Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015
Phạm Hảo: Tết xưa
Mùa Xuân đang về trên miền Tây Bắc, dịu dàng và lặng lẽ với những nụ trà mi lớn bằng đầu ngón tay, nổi lên giữa những chiếc lá xanh mướt óng ả như được bôi mỡ, với những nụ đào, nụ mộc qua nẩy ra từ những thân cây trụi lá, bất ngờ và đột ngột với những bụi crocus, daffodil, iris, tulip chồi lên từ mặt đất và nhất là với những ngày nắng hanh vàng ấm áp rộn ràng.
Và tôi đón Tết nguyên Đán trong sự chuyển mình kỳ diệu, tươi vui
và tràn trề sức sống của đất trời chung quanh. Nói đón Tết cho ra vẻ chứ tôi
chỉ có mấy cái bánh chưng, bánh tét đặt làm từ Dallas, ngoài ra chẳng còn gì nữa
ngoài hai cây giò thủ, nồi thịt kho nước dừa, thẩu dưa giá. Mấy thứ này tôi chỉ
làm trong vòng nửa ngày là xong, chẳng sửa soạn lu bù lỉnh kỉnh kéo dài cả
tháng trường như những cái tết xa xưa của U tôi.
Bắt đầu từ đầu tháng Chạp, U tôi đã gọi người đến quét vôi nhà. Đồng
thời nhắc Ba tôi chịu khó mang mấy giò lan Ngọc Điểm, Ý Thảo, Bầu Rượu, Hạc
Đỉnh đã bắt đầu đơm nụ ra chỗ có nhiều ánh sáng để mấy cây này được nắng cho
kịp nở hoa vào ngày Tết. Việc này cần lắm vì nếu không o bế săn sóc như vậy , có
những năm những cây này chờ đến rằm tháng Giêng mới chịu nở. Mấy chị em tôi thì
U tôi giao cho cắt tỉa củ cải, cà rốt, đu đủ xanh, sau đó trải ra cái mẹt lới,
phơi vài nắng cho héo để U làm dưa món.
Làm xong dưa món rồi đến làm mứt, mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai , mứt bí
được làm trước. Rồi đến mứt dẻo, mứt me ,mứt chùm ruột, mứt mãng cầu xiêm. Vất
vả nhất là mứt me , vì phải lột vỏ, rồi phải xâm từng quả một. Màn lột vỏ me
không dễ chơi, phải chọn những quả me còn xanh, dày cơm và thẳng, cần nhất
là phải còn cái cuống. Phải khéo lách mũi dao theo đường trôn ốc, cẩn thận giữ
được cái cuống và những đường xơ bọc chung quanh quả me. Có lần tôi vô ý bị vỏ
me cứng đâm vào dưới móng tay, vừa đau vừa xót vì cứ phải đụng tay vào nước
muối. Quả me nào lúc lột vỏ bị hỏng, gẫy thì U để riêng ra để làm
món me ngâm nước đường có pha cam thảo. Món này hấp dẫn lắm, dòn và vừa
chua vừa ngọt. Me ngâm kiểu này chỉ trong vòng ba ngày là ăn được nhưng U không
cho đứa nào đụng tới, đến tết mới được ăn. Cái gì cũng phải chờ đến Tết nên
chúng tôi nô nức ngày nào cũng nhìn lịch.
Tôi nghĩ ngày 30 Tết là ngày bận rộn nhất và cũng là ngày vui nhất
trong mấy ngày Tết. Bánh chưng đã được vớt ra từ sáng sớm, rồi tất cả mọi người
bận rộn cả ngày hôm đó, lau chùi, quét dọn từ trong nhà cho ra đến ngõ, từ vườn
trước đến vườn sau. Buổi chiều, sau khi túi bụi lo sửa soạn bữa cơm cúng
đón Ông Bà, cúng xong đâu đấy cả nhà quây quần quanh mâm cơm, không
thiếu ai vì có cả anh Tâm và anh Thành là anh cả và anh hai của chúng tôi về
phép. Món bóng xào thập cẩm và món măng khô hầm vịt khi nào cũng phải có mặt
trong bữa cơm cúng này. Chị Vân thì khi có món măng hầm vịt thì thế
nào cũng dành cái cổ và đầu vịt để gặm. Người đẹp yêu kiều, làm cho bao
nhiêu chàng phải làm thơ, thư tình thì bay đến nhà như bướm xuân mà lại ăn uống
phàm phu tục tử như vậy. Trong khi ngồi ăn cơm thì U tôi nhắc là ăn xong quét
dọn nhà cửa thật sạch lần cuối cùng, sáng mai mồng một Tết không ai được
động đến cái chổi, làm ăn đi đứng phải cẩn thận tránh làm vỡ ly vỡ chén, mặt
mày phải vui vẻ, có bực tức gì thì cũng phải “Chín Bỏ Làm Mười” thì
suốt năm gia đình mới làm ăn phát đạt, vui vẻ thuận hoà.
Năm nào U tôi đi chợ cuối năm cũng nhớ mua mấy bó ngò già, U tôi
gọi là rau mùi, có cả rễ, lá và hột để nấu nước cho U tôi và mấy cô con gái gội
đầu chiều ba mươi Tết. Sau khi ăn cơm, chúng tôi xúm lại dọn dẹp, rửa chén bát,
lau chùi bếp núc từ trong ra ngoài sạch như lau như ly. Trên bếp chỉ còn
cái nồi thật to để nấu nước gội đầu, tỏa mùi thơm nhẹ của lá ngò, lá chanh, lá
ổi, lá xả. Chị Thảo vì ốm yếu và Dung thì còn bé không phải làm việc nhiều thì
U tôi bắt đi tắm trước. Chị Vân thì lo phụ U tôi bày mâm bánh mứt, trái cây ở
ngoài sân để cúng giao thừa, tôi thì lo ủi quần áo cho cả nhà để diện năm mới,
xong rồi còn lo xách nước dưới giếng lên đổ đầy vào những cái lu cái chậu để
lấy hên, U bảo làm như thế tiền bạc năm tới sẽ tràn trề như nước.
Tắm
rửa xong thì cũng đã 9 giờ tối, còn phải chờ mấy tiếng đồng hồ nữa để cúng giao
thừa nên lúc này U tôi thong thả đi từ nhà trên xuống dưới bếp xem còn chỗ nào
cần lau chùi không. Nhìn cái bếp sạch
sẽ, nồi xoong được đánh bóng và treo, xếp ngay ngắn, chén đĩa được xếp gọn gàng
ai cũng thấy thích mặc dù trước đó phải làm việc bở cả hơi tai. Cái cảnh tượng
bếp núc được dọn sạch, mọi thứ được xắp đặt đâu vào đấy này để đón năm mới tôi
nghĩ ở gia đình nào cũng có. Ngay trong truyện Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights)
của Emily Bronte, cả cuốn truyện toàn là những cảnh cay nghiệt, hận thù nhưng
cũng có một cảnh thanh nhàn, bình yên, êm ả là cảnh bà quản gia ngồi ngắm, thưởng
thức công trình quét tước, lau chùi, đánh bóng nồi niêu, ly tách của mình một
cách thích thú vào ngày cuối năm.
Bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà rực rỡ đầy màu sắc của mâm ngũ quả, gọi là
ngũ quả chứ tôi đếm được trên mười loại trái cây. Có nải chuối Xiêm da xanh
biếc, trái thơm vàng xoài vàng, dừa xanh, cam ta màu ngọc biếc, cam tây màu
vàng, quýt màu cam còn nguyên cuống lá xanh. Táo Tây và nho Tây quá đắt nên chỉ
có mỗi thứ một tí cho có hương có hoa, ngoài những thứ kể trên U tôi thế nào
cũng tìm mua cho được quả Phật thủ để bày bàn thờ cho thơm.
Hiên trước thì có hai chậu mai vàng và hai chậu cúc đại đoá, hai giò lan
Ngọc Điểm treo xa chậu mai vì sợ mùi thơm của hoa mai làm giảm mất hương lan. Sân
sau có mấy giò lan nở treo trên cành ổi, cành chùm ruột, dưới đất thì có lan
Hạc Đỉnh và Lan Bầu rượu được bày trên sân gạch sạch sẽ tinh tươm.
Sáng mồng một tết chúng tôi thức dậy sớm để lo vo gạo, đãi đỗ xanh để u
tôi nấu xôi chè bày bàn thờ. Trong phòng khách ấm cúng tràn ngập mùi thơm của
trầm, của nhang. Chúng tôi xúm lại mừng tuổi Ba U tôi và được lì xì phong
bao, tôi thích nhất là giây phút này, mở bao ra đếm những tờ bạc mới tinh còn
thơm mùi giấy.
Sau khi cúng, Ba U tôi đi chùa. Anh Tâm và anh Thành đi chơi với bạn gái.
Chị Vân có anh Trác hẹn đến chơi nên ở nhà trông nhà và trông ba đứa chúng tôi.
Ba chúng tôi Thảo, Hảo, Dung vì anh Trác có hứa là hôm nay sẽ đến lì xì nên
cũng không có đứa nào muốn đi theo Ba U, ở nhà chờ.
Sau
khi được anh Trác phát tiền, chúng tôi rủ nhau ra sân sau chơi, ngoài đó những
giò lan có nụ sau một đêm dài ấp ủ bởi xuân nồng, được đánh thức bằng những tia
nắng sớm xuyên qua lá của cây khế, cây na, cây đu đủ bắt đầu tỏa hương thanh
khiết ngọt ngào. Hương lan của buổi tân xuân hình như cô đọng hơn, trọn vẹn
những ngày thường. Hương lan của những ngày xa xưa không bao giờ phai tàn và
quên lãng trong tôi, sau này mỗi khi trời lành lạnh và trong không gian phảng
phất mùi thơm của lan Ngọc Điểm là tôi lại nhớ những cái tết thủơ nhỏ.
Ở ngoài sân chúng tôi rủ nhau ăn mứt và cắn hạt dưa. Dung thích ăn
hạt dưa nhưng không biết cắn nên tôi cứ phải cắn hộ, rồi đưa cái nhân cho Dung
ăn, bây giờ nghĩ lại cảnh đó thấy cũng hơi bẩn. Ăn mứt và hạt dưa mãi cũng chán,
tôi thì thầm rủ chị Thảo ăn cắp thuốc lá hút thử. Mắt chị sáng lên ngay, đồng ý
không cần một giây suy nghĩ. Chị Thảo tôi bẩm sinh yếu ớt nhưng lại nghịch ngầm,
bất cứ những chuyện quậy phá gì mà tôi đề xướng lên là chị theo ngay. Tối hôm
qua lúc cả nhà đi chùa để về nhà xông đất sau giao thừa tôi và chị ở nhà đã rủ
nhau lén lấy rượu nếp than ra nhâm nhi, rượu này thơm và ngọt, hai đứa uống say
nằm lăn quay ra ngủ, không dậy nổi để đón giao thừa.
Trở lại chuyện hút thuốc lá. Ba tôi không hút thuốc nhưng tết đến
là thế nào cũng có năm, mười bao thuốc lá đủ loại để đãi khách. Mấy bao thuốc
lá này đang nằm cạnh cái khay trầu U tôi đã têm sẵn đặt trên cái bàn nhỏ cạnh
bàn thờ trong phòng khách. Nhìn qua cửa sổ thấy chị Vân và anh Trác mắt đã
trong mắt còn tay thì sắp sửa trong tay nên tôi có vào trong nhà bưng cả khay
thuốc hai người cũng chẳng biết. Nhưng cho chắc ăn chị Thảo bảo tôi nên bò vào
thay vì đi thẳng người, tôi nghe lời nên bước vào nhà trên, rồi bò từ cửa
đến chỗ để thuốc lá, chỉ cần hai điếu thôi nhưng tôi lấy nguyên bao vì
không dám kéo dài thì giờ, Lấy thuốc lá xong và bò ngược ra ngoài an toàn, thấy
Dung vẫn còn ngồi bệt trên sân gạch, đang trải bao lì xì ra đếm tiền, chị Thảo
và tôi lách vào bếp đóng cửa lại. Tôi vội vàng xé bao thuốc lá, lấy một điếu
châm vào bếp than còn âm ỉ, đưa cho chị Thảo. Rồi châm tiếp ngay một điếu nữa
cho mình. Đang bắt chước người lớn, lim dim mắt, ngửa cổ lên trần nhà nhả khói
thuốc thì giật mình vì chị Thảo bị sặc thuốc ho sặc sụa. Dung ở ngoài nghe
tiếng ho, chạy đến đập cửa bếp, réo lên ầm ĩ, tôi phải mở cửa ngay vì sợ chị
Vân nghe ồn ào chạy từ trên nhà xuống thì còn to chuyện thêm.
Dung thấy bao thuốc lá doạ sẽ mách U, chị Thảo khéo thu xếp bảo
mỗi đứa bỏ ra một đồng cho Dung để mua sự im lặng. Đưa tiền xong, cho chắc ăn,
tôi doạ lại Dung nếu mà U biết chuyện này thì tôi sẽ không bao giờ xước mía,
cắn hạt dưa cho Dung ăn nữa, nhất là chiều nay không dắt Dung đi ăn hoành thánh
mì. Dung vội vàng gật lấy gật để đồng ý. Mục ăn hoành thánh mì này hấp dẫn lắm.
Vì ngày mồng một Tết U tôi cho cả nhà ăn chay. U tôi xào bắp cải, cà rốt, nấm,
xu hào, măng với miến. Món này hoặc là ăn vã, hoặc là cuốn bánh tráng rau sống
chấm với xì dầu pha chua ngọt và củ kiệu giã nhỏ. Chúng tôi ăn chay đến
chiều thì thèm mặn. Tết năm ngoái đã lén đi ra tiệm mì đầu phố để ăn, U tôi
chắc biết nhưng làm lơ. Năm nay trước tết chúng tôi đã hẹn hò nhau là nếu được
tiền mừng tuổi rồi là chiều mồng một tết sẽ rủ nhau lén đi ăn mì. Dung thích
lắm vì cả tháng chỉ vào ngày đầu tháng Ba tôi lĩnh lương thì chúng tôi mới được
đi ăn mì, ăn phở, ăn kem. Nay Tết có tiền riêng, ba chị em vào tiệm, gọi mì ăn
rồi rút tiền ra trả như người lớn, thành ra dọa không cho Dung tham dự vụ đi ăn
mì là thượng sách, tội hút thuốc lá của chị Thảo và tôi không khi nào bị mang
ra ánh sáng cho đến khi lớn lên tự miệng chúng tôi khai ra.
Sáng mồng một tết năm nay, theo lệ hàng năm chị Vân, chị Thảo và
Dung hẹn nhau ra thăm mộ U tôi. Các chị có chụp ảnh đứng trước mộ U gửi lên,
trông ảnh ai cũng tươi cười vui vẻ . Nhưng tôi biết trong lòng hai chị và Dung
đầy những nỗi ngậm ngùi thương nhớ Ba U tôi và những ngày Tết. Tôi biết là sau
đó các chị sẽ kéo nhau về nhà chị Vân, bày ra ăn những món U tôi hay
nấu vào những ngày Tết hồi xưa như bóng, măng, xôi chè. Rồi sẽ cùng nhau nhắc
loại chuyện Tết ngày xưa lúc gia đình còn xum họp đầy đủ. Riêng tôi, lặng
lẽ đón Tết ở phương trời Tây Bắc này với bao nỗi bùi ngùi, tiếc nhớ những ngày
Tết đã qua, những hình bóng yêu dấu đã mờ mịt, xa xăm và những hương xưa đã
phai tàn.