Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015
Thảo Trường - Đá mục (Kỳ 7)
Ông đồn trưởng gặp lại anh lính trẻ truyền tin ở trại tù binh sau hai mươi năm. Anh ta kể cho ông nghe những thay đổi trong đời, anh cũng được về học lớp chuyên môn binh chủng ít lâu sau, rồi đổi đi đơn vị khác, rồi sau xin theo học trường Đồng Đế, Nha Trang. Năm 1975 anh cũng đã là sĩ quan vì thế phải đi đày ở tuốt Miền Bắc... mới có dịp gặp lại “xếp” cũ. Sự đời loanh quanh luẩn quẩn. Bẵng đi từ ngày xa xưa đó, ông đồn trưởng đủ hai năm biên giới được rời tiền đồn về đơn vị ở đồng bằng, thầy trò tưởng sẽ không gặp nhau, nay lại hội ngộ trong hoàn cảnh sa cơ, thất thế, bẽ bàng, nhưng cũng rất mừng rỡ. Có điều xoay chiều là thay vì thẩm quyền nâng đỡ thằng em nay thằng em lại là kẻ có điều kiện giúp đỡ ông thầy. Anh ta nói:
Trong lúc sa cơ, gặp lính cũ mà thấy vẫn còn tình nghĩa thầy
trò năm xưa, ông sĩ quan rất cảm động. Trong thời thế cào bằng một lứa, ông còn
được nghe những lời an ủi, săn sóc của anh ta, đã giúp cho ông phần nào lấy lại
được niềm tin ở cuộc đời. Anh là một kẻ tháo vát, nhanh nhẹn, siêng năng và rất
sáng trí. Ngay tối đầu tiên ở chung với anh một phòng giam, anh đã đãi uống trà
quạu, đặc sánh hổ phách, rồi ngâm cho nghe bài thơ tù có đoạn tả cảnh nơi bị
đày:
“... Ngày mới đến chỉ thấy rừng tiếp nối,
Con sóc con cheo ngơ ngác nhìn người,
Nắng hạ vàng mặt đất rịn mồ hôi,
Lớp sỏi gan gà đau bàn chân nứt,
Con suối không tên ngoằn ngoèo quanh quất,
Nước dầm, lá mục, cành khô,
Quốc lộ vươn xa không một bóng xe đò,
Sương xuống chiều phai sắc núi,
Dưới mạch đất như có hồn nước gọi...”
Hỏi thơ của ai, anh lắc đầu:
– Thơ tù, truyền khẩu. Chẳng rõ của ai.
Anh thông minh, việc gì cũng có thể học làm được. Anh chưa hề
sao trà nhưng nay anh ta đã trở thành chuyên viên sao trà trong đội chăn nuôi.
Cô cán bộ có bằng phó tiến sĩ nông nghiệp nhưng lại được giao trông coi đội
nuôi heo và phụ trách thêm công việc quản lý ba cái chảo sao trà. Búp trà “hai
tôm một tép” các đội hái trên đồi đem về đổ đống ở nhà lô, cô cán bộ được phép
tuyển chọn tù binh nào có chuyên môn, biết kỹ thuật sao trà, hỏi ra, chẳng
người nào biết cái nghề lạ lùng đó, có anh lại còn khai chỉ biết “đánh giặc”,
có anh lại khai chỉ biết “ăn”, những chuyên môn đó bèn bị đem đi nhốt. Anh ta giơ
tay biết, thế mà anh ta làm được, sau vài chảo làm thử, “tay nghề” của anh đã
lên cao và anh nghiễm nhiên trở thành chuyên viên. Sáng sáng cô cán bộ vào cổng
trại giam, ký sổ nhận lãnh một mình anh ra lò sao trà. Anh thuộc diện rộng, tự
giác, làm thông tầm, hằng ngày có bồi dưỡng thêm khoai hoặc củ sắn luộc. Chiều
cô cán bộ dẫn anh ra hồ cá tắm táp, trước khi trao trả về trại. Bao giờ cô cán
bộ cũng dặn đi dặn lại anh là khi tắm phải giữ đúng văn minh văn hóa mới, không
được tắm truồng. Vì anh không có quần đùi tắm nên cô cán bộ phải trèo lên cái
lò gạch bỏ hoang bên bờ hồ, núp chờ ở đó. Thời gian qui định tắm giặt là mười
lăm phút. Tù không được giữ đồng hồ, nộp cho trại quản lý hết ráo nên chỉ có
thể đoán thời gian, cán bộ ít người có đủ ba món Đồng, Đạp, Đài, nếu chưa có
dịp vô Nam. Cô cán bộ cũng chỉ đoán chừng thời gian và thời gian thì phải do
cán bộ nhà nước ước tính để giữ thế chủ động, tù ước tính thì không tin được vì
tù không có quyền công dân. Khi ước đoán đã đủ mười lăm phút cô cán bộ gọi vọng
xuống hồ, hỏi:
– Xong chưa?
Nếu trả lời chưa, cán bộ sẽ chưa ra khỏi lò gạch, nhưng sẽ
hối thúc “khẩn trương”. Khi nào mà anh chuyên viên sao trà “Báo cáo cán bộ
xong” lúc ấy cán bộ mới được bước xuống. Cũng chỉ tại “văn minh văn hóa mới”.
Anh có uy tín với cô cán bộ nên xin cho cái bác tù già yếu
bệnh tật chức nấu cám heo. Ông lão được gọi từ ruộng khoai về, sau khi xem giò
xem cẳng, cô cán bộ bèn thuận cho bác già ở tại nhà lô, chuyên phụ trách nấu
cám cho heo ăn và hằng ngày phải kín nước rửa chuồng, tắm cho đàn heo sạch sẽ
theo đúng vệ sinh chuồng trại. Công việc cũng không phải là nhẹ nhưng được cái
chỉ loanh quanh trong nhà lô, đỡ mưa, đỡ nắng, và đỡ mất sức vì cái cuốc nghị
quyết 8. Anh bạn trẻ căn dặn xếp cũ:
– Ông thầy phải khôn một tí mới có hy vọng sống sót mà về
Nam. Chậm chạp quá e không lọt. Phải biết nín thở qua sông.
Ông cựu đồn trưởng có lần nhắc tới cô gái Thượng, anh ta nghĩ
mãi mới nhớ ra rồi toét miệng cười. Nhắc tới cục đá anh ta cũng không biết,
phải kể lể mãi anh mới nhớ ra, cũng cười khì:
– Trời đất! Ông thầy lưu giữ nó thiệt à? Mặt trăng với vũ trụ
khỉ gì, chẳng qua thấy nó ngồ ngộ thì tiện tay đem về cho thầy có cái mà tương
tư. Nó cũng chỉ là một cục đá như những cục đá người ta ném nhau!
Thỉnh thoảng anh ta còn chia phần khoai sắn bồi dưỡng của
mình cho ông thầy và đặc biệt mỗi ngày anh đem về cho ông một lon gô trà đặc
tráng chảo nóng hổi. Loại trà hảo hạng này không hề và không bao giờ có bán
trên bất cứ thị trường nào của thế giới. Các tay uống trà sành điệu dù đã đạt
đến thành trà đạo cũng không có mà uống, anh ta nói:
– Trên đời này chỉ có “thằng em” và “ông thầy”.
Cái chảo qua nhiều mẻ trà đã để lại một lớp nhựa đặc quánh
như keo vẫn còn nóng, chế vào một lon nước sôi, đun tiếp một lát nữa, dùng một
cái đũa cả làm bằng gỗ cây trà già quậy đều theo chiều âm dương, nhựa trà dính
chảo tan dần trong nước. Đừng đun lửa lớn quá và cũng đừng cho sôi sùng sục.
Phải riu riu. Lửa riu riu mà nước trà cũng riu riu sôi. Đến khi nước trà trong
chảo lên màu hổ phách. Là được. Ở tù không có bình thuỷ, chế trà vào lon guigoz
đậy nắp, bọc bông vải và chất xốp giữ cho trà nóng lâu. Đem về phòng giam. Sau
bữa ăn tối. Bằng khoai hoặc sắn luộc. Xong. Tạ ơn Trời. Rồi thầy trò đối ẩm. Và
phê mấy bi thuốc lào. Và bàn mấy chuyện thời thế. Và nhắc lại mấy kỷ niệm xưa.
Và dự đoán đôi điều hậu vận... Nuôi dưỡng hy vọng, cầm cự niềm tin, mà sống.
Anh bạn trẻ là một người thông minh và thực tiễn. Anh ta là
một người tù “mồ côi”, không ai thăm gặp và tiếp tế, cũng không thấy có thư từ
hỏi han bao giờ. Nhưng anh cũng có đủ thứ để “sống qua ngày” ở nơi lưu đày biệt
xứ. Thỉnh thoảng anh cũng có thịt, có cá, có trứng, có rau, đậu, củ, quả, “cải
thiện” cho bữa ăn. Hỏi anh đào đâu ra những đồ “quốc cấm” đó, anh chỉ cá suối,
thịt rừng... các thứ khác thì... bốn phương mây trắng, anh nói và quơ tay thành
vòng tròn trên đầu. Cuộc sống của anh ung dung trong tù. Anh chê “ông thầy” chỉ
biết lý thuyết binh thư “mưu sinh thoát hiểm” của Tổng Cục Quân Huấn và Trường
Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, chứ chẳng biết gì cách “kiếm ăn thoát hiểm” khi thực tế
sa cơ. Ông thầy nghe ra thấm thía, lần đầu tiên dùng chữ thân thiện:
– Mày giỏi.
Anh bạn trẻ cười ngoác cả miệng, anh cười thỏa mãn như chưa
bao giờ “đúng ý” như thế, khen:
– Ông thầy đã có vẻ “tỉnh ra”.
Rồi anh nói cho xếp nghe những chuyện bên ngoài trại giam:
– Chúng nó cũng thế cả mà thôi. Lập trường quan điểm nói ra
ngoài miệng thì như cách mạng xả thân vì lý tưởng cộng sản nhưng thực tế đời
sống “kiếm ăn mưu sinh” diễn ra hà rầm mỗi đứa mỗi cách mỗi vẻ. Tự nhiên. Thói
quen. Và thường trực. Anh ta kể chuyện có một “cải tạo viên” người Việt gốc
Hoa, đã lỡ miệng hồn nhiên phát biểu: “Ăn chực không nói là ăn chực lại nói là
tham gia!” Chỉ ngô ngọng bấy nhiêu thôi mà bị nhốt kỷ luật về tội “phản cách
mạng” đến kiết lỵ ỉa ra máu chết trong nhà cùm. Ghê gớm lắm. Sống tầm phào
nhưng phải che giấu và nói năng ra vẻ tốt đẹp. Tầm phào là hiện tượng tạm thời,
tốt đẹp mới là cơ bản. Cứ phải thế.
Hỏi thăm về gia đình anh bạn trẻ kể:
– Có chứ. Cưới vợ lần đầu được hai năm, nó đi làm sở Mỹ bị
một bạn đồng minh dụ dỗ cuỗm mất, mang theo luôn về Mỹ. Sau này khi lên làm sĩ
quan, thằng em cũng lại có vợ, nhưng chộp phải con mẹ dữ dằn quá, nó hành hạ em
đủ điều. Từ trước tới giờ mình quen bắt nạt phụ nữ, nay bập phải con mẹ to khỏe
lại đa dâm, nó dữ như cọp, bắt nạt thằng em cái gì cũng phải theo ý nó. Nó uống
rượu không bao giờ say, có võ, chửi tục giỏi và rất ác. Có lúc em muốn chết,
may gặp khi... nước mất nhà tan, cũng là dịp cho nó bỏ mình, để nó lấy một
thằng cách mạng nào mà hành hạ cho bõ ghét.
– Biết dữ như vậy sao cưới?
– Khi mới quen nhau... nàng dễ thương lắm, tình lắm. Nàng
lịch sự, sung sức, nói năng có duyên và rất mê mẩn em. Thằng em cũng rất thích
nàng. Thế nhưng ở với nhau một thời gian nó mới lòi ra đủ thứ xấu. Nó chán em,
chửi em là “yếu xìu” là đồ “gà chết”, nó sang với thằng con của bà hàng xóm.
Còn em thì đâm ra sợ nó, sợ thiệt tình, đang làm gì thấy nó tới em giật thót
mình. Thế cơ chứ.
Anh kể chuyện tình như anh kể chuyện vui:
– Lúc mới, nó “nể” em có món võ bằng vũ khí lạ, nhưng sức
người có hạn, đâu cầm cự nổi với nó dẻo dai. Đánh “cấp tập” thì được, “trường
chinh” là thua. Đúng như đồng chí Đặng Xuân Khu viết trong “Chiến tranh nhân
dân” rằng: “Chiến thuật của chiến tranh nhân dân là đánh mau, chiến lược của
chiến tranh nhân dân là đánh lâu. “Có lý lắm! Thế là thằng em “gục”. Em đi tù
mất liên lạc với nó luôn, chỉ sợ lỡ nó nhớ lại, thương mình, đi tìm thăm nuôi
thì... bỏ mẹ.
Anh lẩm bẩm:
– “Cách mạng là cứu người!”
Rồi anh gật gù với giải pháp tự túc của mình:
– Bây giờ em chỉ tính sao cho mình thoải mái và tồn tại. Câu
“Trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh” là đúng nhất trong trường hợp chúng
ta hiện nay, thầy phải biết vận dụng. Rồi sẽ vượt qua cửa ải khổ nhục, thế nào
cũng có một ngày mai khác với hôm nay và khác cả với hôm qua.
Anh dịu dọng:
– Em quí trọng ông thầy từ hồi mình ở với nhau nơi tiền đồn
biên giới. Ngày đó thầy khờ, và dại, và nhát, và tốt bụng. Bây giờ ông thầy cứ
để thằng em lo cho.
Hỏi anh có nhớ cô gái Thượng không, anh ta trầm giọng:
– Nghĩ cũng tội, bây giờ nhớ lại thương quá. Ở đàn bà, quí
nhất là sự đần độn. Biết thế ngày đó lấy nó làm vợ thì cuộc đời mình có thể êm.
Công việc chăn heo của bác già không được lâu vì bác phạm sai
lầm nghiêm trọng. Một hôm vợ trại trưởng dắt một con lợn cái đến đội chăn nuôi
xin heo nọc nhảy đực. Chuồng lợn có một con heo nọc rất lớn, thuộc giống tốt.
Cô phó tiến sĩ bảo ông lão mở cửa chuồng cho con cái của trại trưởng phu nhơn
vào. Hai người đàn bà cầm gậy đứng ngoài chuồng lùa con cái đến gần con nọc.
Cũng chẳng cần phải đợi lâu, anh heo đực vốn đang sung sức lại thiếu cái lâu
ngày, nó sấn sổ nhào tới gầm lên như cọp, hai chân trước chồm lên lưng lợn của
trưởng trại phu nhơn khiến con cái ngã dúi dụi muốn bỏ chạy, hai người đàn bà
dùng gậy ấn đầu con cái xuống bắt nó khuất phục, bà trại trưởng còn dịu dàng vỗ
về con heo của mình:
– Ngoan đi con, chịu khó tí đi con.
Cô phó tiến sĩ thì thét người tù già:
– Anh vào hẳn trong chuồng phụ với con cái bắt nó phải quì
xuống... chổng mông lên cho con đực nó dễ nhảy.
Nhớ đến lời căn dặn của “thằng em”, nó bảo phải chịu khó nhẫn
nhục, nín thở qua sông, bác già vội vã trèo vào chuồng. Con heo nọc đang ngon
trớn chợt thấy người thì nổi ghen, giận dữ kêu rống lên xông tới bác già, sợ
quá người lại tháo chạy, phóng bay ra khỏi chuồng. Hú vía! Người đàn bà và cô
phó tiến sĩ cười ngặt nghẽo:
– Anh thua con lợn à?
Bác già gật đầu:
– Thua! Tôi thua giống lợn!
– Thế thì kiếm cây gậy, phụ với chúng tôi, ấn đầu con cái
xuống cho con đực nó chơi.
Bác già đi kiếm cây gậy. Khi con nọc nhảy lên lưng con cái mà
xục thì cả cô phó tiến sĩ lẫn bà trưởng trại đều nghiêng đầu xuống thấp để theo
dõi xem nó đi có trúng không. Một vạt nước sền sệt vãi cả ra nền chuồng. Con
cái nằm bẹp. Con nọc bỏ đi vòng quanh. Bà trại trưởng hỏi bác già:
– Anh thấy nó có vào trong không?
Cô phó tiến sĩ thì hỏi:
– Anh thấy trúng chưa?
Bác già trả lời cả hai:
– Được rồi.
Cán bộ lại nói:
– Anh cho nó uống miếng nước cho đỡ mệt.
Bà trại trưởng nói:
– Nghỉ một lát nhảy cái nữa.
Cô cán bộ khoe:
– Lợn em chỉ cần nhảy một lần là đậu.
Bà trại trưởng lại nói:
– Một công dẫn đến, cho tôi xin lần nữa cho chắc.
Cô cán bộ cười:
– Thế thì chết lợn em.
Bà trại trưởng cũng cười:
– Khoẻ thế kia, nhảy chục lần, quần suốt ngày cũng không ăn
nhằm gì.
Hai người đàn bà kéo nhau vào trong nhà lô nghỉ giải lao. Con
lợn cái cũng nằm bẹp một chỗ giải lao luôn. Con nọc vẫn đi vòng vòng quanh
chuồng. Bác già đứng lặng thinh nhìn nó. Hình như nó đi vòng vòng như thế để
tiêu khiển một sự gì đó!
Độ nửa giờ sau, hai người đàn bà giải lao bằng mấy quả chuối
luộc xong, trở lại chuồng heo, quẳng cho con nọc mấy cái vỏ chuối, nói với
người tù già:
– Nào, ta làm thêm lần nữa.
Bác già mở cái cửa thông giữa hai chuồng lùa con cái sang bên
chuồng con nọc. Con cái đi chậm chạp, bác già dùng cây gậy đánh nhẹ vào mông
đít nó. Trưởng trại phu nhơn cự:
– Sao lại đánh nó. Từ từ rồi nó sang. Anh này ác quá! Thế
ngày xưa, thời quốc gia, anh cũng thúc đẩy ác nghiệt... đàn bà như thế à?
Bác tù già cứ ngớ người ra. Bác lại nghĩ tới “thằng em”, nó
khuyên phải nhẫn nhục. Nhẫn nhục nhưng bác thấy nong nóng ở khóe mắt.
Cũng may lần này cả hai bên đều có kinh nghiệm, con cái ngoan
ngoãn, con nọc từ tốn, cuộc tình diễn ra tốt đẹp. Thắng lớn! Thắng lợi sau lớn
hơn thắng lợi trước! Càng đánh càng thắng! Tia nước phun vào trong hết, rất ít
bị vãi ra ngoài. Bà trại trưởng thoả mãn thấy rõ trên nét mặt. Cô phó tiến sĩ
cũng vui:
– Kể như bảo đảm trăm phần trăm. Lứa này chị nhớ để rẻ cho em
một cặp đấy nhá.
Bà trại trưởng lùa lợn của mình đi ra:
– Được rồi. Tôi nhớ cô.
Bà ta cũng nói với bác già:
– Chào anh nhá.
Bác già đóng cửa chuồng rồi đi xuống bếp nấu cám. Lát sau cô
phó tiến sĩ xuống đưa cho bác tù già hai quả trứng gà, cô nói:
– Trứng bồi dưỡng. Anh coi “lô”, không được đi đâu nhá, tôi
đi có tí việc một lát về, “ban” có tới báo cáo là tôi đi liên hệ rau lang cho
lợn ở đội nông nghiệp.
Bác già báo cáo “rõ”. Và bác cảm động. Dù sao thì cán bộ cũng
tốt bụng. Trứng gà là thức ăn cao cấp trong xã hội “xã hội chủ nghĩa”, thế mà
cán bộ bồi dưỡng cho bác những hai quả. Có thể là vì cô cán bộ đã thấy tận mắt
bác suýt bị con heo nọc cắn nếu như không “bay” ra kịp. Nguy hiểm thế! Chết
người như không chứ giỡn sao?
Nghe nói trong nấc thang cấp dưỡng ở bếp cơ quan chỉ “ban”
mới được hưởng mỗi tháng năm quả trứng, cán bộ cấp dưới không có tiêu chuẩn
trứng trong mức ăn. Thèm muốn thì tự đi xoay xở cải thiện. Bác già chỉ muốn được
yên thân, chả bao giờ dám nghĩ đến trứng gà trứng vịt. Cầu sao có củ khoai củ
sắn cầm cự độ nhật qua ngày là được. Bây giờ tự nhiên được thưởng, âu cũng là
cái lộc may từ loài lợn cái, heo nọc.
Bác già thả hai quả trứng vào trong cái ca, bác chế đầy nước
sôi, canh giờ cho vừa chín tròng trắng, bốc vài hạt muối, bác ăn hai trái trứng
bồi dưỡng theo đúng kiến thức sách vở mà bác đã đọc xưa kia, để đạt được độ bổ
béo nhất mà không có hại gì cho lá gan vốn đang rất yếu. Thiếu thốn nhiều ngày,
cơ thể chứa toàn khoai sắn, vị giác lâu không được thứ gì kích thích, đưa trứng
gà vào miệng, sao mà nó thơm, sao mà nó béo, sao mà nó ngậy, sao mà nó ngon?
Đến thế! Cơ chứ? Hở Trời?
Bác cầm cái chổi “sể” quét lá cây trên sân mà lòng phơi phới.
Lá bạch đàn vẫn rơi theo gió. Nếu ở một nơi chốn nào đó những chiếc lá rơi này
sẽ rất là đẹp. Nhưng ở đây, cô cán bộ lại muốn cái sân không có lá vàng, thì
quét đi, cũng là vui theo cách khác mà thôi.
Công việc xong xuôi thì cán bộ về, cô đi thẳng xuống bếp:
– Anh cho lợn giống bồi dưỡng chưa?
– Báo cáo xong hết cả. Tôi phân phối cám nấu cho các chuồng
như thường lệ.
– Thế còn hai quả trứng gà?
– Cám ơn cán bộ bồi dưỡng cho, tôi đã ăn...
Cô phó tiến sĩ nhảy dựng lên, hai chân cô dậm bành bạch trên
nền sân đất đã quét sạch lá:
– Tôi biết ngay mà. Ra đi một lát tôi chột dạ sinh nghi, trở
về không kịp, thế anh đã... nuốt vào bụng rồi à?
– Dạ, tôi tưởng cán bộ cho tôi.
Cô phó tiến sĩ nói như hét:
– Đưa anh để anh cho vào chậu cám con lợn giống, tiêu chuẩn
bồi dưỡng của nó sau mỗi lần nhảy đực. Anh ăn tranh của nó là anh bóc lột nó.
Các anh bóc lột nhân dân quen rồi, bây giờ lại bóc lột của lợn nữa!
Người tù binh già ngay đơ chết đứng, lắp bắp:
– Tôi tưởng cán bộ bồi dưỡng cho tôi.
Cô cán bộ lại thé thé:
– Nó nhảy, chứ anh có... làm gì đâu mà bồi dưỡng.
– Tôi... xin lỗi...
–
Xin lỗi, tư sản các anh có cái trò xin lỗi, xin lỗi là xong à? Thế còn hai quả
trứng? Vấn đề là hai quả trứng chứ không phải là xin lỗi.
Bác già lại thấy nong nóng ở khoé mắt. Biết đường đời rắc rối
thế này thà cứ đi cuốc đất cho yên. Quả nhiên cô cán bộ phán trước khi bỏ đi:
– Từ ngày mai anh về đội đi cuốc đất. Nghe rõ chưa?
Bác già lủi thủi vào chuồng heo đứng nhìn những con vật vô tư
ủn ỉn.
(Còn
tiếp)