Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Nguyễn Ðức Tường - Vào đời

Photo: Giang Ðông Du
Con cò ruồi đi lại ngoài hàng hiên. Chậm chạp, đắn đo, nó rón rén bước đi từng bước. Thỉnh thoảng, cò ta dừng lại, đầu nghiêng nghiêng như một triết gia, rồi nó bất thần phóng mỏ mổ xuống đất. Cò lại bắt thêm được một con ruồi nữa.


Tâm lười biếng nằm trong ổ rơm. Cuộc đời tỉnh thành của Tâm chưa bao giờ cho nó nếm qua cái ổ rơm dày, mềm mại và êm ấm như thế này, nên dù đã muộn, nó vẫn chưa muốn dậy. Hôm nay, vì lý do nào đó, ông bố tha, mặc cho nó lườn ươn. Bình thường mỗi buổi sáng sớm, bất kể nóng lạnh, ông dựng hai anh em Tâm dậy, bắt ra ao tắm. Nằm gọn lỏn trong lỗ ổ rơm như cái tổ chim, thò đầu ra ngoài, Tâm chăm chú nhìn theo từng bước đi của con cò đã đến mười lăm phút, đếm từng con ruồi mỗi khi cò bắt được. Cò không bắt hụt con ruồi nào; đếm được chừng vài mươi con thì Tâm lẫn mất. Ăn ruồi đã no, cò dừng lại bên cạnh cột nhà, đứng phơi nắng ngủ, đầu dấu dưới cánh, một chân co lên dấu dưới bụng. Lông cò trắng muốt. Nắng chiếu qua mái hiên, in đậm trên nền gạch mấy cành lá tre rung rinh cùng bóng cò đứng một chân, sắc nét, trông như bức tranh thủy mặc.

Tâm chán cò, nhìn sang phản gỗ giữa nhà. Ông nội nó đang ngồi nói chuyện thời sự với cụ bá. Tình hình đã rất căng thẳng, cả nước đang ngột ngạt chờ đợi. Tây vẫn tiếp tục khiêu khích khắp nơi; mấy tháng trước đó, đại bác Tây bắn vào thành phố Hải Phòng, mấy nghìn người chết.

“Chắc đánh nhau to, cụ ạ.” ông nội thở dài nói, “không biết người mình sẽ cầm cự được bao lâu?”

Ông nội có cái nhìn khá rõ về thực lực của dân mình và sự tàn ác quyết liệt của bọn Tây cùng đám tay sai của chúng. Có một thời, cụ giữ một chức vụ hành chánh ở phủ, và mới ngày nào, cụ còn phải chạy chọt, đi chuộc con trai cụ về từ tay ông Cung Đình Vận, một ông quan khét tiếng vùng biển. Cụ bá vê điếu thuốc lào, chậm rãi cho vào nõ điếu rồi đánh diêm châm lửa hút, hít một hơi thật dài, tiếng lọc xọc của ống điếu vang lên giữa căn nhà, trong buổi sáng còn yên tĩnh của đầu mùa đông. Cụ phà khói ra, ngồi yên lặng, trầm ngâm, mắt lờ đờ say thuốc. Nên hòa hay nên chiến? Các cụ có lẽ cũng giống như các cụ ta ở Hội Nghị Diên Hồng ngày xưa. Thừa biết có muốn hòa cũng chẳng được nên khi cùng với cả đám đông thì hăng hái quyết chiến, nhưng những lúc như lúc này, chỉ có hai cụ ngồi với nhau, phần suy nghĩ lại chiếm tay trên, các cụ không khỏi cảm thấy lo ngại và bất an. Cụ bá đưa mắt nhìn cơ nghiệp của mình, vườn cây xanh rờn, sân gạch thênh thang, ao cá, nhà ngói, còn ông nội thì đã bỏ lại nhà cửa ngoài thị xã.

Tâm nhỏm dậy, ra ngồi chầu rìa bên cạnh ông nội. Cụ bá pha chè, đổ nước sôi tráng mấy cái tách rồi chuyên chè vào tách mời ông nội:
“Mời cụ xơi nước.”

Ông nội đưa tay đỡ tách nước, miệng nói cảm ơn. Con vện ở đâu bỗng chạy xộc đến bên cụ bá, đứng ve vẩy đuôi. Tâm ngửng đầu hỏi cụ bá,
"Cụ ơi, chó nó có biết uống chè Tàu không, hở cụ?"

Cụ bá chưa kịp trả lời, ông nội đã quay sang mắng thằng bé:
"Tâm! Trẻ con không được hỗn, chỉ có ông nội mày mới uống chè Tàu chứ chó nó không uống chè Tàu. Đi chỗ khác chơi cho người lớn nói chuyện."

Tâm đi ra chỗ khác, còn nghe tiếng ông nội than phiền sau lưng:
“Trẻ con ngày nay chẳng biết phép tắc, ý tứ gì cả,” (như thể ngày xưa muôn thuở, cái gì cũng toàn bích.) Rồi ông tiếp tục câu chuyện bỏ dở:
“Tự vệ thành của mình có được ba khẩu mousqueton còn sót lại từ thời lính khố xanh, khố đỏ mà Tây thì nó có xe tăng, tàu bò!”

Nghe ông nhắc “tự vệ thành”, Tâm nhớ đến Tám Toét, anh họ của nó. Trước  cách mạng, ai cũng gọi anh là anh Cai vì anh là một thày Cai khố xanh. Từ ngày cách mạng thành công, anh trở thành tự vệ thành. Trước mặt, mọi người gọi anh là anh Tám, nhưng sau lưng, anh là Tám Toét vì mắt anh lúc nào cũng ươn ướt, mi mắt viền đỏ và chốc chốc anh lại phải chấm mắt với cái mùi xoa đỏ một lần. Đã ba ngày nay, Tâm không gặp anh Tám để nghe anh kể những truyện phiêu lưu khổng lồ mới. Là tự vệ thành, anh nói nhiệm vụ của anh là trinh sát đồn Tây ở nhà máy chai dưới tỉnh. Anh đứng rình trên bờ tường, chờ thằng lính Tây gác đi đến, anh sẽ như một con báo dữ, nhảy plongeon xuống, đập đầu tên lính để cướp lấy súng. Câu chuyện thay đổi tùy ngày, chẳng hạn có ngày anh ngậm dao găm ở miệng trước khi plongeon xuống.

Tâm không có lý do gì để nghi ngờ những câu chuyện kể của anh Tám. Ngày thường, trông anh oai phong lẫm liệt, rõ ra một ông cai khố xanh khi anh bệ vệ đến dạy Tâm học võ.

“Hai chân chú để thế này (anh vốn đi chân chữ bát nên anh khuỳnh ra một cách rất tự nhiên, chỉ cho Tâm cách đứng) rồi giữ thăng bằng và thấp người xuống, đó là trung bình tấn. Bây giờ đổi qua trảo mã tấn, chân thấp chân cao, chân trái quay nửa vòng về phía sau, lấy đà nhảy lên, chân phải đá ra phía trước. Nào, bây giờ chú làm thử, anh coi!”

Tâm chân thấp chân cao, chân trái quay nửa vòng về phía sau rồi lấy đà nhảy lên, chân phải đá ra phía trước. Thằng bé em chẳng may ở đâu chạy đến, bị cú đá trúng đít, bắn ra xa, khóc om xòm. Ông nội thò đầu ra, mắng ầm lên. Từ đó, mỗi khi luyện võ cho Tâm, anh Tám cẩn thận dắt Tâm ra đằng sau nhà.

Đã hơn tháng nay, gia đình Tâm tản cư về sống trong làng này, ở nhờ nhà cụ bá. Làng cách thị xã chừng mươi cây số. Bố đi đi về về, trông nhà dưới tỉnh. Tâm cả ngày sống chung hòa bình với con cò, con vện và con mèo tam thể. Những khi khác, Tâm theo mấy anh con cụ bá đi câu cá hay bắn chim. Đời sống lười biếng, nhàn nhã, có cái thú vị duyên dáng của nó. Tây với chả Tây, cuộc đời lãng đãng này thật thiên đường. Tâm không phải tới trường, tất nhiên cũng không có chuyện mấy đứa trẻ đi học về, cặp sách dưới háng, nắm tay đưa ngang lên thái dương, đứng nghiêm chào nhau, rất chỉnh tề. Nó chợt nhớ ra cả tuần nay, nó không hát bài Diệt Phát Xít mà nó ưa thích:
Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than,
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang,
Diệt Phát Xít giết bày chó đê hèn của chúng…

“Diệt Phát Xít, giết bày chó đê hèn của chúng,” Tâm nghĩ đến chú Lạn của nó, chỉ vì bị ông Cung Đình Vận bắt, đánh cho mấy cái bạt tai, tự nhiên thành cách mạng; không biết bây giờ chú ở đâu? Lan man, Tâm nhớ lại thời gian gia đình nó còn sống ở Vĩnh Yên, một tỉnh miền Trung Du đất Bắc. Khi ấy, Tâm bé hơn bây giờ nhưng đời sống của nó giống hệt lúc này. Có khi nó ngồi hằng giờ sau nhà, lặng nhìn và cảm thấy thèm muốn chạy ra chơi ngoài rừng thông ở phía xa. Xa hơn nữa là dãy núi Tam Đảo. Có khi chị Quỳnh, chị họ nó, dắt nó thả bộ đi rong chơi ngoài đồng ruộng. Rồi, ga Hướng Lại. Nghĩ đến ga Hướng Lại, Tâm thấy nóng ran cả mặt.

Ga Hướng Lại cách nhà Tâm chừng ba cây số, chơ vơ giữa đồng không mông quạnh nên rất thoáng. Nhà ga chia làm hai: một bên là ghi-sê bán vé, bàn giấy cùng máy móc để kiểm soát tàu hỏa; phía bên kia là căn nhà riêng của xếp ga, gồm nhiều buồng. Mỗi ngày hai lần, tàu hỏa hú còi sùng sục chạy đến, đón thả hành khách ở phủ. Ông xếp ga Hướng Lại là bác Hiệp, bạn thân của bố nó. Cuối tuần, bố hay đạp xe đạp, đèo Tâm đi thăm bác Hiệp. Bác có cô con gái tên là Kiều Diễm. Cái Diễm xấp xỉ tuổi Tâm, khi ấy chừng sáu bảy tuổi, hai đứa chơi với nhau rất thân. Tâm nhận ra, mỗi khi chơi đi trốn đi tìm cùng với những trẻ con khác, Diễm bao giờ cũng cặp kè với nó. Một trưa thứ bảy râm mát, Diễm rủ Tâm đi bộ chơi dọc đường tàu hỏa. Đường đi xa tít, đến bây giờ Tâm vẫn còn nhớ cái mùi hăng hắc của creôzốt sơn trên gỗ kê đường tàu để giữ cho gỗ khỏi mục. Đang đi, bất ngờ Diễm dừng lại, bảo Tâm,

“Tâm buồn đi đái không? Mình đái ở đây cũng được, không sao đâu.”

Nói sao làm vậy, Diễm tụt quần ngồi xổm xuống đất. Tâm không dám nhìn, còn đang luống cuống thì Diễm đã giục,

“Sao Tâm không tụt quần ra, đái đi?”

Tâm lúng túng tụt quần, nhưng xấu hổ quá, nó cứ đứng trơ như phỗng, không sao đái được.

“Tâm ơi! Tâm đâu rồi?” Tiếng anh Thìn, con cụ bá, gọi làm nó giật mình, trở về thực tại.

“Em đây!” Tâm lên tiếng trả lời rồi chạy vội vào trong bếp. Nó nhớ đến những viên đất tròn ủ trong đống tro trấu mà nó đã vùi nung từ đêm hôm trước để làm đạn đi bắn chim với anh Thìn. Khi Tâm vào đến nơi, anh Thìn đang ngồi bới tro tìm đạn. Nó ngồi thụp xuống bên cạnh, giúp anh xếp đạn.

"Mấy viên này để bắn chim sẻ," Tâm nói, "những viên này to hơn, để bắn chim cu!"

Chị Nhâm ngồi bên cạnh đang nấu cám cho lợn, quay sang cười nói với Tâm,

"Ừ, chú chịu khó chờ, lúc nào ông nội ngủ hãy bắn, thế nào cũng trúng!"

Tâm hỏi lại chị Nhâm được nửa câu, "tại sao lại phải chờ ông nội..." thì nó nghĩ ra, biết bị mắc hỡm chị Nhâm. Tâm nói lửng lơ, "Chị..." rồi lảng đi theo anh Thìn ra đào củ ráy để sửa soạn làm mồi câu cá.

Hì hục đào mãi mới được mấy củ ráy, nó đem ra nghiền nát, bọc vào lá khoai cho khỏi khô, rồi ngâm mai cua với nước vo gạo, trộn lẫn, để làm bả câu cá. Cẩn thận đổ sản phẩm vừa pha chế vào nửa cái lon vỡ, Tâm đem lon cất dấu tận cuối vườn vì, trong vòng vài ba tiếng đồng hồ, nếu để gần nhà, mùi hôi thối sẽ xông lên nồng nặc, không ai chịu được. Mỗi khi câu cá, bả được ném xuống nước ở chỗ định thả câu, chỉ trong vòng vài phút là ở ngay đó, cá đã đến, tăm nổi lên sùng sục.

“Có thật là cá, vì ăn củ ráy của mình, bị ngứa mép mà cắn câu không, hở anh?” Tâm hỏi anh Thìn.

“Anh không biết nhưng anh thấy cách này bao giờ cũng được cá. Đi câu suông, ít khi được cá lắm!”

Không gì thuyết phục hữu hiệu hơn là một xâu cá. Đi câu với anh Thìn bao giờ cũng được cá, xâu lớn xâu nhỏ. Lần đầu tiên cá cắn câu, Tâm đánh vật mãi mới kéo lên được con cá rô dài, bề ngang to bằng bốn ngón tay. Sau này, lớn lên đọc Hemingway, nhớ lại cảm giác đầu tiên, nó thấy nó cũng anh hùng như nhân vật của Hemingway trong truyện Ông Già và Biển Cả.

Khi Tâm sửa soạn sắp đi bắn chim thì chị Mít ra hiệu gọi nó ra ngoài. Chị đưa cho Tâm một bát lạc luộc khá hậu hĩ, Tâm móc túi đưa cho chị thêm năm đồng nữa. Trước đó mấy tuần, vì một câu chuyện tình cờ, Tâm chung với chị Mít năm đồng, chị bàn:
"Hay là thế này, chú chịu khó để dành chung với chị thêm năm đồng nữa, tổng cộng là mười đồng cho chị làm vốn, mỗi ngày chị sẽ trả lãi cho chú một bát lạc to như bát này."

Tâm tính nhẩm trong đầu, hùn vốn với chị có mười đồng mà mỗi ngày được ăn một bát lạc to như thế này thì lãi quá! Tâm bằng lòng. Nó nghĩ đã làm một công việc đầu tư rất có lợi. Dành dụm ít ngày, Tâm có thêm năm đồng nữa. May hay không may cho Tâm, ý định cường hào ác bá, cho vay nặng lãi vừa manh nha thì đã bị dập tắt vì, mấy ngày sau đó, chị Mít cho nó thêm đúng một bát lạc luộc nữa rồi lờ tịt đi mà nó không dám ho he đòi!

Buổi chiều, anh Thìn rủ Tâm đi câu. Vừa ra khỏi ngõ, hai anh em đã nghe thấy tiếng lao xao vang lại từ khu nhà ông lý. Quân và Nam đang đá cầu, thấy Tâm đi qua, chúng nó chạy ra rủ Tâm vào chơi. Tâm không cưỡng được nên vào để anh Thìn đi trước.

Quân và Nam là hai anh em con chú con bác. Quân là con ông lý. Mấy đứa trạc cỡ tuổi nhau; vì là con mấy vị chức sắc trong làng, lại là con út trong nhà, nên chúng không phải làm gì, chỉ lo việc đi học ở trường làng, và cũng như Tâm, mấy tuần nay cả ngày lông nhông chơi nghịch. Hai đứa như đẻ sinh đôi, rất thân nhau, đi đâu cũng cùng đi nhưng chúng cũng hay chửi nhau, nhiều khi rất tục tĩu. Ấy là Tâm nghe các cụ nói như vậy; chúng nó con nhà khá giả song cứ mở miệng là nói tục. Một lần trong lớp học, thằng Quân không hiểu cái gì đó, đã dơ tay đứng lên, rất lễ phép hỏi, “Thưa thày, thế kia thì làm thế đếch nào được ạ?” Đối với Tâm, chuyện không có gì buồn cười cả, trái lại, nó thấy ngôn ngữ của hai đứa bạn mới chứa đựng nhiều mầu sắc. Nó nhặt được cái “đếch”, mang về nhà, để rồi bị mắng, thiếu điều bị lấy xà phòng rửa miệng.

“Tám mốt, tám hai, tám ba,…” giọng Quân đều đều đếm, chân nó tiếp tục đá cầu, bàn tay phải theo thói quen, ngửa ra để giữ thăng bằng. Nam chờ, sốt ruột, nó làm đủ mọi trò khỉ để phá Quân nhưng Quân vẫn cứ tiếp tục. Cuối cùng, sắp sửa một trăm, Nam không dằn được nữa, nó bốc một nắm vừa sỏi vừa cát để vào lòng bàn tay Quân. Bị cú này, Quân lãng trí, đá trượt quả cầu. Mới đếm được đến chín mươi chín! Nó giận quá, tiện tay ném luôn nắm sỏi và cát vào mặt thằng Nam. Bị ném bất ngờ, cát vào cả hai mắt, Nam vừa lấy tay dụi vừa chửi ầm lên:
“Đ.. mẹ mày, cát bắn đầy mắt ông rồi!”

Tâm đã nghe chúng nó chửi nhau thế này nhiều lần, lời qua tiếng lại một chốc rồi thôi, rồi lại làm hòa như chẳng có gì xảy ra. Không may cho Nam, lần này bất ngờ bà bác, mẹ thằng Quân, đang đứng phơi quần áo gần đó. Bà nghe thấy. Quay sang phía thằng Nam, bà tốc váy, chống nạnh ngang hông, giận dữ kêu tướng lên:
“Con nhà mất dạy! Mẹ nó đây, mày có giỏi thì mày đ... mẹ nó đi!”

Cả một vùng trời đen tối! Khốn khổ hai thằng bé, Nam và Tâm, khó mà biết đứa nào lúng túng hơn đứa nào. Giọng thằng Nam lạc hẳn, cao hơn bình thường một quãng tám, nó luống cuống kêu to:
“Tôi không thèm! Tôi không thèm!”

Còn thằng Tâm bị đạn lạc oan, mặt đỏ như gấc, cúi gầm xuống. Nó đã bỏ lỡ cơ hội trực diện với sự đời một lần thứ nhì.

*

Đêm hôm đó, súng bắt đầu nổ đì đùng dưới tỉnh, mở màn Toàn Quốc Kháng Chiến! Và như thế, Tâm vào đời, hoàn toàn không hành trang.



07/05