Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014
Hà Tường Cát - Kỷ niệm 100 năm Thế Chiến Thứ Nhất
Cách nay đúng 100 năm, ngày 28 tháng 7 năm 1914, quân đội đế quốc Áo - Hung nổ súng tấn công Serbia, mở đầu trận Thế Giới Đại Chiến lần thứ nhất.
Triển lãm mang tên 'Blood Swept Lands and Seas of Red' do nghệ sĩ Paul Cummins đề xướng với 888,246 bông hoa poppy bằng gốm sứ cắm trên bờ hào xung quanh Tower of London để tưởng niệm những nạn nhân dân sự bên phía Đồng Minh thiệt mạng trong Thế Chiến I. Công trình nghệ thuật này đang được tiếp tục thực hiên hôm 28 tháng 7 và sẽ hoàn thành vào ngày Lễ Đình Chiến 11 tháng 11 năm nay. Sau đó những ai muốn sưu tầm làm kỷ niệm có thể mua những hoa poppy này với giá 25 bảng Anh (US$42) một bông. (Hình: Oli Scarff/Getty Images)
|
Thế Chiến I kéo dài hơn 4 năm và kết thúc bằng thỏa hiệp đình chiến năm 1918. Thỏa hiệp được ký trên một toa xe lửa riêng của Thống Chế quân đội Pháp, Ferdinand Foch, Tổng Tư Lệnh tối cao quân đội Đồng Minh, và có hiệu lực từ lúc 11 giờ sáng, giờ Paris, ngày 11 tháng11 năm 1918.
Thế Chiến I là cuộc xung đột võ trang lớn nhất trong lịch sử cho tới đầu thế kỷ 20, chỉ kém Thế Chiến II sau này, với tổn thất nhân mạng cho quân đội các bên tham chiến là 9 triệu binh sĩ. Thiệt hại nặng nề này do sự phát triển các kỹ thuật chiến tranh và sự bế tắc kéo dài của cuộc đối đầu tại trận địa hầm hố giữa hai chiến tuyến.
Hầu hết chiến trận xảy ra trên lãnh thổ Âu Châu giữa các đế chế cường quốc kinh tế, một bên là Đồng Minh giữa 3 nước có hiệp ước Pháp, Anh, Nga, một bên là Liên Minh của hai Đế Chế trung Âu, Đức và Áo - Hung. Từng thời gian, mỗi bên lôi kéo vào phe minh nhiều nước khác.
Ý lúc đầu đứng về phía Liên Minh nhưng tới 1915 chuyển sang phía Đồng Minh. Hoa Kỳ tham chiến bên phía Đồng Minh từ 1917. Cùng đứng về phía Đồng Minh còn có Serbia, Romania. Bỉ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Montenegro, Nhật Bản, Brazil. Phía Liên Minh có thêm Bulgaria, đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) với sự hỗ trợ của Tây Ban Nha và phe nổi dậy Mexico.
Trong Thế Chiến I, không có quốc gia Âu Châu nào được coi là toàn thắng; Đức đứng về phía bại trận nhưng không chịu tổn hại nặng nề bằng Pháp.
Hậu quả quan trọng nhất của Thế Chiến I là về mặt chính trị và làm thay đổi cục diện của nhiều quốc gia Âu Châu. Tất cả những đế quốc quân chủ đều sụp đổ, tạo điều kiện cho đảng Cộng Sản Bolshevik lên nắm quyền tại Nga, mở đường cho Quốc Xã của Adolf Hitler lên nắm quyền tại Đức, Mussolini tại Ý và Nhật Bản đi vào chủ trương bành trướng đế quốc, để cuối cùng dẫn tới Chiến Tranh Thế Giới lần thứ 2, 1939-1945.
Kỷ niệm 100 năm Thế Chiến I không chỉ trong một ngày và được đánh dấu bằng những sự kiện sinh hoạt khác nhau ở nhiều nước trên thế giới trong suốt năm 2014.