Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015
Nhà văn Tâm Thanh Ngô Thanh Tâm không còn nữa
Chúng tôi vừa
nhận được bản Cáo Phó trên đây do gia đình nhà văn Tâm Thanh (tên thực
Ngô Thanh Tâm) gửi đến để báo tin nhà văn đã qua đời. Từ
hai mươi năm
qua, nhà văn Tâm Thanh đã đóng góp nhiều sáng tác cho tạp chí Thế Kỷ 21 và các tạp
chí văn học khác tại
hải ngoại.
Diễn
Đàn Thế Kỷ
xin chân thành chia buồn
cùng chị Khánh Hà và
các cháu. Nguyện cầu Linh hồn nhà văn Tâm Thanh Ngô Thanh Tâm sớm
được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Nhà văn Tâm Thanh đã phát giác mắc
bệnh ung thư từ
đầu năm 2013. Vào ngày 3 tháng 5, 2014 các thân hữu tại Oslo đã tổ
chức Ngày Văn Hóa Việt
Nam nhằm giới thiệu một số tác phẩm của ông. Sau đây là một
trích đoạn
từ bài thuyết trình của nhà văn Nguyễn
Văn Thà đã
trình bày trong dịp
này:
“Tâm Thanh đã viết
được nhiều truyện ngắn hay. Anh đã nâng truyện ngắn Việt Nam lên một bậc.
Truyện ngắn anh có kỹ thuật cao, hóm hỉnh và đầy minh trí như thơ Nguyễn
Khuyến, nhưng cũng lãng mạn một cách thâm trầm, ý vị.
Lệnh Triệu Ban Rồi
Tâm Thanh, mùa thu năm ngoái có cho ra
đời cuốn Lệnh Triệu Ban Rồi - một trường hợp ung thư. Tôi
cũng đã có vài lời bàn về cuốn này và đã được đăng trong giai phẩm
Viết&Đọc, Xuân Giáp Ngọ 2014 và quý vị cũng có thể đọc trong trang nhà diendantheky.net.
Ở đây tôi chỉ tóm tắt như sau:
1. Tôi nhận được cuốn sách khi tôi bước
ra khỏi nhà đi làm, đưa luôn đến sở, và lén đọc được mươi trang. ”Cảm giác đầu tiên của tôi là mình
đang chạm tới cái mênh mông dễ chịu, đọc tử thư mà lòng lại thấy nhẹ nhàng.”
Sau đó khi “Đọc xong tác phẩm, tôi vẫn còn cái cảm giác đầu tiên: như chạm tới
cái mênh mông dễ chịu.”
2. Tâm Thanh kể một chút về bạn bè,
những những mẫu nhân nhân vật anh kể có những tính cách cao đẹp của tình người,
tình bạn của một lớp người nay đang sắp tiệt giống. Với những miêu tả như thế,
Tâm Thanh vô tình đã tạo được bộ sưu tầm quý giá về nhân văn cho đời sau. Tả
một cách chắt lọc, sắc bén, hóm hỉnh.
3. Kể lại một giai thoại văn học
quan trọng về thái độ trước cái chết của cựu linh mục và là giáo sư Lê Tôn
Nghiêm, một trong những cột trụ giới thiệu triết học Tây Phương vào Nam Việt
Nam. Nơi chân quan tài của Thầy có tấm bảng ghi câu ”Mon Dieu, la Destinée” mà chị của Tâm
Thanh hiểu là: Thượng Đế của tôi, Định Mệnh, nhưng NVThà lại hiểu là “Than ôi, Định mệnh!” Hai lối hiểu
khác nhau, vì chỉ khác nhau một dấu phẩy và một dấu chấm than, dẫn tới hai nhận
định khác nhau về thái độ trước cái chết của giáo sư Nghiêm với cuộc đời trí
thức thượng đẳng mà cũng gian truân của ông khi Cộng Sản chiếm miền Nam.
4. Tập thơ kèm
trong tác phẩm LTBR có tên Vần Cuối Cho Anh của bạn đời anh: Khánh Hà
gồm 23 bài. Nói lên tình khắng khít vợ chồng mà Tâm Thanh trong tác phẩm gọi là
cửa vào thiên đàng và cũng nói lên một mối tình vừa văn chương vừa vợ chồng xưa
nay hiếm.
Anh Tâm Thanh thân mến,
Khánh Hà có ba tập thơ với hàng trăm
bài thơ giá trị, nhưng chỉ cần một bài cũng đủ tóm lại sự nghiệp làm thơ của
chị. Đó là bài Tiếng Chim:
buổi chiều lắng
bóng chim vút qua
rớt lại tiếng
kêu
trên hồ nước lặng
Thưa anh, anh, như kim cổ bao đời, sẽ vút
qua, nhưng tiếng kêu của anh đã rớt lại cho chúng tôi, cho thế hệ
mai sau, và mặt hồ chúng tôi sẽ không lặng khi lòng hồ đã may mắn nhận
những tiếng kêu của con người muôn thủa vào lòng mình.” (hết trích).
Cũng trong Ngày Văn Hóa Việt Nam này,
nhà văn Tâm Thanh vì bệnh không thể tới tham dự được, đã gửi một bức thư tới
đại hội. Bức thư như sau:
“Ông Bà kính mến
Bạn thân ái
“Với tư cách là một trong những người được nhắc đến hôm nay, tôi xin chân thành
cảm tạ Ban Tổ Chức, các thuyết trình viên, diễn viên, những bàn tay nội trợ,
đặc biệt Quí Vị quan khách đã tới dự buổi mạn đàm nghệ thuật này.
Cuộc mạn đàm này khiến tôi liên tưởng tới những "Salons Littéraires"
(Câu lạc bộ Văn chương) khởi xướng tại Pháp từ thế kỷ XVI. Tôi chẳng dám ngạo
mạn so sánh cái nôi của cao trào phục hưng văn chương nghệ thuật thế kỷ
XVI-XVII-XVIII, với cuộc họp dù ấm cúng nhưng đơn sơ này. Nhưng khi ta ngồi lại
với nhau, trao đổi suy nghĩ, phê bình sáng tác của nhau, gợi ý cho nhau, mách
cho nhau những khám phá mới... là ta làm cùng một cách như câu lạc bộ văn
chương. Đó là tạo môi trường và nuôi dưỡng sinh hoạt văn nghệ tại Nauy. Quí vị
để ý xem: những tác phẩm thiên cổ vĩ đại là do từng cá nhân hoàn thành, nhưng
cá nhân thiên tài nảy sinh từ môi trường tốt. Hoan nghênh sáng kiến này của
BTC.
"Khuyết điểm" của cuộc mạn đàm hôm nay là đã chọn Tâm Thanh làm một
"đối tượng". Nhưng tôi thông cảm với các Bạn thân mến của tôi. Khi
chọn ứng viên, các bạn đã không xét tới giá trị tác phẩm (còn lâu mới tới phiên
tôi), mà chỉ nghĩ chúng ta sắp chia tay vĩnh viễn. Tôi đang nằm bệnh viện khi
viết những dòng này. Vâng, tôi bị ung thư tụy tạng trong thời ký tái phát. Từ
hơn năm nay trên giường bệnh, tôi chỉ có một nỗ lực duy nhất: trở thành trẻ thơ
để trở về với Thượng Đế. Tuy nhiên đôi khi tôi cũng suy nghĩ một chút về việc
viết lách. Xin cho phép tôi nói ra tiêu chí văn chương của mình:
Bản chất văn chương là hư cấu. Khi viết tôi
bịa đặt hoàn toàn; nhưng khi sống, tôi ráng không phản bội những điều mình
viết, dù một chữ. Thả bút viết "tình yêu" mà trong lòng đầy oán hờn,
tôi không làm được.
Một lần nữa, cảm tạ.”
Nhà văn Tâm Thanh ra đi, như một cánh chim vút qua. Nhưng tiếng kêu của chim còn rớt lại, và sẽ còn ở với cõi nhân gian lâu dài.
DĐTK
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét