Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014
Anh Vũ/RFA - Chủ trương “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” có hợp lý?
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời tại Quốc hội Việt Nam ngày 19/11/2014. - Courtesy photo |
Trả lời tại Quốc hội Việt Nam ngày
19 tháng 11 năm 2014, về quan hệ Việt - Trung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu
ra sáu chữ là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Trước một kẻ thù luôn có âm
mưu độc chiếm Biển Đông và thôn tính Việt Nam như Trung Quốc thì chủ trương
"vừa hợp tác, vừa đấu tranh" có khả thi hay không?
Câu
hỏi?
Tình hình căng thẳng trên Biển Đông
sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu lãnh hải của Việt Nam vẫn
đang chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Phía Trung Quốc không ngừng áp dụng chính sách
gặm nhấm dần dần để nâng cấp và hoàn thiện khả năng quân sự tiến tới độc chiến
Biển Đông.
Đánh giá về tình hình Biển Đông và
thái độ của Trung Quốc hiện nay, Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn cho rằng tình
hình Biển Đông, để càng lâu càng khó và khó ở đây dĩ nhiên là khó cho Việt Nam.
Theo ông vấn đề thời gian đang là kẻ thù của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn nhận
định:
“Sự phát triển về kinh tế của Trung Quốc cho
phép họ có đầy đủ phương tiện về quân sự cũng như ngoại giao, để áp đảo các
nước có tranh chấp với họ ở Biển Đông, trong đó Việt Nam đứng đầu. Và theo tôi
cho rằng, tình trạng hiện thời đã là khó lắm rồi. Khó là vì thái độ của Trung
Quốc ngày càng thêm cứng rắn về các yêu sách chủ quyền ở hai quần đảo HS và TS,
cũng như hải phận theo đường chín đoạn chữ U. Rõ ràng Việt Nam không có một đối
sách nào hữu hiệu để đối phó với sự việc gia tăng áp lực này với Trung Quốc. Về
an ninh và phòng thủ hỗ tương, Việt Nam là nước hiếm hoi trong khu vực không ký
hiệp định an ninh hỗ tương với một cường quốc khác. Điều này cho thấy, nếu có
đụng chạm xảy ra, Việt Nam sẽ đối phó một mình. Thời gian tới chắc chắn Trung
Quốc sẽ có những bước đi chiến lược. Khi họ tuyên bố vùng nhận diện phòng
không, Trung Quốc đã chiếm được ½ Biển Đông rồi. Biển Đông để lâu càng khó là
vậy.”
Ngày 19.11.2014, trong phiên trả lời
chất vấn của Đại biểu Quốc hội, trong phần nói về vấn đề Biển Đông và quan hệ
với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dùng 6 chữ “vừa hợp tác vừa đấu
tranh”. Mà theo ông “vừa hợp tác vừa đấu tranh” để cùng có lợi, để bảo vệ chủ
quyền thiêng liêng của đất nước, lợi ích chính đáng của dân tộc.
Đánh giá về chủ trương "vừa hợp
tác, vừa đấu tranh" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Đặng Xương Hùng,
nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève trong nhiều năm thấy rằng, việc lãnh đạo
Việt nam khẳng định lập trường về vấn đề quan hệ với Trung Quốc lúc này là điều
hết sức cần thiết.
Từ Genève, ông Đặng Xương Hùng khẳng
định:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời
tại Quốc hội Việt Nam ngày 19/11/2014. Courtesy photo.
“Ông Thủ tướng Dũng dạo này có cách
phát biểu khôn ngoan hơn các nhà lãnh đạo ở Việt Nam, vì ông ấy phát biểu trước
Quốc hội và với phát biểu là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” thì ăn tiền hơn. Đây
là một phát biểu khá mạnh mẽ của ông Dũng vì trong đó có chữ đấu tranh. Trong
hoàn cảnh của đất nước ta, vừa là láng giềng với Trung Quốc vừa phải đối phó
với âm mưu thôn tính thì cái cách của ông Dũng có lẽ là tương đối phù hợp.
Nhưng cái chính là nói có đi đôi với làm hay không và lãnh đạo Việt Nam cảm
nhận được bao nhiêu % cái đó để thực hiện chủ trương “vừa hợp tác, vừa đấu
tranh” cho nó đủ đô của nó? Tức là hợp tác là bao nhiêu % và đấu tranh là bao
nhiêu %?”
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn tỏ
ra lo ngại về phát biểu này, ông nói với chúng tôi:
“Tôi thì hết sức lo ngại về lời
tuyên bố này của TT Nguyễn Tấn Dũng. Việt Nam “hợp tác” về cái gì với Trung
Quốc ở biển Đông ? Theo các tài liệu loan truyền từ trong nước thì lãnh đạo
Việt Nam đã nhìn nhận với Trung Quốc là có ba vùng biển tranh chấp và Việt Nam
có khai thác chung với Trung Quốc ở một số lô dầu khí. Khi nhìn nhận đây là
vùng biển là “có tranh chấp”, theo tập quán quốc tế, khu vực này sẽ chia đôi,
hay là cộng đồng khai thác. Thì vấn đề “Vừa hợp tác vừa đấu tranh” với Trung
Quốc ở khu vực biển Trường Sa chỉ có nghĩa là hai bên khai thác trên thềm lục
địa của Việt Nam, nhưng Việt Nam cố gắng “tranh đấu” để hưởng nhiều hơn Trung
Quốc một chút. Còn trong trường hợp khi Trung Quốc đã tuyên bố “vùng nhận diện
phòng không” trên khu vực bắc quần đảo Trường Sa, dĩ nhiên Việt Nam không thể
“hợp tác” được với Trung Quốc rồi, mà tranh đấu thế nào, thật tình là nan
giải.”
Trả
lời
Trả lời câu hỏi, trong bối cảnh hiện
nay chính quyền Việt Nam cần có các biện pháp gì để giữ vững chủ quyền về lâu
dài?
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn cho
rằng giải pháp tốt nhất vẫn là đưa vấn đề tranh chấp ra trước một Tòa án quốc
tế. Đồng thời theo ông Việt Nam phải thay đổi thể chế chính trị, phải dân chủ
hóa, để từ đó Việt Nam mới có thể trở thành đồng minh của Mỹ, trên cơ sở ký kết
những kết ước an ninh hỗ tương với nước này.
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn cho
biết:
“Gần đây tôi có đề nghị một phương
án pháp lý, Việt Nam đơn phương đệ đơn ra tòa Công lý quốc tế, yêu cầu Tòa giải
thích về hiệu lực ở một số điều trong các công ước quốc tế nền tảng. Làm các
việc này, thứ nhất, là ta đưa vùng biển Hoàng Sa, là vùng mà Trung Quốc nói là
không có tranh chấp, trở thành vùng biển có tranh chấp. Thứ hai, sẽ ngăn chặn
hành vi tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” của Trung Quốc ở vùng bắc quần
đảo Trường Sa. Theo tôi thì việc kiên tụng này không tốn kém nhiều, cũng không
có rủi ro Việt Nam bị thất kiện sẽ mất chủ quyền ở HS và TS. Theo tôi thấy,
giải pháp này của tôi hiện nay vẫn là một giải pháp tốt nhất, tạo cho Việt Nam
một lối thoát tránh những áp lực của Trung Quốc hiện nay.”
Ông Đặng Xương Hùng tiếp lời:
“Trong những lúc khó khăn như thế
này thì ai cũng phải nghĩ phải có một người bạn, một người chống lưng, phải có
một người giúp đỡ, một người chia sẻ lợi ích. Bây giờ Mỹ đã giơ tay ra và họ đã
phát biểu công khai rằng họ sẵn sàng cho một mối quan hệ Việt – Mỹ mạnh hơn
trước và với sự tin tưởng mạnh mẽ hơn trong quá khứ. Khi phát triển mối quan hệ
với Mỹ có tính chất tin cậy đã mạnh mẽ như vậy thì nó sẽ trở thành một lực
lượng đồng minh với Mỹ để chống lại sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc. Phải
hợp tác với Mỹ!”
Các nhà phân tích chính trị thường
cho rằng, một trong những nhược điểm trầm trọng của các nhà lãnh đạo Việt Nam
là nói một đằng làm một nẻo hoặc nói mà không làm. Hy vọng phát biểu lần này
của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sẽ được coi trọng và sẽ có nhiều giải pháp
phù hợp trong việc “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” để bảo vệ chủ quyền của quốc
gia.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét