Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014
Võ Phiến - Lại thư nhà (Kỳ 6)
Người đàn bà này từng có hai đời chồng rồi. Ngày về nhà Bốn Thôi, chị ta đem theo đứa con gái mười một tuổi.
Người ấy dĩ nhiên không phải là một người đẹp; nhưng chị ta cũng không xấu xí. Năm lấy Bốn Thôi, chị vừa ba mươi tuổi, trông hãy còn trẻ lắm, nhưng có vẻ bẩn thỉu, tả tơi. Chị ta có thể mặc cái áo cụt thiếu mất vài hột nút, để hở cả bụng, cứ thế đi lại khắp xóm.
Chị không quan tâm đến sự ăn mặc, mà tôi chắc cũng không quan tâm đến việc lấy chồng. Chỉ có một điều làm bận rộn cuộc đời ấy là sự ăn uống. Nhà thì nghèo túng mà chị ăn vặt vãnh quá nhiều. Chị cũng biết như vậy là không tốt, cho nên nhiều lần người ta gặp chị cầm cái tô đi đến tận cuối xóm, hỏi đi đâu, chị cười bảo:
– Ði xin chút nước bún về cho con nó uống. Nước bún uống vô, thấy khỏe liền. Lạ chớ!... Không mất tiền mà!
Chị lại cười nữa. Kỳ thực, ai cũng biết chị đã mất rất nhiều tiền nhiều lúa vào lò bún, mà không phải là để uống nước cho khỏe. Bởi vì nước bún chẳng ai bán bao giờ.
Người chồng thứ hai chết đi, để lại đứa con trai ba tháng. Chị thường giao thằng bé cho đứa con gái trông nom để chị đi làm công và đi đây đó trong xóm. Một hôm thằng bé đang bệnh, chị đặt nó lên võng, lót một manh chiếu dưới lưng, dỗ nó ngủ, rồi ra đi. Sau khi ăn một tô bún còn nóng tại lò, ăn tiếp luôn một miếng mít vừa xin được, chị còn để dành năm múi mít đem về cho con.
Chạng vạng tối thì chị về tới nhà. Ðứa con gái đi vắng, bỏ trống cửa. Gió lạnh thổi vào nhà qua khoảng cửa mở, luồn dưới các ngạch cửa và qua khe hở ở chỗ bức vách bị nứt ra, xiêu ngã. Trên võng, thằng bé đã tắt thở từ bao giờ, mặt xanh lè, một chút bọt sùi ra bên mép. Phía dưới lưng, một con chó con giỡn với sợi dây võng, kéo chiếc võng chạy qua chạy lại.
Hôm đó, chị đánh đứa con gái một trận tơi bời. Và chị kể om sòm cho khắp mọi người biết rằng con bé đã giết chết em nó. Xuân – đứa con gái – nghĩ là quả thật nó có lỗi: nếu lúc ấy đi ngoài xong nó về ngay, không đuổi bắt con chim què thì chắc chắn là em nó không chết. Từ năm lên mười tuổi đứa con gái đã mang một vụ án mạng trên lương tâm.
Sau khi thằng nhỏ chết một năm, người mẹ lấy Bốn Thôi. Việc này không có liên quan gì đến ái tình, mà chỉ là chuyện sinh kế của người đàn bà. Không gặp Bốn Thôi chị ta nguy mất: nhà bếp ngã xuống một nửa, hai bữa cơm hàng ngày kiếm không đủ mà ăn.
Về phía Bốn Thôi, đối với các người vợ của mình – trừ chị Lộc – anh ta vẫn không tỏ ra thích người nào hơn người nào. Chị vợ thứ sáu cũng có những điểm tốt bên cạnh những nết xấu, như mọi người ở đời. Nếu đôi khi có người chê chị ta ăn mặc nhớp nhúa, hở hang, chị nhăn răng ra cười. Trông thấy những người đàn bà săn sóc sự ăn mặc, điểm trang, chị nguýt trộm, bĩu môi sau lưng, đầy vẻ nghi kỵ ranh mãnh. Nhưng chị cũng lại cười.
Lẽ cố nhiên chị ta không dùng một thứ trang sức nào, nhưng nhờ ăn được nhiều, chị có một chút máu hồng bốc lên hai gò má. Nhất là những lúc chị ta cười, máu dồn lên đỏ phừng, trông chị ngon lành như một trái chín cây. Từ khi chung sống với nhau, ngày ngày Bốn Thôi vẫn có nhiều dịp bắt gặp người vợ cười, anh ta có liếc mắt nhìn, và không phải không biết đến cái ưu điểm của vợ mình như thế.
Một đêm tháng ba, chị đi chợ về khuya. Trong thời kỳ kháng chiến chợ họp về đêm để tránh bị oanh tạc. Mỗi người đi chợ xách theo một chiếc đèn làm bằng cái chai cắt ngang. Những anh dân quân gác xung quanh chợ chờ đến lúc trời chạng vạng tối mới cho người ta vào chợ, thắp đèn lên mua bán. Phiên chợ kéo dài như thế tới tờ mờ sáng thì giải tán. Lúc nào có máy bay đến, nghe hiệu lệnh báo động, ai nấy đều phải tắt đèn, chạy tản ra đồng tìm chỗ nấp.
Người vợ thứ sáu của Bốn Thôi đi chợ về vào một đêm trăng tháng ba. Trăng sáng đủ thấy đường đi, chị ta tắt ngọn đèn xách tay để tiết kiệm dầu. Sương xuống trắng cánh đồng.
Ði đến gần cái ao đầu làng (một vết chân của ông Khổng Lồ) bỗng chị ta thấy có vật gì cựa quậy bên một bụi rậm ở bờ ao. Một ánh lửa đỏ lập lòe trong bụi cây. Rồi một hình người trắng toát đứng vụt lên. Chị ta đưa bàn tay đè ngang ngực, nhìn kỹ lại, và bật lên cười:
– Quỉ! Làm người ta hết hồn!
Người đàn ông khoát tay liên tiếp, nóng nảy. Nhưng hắn ta không chận được tiếng cười, hắn ta càu nhàu:
– Chỉ có bỏ chỗ này đi cho rồi, còn câu chó gì được nữa! Cười gì mà cười dữ vậy?
Vừa nói người đàn ông vừa giở cần câu lên. Hắn ta đang ngồi câu ếch. Tiếng ồn vừa rồi làm kinh động lũ ếch dưới ao, hắn thất vọng, nhìn chị đàn bà, tỏ vẻ khó chịu. Chị vẫn nhăn răng cười, dễ dãi:
– Chớ câu cái gì mà ngồi như chực rình người ta vậy? Khuya khoắt, khéo lựa chỗ ngồi câu!
Người đàn ông bỗng đổi nét mặt, cười một tiếng nhỏ, ngó thẳng vào mặt chị ta. Câu nói vừa rồi chắc đã gợi cho hắn ta một ý gì. Chị đàn bà biết là mình trót nói một điều sai lầm. Chị ta giật mình, cảm thấy lo sợ, bước đi.
Người đàn ông tên Hải, làm trùm xóm, vẫn là người quen biết lâu nay. Nhưng hắn ta chưa bao giờ nhìn chị bằng cái nhìn “gian” như vậy. Chị vừa quay lưng đi thì hắn ta nói:
– Ði đấy à? Tự nhiên đến quấy người ta rồi bỏ đi đấy à?
Chị ta không trả lời. Hắn nói tiếp:
– Muốn có thịt để ăn chơi không?
Bất giác chị ta ngoảnh lại. Hắn vung cái vợt lên ngang mặt, đung đưa. Bàn tay của hắn nắm thắt lấy lưng chừng cái lưới: có mấy con ếch ở dưới đáy vợt chồm nhảy lên kéo dài thân hình đen thui. Người đàn ông không cần nói, cho rằng cử chỉ của hắn ta đủ hùng hồn, quyến rũ. Nhưng chị đàn bà nhìn một lúc rồi quay đi. Hắn ta vội vàng bảo:
– Thịt ếch mà không ăn? Dại ôi là dại!
– Ừ, thì dại.
Chị sắp bước đi. Hắn hỏi với theo:
– Thờ Phật đấy hả? Từ bao giờ đó?
Chị ta lại bật cười, dễ dãi:
– Ừ, tu lâu rồi.
Chị sắp sửa đi. Hắn ta gọi gấp:
– Này!
– Cái gì?
– Tu quái gì chị mà tu hành? Tại sao không ăn thịt ếch?
– Ai làm thịt cho ăn? Thứ đó, mướn tôi không dám làm thịt: chặt đầu rồi nó còn run cả tay chân. Gớm lắm.
Người đàn ông phá lên cười:
– À! Có vậy mà tưởng chị đâm ra chê thịt. Lại đây! Người ta chỉ cho cách làm thịt ếch.
Thoạt tiên người đàn bà nghi ngờ. Nhưng sau cùng chị cũng trở lại, vừa đến vừa cười. Lúc chị ta đã đến gần, người đàn ông đưa tay lên béo mạnh một cái vào cái má nhiều thịt của chị. Các ngón tay của hắn vừa mạnh vừa nhanh, hăng mùi khói thuốc đã lạnh.
Béo xong hắn ta tiếp liền vào chuyện làm thịt ếch. Hắn bảo chị sau khi chặt đầu ếch xong, phải đè nó xuống, dùng một cái tăm đâm suốt dọc theo xương sống của nó. Như thế vất con ếch ra nó sẽ mềm xèo, nằm im.
Người đàn bà chưa hiểu rõ. Hắn ta cho tay vào vợt, lôi một con ếch ra, trao chiếc vợt, bắt chị đàn bà nắm giữ, còn hắn ta thì đè con ếch xuống, chỉ vẽ cho chị ta biết phải chặt đầu ngang chỗ nào, phải đâm từ chỗ nào. Người đàn bà cười ngắc nga ngắc nghẻo một cách vô lý.
Hắn lại nhìn vào mặt chị ta bằng cái nhìn rất “gian”. Chị biết rằng chị lại vừa làm điều sai lầm nữa, tuy vậy trước khi chị ta kịp ngắt tiếng cười, người đàn ông đã đưa ngón tay vừa nắm con ếch mà quẹt chùi mạnh vào vai áo chị ta. Chị né tránh, hắn ta kéo lại, và chị suýt ngã vào người hắn. Cái khăn lông quấn xung quanh cổ người đàn ông xông lên một mùi khói thuốc lẫn với sương lạnh thành một mùi hăng rất mạnh. Chị sắp nổi giận về cử chỉ của hắn ta, nhưng hắn đã nói:
– Bây giờ thì muốn mấy con?... nghĩa là mấy con ếch?
Chị ta giơ cao cái vợt lên đếm:
– Một, hai, ba... tất cả chỉ có bốn con!
– Bốn con mà không được một bữa no nê hả? Xào với nghệ, cho thật nhiều nghệ, đổ kha khá nước vào. Có bún mà ăn với nó năm ba tô coi nào. Nước ngọt tuyệt. Ðã ăn ếch lần nào chưa?
– Chưa!
– Trời ơi! Cứ tưởng thịt cầy chị cũng không từ.
Hắn ta xoay ra nói chuyện về ăn uống. Hắn nói coi bộ thạo. Ðôi bên gặp nhiều chỗ tương đắc. Hắn ta đồng ý với chị, rằng ăn uống là một sự quan trọng trên đời. Hắn giúp chị ta tìm một sợi dây buộc bốn con ếch lại vào một xâu dài, xong hắn cầm cả xâu ếch đu đưa trước mặt người đàn bà, để cho những bàn chân ếch chới với suýt cào trúng mặt chị ta. Chị đàn bà cười khanh khách, ngả nghiêng. Hắn ta chồm tới gần, mùi khói thuốc ướp sương đêm, hăng và lạnh, xông vào mũi chị ta, quen thuộc.
Có một lúc người đàn ông bảo:
– Ðây cầu cho thiên hạ đi tu hết, cho ai nấy đều kiêng ếch hết.
Hắn hỏi chị:
– Nhà chị thích về niết bàn hay thích ở lại... ăn ếch?
– Ðây thì tu.
Hắn phá lên cười:
– Biết thừa ra rồi. Tu mà nghe mùi thịt thì nước dãi ứa đầy mồm...
Chị đàn bà không nghe hắn nói, tiếp tục ý nghĩ của mình, giọng bí mật:
– Chẳng tu mà cũng như tu!
Người đàn ông đang cười, chợt dứt ngang, quay nhìn lại, ngờ vực điều gì:
– Thiệt đấy hả?
Hắn ta vụt hiểu nhanh như cắt. Người đàn bà cảm thấy là hắn đã hiểu tất cả. Sự bí ẩn trong cuộc đời ân ái của Bốn Thôi trải qua sáu người đàn bà, đến đấy bị tiết lộ rồi.
Chị đàn bà biết mình lại sai lầm nữa. Nhưng lần này thì muộn quá, không sửa chữa kịp. Hắn ta nhìn chị rất “gian”, bạo dạn, háu ăn và dữ như cọp! Người đàn bà tự nghĩ: “Muộn mất! Muộn mất rồi!”. Thế rồi đến mức cuối cùng của sự lo lắng tự dưng chị ta nở một nụ cười bình tĩnh, dịu dàng, đón đợi.
Sáng hôm sau, chị ta lui cui mang ếch ra làm thịt. Chị dùng que tăm xỉa vào suốt xương sống, con ếch xụi đơ chân ra, hết run; chị vứt nó ra, lấy một ngón tay lật qua lật lại: thực là bất động. Chị ta mỉm cười vui vẻ: “Thằng cha thạo chuyện ăn thiệt!”
Cái cười dần dần nhuốm vẻ dịu dàng thầm kín, và vẫn vu vơ như một ánh đèn lợt lạt không chiếu vào đâu.
Từ đó, người đàn bà không sợ ếch nữa. Và ngay một lần đầu chị đã xơi đến bốn con ếch, thì dĩ nhiên chị có quyền không chê những con từ thứ năm trở lên.
Tháng giêng năm sau, chị đẻ một đứa con trai.
Ở thôn quê, người ta thường tỏ việc nhà người khác. Một việc đặc sắc như việc Bốn Thôi có đứa con đầu lòng sau sáu đời vợ không thể không được chú ý. Người ta cũng hay rõ cả việc chị vợ thứ sáu ăn thịt ếch sau đêm trăng tháng ba nọ. Và rốt cuộc khắp làng ai nấy đều quyết rằng đứa con đầu lòng của Bốn Thôi chính là do tên trùm Hải hiến cho, cũng như tất cả những đứa con sau này nữa.
(Còn tiếp)