Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Võ Phiến - Lại thư nhà (kỳ 5)


Một cuộc vật lộn gay go và bất lực với số mệnh kéo dài suốt nửa đời người như thế dần dần nhuốm một tính chất bi thảm, và người chứng kiến không còn lòng dạ nào cười cợt nữa – dẫu rằng trong đó vẫn có ít nhiều khía cạnh đáng cười.

Nhưng về phía những người vợ anh Bốn Thôi, tại sao tất cả – chỉ trừ chị Lộc – tất cả họ bằng lòng lấy anh ta, rồi họ đều bỏ anh trốn đi một cách vội vàng nhẫn tâm như vậy? Người chú Bốn Thôi có điều ngờ vực mà không bao giờ ông chịu nói ra. Còn bao nhiêu người trong làng đều thắc mắc.

Tôi chắc chắn không phải những người đàn bà ấy thất vọng về tính nết thực thà khờ vụng của Bốn Thôi. Về điều đó họ có bị lừa gạt gì đâu. Không phải trước khi chịu lấy anh, họ không hiểu anh là người thế nào; cả làng còn ai lạ gì anh, tất nhiên họ không chờ đợi một người chồng lanh lợi bặt thiệp, tình tứ tao nhã. Như thế họ lầm gì? Mỗi người con gái nọ, một khi biết mình lầm, tự nhiên lặng lẽ, không kèn không trống bỏ ra đi. Họ không hề hé răng nói một lời nào để răn ngừa kẻ đến sau. Người ta bảo rằng đàn bà ít kín miệng. Nhưng khi họ tỏ ra kín miệng, thì lại không phải là vì hảo ý.

Có điều lạ lùng là dẫu bị lầm, họ cũng không oán, và mặc dầu bị bỏ rơi, bị làm nhục, người chồng cũng không lấy làm giận. Những người vợ ra đi như thế làm cho cuộc đời anh Bốn Thôi càng lúc càng đen tối thêm. Người này đi, người kia lại ra đi, sự đau khổ cứ diễn đi diễn lại mãi, mỗi lần như vậy anh ta mỗi cảm thấy rùng mình như nhà thi sĩ nghe lặp lại cái câu tuyệt vọng não nùng từ cửa miệng con quạ quái gở trong bài thơ kỳ quặc danh tiếng nọ, mặt anh mỗi tối đi, đầu anh mỗi gục nặng xuống thêm nữa. Thật vậy, anh Bốn Thôi như càng ngày càng cúi gục xuống, không đủ sức cất cao đầu lên nữa. Tuy vậy, dù gục đầu anh vẫn cứ lùi lũi tới lui thăm viếng gia đình của các người vợ cũ. Mồng năm ngày tết, các ngày cúng quải, anh vẫn lễ mễ khăn áo đến nhà các người vợ cũ làm đầy đủ bổn phận của người rể ngoan, đến nỗi tất cả các gia đình đều thương xót, ái ngại, đều cảm thấy như sự phụ bạc lầm lỗi của các người con gái dần dần trút hết lên họ một cách nặng nề.

Mùa đông năm trước khi xảy ra cuộc khởi nghĩa 1945, bà Hai Hồ gạt lửa để dưới giường nằm cho ấm; giường gãy, bà ta ngã lên lửa, vì vướng lúng túng mền chiếu, không vùng dậy kịp thời, bị phỏng nặng. Ban đầu Bốn Thôi lui tới mỗi ngày vài lượt, về sau anh ta phải ở lại nhà mẹ vợ suốt nửa tháng để chăm nom thuốc thang, nấu cơm, giặt gỵa cho bà ta. Bốn Thôi lúc nào vốn cũng buồn rầu và nghiêm chỉnh. Bởi vậy, sự tận tụy của anh, dù là trong khi anh làm những công việc nhỏ mọn không xứng đáng với người đàn ông, cũng có vẻ khả kính. Anh ta mến trọng, hầu hạ mẹ vợ, bất chấp sự khinh bỉ và mối ác cảm của làng xóm đối với bà ta từ trước đến nay. Thái độ can đảm của anh ta lần lần rồi nâng cao bà Hai Hồ lên ít nhiều trước con mắt người xung quanh.

Tất cả năm gia đình bên phía vợ cũ đều công nhận rằng một người rể như Bốn Thôi thật là quí báu. Và bà tôi, sau khi lục soát khắp cái xã hội mênh mông của “mọi lần” cũng lắc đầu, chịu rằng một nhân vật như vậy khó tìm ra.

Các người nghiên cứu về tính dục ngày nay thường khi họ nêu lên những điều rất nhảm nhí. Thậm chí họ phát giác ra có kẻ tìm thấy khoái trá trong sự tiếp xúc, nâng niu những vật vô nghĩa lý thuộc về người đàn bà mình yêu thương, thí dụ như cái khăn tay cũ, sợi tóc, một mảnh “tàn y” còn lưu hương v.v..., những gì đã gần gũi người yêu và có thể “đại biểu” cho thân thể người yêu. Họ cho đó là một biểu lộ bệnh hoạn của dục tình, như thể là một hiện tượng bái vật trong sự tín ngưỡng.

Hỡi ôi! bà Hai Hồ có thể đem ví với một chút tàn y, một mảnh áo rách không thơm tho mà gợi cảm ấy sao? Và thái độ trọng vọng thành kính trên nét mặt rầu rầu nghiêm chỉnh của Bốn Thôi ấy lại có dính líu đến dục tình sao? – Không còn có sự suy diễn nào nhảm nhí hơn.

Tuy vậy có một chút sự thực cần phải nói ra là quả tình Bốn Thôi thường thường viếng thăm những gia đình vợ cũ không phải vì ân nghĩa, vì tôn trọng những nề nếp lễ nghi phong tục đẹp đẽ. Sự thăm viếng chuyên cần mà trịnh trọng như những cuộc hành hương ấy đối với tất cả năm gia đình nọ, có mục đích ích kỷ. Nó xoa dịu sự khoắc khoải cô đơn của anh ta. Ra vào nhà cửa của các người con gái đã mất ấy, tiếp xúc thưa gởi với mẹ cha chị em họ, tiếp tục đóng vai trò người chồng họ, tẩm mình trong cái không khí thuộc về thế giới những người vợ cũ như thế, Bốn Thôi cảm thấy mặt mũi mình bớt bị tối sầm lại, đầu óc bớt bị trĩu gục xuống; anh ta cảm thấy một sự an ủi, anh ta như được thư thái hơn, bình tĩnh hơn.

Thật là khắc nghiệt và thô lỗ nếu gán cho thái độ của anh những danh từ đại loại như bệnh hoạn, dục tình v.v... khi anh chỉ muốn yên lặng tìm một cảm tưởng an tĩnh. Người đời thiếu sáng kiến thường hiểu được thái độ của những kẻ lánh đời bằng cách lênh đênh khắp ngũ hồ, mà không chịu hiểu cho kẻ lánh đời bằng cách lẩn quẩn trong khoảng năm gian nhà vợ cũ.

Nhưng điều gì mà không ai chịu cảm thông với mình, Bốn Thôi vẫn tin rằng nếu chị Lộc còn ở đời, chị sẵn sàng thông cảm. Sao chị lại không biết đến tâm trạng của kẻ lẩn quẩn ở nhà vợ khi chị đã từng thấu hiểu được cả cái tâm trạng của kẻ lẩn tránh sự cô đơn ngay trong lỗ mũi mình! Bốn Thôi tin rằng nếu chị Lộc còn ở đời anh không đến nỗi thành một hiện tượng bí hiểm.

Nhưng ngoài chị Lộc ra, những người vợ khác, họ đối với anh cũng như mọi người đối với anh. Họ không có sự thông cảm. Có lạ chăng chỉ là họ đã xa bỏ Bốn Thôi mà trước sau vẫn không tỏ một ác cảm gì, một sự giận dỗi nào cả. Một năm nọ, người vợ đầu tiên của Bốn Thôi trở về làng. Chị ta kể rằng đã đi làm công ở một đồn điền trà trên Biển Hồ, chị đã có chồng khác và có con. Tôi có được gặp người đàn bà nhỏ vóc, răng đen, và nước da vàng ấy, gặp vào hôm chị ta tới thăm nhà Bốn Thôi.

Mọi người trong gia đình chị ta đều bảo là chị cần phải đến thăm người chồng cũ. Chị ta nghe theo, thản nhiên. Khi họ gặp nhau, chị ta nhoẻn cười, như thể là để làm lành, xin lỗi, mà cũng như thể là để khích lệ Bốn Thôi. Tuy vậy, anh này vẫn cứ bẽn lẽn. Anh bẽn lẽn, khiến người ngoại cuộc có thể nghĩ là trong việc người vợ bỏ nhà trốn đi trước kia, phần lỗi thuộc về anh chứ không phải về người vợ.

Rồi người đàn bà bạo dạn chào hỏi chú thím Bốn Thôi. Họ hỏi thăm nhau về sức khỏe, về tình hình mùa màng, về công chuyện làm ăn. Người đàn bà lại kể với Bốn Thôi chuyện chị làm công ở đồn điền trà trên Biển Hồ, chị có chồng khác, có con... Như thế, một lúc sau, họ vui vẻ, đề huề, tưởng không có gì ngăn cản họ lại sum họp mãi mãi bên nhau.

Ðến một lúc, tự nhiên người đàn bà nhìn về phía bàn thờ, có ý tìm kiếm một cái gì. Bà thím của Bốn Thôi nói:
– Năm ngoái ông ấy trông thấy bộ bình phong tam sơn này, thích quá, nhất định mua về. Bộ cũ bán rồi.

Bà tưởng người cháu dâu cũng chú ý đến bộ đồ thờ bằng gỗ mới. Ông chú nghe nói đến mình, tủm tỉm cười. Nhưng ông ta trông lại, và hiểu rằng người cháu dâu không để ý đến bộ đồ thờ. Quả nhiên, chị ta vừa cười vừa hỏi:
– Cái đó... ở đâu?

Người thím hỏi:
– Cái gì?

Chị ta cười lớn hơn:
– Cục đất đó?

Trước khi chị nói ra câu ấy, Bốn Thôi đỏ mặt như gấc. Anh hiểu sự tò mò của chị ta. Chị đã nghe người ta nói về cục đất có in vết chân chị Lộc! Nhưng mà còn đâu nữa: lâu năm quá rồi, vết chân chị Lộc cùng với những vết ngoe cua đã tan rã, trở về đất bụi rồi, còn đâu!

Người đàn bà nước da vàng vàng cười ngắc nga ngắc nghẻo. Rồi chị ta vừa nói chuyện vừa giúp bà thím nấu dọn bữa ăn. Ba hôm sau, chị lại đi Biển Hồ.

Ngay đến người đàn bà toe toét, dễ dãi ấy cũng vẫn cứ kín miệng về chỗ lý do khiến họ xa bỏ Bốn Thôi. Vì vậy mà sau đó một người đàn bà thứ sáu lại đến làm vợ anh ta nữa!