Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014
Bùi Vĩnh Phúc - Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam (1954 – 1975): Phẩm Tính và Ý Nghĩa (*)
![]() |
Nhà lý luận, phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc (Hình: Uyên Nguyên) |
I. Giới thiệu vấn đề
Văn học miền
Nam, từ 1954 đến 1975, là một đóng góp và một thành tựu của văn học Việt Nam,
trong một giai đoạn thuộc nửa sau thế kỷ XX.
Nó chỉ tồn tại trong vòng 20 năm, nhưng nó đã là một tồn tại quan trọng
và không thể thiếu của giai đoạn này. Nói
một cách thẳng thắn, nền văn học này nối kết Việt Nam với thế giới, với nhân
loại, trong những khía cạnh hiện-hữu-người một cách vừa bao quát vừa thâm sâu
nhất. Nó chia sẻ và phản ánh thân phận
và những tình cảm của con người ở những
độ rung, những bảng mầu gần gũi với các nền văn học hiện đại của thế giới, dĩ
nhiên với những âm vang và sắc độ riêng của đời sống xã hội và tinh thần của
người Việt.
Cũng trong thời
gian ấy, miền Bắc Việt Nam có một nền văn học khác. Trong một cái khung xã hội và văn học riêng,
nó cũng có những giá trị riêng của nó.
Chắc chắn là thế. Dù sao, một
điều chắc chắn hơn là, nền văn học ấy, với cái khung xã hội và văn học riêng
của mình, một xã hội mà mọi người dân đều bị kiểm soát về mọi mặt, đặc biệt là
về mặt tư tưởng, một nền văn học mà chủ trương của nó, vô tình hay hữu ý, đã
đưa đến sự minh hoạ, đồng phục trong thể hiện, và mang tính sử thi, tô hồng
cuộc chiến trong âm hưởng, giọng điệu, đã gần như chặt đứt nó với những nhịp
cầu giao tiếp của nhân loại. Điều đó là
một sự đáng tiếc.
Nhưng điều cần
phải nói ở đây là tại Việt Nam, ngay cho đến bây giờ, gần 40 năm sau cuộc
chiến, đa số những người cầm trịch văn học cả nước, một cách vô thức hay hữu
thức, hình như vẫn chỉ cảm nhận rằng, về mặt âm thanh, Việt Nam, trong giai
đoạn đó, chủ yếu chỉ có hơi thở và những tiếng nói, tiếng trống trận, tiếng
thúc quân và tiếng kèn của miền Bắc, và về mặt hình ảnh, chủ yếu chỉ có những
bộ đồng phục và những hình ảnh mang tính minh hoạ về một tiếng hát chung, màu
đỏ. Trong các tài liệu nghiên cứu và các
sách viết về lịch sử văn học được dùng trong nhà trường, trong các tài liệu sư
phạm, chỉ có văn học miền Bắc là hiện diện trong giai đoạn ấy. Người ta đã không thấy hay lờ đi sự có mặt
hết sức đa dạng và tầm vóc của văn học miền Nam. Nếu có nhắc đến đâu đó thì chỉ là để phê phán
hoặc mang tính cách chiếu lệ, "hạ cố". Tâm tình của con người thì ở đâu cũng như
nhau, trong hoà bình hay trong chiến tranh.
Nhưng con người sống tại miền Bắc, lúc ấy, đã không được cất lên tiếng
nói khát khao trung thực của mình. Tiếng
nói của Nhân Văn Giai Phẩm đã bị bóp nghẹt.
Cũng thế là những tiếng nói của bất cứ một đoàn nhóm hay cá nhân nào có
cái khao khát đi tìm một hơi thở ở bên ngoài dàn đồng ca. Cái hơi thở, cái tiếng nói đưa dẫn con người
đến gần lương tâm, gần trái tim của nhân loại.
Dù có như thế,
để lặp lại, văn học miền Bắc trong giai đoạn ấy cũng có những đường nét riêng
của nó. Nó phản ánh một gương mặt của
chiến tranh. Và gương mặt ấy có
thật. Ở một mức độ nào đó, và trong
những góc nhìn nào đó, dù bị chỉ đạo, nền văn học ấy, ngoài âm vọng sử thi, ngoài
những tấu tụng về chiến công, về vinh quang, nhiều khi được tô mầu một cách khá
thô sơ, vụng về, cũng nói lên được cái đời sống, cả tinh thần lẫn vật chất, của
cả một xã hội, của những con người, với những tâm trạng, những hy sinh và những
đớn đau riêng. Và, như thế, nó cũng đã
đóng góp những đường nét của mình để vẽ nên khuôn mặt chung của văn học Việt
Nam giai đoạn ấy. Khuôn mặt của văn học
Việt Nam thời chiến.
Dù sao, chúng
ta không bàn về những điều ấy ở đây. Nó
không phải là chủ đề của bài viết này.
Ở đây, chúng ta
sẽ nói về văn học miền Nam.
Lý do là, để lặp
lại, đã gần 40 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhưng đa
số những người cầm trịch văn học miền Bắc vẫn có thái độ, và cả chủ trương nữa,
là không nhìn đến văn học miền Nam trong giai đoạn 20 năm ấy. Họ biết rõ những điểm mạnh, những điểm đặc
sắc của nền văn học này. Biết rõ là văn
học miền Nam, trong giai đoạn ấy, đã là nhịp cầu nối liền Việt Nam với thế
giới, với con người, với nhân loại.
Nhưng họ vẫn không chịu chấp nhận là nền văn học ấy đã mọc từ rễ cây dân
tộc, lớn mạnh và nối kết dân tộc Việt với con người trên khắp thế giới, nối kết
Việt Nam với nhân loại. Thái độ gạt bỏ,
thậm chí trù dập ấy, tôi nghĩ, có cái gốc rễ tâm lý của nó. Dù là tự ti hay tự tôn thì cái tâm lý ấy, cái
mặc cảm/phức cảm ấy (vừa không nói ra, vừa rất phức tạp), cũng không xứng đáng
và không tốt cho văn học Việt. Nhiều trí
thức, học giả, và những người có hiểu biết, có tâm, có tầm và có tài trong nước,
đã nhìn ra điều cần thiết trong việc nhận diện và nhu cầu kết hợp văn học miền
Nam vào văn học của cả nước trong giai đoạn này. Tôi mong con số những người ấy càng ngày càng
lớn, vì nguyên khí quốc gia không thể bị đè bẹp. Nó cần và phải được phát triển.
Nói về phẩm
tính
là nói về những điểm tốt đẹp, những giá trị đạt được trong việc thẩm định, đánh
giá. Để trình bày ý nghĩa của dòng văn
học miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, đặt trong bối cảnh của văn học Việt Nam
nói riêng, và văn học hiện đại nói chung, người ta phải nêu ra được những
"phẩm hạnh", phẩm chất của nó.
Cũng thế, khi nói về phẩm tính của dòng văn học này, ta cũng sẽ thấy
được những ý nghĩa, những giá trị mà nó cưu mang, cho dù là nó đã cưu mang
những điều ấy trong tiếng đạn bom gào xé và trong những vùng đớn đau, đen tối
của phận người.
II. Bàn về các
phẩm tính
Trước hết, văn
học miền Nam là một nền văn học tự do, cho dù, ở một
số trường hợp, cũng có một vài sự kiểm duyệt nhỏ, và, cho dù, chính cái tự do
ấy cũng có những lúc tạo vấn đề cho nó.
Tuy nhiên, chủ yếu, đó vẫn là một nền văn học tự do, trong đó con người,
qua văn học, có thể nói lên những suy nghĩ, ưu tư, trăn trở và tình cảm của
mình. Cái tự do này mang tính chủ yếu,
thẩm thấu và phản ánh trong và qua tất cả các sinh hoạt trí thức của con người
miền Nam, liên hệ đến văn học. Từ đó,
trong một cái nhìn thâu tóm, người ta có thể nhìn ra bốn tính chất căn bản của
nền văn học này. Có thể xem đó là bốn
phẩm tính cốt lõi của văn học miền Nam 1954-1975. Những phẩm tính đó có thể được kể: một, đó là một nền văn học phát triển và mang tính liên tục (bắt nguồn từ
văn học tiền chiến); hai, đó là một nền văn học hiện
đại,
tiếp cận và liên thông với văn học thế giới; ba, đó là một nền văn học mang đậm
tính nhân bản và nhân văn; và bốn, đó là
một nền văn học khai phóng, đa sắc, và đa dạng.
Sau đây, ta sẽ
lần lượt xét từng thuộc tính quan trọng ấy.
1. Một nền văn học
phát triển và mang tính liên tục, từ truyền thống:
Văn học miền
Nam 1954-1975 là một dòng chảy liên tục, nhất quán, nối tiếp và phát triển từ
văn học tiền chiến, kháng chiến (Nam bộ, 1945-1954), sang đổi mới, hiện
đại. Trong khi tại miền Bắc, dòng văn
học có thể nói là bị ngắt quãng giữa văn học tiền chiến và văn học kháng
chiến. Thật sự, văn học tiền chiến, tại
miền Bắc, ở một mức độ nào đó, trong giai đoạn đầu, vẫn có đấy, nhưng sau đó nó
đã bị lấn ép bởi nền văn học kháng chiến.
Là một chủ trương, đường lối được chỉ đạo, văn học miền Bắc đã đi vào
con đường gạt bỏ văn học tiền chiến để dấn mình vào văn học kháng chiến. Có một sự đứt gẫy, nếu không muốn nói là một
sự chặt đứt, từ tiền chiến sang kháng chiến ở đây. Người ta muốn nối liền mạch văn học dân gian
và văn học kháng chiến, mà tháo gỡ, hay cắt bỏ, văn học tiền chiến. Người ta xem nó là một thứ lãng mạn tiểu tư
sản. Là viễn mơ và không tiến bộ. Thậm chí, là truỵ lạc. Các nhà văn nổi tiếng thời tiền chiến, còn
sống tại miền Bắc trong giai đoạn ấy, đã bị bắt buộc lên tiếng chối bỏ tác phẩm
của mình. Xem đó là một giai đoạn ấu
trĩ, chưa trưởng thành. Hơn nữa, một
giai đoạn lầm lạc. Của chính mình. Nhân Văn Giai Phẩm, dù sao, đã ra
đời, cất lên tiếng nói trung thực của lương tâm, của con người trước số phận
của nền văn học dân tộc, của đất nước.
Những người chủ trương Nhân Văn Giai Phẩm, ngoài việc
lên tiếng cho Sự Thật, cho tự do tư tưởng, có lẽ họ còn muốn cứu vãn Cái Đẹp,
Cái Lành, Cái Thiện, Cái Yêu Thương và Cái Mới trong văn học, trong sáng tạo
của nhà thơ, nhà văn. Nhưng họ đã bị bịt
miệng. Và tiếng nói của họ đã bị giam
trong tù ngục trong suốt ba mươi năm.
Văn học miền
Nam chính là nơi đã nuôi dưỡng và gìn giữ những tinh hoa của văn chương tiền
chiến. Trong sách báo cũng như trong
chương trình học tập tại trường học. Cũng chính miền Nam đã lưu truyền và phổ
biến tiếng nói và tâm tình của những nghệ sĩ như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt,
và những nhà văn, nhà thơ khác trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Tuy sau này, những nhóm và những tạp chí văn
học tại miền Nam, đặc biệt kể từ Sáng Tạo, đã phổ biến
những tâm tình của trí thức và nghệ sĩ miền Nam, trong những thể điệu mới mẻ
khác, đi vào con đường hiện đại, cái mầm hạt tốt tươi và mạnh mẽ của văn chương
tiền chiến vẫn đã để lại dấu ấn của nó trong tiến trình phát triển của văn học
miền Nam.
Nói tóm lại,
trong văn học miền Nam, có một sự liên tục tiếp nối của những chặng đường văn
học, những truyền thống văn chương. Cái
đài hoa tốt đẹp kia đã không hề bị đứt cuống.
Sau khi chia tay tiền chiến để bước vào hiện đại, văn học miền Nam vẫn
giữ được trong nó những giá trị tốt đẹp của văn chương tiền chiến. Cái giá trị ấy giống như một cây cầu nối,
giúp cho văn học miền Nam thực hiện được một bước chuyển đẹp đẽ.
2. Một nền văn học
hiện đại, tiếp cận rộng rãi với văn học thế giới
Không bị cô lập
và bóp bẹp trong tư duy, suy nghĩ một chiều, văn học miền Nam mở rộng cửa chào
đón nhiều luồng tư tưởng đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt từ châu
Âu. Các trào lưu, lý thuyết văn học được
tự do giới thiệu, phát triển tại miền Nam.
Chúng ta có thể tạm kể đến chủ thuyết hiện sinh, với S. Kiekegaard,
F. Nietzsche, K. Jaspers, M. Heidegger, J.-P. Sartre, v.v.; đặc biệt trong sáng
tác và kịch bản văn học của Sartre, Camus, S. de Beauvoir, F. Sagan. Rồi hiện tượng luận với Husserl,
Merleau-Ponty, Gabriel Marcel, Heidegger, Karl Jaspers, Paul Ricoeur,
Emmanuel Lévinas và Mikel Dufrenne.
Thuyết cấu trúc,
đi từ lĩnh vực ngôn ngữ học của F. de Saussure đến nhân chủng học và văn học
với Claude-Levi Strauss, Roland Barthes, v.v...
Và phân tâm học
(hay nói cho chính xác hơn là "tâm phân học") của Freud, và, sau đó,
của Jung, của Adler, và của những nhà tâm lý khác. Phương pháp "dòng ý
thức"
("stream of consciousness") trong sáng tạo văn học của những tác giả
như Hemingway, Faulkner, James Joyce... cũng được giới thiệu và áp dụng trong
các tác phẩm văn chương của các nhà văn miền Nam. Rồi chủ nghĩa siêu thực của nhóm André
Breton cùng quan niệm của nhóm Dada.
Trào lưu tiểu thuyết mới
của những tác giả như Claude Simon, Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute,
v.v... Người ta đọc và thảo luận về
Socrate, Platon, Descartes, Kant. Viết
và nói về Hegel, Marx, Lenin, Althusser.
Không chỉ thế, người ta còn tìm hiểu, nghiên cứu và thảo luận về các nền
triết học cổ đại và trung đại, về biện chứng pháp của Platon, Hegel và Marx; từ
đó, có người, như Nghiêm Xuân Hồng, đã tìm hiểu về "Biện Chứng Giải Thoát
trong Tư Tưởng Ấn Độ", hoặc "Biện Chứng Giải Thoát trong Giáo
Lý Trung Hoa",
v.v...
Chính cái tự do
tại miền Nam đã cho phép các lý thuyết, trào lưu văn học này được giới thiệu và
phát triển ở đây, thậm chí với những khuynh hướng trái chiều nhau. Cụ thể là về lý thuyết và chủ nghĩa hiện
sinh. Việc giảng dạy, phổ biến và đưa
vào trong sáng tác văn học đã được tiến hành khá đồng bộ. "Hiện sinh vô thần" với Nietzsche
và Sartre, chẳng hạn, có thể cùng đi song song với "hiện sinh hữu
thần" của K. Jaspers và Gabriel Marcel.
Chủ nghĩa hiện sinh không chỉ được phổ biến trong khung cảnh đại học, mà
nó còn xuất hiện trong sách báo, đi vào tâm tư người đọc. Hơn nữa, nó còn thể hiện trong thái độ sống
của những người trẻ trong giai đoạn này.
Tiêu cực thì là lối sống mệt mỏi, buông thả và hưởng thụ, trước một cuộc
chiến kéo dài với bao nhiêu đổ vỡ, mất mát.
Tích cực thì là thái độ dấn thân, nhập cuộc, "lên đường" hay
"xuống tàu" của một lớp tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, muốn cụ thể làm một
cái gì tích cực cho xã hội, cho đất nước, quê hương trước một guồng máy đang
tan rã.
Tất cả những
điều đó, cả những điều tích cực và một số thái độ tiêu cực, trong việc tiếp
nhận và phổ biến các trào lưu, lý thuyết văn học tại miền Nam, đã chỉ có thể
được thực hiện trên mảnh đất của tự do.
Nó cho phép con người ta tiếp cận với những cái mới, cái đang hiện ra, nóng
hổi, cái đang được theo dõi và tranh luận, với nhiều góc cạnh, ảnh hưởng của
chúng. Tất cả những điều ấy làm cho tâm
hồn, trí tưởng của con người như một căn phòng mở cửa để đón gió lộng bốn
phương. Có thể những luồng gió có lúc đã
làm xáo trộn phần nào mọi thứ được bày biện trong phòng, nhưng chính những ngọn
gió ấy đã làm cho người ngồi trong phòng hít thở được những nguồn hương lạ, dạt
dào. Cửa sổ nhìn ra từ căn phòng ấy đã
giúp cho chủ nhân của nó nhìn ngắm được những hình ảnh, phong cảnh tươi mới,
đầy mầu sắc của cuộc đời. Từ đó, chúng
tạo cho con người những cái nhìn, những viễn tượng mới, đưa tâm hồn con người
đi xa vào nhiên giới bên ngoài, cũng như đi sâu hơn vào nội giới bên trong nó,
để, từ đó, nhận biết chính con người mình và cuộc đời hơn. Nhận biết rằng người ta đang hiện hữu trước
cuộc đời. Người ta đang sống. Và sống với tất cả những tiềm thể, những khả
thể có thể tìm thấy trong chính con người.
Về phẩm tính
"hiện đại" của văn học miền Nam, một điều chúng ta cũng nên để ý đến ở
đây là khía cạnh thi pháp.
Thi pháp mà
tôi muốn nói đến ở đây là cách thể hiện tác phẩm văn học. Là cái hình thức, cái kết cấu, cái nguyên tắc
nghệ thuật đã sáng tạo ra tác phẩm văn
học. Nó cũng có thể là cái cách viết,
cách diễn ý, dùng từ, dùng hình ảnh để tạo hiệu ứng cần thiết cho những gì mà
nhà văn, nhà thơ muốn diễn tả. Ngày xưa,
thơ văn là để nói cái đạo, cái chí (như trong "Văn dĩ tải đạo" và
"thi ngôn chí"). Lúc đó, người
ta hầu như chỉ quan tâm đến cái ý, cái chí, cái "đạo", cái nội dung
mà nhà thơ, nhà văn muốn chuyển đạt. Về
sau, đặc biệt từ thời hiện đại, người ta nhận thấy rõ rằng cái hình thức (mà
ngày xưa người ta xem thường, chỉ coi như cái "vỏ" bên ngoài) cũng
chính là cái nội dung, cái bên trong.
Cái bên ngoài, cái dùng để thể hiện, cũng chính là cái bên trong, cái
phần ruột thịt của tác phẩm. Bởi lẽ,
hình thức chính là cái mà nhà thơ, nhà văn chọn lựa, như cách thể hiện thích
đáng, đúng đắn nhất, để nói lên những suy nghĩ và tư tưởng của mình. Nói lên những gì mình muốn diễn đạt, trao
gửi.
Thi pháp của một dòng văn học sẽ cho
thấy, hoặc không cho thấy, tính đồng bộ, song song, cùng nhip của nó, sự bắt
kịp của nó với những cung cách, thể điệu, lối viết, được diễn tả trên thế giới,
trong một khung thời gian nào đó.
Miền Nam chính là vùng đất tốt đẹp và màu
mỡ để những đường nét, hình thức mới, những thể điệu, cung cách mới, lối dùng
từ ngữ, ý tưởng, hình ảnh mới mẻ trong thơ văn được phô diễn và phát triển. Những điều đó trong các tác phẩm của miền Nam
đã cho thấy sự nhịp nhàng và đồng bộ của nó với văn học thế giới.
Trước hết, hãy nhìn về Thơ.
Chúng ta hãy thử đọc những câu sau:
Anh yêu em, yêu em vì em biết nói
Ðã biết thưa: Thưa Anh ! Em còn biết gọi
Sáng trời mưa, khiến cho anh nhớ em
Bây giờ nắng, anh nhớ em nhiều.
Ðã biết thưa: Thưa Anh ! Em còn biết gọi
Sáng trời mưa, khiến cho anh nhớ em
Bây giờ nắng, anh nhớ em nhiều.
Ngồi xuống đây, nghe chim là chim
ca hót
Ðồng cỏ như bàn tay, trời như mắt say
Ta ngó nhau, ôi còn biết nói gì
Hai đứa ngồi, ngồi đó như hai hòn bi
Ðồng cỏ như bàn tay, trời như mắt say
Ta ngó nhau, ôi còn biết nói gì
Hai đứa ngồi, ngồi đó như hai hòn bi
Có cành hoa đẹp anh hái cho em
Em không thèm nhận anh chết cho xem
Và anh sẽ khóc miên man suốt ngày
Ôi chả bao giờ buồn như bữa nay ...
Em không thèm nhận anh chết cho xem
Và anh sẽ khóc miên man suốt ngày
Ôi chả bao giờ buồn như bữa nay ...
Đây là
bài hát "Mùa Xuân Yêu Em" do
Phạm Duy phổ bài thơ "Chuyện Tình" (1) của Đỗ Quý Toàn, viết
vào khoảng năm 1959. Tôi tạm trích lời
bài hát của Phạm Duy, ở đây, mà không trích nguyên văn bài thơ của Đỗ Quý Toàn
vì bài của Phạm Duy hầu như đã dùng lại nguyên văn những câu thơ của thi sĩ,
chỉ thay đổi chút ít cho hợp âm điệu của dòng nhạc. Lời của anh con trai nói với người con gái,
ắt hẳn là người yêu của anh. Nó nghe như
ngô nghê và không "thơ mộng" hay "triết lý" gì cả. Có lẽ đúng như thế, vì nó chỉ là tiếng của
hạnh phúc thốt ra thành lời. Cách nói
như một dạng "baby talk" của những kẻ đang yêu nhau. Nói với nhau như những con chim. Gù gù.
Luýt chuýt.
Nhưng
nó đã trở thành thơ. Nó mang xúc cảm và
nó chuyên chở cái hơi thở và hình ảnh của cuộc đời. Về mặt văn học, nó cũng là một sự thử
nghiệm. Thử nghiệm với tiếng nói, với
cái tình cảm sơ nguyên của con người.
Không màu mè, làm dáng, nó nói thẳng cái tiếng nói của cảm xúc, của tình
yêu con người giữa thiên nhiên và tạo vật.
Nó là thơ ở miền Nam.
Bài thơ
này của Đỗ Quý Toàn làm tôi nghĩ đến hội hoạ của Henri Julien Félix Rousseau, một hoạ sĩ Pháp trong
dòng Hậu-Ấn Tượng (Post-Impressionism) theo cung cách Ngây Thơ, Sơ Thuỷ (Naive,
Primitive manner), nhưng đầy chất nghệ thuật.
Hay là cái cách "nói thơ" sau
đây:
Hôm nay Nga
buồn như con chó ốm
Như con mèo
ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn
như sắp sửa se mình
Để anh giận sao
chả là nước biển...
Đó là những câu mở đầu của bài thơ
"Nga" của Nguyên Sa, một thi sĩ, trong giai đoạn đó, mới từ Pháp
về. Nói về người yêu mà nói như thế!
Nhưng miền Nam, trước hết, đã cho phép anh làm thơ để chỉ nói về những điều nhỏ
bé như vậy, về những tình cảm rất cá nhân, nhưng cũng rất con người. Sau đó, vùng đất và cái văn học của vùng đất
này cũng đã cho phép anh thử nghiệm những giọng điệu khác nhau để nói lên những
cung bậc tình yêu khác nhau của con người.
Anh sống ở đây và anh có tự do.
Anh có quyền thở và thở theo cái nhịp riêng của mình. Đặc biệt, không ai nhòm ngó và can thiệp vào
tình yêu của anh. Nếu nó buồn cười, dị
hợm, và anh công bố nó ra trước thiên hạ, anh phải chịu trách nhiệm về lời công
bố của mình. Nếu nó có vẻ buồn cười,
nhưng lại duyên dáng và đánh được vào những sợi dây đàn cảm xúc của người đón
nhận, anh được khen là thi sĩ. Và được
người đọc yêu mến. Thậm chí bắt
chước. Ở đây, anh được tự do. Nói hay không, và nói thế nào, hoàn toàn là
quyền của anh. Sẽ không có người đòi
kiểm duyệt và yêu cầu anh phải nói năng cho phải phép. Hoặc là cấm anh không được nói những điều cỏn
con, đầy tính "cá nhân chủ nghĩa", và đi ngược dòng với "tiếng
hát chung" như thế. Mà phải lên
tiếng về những gì vĩ đại hay cao cả hơn.
Ở miền Nam, anh có quyền nói ra những câu
thơ như thế.
Hoặc những cách nói bâng quơ mà rất duyên
dáng sau đây của Bùi Giáng:
Thưa em phố Huế
bây giờ
Vẫn còn núi Ngự
bên bờ sông Hương
hay:
Chấm ngòi bút
sắt se vào mực
Viết ra câu
thúc giục sương mù
Hay, nói bâng quơ mà người nghe cảm nhận
được như có gì triết lý ở phía sau lời nói:
Xin chào nhau
giữa con đường
Mùa Xuân phía
trước, miên trường phía sau
Thi sĩ miền Nam có quyền bày tỏ tâm ý mình
theo đúng cách mình nghĩ và mình thích.
Tiếng nói của anh sẽ không bị mổ xẻ, hoặc bị đem ra "đấu tố"
trong những buổi họp ban này hay ban khác.
Hơi thở riêng của anh sẽ không bị "đấu tố". Đó là hạnh phúc và là cái quyền mà người cầm
bút miền Nam được trao tặng.
Bây giờ, hãy đọc những câu thơ này:
Đến anh thì đến
hôm nay
Lỡ mai tuyết
lạnh bảy ngày sẽ qua
Đến anh thân
thể lụa là
Dài đuôi con
mắt ngắn tà váy kiêu
Đến anh mở sẵn
môi điều
Cho anh hôn
xuống trăm chiều ái ân
Đến anh gót chớ
phân vân
Để mai sau có
trăm lần đến anh
Chờ em anh để
râu xanh
Lòng xây bốn
bức tường thành giam em. (2)
Đây là bài thơ có tựa đề là "Râu
Xanh" của Cung Trầm Tưởng, làm vào năm 1965. Ý và tứ, cũng như hình ảnh, rất mới lạ. Cho dù nó đi theo thể lục bát. "Thân phận tình yêu" của người con
gái được nhà thơ yêu sẽ ra sao khi phải đối diện với tình yêu "râu
xanh" của người thơ? Lấy hình ảnh
chuyện "con yêu râu xanh" của Charles Perrault, Cung Trầm Tưởng đã thử
nghiệm với cách nói mới về tình yêu. Thử
nghiệm với chính cái hơi thở của mình.
Và bài thơ của người thi sĩ đã không bị lạc mất trong cách nói đồng phục
của những người khác.
Cũng trong cách tìm tòi ý và tứ mới như
thế, ta có thể để ý đến Trần Dạ Từ:
Hoa và trái một
đêm nào thức dậy
Nghe mộng đời
xao xuyến giấc xuân xanh
Con đường đó
một đêm nào trở lại
Với gió mưa
phùn trên cánh tay anh
Hoa bỗng nở và
trái sầu bỗng chín
Tim xa xưa còn
đó chút trông chờ
Máu thơ dại vẫn
tươi mầu kỷ niệm
Bóng cây nào
che mãi mắt hư vô...
Đây là hai đoạn đầu trong bài "Một
Tháng Giêng" (còn có tên gọi khác là "Mộng Đời") của ông. Ông dùng những ẩn dụ "hoa" và
"trái" một cách mơ hồ nhưng đầy tính bí ẩn, thu hút để bắt đầu bài
thơ. Người ta có thể để ý đến việc để
nói về tình yêu, nhà thơ đã dùng những hình ảnh như "hoa" và
"trái". Rồi
"đêm". Rồi "mộng". Vân vân.
Nhưng còn "máu thơ dại" và "mắt hư vô" nữa. Có âm hưởng gì của thuyết hiện sinh ở đây
không? Hay đó chỉ là những tiếng vọng
của một bầu khí quyển bao trùm lấy con người trong cuộc. Hình ảnh và chữ nghĩa trong bài thơ, trong
cái nhìn của riêng tôi, đã cho thấy ít nhiều những vọng âm của thời đại. Của thuyết hiện sinh với những khái niệm
"hư vô", "xao xuyến".
Của tâm phân học Freud với những ẩn dụ mang tính ức chế, libido, trong hình ảnh của những "hoa"
và "trái", "gió" và "mưa" và
"mộng". Và cũng có thể của tâm
phân học Jung với những khía cạnh mang nét tâm lý miền sâu trong những kết hợp của
"đêm" và "máu", "thơ dại" và "mộng". Và cả "máu thơ dại" nữa. Tất cả những điều ấy ánh xạ những hồi quang
và vọng âm của cả một thời đại.
Cũng thế, đây có thể là một hơi thở thời
đại khác trong thơ Trần Dạ Từ:
Thuở làm thơ yêu
em
Trời mưa chưa
ướt áo
Hoa cúc vàng bên
thềm
Gió may lưng bờ
dậu
Chiều sương dầy
bốn phía
Lòng anh mấy ngã
ba
Tiếng đời đi rất
nhẹ
Nhịp sầu lên
thiết tha
Thuở làm thơ yêu
em
Cả dòng sông
thương nhớ
Cả vai cầu tay
nghiêng
Tương tư trời
thành phố (…)
Đây là bài "Thuở làm thơ yêu em", viết năm 1962, của Trần Dạ
Từ. Tôi đã có cơ hội phân tích khá kỹ và
đưa ra một vài nhận xét cũng như... rung động có tính hơi "vũ đoán"
của mình (3) về nó. Ở đây,
tôi muốn đặc biệt nhắc lại về bốn câu cuối cùng trong phần trích đoạn này. Nó làm tôi chợt nhớ xa gần về những câu thơ
cũng rất đẹp của Apollinaire trong bài "Le Pont Mirabeau", với hình
ảnh của hai người yêu nhau. Thi sĩ
Pháp đã tả hai người nam và nữ, hai kẻ yêu nhau, trong một tư thế thật đẹp,
giống như trong một số bức tranh vẽ tình nhân của Chagall:
Les mains dans les mains
restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l’onde si lasse
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l’onde si lasse
Vienne
la nuit sonne l’heure
Les
jours s’en vont je demeure
Hoàng Hưng, một thi sĩ Việt Nam khác, sau này đã dịch khá đẹp là:
Cứ mặt
nhìn mặt, cứ tay cầm tay
Cánh tay mình kết cầu này
Cho làn nước dưới kia chạy trốn
Những ánh nhìn muôn thuở chán chường thay
Cho đêm cứ về, cho giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây (4)
Cánh tay mình kết cầu này
Cho làn nước dưới kia chạy trốn
Những ánh nhìn muôn thuở chán chường thay
Cho đêm cứ về, cho giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây (4)
Hình ảnh cây cầu dịu dàng làm bằng vòng
tay âu yếm của hai người yêu nhau trong thơ của Trần Dạ Từ và Apollinaire có
thể là trùng hợp. Cũng có thể là những
liên tưởng "liên văn bản". Từ thi
sĩ Việt Nam, hay từ một người đọc Việt nam.
Vấn đề "liên văn bản" (5)
là một vấn đề thú vị, cho thấy văn bản nào của bất cứ một tác giả nào cũng là
một "liên văn bản", bởi lẽ "viết", trong những cái nhìn
khác nhau của các lý thuyết hiện đại liên hệ đến "liên văn bản", luôn
luôn là "viết lại". Viết lại
một điều gì đó đã được một ai đó viết ra từ trước. Dĩ nhiên là với dấu ấn riêng của mình. Viết lại, với ý thức, và, trên hết, với vô
thức, sau khi người viết đã đọc, đã thẩm thấu bao nhiêu là câu chuyện, lời thơ,
văn bản khác nhau mà mình đã được đọc hay nghe trong đời. Tất cả chữ viết của con người, kết hợp lại,
là một liên văn bản bất tận. Trong
trường hợp "cây cầu" ở đây (như tất cả những hình ảnh khác mà ta có
thể đưa ra phân tích trong bất kỳ một văn bản văn học nào), có thể là có một sự
trùng hợp bất ngờ. Và, để lặp lại, cũng
có thể đây là một hiện tượng "liên văn bản", xảy ra với sự làm việc
của vô thức nhà thơ. Nhưng ngay cả trong
trường hợp đó, chỉ có thể sống ở miền Nam, nhà thơ Trần Dạ Từ mới dễ dàng có cơ
hội tiếp cận, trong cái đọc của mình, với những hình ảnh và ý tưởng mới lạ,
đang hiện diện trong văn bản của đủ loại người viết khắp nơi trên thế
giới.
Dù sao, tôi cũng nghĩ, có khi, cách dùng
từ "vai cầu" trong câu thơ này của Trần Dạ Từ chỉ là một cách dùng
đặc biệt theo lối người miền Trung, đặc biệt người xứ Huế; nhất là khi người
con gái ông yêu lại là người của đất Thần Kinh văn vật. "Vai cầu", khi ấy, sẽ là hình ảnh mang
tính hoán dụ của cây cầu Trường Tiền. Lấy một "vai cầu" để nói về cả cây
cầu. Thi sĩ so sánh cây cầu như một cánh
tay dịu dàng bắc ngang qua thành phố Huế.
Và đó là thành phố của tình yêu, nói chung, thành phố của kỷ niệm yêu
đương của nhà thơ, nói riêng. Đó cũng là
một cái nhìn ẩn dụ. Và như thế, so với hình ảnh thuần ẩn
dụ mà ta từng nhìn thấy trong cách phân tích trước, là cánh tay của
hai người con trai con gái bắc qua vai nhau làm thành cây cầu dịu dàng yêu
thương kia, hình
ảnh hoán dụ pha lẫn ẩn dụ trong phân tích sau cũng có cái đẹp mềm
mại và đáng yêu riêng của nó.
Nhìn thế nào đi nữa, tất cả cái đọc, cái
suy nghĩ, cái tu dưỡng ngày này qua ngày khác, cộng với một tài năng riêng của
mình, nhà thơ mới tạo được những câu thơ đẹp, trong một nhịp điệu đáng yêu như
thế. Và tất cả những điều đó, những cái
nghe, cái đọc, cái suy nghĩ, tu dưỡng ấy, phải nằm trong một vùng khí quyển nào
đó. Người nghệ sĩ phải có cơ hội sống
trong nó, thở hít cái vùng dưỡng khí ấy, cái vùng dưỡng khí tự do, mở rộng ra
khắp bốn phương trời, thì mới có thể viết ra những ý, những lời như thế. Cái vùng dưỡng khí ở đây chính là cái khí
quyển miền Nam mà ta đang nói đến.
Thi pháp, dù sao, có lẽ sẽ được nhìn thấy
rõ nét nhất trong hình thức của câu văn.
Ở thơ, hãy thử chỉ nói về thể lục bát.
Cách ngắt nhịp thông thường và cổ điển nhất là ngắt nhịp chẵn.
Chẳng hạn, Nguyễn Du, với những bức tranh
trong truyện Kiều:
Đầy vườn cỏ mọc / lau thưa
Song trăng quạnh quẽ / vách mưa rã rời
Song trăng quạnh quẽ / vách mưa rã rời
Trước sau / nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái / còn cười gió đông
Xập xè / én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất / rêu phong dấu giày.
Hoa đào năm ngoái / còn cười gió đông
Xập xè / én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất / rêu phong dấu giày.
hoặc:
Người về / chiếc bóng năm canh
Kẻ đi / muôn dặm một mình / xa xôi
Vầng trăng / ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc / nửa soi dặm trường.
Bây giờ, hãy thử đọc bài thơ sau đây của
một thi sĩ trẻ miền Nam:
Đò qua sông / chuyến đầu ngày
Người qua sông / mặc áo dài suông eo
Sông hiền / sóng lạ lùng reo
Trời bao la / cũng nhìn theo... / ái tình
Người qua sông / qua một mình
Nắng trên sông / nắng vàng hanh mái đầu
Xin em vài sợi tóc nhầu
Trói thân ta / với nghìn sầu / chung nơi
Mong em gìn lấy ơn trời
Thấy quanh năm / thấy ta đời tai ương!
Người qua sông / mặc áo hường
Nắng dương gian / nắng buồn hơn trước nhiều.
Người qua sông / mặc áo dài suông eo
Sông hiền / sóng lạ lùng reo
Trời bao la / cũng nhìn theo... / ái tình
Người qua sông / qua một mình
Nắng trên sông / nắng vàng hanh mái đầu
Xin em vài sợi tóc nhầu
Trói thân ta / với nghìn sầu / chung nơi
Mong em gìn lấy ơn trời
Thấy quanh năm / thấy ta đời tai ương!
Người qua sông / mặc áo hường
Nắng dương gian / nắng buồn hơn trước nhiều.
Người thi sĩ trẻ mà tôi nói ở đây là Nguyễn Tất Nhiên. Và bài thơ là
bài "Chuyến Đò Cửu Long".
Người thi sĩ trẻ, vào lúc anh làm bài thơ này, năm 1972, đã thường xuyên
phá đổ cái nhịp chẵn cổ điển của lục bát trong bài thơ của mình. Bài thơ của anh, phần nhiều đi nhịp lẻ, từ
đó, cho thấy cái nét chênh chao, uốn lượn dập dờn của những con sóng. Sóng trên sông quê hương, và sóng trong lòng
người. Sóng trong lòng anh.
Nhịp của bài thơ không có cái mượt mà, suôn sẻ của một tâm trạng hạnh
phúc. Nó chập chờn, như do dự, như thiết
tha, nhưng là cái thiết tha của một thứ "tình không/chưa dám
ngỏ". Nó quẩn quanh và nó phả ra
một giọng buồn xa vắng. Như cái buồn của
nắng trên dương gian. Hết cuộc đò, hay ở
cuối chuyến đò, nhà thơ trẻ chỉ còn thấy rơi lại một mầu nắng. Từ "dương gian" trong câu thơ cuối
này làm người ta liên tưởng đến một điều gì không mấy hạnh phúc. Như hình ảnh một linh hồn trở về nhìn lại
dòng sông và chuyến đò, và cuộc tình (có lẽ là "một chiều"), đã chớm
nở trong lòng mình một ngày trên cái "cõi dương" cũ kỹ. Tôi nghĩ cái nhịp thơ và, cũng có nữa, những
chữ dùng trong thơ đã khiến tôi, như một người đọc, xúc cảm với bài thơ như
thế.
Một thí dụ khác về cách phá nhịp lẻ của lục bát:
Hồn tôi / cái đĩa thâu thanh
Tròn nguyên nét nhạc / trung thành ý ca
Do / ré / mi / fa
/ sol / la
Ngẫm từng âm
điệu / nghe ra chiều buồn
("Chiều" của Cung Trầm Tưởng)
Câu thứ ba, như thế, đã được nhà thơ ngắt nhịp lẻ, một cách đầy sáng
tạo, thành 1/1/1/1/1/1.
Về thơ, văn học miền Nam còn nhiều con người tài tuấn khác. Như Viên Linh hay Du Tử Lê. Như Nguyễn Đức Sơn, Phạm Thiên Thư, hay Tô
Thuỳ Yên. Họ, cùng với nhiều nhà thơ
khác, đã để lại dấu ấn của mình trong lòng người đọc. Và, đặc biệt, là Thanh Tâm Tuyền. Người đã, từ cái cội nguồn thơ tự do của Xuân
Thu Nhã Tập và thơ thời kháng chiến, mở rộng cái biên độ của thơ tự do đến
những cõi miền mới. (6)
Đã nói về thơ thì chúng ta cũng phải bàn
về Văn.
Người đã có những đột phá rõ nét nhất
trong việc làm mới câu văn, trong giai đoạn hai mươi năm văn học miền Nam, là
Mai Thảo. Ngoài tài sử dụng chữ nghĩa
một cách "diệu thủ", ông cũng là người tiên phong trong việc làm mới
câu văn Việt. Ông viết nhiều câu văn
dài, gồm nhiều câu phức, liên kết, lồng ghép vào nhau, mà ý tứ vẫn rõ ràng và
đẹp. Hoặc kiểu câu dài, nối kết nhau để diễn
tả một dòng ý thức, như đoạn văn dưới đây. Đó là một dòng chảy và cháy không ngừng. Để ý, cả đoạn
này chỉ là một câu được phát triển với những giới ngữ (prepositional phrases)
dùng làm trạng từ chỉ thời gian.
Tôi muốn bảo Luân, anh
nhớ đến em trong tiếng súng ban đêm, những vệt lửa dài cháy vào bóng tối, lúc
bò núi sau lưng cái hình ảnh xót thương còn mang hình trái núi, lúc xuống đồng
bằng trước mặt cái hình ảnh xót thương đã mang hình những ngọn lửa dài, lúc anh
muốn chết, lúc anh muốn sống, lúc tuyệt vọng tối đen vực thẳm, khi tin yêu sáng
chói mặt trời, lúc nhìn xa cái hình ảnh lớn theo ngút mắt, lúc tưởng gần cái
hình ảnh thu cũng nhỏ vào một góc trái tim như một tấm hình kỷ niệm.
Đây là một đoạn văn trong truyện ngắn
"Luân" của Mai Thảo. Trong đoạn kết của truyện này, Mai Thảo dùng
những câu thật ngắn và gọn. Hai câu cuối cùng được tách ra thành một đoạn
riêng. Tính chất ngắn, gọn của các câu văn ở đây khác hẳn tính chất đan kết,
liên tục, mở rộng của những ý nghĩ reo vui như những bọt sóng trong một đoạn khác
nói về tiếng nói của người con gái tên Luân; của những yêu thương bùng cháy
không dứt như một vệt lửa cháy mãi trong đêm tối. Cái ngắn, gọn ở đây mang tính
tragic
pha với pathos.
Nó nằm trong cái biểu tượng của con bướm chết. Một cái đẹp mong manh, tàn lụi
trong cái vô nghĩa và vô tình của cuộc đời.
Sáng hôm sau, tôi xuống
núi thật sớm. Như người đi trốn. Tôi không có can đảm ở lại để nhìn thấy cái
hình ảnh lam lũ của Luân đẩy lưỡi cày trên nền đất rừng cằn cỗi. Trời đã sáng
nhưng hai bên núi rừng còn yên lặng ngủ. Gần tới đường lớn tôi trông thấy một
con bướm. Nó đậu trên một bụi cây thấp. Mình nó vàng ánh với những chấm đen ở
hai đầu cánh. Tôi bắt lấy con bướm và bỏ đi không nhìn trở lại.
Suốt dọc đường tôi nghĩ
đến Luân, đến Phạm, đến Trương, đến tôi. Lúc nhìn xuống, con bướm tự lúc nào đã
chết nát trong lòng bàn tay.
Mai Thảo, trong cung cách làm mới câu
văn, chữ nghĩa của mình, còn đặc thù ở chỗ viết những câu văn được cắt thật ngắn, gọn. Những câu văn có khi mềm, có khi sắc. Nhưng luôn luôn đẹp. Chẳng hạn:
văn, chữ nghĩa của mình, còn đặc thù ở chỗ viết những câu văn được cắt thật ngắn, gọn. Những câu văn có khi mềm, có khi sắc. Nhưng luôn luôn đẹp. Chẳng hạn:
(…) Mùa thu. Moderato, trong nhạc dân gian Phạm
Duy. Lá vàng mùa thu. Doloroso, trong nhạc trữ tình Cung Tiến.
(…) Thơ tiền chiến về
mưa thu, nắng thu lấp lánh thật nhiều châu báu, kim cương nơi thể thơ như một
bình ngọc riêng được đúc ra để đựng hết mùa thu ngây ngất là thể thơ lục bát.
Câu sáu đội mưa thu bay. Câu tám nhặt ngô đồng rụng.
(Văn số 40, 10/1985)
(...) Đích thực mưa
xuân. Phơi phới, nghiêng nghiêng. Và lục bát trên những mái nhà. Và tứ tuyệt
trên những đường phố. Và song thất ở những ngã tư. (…) Đêm qua thức giấc,
thoáng nghe thấy, thật xa, những tiếng mưa trên những cảnh ngộ, những thân thế
quê nhà. Tiếng mưa dài như một cuộc đời buồn. Những tiếng mưa tăm tối.
(Văn số 57, 3/1987) (7)
Một nhà văn khác của miền Nam cũng đã có
những cách tân trong việc làm mới câu văn, tạo hình ảnh và nhịp điệu lạ lẫm cho
riêng nó, là Nguyễn Đình Toàn. Nhiều câu
văn của ông được kéo dài ra gần như một đoạn văn, với nhiều câu văn nhỏ được
dính kết, lồng ghép hoặc xếp kề cận bên nhau, như từng mảnh rừng nhỏ. Rậm rạp. Và thơm. Và Nguyễn Đình Toàn đã đưa vào trong những câu
văn mình cái khí hậu rất riêng do ông tạo ra.
Một khí hậu đầy ắp sương mù. Quấn
quyện. Lan toả. Và ôm lấy người đọc trong cái sinh quyển
riêng của nó. Như một "câu
văn" dài có tính điển hình sau đây trong tiểu thuyết "Áo Mơ
Phai" của ông:
Cái lạnh, hơi nước, và đất ẩm quanh hồ, bám cả trên hai người,
nhất là Lan dù đã lên đến bờ cứ còn chần chờ mãi chưa chịu đi về ngay, thành
thử lắm lúc nàng làm cho Quang có cảm tưởng rờn rợn như là nàng bị ma quỷ của
khu hồ nhập vào người, tiếng cười của Lan nghe lanh lảnh, hoặc có khi nàng lặng
lẽ xếp lại những đồ dùng, quần áo tắm, gió từ dưới hồ thổi lên vẫn không ngớt
làm cho quần áo đầu tóc nàng bay tung, những trận gió mang theo các đám sương
nặng trĩu từ rừng cây xanh đặc bên vườn Bách Thảo vẽ những đường răn reo trên
mặt sóng, mùi bèo nước, mùi rễ cây thối và xa hơn nữa, hương thơm của những
vườn hoa trong khu Ngũ Xã trộn lẫn với nhau, lẩn khuất trong đám sương quần tụ
trên mặt hồ, những đám sương dầy đặc đến nỗi dường vây kín lấy những dư âm hồi
chuông của đền Quan Thánh vừa đổ xuống, làm cho không tan biến đi được, và khi
dư âm của những tiếng chuông đó còn vương vất trên mặt sóng, trong trí tưởng bị
huyễn hoặc, và ngay trên mặt da đã nổi gai vì lạnh, vì bị những ảo giác làm cho
tê điếng, những tiếng chuông nhỏ hơn, nhưng gần hơn của chùa Trấn Quốc phía bên
kia con đường, bên kia những hàng cây, khuất sau con dốc cao giống như một con
đê nhỏ, lại chậm rãi gõ vào cái vắng lặng mênh mông đã vây quanh bốn phía, đó
là lúc bóng tối đã xoá hết riềm cây xanh mờ của phía bờ hồ xa tít tắp, những âm
hưởng cũ còn chưa tan hết, những âm thanh mới đã dội tới ép vào hai bên thái
dương, cùng một lúc với mùi trầm hương phảng phất, trông Lan lúc đó chỉ còn là
một cái bóng mơ hồ, nàng cử động, đi lại, cười nói như trong một giấc mơ (...)
Câu văn trên không có một dấu chấm;
nhưng, thật sự, nó vẫn chưa chấm dứt.
Tôi tạm chỉ ghi lại khoảng ba phần tư của nó. Đó là một câu văn dài với kỹ thuật ghép nối,
thắt bện theo lối liên hoàn mà tôi đã thử ghi nhận ở trên. Cái đáng nói ở đây là, trong một câu văn như
thế, Nguyễn Đình Toàn đã collapse ("dồn đẩy"), trong một số
trường hợp, những câu văn nhỏ, có thể đứng độc lập, vào nhau. Và, cùng với hình ảnh và chữ nghĩa, cùng với cách
lắp và ngắt đoạn, tiết nhịp của các hình ảnh cộng với nhịp điệu bằng trắc của
từ ngữ, nhà văn đã tạo được một không khí, hay đúng hơn, một thứ khí hậu đặc
thù vây hãm câu văn mình. Làm cho mọi
thứ trong ấy như bám quyện vào nhau, có tính cách bội trương, và như được phủ
lên bằng một dải sương mù, không dễ tan đi hoặc không vội tan đi. Tất cả tạo thành một vùng "hãm địa"
thơ mộng vây kín lấy người đọc. Nhà văn
đã đạt được hiệu ứng cần thiết cho câu văn mình. Trong sự làm mới, làm lạ nó. Và trong việc tạo một khí hậu truyện riêng.
Cách viết của Nguyễn Đình Toàn, phần nào,
cũng làm cho ta nhớ đến Proust, trong "À la Recherche du Temps Perdu", người đã
viết những câu văn dài cả trang giấy. Với
cấu trúc trùng bội (la duplication), kết cấu chính phụ (la subordination), và
kỹ thuật phát triển vòng tròn (le développement cyclique), theo Jean Milly (8), những câu văn của Proust đa tầng và rất
phức tạp, được phân nhánh chi chít như hình ảnh của một cây cổ thụ vĩ đại,
những nhịp điệu, suy nghĩ cùng với các biện pháp chuyển nghĩa đan cài trong đó,
khiến chúng được kéo dài ra hay được làm cho thành rậm rạp, "thậm
phồn". Hiệu ứng đạt được, trong cái
nhìn của tôi, là một dòng ý thức như
chảy tràn lan, vô tận trong những ngõ ngách của hồi tưởng, hoài nhớ.
![]() |
Từ trái sang, hàng đầu: Lê An Thế, Hoàng Quốc Bảo. Hàng giữa: Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Đình Toàn. Hàng cuối: Nguyễn Mạnh Trinh |
Thi pháp trong các tác phẩm cả thơ lẫn
văn của văn học miền Nam, như đã nói, chính là cái cho ta thấy sự bắt nhịp,
tính song song, nét hoà quyện với thế giới của nó. Trong cung cách thể hiện, trong việc
"lập trình" tác phẩm. Không
khí tự do, cởi mở và sự tiếp cận rộng rãi với thế giới của miền Nam đã tạo điều
kiện cho các nhà văn của nó bước đi trên những con đường đầy mầu sắc ấy.
3. Một nền văn học
đậm tính nhân bản, nhân văn
So sánh với văn
học miền Bắc, vốn là một nền văn học mà âm hưởng, giọng điệu của nó phản ánh
tính sử thi, thiên về việc thúc giục con người bước vào trận chiến, ca tụng
chiến công, thậm chí tô mầu cho cuộc chiến (và miền Bắc có những lý do để theo
đuổi con đường đó), văn học miền Nam phản ánh cái đau thương, mất mát của con
người trong cuộc chiến nhiều hơn. Nó đi
gần với những trạng thái nhân thế, những gập ghềnh, chao đảo trên nẻo nhân sinh
của con người hơn. Có nghĩa là, trong
văn học miền Nam, người ta có thể nhìn thấy những rung động, những tình cảm
phản ánh toàn bộ những cung bậc sống của con người trong cuộc chiến. Đau thương, bi phẫn, khốn khổ, cay đắng,
tuyệt vọng, lên án cuộc chiến. Lồng vào
những xúc cảm đớn đau nhưng hết sức con người ấy, đâu đó, người ta cũng thấy có
những niềm vui, những hạnh phúc nho nhỏ, cỏn con trong đời thường, những hãnh
diện, tự hào vì vai trò của mình trong việc bảo vệ quê hương.
Nếu bức tranh
của đời sống có thể bao gồm đủ mọi sắc độ cuộc đời, thì, không kể những niềm
vui, những tiếng cười, những nét thắm tươi mà người ta vẫn có thể tìm thấy
trong đời sống văn học miền Nam trong giai đoạn hai mươi năm này, những cung
bậc đau thương nhất trong bản bi ca của con người cũng có thể được tìm thấy ở
đây. Tôi gọi đó là những nét nhân
văn. Những nét đẹp của con người. Văn là vẻ đẹp. Nhưng cái-đẹp-người cũng có nhiều khuôn
mặt. Có khuôn mặt của hạnh phúc. Và có khuôn mặt của khổ đau. Tôi nghĩ những bức tranh đời trong các tác
phẩm của Dostoievsky, những bức tranh đi gần với sự xót xa, đau khổ, dằn vặt
của kiếp người, thật sự rất nhân văn.
Nhà văn này đã nói, "Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới". Và cái đẹp của ông là gì? Chắc chắn là nó có bao gồm những điều muốn xé
toạc thế giới, xé toạc trái tim con người, nhưng chính những điều ấy, cùng với
sự hy sinh và kiên nhẫn của chính con người để chịu đựng chúng, từ đó vươn lên
và chiến thắng, đã tạo nên cả khuôn mặt lẫn trái tim con người. Một nền văn học đi gần với những điều ấy, tôi
gọi đó là một nền văn học mang tính nhân bản.
Hơn nữa, nó phản ánh cái khuôn mặt mang nét nhân văn của nhân loại.
Người ta có thể
đọc Dương Nghiễm Mậu hay Phan Nhật Nam để nhìn thấy rõ điều đó. Dù sống trong thành phố hay ở ngoài mặt trận,
những con người cầm bút này đã trung thực viết nên những trang văn phản ánh
cuộc sống chung quanh và trong trái tim mình.
Họ đã đi dọc quê hương và đi dọc tâm hồn người để nhìn ra những điều đớn
đau, xót xa và bi đát của thân phận con người trong cuộc chiến. Một cuộc chiến tàn khốc mà nhiều người viết miền
Nam, kể cả những nhà văn này, đã vừa sống với vai trò của mình như một công
dân, vừa sống với trái tim mình như một con người, để viết lên những trang văn
thấm đẫm sự khổ đau, bi phẫn với một thái độ trung thực nhất.
Mà không phải
chỉ có Phan Nhật Nam và Dương Nghiễm Mậu.
Còn biết bao nhà văn, nhà thơ khác của miền Nam như Thảo Trường, Y Uyên,
Nhật Tiến, Thế Uyên, Nhã Ca, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Tuý Hồng,
Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, cùng với bao nhiêu khuôn mặt, cây bút khác nữa, đã nói lên
tất cả những trạng thái con người của cả một nửa dân tộc trong cuộc chiến. Họ thẳng thắn nhìn nhận những nỗi đau của con
người, thân phận của nó, với những tân toan cay đắng cũng như ngọt bùi hạnh
phúc, trong những nhát cắt, giống như những vết chém, những tia sét, của một
cuộc chiến tàn khốc và vô lý. Họ nhìn
thẳng vào những góc cạnh tan nát của gương mặt quê hương. Đôi khi, họ cũng lau mồ hôi và nước mắt trên
khuôn mặt ấy, nhưng họ đã để cho cái nhân dáng ấy được nguyên là nó. Không tô vẽ.
Không giấu giếm. Cho dù họ có xót
xa, đau đớn đến mấy chăng nữa.
Mà cũng không
phải chỉ mô tả hình ảnh một "quê hương tan rã" (nói theo ngôn ngữ của
Chinua Achebe), những nhà văn miền Nam, trong khung cảnh chiến tranh
tàn khốc, vẫn không quên theo dõi và mô tả cuộc sống và tâm hồn người như nó
vẫn đang tiếp diễn, bất kể tên đạn và lửa cháy vây quanh. Họ mô tả cuộc sống bên trong và bên ngoài con
người như nó vẫn đang vận hành, máy động.
Tuý
Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Trùng Dương, Lệ Hằng, Trần Thị NgH.,
chẳng hạn, vẫn được phép viết về những thao thức của thân xác người nữ, của
những đam mê cháy bỏng bên ngoài hay của những dằn vật, bùng bốc tình dục bên
trong. Nguyễn Đình Toàn vẫn được viết về
cái hơi nóng âm ỉ, như một hòn than trước khi nguội chết, của một ông già, khao
khát một thân thể phái nữ. Nhân vật
chính của ông, ở đây, như quán chiếu, nói thầm với chính lòng mình, với cơn
khao khát mình, trong một không gian đầy sương mù của lãng quên. Và trong một giọng nói nhuốm đầy "khí
hậu" mục rữa của tuổi già.
Hay như
Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, trong một truyện ngắn, đã viết về cái yếu đuối, tầm thường
của một con người. Truyện ngắn
"Lòng Trần" kể về cuộc đời của con người ấy. Nửa đầu là đời sống của một cô đào hát bội
tài sắc, được bao người yêu chiều, săn đón; nửa sau, lấy chồng, là người đã mê
man theo mình, chăm sóc từng chút cho mình trong cuộc đời duổi rong lưu
diễn. Rồi chồng chết, cô cắt tóc đi tu,
trở thành một sư nữ, sống một cuộc đời khổ hạnh, giữ gìn trai giới rất nghiêm
cho tới lúc tuổi già. Thế mà, trước khi
chết, trong cơn hấp hối, người nhà bu quanh, mong nghe những lời chỉ giáo cuối
cùng, thì vị sư nữ già chỉ khát khao xin được húp một muỗng nước mắm. Và bà, lúc ấy, cũng chẳng còn nhớ mình là một
vị sư nữ được bao người trọng vọng, nể vì. Bà chỉ còn nhớ mình là một cô đào hát bội mà
thôi. Và người nhà đã từ chối bà muỗng
nước mắm mà bà thèm khát ấy, với mong ước giúp bà đi cho trọn đường để thành
chánh quả. Bà chết đi trong cơn hành hạ của
thể xác vì không được thoả mãn mong ước cuối cùng. Trong một đất nước đang trong cơn binh đao,
lửa máu, câu truyện về cái thèm muốn tầm thường, bé nhỏ ấy của con người vẫn
được viết ra và được phổ biến tại miền Nam.
Cái nhân bản, nhân văn, cái khuôn mặt người của văn học miền Nam, ở một
mức độ và góc cạnh nào đó, cũng nằm trong ấy.
Như
thế, văn học miền Nam, trong tất cả những sắc thái miêu tả nhân sinh, miêu tả
cuộc đời, miêu tả cuộc chiến, và miêu tả tâm hồn con người ấy, đã cho thấy đầy
đủ cái quang phổ của cuộc đời. Dù cái
quang phổ ấy như thế nào đi chăng nữa, nó đã cho người ta thấy được con
người. Và con người miền Nam cũng như
tâm hồn của nó đã được chiếu sáng trong cái dải sáng, khi thì chập chờn, lúc
lại chói gắt, nhiều mầu sắc ấy. Ở đó,
chúng ta thấy một khuôn mặt người. Một
khuôn mặt có những khi bị xé nát, dúm dó, đau khổ, quằn quại và đầy thương
tích. Nhưng đó là một khuôn mặt
người. Nó không phải một tấm mặt nạ.
4. Một nền văn học
khai phóng, đa sắc, và đa dạng
Văn học miền
Nam là một nền văn học khai phóng. Có
thể chưa phải là "khai minh", vì nó vẫn còn những vùng tối, những
giới hạn, do những yếu tố thuộc cả về con người lẫn lịch sử. Nhưng đó là một nền văn học mở. Nó mở ra thế giới, đón nhận nhiều luồng gió
mới với tất cả những màu sắc và đường nét của một thứ "hương
xa". Nó liên thông với thế giới,
gắn bó mật thiết với tất cả những gì thuộc về con người. Sở dĩ như thế vì, trước hết, yếu tố căn bản
của nền văn học này, để nhắc lại lần nữa, là tự do. Khái niệm và vấn đề hành xử quyền tự do ấy có
thể được nhìn thấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
4.1 Lĩnh vực Giáo dục
Trước hết là
trong lĩnh vực giáo dục. Đây là một nền
giáo dục mở, bắt nguồn từ những quan niệm đúng đắn và khai phóng. Trong giai đoạn đầu, những lớp học theo
chương trình Pháp và Pháp-Việt đã đào tạo được một lớp trí thức có cái nhìn
rộng và chắc chắn về văn chương và văn học thế giới. Lớp người này đã đóng góp được những cống
hiến quý báu cả trong lĩnh vực sáng tác lẫn trong lĩnh vực đào luyện những thế
hệ lớp sau, nối gót họ. Giai đoạn sau,
khi môi trường giáo dục đã được chuyển hẳn qua chương trình Việt, những nỗ lực
trao truyền và phát triển tiếp tục được thực hiện. Chương trình tiếng Việt dần dần được củng cố,
cả ở cấp độ trung học và đại học. Và nó
trở thành nguồn trao truyền và phát triển kiến thức trên đủ mọi mặt của học
sinh, sinh viên Việt Nam.
Ngay tại trình
độ trung học, học sinh đã được học tập và hướng dẫn để đón nhận những kiến thức
nền, những kiến thức căn bản trong hiểu biết của con người về thế giới nói
chung. Ngoài phần khoa học tự nhiên, họ
được học hỏi về văn, về sử một cách khách quan, không định kiến. Và họ bắt đầu được làm quen với các khái niệm
và những vấn đề căn bản của triết ở năm cuối trung học, trong những lĩnh vực
Luận lý, Đạo đức, Tâm lý, và Siêu hình.
Khi lên đến Đại học, người sinh viên bước vào một khung cảnh mới mẻ và
nhiều tự do hơn nữa. Ở trình độ này, họ
càng nhận thức rõ vai trò của người trí thức nơi thái độ độc lập trong suy
nghĩ. Nền giáo dục đại học tại miền Nam
được phát triển nhờ vào tính tự trị của đại học. Đại học không chịu áp lực hay ảnh hưởng của
chính quyền.
Trên phương
diện văn học, tại miền Nam, các giáo sư có thể giới thiệu với môn sinh mình đủ
các thứ triết thuyết và trào lưu mới trên thế giới. Các giáo sư có thể có những thiên hướng về triết
hoặc văn học trái chiều nhau, nhưng họ vẫn được công khai giảng dạy. Thậm chí,
họ có thể trình bày và giảng dạy cả các khuynh hướng thiên tả hoặc về chủ nghĩa
của Karl Marx mà không có vấn đề gì.
Nguyễn Văn Trung, một giáo sư đại học và cũng là một nhà nghiên cứu, phê
bình văn học, đã có thể phát biểu: "Cộng Sản, người anh em tôi", như
tựa đề một "nhận định", một tiểu luận, của ông (Sau này, hình như đổi
lại thành "Cộng Sản, người anh em thù địch"). Cũng trong tinh thần khuyến khích phát biểu,
trao đổi và dám thẳng thắn trình bày suy nghĩ của mình, ông còn viết các cuốn
sách như "Ca Tụng Thân Xác" và "Ngôn Ngữ và Thân Xác",
trong khi chúng ta hiểu rằng, trên căn bản, Việt Nam nói chung, và miền Nam nói
riêng, lúc ấy, vẫn là một quốc gia chịu ảnh hưởng Khổng Mạnh. Ngoài ra, trong khung cảnh xã hội miền Nam giai
đoạn đó, "thân xác" chưa được lên ngôi, và người ta vẫn dành cho tinh
thần một ngôi vị cao quý. Thân xác,
trong văn học và trên bề mặt đức lý, của tôn giáo cũng như của đời sống văn
học, chỉ là một "vai phụ", cho dù đôi khi cái "vai phụ" ấy
cũng cất tiếng đòi hỏi quyền sống của nó.
Các sinh viên
được khuyến khích tham dự tranh luận theo nhiều chiều, mở rộng nhãn quan và tư
tưởng mình qua việc tiếp cận với những trào lưu, chủ nghĩa, triết thuyết khác
nhau. Và tự do đại học là gần như tuyệt
đối. Nguyễn Trọng Văn, một giáo sư Triết
trung học và cũng là một người viết tiểu luận văn học trên một số tạp chí giai
đoạn thập niên 1970, đã có thể thuyết trình tại đại học Văn Khoa Sàigòn đề tài
"Phạm Duy đã chết như thế nào?".
Chúng ta nên nhớ là, trong giai đoạn đó, Phạm Duy vẫn là một nhạc sĩ rất
nổi tiếng. Bây giờ, có một độ lùi thời
gian để nhìn lại, có thể hiểu rõ hơn về những phức tạp trong nguyên nhân về vụ
thuyết trình này, người ta lại càng nhận thấy rõ tinh thần tự do, mở cửa trong
phát biểu, trao đổi, tranh luận trong không khí văn học và sinh hoạt học thuật
của miền Nam thời ấy.
4.2 Ảnh hưởng của các triết thuyết
Triết cũng là
một lĩnh vực quan trọng trong việc khai mở, khuyến khích sự suy nghĩ và đặt vấn
đề của con người. Triết khuyến khích,
thúc đẩy người ta đặt câu hỏi về vấn đề hiện hữu, hiện hữu với tha nhân, vấn đề
sống cùng và sống với người khác, vai trò của tôn giáo, ý nghĩa của cuộc sống,
về vấn đề luân lý, đạo đức trong đời sống, vấn đề bản thể của con người, hiểu
biết về con người cũng như về những giới hạn của nó, v.v...
Triết khiến cho
con người không phải là một thực tại "lù lù có đó", mà là một thực
thể hiện sinh sống động, có hơi thở và máu thịt. Và suy tư.
Cogito. Sinh viên được đào tạo để hiểu biết về cả hai
nền Triết Đông và Triết Tây, nhờ thế, có được sự quân bình trong hiểu biết, suy
nghĩ của mình. Các trào lưu triết học
được nghiên cứu và suy ngẫm. Những
khuynh hướng khác nhau được bênh vực và chống đối. Và trong những sinh hoạt sôi động, phản ánh
tinh thần trao đổi và học hỏi, người sinh viên được tập cho làm quen với những
cái mới, cái khác. Và cũng từ đó, tập
bao dung hơn với những điều không nằm trong quan điểm, lập trường của
mình. Thái độ ấy làm cho con người tỉnh
táo và sống một cách "nhân văn" hơn.
Con người trí thức, vì thế, tuy được huấn luyện để có một khả năng phán
đoán và chọn lựa, để có một "thái độ" và chủ kiến trong những vấn đề của
cuộc đời, nhưng họ không được khuyến khích đi đến chỗ cuồng tín và gạt bỏ niềm
tin hay sự xác tín, suy nghĩ của người khác.
Một lớp giáo
sư, học giả có uy tín thời đó, có thể tạm kể những tên tuổi như Nguyễn Văn
Trung, Trần Thái Đỉnh, Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn
Đăng Thục, Nguyễn Duy Cần, và nhiều người khác nữa, đã có những đóng góp về mặt
này mặt khác, trong cả hai lĩnh vực Triết Tây và Triết Đông, đã là những đầu
tầu đầy năng lực, kéo cái toa tầu triết miền Nam đi đến những vùng suy tưởng
của đời sống tinh thần nhân loại.
4.3 Lĩnh vực
Dịch thuật và Sáng tác
Nét khai phóng
của văn học miền Nam cũng có thể thấy rõ trong lĩnh vực dịch thuật. Các tác phẩm dịch thuật chính là một cây cầu
nối rõ rệt nhất đưa con người từ một nền văn hoá này đến một nền/những nền văn
hoá khác. Nó làm giàu kinh nghiệm và
nhận thức của con người. Qua tác phẩm
đến từ những nền văn hoá dị biệt, người đọc miền Nam được tiếp cận với nhiều
truyền thống văn học khác nhau, những lối sống, ứng xử, suy nghĩ, mơ mộng...
khác với cung cách sống đời của họ. Người
đọc miền Nam có dịp thâu thái những hiểu biết về con người, nói chung, trên tất
cả các mặt như lịch sử, xã hội, tâm lý, văn hoá từ những ngọn nguồn khác
biệt. Tất cả những điều đó làm phong phú
thêm cái nhìn và sự cảm nhận của độc giả đối với những hiện tượng con người,
những trạng thái nhân thế.
Theo Võ Phiến
trong "Văn Học Miền Nam / Tổng Quan", vào năm 1972, thị phần sách
dịch chiếm đến 60% số đầu sách được xuất bản tại miền Nam; và đến năm 1973, nó
đã lên đến 80%. Và theo Trần Trọng Đăng
Đàn, trong "Văn Hoá, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975", số dịch phẩm
tại miền Nam trong 20 năm đó có thể được chia ra thành: Pháp 499 cuốn, Đài Loan và Hương Cảng 358
cuốn, Mỹ 273 cuốn, Nga 120 cuốn, Anh 97 cuốn, Nhật 71 cuốn, Ý 58 cuốn, Đức 57
cuốn. Các nước khác chiếm 38 cuốn. Như thế, các sách được dịch, bao gồm cả sách
nghiên cứu và các sáng tác, nhưng chủ yếu là tiểu thuyết, đến từ cả Âu châu, Mỹ
Châu và Á Châu. Chúng chuyên chở suy
nghĩ và kinh nghiệm sống của một mẫu dân số rộng lớn và bao quát, gần như bao
gộp tư tưởng và đời sống của cả nhân loại.
Ta có thể kể tên những dịch giả tài ba của Việt Nam, như Nguyễn Hiến Lê,
Vũ Đình Lưu (Cô Liêu), Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Phùng Khánh, Phùng Thăng,
Trần Xuân Kiêm, Bửu Ý, Ngọc Thứ Lang, Nguyễn Hữu Hiệu, Đỗ Khánh Hoan, Mặc Đỗ, Phạm
Trọng Khôi, Đinh Bá Kha, Vương Đăng, và bao nhiêu dịch giả khác nữa. Tất cả đã kéo thế giới và tâm tình nhân loại
về gần với con người Việt.
Cùng thời gian
đó, trong lĩnh vực dịch, văn học miền Bắc không phải là không có những đóng
góp. Nhưng hầu hết các dịch phẩm được
phổ biến là từ Liên Xô và các nước Đông Âu trong quỹ đạo Cộng Sản. Những dịch phẩm này, ở một mặt nào đó, cũng
làm giàu cho hiểu biết và sự nhận thức của con người Việt, nhưng, ở một mặt
khác, đặc biệt với những sáng tác phẩm được viết trong cái khung của chủ nghĩa
Cộng Sản, phản ánh lý luận và suy nghĩ có phần nào đồng phục và một chiều, biên
độ nhận thức và những kinh nghiệm con người trong đó không được mở rộng. Chúng có những giá trị riêng về mặt nhân văn,
nhưng có những cung bậc và mầu sắc phản ánh chưa đạt được tầm phổ quát của
những cái nhìn nhân loại.
Miền Nam, trong
lĩnh vực dịch, từ sự giới thiệu các triết lý, chủ thuyết, trào lưu văn học, đến
các sáng tác của bao nhà văn nhà thơ tài ba khắp nơi trên thế giới, đã bơm vào
một dòng máu mới cho sự nhận thức và mở rộng biên độ xúc cảm của người
đọc. Nó gắn bó người đọc Việt với nhịp
đập chung của con tim, của tâm tình nhân loại.
Nó làm phong phú thêm cho người đọc, nhất là cho người viết miền Nam, sự
hiểu biết về những kinh nghiệm con người.
Nó đẩy họ đến việc khám phá chính trong đời sống và tâm hồn mình những
vùng đất lạ, vốn, trước đó, đã có mặt, nhưng chưa từng được khai hoang. Thế nên, từ đó, sáng tác của các nhà văn, nhà
thơ Việt trở nên hết sức phong phú, so với giai đọan trước 1954.
Sáng tác văn
học của các nhà văn, nhà thơ Việt, từ đó, mang đủ giọng điệu, đề tài và phong
cách. Con người sáng tạo trong nền văn
học miền Nam như tìm được cái phần tâm hồn thiếu vắng của mình. Họ đào sâu vào những nhận thức, những rung
động mới khám phá, mới tìm được. Và họ
đã đem cái hiểu biết, cái kỹ năng mới về mắt nhìn cuộc đời cũng như về những
cách thức mới để mô tả nó vào tác phẩm của mình. Con người trong các tác phẩm họ như được cấp
cho nhiều chiều hơn. Và hình như nó cũng
hạnh phúc và đau khổ hơn trước. Cả cái
cay đắng, mệt mỏi, thất vọng, chán chường, lẫn cái ngọt ngào, lấp lánh, thiết
tha, hy vọng của cuộc sống đều như ùa vào trong tác phẩm họ.
Bao nhiêu nhà
văn, nhà thơ miền Nam đã tự nói, tự viết về mình, cũng như đã nói hộ, viết hộ,
cho bao con người miền Nam, những tâm tư, tình cảm mà cuộc sống đã đẩy họ đối
mặt với. Những nhà văn tiêu biểu và được
người đọc nhận biết nhất đã được chúng ta thử nhận diện trong một phần trước,
phần nói về cái hiện đại của văn học miền Nam.
Dù sao, đó chỉ là một vài khuôn mặt và nhân dáng nổi bật. Văn học miền Nam trong giai đoạn này, thật
sự, đã được làm nên bởi một tập hợp những người viết với những bản sắc khác
nhau, những suy nghĩ và cách diễn tả, trình bày khác nhau. Cái quần thể tạo thành bởi tất cả những người
viết ấy đã làm nên văn học miền Nam. Và
cái văn học ấy, ở một mức độ nào đó, cũng đã làm nên con người miền Nam trong
20 năm của cuộc chiến. Và những con
người đó vẫn đang còn sống, tan loãng và dàn trải vào cuộc sống mới mẻ tại quê
nhà, cũng như vào cuộc sống mới ở khắp nơi, tại khắp các vùng đất có con người
sinh sống trên mặt địa cầu. Và cái văn
học ấy đã thấm đượm, tiếp tục làm cho họ sống và thở với những giá trị nhân bản
và nhân văn mà họ đã, trong một giai đoạn sống, được tiếp cận trong đời.
4. 4 Sự nở
rộ của báo chí, tạp chí văn học và ảnh hưởng của nó nơi người viết, người đọc
Tự do báo chí
cũng là một yếu tố góp phần vào việc phát triển văn học miền Nam. Trong cả hai nền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà
tại miền Nam, báo chí đã giống như một vườn hoa muôn sắc, phản ánh tiếng nói,
quan điểm và suy tư của cả một xã hội.
Kể từ sau di cư 1954, tiếng nói của báo chí miền Nam đã hiện rõ với
những tờ báo như Tự Do
của nhóm Tam Lang, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như
Phong, Nguyễn Hoạt, Vũ Khắc Khoan, Phạm Tăng, Đinh Hùng, và tờ Ngôn
Luận
của nhóm Hồ Anh. Rồi tiếp đến là những
tờ như Người Việt Tự Do
của Mặc Thu, Tiếng Miền Nam
của Nguyễn Phương Thiệp, Tự Do
của Lý Trung Dung (sau đó, thay vào bằng Phạm Việt Tuyền), Chính
Luận
của Đặng Văn Sung, Tin Văn
của Tô Văn, Sống
của Chu Tử, Thời Luận
của Nghiêm Xuân Thiện, Tiền Tuyến
của Lê Đình Thanh, Xây Dựng
của Nguyễn Quang Lãm. Rồi Tin
Sáng, Dân Chúng, Dân Đen, Chánh Đạo, Dân Chủ, Thời Đại, Dân Tiến, Sống Mới, Chuông
Mai, Thần Chung, Điện Tín, Đại Dân tộc, Sóng Thần, Hoà Bình, Công Luận, v.v...
Chúng ta không
thể kể hết được tên các tờ báo trong 20 năm văn học miền Nam. Đó là một sự nở rộ của báo chí, thể hiện
nhiều lập trường và quan điểm khác biệt.
Với những ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng, tất cả những sự nở rộ đó đã cho thấy
một không khí nhộn nhịp và náo động, nhưng khá nhiều chất tự do của miền Nam.
Ngoài các tờ
báo, ta cũng phải nói đến sự phát triển và ảnh hưởng của các tạp chí văn
học. Chúng ta có thể kể đến những tờ như
Sáng Tạo
của nhóm Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo
(với sự cộng tác thường xuyên của nhiều tên tuổi trong giới văn học nghệ thuật thời
đó như Quách Thoại, Lữ Hồ, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Tô Thuỳ Yên, Nguyên
Sa, Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng); Hiện Đại của Nguyên Sa
Trần Bích Lan; Bách Khoa
của Huỳnh Văn Lang, (và, sau đó, Lê Ngộ Châu, với nhiều cây bút được độc giả
theo dõi kỹ như Võ Phiến, Nguyễn Hiến Lê, Võ Hồng, Nguyễn Ngu Í, Vũ Hạnh,
Nguyễn Văn Xuân, Đoàn Thêm, Bình Nguyên Lộc, v.v.); Đại
Học
của linh mục Cao Văn Luận (với những bài viết đầu tiên của Nguyễn Văn Trung,
mang theo một luồng gió mới lạ vào tiểu luận, nhận định văn học với hướng phân
tích hiện tượng luận theo thể điệu Sartre-Nguyễn Văn Trung); Nghệ
Thuật của Mai Thảo, với thư ký toà soạn là Viên
Linh; Thế Kỷ 20
với Nguyễn Khắc Hoạch; Quê Hương
của Nguyễn Đăng Thục; Vấn Đề
của Vũ Khắc Khoan; Văn Học
của Phan Kim Thịnh; Văn Nghệ
của Lý Hoàng Phong và Dương Nghiễm Mậu; Văn của nhóm
Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao (và, sau đó, của Mai Thảo); ba tờ tạp chí Hành
Trình, Đất Nước, Trình Bày của nhóm Nguyễn Văn Trung, Thế Nguyên, Lý Chánh Trung;
Giữ Thơm Quê Mẹ
của Nhất Hạnh. Rồi Nghiên
Cứu Văn Học
(Thanh Lãng), Tư Tưởng và Vạn
Hạnh
(nhóm Phật giáo thuộc viện Đại học Vạn Hạnh, nổi bật với Phạm Công Thiện, Bùi
Giáng, Ngô Trọng Anh, Tuệ Sỹ, Nguyễn Hữu Hiệu), Đối Diện (và, sau đó,
là Đồng Dao, ĐD, Đứng Dậy, của nhóm Công Giáo, với các linh mục Chân Tín và
Nguyễn Ngọc Lan); Ý Thức
(Lữ Kiều, Nguyên Minh), Khởi Hành,
và sau đó là Thời Tập
(Viên Linh), Thái Độ
(Thế Uyên), Đời
(Chu Tử) ...
Tất cả các tạp
chí/nguyệt san này, với những tác giả thuộc đủ mọi nhóm, đoàn, gốc gác địa lý,
khuynh hướng xã hội, tôn giáo, hoặc trào lưu văn học, đã thể hiện tiếng nói, tư
tưởng học thuật, quan điểm xã hội, lập trường chính trị của mình một cách rõ
nét; từ đó, ảnh hưởng đến lối nhận thức, suy nghĩ, nhìn ngắm vấn đề của tầng
lớp trí thức, nói riêng, và của người đọc miền Nam, nói chung. Qua những tạp chí văn học, đặc biệt là tờ Văn, người đọc
miền Nam đã được giới thiệu để làm quen với những tư tưởng, trào lưu văn học mới
nhất trên thế giới. Họ cập nhật được
những kiến thức, hiểu biết về văn học, văn chương của thế giới. Và, cũng từ đó, những sáng tác phẩm của nhà
văn miền Nam trong giai đoạn này đã bứt thoát khỏi cái ảnh hưởng của trào lưu
lãng mạn tiền chiến để bước chân vào những vùng khai phá mới: tiểu thuyết mang mầu sắc hiện sinh, ảnh hưởng
của chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa siêu thực, dấu ấn của phân tâm học, những
sáng tạo theo khuynh hướng tiểu thuyết mới, v.v...
Việc thành công
hay thất bại, cũng như nếu thành công thì ở mức độ nào, của những sáng tạo đó
không phải là chủ đích của phần viết này.
Ở đây, chúng ta chỉ ghi nhận là đã có những chuyển động, trên phương
diện văn học, về phía những cái mới, qua sự ảnh hưởng của các tờ tạp chí
đó. Thái độ của người dân trước những
vấn đề của xã hội, của con người cũng được đào sâu, mở rộng hơn, trên một số
khía cạnh. Người ta không sống thờ ơ,
cạn cợt như trước được nữa. Trong một
khung cảnh xã hội như thế, trước những vấn đề cấp bách, thiết thân với cuộc
sống con người được mang ra mổ xẻ, đào xới đến tận gốc rễ như thế, con người,
nếu không nhập cuộc, theo một cung cách nào đó, thì cũng đã cảm thấy mình gắn
bó hơn với những vấn đề bức thiết của xã hội, với lương tâm của con người, của
chính mình, và với hướng đi của đất nước.
III. Tóm Kết
Đặt trong sự
phát triển chung của văn học Việt Nam, cũng như của văn học hiện đại thế giới,
hai mươi năm văn học miền Nam đã có những đóng góp hết sức đáng kể. Nó cũng phản ánh văn học thế giới trong cuộc
sống hiện đại. Dòng văn học ấy không bị
cắt rời khỏi những tư tưởng, trào lưu chung của con người, đặc biệt con người
hiện đại, với những dằn vặt, suy tư, trăn trở, khủng hoảng, tìm kiếm, và với
những hạnh phúc, đớn đau, chán chường, tuyệt vọng, hay những nhận thức, ý thức
về bản thể, về hư vô, về vai trò của con người như một khả thể, như một giá trị
(một giá trị tự tại trong cuộc sống giữa đời, hay một giá trị siêu hình khi đối
mặt với hư vô hay với ý nghĩa đời người).
Con người trong các tác phẩm văn học miền Nam không mang tính chất mặc
định, đông cứng. Mà nó được trình hiện ở
đủ mọi góc độ, gam mầu, và trạng thái nhân gian.
Văn học miền
Nam, qua đó, cũng gắn bó với các khám phá về những chiều kích tâm lý, những
chiều sâu vô thức của con người. Văn học
miền Nam, cùng với văn học thế giới, trong 20 năm đó, qua những hình thức mới,
đã góp phần tìm hiểu và phản ánh con người như một thân phận và một giá trị:
văn học đã đặt con người trước nhiên giới và nhân giới như những chứng nhân
nhìn cuộc hiện sinh bi tráng, hân hoan hạnh phúc cũng như khổ đau hệ luỵ của
nó. Nó cũng đặt con người cầm bút Việt Nam
nói chung, các nhà văn nhà thơ Việt Nam nói riêng, trước lương tâm nhân
loại. Nói như William Faulkner trong
phần cuối của bài diễn văn nhận giải Nobel:
"Tôi tin tưởng là con người không chỉ chịu đựng để
sống còn: nó còn thắng cả định mệnh của nó. Con người bất tử không phải ở chỗ
nó là loài vật duy nhất trong các tạo vật cất lên tiếng nói không mệt mỏi về
thân phận của chính mình, nhưng ở chỗ nó có một thần khí, một tâm hồn có khả
năng trắc ẩn và hi sinh và chịu đựng. Nhiệm vụ của nhà thơ hay nhà văn là phải
viết về những điều ấy. Trọng trách của nhà văn nhà thơ là phải giúp con người
chịu đựng để sống còn bằng cách nâng cao tâm hồn con người, bằng cách nhắc nhở
con người tới lòng can đảm và danh dự và hy vọng và kiêu hãnh và bác ái và từ
bi và hi sinh đã là vinh quang huy hoàng của quá khứ nó. Tiếng nói của nhà thơ không nhất thiết chỉ là để ghi
lại dấu chứng của con người, nó còn có thể là một trong những thứ nâng đỡ,
những trụ cột giúp cho con người kiên trụ và chiến thắng." (9)
Trong hai mươi năm văn học miền Nam, các
người cầm bút miền Nam nói chung, và đặc biệt trong quy chiếu giới hạn vào các
nhà văn, nhà thơ Việt miền Nam, nói riêng, đã hoàn tất khá tốt đẹp điều đòi hỏi
mà Faulkner, như một nhà văn tài năng của thế kỷ XX, và như một biểu tượng cao
đẹp của lương tâm nhân loại, lương tâm con người, đã cất tiếng nhắc nhở: Nhà văn, ngoài nhiệm vụ giúp con người chịu
đựng để sống còn, ngoài trách nhiệm nhắc nhở con người tới lòng can đảm và danh
dự và bác ái và hi sinh đã từng là những điểm sáng soi chiếu vóc dáng nó, các
người cầm bút VN, trong hai mươi năm văn học miền Nam, đã làm được công việc
cần thiết và cao đẹp ấy: nhắc nhở con
người về tính nhân bản mà nhiều khi nó đã bỏ mất, về sức sống và sự chịu đựng
mãnh liệt để tồn tại và vươn tới của con người nói chung, con người Việt Nam nói
riêng.
Văn học miền Bắc, trong bối cảnh và chủ
trương riêng của mình, trong hai mươi năm của cuộc chiến, đã có những nét vẽ
riêng, những bảng mầu, những cung bậc, tiếng nói riêng, để, phần nào, định dạng
và định tính xã hội và con người miền Bắc.
Qua đó, cũng cho thấy một khuôn mặt cần được nhìn ngắm của cuộc chiến,
của lịch sử Việt Nam.
Văn học miền Nam, cũng trong giai đoạn
khó khăn ấy, không hề rời xa truyền thống, bám rễ chắc chắn vào những giá trị
bền vững và tốt đẹp của truyền thống, trong hai mươi năm sống và thể hiện sức
sống của mình, nó đã tiếp tục phát triển và liên thông, nắm tay với thế giới,
với con người trên khắp cõi đất, để bước chân vào thời hiện đại, với tất cả
những nét khai phóng và đa sắc, đa dạng của nó, với tất cả những cung bậc,
những gam mầu tuyệt vọng và thăng hoa của nó.
Văn học miền Nam, trong hai mươi năm ấy,
đã phản ánh được con người, cái nhân văn của con người, cái tâm tình của con
người.
Văn học miền Nam, trong hai mươi năm ấy,
đã cho thấy rõ nét: Văn Học là Nhân Học.
Nó đi vào cái cốt lõi, vào trái tim của Con Người. Con Người viết hoa nói chung, và con người
Việt Nam nói riêng.
Bỏ mất đi phần đóng góp đầy mầu sắc cũng
như những phản ảnh cao đẹp và cần thiết đó, văn học Việt Nam, trong giai đoạn
phát triển tươi tốt ấy của rừng cây văn học nhân loại, còn lại gì?
Chúng ta, như những Con Người Việt Nam nói
chung, còn lại gì?
Bùi Vĩnh Phúc
California, 7-XII-2014
_______________________________________
Chú Thích:
(*)
Khai triển từ bài thuyết trình cùng tên của tác giả tại hội thảo về Văn Học Miền Nam 1954-1975 tại Westminster, Nam Califormia, ngày 6 & 7 tháng 12,
2014.
(1)
Nguyên văn bài thơ "Chuyện Tình" của Đỗ Quý Toàn:
Ôi anh yêu em vì em biết nói
Em đã biết thưa em còn biết gọi
Buổi sáng trời mưa khiến anh nhớ em
Bây giờ trời nắng anh nhớ em hơn
Em đã biết thưa em còn biết gọi
Buổi sáng trời mưa khiến anh nhớ em
Bây giờ trời nắng anh nhớ em hơn
Ngồi xuống đây đi nghe chim đang hót
Đồng cỏ bàn tay trời cao mắt ướt
Khi ngó nhau thôi còn biết nói gì
Hai đứa ngồi đó như hai hòn bi
Đồng cỏ bàn tay trời cao mắt ướt
Khi ngó nhau thôi còn biết nói gì
Hai đứa ngồi đó như hai hòn bi
Có cành hoa đẹp anh hái cho em
Em không thèm nhận anh chết cho xem
Và anh sẽ khóc miên man suốt ngày
Ôi chả bao giờ buồn như bữa nay
Em không thèm nhận anh chết cho xem
Và anh sẽ khóc miên man suốt ngày
Ôi chả bao giờ buồn như bữa nay
Này em yêu quý em có biết nghe
Trên cánh đồng cỏ có con bò kia
Nó kêu “bò” “bò” và nó ăn cỏ
Trời hôm nay cao, yêu em, hỡi gió
Trên cánh đồng cỏ có con bò kia
Nó kêu “bò” “bò” và nó ăn cỏ
Trời hôm nay cao, yêu em, hỡi gió
Và trên đỉnh đồi có cây to tướng
Ở một cành ngang có một tổ kiến
Có con đi ra có con đi vào
Trời hôm nay nắng, yêu em xiết bao
Ở một cành ngang có một tổ kiến
Có con đi ra có con đi vào
Trời hôm nay nắng, yêu em xiết bao
Này em yêu dấu em nào có hay
Hồi nãy trên trời có con chim bay
Có con chim nó bay qua trên trời
Trời xanh đến thế đôi mình lứa đôi
Hồi nãy trên trời có con chim bay
Có con chim nó bay qua trên trời
Trời xanh đến thế đôi mình lứa đôi
(2)
Một dị bản khác, dài hơn, có những câu hay hơn, nhưng, trong cái nhìn
của tôi, bố cục nói chung lại không chặt như dị bản đã ghi trên kia. Tôi ngờ rằng dị bản dài hơi dưới đây đã được
nhà thơ sửa chữa và bổ túc thêm vào dị bản ngắn, đã được viết trước đó:
Đến
anh thì đến hôm nay
Lỡ mai
gió lật chở đầy mưa qua
Đến
anh thân thể lụa là
Dài
đuôi con mắt, ngắn tà váy kiêu
Đến
anh lưng thắt chiết yêu
Sểnh
tâm phá giới con diều ái ân
Gót
ngờ rớt chín phân vân
Để sau
một hóa mười lần đến anh
Chờ em
anh để râu xanh
Lòng
xây bốn bức tường thành giam em
Hồn
anh em thắp lên xem
Ác như
một chiếc lồng đèn kéo quân
Tình
anh sương giá đầy sân
Cần em
mái phủ cho thân ấm nhờ
Chuyện
mình mới nửa trang thơ
Phải
hai cùng viết trang thơ vẹn tình
Chờ em
anh để râu xanh.
(3) Cũng nên nhắc lại là bất cứ
diễn dịch nào, đặc biệt trong lĩnh vực văn chương, ở những mức độ khác nhau,
đều có phần "vũ đoán". Thậm
chí, đều cần phải "vũ đoán". Dĩ
nhiên, trên một cơ sở lập luận nào đó. Tất
cả mọi diễn dịch văn học đều mang tính chủ quan, và đó là một sự chủ quan mang
tính bản thể luận. Xin xem Bùi Vĩnh
Phúc, "Về Tính Vũ Đoán
trong Viết, Đọc, và Thẩm Thức Văn Chương" (18/8/2009) tại http://damau.org/archives/8179
.
(4) Xem Hoàng Hưng: "Thảo luận về Dịch Thuật: Từ các bản dịch Le Pont Mirabeau, nghĩ về dịch thơ" (27/6/2014) tại http://vanviet.info/thao-luan/thao-luan-ve-dich-thuat-tu-cac-ban-dich-le-pont-mirabeau-nghi-ve-dich-tho/
(5)
Liên văn bản nối kết nhiều loại văn bản khác nhau, từ
nhiều nguồn, nhiều trung tâm văn hóa khác nhau, để làm thành một “tấm vải” đan
kết chằng chịt bởi những trích dẫn khác biệt. Những “tấm vải” này sẽ có hình dáng khác nhau
trong sự nhìn ngắm cụ thể của mỗi một người đọc. Với kinh nghiệm, cá tính, cùng tất cả những
yếu tố khác tạo nên con người đặc thù của mình, người đọc sẽ nhìn ra trong tác
phẩm mình đang đọc dần dần hiện lên hình dáng “tấm vải văn bản” của tác phẩm mà
người ấy đang tiếp cận. Từ đó, dẫn đến ý
nghĩa của tác phẩm đối với riêng người ấy. Khái niệm “liên văn bản”, như thế, gắn bó chặt
chẽ với vai trò và cá tính của người đọc. Từ đó, nó lại liên hệ đến phương pháp
phê bình dựa trên sự hồi ứng của người đọc (Reader-Response Criticism). Và, nói
rộng hơn, nó liên hệ đến mỹ học tiếp nhận (Reception Theory) phát xuất từ
trường phái Konstanz của Đức.
(6)
Về Thanh Tâm Tuyền, đã có nhiều nghiên cứu đào sâu vào những gốc rễ tinh
thần cũng như những góc cạnh hình thức của thơ ông, nên tôi xin phép miễn bàn
thêm ở đây. { Năm 1986, tôi cũng đã viết
một bài về thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, xin xem "Thanh Tâm Tuyền, người thi
sĩ ấy", đăng làm hai kỳ, tại http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5335. Năm 2006, khi nhà thơ qua đời, tôi cũng đã có
bài về thơ Thanh Tâm Tuyền ở giai đoạn sau; xin xem "Biệt khúc cho Thanh Tâm
Tuyền (Đọc lại Thơ Ở Đâu Xa)", Talawas 21/4/2006, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6997&rb=0101,
và tại Văn (California, Hoa Kỳ) số tưởng niệm Thanh
Tâm Tuyền, số đôi 113 & 114, tháng 5 & 6, 2006.} Trong phần trình bày này, chỉ nên nói thêm
rằng cái tài thơ ấy đã may mắn được nuôi dưỡng và phát triển trong một vùng đất
tốt. Nó không bị còi cọc vì đã không bị
kìm hãm, đè nén hay bứng gốc. Và nó đã
cho ra những hoa trái tốt đẹp, như ta đã thấy.
Về thơ Tô Thuỳ Yên, trong khoảng trên
dưới 15 năm trở lại đây, cũng có một số bài viết về thơ ông. Nhiều năm trước, trong giai đoạn 1992-1994, tôi
cũng đã có một bài viết khá kỹ, sau đăng làm nhiều kỳ (xin xem "Tô Thuỳ Yên: Thơ, như một
vinh dự lầm than của kiếp người") tại http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5411&rb=0102),
nên cũng xin không nói thêm ở đây.
Viên Linh và Du Tử Lê cũng là những tài
thơ đặc biệt của miền Nam. Về thơ Viên
Linh trước 1975, bài tôi nhớ và có nhiều sự thích thú là bài "Đêm Trường", với phong cách nửa lãng mạn, tiền chiến
Hà Nội, nửa hiện đại, sáng tạo Sàigòn. Với
cách dùng chữ tài hoa và hình ảnh độc đáo, tác giả đã tạo được một khí hậu đặc
biệt cho bài thơ của mình:
Nhớ em rồi Cúc Hoa xưa
Đêm nay dưới ngói trời
mưa tầm tầm
Nhớ em vèo cái thu âm
Hồn theo bóng ngoại
phân thân chín từng.
Nhớ em ly rượu còn lưng
So đôi đũa mộc cười bừng
cơn say
Phải anh rồi phải anh
đây
Bữa cơm hai bóng
một ngày phần dương.
Nhớ anh chưa Cúc mắt
vàng
Cúc xanh mi Cúc biếc
hường trái tim
Cúc đen đâu đó Cúc mềm
Vùi anh trong bụng
Cúc hiền như dao.
Năm năm đời trú mái sầu
Thời gian phai nhạt
những mầu yêu đương
Nhớ em lần lữa chiếu
giường
Đêm nay lại một đêm
trường như xưa.
Còn thơ Du Tử Lê trước 1975, có lẽ một
trong những bài tôi thích nhất là bài "Khi Người Về":
Người về đâu không người không về đâu
Chiều chưa mưa nên chiều chưa thay màu
Tôi cây me đứng run từng lá
Lá đã vàng rồi tôi đã vàng theo
Tình người say không tình người không say
Đêm sắp sang nên đêm sắp ùa đầy
Hồn tôi ngủ sớm trong tay áo
Tay áo người bay hương ngất ngây (...)
Chiều chưa mưa nên chiều chưa thay màu
Tôi cây me đứng run từng lá
Lá đã vàng rồi tôi đã vàng theo
Tình người say không tình người không say
Đêm sắp sang nên đêm sắp ùa đầy
Hồn tôi ngủ sớm trong tay áo
Tay áo người bay hương ngất ngây (...)
Những câu thơ với những hình ảnh ẩn dụ, đẹp,
mềm, và đầy thiên nhiên. Nhưng cái nhịp
điệu của những câu thơ thì lại tạo ấn tượng quẩn quanh, buồn bã. Và như có chút gì ẩm mục. Ẩm mục, có lẽ, ngay cả cái mùi "hương
ngất ngây" kia. Cái mùi hương ẩm
mục của tình yêu mà những kẻ yêu nhau không ai lại muốn rời bỏ.
Đặc biệt hai tài thơ này, khi ra ngoài
nước, lại ngày càng khởi sắc. Tôi nhớ
Viên Linh với tập thơ "Thuỷ Mộ Quan", và, đặc biệt, một đoạn trong
bài "Ẩn Mật":
Ba sinh hương lửa có gần
Gửi em đầy đủ
Thân
Tâm
Ý
Lời.
Gửi em tiếng khóc câu cười
Văn Chương, Hạnh Phúc, Cuộc Đời, v.v...
Hãy để ý đến từ "v.v..." viết
tắt kia. Nó chui được vào thơ mới
lạ. Và thần tình nữa.
Còn Du Tử Lê thì luôn có những nỗ lực làm
mới ngôn ngữ. Ông cũng thường tạo ra
những phân cảnh trong thơ. Như trong kỹ
thuật của cinéma. Những phân cảnh lóng lánh và đầy thần
sắc. Chẳng hạn:
mưa ủ bệnh: những con đường cớm
nắng / tiếng hát còn ủ bệnh những chia, ly / tôi ủ bệnh: những ngày em nhập
viện / cây góc vườn ôm ngực ốm o, ho.
lá ủ bệnh: những mùa hò hẹn, lỡ
/ môi-khuyết-trăng ủ bệnh nhớ thơ, nàng / chim ủ bệnh: giữa đường bay thất lạc.
/ tôi ủ tình: người trả lại. trăm năm.
áo ủ bệnh: dệt, thêu hương tóc
bạn. / vá nụ cười lên vết rách chênh, chao / tôi ủ bệnh: những ngón tay nhiễm
tội / trên thân người. ký ức nhịu chân đi.
ghế ủ bệnh: chỗ ngồi ai sớm bỏ /
tội ngọn đèn tự chít lấy khăn tang / tôi tự quấn quanh đầu mưa, nắng, mới
/ biết người còn ủ giữ nụ hôn, đêm?
đời nhớ nhé: nhân gian kia hớn
hở!?! / riêng tôi về ủ bệnh giữa hư vô.
(Ủ bệnh giữa hư vô, Du Tử Lê )
(7) Phần viết ngắn này về Mai Thảo cùng đoạn trích văn ở đây được lấy lại từ bài viết về Mai Thảo, của tôi. Xin xem "Văn chương Mai Thảo: biên địa của cảm xúc và cái đẹp, giao thoa với ý thức về đời sống", trong Bùi Vĩnh Phúc, Lý Luận và Phê Bình/ Hai Mươi Năm Văn Học Việt Ngoài Nước (1975-1995). Westminster, California: Văn Nghệ, 1996.
(8) Theo Jean Milly, La phrase de Proust: Des phrases
de Bergotte aux phrases de Vinteuil, Paris: Larousse, 1975.
(9)
Nguyên văn của Faulkner: " (...) I believe that man will
not merely endure: he will prevail. He is immortal, not because he alone among
creatures has an inexhaustible voice, but because he has a soul, a spirit
capable of compassion and sacrifice and endurance. The poet's, the writer's,
duty is to write about these things. It is his privilege to help man endure by
lifting his heart, by reminding him of the courage and honor and hope and pride
and compassion and pity and sacrifice which have been the glory of his past. The poet’s voice need not merely be the
record of man, it can be one of the props, the pillars to help him endure and
prevail." (Trích từ Diễn văn nhận giải Nobel, 10 tháng
12, 1950)