Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015
Trần Vinh Dự - Bàn thêm về tư nhân hóa
Bàn thêm về làn sóng tư
nhân hóa mới: không thể không làm?
Trong một bài
trước,
tôi đã nhận định rằng những nỗi lo sợ mới đây liên quan đến cổ phần hóa chủ yếu
là do việc bán các tài sản trọng yếu trong lĩnh vực hạ tầng. Thế nhưng nhìn
rộng ra, quá trình tư nhân hóa, gọi nhẹ đi là “cổ phần hóa”, hoặc nhẹ hơn nữa
là “xã hội hóa” không dừng lại trong lĩnh vực kinh tế truyền thống mà đang lan
ra nhiều lĩnh vực “nhạy cảm khác”, không chỉ có hạ tầng, mà thậm chí còn cả y
tế hay giáo dục.
Lý do chính yếu nhất là
ngân sách. Trong lĩnh vực giáo dục chẳng hạn, do nguồn thu ngân sách bị thu
hẹp, và gánh nặng chi cho giáo dục ngày càng gia tăng, chính phủ đã có chủ
trương xã hội hóa từ nhiều năm nay. Hàng loạt các địa phương, từ Hà Tĩnh, Quy
Nhơn, Nha Trang, Ninh Thuận, đến Long An, Sóc Trăng, Rạch Giá đã thực hiện
chuyển đổi nhiều trường phổ thông công lập hoặc bán công thành trường tư thục.
Sắp tới, với bước khởi điểm là giao các đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế tự
chủ tài chính, việc cổ phần hóa có nhiều khả năng sẽ lan dần sang nhóm hệ thống
các bệnh viện, các trường đại học và cao đẳng công lập.
Không thể không làm?
Các nỗi sợ này là có cơ sở,
và vì thế chúng không phải là vô hình. Và vì thế, những tiếng nói phản biện, dù
đứng trên lập trường nào, cũng đều đáng trân trọng. Thế nhưng đặt vấn đề ngược
lại, sẽ có hai câu hỏi hết sức quan trọng. Thứ nhất là có tránh được việc phải
tư nhân hóa hay không? Và thứ hai, nếu không tránh được, thì có cách gì để
những nỗi sợ trên biến mất hay không?
Từ câu hỏi thứ nhất, phải
nhìn thẳng vào sự thật là nhà nước hầu như không có lựa chọn nào ngoài việc
phải tư nhân hóa hay xã hội hóa. Từ nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn thâm
hụt ngân sách với con số tuyệt đối (tính bằng Đồng) và tương đối (tính bằng tỷ
lệ % so với GDP) ngày càng lớn. Mức trần thâm hụt mà Quốc hội cho phép là 5,3%
GDP, nhưng theo nhiều nguồn phân tích thì con số thực tế cao hơn. Thí dụ ADB ước tính thâm hụt ngân sách năm
2013 của Việt Nam là 5,5%, chưa kể các khoản chi ngoài ngân sách lớn mà theo tổ
chức này là khó ước tính vì thông tin không minh bạch.
Vì thâm hụt liên tục nhiều
năm và với quy mô ngày càng lớn, tình trạng nợ công đang ngày càng rơi vào thế
bế tắc trừ khi có giải pháp triệt để. Tổng dư nợ công năm 2013 là 54,2% nhưng
sang 2014 đã thành 60,3% (tăng 6,1% trong một năm). Nếu không có các biện pháp
cấp cứu mạnh mẽ, tỉ lệ này sẽ vượt ngưỡng cho phép 65% trong vòng một vài năm
tới.
Chính vì thế, khả năng đầu
tư mạnh vào hạ tầng bằng vốn của nhà nước xem ra bất khả thi. Tương tự, câu
chuyện bao cấp các lĩnh vực phúc lợi truyền thống như y tế và giáo dục cũng
không còn trong khả năng chi trả của ngân sách nhà nước như trước đây. Trong
bối cảnh đó, việc “xã hội hóa” là việc bất đắc dĩ phải làm, và câu chuyện bán
các tài sản hạ tầng đang có để có tiền xây dựng hạ tầng mới là việc làm khôn
ngoan.
Liên quan đến câu hỏi thứ
hai, thực ra tất cả các nỗi sợ trên đều có thể giảm thiểu được ở mức độ nhất
định (có thể không hoàn toàn triệt để) bằng các chính sách thích hợp.
Thí dụ câu chuyện giá rẻ
giá đắt, Việt Nam có thể làm với lộ trình vừa phải lúc đầu để kiểm tra khả năng
hấp thụ của thị trường đối với các tài sản này. Việc chào bán nên được chuẩn bị
kỹ và mở rộng ra cho các bên mua tiềm năng ở nước ngoài (không thể làm quá gấp
gáp vì các nhà đầu tư thận trọng nước ngoài cần nhiều thời gian để khảo sát và
tính toán trước khi quyết định). Nhà nước cũng có thể thuê các hãng tư vấn mua
bán sáp nhập chuyên nghiệp để giúp bán với giá cao nhất có thể được. Dĩ nhiên,
một trong những vấn đề lớn của Việt Nam là việc thiếu tính minh bạch và tình
trạng tham nhũng cao. Điều này có thể làm cho câu chuyện giải pháp giảm thiểu
trên trở nên vô nghĩa
Câu chuyện về nguồn gốc của
nguồn tiền đầu tư tuy quan trọng nhưng cũng khó kiểm soát trong một thị trường
tài chính toàn cầu như hiện nay khi các nhà đầu tư có thể dùng đủ loại công cụ
tài chính để dấu nguồn gốc nguồn tiền thật sự cũng như dễ dàng mua đi bán lại ở
nước ngoài mà Việt Nam không làm gì được. Vì thế, vấn đề cần thiết là việc quản
lý và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này cũng như có hành động thích
hợp, kịp thời để đảm bảo họ tuân thủ pháp luật và an ninh quốc gia của Việt Nam
dù họ là nhà đầu tư đến từ đâu, chứ không phải chạy theo kiểm soát nguồn gốc
nguồn tiền (cái mà dù muốn cũng không làm được).
Câu chuyện về lũng đoạn của
doanh nghiệp cũng tương tự như vậy. Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát bằng
các chính sách liên quan đến cạnh tranh, chống độc quyền, và điều tiết thị
trường. Trên thực tế thì Việt Nam vẫn thực hiện việc điều tiết này trong lĩnh
vực hạ tầng, thí dụ áp trần giá phí cầu, phà, hoặc đường bộ, chứ không phải
giao quyền tự quyết các loại phí này cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, câu chuyện về
định hướng xã hội chủ nghĩa. Như Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng
nói gần đây, “tất cả phải đi vào kinh thế thị trường và đã là thị trường thì
phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường”, vì thế câu chuyện
doanh nghiệp nhà nước kiểm soát hoặc chi phối nền kinh tế (đặc biệt là một cách
khiên cưỡng thông qua bao cấp) chắc chắn sẽ không còn thích hợp nữa. Vấn đề còn
lại là bình đẳng và phúc lợi cũng có thể được giải quyết bằng các cơ chế tài
trợ trực tiếp thích hợp giống như phương Tây vẫn đang làm.