Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Thụy Khuê - Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long - Chương 7

Tổ chức quân đội của Nguyễn Ánh 
Hầu hết các sử gia thuộc địa đều cho rằng những người Pháp đóng vai trò hàng đầu trong tổ chức quân đội của Nguyễn Ánh, chính họ đã xây dựng nên quân đội này và giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại ngai vàng. Chúng ta cần tìm hiểu rõ tổ chức quân đội đó là gì? Được cấu trúc như thế nào? Những người Pháp đã giữ những chức vụ gì trong đó và họ đã lập được bao nhiêu chiến công? Montyon là người biết khá rõ về tình trạng quân đội của Nguyễn Ánh, nhờ những điều ông viết mà ta có được hình ảnh rõ nét của tổ chức binh bị này; trước hết, về đời sống quân ngũ, y phục, khí giới, sau đến cách chia đơn vị và bộ chỉ huy.

Quân đội dưới thời Gia Long
Về điều kiện sống và quân phục dưới thời Gia Long, Montyon viết:
"Khẩu phần lính mỗi ngày là một đọi [tô] rưỡi gạo, tức là vào khoảng 5 hay 6 cốc café của chúng ta [Pháp] do vua ban. Còn lương bổng và quần áo thì địa phương lo (...) Thấp nhất là 2 quan tiền một tháng, cao nhất là 6 quan tiền [tác giả chú thích: chiếu theo giá đồ ăn rất rẻ thời đó, thì nghi có sự sai lầm trong thông tin] nên có bất công trong sự khác biệt này.
Lính được phát y phục một năm hai lần, gồm có một áo nịt mặc sát người, bằng vải hay lụa, thô; trên áo nịt là một áo chiến bằng toan hay nỉ dầy mua của Tầu có lẽ buôn từ Âu châu sang. Áo chiến tay rộng, cổ đứng, dài tới ngang lưng, quần dài quá đầu gối; ống chân và bàn chân để trần. Đầu đội mũ tròn có chóp, trang trí bằng một chùm lông gà. Mũ bằng rơm hay sợi tre bện lại, đánh vec-ni, không thấm nước, đầu quấn một mảnh vải hay lụa dài 15 đến 20 pieds [4, 86m đến 6, 48m] để tránh bị kiếm chém, có mũ đội lên trên.
Tất cả quần áo này, trừ áo nịt, là đồng phục, mầu đỏ quốc gia, có vài dấu hiệu để phân chia binh chủng khác nhau. Người lính đeo trên cổ hai túi nhỏ, một đựng trầu cau và túi kia để thuốc lá. Ngoài ra, còn khoác trên vai một túi dết đựng quần áo cũ, tiền bạc và khi đi hành quân ở những nơi không có trạm lương thực, họ đem theo gạo ăn cho sáu bẩy ngày".
Về trang bị vũ khí và cách dàn trận, chiến đấu, Montyon viết:
"Hoàng đế cung cấp vũ khí: mỗi người một súng trường và dao nhọn cắm đầu súng, một thanh kiếm, một thương dài, một búa, một gậy chập hai: tức là hai gậy bằng nhau, gỗ rất cứng, đầu bó vào nhau bằng một chùm tóc nhồi vào trong. Đó là thứ vũ khí kinh hồn nhất: khi biết sử dụng, bằng một cử động chớp nhoáng, nó chém đứt kiếm, thương, và chặn đạn.
Khí giới và cách vận dụng đã tiến triển nhiều. Người ta còn mua của Anh và Pháp súng máy và súng lưỡi lê. Hiện nay, hầu như tất cả quân đội Bắc Hà đều được trang bị như thế, còn súng hoả mai rất hiếm.
Hoàng đế cung cấp cho quân đội đại bác Âu châu, tốt hơn đại bác bản xứ. Trong những công binh xưởng, khí giới được quản lý kỹ, số lượng rất lớn, cất giữ chỗ kín để tránh bọn bất lương nhòm ngó.
Dụng cụ âm nhạc trong quân đội là trống, cũng giống như trống Âu châu, còn thêm trống chuông, ống tiêu, các loại kèn khác nhau, chũm choẹ (cymbale), hai miếng gỗ gõ vào nhau. Quân nhạc khá hay, nhưng hơi ồn, cho phép quân đi đúng điệu.
Thuốc súng chế tạo đã tốt hơn trước, nhưng vẫn chưa bằng thuốc súng của người Âu; cháy chậm hơn, và nổ nhỏ hơn".
Như vậy, cả hai miền Nam Bắc đều mua khí giới của nước ngoài, để bổ sung cho phần vũ khí chế tạo trong nước. Montyon cho rằng cách luyện tập chiến đấu cũng đã ít nhiều được hiện đại hoá theo lối Tây phương, ông viết:
"Các quan chỉ huy, điều khiển trận địa bằng những lá cờ nhỏ, vị trí và hướng cờ chỉ lệnh. Nhưng khi đánh nhau, các quan không đi trước: cai đội đi sau đội quân, trưởng hiệu đi sau hiệu quân."
"Nói tóm lại, trại quân, dàn trận, chiến đấu, tất cả đều được điều khiển theo lối Tây phương, tuy nhiên cách vận dụng khí giới chưa được khéo léo, mau lẹ; mất nhiều thì giờ để lên đạn, bắn chưa trúng lắm, đại bác chưa biết nhắm trúng.
Trong những trận đánh cuối cùng, người ta đã dùng pháo bay (artillerie volante), hiệu quả vô cùng, người trong nước [chỉ quân hai bên] sợ lắm; họ bảo đó là sấm dây và là khí giới tàn phá không thể chống lại được".
"Hệ thống đồn lũy theo kiểu châu Âu đã được sử dụng để xây thành đài, không thể xâm nhập được khi bị những người trong nước bao vây" [chỉ quân hai bên, ở đây nói đến sự kiên cố của thành Diên Khánh, bị hai bên đánh đi chiếm lại nhiều lần, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề Diên Khánh sau] (Montyon I, t. 254-258). 

Thuỷ binh 
Theo thư Victor Olivier (de Puymanel) gửi Stanislas Lefèbvre ngày 16/4/1798, thì hải quân của Nguyễn Ánh lúc đó [1798] gồm 447 chiến thuyền và 42.000 người (Salles, Jean Baptiste Chaigneau et sa famille, BAVH, 1923, I, t. 54).
Thuỷ binh là sức mạnh của quân đội Nguyễn Ánh, chuyển động rất nhanh khi thuận gió mùa. Theo Montyon, thủy binh được trang bị vũ khí như sau:
"Thủy binh được tổ chức như bộ binh. Thủy thủ là những người lính, khí giới chỉ khác [bộ binh] là thương của họ dài hơn. Lực lượng thủy quân quan trọng hơn [lục quân], khi các vùng -hiện nay đã quy vào một mối- còn dưới sự lãnh đạo của nhiều lãnh tụ. Vì các "nước" này đều nằm trong vịnh, nên một bờ biển có thể tấn công dễ dàng bờ biển khác, đường biển ngắn hơn đường bộ nhiều.
Vua Nam Hà khi còn dẹp loạn, chỉ mới chiếm lại vài tỉnh, mà đã có 200 thuyền chiến buồm (galères) và 25 chiến hạm (frégates) trang bị 10 đại bác, ngoài hai cỗ ở đầu và cuối tầu.
[Sau chiến tranh] số thuyền tầu đã giảm đi, nhưng được vẽ lại kiểu, trước hết là phần dưới, rồi đến phần trên, và sau cùng là cột buồm. Có thuyền chiến (barque de guerre) chở 50 người và những tầu nhỏ (chaloupe) trang bị 25 đại bác và đằng trước có một khẩu đại bác dài, nhỏ kiểu xưa (coulevrine). Những tầu thay thế thuyền chiến buồm, lớn hơn và tốt hơn, trang bị từ 12 đến 20 đại bác, từ 6 đến 12 đơn vị đạn. Ngoài ra hạm đội còn được tăng cường bằng những tầu chiến mua của người Âu.
Từ khi hoà bình, hoàng đế đã quy tụ được tất cả các sức mạnh thủy binh chống đối dưới trướng, ông coi nhẹ thủy binh hơn trước, bởi không thật cần thiết nữa; hai phần ba lính thủy được cải chế và sát nhập vào bộ binh; ông không mua tầu ngoại quốc nữa và cũng ít đóng thêm tầu. Còn ba chiến hạm được giữ lại trong số những tầu đã mua, cũng không dùng đến, để mắc cạn trong bùn, 200 chiến thuyền khác chỉ dùng chở gỗ, lương thực, hàng hoá, là thứ thuế đóng bằng sản vật, dành để cung cấp tư liệu cho những đồ chế biến của nhà nước.
Mặc dầu chưa biết rõ lối đóng tầu biển theo kiểu Tây phương, và cũng chưa biết thuật vận dụng, thêm những người chỉ huy không biết thuật sơ đẳng của thủy binh; và khi thủy binh không có kiến thức, không biết dùng địa bàn (boussole), thì không thể làm gì được cho sự vận chuyển, cho những cuộc hải chiến.
Tuy nhiên điểm làm cho thủy binh này rất dữ dội, đó là những hoả pháo to bằng cánh tay, chứa đựng hoả chất dùng để đốt phá thuyền, tầu địch; nước ở dưới tầu, thay vì dập tắt lửa, lại làm cho lửa bùng lên, chỉ có thể dập tắt bằng đất; người ta cũng dùng hoả pháo này trên bộ, nhưng nó bớt nguy hiểm hơn vì dễ dập tắt." (Montyon I, t. 258-261).
Những thông tin trên đều rất đáng chú ý, duy có nhận xét: "những người chỉ huy không biết thuật sơ đẳng của thủy binh, không biết dùng địa bàn, không biết vận chuyển"... phải xét lại, bởi nếu quả thực tình trạng như thế thì ai là người cai quản hạm đội Kinh đô gồm 265 chiếc tầu thuyền, với 29 tầu bọc đồng, 25 thuyền vượt biển lớn, v v... ghi trong Hội điển? Và lấy gì giải thích các chiến thắng của Nguyễn Vương trên quân đội Tây Sơn, phần lớn dựa vào thủy chiến? 

Tình trạng dân chúng trong chiến tranh 
Theo Montyon, trong chiến tranh Nguyễn Ánh-Tây Sơn, người dân không bắt buộc phải theo phe nào, họ có quyền đứng trung lập, ông viết:
"Chiến tranh ở xứ này đã gây những tàn phá lớn lao, tàn ác khôn lường, tuy nhiên có những trường hợp các tướng đã thiết lập một quân lệnh nghiêm minh chưa từng thấy ở Âu châu; trong cùng chiến tranh này, người ta thấy một binh đội tiến đánh quân Tầu xâm nhập miền Bắc lãnh thổ trên đường đi dùng bạo lực, cướp bóc, vô cùng tàn ác, bắt tất cả những ai có thể cầm khí giới phải đi theo, nếu không thì giết; không chịu tiếp tế cho quân đội hay lẩn trốn thì bị đốt nhà; người già, đàn bà, trẻ con không còn gì để ăn.[Đoạn này viết theo Bissachère chỉ thái độ của quân Quang Trung khi đi đánh quân Thanh, nên rất sai lầm; Thực Lục và Liệt Truyện, ghi rõ và đúng hơn]. Nhưng trước đó ít lâu, một đoàn quân khác [quân Tây Sơn] đến vây thành của vua Nam[Gia Định] nhận được kỷ luật sắt: lính không được lấy gì của dân mà không trả đúng giá, không được vào nhà dân mà không được họ cho phép. Binh lính hai bên đánh nhau, dân đứng nhìn, tiếp tế cho quân đội và được trả đúng giá những gì họ cung cấp, chỉ bắt buộc phải công nhận người chiến thắng làm minh chủ.
Đây cũng là một nhận xét về cuộc chiến khá đặc biệt, cho ta hiểu rõ hơn tâm lý người dân, tại sao dân miền Nam có thể sống còn qua bốn lần Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Đinh đánh đuổi Nguyễn Ánh, rồi lại trở về Trung. Và Nguyễn Ánh, sau bốn lần thua chạy, vẫn đương nhiên trở lại Gia Định và được quần chúng chấp nhận. 

Tổ chức quân đội thời Lê 
Phần cốt lõi của vấn đề là Nguyễn Ánh tổ chức quân đội theo cách nào, người Pháp có nhúng tay vào không, hay Nguyễn Ánh vẫn giữ truyền thống quân đội Việt, đời Lê?
Theo Phan Huy Chú, về cơ bản, quân đội Việt Nam từ thời Lê trung hưng chia ra như sau:
"Binh chế đời Lê, từ Trung hưng trở về sau, đặt làm: Dinh, Cơ, Đội, Thuyền; Bộ binh là Dinh, Cơ, Đội; Thuỷ binh là Thuyền. Dinh lớn thì 800 người, thứ đến 160 người. Cơ lớn thì 500 người, thứ đến 200 người. Đội lớn thì 275 người, thứ đến 15 người. Thuyền lớn thì 86 người, thứ đến 20 người. Có 12 Dinh; 58 Cơ, 238 Đội và 62 Thuyền, đại lược là như thế" (Lịch triều hiến chương, Binh chế chí, tập III, t. 22).
Nhưng Phan Huy Chú cũng lưu ý đến số quân đời Lê, mà ông cho là thống kê không phù hợp: "Các quân trong, ngoài, đại đa số bất quá 56.500. Đến đời Cảnh Hưng [1740-1786] lại đặt thêm 24 cơ vệ binh. Tổng số binh chỉ được hơn 65.700 người thôi, tôi [Phan Huy Chú] từng lấy làm lạ, binh của nhà Lê, ở buổi đầu có việc gọi ra đến 20 vạn người, khi mới trung hưng chỉ lấy binh ở hai xứ cũng đến hơn 12 vạn, mà sau đời Bảo Thái lại tuyển thêm, đời Vĩnh Hựu lại mộ thêm, đời Cảnh Hưng lại đặt thêm vệ binh, thế mà số quân lại không đầy 7 vạn là cớ làm sao?" (Lịch triều hiến chương, t. 22-23). Phan Huy Chú cho rằng, đầu đời Lê, luật tắc nghiêm minh, ghi chép cẩn thận, không ai trốn lính được. Đến các đời sau, không nghiêm cẩn, ẩn lậu nhiều, ghi chép không cẩn thận, nên số quân sai và kém đi. Montyon, không biết lấy tài liệu nào, chép quân số Bắc Hà là 140.000 người, tức là gấp đôi con số ghi nhận chính thức.
  
Tổ chức quân đội thời Nguyễn Ánh 
Thời Nguyễn Ánh, Montyon ghi chép khá rõ ràng, trước hết về tình trạng chung:
"Năm 1806, tình trạng quân đội thời bình là 150.000 người. (...) Thời chiến quân đội gia tăng tuỳ theo tình hình chiến trận. Trong thời kỳ nội chiến, tất cả những ai có thể cầm được vũ khí đều phải tòng quân; và năm 1800, năm mà hoàng đế còn là vua Nam Hà, chưa chinh phục xong cả nước, mà quân đội của ông cũng đã lên tới 139.400 người (...) người ta chắc chắn rằng trong thời bình, quân đội Bắc Hà có 140.000 người" (Montyon I, t. 250).
"Lực lượng quân đội được chia làm 6 Dinh (Armées): Dinh I, phòng vệ vua, ít quân nhất. Bốn dinh kế tiếp được 4 đại thần cột trụ triều đình thống lãnh. Dinh thứ sáu, đông nhất, được một vị đại thần đặc biệt do hoàng đế chỉ định, điều khiển.
Mỗi Dinh lại được chia thành 5 Chi (Corps), Chi thứ nhất đóng bên quan Đại thần và cũng là tướng chỉ huy. Bốn chi kia, mỗi chi do một tướng nhị phẩm điều khiển. Chi lại chia làm Hiệu (Vệ hay Cơ) (Régiment) do một chánh, phó Trưởng hiệu (Colonel ou Sous-colonel) đứng đầu. Mỗi Hiệu (Vệ, Cơ) gồm 12 Đội (Compagnie). Mỗi đội 50 hay 60 người, do một Cai đội (Capitaine hay Sous-capitaine) điều khiển. Lính được chia thành nhóm 10 người, do đội trưởng (Premier soldat) chỉ huy. Có 7 phẩm ngạch quan võ, Cai đội (Capitaine) là ngạch cuối cùng. (Montyon I, t. 252).
Montyon dịch khá sát những chức vụ trong quân đội Việt, so với Thực Lục tháng 6/1790 (tháng 5 ÂL) ghi: "Năm dinh Trung quân, Tả quân, Hữu quân, Hậu quânTiên phong, mỗi dinh đều là 5 Chi, mỗi chi 5 Hiệu, mỗi Hiệu 3 Đội, mỗi Đội 4 Thập" (TL, I, t. 259). "Chi đặt chánh phó Trưởng chi, Hiệu đặt chánh phó Trưởng hiệu, Đội đặt Cai đội, thập đặt Đội trưởng". (TL, I, t. 260).
Theo Thực Lục, ở thời điểm 1790, những ông tướng cầm đầu các Dinh là: Lê Văn Quân làm Chưởng dinh Tiền Quân. Tôn Thất Hội làm Chưởng dinh Hậu quân. Nguyễn Huỳnh Đức làm Chưởng dinh Hữu quân. Võ Tánh làm Chưởng dinh Tiên phong. Nguyễn Văn Thành chỉ là Hiệu úy tiền chi Trung quân, có thể chính Nguyễn Ánh trực tiếp chỉ huy Trung Quân. Tháng 7/1793, Lê Văn Duyệt vẫn còn làm Cai đội. Đến tháng 12/1793, mới được thăng Vệ Uý.
Tóm lại, khoảng 1790, bộ binh của Nguyễn Ánh chia đơn vị như sau: Thập: 10 người; Đội: 40 người; Hiệu (Vệ, Cơ):120; Chi: 600; Dinh: 3000. Thời ấy còn ít quân, sau có thay đổi.
Montyon cho rằng, năm 1800, có khoảng 139. 800 người, theo thống kê của Barisy. Riêng bộ binh được phân chia như sau: Đội: 50-60 người; Hiệu (Vệ, Cơ): 600; Chi: 3000 người. Dinh: 15.000 người.
Trong phần phụ lục, Montyon in bản thống kê toàn bộ lực lượng quân đội Nguyễn Ánh năm 1800, bản này gần giống bản Barrow mà chúng tôi đã in; có lẽ cùng nguồn Barisy. Có thể Montyon chép lại nguyên bản Barisy viết tay; còn Barrow thu gọn và sắp xếp lại cho dễ hiểu. Bản Montyon cho thấy Nguyễn Ánh có 12.000 Vệ binh. Dưới nhà vua là 5 ông tướng coi 5 dinh, mỗi dinh 6.000 người. Tổng số quân đội của Nguyễn Ánh, năm 1800 là 139.800 người. 
Một tài liệu khá quan trọng nữa là bản phúc trình của Chaigneau đệ lên chính phủ Pháp năm 1820 nói về tình hình nội trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao của nước Việt thời đầu Minh Mạng và sự lợi hại nếu chiếm Việt Nam. Trong bài phúc trình mật này, Chaigneau cho biết:
"Sức mạnh quân đội tại ngũ trong thời bình của vua là 80.000 người; nhưng đến thời chiến, con số này có thể dễ dàng lên đến 200.000 người".
Về tình trạng binh bị, Chaigneau viết:
"Bộ binh: Trong thời bình, Hoàng đế vẫn luôn luôn phòng bị. Đội Vệ binh của vua gồm 30.000 người, độc lập với 40 Chi (Régiments) [quân chính quy] chia làm 5 Dinh (Colonnes): Tiên phong (Avant-garde), Hữu quân (Droite) Tả quân (Gauche), Hậu quân (Arrière-Garde) và Trung quân (Centre) (...) Ngoài 5 dinh bộ binh, Hoàng Đế còn một binh đội khác gồm 5 binh đoàn (légions), mỗi binh đoàn có 5 Chi được tổ chức và phân phối như những Dinh, cũng do những vị đại thần điều khiển. Còn phải kể thêm lực lượng các Chi ở mỗi tỉnh, mà con số thay đổi tùy vùng. Ở Sài Gòn có khoảng 16 Chi".
Như vậy, Chaigneau, khi làm thống kê quân đội đầu triều Minh Mạng, cũng vẫn ghi tổ chức giống như thời trước, chỉ có số quân trong mỗi đơn vị, có ít nhiều thay đổi:  
 "Mỗi Dinh có 8 Chi. Mỗi Chi có 10 Đội. Mỗi Đội có 60 người (riêng Đội Vệ binh có 120 người). Tóm lại: một Chi có 600 người. Một Dinh có 4800 người. Một vị đại thần chỉ huy một Dinh. Một chánh, một phó trưởng Chi (Colonel, Lieutenant-colonel) cho mỗi Chi, và một chánh, một phó Đội trưởng (Capitaine, Lieutenant) cho mỗi Đội, tạo thành bộ chỉ huy"
Tổ chức này, có thể nói, hoàn toàn giống như thời Lê, tức là chỉ còn lại ba đơn vị cơ bản: Đội,   Chi [Cơ] và Dinh. Điểm đặc biệt là Chaigneau cho biết cả số voi trận:
 "Toàn bộ voi trong quân đội là 800 con, kể cả 120 con trong đội Vệ binh. Tượng binh dưới quyền điều khiển của một vị đại thần" (André Salles, Notice sur la Cochinchine fournie par M. Chaigneau (Tiểu dẫn về nước Nam của ông Chaigneau), BAVH, 1923, II, t. 265-266).
Thống kê của Chaigneau càng tỏ đậm nét tổ chức quân đội của Nguyễn Ánh, từ cách phân chia đội ngũ đến nội dung quân đội: kỵ binh trâu, tượng, không có gì là Tây phương cả. 

Chức vụ và nhiệm vụ của những người Pháp trong quân đội Nguyễn Ánh 
Cadière tìm cách dịch các chức vụ trong quân đội của Gia Long sang tiếng Pháp, phần nói về chức vụ của Chaigneau, ông viết như sau:
"Chaigneau, trước 1802, là Cai cơ "Commandant de régiment". Năm 1802, Gia Long cho thăng Chưởng cơ "Général de régiment". Quân đội Việt chia thành "compagnies" (đội), do một Đội trưởng "Premier de la Compagnie" và một Cai đội "Commandant de compagnie" điều khiển, chức sau cao hơn chức trước. Chúng ta sẽ thấy có Phó cai đội "Commandant de compagnie en second". Nhiều Đội làm thành một Cơ "Régiment". Mỗi Régiment do một Cai Cơ "Commandant de régiment" và một Chưởng cơ, mà tôi dịch là "Général de régiment" điều khiển. Chưởng Cơ lớn hơn Cai cơ. Tôi không biết nếu Chưởng cơ coi một hay nhiều Cơ. Nhưng có lẽ một Cơ thì đúng hơn, bởi vì, như ta đã thấy, trong văn bằng của Chaigneau, sau khi được thăng Chưởng cơ, cũng chỉ coi có hai Đội quân, tức là Đội một và Đội hai Kiên-Thuỷ.
Trong Liệt truyện, có một bài mà ta sẽ thấy sau, nói rằng Đa-đột (đối với tài liệu này là Chaigneau), Ba-ni-ê, Lê-Văn-Lăng (de Forcant) và Ô-li-vi, khi mới từ Âu châu đến, đều được nhận chức Cai-đội. Điều đó đúng với Vannier, Dayot, Barisy, Isle-Sellé, và Lebrun. Không có ai, trong buổi đầu, nhận chức phó Cai đội. Vậy chúng ta đành phải công nhận, mặc dù vẫn có chút hồ nghi, rằng Chaigneau, khi đến Nam Hà, cũng nhận được chức Cai đội, trừ phi ông được hưởng ân huệ đặc biệt, lên thẳng chức "Cai cơ".
Năm Cảnh Hưng thứ 51, 1790, ít lâu sau khi đến Nam Hà, những người bạn của Chaigneau, nhận được chức Cai đội hay phó Cai đội. Chaigneau đến sau vài năm, 1794, lúc ấy mới nhận chức Cai đội hay Cai cơ". (Cadière, Les francais au service de Gia Long, Leurs nom, titres et..., BAVH, 1920, I, t.150)
Thực ra, Vannier, Chaigneau và de Forcant (có chỗ viết Forcanz), đến tháng 2-3/1800 (tháng 2 ÂL) khi được cai quản các tầu hiệu: Phượng Phi, Long Phi và Bằng Phi, vẫn còn là Cai đội (TL, I, t. 407). Nói khác đi, Vannier ở chức Cai đội 11 năm (1790-1801), Chaigneau 7 năm (1794-1801), de Forcant không biết đến Gia Định lúc nào; và trong suốt thời gian này, họ chỉ được cai quản khoảng 40- 50 người lính, kể cả khi được lái các tầu hiệu Phượng Phi, Long Phi và Bằng Phi, họ vẫn phải ở dưới quyền một viên Cai cơ người Việt. Như vậy đủ biết cấp bậc ngôi thứ của họ trong quân đội Việt  và việc lên chức không dễ dàng.
Đến tháng 7/1801 (tháng 6 ÂL), ba người này mới được lên chức Cai cơ [có thể cai quản từ 120 đến 300 người, vì các tầu Phượng Phi, Long Phi và Bằng Phi có thể chở tới 300 lính]. Thực Lục viết: "Cho Khâm sai thuộc nội cai đội Nguyễn Văn Thắng [Chaigneau], Nguyễn Văn Chấn [Vannier] và Lê Văn Lăng [de Forcant] làm Khâm sai thuộc nội Cai cơ, vẫn quản các thuyền hiệu Long phi, Phượng phi và Bằng phi" (TL, I, t. 451).
Cuối cùng, đến tháng 6/1802, sau chiến thắng toàn diện, cả ba mới được thăng lên Chưởng cơ [có thể cai quản 600 quân], theo sự lên chức chung của toàn thể quân đội. Văn bằng của Vannier ghi ngày 6/12/1802; Chaigneau ghi ngày 6/12/1802, (André Salles, Notice sur la Cochinchine fournie par M. Chaigneau, BAVH, 1923, II, t.270).
Nhưng Chaigneau, với chức Chưởng Cơ, cũng chỉ được coi có hai Đội quân, tức là Đội một và Đội hai Kiên-Thuỷ, nghiã là vào khoảng hơn 100 quân.
De Forcant mất năm 1811, sau đó chỉ còn Chaigneau và Vannier ở lại trong triều, được hậu đãi: vua cho giữ lại 50 lính thuỷ làm quân hầu cận, nhưng họ không có quân và cũng không có thuyền hiệu để cai quản. Đó là những người làm việc lâu nhất cho Gia Long.
Riêng trường hợp Olivier de Puymanel, từ tháng 7-8/1792 (tháng 6 ÂL) đã được thăng từ Cai đội lên Vệ Uý ban trực tuyển phong hậu vệ Thần sách (TL, I, t.286), đến tháng 6/1795 Puymanel bỏ đi Macao rồi lại trở về làm một số nhiệm vụ khác cho vua, và mất năm 1799, ở Malacca. 

Kết luận về tổ chức và sự cải tổ quân đội của Nguyễn Ánh 
Nhìn lại tổ chức binh bị này, ta thấy có những điểm đáng chú ý sau đây:
1/ Những điều Montyon, Chaigneau, và cả Cadière viết, chứng tỏ quân đội Nguyễn Ánh không có gì là "Tây phương" cả, từ cách trang bị vũ khí đến sự phân chia các binh đoàn.
2/ Quân đội Nguyễn Ánh được tổ chức giống như đời Lê: Đội, Cơ, Dinh, chỉ thay đổi tên, số người và chức tước các quan võ. Đơn vị quân đội vẫn bắt đầu từ Đội (40-50) người, đến Hiệu, (Vệ, Cơ) (từ 3 đến 10 đội), sau tới Chi (5 đến 10 Cơ) và sau cùng là Dinh (5 Chi trở lên). Hai đơn vị ở giữa: Cơ và Chi, có thể bỏ đi một, tùy theo thời điểm.
3/ Không có gì chứng tỏ những "sĩ quan" Pháp đã cải tổ quân đội Nguyễn Ánh theo lối Tây phương. Chính học giả Cadière, một trong những người biện hộ cho điều này, cũng rất bối rối khi ông phải dịch những chức vụ trong quân đội Gia Long sang tiếng Pháp. Nếu quân đội này được tổ chức theo kiểu Pháp, thì ông đã không gặp khó khăn đó.
4/ Nguyễn Ánh cải tổ quân đội theo đòi hỏi của cuộc chiến:
-Vì Tây Sơn có lực lượng pháo binh và công binh hùng hậu, có khả năng xây thành luỹ chớp nhoáng, Nguyễn Ánh đã nhiều lần phải tăng trưởng đội ngũ quân Thần Sách (công binh và pháo binh)
-Vì Tây Sơn có Tượng binh hùng hậu, Nguyễn Ánh cũng phải có đội voi trận để đương đầu, Nguyễn Đức Xuyên là người chỉ huy kiêm cả Thần Sách lẫn Tượng binh.
Đó là hai đội quân đặc biệt theo sự cải tổ quân đội của Nguyễn Ánh. 
5/ Những người lính Pháp đến đánh giúp Nguyễn Ánh, đã tự mình khai man hoặc do chính Bá Đa Lộc khai man họ là "sĩ quan" (thực ra họ chỉ là binh nhì, binh nhất, chúng tôi sẽ chứng minh sau), nên đã được Nguyễn Vương cho chức Cai đội (tháng 6/1790), là cấp thấp nhất trong phẩm trật quan võ.
6/ Phần lớn những người này không được lên trật nhanh; ví dụ Vannier, đến Gia Định sớm nhất và có nhiều kinh nghiệm thuỷ quân nhất, trong 11 năm, vẫn ở nguyên trật Cai đội, và Chaigneau, thủy thủ đi biển từ tuổi 12, vậy mà trong 7 năm không được lên trật. Điều đó chứng tỏ họ không có công trạng gì nhiều.
7/ Ai có công, đều được ghi rõ, Liệt truyện ghi tên những người:
- Mạn Hoè (Manuel) với lòng quả cảm, chết trận, được đưa vào đền Hiển Trung.
- Puymanel mua bán vũ khí cho Nguyễn Vương và chuyên về pháo binh. Năm 1792, được thăng chức Vệ uý quân Thần Sách. Năm 1797, theo Nguyễn Văn Khiêm đi đánh Đà Nẵng, lập cách đánh hoả công đốt thuyền địch (Liệt truyện, tập 2, t. 228).
Thần sách là pháo binh và công binh, chứ không phải là "một thứ quân chủ lực" hay là "quân ở Kinh" như Tạ Trí Đại Trường lầm tưởng khi ông đề cao Puymanel là người "đã tập luyện cho đám cận vệ 12 ngàn người theo chiến thuật Tây Phương" (Lịch sử nội chiến Việt Nam, t. 231), hoặc cho rằng Puymanel là người "xây thành Vauban Gia Định, cùng Lebrun, theo lời yêu cầu của Nguyễn Ánh" (LSNCVN, t. 205, 233), hay: "Thành Diên Khánh là của Olivier vẽ ra, nó là em sinh sau của thành Gia Định" (LSNCVN, t. 267), đó là những xác định không có cơ sở, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần viết về Olivier de Puymanel.
- Ba người còn lại là Vannier, Chaigneau và de Forcant, điều khiển ba tầu đồng Phượng Phi, Long Phi và Bằng Phi, hộ tống Nguyễn Vương trong các chiến dịch 1801-1802. Năm 1802, sau chiến thắng, cả ba được thăng chức Chưởng cơ.  
Đó là bốn chức quan võ lớn nhất của người Pháp, được Liệt truyện ghi nhận (tập 2, t. 507).
7/ Sau cùng, ta có thể tóm tắt tình trạng của những người Pháp đến giúp Nguyễn Ánh:
Tháng 6/1780, một số người như: Vannier, Dayot, Barisy, Isle-Sellé, Puymanel, Lebrun... được nhận chức Cai đội. Tháng 7-8/1792 (tháng 6 ÂL) Puymanel được thăng Vệ Uý.
Tháng 7/1801 Vannier, Chaigneau, de Forcant, được thăng Cai Cơ.
Tháng 12/1802, Vannier, Chaigneau, de Forcant, được thăng Chưởng Cơ.
Đó là tất cả những người Pháp có chức vụ cao nhất và ở lại lâu nhất trong quân đội Gia Long.
Những người khác đều đã bỏ đi, qua hai đợt: đợt đầu, 1792, khi hay tin Nguyễn Huệ quyết định san bằng Gia Định, nhưng chưa thực hiện, thì Nguyễn Huệ mất. Đợt thứ nhì năm 1795.      
Vai trò của người Pháp trong quân đội Nguyễn Ánh khá rõ ràng. Thực Lục và Liệt Truyện đều ghi công đầy đủ, không hạ thấp hoặc lờ đi giá trị của họ. Các học giả và sử gia Pháp như Cadière, Maybon cũng không tìm được gì mới hơn, ngoài sự tôn vinh vô bằng cớ và đưa vào danh sách này, Dayot, một người phản bội Gia Long, chúng tôi sẽ nói đến trong phần viết về Dayot. 

Tại sao Maybon triệt hạ cuốn sách của Montyon? 
Bộ sách của Montyon, giúp ta làm sáng tỏ một số vần đề liên quan đến "công trạng" của người Pháp đối với Nguyễn Ánh. Tại sao sử gia Maybon lại có ác cảm với cuốn sách này?
Khi viết bài giới thiệu tác phẩm của Montyon, in trong cuốn La Relation de La Bissachère (t. 33-67), Maybon đã không tiếc lời chỉ trích tác giả: "tích tụ những lẫn lộn và sai lầm quá đáng", "phạm những cái sai rành rành về dữ kiện", "bất lương, đánh lừa độc giả". Ông liệt kê nhiều "tội" lắm, đáng kể nhất là "tội", dám đề tên La Bissachère ở bìa sách.
Về việc này, chúng tôi tạm đưa giả thuyết: Đó là thời kỳ quý tộc Pháp phải trốn cách mạng 1789, vì hàng trăm nghìn người bị đe dọa máy chém. Nam tước Montyon trốn sang Anh, nên không thể đề tên mình ở một cuốn sách dù in ở Anh hay ở Pháp; ông bèn mượn tên Bissachère, là một vị linh mục đã sống nhiều năm ở Bắc Hà và được nhiều người biết đến.
Tiếp đó, Maybon đưa ra đòn thứ nhì: ông trích một đoạn rất dài trong bài tựa của Montyon, trong có những câu ca ngợi Gia Long, để mỉa rằng: tác giả chuyên nghề ca tụng.
Đòn thứ ba, về nội dung cuốn sách, Maybon phê: "Người ta thấy Montyon đã mở rộng cửa cho đủ loại tin tức, đủ loại nguồn, và ta sẽ kinh ngạc thấy trong hai tập sách này một sự pha trộn đầy đủ liều lượng giữa những điều đúng, những báo cáo hoàn toàn bịa đặt và những thông tin không có nguồn nào khác ngoài trí tưởng tượng phong phú" (Maybon, Relation Bissachère, t.43). Với một lời giới thiệu như thế, ai còn tìm đọc cuốn sách này?
Mặc nhiên, không thấy Maybon vạch ra được một đoạn nào là "hoàn toàn biạ đặt" hoặc do "trí tưởng tượng phong phú".
Đòn chót, để chứng minh Montyon chép của Barrow, Maybon in lại trên hai cột, một bên là phần viết của Montyon, một bên là phần viết của Barrow, với lời rào đón:
"... để cung cấp một vài thí dụ về cách viết của ông [Montyon], tốt hơn là in bảng trình bầy những sự vay mượn của ông" (Maybon, Relation Bissachère, t. 54).
Như chúng tôi đã trình bầy, có những điểm giống nhau giữa hai cuốn sách, nhưng khó quyết đoán là Montyon chép của Barrow, chỉ có thể kết luận: hai người này dùng chung tài liệu.
Bộ sách của Montyon dày 532 trang, bàn đến rất nhiều vấn đề không có trong sách của Barrow [179 trang] và Bissachère [72 trang]. Bảo rằng Montyon chép của hai tác giả này là khiên cưỡng.
Maybon đã khai trừ cuốn sách của Barrow. Bây giờ ông lại xổ toẹt bộ sách của Montyon.
Chúng ta có thể hiểu một số lý do khiến Maybon hành động như vậy:  
1- Về việc khôi phục ngai vàng, Montyon viết: "[Gia Long] khôi phục được ngai vàng, nhờ quyền thừa kế, nhờ sức chinh phục" (Montyon II, t. 3), chứ không phải nhờ Bá Đa Lộc và các "sĩ quan" Pháp.  
2- Về việc người Pháp giúp Gia Long, Montyon viết: "Vài sĩ quan Pháp theo giúp Nguyễn Chủng, tập cho quân sĩ kỷ cương và vài nhà buôn Pháp bán tầu cho ông" (Montyon II, t. 34). Sự xác định "vài" sĩ quan Pháp, đi ngược với điều mà nhiều người, trong số đó có Maybon, thổi lên thành vài trăm.
 3- Về việc đóng tầu, Montyon viết: Ông [Gia Long] là người giỏi nhất về chiến thuật, là kỹ sư giỏi nhất, người kiến trúc tầu giỏi nhất, ở xứ ông" (Montyon II, t. 52). Điều này đi ngược với sự đề cao: Puymanel và Dayot, chỉ huy việc đóng thuyền tầu ở Việt Nam.
4- Về kiến trúc thuyền, tầu, Montyon viết: "Về việc đóng thuyền, nước này có một kỹ thuật đặc biệt: những tấm ván làm thuyền được buộc chặt với nhau bằng dây mây, thay đinh, lối ráp này khiến thuyền uyển chuyển hơn, đặc biệt chống lại sóng biển". (Montyon I, t. 128). "Chiến hạm, lớn hơn, thân tầu vững hơn và kiến trúc tốt hơn tầu Trung Hoa" (Montyon I, t.129). Nhận xét này trái với lập luận: Trước khi người Âu đến, người Việt không biết đóng thuyền, tầu.
Như vậy, ta có thể kết luận rằng: hai cuốn sách khá quan trọng, một của người Anh Barrow và một của người Pháp Montyon viết về thời đại Tây Sơn-Nguyễn Ánh, xuất bản rất sớm, từ đầu thế kỷ XIX, đã không xuyên tạc sự thực lịch sử. Sự xuyên tạc đến từ Bissachère và những người đi sau. 
Thụy Khuê
(Còn tiếp)

Kỳ tới: Hịch Quang Trung