Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015
Nguyễn-Xuân Nghĩa & Nguyên Lam, RFA - Trung Quốc vùng lên
![]() |
Một nhà đầu tư ngồi trước màn hình hiển thị chuyển động thị trường chứng khoán tại một nhà môi giới ở Thượng Hải vào ngày 29 tháng 7 năm 2015. |
Sau hai tuần tạm lắng, thị trường cổ
phiếu Trung Quốc lại tuột giá mạnh và gây mối quan tâm cho các nước trên thế
giới. Nhưng hình như vấn đề của Trung Quốc không chỉ là biến động trên các thị
trường tài chính mà còn có nhiều nguyên nhân sâu xa hơn. Diễn đàn Kinh tế với
chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa và Nguyên Lam sẽ tìm hiểu vì sao giai đoạn tăng
trưởng vừa qua của Trung Quốc chỉ là một sự trỗi dậy ngắn ngủi và sau vài chục
năm nữa thì xứ này lại trở về vị trí cũ với khá nhiều bài toán phải giải quyết.
Chưa
giàu mà đã già
Nguyên Lam: Thưa ông, sau biến động dồn dập
của thị trường chứng khoán Trung Quốc, Nguyên Lam đã tìm hiểu lại về sức mạnh
kinh tế của xứ này và thấy là từ lâu rồi tiết mục chuyên đề của chúng ta đã nói
đến những giới hạn của kinh tế Trung Quốc. Trong một chương trình từ đầu năm
2012, ông còn nhấn mạnh đến sự kiện dân số như một định mệnh khiến dân Tàu chưa
giàu mà đã già và xứ này sẽ đi vào chu kỳ suy trầm chậm rãi và khó tránh được.
Kỳ này thưa ông, xin đề nghị là chúng ta lại trở về những vấn đề ấy.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng cách cô nêu vấn đề là
điều có ích cho thính giả. Lý do là nhiều người trẻ mới chỉ thấy sự thay đổi
tại Việt Nam, Trung Quốc hay Liên bang Nga trong có vài chục năm qua mà ít cơ
hội nhìn sâu hơn trong thời gian và xa hơn vào không gian để đánh giá tiềm năng
của phát triển hay sức mạnh trường kỳ của một quốc gia.
Trước hết, ta cần đả phá một huyền
thoại, là điều không có thật mà cứ được loan truyền. Đó là đà tăng trưởng kinh
tế của Trung Quốc trong 30 năm, từ 1949 đến 2009, là hiện tượng bình thường đã
từng thấy ở nhiều nơi bắt đầu áp dụng quy luật thị trường, chứ không là sự kỳ
diệu, là phép lạ. Thứ hai là sau giai đoạn tăng trưởng cao mà thật ra thiếu
phẩm chất, Trung Quốc bắt đầu bước qua chu kỳ đình trệ như rất nhiều quốc gia
đi trước. Thứ ba là nhìn trong trường kỳ thì Trung Quốc còn bị giới hạn bởi yếu
tố dân số hay nhân khẩu. Một cách cụ thể, họ quá sớm gặp hiện tượng lão hóa dân
số vì chính sách “mỗi hộ một con” nên chỉ vài chục năm nữa thôi xứ này sẽ chấm
dứt thời họ gọi là “quật khởi”. Hậu quả sẽ là nhiều thay đổi lớn cho cả khu vực
Đông Á…
Nguyên Lam: Chúng ta sẽ lần lượt đi vào các
khía cạnh nói trên. Trước hết, thưa ông, vì sao thành quả phát triển của Trung
Quốc không là phép lạ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nhiều người mới chỉ có cơ hội nhìn
ra thế giới bên ngoài từ khi Việt Nam đổi mới kinh tế, lại còn bị giới hạn về
nhận thức lịch sử nên khó biết được rằng “ngoài vòm trời này còn có vòm trời
khác” và rằng mô hình của Trung Quốc không thể là mẫu mực cho Việt Nam. Một số
thính giả của chúng ta có nêu câu hỏi ấy nên từ mấy năm trước diễn đàn này mới
có loạt đề tài về những yếu tố thật sự đóng góp cho sự thịnh vượng của một quốc
gia.
Sau 30 năm hoang tưởng của Mao Trạch
Đông từ 1949 đến 1978 khiến mấy chục triệu người chết oan mà dân Việt Nam không
biết, thậm chí còn không được quyền biết, y như người Tàu, thì Đặng Tiểu Bình
mới tiến hành cải cách và cởi mở kinh tế từ đầu năm 1979, ngẫu nhiên cũng vào
một năm Mùi như năm nay. Khi ấy, Trung Quốc học chiến lược phát triển của nhiều
xứ Đông Á đã chuyển theo kinh tế thị trường từ trước, như Nhật, Nam Hàn, Đài
Loan và cả Singapore.
Chiến lược ấy lấy đầu tư làm lực đẩy
cho sản xuất và sản xuất nhiều và rẻ thì tìm sức kéo ở xuất khẩu. Trung Quốc
chẳng phát minh ra chiến lược này nhưng có ưu thế là dân số rất cao, nhân công
nhiều và rẻ được giải phóng khỏi chế độ tập trung kế hoạch nên đạt mức tăng
trưởng bình quân là gần 10% trong ba chục năm. Với sức tăng trưởng đó thì mỗi
bảy năm sức nặng kinh tế của xứ này coi như nhân đôi, làm nhiều người gọi là sự
kỳ diệu. Họ không thấy chuyện tương tự ở các nước Đông Á đi trước, khi ấy từng
được ngợi ca là “tân hưng”, với phẩm chất rất cao của tăng trưởng chứ không tệ
như Trung Quốc. Sau đó các nước này đã chuyển hóa từ lượng thành phẩm và thoát
ra khỏi hiện tượng giới kinh tế gọi là “cái bẫp xập của lợi tức trung bình” để
có đà tăng trưởng thấp hơn nhưng người dân có mức sống cao bằng các nước công
nghiệp hóa tiên tiến. Chi tiết cần chú ý ở đây mà nhiều người Việt, Tàu hay Nga
không thấy là các nước này cũng đã tự chuyển hóa qua chế độ dân chủ nên từng
bước có khả năng tìm ra và áp dụng giải pháp có lợi nhất cho đa số.
Một trung tâm môi giới chứng khoán ở
Thượng Hải vào ngày 29 tháng 7 năm 2015. AFP PHOTO.
Nguyên Lam: Xin đề nghị ông nêu ra một vài
con số để quý độc giả của chúng ta có thể so sánh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Theo một công trình nghiên cứu của
Ngân hàng Dự trữ Hoa Kỳ tại khu vực Minneapolis vừa công bố vào Tháng Năm thì
lợi tức bình quân một đầu người của Trung Quốc đã từ 1.300 đô la vào năm 1980
tăng đến 7.700 đô la vào năm 2010, là tăng 500% trong 30 năm. Đấy là sự ngoạn
mục nếu ta không thấy dân Nhật, Nam Hàn hay Đài Loan lại giàu gấp bội, với lợi
tức đồng niên, hay năng suất một đầu người, ngày nay là hơn 36.000, hơn 28.000
hay hơn 22.000. Đó là nhìn vào không gian. Nhìn theo trục thời gian thì ta thấy
một trào lưu chung là sau thời tăng trưởng cao như khi một phi cơ mới cất cánh
thì các nước đó bước vào thời trưởng thành với đà tăng trưởng thấp hơn.
Nhật Bản đã cất cánh từ 1951 và Nam
Hàn từ 1954 và sản lượng bình quân một đầu người đã tăng rất mạnh trong mấy
thập niên đầu rồi chậm dần. Của dân Nhật thì khởi đầu bình quân là 6,1% một năm
rồi 5,4% một năm vào thập niên 1970, rồi chỉ còn 2,2% từ thập niên 90 trở đi.
Nam Hàn cũng thế, sản lượng bình quân một đầu người tăng 8,5% một năm trong
thập niên 80, rồi 5,8% trong 10 năm sau, và từ quãng 2000 trở đi thì chỉ còn
3,8% một năm. Trường hợp Trung Quốc cũng không khác và họ đang bước vào thời
đình trệ, nhưng với lợi tức trung bình một năm vẫn ở dưới 10 vạn đồng và lạc
quan lắm thì năm 2030 sẽ bằng 32,8% của dân Mỹ hoặc quãng 2061 thì bằng được
phân nửa của dân Mỹ.
“Định
mệnh” của quốc gia
Nguyên Lam: Thưa ông, với dân số rất lớn,
bằng 20% của dân số toàn cầu, kinh tế Trung Quốc có sức nặng tổng hợp khiến
nhiều tổ chức quốc tế dự đoán kinh tế xứ này đã bắt kịp Hoa Kỳ từ năm ngoái
hoặc sẽ bắt kịp nước Mỹ vào năm tới. Nhưng nếu so sánh bình quân một đầu người,
mà ông gọi là năng suất của từng người dân, thì Trung Quốc đang vào thời trì
trệ như các quốc gia đi trước và lạc quan lắm phải 45 năm nữa thì mới bằng phân
nửa dân Mỹ. Đã vậy và chúng ta đi vào phần chính của đề tài, dân số Trung Quốc
lại sớm bị lão hóa. Chuyện ấy là như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta đi vào loại chuyển động
chậm rãi, lâu dài mà khó cưỡng nên mới gọi là “định mệnh” của quốc gia. Số là
do hạn chế về nhận thức của lãnh đạo, rằng mỗi người dân lại là một miệng ăn và
nạn nhân mãn sẽ làm xứ sở nghèo đi, khi tiến hành cải cách từ đầu năm 1979, Bắc
Kinh cũng ban hành chính sách kiểm soát dân số do một Nghị quyết đề ra từ năm
1978. Họ quy định là mỗi hộ chỉ được có một con. Hiện tượng gọi là “hậu quả bất
lường” khiến cho 36 năm sau, là bây giờ, Trung Quốc có dân số già lão dần với
những ảnh hưởng tai hại cho tương lai.
Theo một cuộc khảo sát dân số vào
năm 2010, thì 14% dân số toàn quốc ở vào tuổi cao niên trên sáu chục và 10% là
lão niên trên 65 tuổi. Đà lão hóa này sẽ còn tăng với nhịp độ gia tốc, tỷ lệ
cao niên sẽ là 20% vào năm 2030 và 25%, tức là một phần tư dân số, vào năm
2050. Một cách đếm khác là “tuổi trung vị” theo đó có phân nửa lớn hơn và phân
nửa nhỏ hơn: tới năm 2050, là 35 năm nữa, tuổi trung vị tại Trung Quốc là 49 và
tại Hoa Kỳ là 40. Nói vắn tắt là dân Mỹ vẫn trẻ hơn.
Nguyên Lâm: Ông nói là trẻ hơn, tức là có
sức lao động lâu dài hơn, với năng suất cao hơn nếu ta nhớ đến sản lượng hay
lợi tức bình quân một đầu người. Nhìn cách khác thì có phải rằng thống kê ấy
cũng cho thấy thành phần trẻ, ở tuổi lao động từ 14 đến 60, cũng sẽ giảm tại
Trung Quốc không? Thưa ông, hậu quả sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta hãy nhớ đến quy ước rằng
người trẻ ở tuổi lao động là thành phần sản xuất ra phúc lợi cho người cao niên
đã về hưu, và nói chung, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người ta có kéo
dài tuổi thọ thì cũng kéo dài thời gian sống nhờ hưu bổng mà chi phí y tế cho
sức khỏe cũng tăng. Theo giới nhân khẩu học, tôi xin tạm gọi là “tỷ số lệ
thuộc” để nói về thành phần cao niên phải lệ thuộc vào sức sản xuất của thành
phần thanh niên hay tráng niên.
Năm 2010, Trung Quốc có 116 triệu
người ở lớp tuổi thanh niên từ 20 đến 24. Đến năm 2020, số thanh niên ấy sẽ chỉ
còn 94 triệu, và giảm thành 67 triệu vào năm 2030. Trong 20 năm tới, tỷ số
người lao động so với người về hưu tại Trung Quốc sẽ từ năm trên một xuống còn
có hai trên một. Ngay trong hiện tại, dân Tàu đã nói đến con số đáng sợ là 124,
có nghĩa là một người đi làm phải nuôi hai vợ chồng và tứ thân phụ mẫu. Đấy là
hiện tượng chưa giầu mà đã già!
Nguyên Lâm: Thưa ông, vì thành phần trẻ cũng
là tuổi đẻ con thì trong một xã hội mà tỷ lệ trẻ tuổi lại giảm thì có phải là
dân số cũng giảm hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa cô rằng đúng như vậy, và ta
nói đến “sinh suất” là tỷ lệ sinh đẻ.
Trung Quốc là một xứ đói ăn, khát
dầu và thiếu nước, với diện tích khả canh của đất đai chỉ bằng một phần ba của
bình quân toàn cầu. Vì vậy, xứ này là một nước nghèo. Đã vậy, Trung Quốc cũng
có số sinh suất thuộc loại thấp nhất thế giới, bình quân là 1,4, tức là mấy
chục năm của tuổi sinh đẻ thì chỉ có ngần ấy đứa con thôi. Sinh suất tại các
nước đã phát triển là 1,7 và tại Mỹ lại còn cao hơn , là 2,6. Theo cơ quan Liên
hiệp quốc thì nếu Trung Quốc giữ được mức sinh đẻ ở khoảng 1,5-1,6 thì đến năm
2050, dân số xứ này sẽ sụt dưới một tỷ 300 triệu và đến năm 2060 thì còn dưới
một tỷ. Chi tiết này rất quan trọng vì ưu thế đông dân với nhân công rẻ đang
chấm dứt.
Nguyên Lam: Thưa ông, hồi nãy, ông nói đến
chiều hướng đã thấy tại các nước đi trước rằng kinh tế Trung Quốc cũng sẽ có đà
tăng trưởng thấp hơn. Nếu kết hợp với hiện tượng sụt giảm dân số thì tình hình
tương lai của xứ này đâu có gì là lạc quan?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật là như vậy, vì sau 30 năm
tăng trưởng ở gần 10%, đà gia tăng ấy đã chỉ còn 7,8% vào năm 2012, nay chỉ còn
khoảng 7% và thực tế thì sẽ còn thấp hơn nữa. Nếu ta châm thêm hiện tượng dân
số co cụm dần thì đà tăng trưởng kinh tế xứ này sẽ chỉ còn là vài ba phần trăm
trong hai thập niên tới.
Khi dân số bị lão hóa và còn giảm
sút thì trong vài chục năm tới, Trung Quốc hết còn thành phần lao động dồi dào
cho kinh tế, hết còn lực lượng trai tráng đông đảo cho quân đội và cũng chẳng
thể xưng hùng xưng bá được nữa. Hiện tượng “chưa hùng mà đã hung” sẽ kết thúc
và giai đoạn họ gọi là “quật khởi” cũng cáo chung sau mấy chục năm đầy ảo
tưởng. Nhiều người chưa tự chuẩn bị cho kịch bản ấy vì cứ tưởng tương lai là
một nối tiếp của quá khứ thật ra quá ngắn ngủi. Ngược lại, với những phê phán
tràn lan về sự lụn bại của nước Mỹ, Hoa Kỳ vẫn có dân số rất trẻ và tinh thần
năng động của một xã hội tự do. Trung Quốc chỉ có thể thoát khỏi cảnh ngộ u nám
này nếu có một bước đột phá về công nghệ, là điều bất khả trong một xứ độc tài
và thiếu tự do.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc
trao đổi này.