Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014
Ngô Nhân Dụng - Chào mừng Nguyễn Văn Hải tự do
Khi nghe tin anh Nguyễn Văn Hải ra khỏi nhà tù mang số 6 (Thanh Chương-Nghệ An) chúng ta ai cũng vui mừng. Nhưng anh vừa cởi còng số tám đã bị đẩy lên máy bay đi biệt xứ, vợ con cũng không được báo tin để tới tiễn đưa! Nhiều người tiếc, lo anh như cá phải ra khỏi nước, không còn cơ hội tiếp tục cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ cùng với đồng bào.
Nhưng chúng ta có thể vượt ra khỏi
tâm trạng vui hay buồn, mừng hay tiếc; bình tâm nghĩ đến tương lai. Cuộc đấu
tranh đòi dân chủ tự do của toàn thể dân Việt vẫn tiếp diễn. Còn rất nhiều
người trong nước đang tranh đấu và sẽ tiếp tục tranh đấu. Không thể “bắt” một
Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải đứng mãi đầu trận tuyến lãnh mọi nỗi khổ trong tù ngục.
Ðối với hoài bão anh Ðiếu Cày theo đuổi, giữa hai cảnh ngộ không biết đằng nào
hơn. Trước là cảnh sống cô lập ở trong tù, bị “vô hiệu hóa,” bị tước bỏ mọi
quyền nói và làm. Bây giờ là cuộc sống tự do, thêm nhiều cơ hội, nhiều đồng bạn
và thêm những “vũ khí” đấu tranh mới. Không thể nói bên nào là ích lợi hơn cho
cá nhân anh hay cho công cuộc chung. Ngày xưa Phan Bội Châu sống lưu vong bao
nhiêu năm, khi bị bắt cóc đem về nước, bị giam cầm, thì ai cũng tiếc. Ngược
lại, những người yêu nước như Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu,
đang sống ở Pháp lại tự ý về nước. Vì sống trong xứ Nam Kỳ họ vẫn được tự do
hội họp, diễn thuyết, làm báo, để tranh đấu tại chỗ cùng với đồng bào.
Bao giờ dân Việt được sống tương đối
tự do bằng dân Nam Kỳ thời thuộc Pháp, chắc anh Nguyễn Văn Hải (và hầu hết
chúng ta) cũng nên về nước ngay, tranh đấu cho dân tộc mình được sống tự do,
dân chủ hơn! Lúc đó thì cũng có hàng trăm ngàn người đã đứng lên tranh đấu ngay
trong nước Việt Nam rồi.
Dù chính quyền Cộng Sản vu cáo nhiều
người tranh đấu vì tự do dân chủ “âm mưu lật đổ nhà nước” để bỏ tù, nhưng hầu
hết họ không làm chính trị. Có người bị tù vì đi biểu tình chống Trung Cộng xâm
chiếm nước ta. Hoặc chỉ vì nộp đơn kiện viên thủ tướng đã làm sai pháp luật. Có
người đi bênh vực những nông dân bị cướp đất nên bị bỏ tù. Bùi Thị Minh Hằng,
Nguyễn Bắc Truyển đều không có ý định nắm chính quyền, là mục tiêu của những
người làm chính trị. Họ muốn sống tự do, nên bị bỏ tù. Tạ Phong Tần và Anh Ba
Sài Gòn cũng bị tù như Ðiếu Cày, vì họ đòi thi hành quyền tự do hội họp, tự do
ngôn luận. Họ đã đi biểu tình chống Cộng Sản Trung Quốc, họ đã làm blog để phát
biểu ý kiến. Những tù nhân của lương tâm như Nguyễn Hữu Cầu, Trần Huỳnh Duy
Thức, Trương Duy Nhất, Vi Ðức Hồi, Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, họ không
thuộc cùng một đảng. Chưa ai nói họ muốn lên cầm quyền thay thế guồng máy tham
ô và bất lực của đảng Cộng Sản. Tất cả chỉ giống nhau một điều: Họ đều muốn
nước Việt không lệ thuộc ngoại bang, dân Việt được sống tự do, dân chủ, tài sản
được luật pháp bảo vệ không bị bọn cướp ngày chiếm đoạt. Mỗi người, mỗi nhóm tranh
đấu trong phạm vi của riêng, vì những vấn đề gần gũi nhất với mình mà được đồng
bào chia sẻ.
Khi một nhà tranh đấu được trả tự do
nhưng bị lưu đày, họ đều bị bao vây bởi những trông đợi, kỳ vọng của người
chung quanh. Những người cùng đi trên con đường tranh đấu sẽ đòi hỏi, công khai
hoặc thầm lặng, thiết tha muốn những người mới được tự do phải đóng một vai trò
nào đó, phù hợp với kỳ vọng của công chúng. Có lẽ đó không phải là thái độ tốt
nhất khi chào đón một đồng loại mới được sống cuộc đời tự do. Chúng ta nên chào
đón Nguyễn Văn Hải, và trước hết là chúc anh được tự do, tự do thật sự, sống
với lương tâm và hoài bão của mình. Anh sẽ đóng góp vào công cuộc tranh đấu dân
chủ tự do cho dân Việt, tùy theo lựa chọn của anh. Như trước đây, anh cùng
những Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn vẫn làm như vậy.
Hơn hai năm trước, có nhóm bạn trẻ
từ trong nước ra đã tặng tôi chiếc áo thun ngắn tay (T-shirt) với hàng chữ:
Free (Trả Tự Do cho) Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn! Tôi đã gửi cái áo
thun này tại tòa báo Người Việt, để anh chị em nào có dịp gặp Ðiếu Cày thì mặc
vào, cho anh thấy lòng chúng tôi vẫn nghĩ tới anh. Nguyễn Văn Hải chính là một
nhà báo, một “Nhà Báo Tự Do” như tên câu lạc bộ anh khởi xướng. Ðầu năm 2014,
nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, anh đã nhắc lại cảnh 700 báo, đài ở Việt Nam
đều phải răm rắp nghe lệnh các quan tuyên giáo của đảng Cộng Sản. Ðó là điều
không thể chấp nhận được. Chúng ta phải nói cho cả thế giới biết, tất cả đồng
bào Việt Nam biết, cho cả những người nắm chính quyền biết. Phải nói, nói đi
nói lại, phải đòi hỏi mãi, cho tới khi nào dân Việt được tự do.
Chúng tôi muốn chia sẻ nỗi mừng vui
với Ðiếu Cày, với Nguyễn Văn Hải tự do. Anh đã hy sinh tranh đấu, đánh thức
nhiều người, anh đã sống sáu năm tù ngục. Nay anh cần có thời giờ thích ứng dần
dần với khung cảnh cuộc sống mới, chuẩn bị cho những hoạt động trong quãng đời
còn lại. Ít nhất, trong thế giới tự do và tiến bộ, bệnh “Giời leo” (còn gọi là
zona) mà anh đã bị mắc, sẽ được điều trị nhanh chóng hơn. Cũng chúc anh sớm gặp
lại vợ, con, những điểm tựa tinh thần cần thiết cho mọi con người bình thường ở
lứa tuổi 62, 63. Nhiều người Việt vào tuổi này đã về hưu, nhưng chắc anh Ðiếu
Cày chưa muốn nghỉ ngơi.
Chắc chắn anh đã được công nhận làm
một người tị nạn chính trị, được trao quyền cư trú hợp pháp ở một nước tự do.
Ông tổng thống Mỹ đã đọc tên anh, Ðiếu Cày, trong một thông điệp long trọng
trước Quốc Hội, chắc ông ta sẽ mời anh tạm trú thường xuyên ở nước Mỹ. Nhiều
chính phủ trên thế giới đã vận động đòi tự do cho anh, bất cứ nước nào cũng sẵn
sàng chào đón anh. Anh sẽ gia nhập một câu lạc bộ những nhân vật quốc tế, phải
sống lưu vong vì chống độc tài. Ngụy Kinh Sinh, Vương Ðán, Ðoàn Viết Hoạt, bà
Rebiya Kadeer người Yughur đang tị nạn tại Mỹ, bà Maryam Rajavi người Iran đang
tị nạn ở Pháp. Họ đều có thể chia sẻ với anh những kinh nghiệm sống và hoạt
động khi tiếp tục tranh đấu cho quê hương được tự do dân chủ.
Ðầu năm nay khi còn ở trong tù và
đang bị bệnh, anh Nguyễn Văn Hải đã đọc cho con trai nghe hai câu thơ, gọi nhà
tù là nơi “nghỉ ngơi,” để vợ con biết tâm trạng an nhiên của mình mà yên lòng.
Anh viết:
Sài Gòn là chốn biểu tình
Trại Sáu là chỗ chúng mình nghỉ ngơi!
Bây giờ chắc anh không còn nghĩ đến
chuyện nghỉ ngơi nữa.
Trước mắt, anh sẽ có cơ hội tìm hiểu trong một xã hội tự do người ta sống như
thế nào. Anh sẽ rút tỉa những kinh nghiệm sống dân chủ tự do, trong cuộc sống
cụ thể chứ không phải chỉ những hoài bão và lý thuyết dân chủ tự do. Những kinh
nghiệm đó sẽ làm giàu cho hành lý đấu tranh của anh. Anh có thể tiếp tục công
việc đang làm dở dang trước khi bị bắt: Tái lập blog Ðiếu Cày, làm một nhà báo
tự do đúng nghĩa; vì được sống tự do thật. Cả thế giới mở rộng trước mắt anh,
anh sẽ ngây ngất, choáng váng khi hưởng quyền tự do lựa chọn và đứng trước
không biết bao nhiêu điều để chọn lựa. Mỗi quyết định của anh sẽ không phải là
một lựa chọn cá nhân nữa. Con đường anh sắp đi sẽ tùy thuộc những hoài bão, ước
mong của anh về tương lai dân tộc Việt. Chắc chắn anh cần được yên tĩnh và
nhiều thời gian để suy nghĩ một mình.