Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015
Nhật Tiến - MỘT THỜI SINH HOẠT TẠI TRUNG TÂM VĂN BÚT V.N: ĐƯỜNG MỘT CHIỀU Tác phẩm của nhà văn NGUYỄN MỘNG GIÁC đoạt giải Nhất cuộc thi Tiểu thuyết của TRUNG TÂM VĂN BÚT V.N năm 1974
![]() |
Người ngồi sau nhà văn Nhật Tiến là ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhân nhà sách Khai Trí. Người ngồi sau nhà văn Vi Huyền Đắc là nhà thơ Nguyên Sa. |
Nhân tạp chí Văn Học dự trù ra số đặc biệt viết về nhà văn Nguyễn Mộng
Giác, tôi không thể không nhớ tới những sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút Việt
Nam thời kỳ trước năm 1975 ở Miền Nam VN mà ở đó nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng
đã có lần ghi một dấu ấn rất đậm nét đối với các thành viên của ban Chấp hành
Văn Bút cũng như nhiều anh chị em văn nghệ sĩ vẫn thường quan tâm hay lui tới
trong các sinh hoạt của Hội.
Nhắc lại những sinh hoạt của Hội thì cũng như nhắc lại một thời chữ
nghĩa, đã có nhiều thành viên của Hội, những bút danh quen thuộc, đi về cõi
vĩnh hằng như Vũ Hoàng Chương, Nhất Linh, Vi Huyền Đắc, Đào Đăng Vỹ, Đỗ Đức
Thu, Bàng Bá Lân, Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Bình Nguyên
Lộc,Thanh Lãng, Hồ Hữu Tường, Trần Phong Giao v.v... nhưng cũng không thiếu Hội
viên cũ, nay vẫn còn ở quê nhà hay nổi trôi, luân lạc đâu đó tại nhiều quốc gia
trên thế giới.
Văn Bút Việt Nam
thành lập khoảng 1957, khởi sự lấy tên là Hội Bút Việt, chắc là muốn dịch sát
chữ P.E.N Club (P=Poet, Play Writer; E-=Editor; N= Novelist) do nhiều cây bút
lão thành sáng lập và được gia nhập Hội Văn Bút Quốc tế (PEN Club
International). Phải kể tới những vị tiền phong sáng lập Hội như Nhất Linh, Vi
Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Đỗ Đức Thu, Phạm Việt Tuyền, Đông Hồ, Mộng Tuyết,
Đào Đăng Vỹ, Nghiêm Xuân Việt, Lê Văn Hoàn v.v...
Thoạt tiên vì ngân quỹ eo hẹp nên Hội chỉ đóng trụ sở tại căn nhà nhỏ ở
số 37 đường Cô Bắc, ngay sau lưng chợ Cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Thái Học Sài
Gòn, và sinh hoạt chỉ bao gồm việc xuất bản không định kỳ tập san Bút Việt,
hoặc tuyển dịch các truyện ngắn hay ra Anh ngữ để vài lần gửi đi dự giải cuộc
thi truyện ngắn do Văn Hoá Á Châu và Thái Bình Dương (Pacific Rim) tổ chức. Các
tác phẩm của Linh Bảo và Bình Nguyên Lộc được dịch và gửi đi, đã lọt vào vòng
chung kết và có tên trong danh sách các tác giả trúng giải.
Sau này, do sự tài trợ của tổ chức Asia Foundation (và vài năm sau, khi hết
ngân khoản này thì chính phủ VNCH tài trợ tiếp), Hội Bút Việt đổi tên thành
Trung Tâm Văn Bút Việt Nam và cho đến lúc này Hội mới có một huy hiệu chính
thức trên vẽ một cán bút đặt chéo với một thanh kiếm đã gẫy rời, biểu tượng cho
ý nghĩa ngòi bút luôn chiến thắng bạo lực. Trụ sở của Hội thì được rời về căn
biệt thự ở số 107 đường Đoàn Thị Điểm Sài Gòn, một cơ ngơi khá khang trang, có
sân để xe hơi, có tầng lầu rộng rãi đủ sức chứa hàng trăm người, và do vậy Hội
có điều kiện để mở rộng sinh hoạt hơn. Những sinh hoạt này, đại thể gồm có:
- Xuất bản nguyệt san Tin Sách chuyên loan tin sinh hoạt sách báo và đăng
những bài phê bình các sách mới ra trong tháng. Nguyệt san này, trước do anh
Trần Phong Giao và sau này do Lê Thanh Thái phụ trách.
- Tổ chức hàng tháng những buổi nói chuyện về các đề tài văn học nghệ
thuật do chính các hội viên thuyết trình.
- Cung ứng trụ sở cho các văn hữu
để họ làm nơi tổ chức ra mắt tác phẩm mới. Hội cũng trang bị những bàn xếp nhỏ
và 150 ghế xếp để các văn hữu có thể lui tới ngồi riêng từng nhóm, uống cà phê
miễn phí và đàm đạo chuyện văn chương, chữ nghĩa.
- Tổ chức cứ hai năm một lần, một giải thưởng văn chương, đầu tiên là thể
loại truyện ngắn, sau qua thể tiểu thuyết, kịch.
- Dịch các truyện ngắn hay ra Anh,
Pháp ngữ để góp bài cho tập san của Hội Văn Bút Quốc tế hay dự các giải văn
chương dành cho các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương
- Cử phái đoàn Việt Nam
tham dự đều đặn các Đại Hội Văn Bút Quốc tế và phát biểu trong đại hội về các
đề tài đã được chỉ định trước.
- Cử đại diện Văn Bút tham gia Hội
Đồng Văn Hoá Giáo Dục, một định chế quốc gia của VNCH thời kỳ trước 1975.
Nói chung, sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút rất ổn thỏa, đều đặn trong tất
cả các nhiệm kỳ Chủ Tịch (cứ hai năm bầu lại một lần) mà lần lượt là các chủ
tịch Đỗ Đức Thu, Vũ Hoàng Chương, Linh mục Thanh Lãng (nhiệm kỳ cuối cùng
1975). Số hội viên toàn quốc trên 200 người, nhưng nhiều vị ở xa chỉ gửi phiếu
bầu qua bưu điện, chứ con số thực sự sinh hoạt gắn bó với Hội thì chỉ tập trung
ở Sài Gòn mà số lượng chỉ khoảng trên 100 người.
Chính vào năm 1974, khi Văn Bút tổ chức cuộc thi Tiểu Thuyết thì Hội đã
nhận được nhiều tác phẩm của các văn hữu tham gia, trong đó có cuốn Bóng Thuyền Say của nhà văn Nguyễn Mộng
Giác (sau này, khi trúng giải, tác giả đổi tên thành Đường Một Chiều). Nguyễn
Mộng Giác khi đó đang là một nhà giáo ở Miền Trung và cũng là một tác giả đã
thành danh nhưng vẫn tín nhiệm Hội để gửi tác phẩm đến dự thi. Hội Đồng Tuyển
Trạch vào năm đó có Vi Huyền Đắc, Bình Nguyên Lộc, Hồ Hữu Tường, Nguyễn thị
Vinh và Nhật Tiến. Tác phẩm Bóng Thuyền Say tức
Đường Một Chiều của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã đoạt giải Nhất với đa số
tuyệt đối.
May mắn thay, trong những tài liệu hiện còn lưu giữ, tôi đã tìm thấy một
bài viết của Hoàng Ngọc Tuấn, tác giả cuốn Hình Như Là Tình Yêu, đề cập đến nội
dung tác phẩm này. Bài này được viết để
chào mừng Hội Văn Bút nhân ngày Hội trao
giải thưởng cho Nhà văn Nguyễn Mộng Giác (15-11-1974), đã được tác giả cho đăng
tải trên tạp chí Bách Khoa số ra ngày 20 tháng 12 năm 1974.
Khi nhắc lại một thời chữ nghĩa có
liên hệ tới nhà văn Nguyễn Mộng Giác vào cái thuở ông đã từng tham gia những
sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Miền Nam trước 1975, thiết tưởng không gì bằng
đăng tải lại nguyên văn bài viết của tác giả Hoàng Ngọc Tuấn dưới đây, vừa như
một kỷ niệm của độc giả đối với nhà văn
Nguyễn Mộng Giác, vừa có dịp để ta có
thể nhìn lại hoàn cảnh, tâm tư và đôi điều suy nghĩ của một người cầm bút trong
sinh hoạt văn học nghệ thuật vào thời điểm một năm trước khi miền Nam hoàn toàn
sụp đổ.
NHẬT TIẾN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét