Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Nguyễn Tường Thiết - Chiếc áo choàng của Nhất Linh

Nhất Linh mặc chiếc áo choàng
Khoảng mấy năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước cha tôi sinh sống trên Đà Lạt.  Nơi đó cha tôi có hai người bạn thân: ông Lê Văn Kiểm chúng tôi gọi là chú Kiểm (vì chú nhỏ tuổi hơn cha tôi) và bác sĩ Nguyễn Sỹ Dinh chúng tôi gọi là bác Dinh.


Chú thím Kiểm có hai người con trai, Vinh và Hiển; gia đình chú và gia đình tôi cùng ở thuê chung một ngôi nhà. Chú Kiểm mê chụp ảnh lắm. Ông là một nhiếp ảnh gia tài tử. Tất cả các bức hình chụp cha tôi ở trên Đà Lạt hầu hết đều do chú chụp. Chú còn chụp cả hoa phong lan nữa, tạo những bức ảnh rất nghệ thuật. Còn hai bác Dinh có hai người con gái, Diễm và Dung, gia đình bác cư ngụ tại một biệt thự đẹp đẽ ở số 11 đường Yagout, thời gian này bác Dinh là Trưởng Ty Y tế của thành phố Đà Lạt.

Cha tôi hồi đó thường tổ chức những chuyến đi vào rừng tìm hoa phong lan. Chú Kiểm và bác Dinh ít khi vắng mặt trong những chuyến đi này. Lâu lâu cha tôi còn rủ hai người bạn thân từ Sài Gòn lên Đà Lạt nhập vào đoàn đi tầm lan, đó là ông Lê Đình Gioãn và bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm. Trong các chuyến đi tầm lan này, cha tôi không quên mang theo cây kèn clarinette để thổi trong rừng, còn chú Kiểm thì lúc nào cũng cập kè máy ảnh trên vai.

Hồi đó tôi còn là một cậu thiếu niên được cha tôi chọn để theo ông lên học trên Đà Lạt. Bốn người con của chú Kiểm và bác Dinh còn bé lắm vì thua tôi trên 10 tuổi. Năm 1958 khi cha tôi phụ trách giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay, trong số Giai Phẩm Xuân, trang 96, mục Lời Trẻ, có hai bài  thuật lại “lời trẻ” của hai con bác Dinh là Vân Diễm (4 tuổi) và  Vân Dung (3 tuổi).

Từ đó đến nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua.

Chú thím Kiểm và hai bác Dinh đã theo cha tôi về miền tĩnh lặng. Hai con trai của chú thím Kiểm thì Hiển đã mất, còn lại người anh Lê Gia Vinh hiện sinh sống ở Hoa Kỳ, miền Nam tiểu bang California. Hai cô con gái của bác Dinh nay định cư ở Sài Gòn, cả hai đều rất thành đạt: cô Diễm hiện là bác sĩ y khoa, cô Dung đậu bằng thạc sĩ dược khoa.

Trên hai mươi năm về trước Vinh bảo trợ cho bố mẹ qua Mỹ. Có một lần tôi từ Seattle tôi bay xuống Quận Cam thăm chú thím. Chú Kiểm lúc này đã yếu lắm và ở trong nhà già. Tôi đến thăm chú mang theo cây kèn clarinette của cha tôi (cây kèn này do anh Thạch tôi mang theo khi anh được đi Mỹ theo diện H.O.). Hồi ấy ở Đà Lạt cha tôi dậy tôi xử dụng nhạc cụ này, nên tôi cũng biết chơi tuy không hay lắm. Tôi thổi cho chú nghe bản nhạc J’ai rêvé de vous, một bản nhạc mà trên 30 năm trước chú vẫn thường nghe cha tôi trình diễn, cha tôi nói là thổi bản này để cho lan nghe, vì vous chính là hoa phong lan đấy. Khi tôi thổi xong bản nhạc thì chú khóc. Chú nói với tôi mặt đầm đìa nước mắt: “Chú thương nhớ Cậu quá!”. Mấy hôm sau tôi lại thăm, chú trao cho tôi một cái bọc nylon trong đó có một xấp ảnh cũ. Tay run run chú đưa tôi xấp ảnh, đó là những bức ảnh chú chụp cha tôi mà chú đã cất giữ từ bao nhiêu năm nay như một báu vật. Chú giao hết cho tôi vì không biết là mình còn sống được bao nhiêu lâu nữa.

Chiếc áo choàng ngày ấy mới tìm thấy
Trong số những bức ảnh này có bức chân dung Nhất Linh với hàng chữ viết tay của cha tôi ghi ở phía dưới: “Thân tặng chú Kiểm bức ảnh do chú chụp, bức ảnh đầu tiên lột hết tinh thần của tôi. 26-12-56 Nhất Linh”.

Bức ảnh chụp nghiêng, khuôn mặt cha tôi nom quắc thước. Chúng tôi đã được thấy các đảng viên thuộc VNQDĐ trưng bức ảnh này bên cạnh di ảnh của đảng trưởng Nguyễn Thái Học.

Chú Kiểm chụp bức ảnh này tại lầu hai căn nhà số 12 đường Yersin Đà Lạt, cha tôi mặc chiếc áo khoác, khăn quàng quanh cổ, phía sau trên tủ chè có chậu hoa phong lan và cây kèn clarinette.

Tôi đặc biệt chú ý đến chiếc áo choàng ông mặc. Chiếc áo ấy màu xanh lá cây đậm, có đường sọc nhỏ màu vàng, cha tôi đã mua từ bên Pháp cùng với cây kèn clarinette, trong chuyến “Đi Tây” lần thứ hai của ông năm 1954.

Đà Lạt trời lạnh nên ở trong nhà ông thường khoác chiếc áo này ra ngoài bộ đồ ngủ. Không bao giờ ông mặc chiếc áo khoác ấy khi ra đường phố. Chỉ trừ một lần duy nhất. Và kỷ niệm này làm tôi nhớ hoài cho tới nay.

Hôm ấy tôi đạp xe từ trường học về nhà. Khi xe đổ dốc Lê Đại Hành xe vấp hòn đá đổ nhào. Tôi ngã xuống đất gẫy tay. Cảnh sát chở tôi đến nhà thương Đà Lạt. Cũng xe ấy cảnh sát sau đó đến nhà tôi ở số 19 đường Đặng Thái Thân báo cho gia đình biết. Cha tôi nghe tin hoảng hốt lên xe cảnh sát không kịp thay quần áo tây; vì vậy tôi ngạc nhiên khi thấy ông ở nhà thương với chiếc áo choàng xanh khoác ngoài bộ đồ ngủ.

Tai nạn đó khiến tôi phải nằm trong nhà thương ba tuần lễ với cánh tay trái bó bột. Tôi nhớ mãi là khi bác sĩ Nguyễn Sĩ Dinh nắn lại khuỷu tay gẫy của tôi, trong khi tôi la làng vì đau đớn thì hai người, bác Dinh và cha tôi, thản nhiên nói chuyện với nhau về vẻ đẹp của hoa huyết nhung lan mà hai người tìm thấy trong chuyến đi tầm lan mấy hôm trước ở gần thác Pongour.

Ngôi nhà số 11 Yagout Đà Lạt
Sau khi cha tôi qua đời tôi có ý đi tìm tất cả những di vật của cha tôi, trong đó có chiếc áo choàng. Đặc biệt là mỗi lần nhìn bức ảnh chân dung Nhất Linh do chú Kiểm chụp tôi lại tự hỏi không biết chiếc áo ấy biến mất ở đâu vì khi cha tôi mất chúng tôi không thấy nó ở nhà.

Thắc mắc của tôi trong bao nhiêu năm mãi gần đây mới được giải đáp.

Ngày 22 tháng 5 năm 2014 vừa qua tôi nhận được email của Nguyễn Kim Sơn, một người em họ tôi, gửi từ Việt Nam cho gia đình tôi. Thư ấy cho biết là Sơn vừa nhận được một di vật của “bác Tam” do gia đình của bác sĩ Nguyễn Sỹ Dinh gửi tặng. Đó là một cái áo khoác ngủ màu xanh có sọc, được lưu giữ hơn năm chục năm. Sơn cho biết là thủa xưa bác Tam lên Đà Lạt và ở nhà bác Dinh số 11 đường Yagout, bác ở một phòng riêng trên lầu và lúc dọn đi đã để quên chiếc áo này trên góc tủ cao. Kèm theo thư là một bức hình chụp chiếc áo ấy.

Nhìn bức ảnh chụp chiếc áo tôi lặng người. Chiếc áo nom còn mới nguyên, mặc dù thời gian 60 năm kể từ khi cha tôi mua nó ở Paris năm 1954. Mặc dù không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là chiếc áo ấy, tôi cũng tò mò muốn biết chiếc áo đã được khám phá ra trong trường hợp nào và thời gian nào cha tôi đã ở nhà bác Dinh, nên tôi viết thư hỏi hai cô Diễm và Dung, đồng thời yêu cầu hai cô chụp căn phòng xưa kia cha tôi đã ở. Tôi nhận được thư trả lời của hai cô nguyên văn như sau:

Anh Thiết ơi,

Hai em Diễm Dung đây!
Đầu tiên hai em xin nói rõ với anh Thiết là chiếc áo robe de chambre của bác Tam tặng bố Dinh của chúng em, nên Bố chúng em đã trân quí giữ gìn và sau này chúng em cũng rất trân quí giữ gìn, mong một ngày nào đó có dịp gởi lại các anh chị để các anh chị giữ làm kỷ niệm hoặc để ở nhà lưu niệm dòng họ Nguyễn Tường vì tụi em cũng hiểu là ai nhìn cái áo cũng nhận ra đây đích thị là chiếc áo của Bác do lúc Bác mất các anh chị đã lấy tấm ảnh Bác mặc áo này để in trên phim làm hình thờ và gửi tặng cho các nhà quen. Có điều rất tiếc là hồi đó tụi em còn bé quá nên không thể nói chính xác lúc bác Tam ở nhà 11 Yagout và mặc chiếc áo này là năm nào? Chỉ nhớ là bác ở trong cái phòng bé tẹo teo trên gác cạnh hai phòng ngủ của Bố em và của ba mẹ con chúng em. Ở cái phòng bé xíu như là cái kho trong khi từng dưới nhà có hẳn hoi một phòng ngủ dành cho bạn bè rộng bằng phòng ngủ của Bố chúng em, phải chăng vì lúc đó Bác đang trốn tránh chính quyền hay chỉ vì Bác muốn ở gần mọi người cho ấm cúng? Hiện tụi em đang ở Sài Gòn không chụp được cho anh phòng nơi Bác ở ngày xưa nhưng cũng gửi cho anh bức ảnh căn nhà mới chụp gần đây. Phòng Bác bé tẹo ngay dưới mái dốc nhỏ có cửa kính lùa dẹt gần ống khói phía trong.
Nhớ về ngày xưa tụi em ngẫm ra rằng những ngày thơ ấu của tụi em, ngoài sự thương yêu cưng chiều hết mực của cha mẹ thì đó chỉ là những kỷ niệm với Bác Tam, Bác Gioãn (Bác Lê Đình Gioãn)... với những nhành lan, với con suối Đa Mê, với chiếc võng, với những chai nước ngọt mà người lớn lấy giây buộc cổ chai rồi thả xuống giòng suối mát, với Bác Tam vừa ngồi võng vừa thổi sáo...
Tuổi thơ của chúng em.. đó là bức tranh Bác Tam vẽ về con suối Đa Mê với chú thích: “Đa Mê nước chẩy về đâu, cho ta nhắn gửi mối sầu hoài hương”, đó là câu thơ Bác Gioãn nói về Bác Tam và Bác Gioãn: “Tay Anh lấm mực tay tôi lấm dầu...”, đó là những lời trẻ thơ Bác Tam ghi lại trong báo Văn Hóa Ngày Nay về cháu Vân Dung với câu hỏi mẹ: “Tối nay mây ngủ với ai hở mẹ?”, Vân Diễm với: “Cắm biển cấm trên mặt trăng để chị Hằng không bị trêu ghẹo...”.
Và cũng trong ký ức non dại của hai đứa em là kỷ niệm buồn ngày 7 tháng 7 năm 1963 khi nghe tin Bác mất: bố không nói không rằng giam mình trong phòng, mẹ hai mắt sưng húp “bỏ” hai đứa con cưng để về Sài Gòn tham dự đám tang Bác...
Vài dòng kỷ niệm nhớ về Bác Tam “mũi đo đỏ”.

Hai em Diễm Dung

Kèm theo thư là hình chụp căn nhà số 11 đường Yagout. Tôi cảm động nhìn căn nhà xưa tôi hằng lui tới, căn nhà nay vẫn thế, vẫn đẹp và sang trọng như xưa.

Tôi nhìn kỹ bức hình cố hình dung đâu là “căn phòng bé tẹo ngay dưới mái dốc nhỏ có cửa kính lùa dẹt gần ống khói phía trong” và tưởng tượng sau mái ngói đó cha tôi trong chiếc áo choàng quen thuộc đang ngồi viết... Đó là năm nào? Trước hay sau biến cố 11-11-1960? Và tôi tự hỏi, cũng như hai cô Diễm Dung đã tự hỏi, cha tôi chọn căn phòng bé tí như một cái kho để ở vì “lúc đó bác đang trốn tránh chính quyền hay chỉ vì Bác muốn ở gần mọi người cho ấm cúng?”.

Như hai cô Diễm Dung đã đề cập tới trong thư, tôi cũng ước mong là chiếc áo choàng này mai mốt sẽ được giữ trong “nhà lưu niệm của dòng họ Nguyễn Tường”, cùng với những di vật khác của Nhất Linh, như cây kèn clarinette, những bức họa ông vẽ và bản thảo những tác phẩm cuối cùng của ông.

Nguyễn Tường Thiết
Seattle, mùa Xuân 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét