Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015
Ls Nguyễn Văn Thân - Diễn tiến vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc về yêu sách đường lưỡi bò
Ngày 7/7 vừa qua, Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế đã bắt đầu xét xử vụ kiện của
Phi Luật Tân về yêu sách chủ quyền 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc tại Biển
Đông. Phái đoàn của Phi Luật Tân có khoảng 60 người gồm có Chủ Tịch Hạ Viện
Feliciano Belmont Jr, Chủ Tịch Thượng Viện Franklin Dilon, Ngoại Trưởng Albert
Del Rosario, Bộ Trưởng Tư Pháp Leila De Lima, Bộ Trưởng Quốc Phòng Voltaire
Gazmin, Thẩm Phán Tòa Thượng Thẩm Antonio Carpio và nhiều nhân viên ngoại giao
và tư pháp khác.
Trung Quốc không không tham dự vào phiên xử này. Đây là một phiên xử kín
nhưng Tòa cho phép một số quốc gia quan tâm về vụ kiện gồm có Việt Nam, Mã lai,
Nhật, Nam Dương và Thái Lan được gửi phái đoàn tới quan sát.
Phiên xử khởi đầu này kéo dài tới ngày 13/7. Đề tài của phiên xử là Tòa
Trọng Tài có thẩm quyền xét xử vụ kiện này hay không? Trung Quốc đã tuyên bố từ
chối không tham gia vụ kiện dựa trên lý do là Tòa không có quyền tài phán. Điều
9 của Phụ Lục XII quy định là khi có một bên không tham gia thì vụ kiện vẫn
tiếp diễn. Tuy nhiên, trước khi ban hành phán quyết thì Tòa phải bảo đảm là Tòa
có thẩm quyền xét xử tranh chấp cũng như đơn kiện có cơ sở pháp lý và thực tế.
Điều 5 của Phụ Lục XII quy định là tất cả các bên trong vụ kiện được cơ hội
trình bày quan điểm. Do đó, Tòa dã thưởng xuyên cập nhật mọi diễn tiến cho
Trung Quốc và mở cửa cho Trung Quốc tham gia bất cứ lúc nào. Tòa cũng sẽ cung
cấp biên bản phiên xử và đón nhận mọi ý kiến từ phía Trung Quốc.
Đơn kiện của Phi Luật Tân
Trong bài phát biểu mở đầu đơn kiện của Phi Luật Tân về thẩm quyền và khả
năng thụ lý vụ kiện, Ngoại Trưởng del Rosario tóm tắt 5 điểm tranh chấp giữa
Phi Luật Tân và Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc không có quyền thực thi cái mà
họ gọi là 'quyền lịch sử' trên mặt biển, đáy biển và vùng đất dưới đáy biển ngoài
giới hạn được ấn định bởi Công Ước Quốc Tế về Luật Biển. Thứ hai, cái gọi là
'đường chín đoạn' không có bất kỳ cơ sở nào dưới luật quốc tế khi Trung Quốc
muốn áp dụng yêu sách này để ấn định 'quyền lịch sử' của họ.
Thứ ba, các thực thể mà Trung Quốc dựa vào để khẳng định yêu sách của họ
không phải là 'đảo' có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa
mà chỉ là 'đá' theo định nghĩa của Điều 121(3) của Công Ước. Một số thực thể là
các bãi đá cạn chỉ nằm trên mặt nước khi thủy triều rút (low tide elevations)
và một số khác là những bãi đá chìm hoàn toàn nằm dưới mặt nước. Do đó, các
thực thể này không có khả năng tạo ra quy chế nhiều hơn 12 hải lý và có một số
bãi đá chìm không hưởng được quy chế nào hết dưới Công Ước. Những hoạt động cải
tạo quy mô gần đây của Trung Quốc không thay đổi bản chất nguyên thủy của các
thực thể này.
Thứ tư, Trung Quốc đã vi phạm Công Ước khi can thiệp vào việc thực thi chủ
quyền và quyền tài phán của Phi Luật Tân. Ngoài ra, Trung Quốc đã phá hủy tới
một mức độ không thể phục hồi môi trường biển bằng cách hủy diệt các rạn san hô
tại Biển Đông gồm có khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân
bằng cách đánh cá quá mức và đánh bắt những sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Những hành vi này của Trung Quốc vi phạm Công Ước.
Lập Trường của Trung Quốc
Qua bản Tuyên Bố Lập Trường đưa ra ngày 7/12/2014, Trung Quốc cho rằng Tòa
Trọng Tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này dựa trên 3 lý do. Thứ nhất, vụ
kiện này về mặt căn bản liên quan đến sự tranh chấp chủ quyền của một số thực
thể ở Biển Đông và vì vậy nằm ngoài phạm vi của Công Ước.
Thứ hai, Trung Quốc và Phi Luật Tân đã đồng ý qua các văn bản song
phương và Tuyên Bố Ứng xử của Các Bên tại Biển đông mà Trung Quốc ký với ASEAN
trong năm 2002 là giải quyết tranh chấp bằng phương pháp thương lượng. Khi đơn
phương tiến hành vụ kiện thì Phi Luật Tân đã vi phạm luật quốc tế.
Thứ ba, giả sử như đề tài kiện có liên quan tới việc diễn giải và áp dụng
Công Ước, nhưng đề tài này thực chất và trong cốt lõi cũng liên quan tới việc
phân định quyền hàng hải giữa hai quốc gia mà Trung Quốc qua tuyên bố bảo lưu
trong năm 2006 đã loại hình thức tranh chấp này ngoài Công Ước. Do đó, quan
điểm của Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện này là hoàn toàn hợp pháp dưới
luật quốc tế.
Phản hồi của Phi Luật Tân
Ngoại Trưởng del Rosario nhấn mạnh là Phi Luật Tân không yêu cầu Tòa phán
xét tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc mà chỉ xin Tòa giải thích quyền hàng
hải của Phi Luật Tân tại Biển Đông, một vấn đề mà Tòa hoàn toàn có quyền tài
phán.
Luật sư của Phi Luật Tân cũng lập luận rằng trên căn bản, vụ kiện này liên
quan tới sự bất đồng quan điểm về nguồn gốc tạo ra quyền hàng hải giữa Phi Luật
Tân và Trung Quốc. Theo cái nhìn của Phi Luật Tân, quyền hạn và trách nhiệm của
các bên được quy định bởi Công Ước, không hơn không kém. Do đó, cái gọi là
'quyền lịch sử' mà Trung Quốc đưa ra nếu có dưới thông luật quốc tế thì rõ ràng
có mâu thuẫn hoặc không phù hợp với các điều khoản của Công Ước. Vì vậy, để xác
định quyền lịch sử này được áp dụng thế nào thì Tòa bắt buộc phải 'diễn giải và
áp dụng' các điều khoản của Công Ước, một công tác nằm trong phạm vi thẩm quyền
của Tòa. Hơn nữa, đơn kiện của Phi Luật Tân yêu cầu Tòa áp dụng các điều khoản
của Công Ước một cách cụ thể, trực tiếp và rõ ràng không có gì trừu tượng hoặc
ám chỉ. Vì vậy Tòa hoàn toàn có quyền tài phán.
Thứ hai, tuy Điều 298 của Công Ước quy định tranh chấp về chủ quyền lịch sử
hoặc truyền thống của các vịnh nằm ngoài Công Ước nhưng vịnh phải nằm gần bờ
biển của quốc gia ven biển. Trong quá khứ, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra lập
luận chủ quyền lịch sử hoặc truyền thống trong tiến trình đối thoại ngoại giao
với Phi Luật Tân. Dù sao đi nữa, yêu sách 'đường chín đoạn' không liên quan tới
vịnh nào cả.
Thứ ba, Phi Luật Tân nói rằng việc phân định lãnh hải hoặc quyền hàng hải
chỉ diễn ra khi các quyền đó của hai quốc gia lân cận phủ chờm hoặc chồng chéo
lên nhau (overlapping maritime entitlements). Trong trường hợp này, chủ
quyền lãnh hải hoặc hàng hải giữa hai nước không có phủ chờm lên nhau mà Phi
Luật Tân chỉ yêu cầu Tòa xác nhận yêu sách chủ quyền đường chín đoạn của Trung
Quốc và các thực thể đá chìm và đá cạn có cơ sở thế nào dưới các điều khoản của
Công Ước.
Thứ tư, Tuyên Bố Ứng xử của Các Bên tại Biển Đông không phải là một văn bản
pháp lý có tính ràng buộc, một điều mà chính Trung Quốc đã nhiều lần khẳng
định. Hơn nữa, Tuyên Bố này kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp theo luật
quốc tế và theo Công Ước. Cũng nên lưu ý là cho dù ASEAN đã nhiều lần thúc giục
tiến tới ký kết Bộ Quy Tắc Ứng Xử có giá trị pháp lý ràng buộc nhưng Trung Quốc
luôn trì hoãn không muốn ký. Còn về Hiệp Ước Thân Thiện và Hợp Tác tuy có tính
ràng buộc nhưng Hiệp Ước cũng cho phép các bên giải quyết tranh chấp bằng những
biện pháp hòa bình và hợp pháp khác. Đưa đơn kiện nhờ Tòa xét xử là một biện
pháp hòa bình và hợp pháp. Phi Luật Tân phải tiến hành đơn kiện chỉ vì tất cả
các nỗ lực đối thoại ngoại giao và thương thuyết với Trung Quốc trong nhiều năm
qua không dẫn đến kết quả nào cả.
Những bước kế tiếp
Tòa đã cho hai bên tới ngày 20/7 để duyệt lại nội dung biên bản phiên xử
vừa qua. Phi Luật Tân có tới ngày 23/7 để cung cấp thêm bài trả lời cho một số
câu hỏi mà Tòa nêu ra trong phiên xử. Trung Quốc có tới ngày 17/8 để phản bác
hoặc phản hồi những lập luận do Phi Luật Tân bổ túc. Tòa sẽ cố gắng đưa ra phán
quyết về thẩm quyền trong năm nay.
Nếu Tòa phán là không có thẩm quyến xét xử thì vụ kiện sẽ chấm dứt. Đây là
kết quả mà Trung Quốc mong muốn. Trung Quốc sẽ càng dạn dĩ lấn chiếm biển đảo
tại Biển Đông. Các quốc gia trong vùng sẽ mất lòng tin và hệ thống luật pháp
quốc tế dẫn đến việc hạy đua vũ trang hoặc liên minh quân sự với các cường quốc
để bảo vệ chủ quyền. Nguy cơ chiến tranh xảy ra sẽ khó tránh được.
Nếu Tòa phán là có thẩm quyền xét xử thì Tòa sẽ ấn định một phiên xử kế
tiếp để tiếp nhận bằng chứng và luận cứ xem đơn kiện của Phi Luật Tân có cơ sở
thực tế và pháp lý hay không? Có nghĩa là vẫn còn phải chờ một thời gian khá
dài trước khi Tòa ban ra phán quyết cuối cùng.
Trong lúc phiên xử đang diễn ra thì Trung Quốc lại yêu cầu Phi Luật Tân từ
bỏ vụ kiện và trở lại đàm phán. Vấn đề là Trung Quốc có thực tâm và thiện chí
đàm phán hay không? Trong thông báo khởi kiện gửi cho Tòa Đại Sứ Trung Quốc
ngày 22/1/2013, Phi Luật Tân cho biết là họ đã bắt đầu tiến trình đàm phán với
Trung Quốc từ năm 1995 nhưng tới năm 2012 thì Trung Quốc đuổi họ ra và chiếm
luôn bãi cạn Scarborough. Từ đó đến này thì Trung Quốc đã tiếp tục các công
trình cải tạo và xây đảo nhân tạo với ý đồ quân sự hóa các thực thể mà họ chiếm
đóng tại Biển Đông.
Theo lời của Ngoại Trưởng del Rosario, phiên xử này không chỉ quan trọng
đối với Phi Luật Tân mà còn là một phép thử cho hệ thống tư pháp quốc tế và đặc
biệt là tính thiết thực của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển mà theo đó, các cơ chế
giải quyết tranh chấp cho phép "các nước yếu thách thức các nước mạnh
dựa trên cơ sở bình đẳng với niềm tin là nguyên tắc thắng bạo lực, pháp lý trên
vũ lực và lẽ phải vượt qua sức mạnh". Trong Đại Hội VI Trung Ương Đảng
Cộng sản Trung Quốc ngày 6/11/1938 tại Diên An, Thiểm Tây, Mao Trạch Đông đã
đọc bài thuyết trình 'Thách thức Chiến tranh và Chiến lược' mà trong đó có câu
"mọi quyền lực chính trị đều phát sinh từ họng súng". Hậu duệ
của Mao đã nghiêm chỉnh thực thi lời giáo huấn này với những bước tiến lấn
chiếm tại Biển Đông. Chúng ta phải chờ xem công lý hay họng súng sẽ chiến thắng
khi Tòa Trọng Tài ban hành phán quyết trong vài tháng tới.
N.V.T.
Tác giả gửi BVN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét