Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015
Phạm Xuân Đài - Sài Gòn và duyên nợ văn học của thế kỷ 20
![]() |
Hình minh họa: internet |
Đất Sài Gòn có một duyên nợ lạ
lùng với nền văn học hiện đại của Việt Nam.
Văn học Việt Nam của thế kỷ 20 là
nền văn học mới, viết bằng chữ quốc ngữ. Mà chữ quốc ngữ thì bắt đầu dùng tại
Sài Gòn từ hậu bán thế kỷ 19, những tờ báo đầu tiên, những quyển tiểu thuyết đầu
tiên, cuốn tự điển tiếng Việt đầu tiên, tức là những viên đá lót đường khởi sự
cho cuộc hành trình của một nền học vấn, rồi nền văn học tiếng Việt đều được đặt
xuống sớm nhất từ mảnh đất Sài Gòn. Vài ba chục năm sau phút khởi đầu ấy trung
tâm văn hóa ngàn đời của Việt Nam là Hà Nội mới bắt đầu học và dùng chữ quốc ngữ,
mới làm quen với tờ báo, và mới khởi sự viết lách bằng thứ chữ mới này với lời
kêu gọi bằng Tam Tự Kinh mới của Tản Đà: Chữ
quốc ngữ/Chữ nước ta/ Con cái nhà/ Đều
phải học. Với tiềm lực văn hóa sâu dày, Hà Nội đã đưa nền văn học mới đến
chỗ trưởng thành rực rỡ, tính tới năm 1945. Và theo một sự xếp đặt có vẻ éo le
nhưng ngẫm ra thì cũng đúng lô-gic của lịch sử, vào hậu bán thế kỷ 20 nền văn học
đã được trưởng thành ấy của Việt Nam được tiếp tục tại Sài Gòn, đơm hoa kết
trái trong vòng 20 năm, được xem là sự thừa kế xứng đáng của văn học Việt Nam
cho đến hết thế kỷ 20 trên toàn cõi đất nước.
Bước
khởi đầu của chữ quốc ngữ của Sài Gòn
Thứ chữ Việt ghép bằng vần chữ La
tinh đã được các giáo sĩ Thiên Chúa giáo sáng chế từ thế kỷ 17, suốt mấy trăm
năm chỉ được dùng trong việc học đạo và truyền đạo, mãi đến khi Pháp chiếm xong
Nam Kỳ mới bắt đầu được dùng rộng rãi như một phương tiện thông tin của nhà cầm
quyền thực dân.
Năm 1865 nhà cầm quyền Pháp tại
Sài Gòn cho ra đời tờ Gia Định báo, là một tờ công báo đầu tiên bằng tiếng Việt
quốc ngữ. Vì thời đó chữ quốc ngữ còn là một cái gì xa lạ với đại đa số dân
chúng, chính Gia Định báo phải quảng cáo cho việc học chữ quốc ngữ, như bài báo
sau đây đăng ngày 15 tháng 4 năm 1867:
“Thầy
Ký dạy học có làm sách mẹo dạy tiếng Lang Sa, có làm ra chữ quốc ngữ để người
ta dễ học. Những người ký lục giỏi cùng siêng năng sẽ lo mà học chữ quốc ngữ vì
có hai mươi bốn chữ mà viết đặng muôn ngàn chuyện, chữ chi mắc rẻ cũng viết đặng,
không phải như chữ Tàu học già đời mà còn có chữ lạ viết không ra, ở đây có Phủ
Tường đã học đặng chữ quốc ngữ, viết đặng, đọc đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra
công học một đôi tháng thì thuộc hết.”
Từ năm 1868 Trương Vĩnh Ký coi
sóc bài vở cho Gia Định báo, và qua các tác phẩm suốt đời của ông, có thể coi
ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Bên cạnh sự nghiệp trước
tác đồ sộ của ông về nhiều đề tài, những cuốn như Chuyện Đời Xưa và Chuyến đi Bắc
Kỳ năm Ất Hợi của ông có thể coi như các tác phẩm đầu tiên của nền văn học quốc
ngữ Việt Nam. Trong khi đó, ông Huỳnh Tịnh Của, một người cộng tác thường xuyên
của Gia Định báo, cũng ra sức khai đường mở lối cho chữ quốc ngữ với công trình
nổi bật nhất của ông là bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, là cuốn tự vị tiếng
Việt đầu tiên trong suốt lịch sử văn học Việt Nam.
Việc học chữ quốc ngữ sớm sủa ấy
của dân miền Nam dẫn đến những kết quả bất ngờ. Mới đây chúng tôi rất thú vị đọc
được một bài báo của nhà văn Bình Nguyên Lộc nhan đề “Thời vàng son của nghề xuất
bản tại Sài Gòn” đăng trên tờ Tân Văn xuất bản tại Sài Gòn năm 1969. Tác giả tiết
lộ rằng: nghề xuất bản của dân Sài Gòn cực thịnh từ những năm 1890 đến 1920.
Sách nào, ai viết, ai in, ai đọc vào thời buổi quá sớm sủa ấy? Tác giả trả lời:
Sự cực thịnh đó hầu như chỉ dựa vào độc có một sản phẩm thôi, là truyện Tàu dịch
qua quốc ngữ. Hãy đọc vài đoạn:
“Năm
1890 thì quốc ngữ đã toàn thịnh ở Nam kỳ Lục tỉnh rồi, bần dân cũng lắm người
biết đọc mà không cần biết viết, nhứt là đọc chữ in (...).
“Không
nhớ trong ba nhà nho tiền bối sau đây: Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn
An Khương, vị nào có sáng kiến trước tiên dịch truyện Tàu ra quốc ngữ để bán
cho các nhà xuất bản, chỉ biết rằng truyện Tàu tung ra thị trường thì chạy như
tôm tươi. (...)
“Truyện
Tàu có thị trường rất lớn, bán tận ra miền Trung, miền Bắc, tận lên Cao Miên
cho Việt kiều trên đó đọc thì mỗi kỳ in ít lắm cũng ba ngàn quyển. (...) Những
người miền Bắc thế hệ Nhất Linh vẫn còn phải đọc truyện Tàu của Sài Gòn, mà Thế
Lữ đã đùa rất buồn cười vì lối văn kỳ cục của nó. Văn kỳ cục, nhưng ngoài ấy
người ta vẫn cứ mua đọc, cái đó còn kỳ cục hơn. (...)
“Nhưng
nào phải chỉ có truyện Tàu mà thôi đâu. Những tiểu thuyết sáng tác của ta, viết
bằng lục bát bình dân, ăn khách cũng không kém, nào là Lục Vân Tiên, Lâm Sanh
Xuân Nương, Văn Giang, Văn Lía, Thơ Sáu Trọng, Thơ Cậu Ba Miên, mỗi thứ đều in
đi in lại ít lắm cũng hai mươi lần.”
Chính nhờ chữ quốc ngữ được phổ
biến từ giữa thế kỷ 19, lại có nhà in, có báo chí rất sớm so với miền Trung miền
Bắc nên ngành xuất bản truyện đã trưởng thành sớm như vậy tại Nam Kỳ. Và cũng
nhờ báo chí, một hình thức văn nghệ khác cũng đã ra đời tạo nên nền “văn hóa đọc”
cho dân chúng miền Nam, đó chính là truyện đăng báo mà người mình học được từ “tiểu
thuyết feuilleton” của người Pháp. Tiểu thuyết đăng báo từng kỳ đầu tiên của
báo Việt ngữ là truyện Tiền Căn Báo Hậu
do Trần Chánh Chiếu viết, phỏng theo truyện Le Comte de Monte-Cristo của
Alexandre Dumas, đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn năm 1907. Lê Hoằng Mưu cũng là cây
bút feuilleton nổi tiếng với Hà Hương
Phong Nguyệt trên tờ Nông Cổ Mín Đàm 1912, Oan Kia Theo Mãi trên Lục
Tỉnh Tân Văn 1920... Tiếp theo là Hồ Biểu Chánh với Chúa Tàu Kim Quy (Công Luận báo 1922), Cay Đắng Mùi Đời (Đông Pháp Thời Báo 1923), Nhơn Tình Ấm Lạnh (ĐPTB 1926), Cha
Con Nghĩa Nặng (Phụ Nữ Tân Văn 1929) v.v...
Chữ quốc ngữ và báo chí ở miền Bắc
Ở Bắc Kỳ mãi đến năm 1907 mới có
tờ Đăng Cổ Tùng Báo là tờ báo quốc ngữ đầu tiên do ông Nguyễn Văn Vĩnh lập,
nhưng chỉ được hai năm. Đến năm 1913 Đông Dương Tạp Chí ra đời, và ông Nguyễn
Văn Vĩnh đã có công biến thành một tờ báo giá trị về luận thuyết và văn chương,
trong đó ông đăng truyện dịch của Pháp, thơ ngụ ngôn ông dịch của La Fontaine,
cả bản dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp của ông.
Nam Phong Tạp Chí ra đời năm
1917, do Phạm Quỳnh làm chủ bút, mà nội dung nhằm xây dựng một nền học thuật mới
cho nước nhà, thay thế cho nền Hán học suy tàn. Về văn học, đăng những tác phẩm
dịch của Pháp hoặc lý luận về văn chương, từ năm 1923 đã đăng Tuyết Hồng Lệ Sử
của Từ Trẩm Á (Mai Khê dịch), từ số 103 tháng 3 năm 1926 bắt đầu đăng tiểu thuyết
Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật...
Nhưng nói về “nền văn học đăng
báo” thì phải đợi tới thập niên 1930 mới thật là nở rộ tại Hà Nội, về phẩm cũng
như về lượng. Từ đầu thế kỷ báo chí trong Nam đã mở màn với các tác phẩm dịch
hay sáng tác có tính cách đại chúng, tức lấy nội dung hấp dẫn là chính chứ
không coi nặng phần nghệ thuật văn chương. Đất Bắc đã chuẩn bị trong hai mươi
năm từ khi có Đông Dương Tạp Chí để đạt được một nền văn chương Việt Nam trong
sáng, trưởng thành, và cũng lấy báo chí làm phương tiện phổ biến đầu tiên trước
khi in thành sách. Nổi bật nhất ai cũng biết là Tự Lực Văn Đoàn với báo Phong
Hóa và Ngày Nay: Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng bắt đầu đăng báo Phong Hóa từ
1932, mở màn cho một tủ sách phong phú, gồm Đoạn Tuyệt, Đôi Bạn, Bướm Trắng...
của Nhất Linh; Nửa Chừng Xuân, Gia Đình, Thừa Tự, Trống Mái, Thanh Đức... của
Khái Hưng; Con Đường Sáng, Tiếng Đàn... của Hoàng Đạo; Vàng Và Máu, Gió Trăng
Ngàn, Mấy Vần Thơ... của Thế Lữ; Gió Đầu Mùa, Sợi Tóc, Hà Nội Băm Sáu Phố Phường...
của Thạch Lam... Giá trị của TLVĐ có ảnh
hưởng rất lớn trên xã hội đương thời cũng như trong văn học sử Việt Nam nói
chung.
Cùng trong thập niên 1930 có nhà
xuất bản Tân Dân của Vũ Đình Long là một cơ sở văn nghệ đáng kể, hoạt động mạnh
mẽ về báo chí và xuất bản, nhất là xuất bản tiểu thuyết, quy tụ các tác giả như
Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Ngọc Giao, Nguyễn Tuân, Lê Văn Trương... Tờ Tiểu Thuyết
Thứ Bảy của Tân Dân chuyên đăng truyện giải trí hoặc của các nhà văn đương thời,
hoặc dịch từ sách Tây và Tàu. Năm 1935 ông Vũ Đình Long cho ra thêm Phổ Thông
Bán Nguyệt San, trong đó có đăng feuilleton tiểu thuyết Tắt Lửa Lòng của Nguyễn Công Hoan. Nói chung Tân Dân với các hoạt động
phong phú của mình đã giúp phát triển thể loại tiểu thuyết trong thời kỳ vừa nở
rộ, nhằm vào lớp trung lưu và đại chúng.
Năm 1945 là một cái mốc quan trọng
chia lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 ra làm hai giai đoạn rõ rệt. Trước năm ấy
đối với văn học, âm nhạc và nhiều sinh hoạt khác, người ta gọi là thời tiền chiến. Riêng về văn học, chữ quốc ngữ, báo chí và văn quốc ngữ bắt
đầu xuất hiện và phổ biến ở trong Nam trước, để ba bốn chục năm sau phát triển
và trưởng thành ngay tại cái nôi của dân tộc Việt Nam là miền Bắc. Trong 15 năm
từ đầu thập niên 1930 cho đến 1945 nền văn học ấy đã bước vào giai đoạn mãn
khai, đã đơm bông kết trái cho một mùa bội thu đầu tiên, khẳng định một cách chắc
chắn khả năng sáng tác bằng chữ quốc ngữ của nhà văn Việt Nam.
Nhưng năm 1945 cũng là năm đảng cộng
sản cướp được chính quyền và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó không chỉ
là cuộc chiến giải thực, mà còn là một chiến tranh nhằm mở rộng biên cương của
chủ nghĩa cộng sản, các giáo điều mới lạ của chủ nghĩa này bắt đầu xuất hiện.
Riêng về văn học, khu vườn đơm bông kết trái mà cả dân tộc vừa vun xới được bước
đầu đã bị phủ nhận, vì đảng cộng sản có đường lối văn nghệ khác gọi là hiện thực
xã hội chủ nghĩa mà bản chất chỉ là công cụ để tuyên truyền cho chế độ chính trị.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã gọi đó là “nền văn học minh họa” là một cách nói
khéo léo nhẹ nhàng để tả tính chất nô dịch của người cầm bút. Nhưng trong chiến
tranh 1946 đến 1954 các đô thị và các vùng không do cộng sản kiểm soát vẫn còn
gìn giữ và thừa hưởng được sách vở, âm nhạc, phong tục “tiền chiến”, và đây là
một điều may mắn cho văn hóa Việt Nam nói chung.
Trở
về điểm khởi hành
Năm 1954, hiệp định Genève chia
đôi đất nước tại sông Bến Hải tỉnh Quảng Trị, phía Bắc do cộng sản cai trị,
phía Nam là phần của phe quốc gia, dựa vào thế giới tự do. Theo đúng đường lối
của mình, khi cai trị nửa nước phía bắc, đảng cộng sản áp dụng ngay chủ trương
toàn trị, mọi thứ phải vào khuôn phép của đảng, kể cả và nhất là lãnh vực văn học.
Một cuộc phản kháng, đầu tiên và cũng là cuối cùng, của giới cầm bút, phong
trào Nhân Văn Giai Phẩm đã bùng nổ và đã bị tiêu diệt một cách thảm khốc và triệt
để. Từ đó cả miền Bắc bị khóa chặt trong ách độc tài.
Nhưng thời cuộc của năm 1954 đã tập
trung nền văn học cả nước, cả quá khứ và hiện tại, vào miền Nam. Sài Gòn, 90
năm trước đã là nơi xuất bản tờ báo tiếng Việt đầu tiên, là nơi manh nha những
dòng văn học quốc ngữ đầu tiên, nơi cuốn Tự vị Quốc âm đầu tiên của Việt Nam được
soạn và xuất bản, bây giờ lại đóng vai trò tiếp tục đà phát triển cho nền văn học
của dân tộc. Đó là một nền văn học dựa trên tự do và khai phóng, nền văn học
không cắt lìa với lịch sử văn hóa và văn học Việt Nam từ nhiều đời. Bắt đầu từ
nửa sau của thập niên 1950, qua thập niên 1960, rồi kết thúc đúng vào giữa thập
niên 1970, nền văn học Miền Nam đã đóng vai trò cứu chuộc cho sự liên tục của
tâm hồn Việt Nam, những nét chân thật nhất của rung cảm, hạnh phúc, khổ đau, mơ
ước... đã được ghi lại trên bao tác phẩm của hai mươi năm trời ấy. Miền Nam đã
bị bại trận, văn học miền Nam đã bị truy quét, nhưng tinh thần và nhiệm vụ của
miền Nam đã tròn cho lịch sử văn học đích thực của Việt Nam trong thế kỷ 20. Sự
kiện một số nhà văn xã hội chủ nghĩa của miền Bắc đến cuối đời viết “di chúc
văn học” phủ nhận những cái bánh vẽ của văn học cộng sản, ngoài việc họ có cơ hội
nhìn rộng ra năm châu bốn biển sau khi chiến tranh chấm dứt và chế độ cộng sản
sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, thiết tưởng chính nền văn học của miền Nam có thể đã
có vai trò tác động đến thái độ phản tỉnh của họ.
Nền văn học ấy đã chọn Sài Gòn
làm thủ đô xây dựng, đã quay về đúng nơi xuất phát của hành trình chữ quốc ngữ,
báo chí, rồi văn học, quay về đúng nơi đó để sống đủ nhiệm vụ của nó, và để chết
trước làn sóng đỏ tràn ngập miền Nam. Nhưng cái chết đó chính lại là hạt mầm
làm sống lại một đời sống văn học dựa trên truyền thống và trên tự do, khai
phóng, xứng đáng cho Việt Nam từ đây đến mãi mãi về sau.
PXĐ
Tháng
11, 2014.