Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Võ Phiến - Lại thư nhà (kỳ 7)


Người đầu tiên biết liên hệ việc chị vợ thứ sáu ăn ếch, đẻ con trai, việc chị ta đề huề chung sống với Bốn Thôi, cùng với việc những người vợ trước bỏ anh ta trốn đi, liên hệ những sự việc dài dòng như thế để rút ra một kết luận, người ấy là ông tú Từ Lâm. Ông ta kết luận rằng Bốn Thôi là một gã bất lực.

Ông tú Từ Lâm tuy vẫn đúng là một ông tú, nhưng bà tôi ngờ rằng có nhiều chỗ không còn đáng tin cậy, bởi ông ta không còn thực là một ông tú như những ông tú cổ thời. Mấy mươi năm sống lang thang ở thành thị đã biến ông ta thành ra một kiểu mẫu ông tú kỳ quặc: ông ta mặc quần áo bà ba, ngoài khoác áo bành-tô ka-ki, và khi luận đàm thì xáo trộn tư tưởng thánh hiền với những loại ý tưởng thực là quái gở, nhảm nhí.

Về câu chuyện anh Bốn Thôi, nghe ông tú Từ Lâm kết luận như thế, rồi giải thích cái kết luận ấy, rồi bàn tán với người nọ người kia, rồi cùng nhau cười khúc khích, bà tôi quả quyết rằng một trường hợp như vậy chưa bao giờ xảy ra trong thuở “mọi lần”. Vậy tất có điều vô lý, khó tin.

Dù khó tin, người vợ có thể đẻ con được đã đem lại cho cuộc đời Bốn Thôi sự yên ổn chưa từng có. Trước kia bên cạnh các chị vợ không sinh nở, đời sống của anh ta luôn luôn bị náo động vì những vẫy vùng, oằn oại, như phải trăn qua trở lại suốt mười mấy năm trời không yên, ngoại trừ những ngày sống với chị Lộc. Cho đến khi người vợ mang thai, anh ta như thở dài một cái, tự mình cảm thấy thỏa mãn, thoải mái.

Không thể nói được rằng anh ta đã tìm thấy hạnh phúc. Anh vẫn yên lặng, nét mặt vẫn lầm lì, vẫn có cái gì u tối. Tôi chắc anh ta cũng không lầm về lai lịch các đứa con, mặc dù là không bộc lộ một sự thù hằn ghen tuông nào. Tuy vậy, sau này những khi rảnh rỗi, thay vì hì hục khổ sở với những sợi lông mũi, anh ta lưu ý tới các đứa con, lắng tai nghe chúng cãi nhau, dự vào những cuộc ăn vặt của chúng và mẹ chúng. Tấn thảm kịch chấm dứt như thế, trong một cảnh quây quần ríu rít không hẳn là vui vẻ sung sướng.

Người vợ tiếp tục đẻ, và cuộc đời Bốn Thôi càng ngày càng êm ả, vững chãi, càng xa những đảo điên, nguy hiểm. 

Sau khi Bốn Thôi sinh con đầu lòng chẳng bao lâu thì tình hình ở vùng chúng tôi đã không được yên ổn. Nhiều tin tức liên tiếp báo rằng chiến sự rất có thể lan đến nơi. Gia đình tôi trù tính chương trình tản cư. Nhưng một trong những điểm đầu tiên mãi mãi không sao thực hiện được: ấy là việc đưa bà tôi đi lánh nạn.

Ban đầu bà tôi có dự vào những cuộc bàn cãi về tình hình, mỗi khi gia đình tiếp đón một tin tức chiến sự quan trọng. Người tỏ ra rất luống cuống, lo hãi. Người thở dài nhiều lần, đồng ý là đành phải tìm chỗ chôn giấu mấy bộ đồ thờ, những chén dĩa quí và một số thóc, còn một số nữa thì di chuyển ngay đi gửi ở một làng sơn cước để phòng ngừa khi phải tản cư lên đó mà ăn. Nhưng đến khi bàn vào việc tản cư thì người luôn luôn tìm cách trì hoãn ngày lên đường. Về sau. bị mọi người thúc giục gấp quá, bà lảng tránh hẳn những cuộc bàn cãi về vấn đề lánh nạn.

Bà tôi cũng có một lý lẽ để chống cự một cách yếu ớt với con cháu: “Nếu có chuyện gì nguy hiểm thì làng trên xóm dưới đều chịu hết, chứ phải riêng gì mình sao?” Ðến khi các cô tôi bảo rằng từ làng trên đến xóm dưới người già cả cũng đều lục tục tránh đi cả rồi, thì bà tôi nhất định không nói đến chuyện giặc giã nữa.

Cuối tháng tư năm ấy, một hôm vào khoảng chín giờ sáng, giặc nhảy dù xuống cách làng chúng tôi chừng bảy cây số. Thoạt tiên, khi máy bay quần nhiều vòng rộng trên khắp vùng, ai nấy tưởng sắp có cuộc oanh tạc, đều chui hầm trốn. Ðến khi có người trông thấy những chiếc dù từ phi cơ rơi liên tiếp như những giọt dầu lớn nhểu xuống giữa một màu trời xanh rất đẹp, người ấy la lên hoảng hốt, tức thì chúng tôi hết sức bối rối. Ðịa điểm tập trung quân nhảy dù ở gần quá, nếu họ tiến về phía làng chúng tôi thì chỉ trong một giờ là đến nơi rồi!

Lần này bà tôi không còn cách gì trì hoãn được nữa. Người bị đưa đi tản cư ngay giữa lúc máy bay còn quần trên đầu ầm ầm.

Bà tôi lần tới được nơi đã dự định, tức là một nhà quen ở mép núi, thì người lánh nạn tràn vào đã đông quá rồi. Họ chiếm tất cả các gian phòng trong nhà. Ngoài vườn, dưới bóng cây mít, cây chuối, giữa các lùm thơm, người ta cũng trải chiếu lên mà ngồi, mà nằm. Dàn xếp mãi, thầy tôi mới giành cho bà tôi được một chỗ ở đầu hè.

Ở đây, một khi chiếm được chỗ, trải chiếu ra xong, bà tôi gần như bị bắt buộc phải loay hoay mãi trên khoảnh một manh chiếu ấy suốt ngày. Mỗi lần đứng lên đi một bước, người phải vất vả giữ gìn cẩn thận để tránh khỏi va đụng vào những người nằm, những trẻ con ngủ, những chén dĩa, niêu nồi, ấm tách, gạo mắm... dàn ra xung quanh.

Buổi tối, sau khi dò la tin tức hành quân, mỗi gia đình cho về làng một vài người đàn ông để góp nhặt chuyển nốt những thứ gì có thể chuyển được lên núi, những thứ đã bỏ sót ban sáng trong lúc vội vàng: những con heo, con gà không kịp bắt đem theo, những trái bí, trái dưa, buồng chuối cần phải bẻ ngay, nếu không sẽ bị mất trộm v.v... Trong lúc thầy tôi sắp sửa theo mấy người về làng, chợt bà gọi lại. Người dặn thầy tôi nếu có đủ thì giờ thì nên xem qua các hũ mắm một tí.

Tôi nhận thấy bà có ý ngập ngừng, tuồng như sợ làm phiền thầy tôi. Sự giễu cợt lâu ngày của các cô tôi rốt cuộc làm cho bà tưởng như mắm muối là một thị hiếu lẩm cẩm của mình chứ không phải là một nhu cầu thiết yếu của gia đình. Thử “xem qua” trong lời bà tôi nói có ý khẩn khoản là “hãy chăm sóc”, “hãy cứu lấy” lũ mắm trong cơn hoạn nạn, khói lửa. Người sợ rằng trong hoàn cảnh khẩn cấp một sự gửi gắm như vậy phiền lụy thầy tôi nhiều quá chăng.

Tuy vậy thầy tôi đã chuyển lên núi được hai tỉn mắm trước sự vui mừng hớn hở của bà. Và nhờ hai tỉn mắm ấy, suốt mấy hôm tản cư gia đình chúng tôi vừa được mặn miệng vừa được cảm tình của nhiều bạn hữu lân bàng.

Ba ngày sau hôm giặc nhảy dù, chắc chắn rằng vùng tôi không còn nguy hiểm, tôi được phép về thăm nhà ban ngày.

Bước chân vào một làng vắng vẻ, người ta tự nhiên có cảm giác rờn rợn, hồi hộp. Chỉ cách có đôi ba ngày mà lá cây như rụng nhiều hơn trên các lối đi, cỏ như lan tràn ra nhiều hơn, chim chóc đậu đây đó như đã lạ với bóng người. Tuy đã được biết trước về tình hình, kẻ mới vào làng cũng rụt rè tưởng chừng tại mỗi bụi tre, mỗi góc đường đều có thể gặp một sự bất ngờ.

Thỉnh thoảng mới trông thấy một đám dân quân ngồi xúm xít hút thuốc, trò chuyện. Ði qua khỏi họ đã xa, vô tình ta vẫn còn lắng tai nghe tiếng nói của họ, như bấu víu lấy một sự nâng đỡ cho được an tâm, như dò lắng thăm chừng cái mức độ hoang vắng của xóm làng.

Tôi bước vào khỏi cổng. Ðiều tôi chợt trông thấy trước tiên là một con gà choai đang chớp cánh nhảy chồm lên mổ con dòi bò quanh miệng một cái chum cao. Mỗ hụt, nó nhảy liên tiếp đôi ba lần, và cuối cùng làm rơi cái sọ dừa đậy chum xuống đất, kêu lên một tiếng khô khan.

Tôi đi vòng quanh nhà, và hoảng hốt vì một tai nạn kinh khủng: không biết con heo nhà ai thả rông đã chui rào vào ủi đổ sáu hũ mắm của bà tôi, vừa mắm cái vừa mắm nước. Vài ba hũ khác bị mất nắp đậy. Và bất cứ hũ nào cũng đầy những dòi là dòi! Thôi, thế là dẫu chưa có súng đạn nổ ra ở đây, cảnh tượng ấy đối với bà tôi đã đủ cái bi thảm của một cảnh chiến trường rồi...

Buổi trưa hôm đó, tôi ở lại nhà, nằm nghỉ ngay trên giường bà tôi.

Ngôi nhà không người tự nhiên mát mẻ hơn mọi ngày. Một con nhện đu đưa ở đầu một sợi dây tơ thả lửng lơ giữa nhà. Một con ong bầu bay quẩn vài vòng rồi chui vào cái lỗ khoét ở lòng trính. Một ngọn gió phất nhẹ, cây lúa con mọc dưới ngạch cửa phe phẩy chiếc lá non. Một con chuột nhỏ, thấy im vắng, chạy ra đến giữa nền nhà, rồi ngập ngừng, đứng lại, quơ cái đuôi nhọn một cách e ngại. Con nhện chạy quanh cây cột rình bắt con ruồi. Và bụi mọt lặng lẽ rơi lên mặt chiếc phản gõ ở phía chái nhà trên...

Mọi vật ở đây đều yên ổn. Và mỗi tiếng co chân, tiếng trở mình của tôi trên chiếu đủ làm kinh động cả cái thế giới những con chuột, con gián...

Hàng ngày, lăng xăng giữa sự hoạt động của gia đình đông đảo, chưa có bao giờ như buổi trưa hôm ấy tôi ngừng lại trong cảnh vắng vẻ, thấm thía sự sống thân mật trong khung cảnh ngôi nhà quen thuộc của mình. Lúc này tôi rõ cái gì đã khiến bà cụ già sống ngót nửa thế kỷ trong ngôi nhà ấy cứ quanh quẩn không chịu quyết định rời bỏ nó để đi lánh nạn.


(Còn tiếp)