Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015
Võ Phiến - Nguyên vẹn Kỳ 11
Mưa tiếp tục rơi nhẹ dọc đường làm cho
hai người càng ướt thêm. Họ vào hẻm Pasteur. Triệu chưa ăn sáng; Dung thì lúc
nào cũng sẵn “cảm hứng” đối với bún ốc. Rồi Triệu gọi cà-phê.
Dung trở lại câu chuyện bỏ dở:
— Theo anh, liệu không có được
một giải pháp trung lập hay liên hiệp gì đó sao? Nghe chú Chất bảo.
— Chú Chất nào?
— Vừa gặp anh ở nhà em đó. Chú
Chất, chồng cô Thục.
— À.
— Chú nghe nói có nguồn tin Pháp
sẽ đứng ra bảo trợ một chính phủ liên hiệp. Người ta đang sắp đặt để đưa ông
Minh lên. Hễ ông Minh lên là bên kia chịu thương thuyết.
— Thôi, em. Đừng nghe nhảm mất
công. Tại sao bên kia phải thương thuyết? Họ thương thuyết để mong được cái gì?
Khi hai phía ngồi vào bàn thương thuyết, mỗi bên phải có một lợi thế trong tay
để trao đổi: bên này còn gì để trao đổi? Tay trắng đến nơi rồi.
Triệu lắc mạnh đầu, như rảy những
giọt nước dính trên tóc. Sự thực, như thể chàng vừa rảy một cái gì vô hình:
những ý tưởng, hình ảnh khó chịu vừa hiện lên trong đầu. Triệu lại nói:
— Chú Chất có nghe người ta nói
miền Nam được phân chia lại: phía bên này còn giữ được thủ đô Sài Gòn và một
vài căn cứ, chẳng hạn Cam Ranh, Đà Lạt... không?
— Sài Gòn và Đà Lạt sẽ trung lập
hóa, để làm cửa ngõ giao tiếp với Tây phương. Chú bảo bằng cớ rõ ràng nhất là
chúng nó không đánh Đà Lạt. Đà Lạt đâu có lực lượng gì, muốn đánh lấy lúc nào
chẳng được? Vậy mà sau khi chiếm Phước Long, Ban-mê-thuột, Nha Trang, Pleiku
v.v... chiếm khắp nơi hết, chúng vẫn không đánh vào Đà Lạt. Bên này tự ý rút
đi.
Triệu cười lớn:
— Biết mà. Thế nào chú Chất cũng
nghe tin đó. Người Đà Lạt thì bảo Đà Lạt sẽ còn mãi, kẻ ở Hậu Giang thì nghe
tin mật ước chia trọn vùng IV chiến thuật cho bên này, dân Sài Gòn thì nghe
giải pháp về chính phủ liên hiệp để cho Sài Gòn vẫn được làm ăn tự do... Ai nấy
đều có một số bằng cớ rõ ràng để trưng cả. Em biết ông Lục chứ? à này, bố con
Thanh đó, hễ nghe ai nói tới chuyện sụp đổ, chuyện bỏ nước ra đi, ông ta nổi
khùng lên, mắng như tát nước vào mặt. Còn ông Túc cũng vậy... Ờ, trung tá Túc,
chú thằng Vực ấy, ờ, chính ông ấy: ổng nhất định chủ trương giữ vững tới cùng,
chỉ có bọn hèn nhát mới nói chuyện bỏ chạy. Theo mấy ông ấy, không làm gì có
chuyện Mỹ bỏ ta ngang xương. Lý do sâu xa của những thái độ ấy, em biết tại sao
không?
Dung chưa kịp nói gì, Triệu lại
tiếp:
— Có gì đâu: ông Lục mới xây biệt
thự, còn ông Túc kẹt ba bà vợ. Có vậy thôi. Bao nhiêu tiền của đổ ra xây cái
biệt thự đồ sộ, xây chưa kịp xong; đòi bỏ đi: Ồ, đâu có được, tức chết! Còn vợ
ba bà, con mười sáu đứa, làm sao đưa qua Mỹ cho nổi, khó tính toán quá: thế là
phải có một giải pháp đặc biệt cho đất nước. Mỗi người đem cái chủ quan của
mình ra xếp đặt việc nước. Thế là có vô số giải pháp được tung ra. Giải pháp
nhan nhản ra đó, đi đâu cũng gặp người ta kể, mình cứ tha hồ chọn lựa: hễ cái
nào nghe hợp với hoàn cảnh riêng của mình là mình... chấm! rồi loan truyền rộng
thêm... Anh đã bảo mất công kinh khủng. Thì giờ bỏ ra đi nghe ngóng những
tin... mật của Sài Gòn lúc này là thì giờ mất oan. Còn bao nhiêu việc phải lo,
sợ không kịp.
Nét mặt Triệu đã đanh lại, không
biết từ lúc nào. Dung vẫn để ý ở chàng có một vẻ gì bướng bỉnh. Chàng có khuôn
mặt đầy đặn, đối với một người đàn ông thì khuôn mặt ấy hơi quá tình cảm, “phúc
hậu”; tuy nhiên trông kỹ vẫn có những nét ngang ngang. Khi chàng bất bình, nét
ngang bướng ấy càng lộ rõ, và hai vành môi mỏng của chàng khít lại, căm căm,
quyết liệt.
Dung nhớ lại nhiều lần Nguyện nửa
đùa nửa thật nói đến Triệu, đến sinh viên Quốc gia Hành chánh như là những
thanh niên cầu an, tầm thường, cố tìm cuộc đời thư lại, nấp trốn nguy hiểm của
chiến tranh, trong lúc anh Thu chọn cuộc sống ngang tàng. Sự thực, Dung nhận
thấy anh Thu đơn giản hơn Triệu nhiều. Có thể anh “ngang tàng” thực, nhưng sau
những chuyến đi nguy hiểm, anh vô tâm hưởng lạc. Trái lại, Triệu không vô tâm.
Chàng theo dõi, suy nghĩ về tình hình, về các vấn đề của nước nhà, chàng có
quan niệm riêng của mình và quyết tâm thực hiện. Nếu miền Nam tồn tại chắc
chàng sẽ không sống cầu an, chàng không phải chỉ là viên chức hành chánh. Chàng
sẽ hoạt động chính trị, sẽ đấu tranh cho chủ trương của mình. Và đó cũng là lao
vào một khu vực không thiếu chuyện bất trắc, hiểm nguy... Bây giờ thì người
thanh niên ấy chẳng còn gì để hoạt động nữa. Tất cả công việc phải làm chỉ là
lo cuộc chạy trốn!
Dung lặng lẽ nhìn người yêu, nhìn
chiếc áo chàng mặc đã nhớp nhúa bụi bặm, nhìn cánh tay trần rám nắng của chàng
đặt trên bàn... Nghĩ đến cuộc đào thoát mà chàng đang lo lắng, Dung đảo mắt
nhìn xung quanh, hạ thấp giọng để mấy người ngồi ở các bàn kia không nghe thấy:
— Khó quá... Làm sao anh?
Triệu nghĩ ngợi:
— Chắc anh phải xếp đặt kế hoạch
cho me và em đi từ Sài Gòn...
Dung hoảng hốt, chới với:
— Bộ anh không đi cùng với em
sao?
— Biết làm sao được? Anh phải về
Vũng Tàu chứ. Tình hình này không biết rồi kéo dài tới bao lâu, có thể nó cứ
như vầy hàng tháng, bỏ nhiệm sở lâu đâu được...
Dung bắt đầu khóc. Sau cuộc gặp
gỡ này rồi hai người xa nhau? rồi trong cơn biến loạn cuối cùng nàng sẽ không
có Triệu bên cạnh? Rồi nàng sẽ lao vào chuyến đi khủng khiếp mà không có Triệu?
Nguời con gái bàng hoàng.
Triệu vội nói:
— Phải chi me đi Vũng Tàu được...
Anh khó nghĩ quá...nhưng em để anh sắp đặt coi. Ngay bây giờ, chốc anh đưa em
về nhà rồi anh lo chạy. Nay mai, một vài hôm, anh chắc thế nào cũng có cách.
Miễn là em đi được, còn anh ở sát biển, lo gì. Miễn thoát ra được, chúng ta sẽ
gặp lại nhau, chuyện đó dễ dàng.
Dung không nói gì. Nàng tiếp tục
khóc. Nghĩ đến cuộc chia tay lần này với Triệu, nàng không chịu được. Bỗng một
ý nghĩ thoáng qua đầu: Hôm nay, ngày mai, ngày nào Triệu chưa đi Vũng Tàu,
chàng phải ở với nàng, ở tại nhà nàng. Nàng không muốn rời chàng, không muốn để
chàng khuất mắt mình. Ngay trưa nay, chàng phải về nhà ăn cơm với nàng, với cả
gia đình nàng và gia đình cô Thục. Trước mắt mọi người nàng sẽ bạo dạn, thân mật
với chàng, thân mật công khai như vợ chồng. Nàng muốn thế, muốn bắt đầu ngay...
Dung chùi nước mắt, đứng lên.
Trong con hẻm từ tiệm ăn ra đường Pasteur, nàng vắn tắt mời chàng về nhà ăn
trưa. Triệu bảo rồi chàng sẽ trở lại, vào giờ ăn, nhưng bây giờ thì phải
“chạy”, phải tìm gấp ngay bạn bè dò hỏi một mối đi..
Lúc hai người ra khỏi con hẻm,
bất giác Dung chợt để ý đến một người cưỡi Honda chạy qua trước mặt. Một người
đàn ông có tuổi, đeo kính cận thị dày, trên chiếc xe chạy chậm vì sắp đến đèn
đỏ, người đàn ông bỏ một chân rề rề trên mặt đường. Khi đèn bật xanh, chiếc
Honda khởi chạy chậm, nguời đàn ông vẫn thòng chân rề rề một lúc lâu mới chịu
rút chân lên.
Nàng nhìn theo, nghĩ ngợi, vì
nhận thấy hình dáng ấy có vẻ quen quen, quen lắm...
*
Đã hai hôm nay Nguyện cứ đòi đi Cà Mau,
nhưng mọi người đều ngăn cản. Đường đi mỗi lúc mỗi bất an, không biết bị cắt
đứt lúc nào. Có thể trong lúc nàng đi xuống thì Thu đang từ Cà Mau lên Sài Gòn;
rủi nàng xuống đó rồi bị kẹt đường không về được, mọi việc thêm rối ren.
Đã đánh đi một cái điện “Mẹ đau
nặng”, — chưa thấy Thu về, thì hãy đánh điện nữa “Mẹ sắp mất” chẳng hạn. Có lẽ
trong những ngày gần đây bộ chỉ huy đã nhận được vô số điện tín đại khái như
vậy, nên họ xem thường — Dù sao chỉ có cách ấy. Vả lại, thiếu tá Hoành, bố của
Nguyện, đã ra lệnh cả nhà không ai được đi vắng quá một buổi. Hình như ông đã
chuẩn bị chuyến đi: bất cứ lúc nào, hễ nhận được mật hiệu là ra đi ngay.
Năm hôm trước, Nguyện được một
mảnh giấy nhỏ của Thu do một người bạn đưa tới: “Sẽ có mặt trong vòng 48 tiếng.
Chờ anh”, từ đó bặt luôn.
Mỗi một ngày trôi qua Nguyện mỗi
quýnh thêm. Người ta bảo hạm đội số 7 của Mỹ đã có mặt ngoài hải phận quốc tế,
người ra đi càng lúc càng rộn rịp. Nếu bất thần bố nàng đem cả nhà đi trong lúc
nàng chưa kịp được tin gì của Thu! Nếu nàng đã đi rồi mà vào giờ chót Thu liều
mạng về Sài Gòn tìm nàng, rồi bị kẹt! v.v... Nguyện đụng đầu với nhiều vấn đề
không thể giải quyết nổi. Nàng không ăn được, ngủ được, phờ phạc cả người.
Mặt khác, gần đây Dung hơi ngờ
ngợ, trông Nguyện có vẻ khang khác: có phải nàng mang thai? Dung không dám hỏi
thẳng bạn.
Hôm nay, gặp nhau ở trường, chị
em rủ nhau bỏ học về nhà Dung. Mới vào phòng, Nguyện đã vứt sách nằm ngay lên
chiếc giường của bạn, nói một hơi dài:
— Dễ chịu thật. Bây giờ căn phòng
trở lại hoàn toàn của bà. Mấy bữa trước, thấy bà chen chúc mà thương hại. Mỗi
lần tới nhà, mình không sao tìm được chỗ để nói riêng vài câu... tâm sự. À nè,
mấy hôm Triệu nghỉ lại, bà cho hắn nằm ngồi ở đâu?
— Nằm ngồi đâu tùy ý, việc gì
phải “cho”?
— Tùy ý thế chó nào được? Tối, cu
cậu ngủ chỗ nào?
— Đâu biết? Ai thèm để ý.
— Mẹ kiếp. Nói tử tế nghe coi. Bà
nằm trên này với mấy đứa nhỏ hả?
— Ừa, hai đứa. Cũng may, tụi nó
không đứa nào đái dầm. Nhưng thỉnh thoảng lại có đứa vắt cả hai chân lên ngực,
lên mặt mình. Suốt đêm, hai cô bé luân phiên tấn công chị Ba!
— Còn anh Ba?
— Ảnh với chú Chất nằm trên
đi-văng, bên bếp đó!
— Cu cậu tha hồ nằm mơ thấy trèo
thang gác, một đêm không biết bao nhiêu lần... Còn cái đèn ở đầu cầu thang, bà
mẹ cẩn thận chong suốt đêm đấy chứ. Rủi cháy bóng bất tử, mệt đa.
Dung không hưởng ứng, không nói
gì. Nguyện cũng tự dưng bỏ giọng tinh nghịch, trở nên buồn bã:
— Anh Thu chưa có lần nào ăn uống
với gia đình mình từ trước tới giờ.
— Tại vì ảnh ở Sài Gòn, còn anh
Triệu không có nhà ở đây. Nhà thuê thì sau khi ra trường đã trả lại rồi, giờ về
đây không còn chỗ nào...
— Thiếu gì nhà bạn bè. Nhưng mình
có nói sao đâu. Chỉ tiếc là đến giờ phút này giữa anh Thu với gia đình mình
chưa được thân mật. Chưa kịp thân mà đã sắp xa cách... Chắc mình trốn nhà đi Cà
Mau quá. Kiểu này chịu hết thấu...
— Biết ảnh còn ở đó không hay
đang ở trên tàu, ngoài khơi.
— Mười phần mình chắc tới tám
phần là ảnh còn ở Năm Căn, loanh quanh gần bệnh xá...
— Bệnh xá nào?
— Mình chưa nói với bà hả? Bệnh
xá căn cứ Năm Căn. Hải quân bị thương nhẹ thì nằm đấy, nặng thì đưa về bệnh xá
căn cứ Bình Thủy, nặng hơn nữa thì về Sài Gòn. Hôm nọ mình xuống Cà Mau đã gần
tối, phải ngủ lại đấy, sáng hôm sau mới có phương tiện đi Năm Căn. Này nói
thiệt với bà: tôi nghi ảnh bị con nhỏ đó giữ lại chớ không có lý do nào khác vô
đó hết.
— Ủa, con nhỏ nào?
Nguyện chợt dừng bặt. Nàng đã giữ
sự ngờ vực ấy khá lâu. Lẽ ra không nói thì hơn. Nhưng mỗi lúc nàng mỗi thấy
nóng ruột, tức giận, không nén được. Thôi, đã trót rồi, “Thì nói phứt với con
Dung, coi nó có ý kiến gì không”.
Dung nhắc:
— Bộ ảnh có bồ dưới đó hả?
— Con nhỏ mới gặp mà nó mê ngay
mới tức cười chớ. Hôm nọ ở Năm Căn, đồng bào dưới đó nghe tin náo động hết
trơn. Chừng lính bị thương bị chết được đưa về, người ta xúm tới coi đông
nghịt. Con nhỏ nó vừa gặp ảnh là nó mê liền. Nói qua nói lại mấy câu sao đó,
rồi nó đeo luôn.
Dung bật cười. Nguyện bực mình:
— Ở đó mà cười. Chán ghê. Đời
lính nay đây mai đó, lâu lâu gặp trường hợp rắc rối quá trời.
— Bộ đã rắc rối thiệt hả?
Nguyện không đáp. Nàng im lặng,
vẻ nghĩ ngợi. Dung tò mò hỏi:
— Con nhỏ đẹp không? Ở chỗ quận
xa xôi cũng có người đẹp...
Nguyện vẫn không đáp ngay vào câu
hỏi của bạn. Tự dưng nàng nói:
— Nhỏ đó còn khờ dại lắm. Mình
coi nó như một đứa em. Nói với nó mình là em gái anh Thu, nó tin dễ dàng, cứ
theo chị chị em em, vồn vã hết sức... Ờ, đẹp há? Cũng đẹp chớ. Tròn trịa dễ
thương. Con gái Cà Mau, nhất là nữ sinh dưới đó bây giờ cũng điệu lắm, để rồi
lát nữa sẽ nói cho nghe. Nhưng cái mệt cho mình không phải ở chỗ nó đẹp; đẹp
xấu mặc nó chứ, bộ ra đường hễ thấy đứa nào xinh là mình ghen hết sao? Cái khó
nhất là con nhỏ nó dại.
— Bà khôn nó dại, bà lại lo?
— Nó cứ hồn nhiên, khơi khơi, có
sao nói vậy. Mình mới dò hỏi vài câu, nó khai tuột hết: “Em thương ảnh nghê, không
biết ảnh có để ý tới em không hả chị? Không biết ảnh có vợ chưa, chị há? Em
tính hỏi mà thấy kỳ quá v.v...” Nó vô bệnh xá tìm ảnh hoài, ai nấy biết hết
trơn, làm mình đâm ra hơi quê. Nó dại như vậy mới mệt chớ. Bà tưởng tượng coi,
có một đứa con gái nó không giấu giếm gì hết, cứ nói toạc ra là nó thương mình,
có anh nào từ chối được không?
Dung bật cười:
— Mới hôm nào bà giải thích với
tôi anh Thu thật thà không bay bướm.
— Thì vậy chứ bay bướm gì đâu!
Người ta đang bực mình, cứ chọc hoài... Trường hợp con nhỏ, có nhiều cái kẹt
lắm... Bà không biết gì hết trơn.
Dĩ nhiên, nàng làm sao biết được.
Nguyện hoang mang với những hình ảnh vừa hiện lên trong trí: đó là cảnh nhà của
con bé Mai. Số là để theo dõi con nhỏ tới nơi tới chốn, nàng đã nhận lời mời
tới nhà nó ăn một bữa cơm. Nàng đi một mình, không cho Thu hay biết. Nhà con
nhỏ nghèo nàn. Ba nó làm một công việc lao động nào đó; má nó bán rau ngoài
chợ. Mỗi sáng bà phải thức giấc thật sớm, từ hồi bốn năm giờ, sắp đặt cho thằng
em của Mai lấy xe đạp chở rau đi cung cấp cho mấy tiệm bán hủ tiếu, bán bún
v.v... Xong rồi bà ra chợ. Ngồi ngoài chợ tới xế chiều bà mới về. Thành ra bữa
ăn gọi là bữa trưa của gia đình hóa ra bữa ăn xế, vào khoảng gần hai giờ chiều.
Má nó vừa nấu nướng vừa chỉ huy mấy đứa con, đứa đi mua nước đá, đứa chạy ra
chợ mua thêm bún và thịt bò: không khí rộn ràng vui vẻ. Có cô khách Sài Gòn,
chủ nhà ép cô uống tí la-de. Cả nhà đều nhậu được, Nguyện cũng bắt chước, nhấm
nháp chút ít.
Ăn xong, ai nấy lăn ra ngủ.
Nguyện cũng ngả lưng trên chiếc ghế xếp đặt dọc theo vách, thiếp đi một giấc.
Lúc nàng tỉnh dậy thì mọi người hãy còn ngủ ngon lành. Một mình bỡ ngỡ trong
gian nhà lạ, nàng nhìn quanh quất chứng kiến một quang cảnh ngộ nghĩnh. Gian
nhà trống huếch trống hoác, không có vách ngăn chia ra thành buồng the gì ráo:
cửa trước mở thông ra lộ, cửa sau mở thông ra vườn. Bà má của Mai nằm ngủ say
trên cái đi-văng gần bàn ăn, miệng hả rộng mệt nhọc, tiếng ngáy vang lớn, một
vạt áo lật ngược, phơi một mảng bụng; ánh sáng chói chang chiếu vào từ khắp các
cửa lớn cửa nhỏ. Ba con bé ngủ ở ghế xích-đu “phòng khách”, tờ nhật báo thả rơi
bên cạnh, gió thổi ve vẩy, rột roạt, chiếc ra-dô ở cái bàn gần đó vẫn phát ra
bài hát nho nhỏ.
Con Mai với đứa em út nằm trên
gác, thằng Yên nằm dưới đất, bên đi-văng của mẹ. Trên bàn ăn, một con chuột
cống thật lớn, sói đầu, đang ngồi ăn bún; râu ria xồm xoàm, tua tủa, quét vào
mớ bún trắng. Hai con vịt xiêm vào tận bếp, lôi giá, với rau muống và gói đầu
tôm ra ăn. Trông bộ dạng hai con vịt mái lúc tiến vào bếp thật buồn cười: chúng
nghe ngóng, rình chờ, rồi chúng tiến thử mấy bước, không phải không biết là
đang làm chuyện sai quấy!
Đàn vịt con vào theo, tranh nhau
kéo rau chạy tung vãi khắp nhà. Vịt lớn vịt con phóng uế đây đó, ngay cạnh chỗ
thằng Yên đang ngủ và sát bên một chiếc guốc của Nguyện.
Ở vườn sau, con vịt lớn đứng một
mình, không chịu theo vịt mái và vịt con vào nhà; thỉnh thoảng nó kêu những
tiếng cút kít, cút kít.
Khi đàn vịt con ồn quá, con chuột
sói đầu dừng ăn, ngoái nhìn, rồi nhận thấy không đáng quan tâm, lại tiếp tục...
Nguyện thấy mình đã mất hơi nhiều
thì giờ, nàng nóng lòng trở lại bệnh xá với Thu. Nàng cựa mình nhổm dậy, mấy
chú vịt nhớn nhác chạy. Bà má của Mai giật mình thức giấc, ngơ ngác rồi la:
“Chời ơi! Tụi nó phá của tôi hết chơn hết chọi rồi. Chời đất ơi! Đã dặn thằng
Yên gác mấy thúng rau lên cao, nó bỏ bậy dưới đất, để cho lũ quỉ phá hết chơn!”
Bà vung tay đuổi vịt ra ngoài,
cất rau, rồi tính nằm ngủ lại. Nguyện chào ra đi.
Cái cảnh tượng hôm ấy thoạt tiên
thấy buồn cười, và khiến nàng càng coi thường gia đình Mai. Nhưng về sau, dần
dần nghĩ lại Nguyện mới thấy ra cái... nguy hiểm. Mai sống trong một sinh hoạt
gia đình thật bừa bãi. Nhà cửa trống trải, tính tình cởi mở, vô tâm... Nguyện
nghĩ rằng trong hoàn cảnh ấy, Mai rất có thể là đứa dễ dãi, buông tuồng, không
thèm giữ gìn gì hết. Trong bữa ăn gia đình trưa hôm ấy, Nguyện đã khéo léo lựa
dịp cho Mai và ba má nó biết là anh Thu đã có vợ sắp cưới. Đối với một gia đình
nề nếp, với một đứa con gái dè dặt, thì đó là một cảnh cáo quan trọng; nhưng
đối với Mai thì... ăn thua gì!
Bây giờ mỗi lần nghĩ đến cảnh
sinh hoạt nọ Nguyện càng lo lắng, cảm thấy như một mối đe dọa. Nàng muốn kể lại
cho Dung biết, nhưng ngần ngại vì thấy câu chuyện khá rắc rối. Tả một cảnh nhà
để chứng minh một mức độ đạo đức, để đánh giá một nếp sống, như thế mông lung
quá. Cái ấy chỉ có thể cảm nhận, mà khó nói.
(Còn tiếp)