hát xung quanh:
“In
the shade of the old apple tree,
Where the love in your eyes I could see
...
I could hear the dull buzz of the bee
In the blossoms as you said to me,
“With a heart that is true,
I’ll be waiting for you,
In the shade of the old apple tree.”
Nàng bàng hoàng: một kỷ niệm gì
hiện về chưa rõ rệt, nhưng chắc chắn phải có một kỷ niệm liên quan đến hình ảnh
trong câu hát. Dung thẫn thờ suy nghĩ...
Vừa lúc ấy, Nguyện đẩy lại trước
mặt nàng tờ giấy với mấy dòng nguệch ngoạc. Nguyện cười vui, cởi mở. Dung đọc:
Yêu
chàng yêu quá chàng ơi!
Đời
dù cay đắng lệ rơi muôn vàn
Cũng xem như giấc mộng vàng
Miễn sao mãi mãi có chàng có em
Sá gì đêm trắng lệ đen
Trên đời miễn được có em có chàng.”
Dung đọc đi đọc lại vài lần rồi
nói:
— Dịch vậy đó hả? Đoạn chót làm
gì mà phịa ra vung vít om sòm vậy?
Nguyện cười ngặt nghẽo:
— Thích thì vung tay cho sướng.
Tội gì không phịa. Bộ mình thua ai mà phải khép nép theo sát người ta từng lời
từng chữ?
Dung nghĩ: Nguyện thấy đã không
giấu được, đã trót bị bắt gặp thì không nên úp úp mở mở nữa, cứ đưa ngay cái
bài hát này ra, cái đề tài hạnh phúc này ra, tạo một không khí cởi mở để xí xóa
sự xa cách giữa hai chị em. Thực ra lúc ấy, Dung cũng không còn bị ám ảnh về
mấy câu tình ca tha thiết kia nữa. Nàng thực tình hưởng ứng sự vui vẻ của bạn:
— Thôi bà. Huênh hoang vừa thôi —
Dung đẩy tờ giấy về phía Nguyện — Trao thơ cho chàng đi.
— Trao hả? Còn khuya. Ông đó biết
gì thơ với thẩn. Tao làm thơ để... đi vào lịch sử văn học chứ bộ để trao ai
sao?
Anh Thu cười hiền lành, đưa tay
nắm trái tai của vợ kéo nhẹ rồi bỏ ra ngay.
Đèn trong phòng vụt tắt. Trong
bóng tối nghe tiếng bà Năm Mông cười lên khanh khách. Mọi người ồn ào, nhốn
nháo, la giỡn. Rồi đèn lại bật sáng. Người ta đùa giễu nhau về những hoạt động
trong cái phút tối lửa tắt đèn vừa qua dành cho các người yêu nhau.
Rồi khách trong phòng cùng đứng
lên, tự khiêng lấy bàn ghế, sắp xếp lại, quay về một phía để chờ xem chiếu một
cuốn phim: phim quay buổi du ngoạn và pic-nic của các hội viên nhà thờ vào một
ngày mùa hè hăm ba năm trước. Có những cặp vợ chồng ngày nay tuổi đã xế bóng
nhìn lại mình trên màn ảnh dưới bóng dáng những cặp trai gái nhanh nhẹn tình
tứ. Có tiếng người này nhắc nhở cho người kia:
— Đấy. Chính ông Alexandre. Ông
ấy đấy. Hồi đó ông ta gầy nhỉ.
— Vợ chồng Dawson đấy mà. Cặp ấy
bây giờ sống bên Wisconsin... Vâng, Eau Claire, Wisconsin.
— Coi kìa. Bà mục sư hồi nhỏ đẹp
thật. Julie bây giờ trông giống má nó ngày trước. Hồi ấy làm gì đã có nó?
Dung ngồi yên, mắt vẫn trông lên
màn ảnh, nhưng tâm trí lãng đãng. Trong bóng tối của gian phòng nàng thầm ôn
lại mấy câu:
“In
the shade of the old apple tree
...
I could hear the dull buzz of the bee”.
Và một hình ảnh hiện ra dần dần
trong trí nàng: hình ảnh ông Tùng dưới bóng cây mận ngày nào trên hòn cù lao
giữa con sông Hậu... Ông Tùng và nàng... Tiếng con tàu Hải quân xình xịch ngoài
sông... Nước lấp loáng ngoài xa, cuối khu vườn rộng, qua kẽ lá. Mấy con heo
kiếm ăn loanh quanh bên gốc cây... Con ong bầu bên cạnh hoa mận... Nhụy hoa mận
đổ lả tả như tóc trắng dưới chân hai người...
“I’ll
be waiting for you
In the shade on the old apple tree”...
Dung thấy ngường ngượng. “Nhảm!
Làm gì có chuyện như thế? Giữa nàng và ông Tùng đâu có gì.” Tuy nhiên nàng
không thể xua đuổi được cái hình ảnh nọ. Tiếng chiếc máy chiếu phim kêu xè xè,
cảnh nọ người kia lần lượt xuất hiện múa may trên màn ảnh; trong căn phòng mờ
mờ tối, người con gái bâng khuâng mường tượng thấy khuôn mặt của ông Tùng với
đôi mắt mở lớn sau cặp kính cận thị, chầm chậm nhìn nàng từ xa, rất xa, thăm
thẳm.
Đèn trong phòng bật sáng, buổi
chiếm phim chấm dứt. Ai nấy ra về. Lúc Dung dừng bước ở phòng ngoài để mặc lại
áo ấm và đội mũ trùm đầu, nàng tình cờ gặp Julie bên cạnh. Cô ta kêu bà mục sư
khoe:
— Má, con sẽ có cái áo dài Việt
Nam. Cô Dung hứa may cho con.
Bà mục sư làm ra vẻ ngạc nhiên,
khen ngợi:
— Cô biết may thứ áo đẹp đẽ này
đây hả? Cô khéo tay quá. Julie nó thích mặc đẹp... À, cô đã được cái thư rồi
chứ?
— Thưa, thư nào ạ?
— Kìa, cái thư từ bên Âu châu gửi
sang, tôi đã chuyển sang cô ngày hôm qua... Không, ngày kia.
Dung nghĩ ngay đến người anh của
Triệu ở Tây Đức. Khi xuất trại nàng thông báo cho các chỗ quen biết cái địa chỉ
của nhà thờ bảo trợ để tiện liên lạc nhau, bởi vì lúc bấy giờ nàng chưa biết
rồi sẽ thuê nhà ở đâu, dời đổi thế nào. Nàng bồn chồn. “Đã mấy tháng nay không
tin tức, tự nhiên có thư. Chắc có chuyện quan trọng. Chuyện gì xảy ra? Triệu đã
trốn thoát?” Dung thấy mình run lên nhè nhẹ.
Trước thềm nhà thờ, Thu và Nguyện
đứng chờ nàng. Thấy nàng vừa đến, Thu đưa tay cho vợ vịn để bước ra bãi đậu xe.
Nguyện bảo:
— Anh đi trước, ra nổ máy xe cho
nó ấm. Rồi tụi này ra sau.
Dung nghĩ đó là một sự tế nhị của
Nguyện. Anh Thu đưa tay đỡ vợ đi qua khoảnh sân đóng băng bóng loáng trơn
trượt, là do thói quen của một người ngay tình, nhưng Nguyện ngại cử chỉ ấy có
thể làm Dung nghĩ tới sự lẻ loi của mình và tủi thân. Nguyện quay lại nắm cánh
tay Dung:
— Đi, cô.
Hai người thận trọng từng bước
chân. Dung vừa đi vừa nói:
— Thế này mà Mỹ nó bảo trời đã
ấm.
— Giờ này 34 độ F. Trên không độ
bách phân là khá rồi.
Bên chân họ, mấy mẫu giấy vụn bị
gió thổi, chạy lạt xạt trên một mặt xi-măng ráo khô, băng đóng cứng ngắc. Trên
đầu, bầu trời trắng như sa xuống thấp xịt.
Đi bên nhau ra đến giữa bãi,
Nguyện nói nhỏ vào tai Dung:
— Thưa với má giúp tao cái này
nghe... Bảy tháng nữa má có... cháu nội.
Dung nhìn thẳng vào mặt bạn, thay
cho một câu hỏi lại. Nguyện gật gật đầu, cười để giấu mắc cỡ.
Một luồng gió thổi mạnh làm tất
cả quần áo sát vào người, khiến hai nàng lạnh tê cả mặt.
(Còn
tiếp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét