Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015
Võ Phiến - Nguyên vẹn (Kỳ 6)
Trung
tá Du nghe con gái trình bày sự việc xong, ông ngồi lặng im một lúc. Rồi nói:
“Đám trẻ trên đó ba ít biết. Nhưng có thể ba quen bố nó. Con biết rõ gia đình
nó chớ?”
—
Gia đình Bắc di cư, ba à. Nhà nghèo. Cha mẹ anh ấy không có chữ nghĩa gì, hiện
ở Thủ Đức, làm ruộng, trồng khoai, trồng đậu... Nhà chỉ có anh ấy là con.
Cha
nàng gật đầu nhè nhẹ. Một gia đình khiêm tốn như thế, tất nhiên ông không quen
biết, nhưng ông không nói gì. Một lát, ông hỏi:
—
Má con có nói sao không?
—
Dạ không.
Ông
“ờ” một tiếng lơ lửng, định nói điều gì, nhưng có vẻ chưa kịp chuẩn bị nên ông
gác qua một bên, bắt sang chuyện khác. Vả lại ông chợt nhận thấy câu nói của
mình vừa rồi có chỗ thất thố: Má con còn “nói” gì nữa. Bà ấy đã xếp đặt xong
xuôi mọi việc, đã định ngày hôn lễ!
—
Lâu quá ba không thấy mặt thằng Thu. Cách đây năm sáu tháng, nó có thoáng ghé
qua chừng nửa giờ, lúc đó không có ba ở nhà, nó gấp đi không kịp chờ.
Dung
cười:
—
Anh ấy vẫn vậy. Nhiều lần về Sài Gòn mà không có thì giờ ghé qua nhà.
—
Không biết nó bận công việc gì dữ vậy?
—
Bận... chơi bời đàn đúm đó ba.
Cha
con cùng cười. Dung nói thêm:
—
Anh ấy bạn bè dữ lắm.
Trung
tá Du tiếp tục cười hề hề dễ dãi:
—
Lính thì vậy đó.
Ông
nói về chuyện lính tráng, chuyện bạn bè một lúc, Dung tưởng thế là câu chuyện
của nàng đã xong rồi, không ngờ cha nàng chợt trở lại:
—
Hôm nào tiện con đưa...Triệu, nó tên Triệu phải không? Con đưa nó xuống đây
chơi. Cho ba biết mặt... nghĩa là mẹ con cứ liệu quyết định, ba muốn gặp nó vậy
thôi.
Dung
thấy rõ sự dè dặt thận trọng của cha. Ông vừa không muốn cho mẹ nàng có cảm
tưởng ông xen vào, can thiệp vào sự xếp đặt chọn lựa của bà; ông lại vừa lo
lắng đối với việc quan trọng của nàng. Thái độ ấy, nàng không ngờ tới. Hồi nào
tới giờ nàng vẫn thấy ông như không mấy quan tâm đến mọi việc của mẹ con nàng.
Trung
tá Du nói xong, đứng lên lại tủ rượu rót một ly rượu vang, bỏ cục đá vào, lắc
lắc mấy cái, uống một hớp, rồi vừa đi ra phòng ăn vừa gọi lớn:
—
Tựu bàn, tụi bay.
Sáu
đứa em nàng xuất hiện gần như đồng loạt. Đứa lớn đứa bé, đứa ở phòng này, đứa ở
phòng khác, có đứa chơi ngoài hiên, có đứa chơi tận ngoài vườn, nhưng tự nhiên
sau tiếng hô “tụi bay” là chúng cùng ùa vào; con Lý cõng thằng Tiến trên lưng,
hai đứa mới vào có một vẻ ngơ ngáo buồn cười. Dì Tám từ dưới bếp vừa bước lên,
vừa lấy tay áo quệt mồ hôi trên trán vừa la:
—
Khoan! Mấy đứa đứng yên đó. Để tía nhấm lai rai, mấy đứa chờ tí, má đem cơm lên
rồi ăn luôn.
Cha
nàng cười lớn:
—
Vậy hả? Chưa có cơm mà bà dọn thịt gà um lên sớm quá. Nghe thơm tưng bừng, tôi
tưởng...
—
Không sao, không sao! Ông cứ việc... Sắp xong rồi.
Dì
Tám chạy xuống bếp. Dung nhìn lũ em lóc nhóc, quanh bàn ăn, trông ngộ nghĩnh;
nàng mỉm cười. Cha nàng thấy thế, lấy đũa gắp một miếng thịt nhỏ đút cho thằng
Tiến, rồi tự gắp một miếng cho mình. Ông vừa ăn vừa nói:
—
Tao thấy khó tính vì đám nhóc đó. Rồi đây mất nước, không biết kéo cả đám này
ra nước ngoài lấy gì nuôi cho nổi.
—
Ba nghĩ khi mất nước mấy đứa chưa kịp lớn sao?
—
Không chắc kịp đâu, mày ơi.
—
Con ít gặp ai bi quan như ba.
—
Ba không bi quan, ba...sáng suốt. Phải nói một cách khiêm tốn như vậy, phải
không bà?
Trung
tá Du hỏi vọng xuống bếp. Dì Tám nghe tiếng được tiếng mất, đáp:
—
Phải! Ông cứ lai rai. Tôi xong ngay bây giờ.
Ông
cười tủm tỉm. Dung tính xuống bếp phụ dì Tám, nhưng cha nàng tiếp tục nói, nàng
phải ở lại nghe chuyện.
—
Tao không quả quyết bao giờ thì mất nước. Không ai quả quyết được điều ấy. Có
thể tình trạng này kéo dài tới hết đời tao cũng nên; nhưng cũng có thể một vài
năm tới thì sụp đổ. Nhất định trước sau cũng phải sụp đổ. Muốn tính kế an toàn,
tốt nhất là ra đi.
—
Con nghĩ nên tính những kế khác, ngoài cái... kế an toàn!
—
Con nhỏ! Mày chê bố hèn nhát đó hả?
—
Đâu có ba!
Trung
tá Du cười ha hả, cởi mở. Ông lại gắp thêm một miếng thịt rồi nói:
—
Không có kế khác đâu. Không có. (Ông lắc đầu nguầy nguậy). Tao biết tụi bay chủ
trương một chế độ thật sự dân chủ với một chính phủ thật sự trong sạch, được
toàn dân ủng hộ, và chiến thắng cộng sản; vậy chứ gì? Đó là một đòi hỏi vô
trách nhiệm, không thực tế. Bố hỏi mày thế này nhá: Mày tìm giúp bố xem ở khắp
châu Á, châu Phi, có nước nào thực sự dân chủ, thực sự trong sạch không? Đi,
con tìm giúp bố đi. Con nhờ đám sinh viên và giáo sư trên đó tìm giúp bố đi.
Tao không nói chuyện bên Âu bên Mỹ: ở đó, hoàn cảnh khác hẳn, ta không so sánh
được. Đám thầy trò chúng mày đứng bên ngoài mà đòi hỏi lung tung. Đâu được con!
Phải nhập cuộc, phải lãnh lấy trách nhiệm, rồi mới thấy nó rắc rối, khó khăn.
Mày thử yêu cầu một giáo sư nào đó, ông nào hăng nhất, yêu cầu ông ta ra cai
trị lấy một quận xem ông ta có thực hiện được dân chủ với trong sạch ngay trong
phạm vi một quận của ông ta không? Đừng nói tới chuyện xã trưởng nó hối lộ, nó
tham nhũng, nó áp bức. Ngay tên thư ký trưởng ngồi sát bên cạnh ông ta, nó kiếm
chác ông ta cũng không hay biết nữa là! Tao nói ở Á Phi, ngay những nước yên ổn
thái bình hàng thế kỷ nay cũng không thực hiện được dân chủ với trong sạch mà
lại đi đòi hỏi chuyện đó ở một nước loạn lạc liên miên! Nguyên cái sự đòi hỏi
ấy đã gây rắc rối, làm suy nhược lực lượng phía bên này không ít.
—
Trời ơi, ba kết tội các lực lượng tranh đấu nặng quá.
—
Nặng gì đâu? Chúng mày chỉ có cái tội là dại. Không nặng đâu. Ba bảo vì dại nên
gây rắc rối làm suy nhược v.v... Ba không kết tội chúng mày làm mất nước. Sự
được thua thắng bại trong cuộc chiến này không tùy thuộc vào tụi mày, vào giới
trẻ hay giới già, vào bọn độc tài tham nhũng hay vào đám đòi hỏi dân chủ trong
sạch, vào bất cứ ai trong xã hội này. Tụi bay không quan trọng lắm đâu. Cả cái
chính phủ nước này cũng không quan trọng. Ai cũng biết rằng các lực lượng đụng
nhau ở Việt Nam hiện nay là Mỹ với Nga Tàu. Bom trút xuống chừng ấy, súng bắn
chừng ấy, xe tăng chừng ấy, hỏa tiễn Sam V, Sam VI phóng chừng ấy v.v... đâu
phải là chuyện riêng của Bắc Việt với Nam Việt. Xứ mình vét hết tài nguyên ra
mua sắm vũ khí đánh nhau không nổi một tuần lễ, làm chó gì nên chuyện rần rộ cỡ
đó? Như vậy một bên Mỹ, một bên Nga Tàu, hễ bên nào hết muốn đánh là thua, chỉ
có vậy thôi. Mà Mỹ thì uể oải trông thấy. Cái gì mà phong trào phản chiến nổi
lên như ong, bêu xấu chính phủ tơi bời. Sức nào chịu thấu? Ông tổng thống Mỹ có
phải ổng liều mạng đánh giặc để bảo vệ vợ con hay tánh mạng ổng đâu mà ổng cúi
đầu chịu chửi rủa liên miên? Cứ liều mạng làm tới, ổng mất danh dự, mất phiếu,
mất chức là cái chắc. Cho nên không sớm thì muộn, Mỹ nó cũng rút lui, bỏ cuộc.
Cộng sản thấy rõ tình trạng ấy, nó kéo dài, cứ cố gắng kéo dài chiến cuộc ra là
nó thắng, chạy đâu cho khỏi? Con thấy rõ cái thế thất bại của mình chưa?
—
Như vậy mình thua có “thế” đàng hoàng, ai cũng sáng suốt như ba thì các chính
khách còn hoạt động làm gì nữa cho vất vả, quân nhân còn đánh đá gì nữa cho
chết uổng mạng?
—
Hì hì... Đâu phải ai cũng sáng suốt được như ba! Với lại các hoạt động chính
trị quân sự này nọ, chính những cái đó là những yếu tố làm cho người ta không
quả quyết được ngày sụp đổ. Chính quyền thực hiện được dân chủ bài trừ được
tham nhũng thì lâu đổ, không thì mau đổ, quân đội đánh khá thì lâu đổ, kém thì
mau đổ, chính phủ Mỹ khéo đối phó với phản chiến thì còn lâu, vụng đối phó thì
tình thế suy đồi cấp kỳ; cộng sản đánh bết thì lâu ăn mà làm liên tiếp được
những trò ngoạn mục như vụ Mậu Thân, Mùa Hè 72 v.v... thì mau ăn... Cứ thế.
Không ai biết chắc tương lai vì thế. Không biết chắc hạn kỳ, chứ đại thể thì
rành rành. Không những vậy, một người như... ba, sáng suốt như ba, dù không
định được hạn kỳ cũng có thể nói trước là không thể xa lắm...không thể... Ba e
nó gần kề rồi đó.
Dì
Tám bưng cơm lên. Dung xới ra chén. Dì lấy riêng một chén, gắp đồ ăn bỏ lên
cơm, chan thêm một muổng nước cá, trộn kỹ, rồi trao cho thằng Tiến. Vừa làm dì
vừa nói:
—
Hôm nay có chị Ba mấy đứa, tía mặc sức chuyện trò thỏa thích, cho đã ghiền. Tội
nghiệp, nhiều hôm không có ai nghe chuyện ổng buồn xo. Mấy đứa nhỏ với dì đâu
có biết gì chuyện thời thế! Ổng nói toàn chuyện thời thế hà.
Cha
nàng không nhìn dì Tám. Nhưng Dung cảm thấy ông đang nghĩ về dì, ông đang hướng
những ý nghĩ dịu dàng, thương cảm về người vợ. Tự dưng ông ngừng nói, như lạc
mất hứng thú, ông ngồi yên lặng, mắt lơ đãng xa vắng. Trong một thoáng, nàng
nhớ lại cái cảm tưởng của bao nhiêu lần trước mỗi khi thăm viếng cha: cha nàng
có vẻ cô đơn trong một gia đình sum vầy.
Dì
Tám là một người đàn bà tốt, nhưng quá đơn giản. Không hẳn là dì thiếu học,
nhưng dì không hề đọc báo đọc sách gì, không thắc mắc tìm hiểu gì về các vấn đề
ngoài xã hội. Còn cha nàng thì tinh quái, sắc bén, thích biện luận. Giữa đám
trẻ với người vợ đơn giản, ông lạc lõng. Ông thương vợ thương con, cuộc sống
gia đình đầm ấm, tuy vậy vẫn có sự xa cách về một phương diện. Phải chi ông có
một vài đứa con lớn tuổi như anh Thu và nàng sống bên cạnh.
Dì
Tám tình cờ nói lên đúng chỗ cách biệt, cha nàng thương hại cho sự đơn giản,
chất phác của vợ, nét mặt ông thoáng buồn. Trong lúc ấy dì Tám lăng xăng với
mâm cơm, rắc chút ớt vào chén mắm, sớt thịt vào một cái dĩa đẩy về phía mấy đứa
nhỏ ngồi ở đầu bàn. Xong rồi dì còn chạy lại tủ lạnh rót một ly nước: dì luôn
luôn cần có ly nước đá trong bữa ăn, lâu lâu uống một hớp.
Khi
mọi người đều ăn uống vui vẻ, bữa ăn đã có đà, cha nàng mới trở lại câu chuyện
bỏ dở:
—
Nè Dung, mầy có nhớ Chiêm Thành lập quốc từ hồi nào không?... Chắc hỏi bất ngờ
vậy, không nhớ nổi đâu. Có gì cũng trên vài ngàn năm. Hồi sứ giả Việt Thường ở
phía nam đất Giao Chỉ dâng chim trĩ cho nhà Chu bên Tàu là trước Tây lịch kỷ
nguyên hơn ngàn năm rồì, hồi đó đã có Chiêm Thành. Mày coi, trong mấy ngàn năm
ta với Chiêm Thành cùng nhau tồn tại, cầm cự nhau ở ranh giới Nghệ An, thỉnh
thoảng vẫn xảy ra những vụ xung đột bên này lấn qua, bên kia lấn lại, nhưng có
làm gì được nhau đâu. Qua thế kỷ thứ 11, đời Lý Thánh Tôn, ta bắt đầu tiến vô
một chút tới Quảng Trị. Từ đó Chiêm Thành sút thế. Nhất là sau khi vua Lê Thánh
Tôn đánh vô tới Đồ Bàn, tao nhớ như vào khoảng cuối thế kỷ thứ 15, thì vận mạng
nước Chiêm Thành bị đe dọa rõ rệt: hai trăm năm sau họ mất tiêu luôn. Mày thấy
không? Trên giải đất này hai bên muốn tồn tại phải giữ cho được cái thế quân
bình. Khi Chiêm Thành đã lui bước vào tận thành Đồ Bàn là mất quân bình rồi,
một bên phải sụp đổ.
Dung
hỏi:
—
Ba muốn nói đến việc hiệp định Ba-lê nhường thêm cho Bắc Việt phần đất từ sông
Thạch Hãn tới sông Bến Hải phải không?
—
Đâu phải chỉ có chừng đó. Lực lượng Bắc Việt không bị bắt buộc rút về Bắc, họ
chiếm cứ lung tung. Đâu phải chỉ có bấy nhiêu đó. Mới đây trên tờ Newsweek
hay tờ Time gì đó có cái bản đồ Nam Việt với những chiến khu cộng quân,
những vùng bị cộng sản khống chế, tô màu đỏ. Tao nhìn vô cái bản đồ ấy, thấy
phần còn lại của mình có mấy đâu. Đã vậy mà trong cái phần đất còn lại đây chất
chứa vô số cán bộ cộng sản, thứ chìm thứ nổi, có thứ chính cống, có thứ chưa
chính cống, chỉ là khuynh tả, thiên cộng v.v... Còn ở phía bên kia thì hàng ngũ
chặt chẽ răm rắp, không có một kẽ hở... Chênh lệch nhau quá, thấy không?
—
Cái quân bình ở thời Chiêm Thành với bây giờ khác đó ba.
—
Con nói khác ra sao?
—
Hồi đó chỉ có ta với Chiêm Thành đối đầu nhau trên mảnh đất này. Bây giờ tương
quan quốc tế...
—
Ờ, cái đó có...
—
Ba nghĩ coi: giữa một chút Tây Bá Linh với Đông Đức đâu có quân bình, vậy mà
bên này không xóa được bên kia.
—
Có lý. Cái quân bình thời bây giờ phải xét rộng rãi hơn, tới cả toàn bộ phe bên
này với phe bên kia. Nhưng cái đó ba xét rồi: phe ta ỉu xìu, chỉ chực bỏ cuộc!
Cả tình hình quốc tế lẫn quốc nội đều thuận lợi cho họ, nếu các tay có trách
nhiệm ở Bắc Việt không nhân dịp này mà đánh nhầu tới, thanh toán cho xong Nam
Việt thì sau này họ biết trả lời sao trước lịch sử về cái lỗi lầm, cái “tội”
của họ chớ hả?
Trung
tá Du ngừng ăn, ngẩng lên nhìn vợ và con gái, vẻ gần như hoan hỉ sau khi thanh
toán xong một vấn đề. Rồi như một người cẩn tắc, ông trở lui, soát xét lại một
lần chót cho chắc ăn:
—
Riêng giữa Nam với Bắc Việt thì họ lấn ta quá nhiều rồi, mất quân bình. Còn nói
về thế cuộc quốc tế thì sức ủng hộ của phe ta kiệt quệ, phe ta mất hết ý chí,
trong khi phe họ càng gần thành công càng hăm hở: Không còn chút quân bình nào
nữa hết...
Con
Lý bỗng phát cười rinh rích ở đầu bàn. Khi ai nấy ngạc nhiên quay nhìn nó thì
thằng Thịnh lại cười lớn hơn. Nó nói:
—
Thầy trò chị Liên kỳ ghê, má biết không?
—
Sao? Má đâu biết?
—
Hôm qua lớp của chỉ, gần nửa lớp con gái cởi áo dài ra, mặc áo lót ngồi học đó
má.
Cả
nhà cùng cười ầm lên. Dì Tám hỏi:
—
Cô giáo bắt buộc vậy hả? Cô nào vậy?
—
Cô Tiết đó má.
Trung
tá Du bảo:
—
À, bà Tiết già rồi. Một bà già với một đám con nít...
—
Nữ sinh trung học mà ba? Tụi con ở tiểu học, con trai, có khi nào các thầy cho
cởi trần trong lớp đâu? Các cô vui quá há.
Lúc
đó con Liên mới lên tiếng:
—
Chiều hôm qua, tụi nó nhao nhao kêu nóng quá trời chịu không thấu, quạt máy
trong lớp hư hết trơn; cô cũng kêu nóng, cô biểu đóng cửa lại, đứa nào muốn cởi
áo cho cởi...
Dì
Tám cười ngặt nghẽo. Trung tá Du hỏi:
—
Còn cô?
—
Cô cũng cởi áo, bắt mấy đứa lên cạo gió.
—
Đàn bà dạy con nít, vui há.
—
Con nít hả ba? Ba chưa thấy mấy chị lớp chị Liên đó. Đệ thất mà như chị Hồng
chị Huệ... Bự con quá trời.
Con
Liên cãi:
—
Thì chỉ có hai con đó. Nó gốc Hoa học tiếng Việt muộn nên khai trụt tuổi chớ
bộ.
—
Em thấy bự ghê đi, chị Ba, bự vầy nè.
Nó
vòng tay trước ngực.
Con
Liên la:
—
Thằng Thịnh, vô duyên! Thì tụi nó vậy chứ bự cái gì cứ kêu bự hoài?
—
Không hả? Hôm nọ chị Huệ đánh vũ cầu ngoài đường, em thấy chạy cứ núc ních rung
rinh như đàn bà...
—
Nà, vô duyên!
Con
Lý e ngại, hỏi chị:
—
Mấy chị Hồng chị Huệ cũng cởi áo hả?
Ông
Du chú ý theo dõi. Con Liên trề môi:
—
Đời nào!
Thằng
Thịnh lại tấn công:
—
Để em tới trường nói mấy thầy qua bên trường nữ nghiên cứu bắt chước. Bên
trường em, lâu lâu khám xét quần áo, móng tay móng chân một lần. Bắt buộc nhiều
chuyện khó quá.
Con
Liên chống đỡ yếu đuối:
—
Ừ. Cho tụi bay bắt chước.
Ông
trung tá Du chen vào:
—
Bà Tiết bà ấy gần hưu rồi. Nội năm nay năm tới gì đó. Bây giờ bà ấy xuống đệ
thất đệ lục dạy, cũng như nghỉ ngơi. Hồi trước bà ấy dạy đệ nhị cấp. Lớp học,
bà ấy coi như ở trong nhà. Quen thuộc quá rồi mà.
Dì
Tám quay lại phía thằng Thịnh:
—
Thằng này nó cứ chờ cơ hội là nhạo con Liên. Bộ trường mày không có gì đáng nói
hả?
Con
Liên sực nhớ ra, nói vội vàng:
—
Trường nó hả má? Trường nó các thầy các cô chia bánh mì với sữa không xong, xục
rục nhau...
—
Bánh mì gì, mày nói tao chưa hiểu?
—
Bánh mì Caritas đó.
Trung
tá Du can thiệp:
—
Cơ quan từ thiện có chương trình giúp học sinh tiểu học một ít thực phẩm để ăn
uống tại trường, tôi có nói với mình hôm trước đó. Tụi nó thường kêu bánh mì
Mỹ, sữa Mỹ ấy mà. Nhà thầu cung cấp ăn bớt một phần. Các thầy cô lẽ ra không có
phần trong đó, nhưng... tội nghiệp... đồng lương hồi này không đủ ăn. Chuyện đó
không nên nói. Thôi bỏ qua nghe Liên.
Ông
quay về phía Dung hỏi:
—
Trên Sài Gòn cũng vậy chớ gì?
—
Dạ, cũng vậy. Có người đi dạy về thỉnh thoảng phải chạy xe ôm.
Dì
Tám kêu:
—
Trời đất ơi!
—
Thì đó. Thầy giáo chạy tắc-xi, chạy xe ôm, làm thợ sửa đồ điện, sửa ống nước
v.v... để kiếm thêm, đó là chưa kể những lối kiếm chác bất lương. Giặc giã riết
rồi đời sống phải loạn, rồi bất mãn chồng chất, dân oán trách chính phủ, rồi
muốn hòa bình với bất cứ giá nào. Sức mấy mà tiếp tục chiến tranh nổi.
Ông
trở về chuyện “thời thế”. Mấy đứa trẻ lại dần dần tách riêng từng nhóm, tiếp
tục những câu chuyện của chúng với nhau.
Sáng
hôm sau, lúc Dung sắp ra về, trung tá Du gọi nàng lại. Nàng ngồi, chờ đợi; cha
nàng nói thong thả:
—
Ba thấy má con suy tính kỹ... Đúng. Má con tính việc đúng lắm. Tình hình đầy
bất trắc. Chuyện gì cần làm, làm ngay. Vợ nào chồng nấy, lo cho nhau. Không xếp
đặt kịp thời, lúc rối ren thêm khó... Con lo phụ việc với má. Hôn lễ tổ chức
đơn giản thôi. Phải thông cảm: lúc này Triệu nó đang quýnh về công việc: việc
tràn ngập, đầy đầu...
Dì
Tám mang ra một gói lớn, cười cười. Dì đặt gói lên đùi Dung. Nàng kêu: “Dì với
ba cho con nhiều quá!”
Cha
nàng cười bảo: “Mày biết có gì trong đó mà kêu nhiều? Mày xuống bất ngờ, dì kêu
không kịp trở tay... Này! Hôm đó ba sẽ lên Sài Gòn trước một ngày, nghỉ tại nhà
cậu Sáu. Có việc gì cần gặp ba, con tới nhà cậu, nghe.”
Trung
tá Du nói xong mấy điều, trông có vẻ thoải mái. Ông hỏi Dung:
—
Anh ấy vẫn còn làm việc ở Vũng Tàu, phải không?
—
Dạ. Ảnh vẫn một chỗ ấy.
—
Và vẫn đi một chiếc Honda ấy?
Dung
cười:
—
Dạ. Bây giờ máy rống to hơn, phun khói nbiều hơn. Hùng dũng hơn trước.
Mọi
người cười vui. Trung tá Du nói, giọng hiền hậu:
—
Anh ấy, ba thấy đằm tính, không bon chen, đua đòi...
(Còn tiếp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét