Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015
Thụy Khuê - Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (Chương bốn- tt)
Chương 3: Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777- 1802 - (Phần 1) - tt
Chương 3: Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777-1802 (Phần 2) tt
Chương
bốn
Tác
phẩm của John Barrow (1764-1848)
Phần 2
Hành trình Bá Đa Lộc
Về Bá Đa Lộc Barrow viết trong chương IX, như sau:
"Trong thời gian Tây Sơn nổi dậy ở Nam Hà, ba anh em giết vua [Định Vương Nguyễn Phước Thuần] và tất cả những người bị bắt, gia quyến
và tuỳ tùng; ở trong triều có một giáo sĩ người Pháp, tên Adran [tức Bá Đa
Lộc, chức Giám Mục Adran], trong nhiều văn bản in trong tập "Lettres
édifiantes et curieuses", tự nhận mình là khâm sứ của Giáo Hoàng ở Nam Hà.
Vị giáo sĩ này rất thân với hoàng gia và cũng nhận được nhiều ân huệ,
ông đã lập ở đây một họ đạo và nhà vua, thay vì đán áp, lại che chở. Nhà vua
rất tin tưởng ở người này, dù khác đạo, đã giao cho việc dạy dỗ người con trai
duy nhất của ông, người sẽ nối nghiệp. [Chỗ
này Barrow nhầm Nguyễn Ánh với Định Vương]. Adran, ngay từ những ngày lửa
đạn đầu tiên của cuộc khởi loạn, đã thấy, ông và bạn hữu, nếu muốn sống còn, phải
trốn tránh.
Nhà vua đã bị địch bắt, nhưng hoàng hậu, hoàng tử, các con và một người
chị hay em, được Adran cứu thoát. Nhờ đêm tối, họ rời xa kinh thành [Gia Định] và trốn vào rừng. Ở đấy, trong nhiều tháng, vị vua trẻ của
nước Nam cũng như một ông Charles mới [chỉ Charles I (1625-1649) vua Anh và
Ái Nhĩ Lan], trốn cùng với gia đình, không dưới lùm cây sồi rậm rạp mà dưới
lùm đa hay bồ đề vì [thiêng] ở đây không ai dám xâm phạm. Một nhà tu
công giáo tên Paul [Paul Nghị, tức Hồ Văn Nghị] liều mình đem đồ
ăn mỗi ngày, cho đến khi [quân đội đi lùng] không còn tìm kiếm nữa và
sau cùng được lệnh rút về.
Sau khi quân thù rút lui, những người đi trốn trở về Sài Gòn, dân chúng kéo
nhau đến dưới cờ của vị vua chính thức, được họ tôn lên làm vua dưới tên của
cha ông, vị vua cuối cùng, Caun-shung.
Cùng thời điểm này có chiến hạm Pháp do một người tên là Manuel điều
khiển, đậu ở Sài Gòn cùng với 7 tầu buôn Bồ Đào Nha và rất nhiều thuyền buồm và
tầu Trung Hoa. Theo lời khuyên và sự giúp đỡ của Adran, hạm đội Bồ nhập trận [đánh Tây Sơn] với khí giới được trang bị bí mật, tấn công chớp
nhoáng hạm đội địch đậu ở Qui Nhơn. Gió mùa thuận tiện. Đoàn chiến hạm xông vào
vịnh nơi hạm đội địch đang bỏ neo bất động. Được cấp báo, quân địch lên tầu, đổ
xô ra đánh, chiến hạm Pháp thua, người Pháp không tiếc lời ca tụng lòng dũng
cảm [của Manuel]. Bọn chỉ huy tầu Bồ bỏ chạy tuốt sang tận Macao . Ông hoàng trẻ
tuổi tỏ ra cam đảm và điềm tĩnh nhưng vì ít quân đành phải rút lui" (Barrow
II, t. 200-202).
Đây là đoạn văn "tiêu biểu" có thể là đoạn văn đầu tiên, viết
về giai đoạn này.
Nó có nhiều sai lầm "tiêu biểu", và những sai lầm như vậy, sẽ
còn được lập lại nhiều lần trên các văn bản của những người viết sau.
Sau đây là những sai lầm chính:
1- Vì không hiểu rõ liên hệ gia đình phức tạp trong triều Nguyễn lúc bấy
giờ, cho nên người viết thường lẫn lộn cha, con, cháu, với nhau.
2- Nguyễn Ánh không phải là con Định Vương, mà là cháu gọi ĐịnhVương bằng
chú ruột.
3- Nguyễn Ánh trao con là hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc dạy, chứ không phải
Định Vương trao con cho Bá Đa Lộc.
4- Tuy nhiên sau đó, Barrow cũng không đi sâu thêm trong sự sai lầm này,
ông vẫn coi Hoàng tử Cảnh là học trò của Bá Đa Lộc, không phải như
Sainte-Croix, từ đầu đến cuối đều nhầm Nguyễn Ánh với Hoàng tử Cảnh, coi Nguyễn
Ánh là "học trò" của Bá Đa Lộc. Rồi sau đó, một số tác giả Pháp - Việt,
sẽ biến sự sai lầm này thành "sự thật " để ca tụng "công
lao" Bá Đa Lộc "dạy dỗ" Nguyễn Ánh.
5- Việc giết Định Vương Nguyễn Phước Thuần là trách nhiệm của Nguyễn Huệ,
lần đánh Gia Định năm 1777, không có Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ.
6- Lúc ấy, Nguyễn Ánh trốn một mình, chưa có vợ, cũng chưa có con. Bà mẹ
đang ở Quảng Trị, đến tháng 4/1799, mới rước về Gia Định.
7- Việc Adran (Bá Đa Lộc) đưa Nguyễn Ánh và gia đình chạy trốn là không
có thực.
8- Việc Hồ Văn Nghị, liều mình đem thức ăn cho Nguyễn Ánh, có thể rất thực,
chúng tôi sẽ nói đến sau.
9- Sau khi trốn, về lại Sài Gòn, Nguyễn Ánh được dân chúng tôn làm vua,
cũng sai. Nguyễn Ánh xưng vương năm 1780, tức là ba năm sau.
10- Manuel hay Mạn Hoè, chết ở mặt trận Ngã Bảy (Biên Hoà) năm 1782, chứ
không phải ở Quy Nhơn. Việc 7 tầu Bồ Đào Nha tham chiến chưa biết hư thực thế nào.
Trên đầu, Barrow có nhắc đến tập Lettres édifiantes et curieuses,
vậy xem chừng ông lấy những tư liệu về Bá Đa Lộc từ nhà dòng. Những sai lầm cũng
phát xuất từ đấy.
Tuy nhiên Maybon lại dùng thoại Bá Đa Lộc "cứu" Nguyễn Ánh của
Barrow, (Maybon, Histoire moderne du pays d'Annam, Plon, 1920, t. 192-193,
note 2) có lẽ bởi vì nó phù hợp với thoại Bá Đa Lộc "cứu mạng" Nguyễn
Ánh, được phía Pháp chủ trương.
Nhưng, những đoạn Barrow viết về thời kỳ trôi nổi của Nguyễn Ánh, việc
gửi hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, khá gần với những điều ghi
trong chính sử.
Barrow có chép lại bản hiệp ước cầu viện Versaillles 28/11/1787] (t. 208-210),
nhưng bản này hơi khác với bản "chính thức". Rất có thể Barrow đã có
một văn bản khác.
Theo Barrow, thi hành nhiệm vụ này, Bá Đa Lộc được "thăng thưởng"
như sau:
"Ngoài những điều ước [ghi trong bản hiệp ước], còn
có vài điều nữa, ít quan trọng hơn, nhưng tất cả, như chúng ta thấy, đều rất có
lợi cho nước Pháp. Adran được giáo hội thăng chức Giám Mục Nam Hà và được nhậm
chức Đặc sứ toàn quyền (Ambassadeur extraordinaire et plénipotentiaire) [của
Louis XVI] ở triều đình này [triều đình Gia Long]" (Barrow II, t. 211).
Về vấn đề xung đột giữa Conway và Bá Đa Lộc ở Pondichéry, khiến Conway
từ chối không chịu xuất quân giúp Nguyễn Ánh, Barrow đưa ra một giai thoại
"thâm cung bí sử" có lẽ được truyền tụng trong giới ngoại giao Anh ở
Pondichéry: vì Bá Đa Lộc khinh bỉ một người đẹp, bà de Vienne, là vợ sĩ quan tuỳ
viên của tướng Conway và cũng là nhân tình của tướng Conway, nên mới có sự
khủng hoảng trong mối liên lạc giữa hai người.
Sự thực có lẽ đơn giản hơn: De Conway, gửi tầu về Nam Hà thám thính, biết
tình trạng sức mạnh vô địch của Quang Trung lúc bấy giờ, và khám phá ra những
"báo cáo láo" của Ba Đa Lộc về sự tồi tệ yếu kém của quân Tây Sơn, nên
ông đã viết thư thẳng cho Louis XVI; vì thế Louis XVI quyết định không giúp nữa.
Về việc Bá Đa Lộc trở về Sài Gòn tay không, Barrow cho biết: Bá Đa Lộc
về Sài Gòn trên một tầu buôn nhỏ, đem theo khí giới và đạn dược, nhưng thuyền
trưởng Richerie [Richery] (bị buộc tội) đã bán phần lớn trọng tải của tầu này ở
Malaca, lấy tiền bỏ túi (Barrow II, t. 213-216).
Sau cùng, Barrow đã dành cho Bá Đa Lộc, những lời lẽ đặc biệt tôn kính:
"Phải công bình với linh hồn Adran, người đã mất năm 1800, [ông mất ngày 9/10/1799] mà công nhận rằng, tính tình của vị đế
vương, sự về nước của ông, chiến thắng của ông, những tiến triển ở nước ông,
trong khoảng thời bình và tất cả những tiến bộ nhanh chóng trong mọi địa hạt
khoa học và nghệ thuật, những cơ sở, những công xưởng, hoàn toàn nhờ vào sự
hiểu biết, vào tài năng và vào sự gắn bó trung thành của giáo sĩ này. Nhà vua
cũng yêu quý ông đến độ khâm phục. Vua thường gọi ông là danh sư (maître
illustre) [thực ra là thượng sư], ở bên Tầu tiếng này chỉ dành riêng để
chỉ Khổng Tử" (Barrow II, t. 234-235).
Sau đó Barrow kể một chuyện, có lẽ vẫn rút từ tài liệu nhà dòng: Khi Bá
Đa Lộc mất, được chôn cất theo thánh lễ công giáo, nhưng sau vua sai cải mộ và
chôn lại theo nghi lễ Việt Nam, làm cho các cha cố hết sức phẫn nộ. Ông viết: "Nhiệm
vụ của Bá Đa Lộc lúc sinh thời cũng không dễ dàng, vì vừa là cố vấn của vua lại
là thày dạy con vua, dĩ nhiên ông bị các quan ganh tị" (Barrow II, t. 235).
Tuy nhiên vẫn theo Barrow, nhà vua lúc nào cũng giữ trọn tình bạn và lòng tin
đối với ông cho đến khi ông mất. (Barrow II, t. 236).
Những nhận định của Barrow về Bá Đa Lộc, tuy rút từ tư liệu nhà dòng,
nhưng được viết với sự thận trọng cần thiết, khác hẳn lối viết sau này của
những người Pháp như Faure.
Rồi chúng ta sẽ khám phá ra mối liên hệ giữa Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc
không phải hoàn toàn tốt đẹp như những gì vẫn được nhà dòng truyền tụng. Nhiều
lần Bá Đa Lộc đã muốn bỏ đi, trong những trường hợp khẩn cấp, v.v...
Tất cả những vấn đề này, sẽ được bàn lại sau.
Về công trạng của những người lính Pháp giúp Nguyễn Ánh, Barrow có nhắc
đến trận Thị Nại 1792, ông viết:
"Mùa xuân 1792, ông [Nguyễn Ánh] xuống thuyền
đi đánh Qui Nhơn, để trên đầu hạm đội, 2 sĩ quan Pháp, quản hai tầu chiến Tây
phương. Người ta đồn rằng, một trong hai người này, ông Dayot, đã làm cho hạm
đội địch thiệt hại lớn, đốt cháy, đánh đắm, hoặc xâm chiếm tất cả những thuyền
gặp trên đường. Hăng say chiến thắng, tiến sâu quá, thuyền ông bị nạn. Người ta
cũng đồn rằng, nhà vua, tuy chứng kiến tai nạn có thể làm cho ông thua trận,
vẫn tỏ chút mãn nguyện, nói: "Ông ấy đã làm nhiệm vụ của mình, tôi không
mong ông ấy làm cả nhiệm vụ của tôi" Nguyễn Nhạc không ngờ trận tấn công này,
ngày hôm ấy, ông cùng triều đình đi săn cách [Quy Nhơn] ba mươi dặm
(trang 117-118).
Đó là đoạn văn duy nhất Barrow viết về công trạng của những người lính
Pháp giúp vua Gia Long, và viết với sự thận trọng "người ta đồn
rằng".
Triều đình Cảnh Thịnh tiếp hạm đội đại sứ Anh
Phần quan trọng nhất trong chương X, là đoạn Barrow mô tả việc triều
đình Cảnh Thịnh tiếp phái đoàn Anh. Barrow viết:
"Như tôi đã nói trong ở trên, khi những lời vu khống man trá của
Manuel Duomé loan truyền báo động về sự ghé bến của hạm đội chúng tôi, được
giải toả, chợ búa càng ngày càng có nhiều thực phẩm hơn và các quan chức đối
đãi với chúng tôi bớt gay gắt hơn. Đã có sự tin cậy lẫn nhau, có những thông
giao nối kết không ngừng giữa những người dân cảng với tất cả thành phần của
hạm đội: các sĩ quan và quan chức ngoại giao đoàn, vì công việc, hay vì hiếu
kỳ, muốn lên bộ vài ngày, đều được chính thức mời ăn tối; về phiá Việt, mỗi
ngày có một vài người lên thăm hạm đội của chúng tôi, họ cũng được mời ăn bữa
thường, mặc dầu món ăn của chúng tôi chắc không hợp vị họ lắm (...)
Vì trong thành phố không có nơi nào lớn để tiếp đãi một phái đoàn đông
người như chúng tôi, nên quan trấn thủ cho dựng một phòng lớn, bằng tre, luôn
luôn tiện dụng trong những lúc cần kíp, dựng xong trong vài giờ: mái và bốn
phía được phủ bằng chiếu đan siết và dày. Trong phòng bầy một dãy bàn nhỏ đặt
ghế ngồi hai phiá, khoảng 20, 24 người ngồi thoải mái.
Người Trung Hoa có thói quen bầy điã hay bowls (bát, tộ?) đầy kín bàn ăn.
Người Việt, còn lễ độ quá dân láng giềng, nên họ không chỉ bầy đầy bàn thức ăn,
mà còn bầy bowls lên hai ba chồng. Tôi
nghĩ, có thể đếm không dưới 200 bowls, chưa kể những chén cơm mà họ đưa tay cho
thực khách, thay thế bánh mì. Cơm xứ này cũng như ở Tầu và hầu như tất cả
phương Đông, là nền của thức ăn. Họ không dùng khăn ăn, không dùng dao và niã,
cũng không có đồ uống, không có cốc; nhưng họ để trước mặt mỗi người một thìa bằng
đất nung, hai cái gì giống như ống hay que [đũa]
bằng tre, hay gỗ hồng, hay gỗ đàn hương (santal), nhiều khi bọc bạc, giống như [đũa]
Tầu, mà người Anh gọi là chop-sticks.
Những bowls (tô, bát) đựng đồ ninh nấu (ragouts), thịt bò, thịt lợn,
thịt gà, cá, cắt miếng nhỏ, hầm, nấu với rau, làm súp và nước cốt, nêm khác
nhau, và bỏ các thứ gia vị khác nhau. Không có thịt quay, cũng không có món
khô; không có rượu vang, cũng không có rượu mạnh gì cả; cũng chẳng có nước uống
trong cả bữa; nhưng sau khi ăn, được mời seau-chou Tầu [trà Tầu?] trong chén
sứ.
Vì cả hai bên đều không biết tiếng của nhau nên không nói chuyện được,
chúng tôi không kéo dài bữa ăn. Quan trấn thủ hay tướng trấn thủ không cho
chúng tôi danh dự được ăn cùng.
Nhưng bình thường trong những dịp như thế này, ông ngồi ở đầu phòng ăn,
dựa trên sập vuông, có trải chiếu, hút thuốc, ăn trầu, trong khi hai ba tên hầu
phe phẩy kéo cái quạt lông công cho mát. Bình thường ăn xong chúng tôi sang
phòng xem hát, cũng là một nhà rạp bằng tre. Ở đó, cũng giống như bên Tầu, có
sẵn những diễn viên sẵn sàng đóng tuồng suốt ngày, lúc nào cũng diễn hăng say,
dù không có người xem hay đầy khán giả, bởi vì được thuê diễn cả ngày, cho nên
họ hoàn toàn thản nhiên trước sự đông hay vắng khách, miễn là được trả lương
mỗi khi diễn xong.
Tất cả phân khu Nam Hà, nơi có vịnh Đà Nẵng, ở dưới quyền cai trị của
vua trẻ Quang-tung [Quang Toản], con trai của ông
tướng ngụy [chỉ Bắc Bình Vương] người đã chiến thắng Tổng đốc Quảng Đông
(...)
Cung vua ở Huế, cách Đà Nẵng 40 dặm. Ngay khi biết chắc sự thông thuận
của chúng tôi đối với ông, nói khác đi, sự trung lập của chúng tôi [đối với miền Nam], ông gửi một quan đại thần đền mời ông Đại Sứ vào
triều. Sứ thần trả lời từ chối, vì nhiều lý do, mà lý do chính là vì thời gian
không cho phép dự buổi lễ này (...) Chúng tôi thích lợi dụng cơ hội có ít ngày
để đi thăm các làng xóm xung quanh (...).
Lá thư của ông vua trẻ [Quang Toản mới 11 tuổi, thái
sư Bùi Đắc Tuyên làm phụ chính] biểu dương đầy tình cảm cao đẹp của nhà vua
đối với dân tộc Anh; và để chứng minh, ông gửi quan quân mang một món quà nhỏ
cho những người trong hạm đội (chữ vua dùng như vậy). Món quà gồm 10 con trâu,
50 lợn, khoảng 300 gà vịt, với hoa quả, rau và hành củ. Những thức bồi bổ này
được chở đến bằng thuyền buồm, đằng trước có một chiếc thuyền chèo dài, sơn và
trang hoàng bằng cờ và biểu ngữ, có các quan, theo nghi lễ.
Sứ thần viết thư trả lời và tặng lại vua 1 khẩu súng trường đẹp, bắn hai
phát liền, kèm phụ tùng và một cặp súng lục bằng gang có lưỡi lê, một thanh
gươm cán đồng, nhiều tấm vải và nỉ lớn mầu đỏ thắm. Sứ giả của vua, lúc đầu mặc
áo dài lụa, thêu hình hổ và rồng, giống như bên Tầu, nhưng khi lên tầu Lion,
ông đổi y phục và mặc hai ba chiếc áo lồng bằng tơ trắng mỏng.
Một sự tò mò, do lỗi chúng tôi, đã phá rối trong chốc lát, sự thông cảm
giữa hai bên. Vì muốn vẽ một bản đồ đúng của vùng vịnh tuyệt diệu này cùng với
hải cảng, một buổi sáng, mấy người trong bọn tôi lấy thuyền, đi sâu vào bờ
đông, đo một căn cứ và lấy các góc độ cần thiết để xác định vị trí những điểm
chính. Chúng tôi chọn giờ sáng sớm và làm thực nhanh, tưởng thoát khỏi con mắt
của người dân ở đây; nào ngờ một ông quan đến ngay, bảo cho biết là quan trấn
thủ rất bất bình vì lối hành sự này và yêu cầu ngừng ngay mọi việc đo đạc.
Một sự vụng về nữa, càng làm tăng mối nghi ngờ, khiến họ cho rằng chúng
tôi có những mục tiêu muốn giấu: Một viên sĩ quan tầu Lion, ban đêm, đi dò dòng
sông [Hàn] dẫn ra Hội An, anh ta quá sốt sắng nhưng
lại bất cẩn, bị bắt với cả ê-kíp và chiếc xà lúp, bị giam trong một đồn nhỏ.
Không thấy tin tức gì, chúng tôi tưởng xà-lúp đã bị chìm, không ai thoát nạn.
Sau cùng, quan quân lên tầu Lion, báo cho chúng tôi biết, và cay đắng than
phiền chúng tôi hành sự không thẳng thắn. Sứ thần nói ông không biết việc này
và xin thả ngay viên sĩ quan, gửi về tàu, để anh ta sẽ phải trả lời trước cấp
trên."
Rút cục rồi mọi việc cũng được bỏ qua. Barrow viết tiếp:
"Nhà vua, trong lá thư thứ nhì, có ý muốn mở cửa buôn bán hợp pháp
với chúng tôi. Ông gửi kèm với thư này, quà cáp gồm ngà voi và 10 giỏ hạt tiêu,
biếu Sứ thần và tặng thủy thủ đoàn 3000 giỏ gạo, nặng khoảng 100 tạ.
Ông Đại sứ chưa biết thành phố Đà Nẵng; nên những vị chức sắc ở đây, tỏ
chút lòng thành, muốn tổ chức một buổi lễ tiếp đón. Ông Đại sứ chọn ngày 4/6,
sẽ lên bờ dự lễ sinh nhật đức vua cùng với người Việt. Nhưng tối hôm trước,
chúng tôi đã thấy một chuyển động bất thường trong thành phố, một số binh sĩ
lớn lao hành quân trong và ngoài thành, và sau cùng là đàn voi trận. Không thể
biết đó là ngẫu nhiên, hay do những nghi ngờ trước, hay để biểu dương sự rạng
rỡ cho buổi lễ; nhưng về phía mình, chúng tôi luôn luôn đề phòng, gửi ngay hai
đơn vị quân đội đến con sông đối diện với thành phố để bảo đảm sự triệt thoái
nếu cần. Tuy nhiên ngày hôm đó mọi việc diễn ra trong không khí hết sức hoà
hợp..." (trích dịch Barrow, t. 241- 251).
Trích đoạn này cho thấy nhiều vấn đề:
Trước tiên là sự hiếu khách hay là sự vồn vã thái quá của chính quyền
Phú Xuân, muốn "kết thân" với người Anh, cho nên không nghe những lời
vu khống của người Bồ Đào Nha. Mặc dù tiếp khách tử tế, vồn vã, nhưng vẫn chưa
biết lòng dạ của họ như thế nào.
Về phía Anh: từ chối không đến Huế, lấy lý do là không có thì giờ, và Barrow
viết thêm: vì biết sang Tầu sẽ có lễ to hơn, đẹp hơn ở Huế. Cũng đúng. Nhưng có
lẽ còn những lý do khác mà tác giả không nói ra:
- Không muốn có liên lạc chính thức với Tây Sơn vì sợ Nguyễn Ánh nghi
kỵ, không giao thiệp, nhất là lúc đó Quang Trung đã mất, Nguyễn Ánh ở thế
thượng phong.
- Ở lại Đà Nẵng để đo đạc, dò thám vùng đất này mà họ cho là có giá trị
chiến lược. Sau này, các sứ bộ Anh đến Huế đều xin Cù Lao Chàm làm đất mở thương
điếm, chứng tỏ những gì Barrow viết ở đây, chắc ông đã báo cáo với chính phủ
Anh trước rồi.
Sau cùng, sự "tin cậy" lẫn nhau giữa đôi bên Anh-Việt chỉ là
bề ngoài. Có thể nói đó chính là bản chất mối lên hệ của người Âu đối với các
dân tộc mà họ nhòm ngó.
Thuật đóng thuyền, tầu của người Việt
Một điểm đáng ngạc nhiên nữa là chỉ trong một tháng, mà Barrow đã có
những khám phá sâu sắc về kỹ nghệ đóng tàu, thuyền của ta, ông viết:
"Một ngành đặc biệt mà hiện nay người nước Nam có thể tự hào rất
hoàn hảo là đóng tầu; và phải nói ngay, họ được như vậy một phần là nhờ có
nhiều gỗ quý và gỗ lớn. Những du thuyền của họ đẹp tuyệt vời: dài từ 50 đến 80 pieds [1 pied Anh=0m3048]. Đôi khi tầu chỉ đóng bằng 5 mảnh ván, mỗi mảnh
dài suốt chiều dọc tầu, ghép lại với nhau bằng mộng và chốt gỗ, rồi siết chặt
bằng sợi tre, không cần nẹp mà cũng chẳng cần dây. Đầu và đuôi tầu rất cao được
trang trí bằng những hình hài trạm trổ rồng, rắn kỳ dị, sơn mầu và dát vàng.
Một số lớn cột buồm treo đầy cờ hiệu hay băng-rôn. Những bó lông đuôi bò nhuộm
đỏ, đèn, ô, dù, và nhiều loại trang trí khác, buộc trên đầu cọc cắm hai bên mạn
tầu, cho biết cấp bậc các vị quan trên tầu; và vì họ đứng đằng trước, nên nếu
người chèo quay lưng lại họ là bất nhã (tục lệ của những dân tộc này cũng như
người Tầu khác hẳn phần đông những nước khác trên thế giới), cho nên, người
chèo phải quay mặt về phiá đầu tầu, và đẩy chèo đằng trước họ, thay vì kéo chèo
sau lưng, như Tây phương. Kẻ hầu người hạ và hành lý để phía sau tầu.
Tầu buôn đi gần bờ biển, tầu đánh cá, tầu đánh hải sâm và tìm tổ yến ở
quần đảo Hoàng Sa, có nhiều loại kiến trúc khác nhau. Phần lớn giống như những
thuyền tam bản của Tầu, sàn trải chiếu cho cả gia đình ngồi. Một số khác, cả
thân tầu lẫn thuyền cụ, giống tầu Mã Lai.
Còn tầu buôn của họ giống như ghe buồm của người Tầu, cả hình dáng lẫn
kiến trúc, nếu nhìn theo lối đóng tầu [Tây
phuơng] hiện nay, thì chẳng thể coi là hoàn hảo; cách đóng tầu của họ không
hề thay đổi từ nhiều nghìn năm nay, song lối kiến trúc thượng cổ đó, đáng được kính
trọng.
Vả lại tầu buôn không cần phải chạy thật nhanh khi lẩn trốn hoặc rượt
bắt, là phẩm chất chính của tầu chiến. Chủ tầu cần an ninh hơn thần tốc. Ngoài
ra, nhà buôn vừa là chủ vừa là người lái tầu, vấn đề trọng tải đối với họ là
quan trọng hơn cả. Để chở được nhiều hàng hóa của các thân chủ khác nhau, tầu
buôn được chia ngăn dành cho mỗi thân chủ. Vách ngăn ấy là những tấm ván dầy 2
tấc được sắp đặt và trám kín các lỗ hở, khiến nước không thể thấm qua. Dù có
chống việc chia hầm tầu thành ngăn đến thế nào (bởi nó gây khó khăn cho việc
chất hàng) cũng không ai chối cãi được, là lối kiến trúc này đem lại những lợi
điểm quan trọng cho hải hạm: Nhờ những bức vách giao nhau dưới hầm, tầu vững
chắc thêm, có thể chạm vào đá mà không suy suyển gì. Hoặc nếu hầm tầu bị thủng
ở một ngăn nào đó, thì hàng hoá ở những ngăn khác không bị thấm nước lây; và vì
tất cả đều được liên kết bền chặt với nhau nên thân tầu chịu được những sốc
không quá mạnh.
Thuỷ thủ nào cũng biết khi một hải hạm bị trúng [sốc hay đạn] nếu nó gẫy thì dấu hiệu đầu tiên là sàn tầu rời ra từng
mảnh. Nhưng khi sàn tầu được nối kết chặt chẽ bằng những vách ván giao nhau thì
nó khó bung ra.
Cho nên, ở Anh bây giờ người ta
cũng đang nghiên cứu lối làm tầu thượng cổ này của người Tầu. Người ta còn đề
nghị cho chúng tôi những phương tiện du lịch bình yên, trên những thuyền chèo
lớn, có bánh xe nước (roues de puits) đặt cạnh sống tầu (quille) hoặc thay thế
sống tầu, và còn có những "phát minh" khác, dù người ta cho nó những
tên gì đi nữa, thì tất cả, đều đã được người Tầu sử dụng thông thường từ hơn
hai ngàn năm nay.
Mặc dù vị vua trị vì xứ này [Nguyễn
Vương] hiện nay, trong chừng mức nào đó, đã chao đảo lối làm tầu chiến cũ,
tuy nhiên ông cũng không bỏ hẳn những lề thói bình dân -ở những xứ Á Châu này, ý
dân là ý trời- đã trở thành thiêng liêng, khó đạp đổ.
Ông vẫn kính trọng những lề thói
ấy, nên ông chỉ thay đổi những gì ở trong bụng tầu (carène) và tất cả phần chìm
dưới nước, còn phần nổi ông vẫn giữ nguyên lối kiến trúc của nước Nam, như cột
buồm, buồm và thuyền cụ [dây, cáp, trục, buồm, ròng
rọc ...]
Thực ra, thì những dây cáp dầy [của
Tây phương] làm sao có thể thay thế được những sợi tre mềm, dai, bền và nhẹ
trong cấu trúc chính phần nổi của tầu; vì thế, ta không thể nào không thán phục
sự phán đoán hoàn mỹ của nhà vua, vừa thận trọng vừa năng động, đã chọn giải
pháp trung dung, đạt được lợi ích thực thụ mà không cần một sự thay đổi trông
thấy.
Vài năm trước đây, Nhật Hoàng đã cho một bài học đáng nhớ về sự kiên trì
theo cổ lệ. Khi người Hoà Lan đến Batavia, đem biếu Nhật Hoàng một số quà trong
đó có một chiếc tầu chiến. Sứ thần thấy hoàng đế xem xét kỹ tầu này, liều tâu,
sẽ đem thợ Hoà Lan sang chỉ cho người Nhật nguyên tắc đóng tầu.
Nhật Hoàng sai người đến hỏi Sứ thần rằng người Hoà Lan biết đóng tầu
như thế này từ bao lâu rồi. Sứ thần cho biết độ 300 năm. Nhật Hoàng bảo:
"Ngươi về nói với ông ấy [sứ thần] rằng hàng ngàn
năm nay thần dân của ta biết đóng những chiến thuyền mà ông ấy thấy đậu trong
các hải cảng của ta, và ta thấy chẳng ai than phiền gì về công dụng của chúng
cả.
Vậy ta không việc gì phải tự lăng nhục mình và dân tộc mình, bằng cách
bỏ những gì đã được trải nghiệm qua bao nhiêu thế kỷ, để lấy một cái mới cải
cách hôm qua. Những hạm đội Hoà Lan có thể tốt ở Hoà Lan, nhưng không tốt ở
nước Nhật. Ngươi nhớ nói thêm rằng ông ấy có thể đem cái quà này về" (Barrow II, t. 287-293).
Những dòng trên đây khiến những ai cho rằng cái gì Tây phương cũng
"làm chủ" cả, sẽ phải thận trọng hơn. Dù có nói đến "các sĩ
quan" Tây phương, nói đến công trạng của "quân sư" Bá Đa Lộc,
Barrow luôn luôn giới hạn "công trạng" này trong một chừng mức nào
đó. Ông tôn trọng các giá trị phương Đông và không hề xác nhận: trước khi người
Âu đến, nước Nam không có tầu chiến, không có thành lũy (Vauban), không có đại bác,
không có tổ chức quân đội... như một số người Pháp lầm tưởng. Sau cùng, cũng
nên nói thêm: việc chia ngăn trong hầm tầu chở hàng của người Tầu và người Việt
hiện nay vẫn còn thấy áp dụng ở những các- gô trên thế giới.
Nhật Hoàng cho những kẻ đao to búa lớn về sự sức mạnh Tây phương một bài
học để đời.
Cũng nên nói thêm một chuyện nữa, năm 1942, ở Hà Nội, Van Imbert cho in
cuốn Le séjour en Indochine de l'ambassade de Lord Macartney (1793) [Những
ngày lưu lại Đông Dương của Đại sứ Anh, đức ông Macartney], nội dung có những
điều chẳng biết ông Imbert lấy ở đâu, vì không thấy có trong tác phẩm của
Barrow, ví dụ như vài việc:
"Người Anh đi lạc trong thành Quảng Nam không thấy có một khẩu đại
bác nào".
Hoặc:
"Khi Macartney tới, viên trấn thủ Quảng Nam nài nỉ người Anh bán
khí giới và đạn dược, lộ cho họ thấy rằng Tây Sơn cần được giúp với bất cứ giá
nào!" (Tạ Chí Đại Trường trích dẫn trong Lịch
sử nội chiến Việt Nam, t.218 và 220).
Lối viết của Van Imbert dường như cũng nằm trong đường lối hạ bệ người Việt
nói chung: phiá Tây Sơn, là không có súng ống gì cả, phải "van lậy"
người Anh giúp, còn phiá Nguyễn Ánh vì được người Pháp giúp nên có khí giới tối
tân.
Thực ra, chúng ta có kỹ nghệ đúc từ trước, trong khoảng hai mươi năm từ
1660 đến 1682, một người Ấn Độ lai Bồ Đào
Nha hay Y Pha Nho, tên Joao Da Crus (Jean de la Croix) đã mở lò đúc súng đại
bác cho chúa Nguyễn Phước Tần, dựng nên khu Thợ Đúc ở Huế (Cadière, Le
quartier des Arènes, Jean de la Croix et les premiers Jésuites, (BAVH,
1924, IV, t. 307- 332). Nghề đúc súng, như vậy đã có ở ta, ít nhất, từ thế kỷ
XVII. Hà Nội cũng có phố Lò Đúc.
Khi Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân, ông chiếm được cả khu Thợ Đúc ở Huế. Súng
đại bác của Tây Sơn, khi công kích các thành Diên Khánh và Quy Nhơn lợi hại
chẳng kém gì súng của Nguyễn Ánh. Điều đó càng chứng tỏ không phải người Pháp
"dạy" chúng ta đúc súng.
Những lợi ích buôn bán với nước Nam
Trong chương XI, tựa đề Những lợi ích buôn bán với nước Nam (t.307-309),
Barrow tỏ ra một nhà chính trị và chiến lược tầm cỡ. Có lẽ ông là người ngoại
quốc đầu tiên đã nhìn ra thâm ý của Bá Đa Lộc, khi ký kết thoả ước cầu viện ở
Versailles tháng 11/1787.
Về thỏa ước này chúng tôi vẫn tin rằng Bá Đa Lộc đã tự biên tự soạn
không hề hỏi ý Nguyễn Ánh; bản "quốc thư" ông đưa ra để chứng tỏ
"triều đình" đã bàn trước thoả ước và trao cho ông thẩm quyền ký, chỉ
là bản quốc thư giả, vì không tìm thấy bản gốc ở đâu. Vậy ta cần phải nghiên
cứu tất cả những chi tiết này bởi vì không một ông vua nào lại trao một lúc bốn
vị trí chiến lược quan trọng vào bậc nhất của nước mình là Đà Nẵng, Hải Vân, Cù
Lao Chàm và Côn Lôn, cho Pháp để đổi lấy một số lính và vài tầu chiến.Nhưng khi đọc những dòng sau đây của Barrow, chúng ta mới thấy kinh ngạc
và khâm phục, nhà ngoại giao này chỉ ở
Đà Nẵng có một tháng mà đã thông suốt điạ lý chính trị của nước ta. Ông viết:
"Giám mục Bá Đa Lộc, khi thương lượng bản hòa ước giữa vua Louis
XVI và vua nước Nam, đã cho thấy rõ mối ràng buộc nào đó của ông đối với vị vua
này, nhưng ông ta cũng không quên quyền lợi của vua Pháp. Những điều kiện trong
bản hiệp ước tỏ cho biết khi đòi nhượng bán đảo Turon [Đà Nẵng] cho nước Pháp, ông đã rất chú ý đến những điểm [chiến
lược] trên bờ bể nước Nam. Ông ta biết rất rõ nếu nước Pháp có được mảnh đất
này, thì nó sẽ làm chủ một cơ sở vững chắc ở nước Việt. Thực vậy, mỏm bán đảo
Turon (hay Hansan) [Cửa Hàn] đối với nước Nam cũng như Gibraltar đối với
nước Y Pha Nho, mà còn hơn thế, bởi ngoài vị trí kiên cố không thể đánh chiếm
được, nó còn quan trọng hơn nữa vì có một hải cảng và một bến tầu quanh năm
khuất gió, hoàn toàn thích hợp với một hạm đội lớn. Đó cũng là nơi các hạm đội
có thể dừng lại bất cứ lúc nào để chấn chỉnh, sửa chữa trong vịnh, nhất là hai
bên bờ có nhiều thung lũng phì nhiêu, nhiều suối trong mát. Ngay cạnh đó có một
đảo nhỏ nối với đất liền bằng một giải đất khi thủy triều xuống mới nổi lên
[Hòn Sơn Trà?], chiến hạm lớn thế nào cũng có thể phơi mình trên ấy để sửa
chữa thân tầu. Trực diện với bán đảo là một vùng đất cao đủ để xây một thành
phố nhỏ với một xưởng đóng tầu và đủ loại cửa hàng, có thể trở thành địa điểm
phòng thủ nếu xây thêm các thành lũy kiên cố.
Một đảo nhỏ tên Callao [Cù Lao Chàm], cách vịnh Đà
Nẵng 30 dặm về phía nam cũng thuộc vào vùng đất sẽ nhượng [cho Pháp].
Đảo này chế ngự hoàn toàn cửa chính [Cửa Đại] của con sông [Thu Bồn]
chảy qua Fai-Fou [Hội An], thành phố mà ngày trước người ngoại quốc đến
buôn bán. Đảo này hoàn toàn không thể vào được, trừ phía đối diện với cửa sông [Cửa
Đại] nơi đó có một thung lũng nhỏ có nhiều nước, ngay bên bờ biển, và ở đó
tất cả các hạm đội lớn nhỏ đều có thể vào đậu một cách an toàn.
Rất dễ nhận ra quan điểm của Pháp đối với bộ phận này của bờ biển Việt.
Những điều khoản trong bản hiệp ước cho thấy rõ chủ đích kiến tạo và trang bị
một hạm đội khá quan trọng để đe dọa những đất đai sở hữu của chúng ta ở Ấn Độ;
và chắc chắn là ý định này sẽ còn được lập lại. Nước Pháp-Đế quốc [La France-Empire, chỉ thời Napoléon] biết thi hành những điều mà
nước Pháp-Vương quốc [La France-Royaume, chỉ thời Louis XVI] chỉ mới dạm
ra. Việc Pháp bị đuổi khỏi bờ biển Ấn Độ càng làm cho bờ biển nước Nam trở nên
hấp dẫn hơn nhiều; nhất là nếu ta nhìn thấy vị trí này cũng sẽ nguy hiểm và
không thuận tiện cho nền thương mại béo bở (profitable) của chúng ta tại Trung
Hoa, cũng như những sở hữu của chúng ta ở Ấn Độ" (Barrow II, t. 309).
Không những Barrow nhìn thấy vị trí chiến lược hiển nhiên của Đà Nẵng và
Cù Lao Chàm, Ông còn lo ngại nếu Pháp chiếm được những nơi quan trọng này thì
sẽ trở thành kẻ thù đáng ngại cho đế quốc Anh của ông. Vì thế, tiếp theo đó,
Barrow dùng tài hùng biện để thuyết phục chính phủ Anh, phải bằng mọi giá,
thông thương với Việt Nam, vì mối lợi khổng lồ, không thể để cho Pháp cuỗm mất,
về các mặt giao thông, chính trị và chiến lược. Ông khuyên chính phủ Anh nên
xin Cù Lao Chàm làm nơi để lập thương điếm. Ông cũng đã nghiên cứu cặn kẽ những
thổ sản và tài nguyên, của Việt Nam để có thể lên một chương trình đổi chác
buôn bán (Barrow II, t. 310-321).
Barrow viết tiếp:
"Xét cho cùng, chúng ta đã tiến sâu, có lẽ quá sâu vào con đường [thuộc điạ] này để có thể lùi mà không nguy hiểm; bây giờ chúng ta
phải hết sức thận trọng để tiến tới đích, để bảo toàn và giữ vững nền thương
mại này, chính nó đã giúp ta phương tiện để đọ sức với một kẻ thù vừa ghê gớm
vừa hùng mạnh [chỉ Pháp]. Con sư tử Anh cần phải toả rộng nanh vuốt hơn
nữa để bảo đảm cho dân tộc Anh những cuộc chinh phục [mới] nối tiếp với
những cuộc chinh phục cũ, bằng vũ dũng, kỹ nghệ, và sự táo bạo của mình.
Nhưng ngoài vấn đề an ninh mà sự sở hữu bán đảo phồn vinh Đà Nẵng mang lại
cho hàng bao hạm đội mà chúng ta đang sử dụng để buôn bán với nước Tầu, còn có
sự tai hại nếu để nó rơi vào tay một kẻ thù chủ động và kiên quyết [chỉ Pháp]. Ta chẳng nên trông mong vào những nhỏ nhoi mà nền thương
mại ở Ấn Độ đem lại; [ta cần] một hải cảng ở vùng này của thế giới, nơi
các hạm đội của chúng ta luôn luôn có được nước ngọt, có thể nghỉ ngơi, sửa
chữa. Chỉ nhìn dưới góc độ này không thôi: khi các chiến hạm ta đến nước Tầu
còn chưa rõ hướng đi, khi những phương tiện giữ gìn sức khoẻ cho thuỷ thủ đoàn
còn kém hơn hiện tại, mà chúng ta có được một cửa bể như thế này, để nghỉ ngơi,
chờ tầu đi chậm hoặc bị bão chận lại, là những trường hợp dễ xẩy ra, thì tốt
biết mấy. Sẽ còn nhiều khảo sát nữa để chứng minh việc cần phải buôn bán với
nước Nam. Ở đây tôi chỉ đưa ra vài nhận xét cho thấy công ty Ấn Độ [Anh]
có lợi khi lập một thương điếm trong vùng bán đảo vịnh Đà Nẵng" (Barrow
II, t. 312-313).
Sau đó, Barrow phân tích sự thất bại của phái đoàn Hastings năm 1778, vì
không chuẩn bị kỹ. Kể cả chủ ý sau cùng cách đây 2 năm [tức là năm 1804], cũng
hỏng, vì trong triều chỉ còn thông ngôn là thừa sai Pháp, làm sao
biết được họ dịch cho vua những gì mà họ muốn, chúng ta thừa biết họ đối với
Anh như thế nào! Và cuối cùng, Barrow vẫn nhất quyết rằng vua Gia Long có
cảm tình với nước Anh, muốn giao dịch với nước Anh mà bị Pháp cản trở (Barrow
II, t. 325-327).
Đối với chúng ta, những dòng
trên đây chứng tỏ ý định thực dân của Pháp và của Anh, đã có từ thời chiến
tranh Tây Sơn-Nguyễn Ánh, qua hành động khôn khéo và xảo quyệt của Bá Đa Lộc và
qua những điều Barrow viết trong cuốn sách này.
Vua Gia Long không chấp nhận
việc để cho Anh đặt quan hệ ngoại giao và nhượng cho Anh Cù Lao Chàm để mở
thương điếm sau này, là sáng suốt và nhìn rộng.
Vua Minh Mạng nhất quyết
ngăn ngừa Anh và Pháp đặt chân đến Việt Nam dù chỉ là "mở thương
điếm" (với những điều kiện nhượng đất) và không nhận Chaigeau làm
"lãnh sự" như người Pháp mơ ước, là đúng.
Những sự kiện này giúp ta
hiểu hơn chính sách của các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức: không
cho người Âu lập thương điếm, bởi đó chỉ là mặt tiền của hành động xâm chiếm sẽ
đến sau. Sự sáng suốt của các vua, cũng là một trong những lý do khiến nước ta
không bị xâm lược từ đời Gia Long.
Thụy Khuê
(Còn tiếp)