Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015
Tâm Thanh - NIỀM VUI QUÊ MỚI
Home is where the heart is
Lòng để đâu, nơi đó là nhà
Vô danh
Lòng để đâu, nơi đó là nhà
Vô danh
Sáu người bước xuống cảng Singapore như những hưu trí viên Na-uy, nơi đúng 33 năm + 1 ngày trước họ đặt chân lên như những tráng niên Việt Nam đi tìm tự do... Nỗi xúc động trào lên thành nước mắt. Lúc này trong thân thể bạn đã có cục bướu, nhưng bạn không biết, không cảm thấy gì hết, bạn chỉ thấy niềm vui vô tận xen lẫn những kỷ niệm ngọt ngào.
Ba bước
chân, một cảm giác
Trong đời có ba
lần bạn được hưởng cảm giác này:
Lần thứ nhất từ
vùng Việt Minh kiểm soát trốn bằng thuyền lên Nam Định vùng Quốc Gia (VM gọi là
Tề), thấy lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ phất phới trên đồn bến tàu, bạn hân hoan reo lên
khiến ông thầy hướng dẫn trừng mắt nhìn. Tới bây giờ bạn vẫn ngạc nhiên tại sao
một đứa bé 14 tuổi lại biết phân biệt và có phản ứng như thế. Chỉ vài lần nhìn
thấy lá Cờ Vàng ở đồn Cựa Gà mà nó biết lá cờ ấy thân thuộc hơn Cờ Đỏ. Trẻ con
ít kinh nghiệm, nhưng trực giác nhiều.
Lần thứ hai chỉ
là nối tiếp của bước thứ nhất, bước di cư. Bước ra khỏi máy bay Dakota đặt chân
xuống sân bay Tân Sơn Nhứt nóng hực, bạn khóc, vừa nhớ Bố (bạn quen gọi là Thầy)
còn ở trong tù Việt Minh, vừa hoang mang không biết các chị và anh mình giờ ở
đâu, vừa sung sướng thoát Việt Minh. Bạn vô vàn biết ơn Cha Nuôi đã an bài cho
bước này, khởi đầu cho một tương lai hoàn toàn khác biệt tương lai của những đứa
trẻ đồng lứa còn ở lại ngoài Bắc.
Lần thứ ba là
bước chân lên tàu Sea Speed Dima rồi lên đất Singapore − cảm giác thoát tù. Bây
giờ, nhìn hàng quang báo "Welcome to Singapore", một niềm biết ơn lại
dâng lên trong lòng bạn. Bạn nắm tay vợ, nói lảng, "Đố em nhớ 33 năm trước
người Việt đầu tiên ra đón mình tại đây là ai?" Vợ đáp, "Anh Chế
Quang Tấn, hiện đang ở Sarpsborg."
Trại Tỵ nạn Việt Nam
Ba mươi ba năm
trước các bạn được đưa vào Trại Tỵ nạn Việt Nam. Hôm nay các bạn được xếp trong
khách sạn Swissotel khá sang trọng gần China Town. Nhân viên khách sạn rất tử tế,
bạn hỏi Trại Tỵ nạn ở đâu, hai người lui cui kiếm không thấy trong bản đồ, lại
tìm trên nét được một bản đồ cũ vị trí của "Vietnamese Refugee Camp" ở
vùng Sembawang phía cực bắc Singapore.
Khi bạn lần mò tới nơi, không còn vết tích xưa nữa. Thực ra chẳng biết
đâu là nơi thì làm sao gọi là... tới
nơi hay không. Thấy một khu biệt thự (mà người hướng dẫn du lịch nói lợi tức cỡ
ông không bao giờ héo lánh tới được) bạn nhớ những biệt thự tại Hawkins Road, bạn
ở số 10, chung với gia đình chị em Thu-Minh và gia đình anh chị Phan Khắc Tường,
trên lầu; gia đình anh Nguyễn Trọng Hóa ở tầng dưới. Trên vách chỗ bạn nằm có
chữ "Tak Norge" (Cám ơn
Na-uy) bằng sơn đen do một người đi trước viết. Văn khố NRK còn giữ hình ảnh
này, bạn nghĩ chỉ cần chụp lại khắc trên một tấm bia đặt ở đâu đó cũng đủ ý
nghĩa chán, dù thiếu một chữ K. Không chừng chữ K thiếu lại nói được nhiều điều
cảm động hơn.
Buổi chiều bạn
một mình ra khỏi khách sạn, lững thững đi tới một công viên nho nhỏ rợp cây
xanh, có con sáo nâu kiếm mồi trên thảm cỏ nhung. Bạn mường tượng dưới gốc cây
kia là lớp học tiếng Na-uy dành cho người sẽ đi Na-uy, cô giáo nằm xoài trên đất
sạn để biểu diễn động từ å legge seg,
duỗi thẳng cẳng å ligge, nhắm mắt lại
å sove, đứng lên å reise seg. Bụi dính đầy trên lưng thấm mồ hôi và rác trên tóc. Cô
ngừng lại để học sinh nghe loa phóng thanh rao tên những người có thư bảo đảm,
một học viên nghe tên mình reo lên xin đi lấy thư. Buổi chiều Chùa Phật giáo
mang bánh bao, bánh mì tới phát. Hôm khác Hội Thánh Tin lành mang quần áo tới,
cũ có mới có. Một cuối tuần, phu nhân Đại sứ Na-uy nghỉ dạy, mời một số học
viên tới tư thất chơi, ăn cơm. Bà Siger phu nhân Trưởng phòng Thương mại Na-uy
cũng làm như vậy, vào một ngày khác. Bà vừa đàn guitare vừa hát cho thuyền nhân
nghe, "Hvem kan seile forutan
vind..." (Ai có thể giăng buồm không gió). Ngày khác nữa Giáo đoàn Thủy
thủ (Sjømannskirken) mời tất cả "công dân Na-uy" tới trụ sở xem phim
về Na-uy và ăn chiều. Những điều nhỏ mọn như thế không hiểu tại sao trở thành
quyết định cho bạn giữ nguyên ý định khi được phỏng vấn lần đầu − xin đi định
cư tại Na-uy. Lúc đầu bạn xin đi Na-uy chỉ vì theo tâm lý của một bộ lạc sơ
khai, ai cứu mình thì mình bám theo họ riết.
Tới Na-uy cuối tháng tư năm 80
Từ trên máy
bay, bạn nhìn thấy tuyết còn phủ trắng trên đỉnh núi. Một đống tuyết nhỏ dính bụi
còn nép trong góc sân sau nhà số 9 Nordhal Brunsgt. Bước vào phòng, vợ bạn mở tủ
lạnh, thấy một con gà, hai hộp sữa, hai ổ bánh mì, và nhiều đồ ăn khác. Vợ bạn
ngẩn ngơ vì cảm động, còn bạn ngạc nhiên tại sao lại để bánh mì vào tủ lạnh mà
không ủ mền cho nó "bánh mì nóng giòn đây!" Ngày Quốc khánh người tỵ
nạn được xếp chỗ đặc biệt gần Hoàng Cung cho thấy rõ long nhan Quốc Vương Olav.
Các bà mặc áo dài, mang dù giữa rừng người đang khát nắng. Vài ngày sau văn
phòng kêu bạn xuống, có khách. Cô giáo Ragnhild Spangen từ Singapore vừa về
Na-uy nghỉ hè. Cô trao cho vợ bạn một bó hoa xinh xinh, lá nhiều hơn hoa. Lá
xanh dài hình thuyền, nụ hình trái tim, hoa nhỏ bằng đầu ngón tay út, hình
chuông, trắng muốt như tuyết. Cô giáo mỉm cười nói tên hoa là lille konvall. Nhớ
đã thích nó từ khi thấy hình trong tự điển Petit Laousse, với cái tên dễ thương
muguet, tên Việt linh lan còn thơ mộng hơn nữa. Nhớ có đi tìm nó khi bạn học
trên xứ hoa Đà Lạt. Bây giờ mới thấy mặt. Lại do một cô giáo tặng học trò! Từ
đó bạn yêu linh lan nhất trong tất cả các loài hoa, đi rừng thấy linh lan, bạn
như bị thôi miên bởi những linh hồn thanh khiết thơm tho dịu dàng. Truyền thuyết
kể linh lan là những giọt nước mắt của Mẹ Chúa Cứu Thế nhỏ xuống trên đồi
Golgotha biến thành.
Bạn nghĩ có lẽ
mình không lầm khi chọn đi Na-uy, trừ hai điều lo ngại: tiếng tăm khó quá và
con bạn có thích nghi được không.
"Làng
quê" của bạn: Skedsmokorset
Sau năm tháng tạm
cư tại Oslo, gia đình bạn được đưa đi định cư tại Skedsmokorset, nơi mà bạn ở tới
bây giờ, chỉ đổi nhà chứ không đổi khu vực. Buổi sáng đầu tiên trong căn nhà mới
dọn vào, với một nỗi hồi hộp căng thẳng bạn máy móc mở cửa, thấy một đôi giày
trượt băng, hai cặp ski, không biết của ai mà để trước thềm nhà bạn, bạn đóng cửa
lại, quay vào kể với vợ con. Hôm sau mở cửa ra các bạn lại thấy đồ cũ còn đấy
mà đồ mới chất thêm − thêm một con búp bê, một cặp găng len, một cái khăn quàng,
mới hoàn toàn. Vợ bạn không dám mang vào nhưng bạn đoán đó là tặng vật, mình phải
mang vào nhà cho khỏi phụ lòng người ta. Những ngày đầu, người láng giềng giống
như những con gấu tò mò, các bạn thu vào nhà thì họ ló ra quan sát, các bạn ló
ra thì họ thụt vào. Hai tuần sau mới hơi quen, nhờ thằng con trai làm bể kính cửa
ra vào, tuyết bay luồn vào hành lang, bạn chưa biết xử trí ra sao thì một người
đàn ông mang búa, đinh và ván ép sang đóng tạm lại, xong việc mới bắt tay bạn tự
giới thiệu là Arne Møller, nhà đối diện bên kia đường. Khi vợ chồng bạn đi học
tiếng Na-uy, mà con bé gái 5 tuổi chưa có chỗ vườn trẻ, bà Møller nhận giữ nó,
mua búp bê cho nó, đan áo len cho nó. Khóa tiếng Na-uy nghỉ mùa đông, Arne rủ bạn
đi làm trong công ty bảo hiểm của bố anh. Công việc rất hợp với khả năng của bạn
− ngắm nghía mấy cái xe hơi mới nhập cảng nằm trên bãi xe Drammen, xem có trầy
trụa móp méo gì không. Mỗi ngày bạn "ngắm" được chừng 50 cái, Bố của
Arne đưa tiền ngay tại chỗ cho bạn trước khi Arne chở bạn về nhà. Đó là đồng tiền
lương đầu tiên trong đời tỵ nạn của bạn. Arne lại sai con gái Monica sang tặng
bức tranh ba người đàn bà gánh chuối của họa sĩ VN Hà Văn Vượng. Bạn tìm trong
nhà chẳng có gì đáng với thịnh tình hàng xóm, bèn đem bộ đồ trà mua từ
Singapore sang tặng. Mới năm ngoái, họ đề nghị trả lại bồ đồ trà cho các bạn,
vì họ không dùng và biết bạn thích uống trà. Quen với óc thực tế của người
Na-uy, bạn không phật lòng chuyện trả tặng vật, cũng không ham lấy lại vật đã
cho đi, mà bạn xúc động vì họ đã cẩn thận giữ gìn trong 30 năm một vật đối với
họ không có một chút giá trị nào − dù thực dụng hay thẩm mỹ. Con gái bạn năm ấy
5 tuổi nay đã 38, vẫn giữ liên lạc với ân nhân. Năm ngoái nó mời gia đình chị
Monica về nhà nó tạm trú trong thời gian cư xá của họ trùng tu.
![]() |
"Vẫn ấm" (Skedsmokorset) - Hình TT 12.03.11 |
Một hôm nước trong nhà bạn tự
nhiên tắt, bạn không hiểu tại sao, bí quá phải chạy sang nhà Hirsti bên cạnh hỏi,
ông chồng Sunvald mang một cái máy sấy tóc sang thổi vào ống nước vài phút thì
nước thông. Anh dặn mùa đông năm nay lạnh khác thường, bạn phải mở nước nóng và
lạnh đều rồi cho chảy ri rỉ thì nó không nghẹt. Rồi anh quay sang chuyện khác −
gia đình hồi trước ở căn nhà này có mấy đứa trẻ nghịch quá nên anh phải bít
hàng rào ngăn giữa hai nhà, mùa hè này anh muốn mở ra, được không? Hai gia đình
"thông thương" với nhau như vậy suốt cho tới khi họ dọn đi nơi khác rất
xa theo sở của Arne. Hai năm sau bạn cũng dọn đi nơi khác nhưng vẫn quanh quẩn
trong vùng. Bạn không muốn đi nơi khác vì ở đây mọi người biết vợ chồng bạn và
hai đứa con, lãnh thư bảo đảm hay rút tiền sổ tiết kiệm không ai hỏi căn cước.
Bỗng một hôm Sunvald-Tove mời các bạn lại thăm nhà mới của họ, bạn hết sức ngạc
nhiên khi thấy nhà mới lại ở Skedsmokorset! Và ngạc nhiên khác là có cả vợ chồng
Møller (cũng đã dọn đi xa). Họ hỏi có phải vì họ dọn đi nơi khác mà các bạn
cũng dọn đi không, bạn còn ngần ngừ chưa trả lời thì họ nói xin lỗi. Dù họ hiểu
lầm, bạn vẫn cảm động vô cùng. Tới đầu năm 2000 thì Møller cũng quay về
Skedsmokorset. Gia đình Hirsti và gia đình bạn trở lại mua nhà ở cùng con đường
ngày xưa, Korshagen. Ai cũng già yếu, bạn đề nghị với họ là bỏ tục lệ tặng quà
giáng sinh đã giữ trong 30 năm. Họ nghĩ như vậy cũng phải.
Trở lại mùa đông đầu tiên, ông bà
Nilsen (quen trong một bữa tiệc do Hội Hồng Thập Tự khoản đãi người tỵ nạn) ở tận
Oslo chở tới hai bao củi lớn, nói là mùa đông năm nay lạnh khác thường, tội
nghiệp cho những người ở xứ nhiệt đới vừa tới chưa quen. Họ thấy nhà bạn không
có TV, nói cuối tuần lại họ chơi, tiện lấy cái TV đen trắng. Sau một thời gian
qua lại thường xuyên, hai nhà chỉ còn liên lạc thư từ và thiệp Giáng Sinh, cho
tới khi Elisabeth và Roy Morten ly dị thì tin thưa dần rồi bặt luôn.
Kỳ thị?
Có lẽ bạn quá khờ khạo không biết
mình bị kỳ thị, hoặc giả bạn ngồi ở những nơi thấp kém không ai thèm chấp. Bất
cứ vì lý do gì, bạn là người may mắn, chỉ gặp một lần kỳ thị. Lần đầu tiên bạn
được quyền đi bầu Hội đồng địa phương, bạn ra Trung tâm Skedsmo xem người ta vận
động bầu cử thế nào. Tờ báo đảng Arbeiderbladet đang ế vì đưa báo cho ai cũng bị từ chối. Bạn tội
nghiệp giơ tay lấy giùm một tờ. Ông phát báo nói "Báo này dành cho người
Na-uy!" Theo bạn đó là một hành vi kỳ thị rõ rệt. Ngoài ra suốt 33 năm cư
ngụ, 22 năm lao động, 11 năm hưu trí, bạn chưa từng gặp kỳ thị. Thời đi làm, ở
đâu bạn cũng gặp xếp tử tế. Sau khi bạn bỏ Bưu điện sang NRK, Olav ông xếp sau
cùng ở Bưu điện mỗi năm đều gửi thiệp Giáng Sinh. Năm nay bạn cũng sẽ gửi thiệp
cho ông, nhưng sẽ không khoe bạn bị ung thư, vì Olav rất đa cảm, ông sẽ buồn.
Nhớ có lần Giáng Sinh ở Thái-lan, bạn viết thiệp cho Olav, nói bạn đã gần sát
Việt Nam nhưng không hiểu tại sao bạn nhớ Na-uy nhiều hơn. Về Na-uy bạn nhận được
một thư ông viết ông không hiểu được tâm trạng của bạn, nhưng dặn bạn phải về
Na-uy chứ không được đi đâu khác, và đùa, "Về mau!" Bạn về rồi mà!
Sau 17 ngày đi
tìm dĩ vãng đã mất tăm mà còn rất nồng thắm trong lòng, bạn bước lên máy bay
FinnAir từ Singapore để trở về Na-uy với nỗi bâng khuâng khó tả. Nhưng có một
điều chắc chắn mà bạn cảm nhận từ lâu, đó là một con người lè phè và hơi lãng mạn
như bạn, không sống được ở đâu hạnh phúc hơn ở Na-uy. Việt Nam đã vĩnh viễn xa
vời. Ngôi nhà trắng nằm trên đường Trương Minh Giảng mà mỗi lần hai bạn lái La
Dalat qua thường nói với nhau, "Nha Hưu bổng Văn giai! Ít nữa nữa mình sẽ
chống gậy tới đây lãnh hưu bổng" có lẽ đã bị phá để xây khách sạn rồi.
Bạn chỉ còn một
nơi có thể gọi là nhà − Na-uy.