Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015
Hạ Đình Nguyên - “Kinh Kha tráng sĩ” của Tàu và tư duy của người Việt
Vắn tắt câu chuyện
Tần Thủy Hoàng được xem
là một bạo chúa đang trên đà tóm thâu lục quốc (Trung Quốc bấy giờ chia ra làm
sáu nước). Thái tử Đan là kẻ kế thừa dòng họ vua chúa của một nước, quyết chống
lại Tần Vương nhưng chẳng có binh lực gì, thậm chí là tài năng, mưu lược cũng
không. Hắn dụ dỗ, vỗ về một tay thanh niên có tên là Kinh Kha để ám sát Tần
Vương. Trong lần chiêu đãi cuối cùng trước khi Kinh Kha vượt sông Dịch tiến
hành cuộc mưu sát, Kinh Kha đã thốt lên lời ca ngợi bất ngờ về “bàn tay đẹp”
của một người đẹp đang phục vụ cuộc chiêu đãi. Lập tức, bàn tay ấy được chặt
đi, gói lại, làm quà tặng cho Kinh Kha. Kinh Kha vô cùng cảm kích Thái tử Đan về hành vi được y cho là
cao cả và hết lòng của thái tử Đan đối với hắn, đối với quyết tâm trừ bạo chúa,
mà đúng ra là cực kỳ vô nhân tính, để động viên hành vi liều mình của Kinh Kha.
Câu chuyện được kết thúc bằng cảnh tượng thê thảm của Kinh Kha. Cuộc hành thích
không thành công và Kha bị băm nát thây thành từng mảnh vụn, Tần Vương thì an
toàn. Thái Tử Đan thì biến mất trong lịch sử không còn nghe nhắc tới, vì chẳng
làm nên trò trống gì.
Kinh Kha tráng sĩ và
chuyện nô dịch về tư duy
Trong cảnh dầu sôi lửa
bỏng hôm nay lại đi nói chuyện tráng sĩ Kinh Kha của Tàu, thì e là “lạc điệu”.
Nhưng không, câu chuyện nói lên tính tư duy lệ thuộc thể hiện qua văn hóa -
chính trị của Việt Nam xưa và nay, có thể ít người để ý.
Hẳn là người Việt Nam có
học, ai cũng biết chuyện tráng sĩ Kinh Kha đi hành thích Tần Thủy Hoàng dưới sự
bảo trợ của thái tử Đan. Hình ảnh của Kinh Kha được văn học Trung Quốc xem là
tấm gương điển hình cho ngàn đời sau.
Nhưng đấy là chuyện của
Trung Quốc.
Điều đáng nói là Việt
Nam, cả một dòng văn học qua các triều đại cũng đều ngợi ca Kinh Kha tráng sĩ, xem là một tấm
gương để noi theo. Nếu không nhầm thì chưa có một ý kiến nào, dù một câu, để
hoài nghi, xem xét Kinh Kha là một con người như thế nào. Một tráng sĩ tuyệt
vời dũng cảm, quên thân mình vì nghĩa lớn, một thằng điên, một kẻ tham vọng,
một tên ngông cuồng…?
Cũng cần thừa nhận rằng,
Kinh Kha là một tay có dũng khí. Hắn nhận trách nhiệm đi hành thích một bạo
chúa (Tần Thủy Hoàng) để tôn vinh một bạo chúa khác chưa lên ngôi (Thái Tử Đan)
có tính tàn ác không kém gì tên bạo chúa kia.
Nhưng những kẻ ngợi ca
cái dũng khí đó thì được hiểu như thế nào? Không phải đó là những xưng tụng của
cá nhân, mà của cả một chuỗi dài văn học sử Việt Nam thể hiện qua giới học thức
cung đình của các triều đại.
Không ai lạ gì với dòng
lịch sử tàn ác của các triều đại của một đất nước gọi là Trung Hoa - Trung Quốc
- Tàu - China. Một ông vua quở rằng ta chưa từng “nếm vị thịt người”, thế là
một tay đầu bếp, tên Dịch Nha, lặng lẽ về “thịt” đứa con trai ba tuổi của mình,
hôm sau “kính dâng” lên Chúa Công (1). Lã Hậu, vợ của Hán Vương (Lưu Bang) đã
chặt hai tay, hai chân một vương phi, rồi nuôi nhốt trong chuồng heo, để trả
thù vì ghen tuông. Một sứ thần của An Nam là Nguyễn Biểu sang đàm phán, được
chiêu đãi một món ăn nguyên cái đầu người được luộc chín như cái đầu heo…
Trung Quốc hiện đại không
có gì khác về truyền thống giết người man rợ, nhưng càng man rợ hơn, độc ác
hơn, và quy mô hơn, kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay, triền miên trong thanh
trừng nội bộ, hay tàn sát dân lành, như chiến dịch tàn sát kéo dài hàng chục
năm những người theo môn dưỡng sinh Pháp Luân Công để bán nội tạng tươi sống.
Quá nhiều không thể kể hết.
Trở lại chuyện Kinh Kha.
Sao lại chặt cái bàn tay
ấy đi? Không phải là bàn tay ăn cắp để chịu hình phạt theo truyền thống Hồi
Giáo, và như thế đã là dã man lắm rồi. Kinh Kha sẽ làm gì với cái bàn tay bị
chặt ấy? Sử viết rằng hắn vô cùng cảm kích. Đan vì sự nghiệp bá vương của mình mà tàn ác là một lẽ, miễn bàn
ở đây. Còn Kha, một thằng khùng, một sát thủ chuyên nghiệp?
Với tư cách được mô tả là
một trang nghĩa khí, lẽ ra, hắn nên rút trủy thủ mà kết liễu Đan thì mới đáng
lưu danh trong sử sách chứ!
Không bức xúc chuyện của
Tàu, nhưng thử hỏi sao Việt Nam ta, lại đi ca ngợi? Giới “hủ Nho” đồng nhịp
hát: “Tráng sĩ hề, một đi không trở
lại!”.
Hoặc xót xa: “Gió đìu
hiu sông Dịch lạnh lùng ghê. Tráng sĩ một đi không trở về…”.
Đến như Nguyễn Bính, một
nhà thơ trữ tình rất được yêu mến, cũng lấy Kinh Kha làm hình tượng, buông lời
tán thán Kha: “Kinh Kha quán lạnh sầu
ngưng chén. Ai kẻ dâng vàng, kẻ
biếu tay!” (Hành
phương Nam).
Lịch sử không nói rõ,
rằng người con gái kia tự nguyện chặt tay mình để biếu
Kha, hay gia nhân của Đan đã đè ra mà chặt tay cô. Không ai có thể tin vào sự
“tự nguyện” của người con gái ấy; đó chỉ là sự gán ghép đến kinh tởm.
Không thể kết án cho toàn
dân Việt là có nền tảng tư duy nô lệ Tàu. Cũng không thể cho rằng cả nền văn
hóa Việt lúc nào cũng nô lệ Tàu. Nhưng có từng thời kỳ, tư duy nô lệ của lãnh
đạo người Việt là không thể chối cãi, không thể biện hộ, và dĩ nhiên nó mang
“màu sắc” của mỗi thời đại. Đành rằng, có những giai đoạn tư duy của người Việt
bùng lên mạnh mẽ trước sức ép của ngọai bang, nhưng sau đó có vẻ như anh tài đã
cạn kiệt, đầu óc kế thừa mụ mị, như con cóc chết quay đầu về núi, lại quay về
với tư duy nô lệ. Mỗi lần như thế Việt Nam có hàng loạt Kinh Kha tráng sĩ, thề sống chết với lập trường kiên
định cho một lý tưởng, có thể gọi tên là “đại cục”, đại cục của Thái tử Đan,
ngày nay là đại cục của Tập Cận Bình. Phải chăng, bản thân Kinh Kha tráng sĩ
nhìn đại cục của Thái tử Đan qua bàn tay của người đẹp bị trương sình trong máu
me, bởi các ảo ảnh Công Hầu Khanh Tướng, dưới cờ của Đan? Trung Quốc thì có quá
nhiều Thái tử Đan, mà Việt Nam thì có những thời kỳ Kinh Kha nhiều như nấm.
Điển hình là Việt Nam thời Cải Cách Ruộng Đất, bao nhiêu con người bị sát hại
bởi tư duy “sáng tạo”, hay vì “đại cục” do Mao chủ trì? Ngày nay cũng có những
Kinh Kha kiên định vì một “đại cục” có tên gọi khác, bằng ý thức hệ hoành tráng
hơn? Có gì khắng khít hơn là 16 chữ vàng?
Trong mọi thứ nô dịch, có
nô dịch về tư duy là tai họa thê thảm nhất. Tôi không có ý lạm bàn về chủ nghĩa
Mác. Chủ nghĩa ấy ra đời có cái lý của nó. Nó phát triển và tiêu vong cũng có
cái lý của nó. Mác đã trở thành Mác của Lênin khi sang đất Nga. Mác - Lênin trở
thành Mác và Lê của Mao khi sang Trung Quốc…, và công khai không giấu giếm biến
nó thành “màu sắc” của mình. Ấy là Trung Quốc.
Còn Việt Nam?
Cách đây khoảng 20 năm,
một tiến sĩ ngành Hóa học – GS Chu Phạm Ngọc Sơn – đã có một ví von, qua câu
chuyện tâm tình riêng, sau một đợt học tập về chủ nghĩa xã hội: “Có 5 thứ hóa chất bất kỳ đem trộn vào nhau,
rồi dùng các biện pháp quay ly tâm dưới các loại nhiệt độ khác nhau. Kết quả,
chúng lẫn lộn quay cuồng vào nhau, nhưng chất nào vẫn là chất ấy, chạy lòng
vòng mà không kết dính để hình thành được một sản phẩm mới nào cả”.
Hỗn hợp ấy gọi là Việt
Nam xã hội chủ nghĩa, hay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Từ quan tới
dân chưa ai hiểu nó là cái gì. Nó quanh co, lòng vòng và ú ớ vô nghĩa, tuy tốn
rất nhiều xương máu. Tiếc thay, thế mà đã có biết bao nhiêu con người vô tình
theo bóng “Kinh Kha” – không vì món quà bàn tay bị chặt – đã kiên định lập trường,
chiến đấu cho nó, hy sinh hết đời cho nó.
Việt Nam có không một
tinh thần tự mình dám bước lên phía trước? Bước trước với chính mình. Đó cũng
nên là một nghi vấn lịch sử. Tư tưởng “theo đuôi” như là một hình thái phổ
biến, và cuối cùng có những lúc không biết cái đuôi nào để bám theo.
Nguồn gốc phải chăng là
do cái gen tư duy nô lệ của người Việt, hay do tư duy của giới cung đình, của
giới “hủ nho”, nay là “hủ Mác” cai trị?
Chắc chắn có những người
Việt Nam yêu nước sẽ phê phán: Bạn là ai, có phải là người Việt không, mà lại
dám tự sỉ vả dân tộc mình?
Thưa, là người Việt,
nhưng không sỉ vả. Chỉ là một câu hỏi mà thôi. K. Marx đã từng nói mỉa mai về
nước Đức của ông: “Thần dân nước Phổ xứng đáng có một vua Phổ như vậy!”. Ít ra
đó là một thời kỳ, mà dân tộc Đức đã từng có câu trả lời xác đáng, để biết họ
là ai. Người Việt Nam sao không dám tự hỏi?
Tại sao cả dòng văn học
Việt lại ca ngợi Kinh Kha? Cái dũng của Kha có tính chất gì? Bên trong cái dũng
ấy là gì, có phải cái dũng của Dịch Nha? Cái chữ “trung” ấy có phản nhân tính
hay không? Và đặc biệt, trí tuệ trong tư duy sáng tạo ở đâu? Trong bối cảnh
quan hệ Việt - Trung, ai là Kinh Kha, ai là thái tử Đan trong gần 100 năm qua?
May thay, nhân vật Kinh Kha tráng sĩ, chưa
phải là câu chuyện được truyền tụng phổ biến trong dân gian Việt Nam. Phải
chăng vì tính triết lý vô lương và man rợ đảo điên của nhân vật giả nhân giả
nghĩa này không được người dân ái mộ? Với Việt Nam, thà là một anh Lục Vân Tiên
tỉnh lẻ, đui mù nhưng đa tình, có nhân tính. Kinh Kha không khác gì anh hùng
“Lôi Phong” mà Mao đã dựng lên cho cả nước Trung Quốc học tập.
Lùi lại vào thời kỳ cuối
triều Nguyễn, giới lãnh đạo triều đình đã từng bác bỏ tờ trình của sứ thần đi
Tây du về, rằng đèn chúc ngọn mà sáng, xe hai bánh mà chạy được là chuyện không
thể có trên đời. Vẫn một lòng hướng về Bắc quốc để “cùng nhau/lẫn nhau” (2), kẻ trước người sau cùng lạc hậu và rơi vào
vòng nô lệ của phương Tây ngót 100 năm (Việt Nam), hay 150 năm (Trung Quốc).
Ngày nay thì cũng “cùng nhau” có
chung một “ý thức hệ”, mà Việt Nam thì mang màu sắc Kinh Kha tráng
sĩ, còn đòn phép thì vẫn là của thái tử Đan, hay là Tập thái tử?
Bàn tay của một con người
– dù trai hay gái, đẹp hay không – tượng trưng cho sinh mạng của bao con người,
cho sinh mệnh của một đất nước, có đáng là một món quà tặng để ai đó làm “Kinh
Kha tráng sĩ”?
“Kinh Kha” sẽ đi Mỹ
Trong chuyến Mỹ du sắp
tới đây, không biết “Kinh Kha Việt Nam”
có dám mang theo một con “trủy thủ” nào hay không! Bàn tay đẹp bị chặt lìa –
mang màu sắc xã hội chủ nghĩa – có còn là nguồn động viên để tráng sĩ liều mình vượt sông Dịch (hay
là Biển Đông) và mang theo một bửu bối – đúng ra là chiếc dao cùn – như tráng sĩ đã từng mang đến Cuba dạo nọ?
Sài Gòn 26-5-2015
H.Đ.N.
(1) Tề Hoàn Công ăn xong, hỏi:
- Thịt gì mà ngon thế?
Dịch Nha tâu:
- Đó là thịt người.
Tề Hoàn Công thất kinh,
hỏi:
- Nhà ngươi lấy ở đâu?
Dịch Nha tâu:
- Trộm nghĩ, đã trung với
vua thì không kể gì tình nhà. Tôi có đứa con trai lên ba. Tôi đã làm thịt dâng
cho Chúa Công nếm cho biết vị.
Tề Hoàn Công cho rằng
Dịch Nha có lòng trung nghĩa, nên từ đó có lòng yêu quí.
(2) “Cùng nhau”, “lẫn nhau” là từ
ngữ dùng trong các “Thông cáo chung” được ký kết giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng với Hồ Cẩm Đào, với Tập Cận Bình, nói lên tính
thân ái và bình đẳng,
cùng vai vế, lại
chứa bên trong một sự bất cân xứng, trơ trẽn
đến nổi gai ốc.
Tác giả gửi BVN.