Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015
Đặng Xương Hùng - Tiếp tục dùng hàng “made in China”
![]() |
Phùng Quang Thanh trong buổi “Khát vọng đoàn tụ” |
Quan sát những gì đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đang
ở trong rất nhiều trạng thái. Phần đông thật sự lo lắng không biết tương lai
Việt Nam sẽ trôi về đâu. Phần thì lạc quan hơn vì nhận thấy Đảng Cộng sản
Việt Nam đang ở bước đường cùng. Phần thì ngán ngẩm, lo ngại chuyên chính độc
tài vẫn còn mạnh, kéo lê dân tộc này thêm một thời gian nữa.
Cứ như một chu kỳ, càng gần đại hội cuộc đấu đá nội bộ trong đảng càng trở nên
căng thẳng và quyết liệt. Ngày xưa, nó chỉ thông qua các lời đồn đoán, xì xào.
Thì nay, có thêm các trang Chân dung quyền lực, Nguyen Thuy Trang.
Ngày xưa, đảng dẫn dắt dư luận. Ngày nay, đảng bắt đầu phải đối phó với dư
luận.
Thông tin đã được rộng mở hơn bởi các trang CDQL và NTT. Dù nó
được sử dụng vì lợi ích của một phe nhóm, nhưng nó mang đến cho ta thêm dữ liệu
để phân tích, phán đoán, tìm hiểu những bí ẩn mà lâu nay đảng vẫn muốn che
giấu: tính khốc liệt đến tàn nhẫn trong đấu đá nội bộ và yếu tố Trung Quốc đan
xen trong các cuộc tranh giành không khoan nhượng đó.
1. Đấu đá nội bộ
Tranh giành quyền lực ở Việt Nam là cuộc đấu đá ngầm trong bóng
tối. Dân không được bầu, trong đảng tự chọi nhau để lựa chọn. Do đó, trong đảng
lúc nào cũng có một quyền lực ngầm nắm quyền chọn lựa đó.
Trước và sau 1975, khó ai có thể quên quyền lực khét tiếng của ông
Lê Đức Thọ. Với vai trò là Trưởng ban Tổ chức trung ương, ông chi phối tuyệt
đối trong việc lựa chọn lãnh đạo đảng và chính quyền. Sau đó đến Đỗ Mười,
Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu với việc thành lập Tổng cục 2, một tổ chức tình báo
trong quân đội, có thêm chức năng theo dõi các hoạt động của các quan chức cao
cấp trong đảng và nhà nước. Từ đó, nó đã chi phối chính trường ở Việt Nam trong
thời gian dài, thậm chí đến ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, khi ông đã là Thủ tướng, trong các cuộc gặp
thân mật với cấp dưới, ông hay kể câu chuyện ông đã được lãnh đạo lựa chọn ngay
từ lúc ông còn rất trẻ làm hạt giống lãnh đạo ra sao. Với ngụ ý đây là sự lựa
chọn sáng suốt, ông đã tự cho mình ý thức khai thác và gìn giữ khi quyền lực đến
tay. Những kinh nghiệm như vậy đã rèn cho giới lãnh đạo một kỹ năng ngày
càng hoàn thiện để vào sâu, vươn cao và ảnh hưởng lâu dài.
Những kỹ năng đó có thể gói gọn trong cụm từ “bản lĩnh lãnh đạo”
được sử dụng trong bài: “Bản lĩnh của lãnh đạo Hà Nội qua vụ chặt cây xanh”,
trên trang Nguyễn Tấn Dũng. Khoan chưa phân tích sự đấu đá mà tập trung
vào xem bài báo liệt kê những kỹ năng một nhà lãnh đạo Việt Nam, đó là: công
thủ vẹn toàn trong phát ngôn; biến việc to thành việc nhỏ, biến việc quan trọng
thành việc không đáng quan tâm; đánh bùn sang ao, đánh tráo khái niệm, làm
chệch hướng dư luận; quá mù ra mưa hoặc làm chìm vấn đề trốn tránh trách nhiệm…
Bài báo tỏ ra rất hiểu đối phương nhưng chứng tỏ nó đã được đúc kết rất công
phu từ thực tế chính trường Việt Nam.
Tính khốc liệt đến tàn nhẫn trong cuộc đấu đá nội bộ là việc cứ
gần đến mỗi đại hội lại hay xảy ra những cái chết bất ngờ. Khỏi cần liệt kê dẫn
chứng. Nhưng điều đó cho thấy, thứ “truyền thống” này đã thành nếp. Gạt bỏ nhau
bất kỳ thủ đoạn, kể cả thanh trừng nếu có cơ hội.
Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ, Phùng Quang Thanh, Phạm Quang
Nghị đều là những ca hớ hênh, chưa đủ “bản lĩnh”, đành lãnh trọn hậu quả. Chắc
họ chưa thấm bài học “phút thứ 90” hoặc bài học: trong cuộc đấu súng tay ba, kẻ
bắn kém nhất dễ thành người duy nhất sống sót. Hoặc giả họ không có những người
chống lưng đủ mạnh để đối phó với đối phương.
Văn hóa loại bỏ nhau có ở các cấp, càng lên cao càng khốc liệt. Ở
cấp thấp, đó là kỹ năng sống sót. Ở cấp cao, đó là mánh khóe vươn cao. Kỹ
năng này ngày càng hoàn thiện tạo ra “bản lĩnh lãnh đạo” rất đặc sắc ở Việt
Nam. Một số bước thường thấy: tìm ô dù, chỗ chống lưng; tạo phe cánh, phân hóa
cô lập đối phương; tìm sơ hở dìm đối phương, tạo thanh thế; cuối cùng là cài
cắm con cái và họ hàng để duy trì ảnh hưởng lâu dài.
Hãy nhìn những bức ảnh mà lãnh đạo cao nhất Việt Nam chụp chung
với nhau trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy họ đứng cùng nhau đấy,
nhưng mỗi người một suy nghĩ, một tính toán, một mưu mô. Họ đang đồng lòng ở bề
ngoài, nhưng bên trong họ gườm gườm nhau kinh lắm đấy.
2. Yếu tố Trung Quốc trong đấu đá nội bộ
Đôi khi lịch sử lặp lại những tình huống hao hao giống nhau. Tình
trạng nội bộ đảng hiện nay đang có những diễn biến tương tự như đã từng xảy ra
trước khi có Thành Đô. Các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh không phải
là không có những ý kiến phản đối. Chẳng qua, các ông đã làm ra Thành Đô vì các
ông mạnh hơn và đã thắng thế phe phản đối.
Chúng ta thường có thói quen chia nội bộ thành hai phe: phe thân
Trung Quốc và phe thân Phương Tây và Mỹ. Thật ra, kể cả giai đoạn trước Thành
Đô và hiện nay, nội bộ đảng chưa có phe thân Phương Tây rõ rệt. Do vậy, ở cả
hai thời kỳ, phân loại hay nhất có lẽ là: phe thân Trung Quốc và phe nói không.
Ở Thành Đô, phe muốn dựa vào Trung Quốc đã thắng. Hiện nay, hai
phe vẫn đang còn căng thẳng chưa ngã ngũ, nhưng dường như cán cân đang nghiêng
về phe nói không.
Ở Thành Đô, nội bộ đã bị Trung Quốc thao túng gây ra sự phân hóa,
mâu thuẫn giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Thế và lực để ông Lê Đức
Anh giành thắng thế với ông Nguyễn Cơ Thạch, không phải đến từ các cá nhân mà
đến từ sự tiếp tay, nâng đỡ, can thiệp của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang muốn nắm thật chặt quân đội Việt Nam
– lực lượng duy nhất có thể đe dọa tầm kiểm soát của Trung Quốc đối với Việt
Nam. Sự kiện Phùng Quang Thanh vừa diễn ra nó mang cả hai mặt: mặt đấu đá nội
bộ vì họ Phùng dường như là đối thủ nặng ký đang chạy đua đến chức Tổng bí thư,
và mặt yếu tố Trung Quốc. Phe nói không đã đồng tình với nhau đánh Phùng vì
Phùng có nhiều bằng chứng vẫn muốn thân với Trung Cộng.
Phải chăng lần này, Trung Quốc đã mất ảnh hưởng không còn có thể
chia rẽ nội bộ Việt Nam? Điều đó chỉ đúng một nửa. Trong khi Bộ Ngoại giao đã
thuyết phục được ông Trọng đi Mỹ, xóa được đôi chút hình ảnh thân Trung Quốc
của ông, thì hình như chính ông lại muốn giữ lại nó trước con mắt người Trung,
bằng cách ông ôm hôn quá mức thắm thiết ông Trương Cao Lệ, Phó Thủ tướng Trung
Quốc trong chuyến đi Việt Nam vừa qua.
Cuộc đấu tranh trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam vẫn còn đang giằng
co, căng thẳng, nó mang thêm tính phức tạp vì yếu tố Trung Quốc đan xen. Sau
Thành Đô, một trong những chiến lược của Trung Quốc là khống chế toàn bộ giới
lãnh đạo Việt Nam, hầu như các bố trí về nhân sự trong đảng đều có yếu tố ảnh
hưởng Trung Quốc.
Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch đã suy giảm nhưng không hẳn đã hết hoàn
toàn. Há miệng mắc quai với Thành Đô, dễ gì lãnh đạo Việt Nam thoát khỏi vòng
kiềm tỏa của Trung Quốc. Vòng vây dường như đang muốn khép chặt lại, từ biên
giới Tây Nam, từ mọi phía của tình báo Trung Quốc.
Sự kiện Phùng Quang Thanh, ông là thật hay giả nói sau, nhưng ông
ta phải có mặt trong một buổi tối “Khát vọng đoàn tụ”. Cái tên thật là mập mờ
và bí ẩn. Đoàn tụ năm 2020 à. Có thể lắm chứ. Nghe nói có cả khúc nhạc Tàu ở
đó. Nếu ở đây cũng có yếu tố Trung Quốc nữa thì hẳn những bí ẩn made in China
còn dài dài, như nó vẫn đang có ở Ba Đình.
Lịch sử đang chạy rất nhanh. Sắp tới sẽ là bước ngoặt. Thế giới
bên ngoài đang chạy vù vù. Chúng ta đang quá tụt hậu. Con đường mà đảng dẫn dắt
dân tộc bấy lâu nay chỉ là loanh quanh, luẩn quẩn. Nó bị giam trong các con ngõ
“xã hội chủ nghĩa”, không làm sao ra nổi để đi trên xa lộ “văn minh của nhân
loại”.
Trong chiếc xe ôtô, có một số để xe lùi. Đã đến lúc sử dụng GPS
“tiến bộ của loài người”, gài số lùi, đưa xe chuyển hướng ra ngay xa lộ “văn
minh của nhân loại”. Rời xa những phố Tàu tăm tối, rời xa các con ngõ tắc tị
“xã hội chủ nghĩa”, nó chỉ đưa chúng ta sánh vai với bố con anh Ủn-Bắc Hàn mà
thôi.
Đ.X.H.
28/7/2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Lâu rồi mới độc được bài phân tích khá sâu về hiện tình Đất nước. Cảm ơn anh ĐXH
Trả lờiXóa