Home

THƯ NGỎ

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Phan Thanh Tâm - Một tài liệu bổ túc về trường hợp Phạm Quỳnh

LTS. Sau khi bài “Những ngày cuối cùng trong cuộc đời làm chính trị của học giả Phạm Quỳnh” của Phạm Cao Dương được đăng trên DĐTK ngày 30 tháng 10, 2014, chúng tôi nhận được những dòng góp ý sau đây của độc giả Phan Thanh Tâm. Thực ra sự việc Hồ Chí Minh đã nộp đơn xin học trường Thuộc Địa của Pháp năm 1911 trong đoạn góp ý này không nhằm bổ túc cho bài của Gs Phạm Cao Dương, mà có vẻ nhằm giải thích cho một việc khác: Hồ Chí Minh ra lệnh thủ tiêu Phạm Quỳnh năm 1945. Hãy hình dung tâm trạng của Hồ Chí Minh: khi mình đã nộp đơn vào trường Thuộc Địa mà đơn bị bác bỏ, thì mười năm sau, Phạm Quỳnh đã được ca ngợi nhiệt liệt khi diễn thuyết tại chính trường này.

Trường hợp này có thể gợi ý cho việc nghiên cứu một trong những động lực giết chóc vô số những trí thức yêu nước của Hồ Chí Minh sau 1945, phải chăng trong thâm sâu là để trả thù cho những căm phẫn thua thiệt trong quá khứ? - DĐTK

*

Trong chuyến Tây Du năm 1922, ngày 31/5/1922 Phạm Quỳnh được mời diễn thuyết tại trường Thuộc Địa. Đề tài "Sự Tiến Hóa`Của`Dân An Nam từ Khi Đặt Bảo Hộ Pháp"; trong 1giờ 30 phút bằng tiếng Pháp, được chính giới và báo giới Pháp ca ngợi và nhiều báo xin đăng lại bài thuyết trình.

Nguyễn Tất Thành ngày 15/11/1911 làm đơn xin vào học trường này. Nhưng bị bác. CSVN dấu nhẹm chuyện này. Mãi sau tiết lộ của Tiến sĩ Vũ Ngư Chiêu đảng và nhà nước mới đành phải thừa nhận.

Trong Hợp Lưu 106, văn hữu Nguyễn Vĩnh Châu–cựu phóng viên đài VOA–đã thực hiện riêng cho tạp chí Hợp Lưu bài phỏng vấn đặc biệt Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu về Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] (1945-1976)

NVC: Thưa ông, được biết, ông đã khám phá một sự kiện rất quan trọng là việc ông Hồ Chí Minh nộp đơn xin học trường thuộc địa của Pháp. Xin ông cho biết diễn tiến sự việc này ra sao và ảnh hưởng của công trình khám phá này như thế nào?

VNC: Ðầu tháng 2/1983, khi làm việc trên kho tài liệu trường Ecole coloniale, tức học hiệu huấn luyện các viên chức thuộc địa Pháp, trên đường Oudinot, quận 7, Paris, tôi vô tình khám phá ra nhiều hồ sơ học viên người Việt tại học hiệu này, như Bùi Quang Chiêu, Ðèo Văn Long, Phan Kế Toại, Trần Trọng Kim, Lê Văn Miễn, v.v., tổng cộng khoảng 97 người (CAOM (Aix), Ecole Coloniale, cartons 27, 33 & Registers). Mục đích của tôi là tìm hiểu về những viên chức thuộc địa Pháp cùng thế hệ Tây học Việt Nam đầu tiên (ngoài những người tốt nghiệp các lớp huấn luyện ở các tu viện như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, v.v.) để dùng cho chương Biến đổi văn hóa và xã hội của luận án Tiến sĩ. Thật vô tình, tìm thấy tập hồ sơ xin nhập học nhưng không được chấp nhận của Nguyễn Tất Thành, tức HCM sau này, cùng một người bồi khác được chủ Pháp mang về Paris. Ngoài hai lá thư viết tay gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Thuộc Ðịa, đề ngày 15/9/1911 tại Marseille, còn thêm ba tài liệu của Hội đồng quản trị trường. Trong biên khảo tam ngữ Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành (Paris: 1983) tôi đã trình bày khá rõ: Người mà chúng ta biết như HCM sau này đã rời nước không vì muốn tìm đường cứu nước, mà chỉ vì những tao ngộ bản thân (cha bị cách chức, tống giam, nên phải bỏ học nửa chừng, v.. v…). Từ cổng hậu đóng kín của trường Thuộc Ðịa, HCM sẽ tìm thấy cánh cửa mở rộng của Ðại Học Phương Ðông của Liên Sô Nga 12 năm sau.

Năm 1991, trong tập Vàng Trong Lửa, hai Giáo sư Trần Văn Giàu và Trần Bạch Ðằng đã nhắc đến tập sách nhỏ này, nhưng không nêu tên tác giả Vũ Ngự Chiêu và Nguyễn Thế Anh. Nên thêm rằng sử gia Nguyễn Thế Anh đồng ý viết chung với tôi tập sách trên, cũng như phổ biến các tài liệu trên tờ Ðường Mới, nhưng ông Anh không phải là người phát hiện những tài liệu trên. Ít tháng sau, khi tôi đang làm việc ở Aix-en Provence, Nguyễn Thế Anh cho tôi biết hai sử gia Pháp, tức Hémery và Brocheux, tuyên bố họ đã khám phá ra tài liệu này từ trước. Tôi chẳng mấy quan tâm. Vấn đề là tại sao Hémery và Brocheux không công bố các tài liệu trên trước chúng tôi (vào mùa Hè 1983)? Và những người làm phim truyền hình chiến tranh VN cũng sử dụng tài liệu trên.

Một số học giả Mỹ cho rằng khi công bố tư liệu trên, tôi đã có ý muốn discredit [hạ giá] HCM. Nhưng sự thực lịch sử chỉ là sự thực lịch sử. Ðáng trách chăng là thái độ thiếu nghiêm chỉnh và lương tâm nghề nghiệp của một số học giả (kể cả William A. Williams). Vì tư tâm hay một lý do nào đó, họ đã gạt bỏ những tư liệu đi ngược lại lập luận và diễn dịch [thiên tả] của họ. Ðiều này ảnh hưởng không ít đến công trình nghiên cứu của tôi. Tôi đã không nhận chỗ dạy học tại Ðại học Georgetown, Oat-shinh-tân, (Washington – DCVOnline) vì mất đi lòng trọng vọng một số trong những “học giả”.

Thật khó tin, nhưng có thực, là một số sách dùng dạy sử cho các lớp năm thứ nhất hay thứ hai đại học Mỹ vẫn còn ghi HCM đã rời nuớc năm 1912 để tìm đường cứu nước. Có người còn tuyên bố chẳng cần tìm hiểu thêm về HCM, dù tác phẩm của họ chứa đầy những lỗi lầm sơ đẳng về Ðảng CSVN. “As far as the Americans are concerned,” người ta nói, ngần ấy kiến thức về HCM đã quá đủ. “Life goes on!”