Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015
Thụy My/RFI - Vòi bạch tuộc Trung Quốc vươn đến châu Mỹ la-tinh
![]() |
Một tàu Trung Quốc neo tại cảng Santos để chở đậu nành của Brazil, ngày 19/05/2015. REUTERS/Paulo Whitaker |
Thời kỳ mà châu Âu và Hoa
Kỳ có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Nam Mỹ đã trôi qua, thay vào đó là Trung Quốc. Cơn
khát nguyên liệu đã khiến những chiếc vòi bạch tuộc của Bắc Kinh vươn xa đến
châu Phi nghèo khó nhưng giàu tài nguyên, và nay đến lượt châu Mỹ la-tinh. Khu
vực“sân sau” của Mỹ nay bắt đầu trở thành “vườn nhà” của Trung Quốc.
Chuyến viếng thăm các nước
Mỹla-tinh của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kết thúc hôm qua 25/05/2015
tại Chilê, đã củng cố thêm mối quan hệ kinh tế cho khu vực đang gặp nhiều khó
khăn này. Tuy nhiên cuộc nhân duyên có vẻ không mấy “môn đăng hộ đối”.
Những
hợp đồng bạc tỉ
Tại Chilê, quốc gia cuối
cùng trong vòng công du châu Mỹ la-tinh sau Brazil, Colombia và Peru, Thủ tướng
Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp gỡ nữ Tổng thống Michelle Bachelet, bàn bạc về hợp
tác tài chính. Chilê là nước đầu tiên trong khu vực ký kết hiệp ước tự do mậu
dịch với Trung Quốc năm 2006, và lần này Ngân hàng Trung ương đôi bên loan báo
chuẩn bị sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ.
Thứ Ba tuần trước, Bắc Kinh
đã thỏa thuận với Brazil một kế hoạch đầu tư lên đến 53 tỉ đô la. Ông Lý Khắc
Cường ký kết với Brasilia 35 hợp đồng kinh tế, trong khuôn khổ một “kế hoạch hành động chung” đến
năm 2021.
Bắc Kinh, vốn đã đầu tư 3,5
tỉ đô la vào tập đoàn Petrobras hồi cuối tháng Tư, nhân dịp này đã ký thêm hai
hợp đồng để bơm thêm 7 tỉ đô la cho tập đoàn dầu khí quốc doanh Brazil hiện
đang suy sụp vì xì-căng-đan tham nhũng quy mô khiến khó thể vay mượn trên thị
trường. Ngân hàng ICBC Trung Quốc cũng sẽ rót đến 4 tỉ đô la vào tập đoàn quặng
mỏ Vale của Brazil – đang dẫn đầu thế giới về quặng sắt, nhưng giá mặt hàng này
đang xuống thấp.
Bên cạnh đó, hai nước cũng
cụ thể hóa vụ tập đoàn Embraer của Brazil bán cho công ty Tianjin Airlines đợt
đầu 22 chiếc máy bay, toàn bộ hợp đồng 60 chiếc có trị giá ước tính 1,1 tỉ đô
la. Là nước chăn nuôi bò lấy thịt hàng đầu, Brazil được Trung Quốc mở lại thị
trường xuất khẩu đã bị ngưng trệ lâu nay vì lý do dịch tễ.
Ngoài ra Bắc Kinh còn tham
gia vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng, từ xa lộ cho đến cảng hàng không và cảng
biển. Trong số đó có đề án đầy tham vọng: lập một “hành lang đường sắt” giữa
Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để vận chuyển quặng sắt và đậu nành sang Trung
Quốc với chi phí rẻ nhất. Một “giấc
mơ Trung Hoa” có thể tốn kém đến 80 tỉ đô la.
Làn sóng đầu tư này mang
lại sựphấn chấn cho Brazil. Nền kinh tế thứ bảy thế giới đang chênh vênh trên
bờ vực suy thoái, và năng lực đầu tư đang bị ảnh hưởng bởi chương trình khắc
khổ của chính phủ bà Dilma Rousseff.
Trung
Quốc & Mỹla-tinh, mối quan hệ bất bình đẳng
Theo tổng kết vào cuối năm
2014 của trung tâm nghiên cứu Inter-American Dialogue ở Washington và trường
đại học Boston, từ năm 2005 Trung Quốc đã cho các nước hay doanh nghiệp Mỹ
la-tinh vay trên 119 tỉ đô la, riêng trong năm 2014 là 22,1 tỉ đô la. Đứng đầu
là Venezuela (56,3 tỉ), tiếp theo là Brazil (22 tỉ), Achentina (19 tỉ).
Khu vực này có lợi ích gì
cho Trung Quốc? Châu Mỹ la-tinh có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật
liệu gần như vô tận, và là nơi tiêu thụ hàng tiêu dùng Trung Quốc. Nhưng mối
quan hệ là bất bình đẳng, theo bà Margaret Mayer, giám đốc chương trình Trung
Quốc và Mỹla-tinh ở trung tâm Inter-American Dialogue.
Thư ký điều hành Ủy ban
Kinh tế Mỹ la-tinh và vùng Caribê (Cepal), bà Alicia Barcena nhấn mạnh: “Chỉ có năm mặt hàng, đều thuộc lãnh vực
thứ cấp như nông nghiệp, năng lượng, hầm mỏ… chiếm 75% xuất khẩu của khu vực
sang Trung Quốc năm 2013. Trong khi đó gần 90% đầu tư Trung Quốc sang châu Mỹ la-tinh
là nhằm khai thác, đặc biệt là quặng mỏ và dầu khí”.
Trước tình hình giá nguyên
vật liệu sụt giảm, tăng trưởng của châu Mỹ la-tinh bỗng khựng lại và sự bất
bình đẳng càng thấy rõ. Về phía Trung Quốc, theo ông Joao Augusto de Castro
Neves của cơ quan tư vấn Eurasia Group, “từ
ưu tiên cho nhập nguyên liệu nay đã chuyển sang xuất khẩu hàng tiêu dùng, và
như vậy các dự án hạ tầng là rất cần thiết”.
Nhân chuyến công du các
nước châu Mỹ la-tinh vào tháng 7/2014, ông Tập Cận Bình đã mô tả quan hệ giữa
Trung Quốc và châu lục này là “một
cộng đồng cùng chia sẻ một định mệnh”. Nhưng theo tạp chí Tài chính
& Phát triển, thì có vẻ như Bắc Kinh đã chủ động làm nên định mệnh ấy.
Đầu
tư ồ ạt vào Brazil, nhưng chỉ mua nguyên liệu thô
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế
châu Mỹ la-tinh và vùng vịnh Caribê (Cepal) thuộc Liên Hiệp Quốc khẳng định gần
90% đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này từ 2010 đến 2013 là để khai thác tài
nguyên.
Một ví dụ cụ thể là trường
hợp Brazil vừa nói ở trên. Thương mại giữa Brasilia và Bắc Kinh từ 3,2 tỉ đô la
năm 2001 đã tăng vọt lên 83 tỉ đô la trong năm 2013, tăng gấp 25 lần. Trung
Quốc đói nguyên liệu, còn Brazil dồi dào từ quặng sắt đến dầu hỏa, từ đậu nành,
đường cho đến cà phê.
Nhưng do cơ sở hạ tầng cũ
kỹ, việc vận chuyển hàng hóa chậm chạp và phí bị đội lên. Để mua được nguyên
vật liệu giá rẻ, Trung Quốc đề nghị tài trợ cải thiện hệ thống giao thông. Giải
pháp đôi bên cùng có lợi này dường như quá tốt đẹp, chỉ còn cần bàn bạc cụ thể.
Nhưng báo Le Temps của Thụy Sĩ cho biết, chính ở đây, xung đột lợi ích đã lộ
rõ.
Ông Hervé Théry, giám đốc
nghiên cứu của CNRS (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp) và là giáo sư
thỉnh giảng của trường đại học Sao Paulo tố cáo: “Trung Quốc tỏ ra hết sức cứng rắn. Họ chỉ muốn nhập khẩu sản phẩm
thô, trong khi Brazil mong xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến”.
Với mặt hàng đậu nành, Bắc
Kinh chỉ muốn mua dạng hạt thô, còn Brasilia hy vọng bán được sản phẩm dạng
protein thực vật. Đúng ra do cơ sở hạ tầng xuống cấp, tốt nhất Brazil chỉ nên
xuất các loại sản phẩm với số lượng ít nhưng có hàm lượng giá trị tăng thêm
cao.
Giáo sư Théry nhắc lại: “Người Trung Quốc đã quen thói chiếm hữu
đất ở châu Phi, họ đổ bộ vào với các kỹ sư, công nhân người Hoa và mang về tối
đa các nguyên vật liệu cần thiết. Nhưng người Brazil nhận ra trong cung cách
làm ăn này thái độ kẻ cả của thực dân mới, và nhất quyết không để bị chèn ép.
Mới đây họ đã chứng tỏ điều này qua việc ra luật hạn chế người nước ngoài sở
hữu đất đai, và kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình trên mọi mặt”.
Đất nước châu Mỹ la-tinh
quan trọng này có thế mạnh hơn những quốc gia châu Phi nghèo khổ mà Bắc Kinh
tha hồ bóc lột tài nguyên trong những năm gần đây. Brazil có nhiều cơ hội để
thương lượng được một mô hình hợp tác khác hẳn, chẳng hạn Trung Quốc đầu tư
nhưng phải dành một phần lớn công việc cho các doanh nghiệp địa phương chế biến
hàng xuất khẩu.
Venezuela
rơi vào vòng xoáy nợ nần với Trung Quốc
Không phải quốc gia Mỹ
la-tinh nào cũng có được ưu thế khi đàm phán, nhất là khi đang rơi vào khủng
hoảng như Venezuela.
Ngày 19/4, Tổng thống
Nicolas Maduro thông báo Bắc Kinh vừa cho vay thêm 5 tỉ đô la. Tổng cộng từ năm
2008 đến nay, Venezuela đã nợ Trung Quốc trên 56 tỉ. Sở hữu trữ lượng dầu khí
khổng lồ, Venezuela trả nợ bằng dầu lửa. Và lao vào vòng xoáy nợ nần.
Trước đó vào tháng Giêng,
sau chuyến viếng thăm bất ngờ Bắc Kinh, ông Maduro loan báo Trung Quốc sẽ đầu
tư 20 tỉ đô la. Món tiền này là quả bóng oxy cho chính quyền Caracas, đang gặp
khó khăn vì dầu thô – chiếm đến 90% xuất khẩu của đất nước – từ một năm qua đã
bị mất đến trên 50% giá trị.
Mặc cho những lời hứa hẹn
của Tổng thống, các mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục khan hiếm, dòng người vẫn
nối dài trước các cửa hàng. Sữa, thịt, xà bông thiếu vắng trong các siêu thị do
nhà nước quản lý. Lạm phát đạt mức 68,5% trong năm 2014, tiếp tục phi mã, nhưng
Ngân hàng Trung ương không còn công bố con số chính thức.
Theo IMF, tỉ lệ này có thể
lên đến 96,8% trong năm nay. Các nhà kinh tế độc lập cho rằng số liệu chính
thức vốn không tính đến giá cả trên thị trường chợ đen, rất xa so với sự thật.
Cũng theo IMF, năm nay Venezuela sẽ bị thâm hụt 20% ngân sách, dự trữ ngoại hối
rơi xuống dưới mức 20 tỉ đô la.
Còn Trung Quốc túi rủng
rỉnh tiền nhưng rất cần năng lượng, bèn đưa Caracas thành đối tác ưu tiên.
Tháng 7/2014, Tập Cận Bình hoan nghênh việc nâng quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”,
còn ông Maduro cảm động cám ơn “ông
anh Trung Quốc”. Một năm trước đó, tập đoàn dầu khí CNPC Trung Quốc
loan báo sẽ đầu tư 28 tỉ đô la vào vành đai dầu lửa Orénoque. Dưới mắt Caracas,
Bắc Kinh là một chủ nợ dễ dãi vì không đòi hỏi các điều kiện rắc rối như nhân
quyền. Tổng thống Maduro tiếp tục tự hài lòng với việc lên án đế quốc Mỹ, và nợ
nần đối với Bắc Kinh thì ngày càng chồng chất.
Trung
Quốc và chủ nghĩa thực dân mới
Nhu cầu của Trung Quốc về
nhôm, đồng và kẽm đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến 2007, tiêu thụ chỉ tăng gấp
ba và nickel gấp bốn lần. Về nông sản, Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà
nhập khẩu đậu nành hàng đầu thế giới.
Nếu tại Brazil, Bắc Kinh đã
hất cẳng Washington trong vai trò đối tác hàng đầu, thì nhìn chung Trung Quốc
có thể qua mặt Liên hiệp Châu Âu để trở thành đối tác thương mại thứ nhì của
châu Mỹ la-tinh.
Một thế giới đa cực không
có nghĩa là một thế giới bình đẳng.
Từ 2009, Trung Quốc là nhà
nhập khẩu hàng đầu các nguyên liệu, nông sản của Brazil, Chilê, Peru, Mehico và
Colombia, và là nhà cung cấp đứng hàng thứ nhì của các nước trên, chủ yếu là
hàng công nghiệp (hàng dệt may, giấy, xe hơi, hàng điện tử…).
Hiện tượng này cũng tương
tự như đã xảy ra ở châu Phi: hàng xuất khẩu từ châu lục này sang Trung Quốc gồm
70% là dầu lửa, 15% quặng mỏ; trong khi hàng Trung Quốc bán cho châu Phi đến
90% là hàng công nghiệp.
Tỉ lệ nguyên vật liệu trong
tổng số các mặt hàng xuất khẩu từ châu Mỹ la-tinh sang Trung Quốc từ 27% vào
đầu thập niên 80 đã lên 40% vào năm 2009. Như vậy trao đổi thương mại tăng lên
không phải là cơ hội để các nước Mỹ la-tinh đa dạng hóa, sáng tạo, thêm vào giá
trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của mình. Vị trí nước xuất nguyên liệu thô
không cho phép các quốc gia này hội nhập vào thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến
chiến lược phát triển.
Bên cạnh đó là sự lệ thuộc,
dễ tổn thương khi nền kinh tế chỉ dựa vào vài mặt hàng đơn điệu, và việc sản
xuất các sản phẩm này cũng tùy thuộc một số nhân tố độc quyền như các địa chủ,
đại gia… Đây chính là sự xuất hiện trở lại của mô hình thuộc địa. Lao động địa
phương bị bóc lột, còn nguồn lợi thiên nhiên bị khai thác vô tội vạ. Nguyên
liệu được đưa sang quốc gia thực dân để chuyển đổi thành sản phẩm công nghiệp
và bán lại với lợi nhuận tối đa.
Mô hình kinh tế này vừa bất
bình đẳng (giữa đa số bị bóc lột và thiểu số giàu có), hủy hoại môi trường (độc
canh, tăng năng suất bằng thuốc trừ sâu, hầm mỏ gây ô nhiễm, phá rừng…);
Hàng ngàn hecta độc canh
đậu nành, hàng ngàn lít nước trong khai thác quặng mỏ, nông sản biến đổi gien,
ô nhiễm: bấy nhiêu tài nguyên đất và nước mất đi, là bấy nhiêu cơ hội giảm
xuống cho thực phẩm sạch và một xã hội bình đẳng hơn.
Ảnh hưởng không đơn thuần
trên lãnh vực kinh tế mà còn về chính trị. Nguồn lợi từ việc xuất nguyên liệu
thô giúp các chính quyền cánh tả tài trợ cho các chương trình xã hội để lấy
lòng dân chúng. Thế nên rất khó khăn khi đặt lại vấn đề đa dạng hóa sản xuất,
tìm thêm đầu ra. Đây là một nghịch lý: các chính sách chống nghèo đói, tăng
thêm dịch vụ xã hội… được tài trợ bởi phương thức sản xuất khai thác tài nguyên
đơn thuần.
Độc canh, xuất thô lại tước
đoạt của người dân phương tiện sản xuất, tái lập bất bình đẳng và lệ thuộc và
đặt lại vấn đề về chủ quyền của các dân tộc. Chính sách xã hội được coi trọng
hơn các mục tiêu vĩ mô của nền kinh tế. Ngoài ra, các chương trình phúc lợi và
và những lời hứa tương lai ngày khó bù đắp nổi cho tài nguyên bị mất đi, ngõ
cụt sinh thái và thảm họa môi trường.
Những
tiếng nói phản đối
Trước tình hình đó, có hai
lực lượng đang nổi lên ở châu Mỹ la-tinh. Lực lượng thứ nhất gồm đa số chính
phủ cánh tả và một số phong trào xã hội, không ngừng kêu gọi đưa ra một chiến
lược chung trước Trung Quốc. Lực lượng thứ hai gồm các phong trào khác nhau
(nông dân, thổ dân…) muốn đặt lại vấn đề, với những điều kiện nào thì thương
mại với Trung Quốc mới mang lại lợi ích cho các dân tộc và đất nước Mỹ la-tinh,
có sự thăng bằng giữa tăng trưởng, tiêu thụ và chất lượng cuộc sống?
Nhà tư vấn Castro Neves nêu
ra những trở ngại đã từng chứng kiến tại châu Phi, “nơi người Trung Quốc luôn cố áp đặt các điều kiện không thể chấp
nhận được về lao động và môi trường”. Tại châu Mỹ la-tinh, “khi mà sự hiện diện của Trung Quốc ngày
càng nhiều, người ta đã nhận ra một số ác cảm”.
Tại Nicaragua, những người
bảo vệ môi trường và cộng đồng địa phương từ nhiều tháng qua đấu tranh chống dự
án kênh đào xuyên hai đại dương của Hongkong Nicaragua Canal Development
(HKND). Ở miền nam Peru, một công nhân đã thiệt mạng hôm qua trong các vụ đụng
độ giữa cảnh sát và những người biểu tình tố cáo các vụ sa thải tùy tiện tại
một mỏ của công ty Trung Quốc Shougang.
Sân
sau của Mỹ đang trở thành vườn nhà Trung Quốc
Theo một công trình nghiên
cứu của các trường đại học ở Achentina, Peru và Hoa Kỳ, “thương mại và đầu tư của Trung Quốc tại
châu Mỹ la-tinh từ đầu thế kỷ 21 là một nhân tố chủ yếu của tình trạng môi
trường xuống cấp, và là nguồn gây ra xung đột xã hội đáng kể”.
“Sự
trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc” ở châu
lục này còn có thể khiến cho một số chính phủ cắt đứt quan hệ với Đài Loan,
khiến đảo quốc này bị cô lập thêm. Trong số 23 quốc gia có quan hệ ngoại giao
với Đài Bắc, phân nửa ở châu Mỹ la-tinh và vùng vịnh Caribê. Bắc Kinh đã gia
nhập Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (BID) và Ngân hàng Phát triển vùng Cari bê
(BDC). Tại khu vực này, có 5 nước công nhận Đài Loan, đầu tư của Trung Quốc
tăng gấp năm lần từ 2003 đến 2012.
Bắc Kinh im lặng trước
những xungđột “nóng”, như cuộc khủng hoảng hiện nay ở Venezuela, cuộc đảo chính
ở Honduras năm 2009, âm mưu đảo chính ở Ecuador năm 2010… Dựa vào cái cớ “không can thiệp vào chuyện nội bộ của
nước khác”, Bắc Kinh luôn “ngậm miệng ăn tiền”, khác hẳn với các
nguyên tắc dân chủ của Washington. Đáng chú ý là mỗi quốc gia đối tác có thể là
thêm một lá phiếu cho Trung Quốc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Trên lãnh vực quân sự, Peru
và Bolivia là khách hàng của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Cuba cho phép
Bắc Kinh sử dụng các cơ sở hạ tầng do người Nga xây dựng dở dang tại đây, nhất
là căn cứ quân sự Torrens gần La Habana.
Charles Tang, chủ tịch
Phòng Thương mại Brazil-Trung Quốc khẳng định: “Sân sau của Hoa Kỳ đang trở thành vườn nhà của Trung Quốc, không
chỉ ở Brazil mà còn trên toàn châu Mỹ la-tinh”.
Tờ La Nación xuất
bản ở Buenos Aires nhận xét: Có thể Tập Cận Bình, quan ngại trước việc Hoa Kỳ
đang thương thảo với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á về TPP, muốn gởi đến ông
Barack Obama một thông điệp đại khái như: “Anh đến lảng vảng tại khu vực ao nhà của tôi, thì tôi trả đũa lại
anh tương tự!” Nói cách khác, Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào châu
Mỹ la-tinh. Không tự bằng lòng với lục địa đen, những chiếc vòi bạch tuộc quyết
vươn sang tận bên kia đại dương, thách thức Chú Sam.
T. M.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét