Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014
Võ Phiến - Lại thư nhà (kỳ4)
Tôi cũng nghĩ rằng người ta thường phóng đại những chuyện như
thế cho thêm vui. Nhưng chính mắt tôi, tôi có trông thấy tảng đất sét chừng mười
tấc vuông để dưới bàn thờ nhà Bốn Thôi, trên tảng đất sét in một dấu chân người.
Nguyên sau khi chôn vợ, mấy ngày sau anh ta hết quanh quẩn bên mộ lại đi thơ
thẩn ngoài đồng, tìm đến những chỗ trước kia thường có chị làm việc. Một hôm
anh ta chú ý đến những dấu chân của chị còn in rõ ràng trên ruộng, bên cạnh một
vũng nước vừa mới khô, với năm ba con cá chết nằm phơi bụng trắng long lanh,
một vài chiếc càng cua gãy, vỏ cua bể... Thật là một kỷ niệm xúc động: mới trước
đây mấy ngày, chị còn tiến từng bước ở chỗ này, lom khom tìm cái ăn về cho gia đình;
dấu tích rành rành tưởng như còn nóng hơi người!... Ruộng đất thịt mới vừa khô
lớp mặt, ở bên dưới còn deo dẻo, Bốn Thôi bứng được một tảng đất vuông vắn rất
dễ dàng. Cái kỷ vật kỳ cục lạ đời đó được anh ta đem về để vào nơi thờ phụng.
Từ ngày anh Bốn Thôi mang vết chân vợ về cho đến khi tôi có
dịp tới nhà anh ta, nhìn thấy nó, cách nhau gần nửa năm. Tuy thế, dấu vết in
trên tảng đất hãy còn rõ rệt: ngoài bàn chân chị Lộc ra, còn có thể nhận thấy
một dấu chân loài chim, chắc chắn là của một con cò hay con vạc nào đó, và
những đường nhỏ kéo dài loằng ngoằng mà tôi đoán là do những chiếc ngoe cua để
lại. Chị Lộc, cò và cua! tất cả dồn vào trên mười tấc vuông: tôi nghĩ không còn
có bản bi ký nào tóm tắt lai lịch một cuộc đời, phác họa hình ảnh và thuật lại
sự hoạt động của một nhân vật, mà vừa gọn ghẽ vừa cụ thể rõ ràng đến chừng ấy.
Bà tôi nghe nhiều lời đồn đại về những lối thương vợ tiếc vợ
như thế của Bốn Thôi, nhưng không có cơ hội đến nhà anh để tìm xem vết chân
kia. Tuy nhiên bà tôi có cười và nhân tiện kể lại chuyện thuở khai thiên lập địa
ông Khổng Lồ gánh đất đi đắp núi, mỗi bước chân lún xuống thành ra ao này, bàu
nọ. Ðó là thuộc về những câu chuyện tương truyền của “mọi lần”, để cắt nghĩa
tại sao có một cái ao ở đầu làng tôi, một cái ao khác ở cuối làng và một cái
bàu ở làng bên cạnh, tại sao ở cách làng tôi mươi cây số có một ngọn núi nhọn
như đống đất đổ vun và một trái núi dài ra như tuồng ông Khổng Lồ làm đứt dây
gánh, đổ đất lai rai...
Mặc dù bà tôi có cảm tình đối với chị Lộc, bà cũng chỉ nhận
thấy rằng lúc sinh thời chị đáng được quí mến vì một bàn tay làm nên mắm cua
chua và lúc mất đi chị đáng được nổi tiếng vì một bàn chân có liên quan đến
những chuyện “mọi lần”. Chỉ có vậy thôi. Bà tôi đã tới cái tuổi không hiểu nổi được
những giông tố bão bùng của ái tình nữa. Mà ở anh Bốn Thôi lúc này chỉ toàn có
ái tình, có giông tố bão bùng nghiêng ngửa cõi lòng. Người ta ngờ rằng anh có
thể hóa dại, nếu không thì cũng ngẩn ngơ suốt đời. Mất chị Lộc, anh ta lại rơi
lạc bơ vơ vào trong cái cô độc mênh mông của mình. Anh ta lại lùi lũi một mình,
lại đưa mấy ngón tay sờ mó và nhăn nhíu mặt mày để vặt những sợi lông mũi. Anh
ta càng xa lánh trốn tránh đám đông.
Sự thương nhớ quá độ đối với chị Lộc lần này làm cho anh ta
có vẻ điên dại, khờ khạo, tệ hơn là lần người vợ thứ nhất trốn đi. Chính vào
khoảng thời gian này người làng đặt cho anh cái tên Thôi, vì thực ra tên tục
của anh trước kia vốn là Nữa. Ðối với những người đã lớn tuổi, ở thôn quê vẫn
thường gọi họ bằng tên con. Gọi một người bằng tên tục có vẻ sỗ sàng, vô lễ.
Trong trường hợp của anh Bốn Thôi người ta đã chờ đợi đứa con của anh lâu quá
rồi. Ðến khi chị Lộc qua đời thì ai nấy nghĩ rằng thế là hết, anh đã gần ba mươi
tuổi đầu, và anh bị “lụy” chuyến này khó bề gượng dậy nổi. Người dân quê có
khiếu hài hước ý nhị và giàu lòng tử tế, vừa cười vừa xóa cái tên Nữa, mà gọi
anh bằng tên Thôi, để tránh một lối xưng hô sỗ sàng.
Sự việc đặt một cái tên mới cho anh, mặc dù là nhã nhặn, nhưng
chứng tỏ rằng người xung quanh đã công khai hết tin ở cuộc đời ái tình của anh
ta nữa rồi.
Quả thực ở nơi anh Bốn Thôi có
rất nhiều triệu chứng tuyệt vọng. Mắt anh luôn luôn nhìn xuống, tuồng như anh
sợ tất cả mọi người. Khi đứng gần một cuộc chuyện trò ồn ào, anh vẫn giữ nét
mặt xa vắng, và đôi tai có nghe lời nói của kẻ khác thì cũng cứ như là nghe trộm
thôi. Người chú không bao giờ bắt gặp anh ta nhìn theo phía sau những người con
gái bằng cái nhìn thưởng thức như trước kia nữa.
Anh Bốn Thôi có vẻ như là đã ngã khuỵu xuống dưới sức nặng
của tai biến vừa qua. Không ai dám nghĩ rằng anh ta có thể nói tới chuyện vợ
con nữa.
Và anh Bốn Thôi quả đã ngã khuỵu xuống thật. Ngã xong, anh
nằm bẹp như thế hơn hai năm trời. Nhưng khốn nỗi, khi anh bắt đầu gượng gạo
ngẩng đầu dậy được, thì việc đầu tiên anh ta nghĩ đến là... cưới vợ!
Vợ thứ ba của anh ta là một người con gái mang tật ở chân, bước
đi nhúc nhắc. Nguyên đã lâu năm chị đau một thứ mụt bất trị, lở to bằng cái khu
chén nơi gót chân bên phải. Chị ta ở giúp việc tại gia đình ông Lý trong làng,
thuộc về “đống” họ Lê. Nhà họ Lê cho rằng chị đã quá tuổi lấy chồng, và yên trí
là sẽ nuôi chị ta cho tới già. Như thế chỉ tốn cơm ăn, một ít quần áo cũ đã
thải bỏ, và mỗi tháng một gói hột “thiên tiên tử” năm lạng để chị ta sú nước
vào, đắp lên mụt, trước khi buộc lên đó một mảnh thau có xoi thủng nhiều lỗ nhỏ
thông hơi.
Thế nhưng vào lúc bất ngờ nhất, chị ta được anh Bốn Thôi rước
về làm vợ. Anh có ý nghĩ bướng bỉnh cho rằng cái mụt nơi chân của chị ta nhất định
có thể trị được. Rồi thì có người mách anh, anh nghe theo, mua một tuýp
Dagénan, và bệnh chị ta lành thật.
Lành bệnh xong, chị ta liền bỏ nhà trốn đi ngay. Tính ra chị
làm vợ anh Bốn Thôi chưa tới sáu tháng. Người ta đôi lúc phải tiếc rằng thuốc
men công hiệu lắm khi quá mức chờ đợi; và thứ chân chữa lành bằng thuốc Dagénan
vẫn không bằng thứ chân chữa bằng dầu rái.
Anh Bốn Thôi tức giận cưới người vợ thứ tư liền trong năm đó.
Nhưng ngay trong năm sau anh ta lại trở thành y nguyên là một người đàn ông
không vợ.
Như vậy là nghĩa lý thế nào? Ban đầu khắp làng xúm nhau cười
cợt, đùa giỡn, đặt chuyện khôi hài nhảm nhí về anh Bốn Thôi. Nhưng đến khi người
vợ thứ tư, rồi tiếp luôn người vợ thứ năm của anh ta cũng bỏ nhà trốn đi luôn,
thì ai nấy tự dưng cảm thấy sự đùa cợt không nên kéo dài, không còn thích hợp
nữa. Trong tấn kịch có cái gì bi đát.
Bốn Thôi không phải người có số đào hoa, có thói ong bướm, lả
lơi. Người lúc nào cũng rầu rĩ và có vẻ nghiêm khắc, mặc dù là ngơ ngẩn. Không
ai tin anh thích những mơn trớn của xác thịt đàn bà. Cũng không ai có thể tin
là anh được hưởng cái thích thú tỉ tê, thủ thỉ tình tự bên cạnh đàn bà: anh ít
lời lẽ quá. Vậy mà liên tiếp mười mấy năm trời, chỉ có mỗi một điều choán tất
cả đầu óc anh, chiếm tất cả sự hoạt động của anh, thu hết tất cả tâm trí anh,
khiến anh lao đao thất thểu: ấy là những người vợ. Anh hì hục vất vả với những
người vợ, như là con người khổ não hì hục một cách tuyệt vọng trước định mệnh
của mình.
(Còn
tiếp)