Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015
Thụy Khuê - Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (Chương bốn)
Chương 3: Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777- 1802 - (Phần 1) - tt
Chương 4: Tác phẩm của John Barrow (1764-1848) - (Phần 1)
Chương
bốn
Tác
phẩm của John Barrow (1764-1848)
Phần 1
Vào Google đánh chữ Olivier de Puymanel, Wikipédia Pháp, thấy ghi: "Olivier
de Puymanel "là một nhà kiến thiết và là người tổ chức quân đội Việt Nam
dưới triều đại nhà Nguyễn". Wikipédia Việt, ghi: "Olivier de
Puymanel là người giám sát thi công toà thành bát quái, theo thiết kế của kỹ sư
người Pháp, Théodore Lebrun", ông "đã huấn luyện cho hơn 50.000 quân
Nguyễn, còn Jean-Marie Dayot thì lo về thuỷ quân". Ý chính được truyền
tụng khắp nơi trên thế giới, trở thành "sự thực" cho đến ngày nay là:
"Puymanel là cha đẻ của các thành trì xây theo kiểu Vauban tại Việt Nam
trong thế kỷ XIX".
Tất cả những "thông tin" loại này thoát thai từ sự xác định
của các sử gia thuộc địa, cách đây hơn 100 năm, rằng Bá Đa Lộc và những
"sĩ quan" Pháp đã giúp Gia Long "dựng lại cơ đồ".
Đã đến lúc chúng ta cần phải khảo sát lại những "công trạng"
này. Đâu là sự thực? Đâu là huyền thoại?
Những học giả Pháp như Maybon, Cadière, đều trách Đại Nam Thực Lục, không
nhắc nhở đủ đến công trạng của những người Pháp này.
Vậy chúng ta cũng phải điều tra xem Thực Lục và Liệt truyện thiếu sót ở
chỗ nào.
Công việc đầu tiên của sự khảo sát này là tìm xem, những tác giả Tây phương
đương thời viết gì về giai đoạn này.
John Barrow và cuốn A
Voyage to Cochinchina (Chuyến đi Nam Hà)
Một trong những tác phẩm sớm nhất của người ngoại quốc viết về giai đoạn
Gia Long dựng nghiệp, là cuốn sách của John Barrow (1764-1848), in tại Luân Đôn,
năm 1806, tựa đề -theo lối của thời ấy, tên sách rất dài- như sau:
A Voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793: containing a general
view of the valuable productions and the political importance of this
flourishing Kingdom; and also of such European settlements as were visited on
the voyage; with sketchs of the Manners, Character and Condition of their
several inhabitants, to which in annexed an Account of a Journey made in the
year1801 and 1802 to the Residence of the Chief of the Booshuana nation... (London, 1806).
Sách này được Malte-Brun dịch
và chú giải sang tiếng Pháp, tựa đề: Voyage à la Cochinchine par les Iles de
Madère, de Ténériffe et du Cap Verd, Le Brésil et l'Ile de Java, contenant des
renseignements nouveaux et authentiques sur l'Etat naturel et civil de ces divers
pays... (Paris, 1807).
Dịch: Hành trình sang
nước Nam qua các đảo Madère, Ténériffe, Mũi Verd, Brésil, đảo Java, với những
thông tin mới và xác thực về tình trạng thiên nhiên và dân sự ở những xứ khác
nhau này...
John Barrow (19/6/1764 -
23/11/1848) là nhà thám hiểm, nhà quản trị và ngoại giao Anh. Khoảng 1792-1794,
ông giữ chức thị vệ của George Macartney, sứ thần Anh đầu tiên ở Trung Quốc. Hạm
đội chở phái đoàn sứ thần Anh đến Trung Hoa, ngừng lại ở Đà Nẵng từ 14/5 đến
16/6/1793, dưới triều vua Cảnh Thịnh. Tác phẩm viết trong khoảng 1797-1798, tức
là 4 năm sau khi Barrow rời Đà Nẵng.
Cuốn sách được nhiều người
trích dẫn khi viết về Việt Nam.
Bản dịch Pháp văn gồm 2 tập:
Tập I (do Imprimerie de Jeunehomme in ở Paris, 1806) và Tập II (Arthus- Bertrand,
1807), đều viết về các xứ kể tên ở trên, dưới dạng hồi ký lịch sử, địa lý, kinh
tế và chính trị.
Sách in kèm với một tập hình
18 bức khắc họa ghi lại chuyến đi, do Tardieu thực hiện, trong đó có một bức vẽ
Hội An với những kiểu tầu, thuyền mà tác giả mô tả trong sách.
Chúng tôi giới thiệu phần Barrow
viết về Việt Nam, trong chương IX, X và XI (t. 182- 361), tập II, qua bản tiếng
Pháp của Malte-Brun, trích dịch sang tiếng Việt, sẽ dẫn là Barrow II.
Để soạn ba chương này, Barrow
cho biết, ông đã dựa vào những nguồn tin sau đây:
"Hầu hết những
chi tiết mà tôi vừa đưa ra hoặc sẽ nói đến, thoát thai từ bản thảo hồi ký của
Ô. Barisy, một sĩ quan Pháp giỏi giang, đã quản một chiếc tầu phục vụ vua Gia
Long. Chắc chắn phần thứ nhất [tức là phần nói về Quang Trung] hoàn toàn ăn khớp
với những gì tôi tiếp nhận được ở Đà Nẵng từ một người thư ký của chính phủ Trung
Hoa sống tại đây, được người thông ngôn của chúng tôi dịch lại. Những ký sự của
các vị thừa sai đã sống ở xứ này, cũng phù hợp [với những điều này]: vì vậy,
tôi hoàn toàn tin tưởng. Ngoài ra, những sự kiện chính còn được hai người Anh
sống ở Sài Gòn năm 1799-1800, xác nhận." (Barrow II, t. 221).
(Il est bon de dire
au lecteur, que j'ai tiré la plus grande partie des détails que je viens de
donner, et de ceux qui vont suivre, d'un mémoire manuscrit de M. Barisy,
officier français d'un grand mérite, qui commandoit une frégate au service de
Caung-shung. Il est certain que la première partie s'accorde parfaitement avec
ce que nous avons appris dans la baie de Turon, d'un secrétaire du gouvernement
de la Chine, résident en ce lieu, et dont les récits nous étaient transmis par
notre interprète. Les différentes relations des missionnaires qui ont résidé
dans ce pays, s'y accordent également: ainsi, je n'hésite pas à donner au reste
la plus entière confiance. D'ailleurs, les faits principaux m'ont encore été
confirmés par le témoignage de deux Anglais, qui ont été à Sai-gong dans les
années 1799 à 1800). (Barrow II, t. 221).
Tóm lại, Barrow đã dựa vào:
- Bản thảo hồi ký của Barisy,
một trong những người lính Pháp giúp Nguyễn Ánh.
- Lời người thư ký làm việc
cho chính phủ Trung Hoa, ở Đà Nẵng (1793) kể lại, qua thông ngôn.
- Hai người Anh ở Sài Gòn
năm 1799 và 1800.
- Và tư liệu trong các tập Les
Nouvelles des Missions Orientales (Tin tức các hội thừa sai Đông phương),
in năm 1785, 1787, 1789, 1794 và 1797.
Câu "người thư ký
làm việc cho chính phủ Trung Hoa" này, Taboulet, khi trích dẫn Barrow,
lại viết thành: "Một người thư ký Tầu của chính phủ Việt Nam (Un
secrétaire chinois du gouvernement vietnamien) (Taboulet, La Geste Française en
Indochine, Tome I, note 1, t. 270).
Taboulet đã chép lại cái sai
của Maybon: Thay vì "người thư ký của chính phủ Tầu" lại đổi
thành "người thư ký Tầu của chính phủ Việt Nam." (Maybon, Introduction,
La relation de la Bissachère, t. 37, note 1).
Nhưng tệ hại hơn cả là cái
sai của Tạ Chí Đại Trường.
Tạ Chí Đại Trường chép theo
Taboulet, nhưng lại viết như thế này: "John Barrow dựa trên các tài
liệu của L. Barisy, của một viên thư ký Tầu của chính quyền Gia Định (Trịnh
Hoài Đức?) và các giáo sĩ mà vẽ rõ một Nguyễn Ánh lúc đứng tuổi..." (TCĐT,
Lịch sử nội chiến Việt Nam, t. 96, chúng tôi in đậm).
Không hiểu tại sao Tạ Chí Đại
Trường lại thêm câu "chính quyền Gia Định" vào, để
móc nối với Trịnh Hoài Đức?
Barrow có đến Gia Định hồi nào
đâu mà gặp Trịnh Hoài Đức? Để rồi sau đó, Tạ Chí Đại Trường dẫn đến nhận xét: "sử
quan" nhà Nguyễn "không tiếc dịp đề cao hoàng đế của họ".
Chúng tôi xin nhắc lại: những
điều viết về Gia Long trong cuốn sách này là do Barrow viết ra, không phải do "sử
quan nhà Nguyễn" hay Trịnh Hoài Đức viết.
Để vẽ chân dung Gia Long, Barrow
dựa vào hồi ký Barisy, và 2 người Anh ở Sài Gòn năm 1799 và 1800, họ là những
chứng nhân ngoại quốc gần nhất của thời kỳ này. Riêng Barisy, nếu những điều ông
kể trong mấy bức thư [được Cadière sưu tập] là đúng, thì ông đã được gần Nguyễn
Vương trong nhiều năm. Barisy là người giúp vua mua bán máy móc, vũ khí, nguyên
liệu ở nước ngoài, ông hay đi đi về về Gia Định và ở bên Hoàng tử Cảnh, khi hoàng
tử mất vì bệnh đậu mùa, trong lúc vua đang đánh trận.
Còn về thuật đóng tầu và tầu
chiến của Việt Nam, Barrow quan sát tầu thuyền ở vịnh Đà Nẵng và Hội An, năm
1793 (một năm sau khi Quang Trung mất).
Những điều Barrow viết về
thuật đóng tầu ở Việt Nam nói riêng, ở Trung Hoa và phương Đông nói chung, đã gián
tiếp phản bác tất cả những luận điệu cho rằng "các sĩ quan" Pháp đặc
biệt Puymamel và Bá Đa Lộc đã "dạy" Gia Long đóng tầu, đúc súng...
Có lẽ vì lý do đó, nên khi
trích dẫn Barrow, Taboulet đã bỏ hẳn hai đoạn quan trọng nhất, là đoạn
kỹ thuật làm tầu chiến ở Việt Nam và đoạn Gia Long trực tiếp
trông coi và điều khiển tất cả những công xưởng đóng tầu và đúc súng ở Gia Định.
Maybon cũng loại trừ tác phẩm
của Barrow bằng cách chỉ trích những đoạn viết sai về lịch sử, chủ yếu về vụ
Conway không chịu thi hành hiệp ước cầu viện Versailles 28/11/1787; nhưng ông Maybon
lại giữ lại một sai lầm khác của Barrow để dùng, đó là việc Bá Đa Lộc "cứu
sống" Nguyễn Ánh năm 1777, cần thiết cho sự xác định "vị trí hàng
đầu" của Bá Đa Lộc bên cạnh Nguyễn Ánh.
Sơ lược nội dung tác phẩm A Voyage to Cochinchina (Chuyến đi Nam Hà)
Phần viết về Việt Nam gồm ba chương: IX, X và XI, in trong tập II.
Chương IX: Gồm hai phần:
1- Xác định vị trí nước Nam và hoàn cảnh hạm đội Anh ghé Đà Nẵng (t. 182-191).
2- Lược khảo lịch sử nước Nam, tình hình tranh chấp lúc bấy giờ (t. 192-219).
Hành trình Bá Đa Lộc (t. 200- 219) và Chân dung vua Gia Long (t. 220- 240).
Barrow đặc biệt chú ý đến hai người anh hùng của giai đoạn này, về vua Quang
Trung, ông theo quan điểm chung lúc bấy giờ (kể cả Hoàng Lê nhất thông chí
của Ngô Thì Chí), gọi là ngụy, nhưng ông tỏ ra khâm phục, kính nể thiên tài chính
trị và quân sự.
Về chân dung vua Gia Long, đây là một trong những bài viết rõ và có nhiều
chi tiết nhất. Barrow đặc biệt kính trọng vua Gia Long, coi Gia Long như một
thiên tài, đã khôi phục lại nhà Nguyễn sau nhiều năm bị Nguyễn Huệ đánh đuổi,
không còn mảnh giáp, phải sống lưu đầy, khốn khổ; lúc đầu chỉ có "một
chiếc thuyền" mà hơn 10 năm sau đã có cả một "hạm đội 1200 chiến
thuyền", không những giành lại miền Nam của tổ tiên các chúa Nguyễn mà còn
đánh ra Bắc thống nhất đất nước. Phần chân dung vua Gia Long, chúng tôi sẽ
trích dịch riêng, in trong chương năm, sắp tới).
Chương X: Lược khảo đại cương về phong tục, tính tình và hoàn cảnh
sống của dân Đà Nẵng. Triều đình Cảnh Thịnh tiếp đãi hạm đội Anh (t.241- 306).
Chương XI: Những lợi ích trong việc buôn bán với
nước Nam (t. 307- 345).
*
Chương IX, phần lược khảo lịch sử nước Nam, Barrow viết về những việc:
Anh em Tây Sơn khởi binh, 1774. Việc nội chiến (t. 192-193). Vua Lê sang
Tầu cầu cứu. Quang Trung đại thắng quân Thanh. Việc sắc phong và triều cống (t.
194-199). Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh. Chiến tranh Nguyễn Ánh-Tây Sơn (t. 200-206).
Bá Đa Lộc đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, hiệp ước Versailles 1787 (t. 207-211).
Bá Đa Lộc gặp khó khăn ở Pondichéry với Conway. Bá Đa Lộc về Sài Gòn (t. 213-216).
Như phần lớn các tác gia ngoại quốc không phải là chuyên gia lịch sử, khi
viết về lịch sử Việt Nam, qua lời kể lại của người Tầu, Barrow mắc những sai lầm
không tránh được vì thiếu kiến thức về lịch sử, văn hoá nước ta. Đoạn viết về
Quang Trung, có sự lầm lộn giữa hai nhân vật: Tôn Sĩ Nghị và Phúc Khang An (người
Barrow gặp ở Bắc Kinh).
Tuy vậy, có một thông tin đáng chú ý: Nguyễn Lữ là thầy tu (Barrow
II, t. 192).
Barrow viết: "Người lái buôn [Nguyễn Nhạc] xa xỉ trong tiệc
tùng, lễ hội, đốt pháo bông. Ông tướng [Nguyễn Huệ] thu phục quân đội và
ông thầy tu [Nguyễn Lữ] có tiếng nói của bọn giáo phái" (t. 192).
Sự kiện này, nếu đúng, giải thích tại sao Nguyễn Lữ thường trốn đánh
nhau và không có con.
Chương X, đoạn viết về tập tục, tính tình và tình trạng thiên
nhiên ở Đà Nẵng, Barrow kể chuyện các quan chức ở Đà Nẵng mời phái đoàn Anh dự
hội ngày 4/6, xem tuồng, hát, các trò chơi như chọi gà, đánh cờ và ăn tiệc.
Tiếp đó, ông nói về tính tình người Việt: nhanh nhẹn, vui vẻ, nói nhiều...
Barrow giữ một giọng khách quan khi nói về người Việt và các tôn giáo, phong
tục, tập quán của dân Việt. Những gì ông cho là dở thì phê bình, như chuyện
người Việt mê tín hoặc hay ăn cắp vặt, nhưng cũng nói thêm là tôi ở không lâu, nên có thể phán đoán sai
lầm.
Ông viết về ngôn ngữ, tôn giáo, nhà cửa, y phục, đạo đức, vị trí người
phụ nữ: khá tự do và làm mọi việc như đàn ông (t. 257- 276). Nhà cửa, sản phẩm,
hải sản ở Đà Nẵng, lâm sản, đồ ăn, hoa quả, sản xuất, việc thừa kế gia tài (t. 277-
287). Kỹ thuật đóng tầu và tầu chiến của Việt Nam (t. 287-293). Bản đối chiếu
một số từ tiếng Anh, Hán, Việt (t. 295-297). So sánh giữa người Tầu và người
Việt. Người Việt theo đạo Phật, thờ thần, thờ Phật trên cây; mê tín, lập bàn
thờ ở những chỗ có tai nạn (t. 299-304). Về hình luật, so sánh với Tầu, cùng
chung luật, nhưng trong thời gian ông ở Đà Nẵng không thấy áp dụng các hình
phạt, còn ở Tầu, đi đâu cũng thấy tội nhân bị đánh đập dã man, rên siết dưới
gông cùm (t. 305-306).
Chương XI: Kê khai những lợi ích trong việc buôn
bán với nước Nam (t. 307- 345), phần này cũng sẽ được trích dẫn dài rộng ở
dưới.
Tóm lại, tác phẩm của John Barrow, phần có giá trị nhất, là những điều
ông viết, do mắt thấy tai nghe hoặc do những nhân chứng nhân trực tiếp sống ở
thời đại này.
Chúng tội trích dịch sau đây, những đoạn có ích đối với chúng ta, trong việc
nghiên cứu bối cảnh xã hội và lịch sử, ngoài những gì đã thấy trong chính sử
Việt.
*
Lý do hạm đội Anh ghé Đà Nẵng năm 1793
Phần đáng chú ý đầu tiên là đoạn tác giả nói hoàn cảnh nào đã khiến hạm
đội Anh ghé Đà Nẵng năm 1793, (chương IX), ông viết:
"Bởi vì lúc bấy giờ phải nhờ thuận gió [mới
đi được], và tình trạng sức khỏe của những người bệnh bắt chúng tôi phải ghé
lại đất liền.
Chúng tôi đành đỗ lại ở một vịnh, đối diện với quần đảo Côn Lôn. Nhưng khi
nhìn thấy các tầu lớn của chúng tôi, người dân ở đây sợ quá, họ bỏ chạy lên núi,
để lại chút lương thực của họ trước cửa lều, rồi viết mấy chữ Hán, bảo chúng
tôi cứ việc lấy hết những gì họ có, nhưng tha cho những mái nhà khốn khổ của
họ.
Thấy tình trạng của đảo này, chúng tôi vội vã nhổ neo, trực chỉ một phần
khác của Á Châu, phần này đáng lẽ phải được biết đến nhiều hơn, và chúng tôi dám
tiên đoán rằng chỉ trong vài năm nữa, nó sẽ được một số nước Âu Châu biết đến" (Barrow II, t. 183).
Tiếp đó ông phản bác quan niệm của Pinkerton, cho rằng vùng này (Lào,
Mên, Việt) chẳng có gì đáng chú ý cả; ngược lại, vị trí chiến lược và sự phì
nhiêu, giầu mạnh về thổ sản khiến vùng này là một trong những vùng đất thiết
yếu cần được quan tâm hơn. Tuy nhiên trên bản đồ cũng như trong những mô tả địa
lý, người ta [Anh] đã bỏ qua vùng đất này.
Những nhận xét của Barrow, vào lúc ấy, khá thức thời; nhưng cũng nên biết
rằng sự thức thời của ông là để phục vụ đế quốc Anh và sự chinh phục đất đai thuộc
địa của người Anh. Trên đường đi, họ luôn luôn vấp phải trở lực từ các nước Âu
châu khác, hoặc ganh tỵ, chèn ép, hoặc phá hoại.
Khi đã thấy rõ điều đó, chúng ta mới có thể hiểu tại sao vua Gia Long,
rồi vua Minh Mạng, Thiệu trị, Tự Đức, đều rất thận trọng không cho người Âu lập
quan hệ ngoại giao và mở thương điếm, bởi vì đằng sau lá bài thương điếm, là sự
do thám, dẫn đường cho quân đội viễn chinh.
Bờ biển nước Nam, sự tiếp xúc đầu tiên
Barrow viết:
"Những địa danh được ghi trên các bản đồ của chúng ta [Anh] hoàn toàn không biết đến phần đất này [chỉ Tonquin,
Cochinchine, Tsiompa, Cambodia, tức là Bắc Hà, Nam Hà, Chàm, Chân Lạp], trừ
chữ Tung-quin [Bắc Hà]. Ba miền kia được thay bằng tên An-Nam, và cả
nước được chia thành ba vùng:
Vùng thứ nhất, từ mỏm cực nam giáp vịnh Xiêm La, tức là từ vĩ độ 9 đến
vĩ độ 12, được gọi là Don-nai [Đồng Nai].
Vùng thứ nhì, từ vĩ độ 12 đến vĩ độ 16, được gọi là Chang [Trung?]
Và vùng thứ ba, từ vĩ độ 16 đến vĩ độ 17, gọi là Huế.
Sau đó là địa phận
Tung-quin [Bắc Hà].
Bờ biển của ba miền
này cống hiến những vịnh và những hải cảng an toàn và thuận tiện. Con sông lớn
Đồng Nai (trên bản đồ đề Cambodie) được mô tả là các hạm đội lớn nhất đều có
thể vào sâu trong đất liền đến 40 hải dặm, nơi có thành phố Sai-gong [Sài Gòn] với một
bến tầu rộng lớn và thuận tiện, và một xưởng đóng tầu chiến lớn.
Một người Anh trên
đường từ Trung Hoa đến Ấn Độ đã đi trên sông này trên một chiến hạm Bồ Đào Nha,
nói với tôi rằng đó là dáng vẻ hùng mạnh nhất. Con sông này chia làm nhiều
nhánh rộng; nhưng nhánh mà anh ta đã đi qua, khúc rộng thường không quá 2 dặm,
và nhiều khúc chỉ khoảng 1 dặm. (...).
Ở miền Chang [Trung?], khoảng vĩ
độ 13 phút 50 giây, về phiá bắc, có vịnh và hải cảng Chin-Cheu [Thị Nại?].
Hải cảng rất rộng và hoàn toàn khuất gió; nhưng những chiến hạm lớn phải đậu
ngoài khơi, vì có một ghềnh đá xuyên ngang cửa lạch nối liền hải cảng với vịnh
ngoài, đầu hải cảng là thành phố Quin-nong [Quy Nhơn].
Thành phố chính trong
địa phận Huế mang cùng tên; ở trên bờ một dòng sông mà các chiến hạm có thể vào
được, có một hải cảng lớn; nhưng lại có một ghềnh cát xuyên ngang cửa biển.
Vịnh Han-san [Cửa Hàn] phiá nam con sông này, trên bản đồ thường được ghi
là vịnh Turon [Tourane, Đà Nẵng].
Toàn thể phương Đông,
khó có một vịnh nào sánh được về tính an ninh và thuận tiện. Càng không có vịnh
nào tốt hơn.
Chính vịnh này chúng
tôi trực chỉ khi rời Côn Lôn.
Chúng tôi đến Đà
Nẵng ngày 24/5 [1793]. Không có bản đồ để tra cứu, thấy giữa chúng tôi và
bờ biển là hàng hà sa số ghe chài lưới, chúng tôi bèn thả một cái xà-lúp (chaloupe)
để đi tìm một người lái thạo bờ biển (pilote-côtier) nhưng những người đánh cá đã
nhìn thấy [tầu chúng tôi] vội vàng giong buồm chạy lùi.
Cuối cùng chúng tôi
cũng bắt được một chiếc ghe không có buồm, lôi ra một ông già khốn khổ. Tôi chưa
từng nhìn thấy ai khổ như thế bao giờ, mặt ông đầy rãnh nhăn; đôi mắt lơ láo,
hõm sâu trong sọ, da mặt mầu gỗ sồi già, một vài lọn tóc xám lòi ra khỏi miếng
khăn dơ quấn đầu; y phục vỏn vẹn một chiếc áo cộc vá hai chục mảnh khác màu
nhau, với chiếc quần rách rưới, xẻ tung ra từng miếng như cái váy.
Mẫu người dân vừa
thấy, không cho chúng tôi một cảm giác tốt đẹp. Khi ông già khốn khổ này đặt
chân lên tầu, ông ta có vẻ cực kỳ dao động, dáo dác nhìn bốn xung quanh trên
boong tầu; rồi nhìn những khẩu đại bác lớn, ngạc nhiên khi thấy nhiều người như
thế. Nhưng điều làm cho ông già chú ý nhất, đó là những cột buồm cao. Ông ta
vật vã khóc lóc. Chúng tôi phải hết sức dỗ dành cho ông ta yên tâm, ra dấu cho
ông ta hiểu chúng tôi muốn gì và tại sao lại bắt ông ta lên tầu. Lúc đó, ông già
mới chỉ tay cho biết lối vào vịnh, thật khó cho những ai không biết đường. Vì trời
dông bão, phải đến tối hôm sau chúng tôi mới vào được vịnh.
Lý do chính thúc giục chúng tôi vào cửa sông
Đà Nẵng, sau khi đã gặp bất trắc ở Côn Lôn, là tình trạng tồi tệ mà bệnh sốt
rét và kiết lỵ đã cướp đi nhiều người bệnh. Trong thời gian ở Batavia [Jacarta], hầu
hết chúng tôi đều bị mắc bệnh. Bạn càng hiểu mối lo âu và buồn bã của chúng tôi,
khi được người thuyền trưởng tầu Bồ Đào Nha, đỗ ở trong vịnh cho biết, ở Nam Hà
đang có giặc giã nổi dậy, cả nước đói, rằng ở đây chẳng có gì để cung cấp lương
thực mà chúng tôi cần kíp cả. Ông ta khuyên chúng tôi nên đi thẳng tới Macao,
hơn là mất thì giờ chờ đợi ở đây vô ích, có thể người ta sẽ hứa hão, nhưng ông
ta biết chắc họ chẳng có thể cung cấp gì nổi.
Nhìn tình trạng khốn
khổ của ông già đánh cá, tình trạng chung bề ngoài của nơi này, và sau cùng tất
cả những gì chúng tôi nhìn thấy xác nhận lời tường thuật đáng buồn của ông
Manuel Duomé.
Rất ít người bản xứ
đến gần hạm đội chúng tôi. Họ có vẻ lo ngại và ngờ vực. Sau cùng, khi chúng tôi
lên bờ, họ có ý tránh. Không một ai đến tầu trao tặng chút thực phẩm nào cả, và
chúng tôi cũng phải khó khăn lắm mới mua được ở trên bờ vài con gà, một chút
hoa quả và vài củ khoai sắn.
Tuy nhiên, ngay ngày
thứ nhì, có chợ, đầy đủ hơn, và vài ngày sau, biết chúng tôi trả đúng giá, bằng
tiền tốt, họ đem đến rất nhiều đồ ăn, hoa quả, rau cỏ, đủ loại.
Những vị chức sắc ở
đây bắt đầu hiện diện, có chút ân cần đối với những thỉnh cầu của chúng tôi và
tỏ ra lịch sự, lễ độ. Sau cùng, họ lên thăm chúng tôi trên tầu và mời tất cả sĩ
quan tối hôm ấy lên bờ, dự tiệc.
Từ hôm đó, mối liên
hệ của chúng tôi với dân tộc này, trở nên thẳng thắn và bền vững; có sự tin cẩn
lẫn nhau; sau này chúng tôi mới khám phá ra một điều ít vẻ vang cho ông bạn
Manuel Duomé: đó là, ông bạn, nhà buôn Bồ Đào Nha này, vì cạnh tranh thương
mại, đã chính ông, gây sự nghi ngờ cho người Việt, bằng cách mật báo cho họ
rằng: hạm đội Anh đến đây thế nào cũng có ý gây chiến; và dường như anh ta đã
hết sức tuyên truyền ý tưởng này, hy vọng rằng người Việt sẽ đóng cửa chợ không
bán gì cho chúng tôi, bắt buộc chúng tôi phải nhổ neo, để một mình anh ta buôn
bán ở miền bờ biển này" (Barrow II, t. 185-191).
Người Bồ tuyên
truyền để đuổi tầu Anh
Về việc thuyền trưởng Bồ,
Duomé, vu khống tầu Anh đến để chiếm Đà Nẵng, Barrow viết thêm:
"Chúng ta đang
ở mùa xuân năm sau, 1793, khi hạm đội Anh, trên đường đi Trung Hoa, ngừng lại
vịnh Đà Nẵng. Lúc đó, cả miền Đồng Nai đã về tay vua chính thống. Kẻ soán đoạt
Nguyễn Nhạc vẫn ở miền Trung; và vương quốc Huế, bao gồm những đất phụ thuộc
vịnh Đà Nẵng, được con trai của Quang Trung cai trị, như tôi [Barrow] đã nói ở
trên, ngự ở Huế. Trong hoàn cảnh này, ta không ngạc nhiên, khi hạm đội của
chúng tôi đến, người bạn Bồ Đào Nha, Manuel Duomé, đã khéo lợi dụng hoàn cảnh,
để gieo mối lo ngại và ngờ vực, khiến chúng tôi không thể [ở lại để] làm
hại việc buôn bán độc quyền và bèo bở, của y với dân bản xứ. Hình như, đầu tiên
hết, họ tưởng chúng tôi phục vụ vua chính thức, từ Sài Gòn ra với ý định chiếm
Đà Nẵng. Trong sự tin tưởng như vậy, họ đã hội tụ gần thành phố một binh đội
đáng kể, với nhiều voi trận. Tình hình gay go này kéo dài trong nhiều ngày, sau
mới thôi." (Barrow II, t. 219- 220).
Ít trang sau ông viết thêm:
"...Bỗng có sự
chuyển động của quân lính Tây Sơn (hệ quả của vụ Manuel Duomé tuyên truyền tầu
Anh đến đánh chiếm Đà Nẵng), phía Anh cũng chuẩn bị giáp chiến, nhưng cuối cùng
không có chuyện gì; phái đoàn được mời xem hát tuồng, ăn uống vui vẻ" (t. 241-256).
Sự kiện này chứng tỏ, có sự
tranh chấp quyền lợi gay gắt giữa những người Âu thời bấy giờ, để chiếm độc
quyền buôn bán trước, rồi chiếm thuộc địa sau. Họ không từ một thủ đoạn nào để
"đuổi" nhau ra khỏi những vùng mà họ cho là "mầu mỡ".
Thụy Khuê
(Còn tiếp)