Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014
Vĩnh Hảo - TỰ DO, DÂN CHỦ, HÒA BÌNH
Gió mùa
thu năm nay, trở nên khô khốc, ảnh hưởng bởi nạn hạn hán trầm trọng nhất trong
nhiều thập kỷ qua ở xứ này. Nhưng đâu đó trên hành tinh, mưa thu lất phất bay,
và gió thu se sắt gợi buồn; cũng có nơi mưa ngập cả các con lộ chính của thành
phố lớn để người và xe cộ phải lội bì bõm trong giòng nước ngầu đục. Và chỗ nọ,
chỗ kia, làn gió dân chủ, hòa bình, khơi niềm hứng cảm cho sự vươn dậy của ý thức
tự do, khai phóng.
Hòa bình
không phải chỉ là ngưng chiến tranh, dừng tranh chấp. Nếu chỉ là một tình trạng,
một hoàn cảnh đối nghịch hay đảo ngược với tranh chấp, nó sẽ tiếp tục là đầu mối
của những tranh chấp mới. Cái gì nằm trong tương đãi, đối lập, sẽ không vĩnh viễn
giữ nguyên vị thế của nó theo thời gian.
Dân chủ không
phải chỉ là một thể chế đối nghịch với quân chủ, độc tài. Dân chủ theo cách hiểu
phổ quát hiện nay là quyền làm chủ của người dân (power / rule of the people)
trực tiếp hay gián tiếp đối với việc điều hành guồng máy quốc gia, thông qua thể
thức phổ thông đầu phiếu. Nhưng nếu việc bỏ phiếu của người dân bị giới hạn
trong một danh sách ứng viên được chỉ định sẵn bởi một đảng phái hay nhà cầm
quyền thì không còn là dân chủ.
Đơn giản
như thế, nhưng nhân loại đã phải trải qua mấy ngàn năm xây dựng nền văn minh
(tinh thần hay vật chất, quốc gia hay quốc tế), đổ bao máu xương, khổ nhục với
hàng ngàn cuộc canh tân và cách mạng (lớn hay nhỏ, riêng hay chung), mà vẫn
chưa thiết lập được một thế giới hòa bình, tự do, dân chủ thực sự như mong đợi.
Tự do, dân
chủ, hòa bình cho đến nay vẫn còn là giấc mơ của nhân loại trên toàn hành tinh.
Để biến giấc mơ thành hiện thực, người ta đã phải đấu tranh bằng nhiều hình thức:
ứng cử, bầu cử, biểu tình, bất hợp tác, bất tuân dân sự, chiếm giữ (occupy), đấu
tranh bất bạo động, và thậm chí chủ trương bạo lực (âm thầm hoặc công khai), khởi
xướng chiến tranh nhằm tiêu diệt đối lập hoặc để tranh thủ vị thế của mình, v.v…
Ngoài ra, còn có hình thức khích lệ bằng
cách trao giải thưởng cho những ai có đóng góp to lớn hoặc ảnh hưởng sâu rộng
trong công cuộc vận động vì hòa bình, dân chủ, nhân quyền… (Buồn cười thay,
trong một số trường hợp, giải thưởng lại trở thành mục tiêu cho những kẻ hoạt đầu,
tư lợi cá nhân, thay vì nhắm đến hạnh phúc cho số đông).
Phật giáo
đã xây dựng nền móng cho tự do, dân chủ từ 25 thế kỷ trước, ngay khi đức Phật
còn tại thế; và hòa bình đối với Phật giáo, không chỉ là ngưng tranh chấp,
không chiến tranh giữa các dân tộc, quốc gia hay liên quốc gia, mà vượt xa hơn
trong ý nghĩa là hòa hợp và an bình nơi tự tâm, cùng lúc thể hiện trong tương
quan xã hội.
Không cần
phải vận dụng hàng vạn lời dạy trong Ba tạng (Kinh, Luật, Luận) để chứng minh nền
tảng tự do, dân chủ và hòa bình của Phật giáo. Chỉ cần suy nghiệm từ những Phật
ngôn từng được phổ cập trong các bộ phái
Phật giáo hơn hai nghìn năm trăm năm qua, ai cũng có thể nhận biết: đức Phật từng
cổ xúy cho sự bình đẳng xã hội, không phân biệt giai cấp, giới tính. Điều này
được chứng thực trong cơ cấu tổ chức tăng-đoàn (sangha) cũng như các nguyên tắc
yết-ma (karma) và sáu pháp hòa-kính rất dân chủ trong sinh hoạt của cộng đồng tăng
lữ.
Một trong
những lời dạy bất hủ của đức Phật, được đời sau đánh giá như là tuyên ngôn của
bậc thầy vĩ đại nhất của nhân loại nhằm giải thoát niềm tin và sự nô lệ tư tưởng
của con người trước các thần tượng, thần quyền; khai mở con đường tri thức tự
do, siêu thoát:
“…Chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì
nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển
truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự;
chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến;
chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo
sư của mình.
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết
như sau: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này không đáng chê; các pháp này
không bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận sẽ
đưa đến hạnh phúc an lạc,’ thời này Kàlàmà, hãy tự đạt đến và an trú!” (*)
Những lời
trên, thật đơn giản, nhưng có thể làm rung chuyển và lật nhào tất cả các chủ
thuyết và hệ thống tư tưởng từng giam hãm con người trong khuôn khổ và vị thế
hèn kém trước các thần linh, giáo chủ, lãnh tụ, thần tượng… Cho đến những thế kỷ
cận đại, nghĩa là sau gần ba thiên kỷ Phật giáo lưu truyền, những lời dạy này vẫn
còn làm cho giới khoa học thán phục, và vẫn còn trực tiếp hay gián tiếp làm nền
tảng, hoặc gây ý thức cho tư tưởng tự do, phong trào đấu tranh vì dân chủ, nhân
quyền, và hòa bình thế giới.
Không vội
tin bất cứ điều gì, bất cứ ai, mà phải dùng lý trí để xét đoán, suy nghiệm kỹ
trước khi thực hiện: đây là phương thức tiếp cận và xác minh sự thực của khoa học,
là khởi đầu cho mọi văn minh tiến bộ, và là tinh thần tự do, dân chủ của nhân
loại ngày nay.
Khi thực
hiện và chấp nhận điều gì thì đều vì lòng thương, hướng về niềm hạnh phúc, an lạc
cho mình, cho người: đây là con đường hòa bình của Phật giáo.
Người con
Phật đã dẫn đầu nhân loại về hòa bình trong suốt hai ngàn năm trăm năm qua, và
sẽ tiếp tục nêu gương hòa bình, bất bạo động cho toàn hành tinh này trong tương
lai vô tận.
Những gì
người con Phật làm là để đem lại hạnh phúc cho số đông, chứ không phải để được
ban thưởng, khen tặng từ thần linh hay từ bất kỳ cá nhân, tổ chức thế tục nào.
Phần thưởng cao quý và to lớn nhất của người con Phật chính là niềm an lạc, hạnh
phúc thực sự của tha nhân, của xã hội, quốc gia, và cho toàn thế giới. Và để có
được phần thưởng ấy, trước hết hãy quên mình đi. Từng bước, kiên định, không
làm những điều xấu-ác, thực hiện những điều lợi ích cho mình, cho người, với một
tâm ý tĩnh lặng, trong sáng. Đó là mẫu hình lý tưởng của người con Phật trong mọi
hoàn cảnh, mọi thời đại.
________________
(*) Đức
Phật dạy phương cách chọn lựa, suy nghiệm và truy tầm sự thực cho những người
thuộc bộ tộc Kàlàma, được ghi lại trong Kinh
Kàlàma, Tăng Chi Bộ III. 65 (trích đoạn từ bản dịch của Hòa thượng Thích
Minh Châu).
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét