Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015
Nguyễn Văn Thà - Cái Trống Cơm
Lời trần tình: Dưới đây là một truyện ngắn không phải về nhà văn Tâm Thanh như chủ đề của số báo này, mà nhân đám tang của anh viết về một chủ đề khác. Chỉ mong nó được là một tia nắng nháy trong khu vườn tưởng niệm ủ ê nhớ thương.
L'extrême félicité à peine séparée
par
une
feuille tremblante de l'extrême
désespoir,
n'est-ce pas la vie?
Sự sung sướng tuyệt đỉnh
mới bị chia lìa
bởi một chiếc lá run rẩy
vì tuyệt vọng,
cuộc đời há chẳng phải như thế hay sao?
Sainte-Beuve
Khổ hết rồi âu phải cam lai
Thôi
thì thôi tiền định an bài
Sầu
cho nát lòng người chi nữa.
Cao
Bá Quát
Ông Cao Sơn mới
mất. Ông đã có và đạt được những cái mà tôi không có và sẽ chẳng bao giờ đạt được
nữa: giàu có, vợ đẹp con khôn, địa vị, và nhất là được nhiều người kính trọng. Ở
Na Uy chuyện giàu có không quan trọng lắm vì không ai nghèo. Vợ đẹp, con khôn
đó là chuyện riêng tư, càng riêng tư ở cái xứ chỉ có hai mùa đông: mùa đông
xanh và mùa đông trắng, nhà ai nấy ở, cửa ai nấy đóng kỹ, nên chẳng mấy khi gặp
nhau mà khoe vợ, khoe con. Vợ miễn sao tử tế, con đừng xì ke, ăn cướp là được. Trong
một cảnh sống đóng kín như thế, lỡ có con cái hoang đàng đi nữa thì ít nhất bà
vợ phải tử tế thì mới sống qua được những mùa đông dài đằng đẵng. Vợ ông đẹp lại
tử tế, lại còn ngâm thơ hay. Câu thơ tổ ấm chén trà tay hương. Mùa đông dài mấy
cũng thành ngắn. Chuyện được kính nể lại là chuyện hiếm, vì chẳng mấy khi gặp
nhau để ra oai với nhau nhưng ông Sơn vẫn là người được kính trọng vì ông là một
hoạ sĩ nổi tiếng. Có nhà phê bình nghệ thuật của tờ báo lớn nhất Oslo ví ông là
một phù thuỷ của màu sắc. Tranh ông đã được viện bảo tàng quốc gia Na Uy mua. Ông
còn là một nhà biện luận hóm hỉnh mà sâu sắc, như một đại diện của nền minh trí
Đông phương, trong nhiều chương trình thảo luận về văn hoá, chính trị trên TV; và
trước đó là một nhân viên xã hội có tiếng là khôn khéo. Tóm lại ông là niềm
hãnh diện của những người đồng hương.
Khi ông bạn đồng nghiệp của tôi cắc cớ gọi
điện thoại báo tin ông Sơn chết, tôi đang xem phim trên mạng, bộ phim điều tra
hình sự gay cấn đài NRK chiếu từ dịp Phục Sinh, rán coi cho xong vì chỉ còn vài
ngày nữa sẽ bị rút khỏi TV mạng; tôi đâm bực mình. Và ăn tối xong, tính sẽ xem
tiếp vài tập nữa trước khi ngủ, thì anh Paul Bong, láng giềng, người Congo, hành
nghề y tá, thân hành gõ cửa:
- Ông có biết hoạ sĩ Cao Sơn, người đồng hương với ông, mới chết không?
Cái ông mà đôi khi tôi có nói với ông đó!
Tôi hờ hững:
- Vậy à? Rồi sao?
- Ông ta là bạn thân của tôi. Ngày mai
tôi sẽ đi viếng xác ông ta – Rồi trợn mắt trắng dã, nhìn lên trời than – Tiếc
ghê, một con người tài năng và đức độ đến như thế… Tôi quen biết rồi là bạn
thân từ thủa hai người cùng làm cán bộ xã hội cho sở tị nạn. Tôi chuyển nghề
làm y tá. Ông ta chuyển sang làm cố vấn cho ngành quảng cáo một thời gian ngắn,
rồi thử vẽ tranh và thành công. Do đó sau này ông chỉ chuyên vẽ tranh.
- Vậy mà tôi không biết?
- Không biết gì?
- Thì không biết hai người là bạn thân.
- Giờ thì biết. Mà ông biết không: Có bữa
tôi bảo ông ta, sao không thử vẽ con gái da đen. Các nường Phi châu mạnh mẽ,
thích hợp với bút pháp mạnh mẽ của ông, thì ông ta bảo: ’Vẽ gì nỗi! Vừa nghe tới
đã run tay rồi, nói gì chuyện vẽ!’
- Một kiểu nói của người Việt khi muốn từ
chối điều gì, chớ ông ta mắc mớ gì mà run tay!
- Ông ta run thiệt mà, vì hôm đó, vừa
nói xong như thế với tôi, ông ta, tay đã run, mặt còn đỏ nhừ.
- Lạ vậy?
- Thôi quên chuyện đó đi. Mà ngày mai
ông đi với tôi không?
Tôi không muốn đi chút nào, nhưng chợt
nghĩ anh láng giềng Paul này đúng loại ta phải ”bán bà con xa” mà mua: anh sửa
giúp gia đình tôi những lúc bị nước ròi rỉ trong nhà bếp, nhà tắm, giúp chở mỗi
khi mua TV, tủ lạnh, chở đồ phế thải đi quăng giùm, chở ra phi trường, chở đi
nhà thương… vì ”tôi còn độc thân, nên rảnh rỗi hơn ông anh vợ con đùm đề, lại
xe cộ không có.” Làm anh phật lòng quả là bất lợi về sau, nên tôi gật đầu cười
giả lả:
- Vâng, phải đi chớ, một người tài năng,
đức độ như thế…
- Ừ, mai lễ viếng xác lúc 11 giờ, 10 giờ
tôi đưa xe đón ông đi cùng.
Chúng tôi đến nhà nguyện bệnh viện trễ mấy
phút vì phải kiếm nhà nguyện trong một khu bệnh viện rộng lớn, và vì tuy nó nằm
ngay bên phải lối vào, nhưng chữ Kapell (Nhà nguyện) lại màu đen trên tường gỗ đen
nhạt, khó mà thấy. Đã thế, anh Paul lại còn lắm chuyện:
- Cái nhà nguyện này xây theo kiểu tường đất tròn, mái
rơm của bộ lạc Bongo, ở Congo.
- Sao anh biết hay vậy?
- Thì anh Sơn nói, khi biết tôi là người
Congo.Anh ấy biết nhiều về Congo còn hơn tôi. Mà anh ấy cái gì cũng biết. Anh
tuy là hoạ sĩ nhưng lúc ở Việt Nam tốt nghiệp môn statsvitenskap (khoa trị nước).
Anh ấy cứ tiếc …
- Ừ, nước Việt Nam chúng tôi lắm người
tài, nhưng xui quá cứ chiến tranh hoài.
Nhà nguyện có tới bốn cửa vào lần theo
tường hình tròn đó. Mở cửa một, đóng; cửa kế bên trái, đóng. Đã hơn 11 giờ, trễ
vào những dịp như thế, quả là kỳ cục và bất kính. Đã thế, anh Paul vẫn còn già
chuyện:
- Anh Sơn hay nói: Mở cửa này không được
thì tìm cửa khác.
Tôi bực, nhưng rán kiềm chế:
- Ừ, mà trễ mất rồi. Kỳ lắm, mon cher ami!
Anh Paul trợn mắt trắng dã, chưa kịp nói
lại, thì anh đã mở đúng cửa, cửa thứ ba, và từ trong có tiếng hát tràn ra: ”Cửa
công chính, hãy mở cho tôi vào, cho tôi vào tạ ơn Chúa, nơi cung điện ngập cao
quang…” Bài hát viết theo làn diệu dân ca Việt Nam, vui tươi đám rước. Anh Paul
bắt đầu lắc mông; tôi nhắc nhỏ: ”Người Việt chúng tôi không lắc mông khi hát
thánh ca.” Paul cười thầm, nói nhỏ: ”Pardon!
Quen rồi.” Lại một bài khác: ”Đồng là đồng cỏ tươi, Chúa ban cho con nghỉ ngơi.
Suối ngọt cỏ non xanh rì, con nay còn thiếu thốn chi. Vui thay mà cũng phúc
thay. Vui thay là đồng cỏ non Chúa ban cho con nghỉ ngơi.” Bài này viết theo điệu
bài Cái trống cơm, nhộn nhịp chân chiên non tung tăng, Paul lại nhún, lại cười
răng trắng lớn, lại: ”Pardon, quen nết
mẹ nó đi rồi!”
Viếng xác, rồi mấy hôm sau là lễ an
táng. Viếng xác, tôi đi vì nể, đúng ra sợ mất mối lợi, nếu làm phiền anh hàng
xóm. Lễ an táng, Paul cũng lại rủ tôi đi, nhưng tôi không đi, lấy lý do là hồi
cha tôi chết, tôi không về Việt Nam chôn cất được; sẽ bất kính với cha tôi, nếu
tôi đưa đám người dưng.
Paul tỏ ra hiểu biết:
- Người Việt Nam tế nhị quá. Có những điều
tôi không hiểu nổi.
- Tôi suy nghĩ thế cho trường hợp riêng
của tôi thôi. Không phải là phong tục hay phép tắc gì đâu.
- Anh nói sao giống ông Sơn quá vậy.
- Tôi làm gì có hân hạnh đó!
Và theo anh Paul, ông Sơn còn là một người
đầy lý tưởng yêu thương con người. Tôi thì tôi không tin như thế vì những lần
Nhà Việt Tộc tung ra chiến dịch ”Một cái giếng cho Việt Nam” hay ”Một túp lều
cho người thượng bị cùi” vv, thấy trong danh sách đóng góp, số tiền ông Sơn đóng
góp chỉ bằng bà Ba làm nghề dọn vệ sinh, tuy nhiên sau đó ông lại ủng hộ một
món tiền rất lớn cho việc xây dựng viện bảo tàng kiều dân, nơi nhiều tranh ông
được trưng bày. Nói tóm lại anh Paul tuy là người Phi châu, nhưng rất phục và
coi ông Cao Sơn như thần tượng. Nhưng anh Paul mới đúng là một người hết mình
vì người khác, mình vì mọi người: trong đời sống hằng ngày và nay anh đã làm
đơn tình nguyện sang Liberia giúp những người bị dịch Ebola, khi chính phủ Na
Uy cần một số nhân viên y tế sang cứu giúp dân những nước bị trúng dịch.
Anh ra đi, và trước khi ra đi, anh làm
giấy uỷ quyền cho tôi: nếu anh chết, bán căn hộ của anh và dùng tiền bán nhà
giúp nạn nhân Ebola.
Rồi anh bị dính bệnh Ebola, và khi lây bệnh,
anh lại – theo báo chí Na Uy - không muốn ”bị phân biệt đối xử” đưa về Na Uy để
chữa trị, để được chích liều kháng thể mắc tiền mà nước Na Uy giàu có mới mua
được. Anh vẫn nằm điều trị bên ấy và tôi, tôi cứ bồn chồn, cái bồn chồn của một
người ích kỷ mà còn biết thẹn chút đỉnh và vì hình như một tình bạn đang chớm nở
trong tôi. Và không biết sao cứ vang vang trong lòng điệu nhạc cái trống cơm lồng
trong bài thánh vịnh được cùng nghe hôm đó với anh. Ông nhạc sĩ có lẽ đã theo khuynh
hướng đưa dân ca vào các bài hát, kể cả thánh nhạc, vốn là một khuynh hướng
thoát thuộc địa, giảm bớt văn hoá Âu Mỹ, để trở về với cội nguồn dân tộc, là điều
mà trí thức Việt Nam ở Pháp vẫn cổ võ. Và nhớ cả cái mông lăm le nhún nhảy của Paul
bữa đó nữa. Tôi cứ trông tin anh.
Cuối cùng anh cũng điện thoại cho tôi. Qua
điện thoại từ trung tâm điều trị The Island Clinic, ở Monrovia, Liberia, anh vẫn cười hề hề:
-
Chào anh bạn…
-
Chào người anh hùng…
-
Anh hùng cái con mẹ gì! Mấy thằng cha nhà báo cứ bịa đủ thứ nào là tôi không
muốn bị phân biệt đối xử, he he he… Mấy chả chơi chữ hay đáo để. Tôi là người
da đen mà! Tự dưng tôi không muốn. Đơn giản chỉ có thế.
-
Sao lại tự dưng được? Phải có động cơ nào đó chớ.
-
Ông anh muốn biết động cơ hả, để tôi nghĩ xem… Ờ, ờ cũng có thể vì những cánh
hoa dâm bụt ngoài kia…
-
….
-
vẫn đỏ tỉnh bơ…
-
Anh nói như một thiền sư thứ thiệt.
-
Chơ sao! Chẳng lẽ thiền tâm là độc quyền của các ông Á châu hay sao?... Mà có
chuyện này hay lắm…
Tự
nhiên tôi hào hứng:
-
Chuyện gì, kể nghe.
-
Tôi có gặp một con nhỏ bác sĩ người Pháp, gốc Việt cũng tình nguyện qua đây.
Con nhỏ có khuôn mặt hao hao giống anh Cao Sơn, ông anh ạ.
-
Đối với người phương Tây, mà người Congo như anh chắc cũng vậy: người Châu Á nào,
mặt cũng hao hao giống nhau. Tôi đọc được đâu đó như thế…
-
Ừ ừ, có thể. Và thật hi hữu là đang khi trị bệnh cho bệnh nhân, căng thẳng chết
cha, nóng đến điên người trong trang phục bảo vệ kín mít, mà con nhỏ cứ ư ử cái
bài thánh ca lồng điệu cái trống cơm chúng mình nghe hôm đó.
-
Hi hữu cái gì mà hi hữu! Bài đó là một bài thánh ca được giáo dân Việt Nam ưa
chuộng, bởi vì làn điệu dân ca chạm tới cội nguồn lòng họ. Mà cũng có thể con
bé đó trước hát trong ca đoàn, nên biết, và bài đó có tác dụng ủi an khi con
người rơi vào tuyệt vọng.
-
Ừ, có lẽ thế. À, bài hát tên gì tôi quên mất?
-
Đồng cỏ tươi.
-
Ừ, và sau đó, hôm văn nghệ Giáng sinh giúp vui các bệnh nhân ở đây, con nhỏ bác
sĩ đó trình diễn bài đó với trống bộ lạc dập dồn, nghe đã hết sức. Có cả phụ
diễn múa cho bài hát nữa; mặc độc một cái khố tết bằng vỏ cây đập giập. Tôi là
một trong năm người múa đó, dĩ nhiên. Lắc mông thoải mái. Cả vỗ tay, dẫm chân
rầm rầm. Khán giả lẫn người biểu diễn.
-
Con nhỏ bác sĩ thì sao?
-
Cũng lắc mông chớ sao! Bài hát giật giật lại có tiếng trống, lại là trống Phi
Châu bập bùng, là phải lắc mông thôi!
Sau
đó, tôi không còn nghe tin tức gì của anh Paul. Cứ nghĩ anh đã chết với những đoá
dâm bụt của anh rồi. Khi báo chí cũng không còn nói gì về Ebola nữa, Ebola đã
đi vào quên lãng, nhường chỗ cho Putin và Criméa, tôi lại nhận được thư của anh
Paul báo tin là chàng Paul Bong và cái trống cơm yêu dấu của chàng (mon cher
tambourin de riz) sẽ kết hôn với nhau. Anh còn cho biết chiếc trống cơm được
tạo dáng theo chiếc trống truyền thống của bộ tộc Bongo của anh, hay cũng có
thể ngược lại (cô bác sĩ trống cơm không chịu thua), nên chuyện hai người lấy
nhau thì quá hợp. Tháng sau lại có thư anh báo là hai người đã thề ăn đời ở
kiếp với nhau và giục tôi bán căn hộ giùm anh.
Oslo, 24 IV 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét