Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015
Hà Tường Cát - Trung Quốc 'hòa dịu nguy hiểm' trong tranh chấp biển đảo
Sự thay đổi thái độ hiên nay của Trung Quốc trong
vấn đề tranh chấp biển đảo chỉ nhằm thích ứng với tình thế, mục tiêu cuối cùng
của họ vẫn là bành trướng trên toàn khu vực Tây Thái Bình Dương.
Khởi đầu từ 2012, đến nay Trung Quốc đang đẩy nhanh việc nạo vét đáy biển để
xây dựng đảo nhân tạo trên các rạn san hô, mỏm đá. bãi ngầm mà họ đã cưỡng
chiếm của Việt Nam và Philippines ở vùng quần đảo Trường Sa. Trên căn bản,
khoan đào hay nạo vét chẳng có ý nghĩa khác nhau bao nhiêu trong sự xác định
chủ quyền. Nhưng việc xây dựng căn cứ ở các bãi đá không gây ra đối đầu căng
thẳng như khi việc giàn khoan nước sâu HD-981 hoạt động trong hai tháng năm
ngoái tại khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Trên biển Hoa Đông, số các vụ tàu
Trung Quốc xâm nhập vùng biển quần đảo Sinkaku/Điếu Ngư thuộc Nhật Bản cũng đã
giảm từ 28 lần tháng 8 năm 2013 xuống chỉ còn 6 lần tháng 6 năm 2014. Theo nhận
định của ông Yanmei Xie thuộc International Crisis Group: “Sự giảm thiểu có thể
dễ hiểu là để tránh rủi ro đụng độ với Nhật Bản. Tuy nhiên Trung Quốc đã có thể
mặc nhiên xác định một thực trạng rằng có sự trùng lấp trên vùng biển này và
Nhật Bản không là nước duy nhất có quyền tuần tiễu khu vực quần đảo.”
Sau những cuộc tiếp xúc bên lề hội
nghị APEC tháng 11 năm ngoái ở Bắc Kinh giữa chủ tịch Trung Quốc, tổng thống
Hoa Kỳ và thủ tướng Nhật Bản, tình hình biển Đông Nam Á cũng như Hoa Đông có vẻ
đi đến một giai đoạn lắng dịu. Trung Quốc dường như ý thức được rằng thái độ
hung hăng gặp nhiều bất lợi về mặt ngoại giao và nay họ muốn tiếp tục đi đến
mục tiêu bằng đường lối cố hữu là lấn từng phần nhỏ trong một thời gian lâu
dài.
Đường lối hòa dịu này thể hiện rõ
qua việc Cơ Quan An Ninh Hàng Hải Trung Quốc đầu năm nay thông báo cho Việt Nam
biết là giàn khoan HD-981 sẽ đi ngang EEZ Việt Nam để đến Singapore. Theo luật
hàng hải, EEZ là hải phận quốc tế tàu bè mọi nước đều có quyền đi qua, thông
báo minh bạch như vậy không phải là cần thiết và trái ngược hẳn sự vi phạm khoan
dò trong EEZ năm ngoái gần Hoàng Sa.
Theo cơ quan phân tích quân sự tư
nhân IHS Jane, trong vòng 9 tháng gần đây, Trung Quốc đã nạo vét đáy biển và
tạo ra một đảo nhân tạo 63 hectares ở bãi đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) cùng nhiều
đảo nhân tạo khác trong quần đảo Trường Sa.
Nhiều giải thích khác nhau về mục
đích của Trung Quốc trong việc làm này.
Các quan sát viên tin rằng ý đồ đầu
tiên của Trung Quốc có liên quan đến mục tiêu quân sự. Bãi đá Tư Nghĩa được cải
tạo thành một pháo đài nổi, có bãi đáp cho máy bay trực thăng, cầu cảng cho
chiến hạm neo đậu và hữu dụng cho các chiến dịch săn chống tàu ngầm. Trên bãi
đá Vành Khăn còn có phi đạo cho máy bay cánh thẳng và căn cứ đặt hỏa tiễn phòng
không. Theo Peter Dutton, giám đốc Viện Nghiên Cứu Trung Quốc thuộc USNW thì
với những căn cứ này Bắc Kinh có thể muốn thực hiện tham vọng thiết lập một
vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng Biển Đông.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia
Philippines, ông Roilo Golez, mô tả mỗi đảo nhân tạo này là một “hàng không mẫu
hạm không thể đánh chìm.” Tuy vậy, nhận định này hơi quá đáng, bởi lẽ ở một
vùng biển xa xôi hẻo lánh và trên một diện tích nhỏ bé, các căn cứ quân sự ấy
không thể phòng thủ nếu xảy ra chiến tranh lớn. Vả lại nằm cách xa lục địa
Trung Quốc trên 600 dặm, vấn đề tiếp liệu cho những căn cứ này rất phức tạp.
Công dụng thực tế của các đảo nhân tạo này chỉ là trạm tiếp tế cho các tàu hải
tuần và hải giám, những đội tàu đánh cá và khai thác hải sản.
Như vậy, nỗ lực chính trong việc tạo
lập những đảo nhân tạo này có lẽ có một ý nghĩa khác. Các chuyên viên thuộc
Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế đặt giả thuyết là Bắc Kinh đang tìm
cách phủ nhận thách thức pháp lý mà Philippines nêu ra trong vụ kiện tại Tòa Án
Trọng Tài The Hague, bằng cách xác định hiện diện thực tế của Trung Quốc ở vùng
biển Trường Sa. Hành động này sẽ “gây nhiễu loạn” các bằng chứng mà tòa án có
thể dùng làm căn cứ để phán định, bởi vì “vấn đề sẽ trở nên nan giải một khi
các thực thể bị biến đổi vĩnh viễn,” chuyên viên Gregory Poling giải thích.
Về mặt công pháp quốc tế, chủ quyền
trên biển căn cứ theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Nhưng UNCLOS
không đề ra vấn đề xác định chủ quyền hải đảo như thế nào mà chỉ quy định các
quốc gia nên qua những thủ tục gì để giải quyết tranh chấp chủ quyền hải đảo.
Luật căn bản về vùng biển là “Đất xác định chủ quyền vùng biển chứ không phải
ngược lại,” như vậy vùng biển trong Đường Lưỡi Bò do Trung Quốc tự đặt ra, vốn
đã là trái phép, không xác định được chủ quyền của họ đối với những hải đảo
trên Biển Đông.
Vùng biển gồm lãnh hải 12 hải lý và
EEZ 200 hải lý, tính từ bờ biển. Lãnh hải thuộc chủ quyền của một quốc gia và
các nước khác không được xâm phạm. Nhưng EEZ không hoàn toàn như vậy, tất cả
mọi quốc gia đều có quyền tự do lưu thông hàng hải và bay qua không phận EEZ.
Đảo được định nghĩa là một thực thể
thiên nhiên bao quanh bởi biển, không có giới hạn về diện tích lớn nhỏ, nếu có
thể đủ điều kiện cho người cư trú với sinh hoạt thường xuyên thì cũng có lãnh
hải và EEZ như đất liền. Nhưng những bãi đá chìm dưới mặt nước khi thủy triều
dâng cao thì không được coi là đảo, kể cả trường hợp được cải biến thành đảo
nhân tạo.
Về mặt pháp lý, các đảo nhân tạo mà
Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa không có giá trị để xác định chủ quyền về mặt
pháp lý, cũng không xác định được chủ quyền vùng biển. Nhưng phán quyết về
chuyện này sẽ rất lâu dài và không đủ giá trị cưỡng chế. Như nhiều trường hợp
khác trong thực tế, lý thuộc về kẻ mạnh và nếu bên mạnh không tuân hành sự phân
xử, dù là của tòa án quốc tế, thì bên yếu cũng phải đành chịu.
Trong chuyện tranh chấp ở Trường Sa,
không chỉ riêng Trung Quốc mà Đài Loan và Việt Nam cũng cố gắng xây dựng những
căn cứ, nhưng sử dụng được những căn cứ này vào mục đích gì thì mỗi bên có khả
năng khác nhau. Người ta tin rằng Trung Quốc muốn bằng những đảo nhân tạo xác
định sự hiện diện của họ và nới rộng thêm là tính cách hợp lý trên thực tế của
Đường Lưỡi Bò mà họ tự tuyên bố.
Việt Nam và các quốc gia khác trong
vùng Biển Đông không có một phương cách gì hiệu quả để đối phó với ý đồ của
Trung Quốc, mà phải vận dụng phối hợp nhiều khả năng, từ ngoại giao, chính trị,
pháp lý đến quân sự. Việt Nam có thể tranh cãi về lý, viện dẫn những bằng cớ
lịch sử dù chắc chắn là sẽ không thể dứt điểm, đồng thời hăm dọa có thể kiện
trước tòa án quốc tế nhưng nên hiểu là sẽ chỉ có giá trị tinh thần hay nhiều
nhất là về mặt chính trị và ngoại giao.
Điểm quan trọng nhất là Việt Nam
phải ngăn chặn không để cho Trung Quốc chiếm thêm một khu vực nào như toàn thể
Hoàng Sa năm 1974 hoặc một vài đảo Trường Sa năm 1988. Để làm được điều này
Việt Nam cần có lực lượng đủ sức tự vệ với một cuộc đụng độ tương đối nhỏ trong
thời gian ngắn để quốc tế có điều kiện kịp lên tiếng bênh vực. Sẽ không thể có
trường hợp Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga, Liên Âu hay bất cứ một quốc gia nào trực tiếp
can thiệp nếu như chưa xảy chiến tranh giữa những nước đó với Trung Quốc.
Tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề sẽ
còn lâu dài và đừng quên rằng thực tế tất cả các bên cho đến bây giờ đều theo
một đường lối là nói và làm khác nhau. Việt Nam và Philippines tố cáo Trung
Quốc đơn phương nghiên cứu Biển Đông, theo tin của Tân Hoa Xã, trái Nguyên Tắc
Ứng Xử chung đã thỏa thuận năm 1992 và kế tiếp. Trong khi đó Pan Pacific
Petroleum, Australia, cho biết đã hoàn thành nghiên cứu cùng thăm dò địa chấn ở
lô 121 ngoài khơi Việt Nam và sẽ có thể quyết định việc khoan đào khai thác
cuối năm nay. ExxonMobil khởi sự khoan một giếng thẩm định tại mỏ khí đốt Cá
Voi Xanh vùng nước sâu ngoài khơi Phú Khánh. (HC)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét