Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015
Cao Huy Huân - Nước ngập và lòng người cũng ngập
Mấy hôm nay, chỉ sau vài cơn mưa không quá hãi hùng nhưng lòng người đã trở nên hoang mang thấy rõ vì những dòng nước xoáy cứ xuất hiện như thể chuyện thường tình. Nhiều tuyến đường trọng điểm và khu dân cư thường xuyên ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương đối mặt với nguy cơ ngập lụt do quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa đã làm thu hẹp, ảnh hưởng nhiều dòng chảy thoát nước tự nhiên.
Nhấn
chìm miền Trung, ngập tràn miền Nam
Chuyện
mưa ngập đường, ngập sá vốn chẳng còn là câu chuyện nóng hổi được đưa lên trang
bìa chính của những tờ nhật báo. Tuy nhiên, cảnh người dân rơi nước mắt, đổ mồ
hôi, và sôi cái đầu vì những dòng nước đục ngầu không khỏi khiến mọi người cũng
nao lòng. Theo thông tin từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước,
từ đầu năm 2015 đến nay, khu vực trung tâm TP được xác định còn 68 điểm ngập,
so với năm 2011 số điểm ngập trên nhiều hơn 10 điểm. Công tác chống ngập thời
gian qua cứ loay hoay với câu chuyện xóa, giảm điểm ngập này lại phát sinh điểm
ngập khác, thời gian qua tại TP đã phát sinh tới 29 điểm ngập. Năm ngoái miền
Trung ruột thịt khóc than vì trận lụt lịch sử do quá trình quy hoạch và tổ chức
thủy điện chứa đựng quá nhiều rủi ro không được lường trước. Để rồi đêm đêm,
trong giấc ngủ ai nấy cũng chập chờn chờ chạy lũ vốn có thể ập đến bất kể lúc
nào, nhất là khi báo chí thường xuyên đưa nghi án nhà đầu tư “lén xả lũ thủy
điện vào ban đêm”, càng khiến lòng dân hoang mang cực độ, chẳng biết những cột
nước hung thần sẽ tìm đến gia đình, vườn tược, hoa màu của mình khi nào.
Và
rồi năm nay, những tuyến đường khắp các tỉnh Nam bộ bắt đầu trở thành nạn nhân
kế tiếp của hai chữ “quy hoạch” thị thành. Người dân chẳng biết nói gì. Họ chỉ biết
khóc, chỉ biết cùng nhau chung tay chống đỡ trước dòng nước ngày một cao, rượt
đuổi việc họ nâng nhà, có khi lên đến cả mét vẫn còn rượt đuổi. Dường như tất
cả sự giận giữ từ những dòng nước “không chỗ thoát” đã đổ hết lên đầu người
dân, lên cả cái số phận vốn đang mệt nhoài của họ vì chuyện áo cơm, chuyện mưu
sinh trong một xã hội vốn muốn sống tốt cũng không phải dễ dàng, nếu không muốn
nói là khắc nghiệt.
Ai
chịu trách nhiệm?
Theo
đánh giá của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương, nguyên nhân
ngập quốc lộ 13 một phần do việc thi công hệ thống cống băng ngang quốc lộ làm
dòng chảy bị thu hẹp tạm thời, nhưng cũng có nguyên nhân do đây là điểm ngập có
sẵn từ nhiều năm trước. Nhưng cho đến nay, cũng như thường ngày, chẳng một ai
lên tiếng xác định trách nhiệm, hoặc tuyên bố sẽ tìm hiểu về những dòng nước
vốn chẳng hề bình thường, đúng hơn không phải “tự dưng mà có” khiến dân chúng
lao đao.
Nhưng
nếu có ai lên tiếng hoặc buộc phải lên tiếng, có lẽ câu chuyện sẽ không thể nào
đi xa hơn việc diễn giải, biện hộ, hay bao biện theo hướng “chúng tôi đã làm
đúng quy trình”. Không tin xin hãy nhìn về những chuyện cũ nhưng chỉ mới “hôm
qua”. Chuyện thủy điện xả lũ đúng quy trình bất chấp dân hạ nguồn lãnh đủ.
Chuyện quan chức quản lý thủy điện vẫn ung dung trên chiếc xe hơi cao cấp đi
thị sát dân tình, tỏ lòng thông cảm rồi quay đi; để lại phía sau một mớ hỗn
độn, mọi thứ lộn xộn, và lòng người cũng rối như tơ vò.
Có
người trong cơn khó bất giác than thở vài câu để lòng được nhẹ. Nhưng rồi lời
than của họ cũng như những câu chửi cha, chửi mẹ, chửi ông trời của thằng Chí
phèo ở cái lò gạch cũ. Chẳng ai nghe, chẳng ai lên tiếng, chẳng ai chịu trách
nhiệm. Lời than trách cứ thế theo gió lốc, theo nước xoáy bay đi rồi tan biến
nhẹ nhàng đến tàn nhẫn, xót xa hết cả cõi lòng. Ở kiếp nhà mình, mấy vị quan
nào dám chịu trách nhiệm “nhân tai”, trong khi đó “thiên tai” thì đầy rẫy. Họ
cứ bảo thiên tai, đến nỗi có khi trời giận quá, trời càng trút thiên tai xuống
thật. Thủy điện, đường sá, lô cốt, đô thị,… nếu biết nói, chắc cũng ngán ngẫm
lắc đầu vì “ai đặt đâu, chúng tôi nằm đấy”. Có tội là tội cho dân, vì người ta
đặt để không đúng chỗ, bao nhiêu vấn nạn nước ngập, kẹt đường, sụp lún,…dân
mình lãnh hết.
Có
người vẫn trông chờ vào những hành động đẹp, như kiểu quan chức từ chức vì nông
nghiệp mất mùa hay không được giá; hay như ông kỹ sư tự sát để giữ lòng tự
trọng sau vụ sập cầu dù không người nào bỏ mạng; hay hàng loạt vụ “trả mũ từ
quan” của những người ở bên Tây – điều mà dân nhà mình gọi là văn hóa từ quan
khi để dân tình chịu cảnh lầm than khổ cực. Anh làm “quan phụ mẫu”, dân chúng
khổ thì anh phải gánh phần, phải sẻ chia trách nhiệm ngay cả khi thiên tai bất
khả kháng. Ở Tây, quy hoạch đô thị mà để ngập úng, không kể vì bất kỳ lý do nào
(mưa lũ hay thiên tai đổ xuống), quan chức không trả mũ thì lòng chẳng an; thậm
chí có khi dân còn nổi lên mà đòi lại mũ quan vốn được họ bỏ tiền thuế ra để
mua sắm và nuôi sống.
Rượt
đuổi phận người
Ông
bà nhà mình hay nói “trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông
ngày trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm, trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”.
Cứ tưởng câu ca dao ám chỉ đúng vào những ngày mông muội, khi người nông dân
chỉ có đôi tay cần lao và khối óc cần cù. Chẳng ai ngờ trong cái xã hội đang
mạnh dạn lên tiếng “công nghiệp hóa – hiện đại hóa” suốt bao năm qua, dường như
cũng đang phải bám víu theo câu ca dao có từ trăm năm trước.
Bất
kể những tòa cao ốc đua nhau mọc lên mà không theo một bản đồ quy hoạch tổng
thể nào từ khi đặt móng những viên gạch, viên đá đầu tiên; bất kể những hệ
thống cống rãnh tốn tiền tỷ; bất kể
những xa lộ rộng lớn khiến ai nấy cũng mơ về một cuộc sống phồn thịnh… hàng
triệu người vẫn đang vật lộn với sự thiếu an ninh ngay tại đất Sài Gòn vốn được
xem là điểm hẹn của nhiều nhà đầu tư công nghiệp, dịch vụ. Và giờ đây, “giấc mơ
Sài Gòn” càng trở thành ác mộng vào những ngày mưa, ngày gió.
Ai
cũng sợ con đường tan ca chiều trở nên chật chội hơn bao giờ hết. Ai cũng lo
cảnh phải dắt chiếc xe máy nặng trịch, ì ạch lội nước cao tới bẹn ngay giữa phố
Sài Gòn. Ai cũng hoảng hốt khi một mình trơ trọi chống chọi với dòng nước vốn
chẳng hề biết ai là kẻ ác, ai là người ngay. Cái cảm giác lọt thỏm giữa Sài Gòn
và bất lực trước chiếc xe đạp hoài không thể nổ, còn dòng nước cứ chảy xiết vô
tình chỉ khiến người ta muốn hét lên thật lớn và vỡ òa giữa chốn đông người
nhưng lạnh lẽo đến lạ lùng.
Thế
mới nói người dân thời hiện đại mà vẫn phải trông vào trời đất, thần linh để
mưu sinh, để sống còn. Nghe nói ở Biên Hòa, Bình Dương hay nơi nào đó ở Sài
Gòn, cột nước vẫn đang rượt đuổi người dân. Nhưng nước ơi, nước còn rượt đuổi
số phận vốn đã đen đủi của họ cho đến bao giờ?