Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015
Lê Diễn Đức - Tạm dừng hay hoãn binh
Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam,
lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực, chỉ sau sông Cửu Long.
Sông Đồng Nai với chiều dài 586 km
và lưu vực 38,600 km2 cung cấp nước sinh hoạt cho gần 20 triệu người thuộc 11
tỉnh thành gồm Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long
An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tầm quan trọng của
sông Đồng Nai, vì thế không cần phải bàn cãi.
Chất lượng nước từ con sông này hiện
đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất hữu cơ, vi sinh, kim loại nặng... Các nhà
khoa học, cơ quan chức năng đều khẳng định nguyên nhân là do nguồn nước thải từ
các khu công nghiệp, dân cư... và sự quản lý yếu kém của các cơ quan liên quan.
Theo ông Lê Văn Tuấn, tổng giám đốc
công ty Cổ Phần Nước và Môi Trường (Bộ Xây Dựng), hệ thống sông Đồng Nai đang
bị ô nhiễm trầm trọng. Mỗi ngày con sông tiếp nhận trên 500 ngàn mét khối nước
thải công nghiệp từ trên 60 khu công nghiệp và gần 2 triệu mét khối nước thải
sinh hoạt từ các khu đô thị, trong đó trên 60% nước thải công nghiệp và 85%
nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Dự kiến đến năm 2020, tổng lượng nước thải
đô thị, nước thải công nghiệp thải ra sông Đồng Nai mỗi ngày có thể lên đến gần
4,5 triệu mét khối.
Ông Tuấn cho rằng, nếu các tỉnh
thành trong lưu vực không có đột phá trong xử lý nước thải, bảo vệ nguồn nước
thì hệ thống sông Đồng Nai sẽ càng ngày càng ô nhiễm nặng nề và có nguy cơ trở
thành dòng sông “chết”!
Thế mà, gần đây, nhà chức trách Đồng
Nai đã dấn thêm một bước vào tiến trình “bức tử” con sông này bằng quyết định
2230/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7, 2014 và quyết định số 2827/QĐ-UBND ngày 15 tháng
9, 2014, cho phép công ty Toàn Thịnh Phát lấp một phần sông Đồng Nai để thi
công dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai,” còn có
tên là dự án “The Pegasus Riverside.”
Công trình này có chiều dài 1,3 ki
lô mét, từ công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát, thành phố Biên Hòa, dự
kiến hoàn thành vào năm 2022 với tổng mức đầu tư là 3,200 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất của dự án là 84
ngàn mét vuông, trong đó phần lấn sông là hơn 77 ngàn 200 mét vuông, chiếm trên
90% diện tích, đoạn lấn ra sông xa nhất đến hơn 100m (đoạn từ cầu tàu nhà máy
nước Biên Hòa).
Trên thế giới, lấn sông để xây dựng
làm thay đổi dòng chảy là một điều tối kị. Về nguyên tắc bao giờ cũng dành đất
để làm hành lang bảo vệ có khi đến 50 mét. Đây là điều bắt buộc và không một dự
án nào, nhất là dự án thương mại, có thể vi phạm.
Dự án lấp sông Đồng Nai mà công ty
Thịnh Toàn Phát thực hiện sẽ làm một phần lòng sông bị bê tông hóa và chắc chắn
sẽ tác động làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh vật và làm mất đi cơ
chế tự bảo vệ, tự làm sạch của dòng sông. Ngoài ra, theo quy luật tự nhiên bên
lở bên bồi, dòng chảy khi bị thay đổi sẽ tăng tốc độ, xói lở bờ bên kia.
Nhà chức trách Đồng Nai đã không
thèm lấy ý kiến của người dân mà cũng không hề hỏi ý kiến các chuyên gia trong
ngành.
Ông Bùi Cách Tuyến nói, “Họ làm độc
lập. Chúng tôi không được tham vấn. Với tư cách là phó chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ
Lưu Vực sông Đồng Nai, tôi không biết và với tư cách là thứ trưởng Bộ Tài
Nguyên Môi Trường, tôi cũng không hay về dự án này.” [1]
Ông Lê Mạnh Hùng, phó tổng cục
trưởng Tổng Cục Thủy Lợi, nói rằng, ở khu vực thực hiện dự án có hai nhánh sông
nhỏ, chứng tỏ dòng chảy ở khu vực này khá phức tạp.
“Vì thế tôi không đồng ý với những
lập luận của Đồng Nai khi cho rằng đoạn sông này rộng thì lấp đi một ít cũng
chẳng sao. Nếu suy nghĩ vậy thì chúng ta đâu cần phải bỏ thời gian học thủy lợi
làm gì!” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, tài liệu đánh giá tác
động dòng chảy ở dự án nói rằng, công trình tác động đến dòng chảy không lớn
chứ không phải không có. “Những tác động của việc lấp sông không xảy ra trước
mắt mà có khi hai ba chục năm sau mới rõ. Khi đó, nếu gây ra tác động xấu, ảnh
hưởng đến các cầu, đường quan trọng ở hạ lưu thì ai chịu trách nhiệm về sai lầm
này? Chính vì vậy, cá nhân tôi, với tư cách là một nhà khoa học lâu năm về lĩnh
vực thủy lợi, tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nên cầu thị, hãy dừng lại để
xem xét đầy đủ về tính pháp lý cũng như cơ sở khoa học của dự án” - ông Hùng đề
nghị (theo tờ Pháp Luật TP.HCM).
Bà Lâm Thị Thu Sửu - giám đốc Trung
Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội, điều phối viên Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam,
khẳng định sông Đồng Nai là sông liên tỉnh, cung cấp nước cho hàng triệu dân
các tỉnh thành khác nên phải tuân thủ theo Nghị Định 201/NĐ của chính phủ cũng
như Luật Tài Nguyên Nước.
Nghị định của chính phủ quy định
tỉnh chỉ có quyền xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án, kế hoạch
cải tạo các dòng sông nội tỉnh. Vì thế, tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án lấn sông
Đồng Nai là vượt quá thẩm quyền.
Dự án vi phạm Luật Tài Nguyên Nước
vì cho lấn sông với diện tích 7.7 ha gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước sông
Đồng Nai. Cụ thể, Điều 9 (Khoản 4) về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm “đặt
vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép
gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch.” [2]
Điều 63 (Khoản 1) Luật Tài Nguyên Nước
ghi rõ hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy... không
được làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ và phải được cơ
quan quản lý về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
Mặt khác, “Sông Đồng Nai đang cung
cấp nước nguồn cho 60% công suất hoạt động của Tổng Công Ty Cấp Nước Sài Gòn
Sawaco. Tuy nhiên, Sawaco cũng hoàn toàn không được tham vấn ý kiến. Đáng lưu
ý, vừa qua khi dự án lấn sông diễn ra thì Sawaco ghi nhận một số chỉ tiêu nước
nguồn cung cấp cho Nhà Máy Nước Bình An (cầu Hóa An) bị ô nhiễm. Điều này gây
ra lo ngại vì khi dự án hoàn thành có thể làm thay đổi dòng chảy khiến dòng
nguồn nước của Sawaco lấy từ sông Đồng Nai bị ô nhiễm. Mặc dù trạm bơm nằm ở
thượng nguồn, cách dự án lấn sông cả kilomet nhưng vẫn có khả năng bị ô nhiễm
do triều cường.”
Với một quy mô, tầm cỡ của dự án
nhưng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Xây
Dựng, Ủy Ban Lưu Vực Sông, Ủy Ban sông Đồng Nai và dân chúng hoạt động sinh kế
liên quan đến sông Đồng Nai đều không được tham vấn.
Ngày 23 tháng 3, ông Đinh Quốc Thái,
chủ tịch Ủy Ban tỉnh Đồng Nai, khẳng định dự án này thuộc thẩm quyền phê duyệt
của Ủy Ban tỉnh Đồng Nai nên “không cần tham vấn ý kiến của các địa phương
khác.” (báo Pháp Luật TP.HCM)
Còn ông Nguyễn Thành Trí - phó chủ
tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong ngày 24 tháng 3 cho rằng, “UBND tỉnh cấp phép và
thấy chủ trương này vẫn đúng đắn. Với quy mô dự án như vậy, chúng tôi khẳng
định không có vấn đề gì....”
Các “chủ trương đúng đắn” mà nhà
chức trách Cộng Sản Việt Nam đưa ra và ra sức bảo vệ, đáng tiếc lại là những
quyết định vội vã, chứa đựng những lợi ích mờ ám.
Hồi tháng 5 năm 2009, về dự án khai
thác Bauxite Tây Nguyên, trước quốc hội, Bộ Trưởng Phạm Khôi Nguyên cam đoan,
“Bộ đã đánh giá rất kỹ các ý kiến góp ý của các nhà lãnh đạo và các nhà khoa
học.” Thế nhưng dự án vẫn triển khai theo “chủ trương” của đảng, bất chấp thư
phản đối của hàng ngàn trí thức trong, ngoài nước. Vì cố làm bằng được, không
tính hết, vốn đầu tư bị tăng lên hàng ngàn tỷ đồng và hiệu quả kinh tế thì thê
thảm, lỗ trong vòng nhiều năm, mỗi năm khoảng 33 triệu đô la, trong khi thảm
hoạt bùn đỏ vẫn là quả bom vẫn treo lơ lửng.
Cũng tương tự, như việc chặt đốn cây
xanh ở Hà Nội. Hôm 25 tháng 3, Sở Xây Dựng Hà Nội nói, “Việc thay thế, đánh
chuyển cây xanh trên địa bàn thành phố thời gian qua là chủ trương đúng, được
thực hiện bám sát theo các quy định của nhà nước và thành phố.”
Thế nhưng, đại biểu Quốc Hội Nguyễn
Sỹ Cương, với tư cách là người đã tham gia thẩm tra Luật Thủ Đô, ông cho biết
việc Hà Nội cho phép chặt hạ ồ ạt cây xanh trong thời gian qua là có biểu hiện
vi phạm quy định của Luật Thủ Đô.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thấy
có dấu hiệu vi phạm Khoản 2, Điều 14 Luật Thủ Đô và Khoản 1, Điều 14 Nghị Định
64/2010 của chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị.
Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận, Hà
Nội phải “tạm dừng” việc chặt đốn cây xanh, còn công ty Toàn Thịnh Phát cho
“tạm ngừng” thi công dự án để tiếp thu thêm ý kiến của các Bộ Tài Nguyên-Môi Trường,
Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn và Xây Dựng.
Câu chuyện “tạm dừng” rất đáng nghi
vấn. Phải chăng chỉ là kế hoãn binh rồi tìm cách chạy chọt? Kịch bản đang có vẻ
như thế!
Nhà văn Vũ Thư Hiên đã viết trên
Facebok, “Cái giống 'duy nhất đúng đắn' và 'vô cùng sáng suốt' nó thế. Đánh
chết nết không chừa. Chửi mắng nó thì nó chỉ ‘tạm dừng’ thôi, mai nó làm tiếp,
không chỗ này thì chỗ khác.”
Có một số thứ chỉ một lần phá đi thì
không bao giờ sửa chữa lại được nữa. Một trong những thứ đó là thiên nhiên.
Không có hiệu quả kinh tế nào bù đắp được sự tổn hại môi trường sống của con
người.
Cuộc tranh đấu chống hủy diệt môi
sinh của nhà chức trách Việt Nam là lương tâm, trách nhiệm và vì thế còn phải
nỗ lực tiếp tục.
Chú
thích: