Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Trần Văn Khởi* - Chuyện Đảo Rắn ở Hắc Hải


Ðọc tin tức vụ giàn khoan HaiYang ShiYou 981 (HYSY 981) ở Biển Đông, tôi không khỏi không nhớ lại những tháng ngày trước đây theo dõi Luật Biển.

Bây giờ thì gần như đã rõ ràng: Trực tiếp và gần gũi nhất thì vụ giàn khoan HYSY 981 là chuyện giữa Trung Quốc (TQ) và Việt Nam (VN), liên quan đến đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa (HS).

TQ nói rõ vị trí của giàn khoan, cách đảo Tri Tôn 17 hải lý và cách bờ biển VN 150 hải lý, là hoàn toàn nằm trong vùng biển của TQ; có thể hiểu là TQ xác nhận ba điều: (1) đảo Tri Tôn là của TQ, (2) đảo Tri Tôn có thềm lục địa / vùng đặc quyền kinh tế (TLĐ/VĐQKT) ngoài lãnh hải 12 hải lý, và (3) phần TLĐ/VĐQKT đó có chồng lấn với TLĐ/VĐQKT của VN, và khi phân chia thì vị trí giàn khoan nằm bên phía của TQ.

Lập trường của VN cũng rất rõ ràng: (1) Quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn, là của VN mà TQ đã cưỡng chiếm phi pháp hồi 1974; và (2) đảo Tri Tôn chỉ có lãnh hải 12 hải lý mà không có TLĐ/VĐQKT, và (3) như vậy thì dù đảo Tri Tôn là của ai thì vị trí giàn khoan cũng nằm trong TLĐ/VĐQKT của VN.

Rõ ràng là vị trí giàn khoan nằm trong một vùng tranh chấp – tranh chấp chủ quyền đảo Tri Tôn thuộc về ai, và tranh chấp đảo Tri Tôn có TLĐ/VĐQKT hay không, và có như thế nào. TQ đã làm điều sai trái khi đưa giàn khoan vào hoạt động trong vùng đang có tranh chấp, chưa phân định rõ ràng. VN không thể nào để TQ xâm phạm vào TLĐ/VĐQKT của mình; đó là một tiền lệ vô cùng tai hại.

Chuyện TQ đưa giàn khoan hoạt động trong vùng tranh chấp làm tôi nhớ lại chuyện tránh đụng độ hồi 1974 khi Kampuchia trái phép cho công ty Elf Erap đưa giàn khoan Glomar IV hoạt động trong TLĐ quanh đảo Phú Quốc mà cả Kampuchia và Việt Nam Cộng Hòa đều tuyên bố có chủ quyền. Rút cục thì công ty Elf chịu rút giàn khoan đi, như đã ghi lại trong Dầu Hỏa Việt Nam 1970-75, Những Ngày Còn Nhớ, trang 155-160.

Còn chuyện đảo Tri Tôn thì làm tôi nhớ lại một đại biểu ở hội nghị Luật Biển của Romania và chuyện Đảo Rắn (Snake Island) ở Hắc Hải (Black Sea).

Ngồi gần Romania:
Khi chuẩn bị Hội Nghị Luật Biển kỳ III từ 1974 đưa tới Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, Liên Hiệp Quốc đã đề ra hai nguyên tắc căn bản cho hội nghị –  tính phổ quát, và căn bản đồng thuận.

Khác với hai hội nghị luật biển trước chỉ có hội viên Liên Hiệp Quốc mới được mời dự, kỳ này tất cả các quốc gia / chính phủ đều được mời. Để tránh hai miền Việt Nam không ngồi gần nhau, Liên Hiệp Quốc đã thu xếp chỗ ngồi theo danh xưng tiếng Anh: miền Bắc VN là Democratic Republic of Viet Nam, vần De, và miền Nam VN là Republic of Viet Nam, vần Re. Miền Bắc VN không tham dự hội nghị. Tôi được tham gia trong phái đoàn của miền Nam VN, ngồi giữa Qatar và Romania.

Romania đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảo

Tôi đi dự hội nghị hai lần: lần đầu khai mạc tháng 8 năm 1974 ở Caracas, và lần thứ hai tháng 3 năm 1975 ở Geneve, tổng cộng hơn một tháng.

Vị đại biểu Qatar luôn mặc áo thụng, cũng lớn tuổi, không thông thạo tiếng Anh, bắt tay tôi mỗi khi gặp nhưng không nói gì; ông cứ thường mang ống nghe lên nghe thông dịch, và không tham dự vào các lần nói chuyện với đồng nghiệp xung quanh bàn.

Vị đại biểu Romania trông chừng chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, nói tiếng Anh giọng Mỹ, và luôn tỏ ra lịch thiệp. Khi đó thì Romania là một nước cộng sản nên chúng tôi cũng dè dặt, không nói chuyện với nhau; về sau, khi gặp thì nhích đầu mỉm cười chào nhau nhưng không hề bắt tay; không nói chuyện riêng mà chỉ nói chuyện chung với các đại biểu quanh bàn, ngoại trừ một lần ở Genève khoảng đầu tháng 4/1975, khi có tin áp lực quân Bắc Việt lan tới Saigon, ông ta hỏi thăm gia đình tôi được bình an, và tôi cám ơn ông ta.

Điều làm tôi nhớ mãi là ngay trong lần họp ở Caracas, đại biểu của Romania đã nêu lên những quan tâm về vai trò của đảo trong luật biển. Ông lưu ý các đồng nghiệp rằng theo bốn quy ước Geneve 1958 về luật biển có hiệu lực lúc đó thì miếng đất nào trồi trên mặt nước cũng là một hòn đảo, và hòn đảo nào cũng có lãnh hải và TLĐ. Điều này đã gây tạo nhiều tranh chấp bất công trong thực tế. Ông cứ nhắc đi nhắc lại: muốn có TLĐ thì phải có lục địa; muốn có TLĐ thì đảo phải đáp ứng một số tiêu chuẩn rõ ràng.

Tôi không hiểu vì sao lại có mối quan tâm gần như ám ảnh như vậy, cho đến khi ông tiết lộ cho đồng nghiệp biết Liên Bang Sô Viết (LBSV) đang chiếm cứ Đảo Rắn ở Hắc Hải của Romania, và dùng Đảo Rắn để đòi chia lấn át TLĐ của Romania. Khi đó thì Romania là một chư hầu của LBSV, nhưng qua cách nói chuyện thì ông đại biểu Romania không tỏ vẻ gì trọng nể, mà còn có ý coi thường LBSV.

Sau 1975, tuy công việc không còn liên quan đến Luật Biển nhưng tôi cũng vẫn để ý theo dõi. Một tài liệu về các cuộc thảo luận của UNCLOS cho thấy Romania và nhiều quốc gia khác đã liên tiếp đưa ra rất nhiều tu chính án nhằm ấn định tiêu chuẩn rõ ràng để một đảo có TLĐ/VĐQKT, nhưng tất cả các tu chính án này đều thất bại; vì có quốc gia phản đối nên tu chính án không được “đồng thuận.” Điều khoản sau cùng về đảo trong UNCLOS cũng vẫn còn tổng quát và mơ hồ y nguyên như là đề nghị trong dự thảo ban đầu tại hội nghị.

Cách đây mấy năm, tình cờ tôi đọc được tin Tòa Án Quốc Tế đã xử vụ phân chia TLĐ quanh Đảo Rắn, giữa Romania và Ukraine. Bài báo nói quyết định của Tòa Án rõ ràng là thuận lợi cho Romania. Tôi nghĩ tới người đồng nghiệp mấy tuần ngồi cùng bàn cạnh nhau mà phải giữ ý cách xa.

Đảo trong Luật Biển

Điều khoản về đảo trong UNCLOS, bản Anh ngữ, là như sau:
PART VIII
Article 121: Regime of islands
1-      An island is a naturally formed area of land, surrounded by water, which is above water at high tide.
2-      Except as provided for in paragraph 3, the territorial sea, the contiguous zone, the exclusive economic zone and the continental shelf of an island are determined in accordance with the provisions of this Convention applicable to other land area.
3-      Rocks which cannot sustain human habitation or economic life of their own shall have no exclusive economic zone or continental shelf.

Như vậy thì Đảo Tri Tôn thuộc phần loại nào: trong phần 2, có TLĐ/VĐQKT; hay trong phần 3, không có TLĐ/VĐQKT; chưa ai có thể trả lời được.

Đảo Rắn thuộc phần loại nào, Tòa Án Quốc Tế đã trả lời năm 2009.

Trường Hợp Đảo Rắn
Thu thập tin tức qua báo chí thì chuyện Đảo Rắn có thể tóm tắt như sau:
* Đảo Rắn nằm trong Hắc Hải, gần bờ biển của Romania và Ukraine, nằm ngoài miệng sông Danube, và gần như là cách đều bờ biển của hai quốc gia;                                               
* Đảo có hình giống như chữ X, phía dài nhất là 662 mét, phía rộng nhất là 440 mét; diện tích đảo là 0.17 kilô mét vuông;
* Theo tương truyền thì đảo là nơi chôn của Achilles, người mà nhược điểm duy nhất là hai gót chân;
* Theo lịch sử cận đại thì năm 1877, Nga giao Đảo Rắn cho Romania để đổi lại lấy vùng Bessarabia của Romania; qua năm 1948 thì LBSV ép buộc Romania chuyển giao đảo cho LBSV, rồi hợp thức hóa bằng hiệp ước năm 1961 giữa Cộng Hòa Nhân Dân Romania và LBSV;
* Trong khoảng thời gian từ 1967 tới 1987, LBSV và Romania thương thảo về phân chia TLĐ giữa hai quốc gia; Romania bác bỏ các đề nghị của LBSV;
* Sau 1991, Ukraine thay LBSV nắm quyền kiểm soát Đảo Rắn mặc dù Romania vẫn xác nhận chủ quyền của mình đối với đảo;
* Năm 1997, Romania và Ukraine ký hiệp ước theo đó (i) Romania cam kết chỉ giải quyết vấn đề chủ quyền Đảo Rắn bằng biện pháp hòa bình; (ii) hai bên sẽ thương thuyết về ranh giới TLĐ giữa hai quốc gia, và (iii) sau hai năm mà không giải quyết được thì bên nào cũng được quyền đưa ra tranh tụng ở Tòa Án Quốc Tế (International Court of Justice), và hai bên sẽ tuân theo quyết định của Tòa;
* Năm 2004, Romania đưa tranh chấp ra Tòa, và năm 2009 Tòa ra phán quyết về ranh giới TLĐ giữa hai quốc gia. Phán quyết coi Đảo Rắn như không có ảnh hưởng gì trong việc phân định ranh giới.

Hệ quả của vụ Đảo Rắn
Điều rõ ràng trong vụ Đảo Rắn là Tòa Án Quốc Tế đã ra một phán quyết về đảo trong Luật Biển, theo đó thì có đảo không có TLĐ/VĐQKT ngang bằng như đất liền.

Nhưng từ đó mà suy ra hệ quả đối với các đảo khác như Tri Tôn/HS là một chuyện vô cùng phức tạp. Tương đồng căn bản là các đảo đều có tranh chấp chủ quyền, nhưng khác biệt thì lại rất nhiều, thí dụ như Đảo Rắn rộng 0.17 kilô mét vuông, đảoTri Tôn rộng gấp gần 10 lần khi thủy triều thấp (chưa kể trong quần đảo HS còn có đảo Phú Lâm lớn hơn nữa); Đảo Rắn cách bờ biển Romania/Ukraine trên dưới 25 hải lý; đảo Tri Tôn cách bờ biển VN 150 hải lý và cách đảo Hải Nam 180 hải lý; Hắc Hải là biển nhỏ và kín, Biển Đông thì lớn và mở hơn; và các điều kiện duy trì đời sống con người ở hai đảo cũng khác nhau.

Vì thế việc thẩm lượng hệ quả cần phải được dành cho các chuyên gia, nghiên cứu tài liệu chi tiết vụ kiện của mỗi bên Romania và Ukraine, và các bàn cãi và quyết định của Tòa Án.

Điều đáng lưu ý trong chuyện Đảo Rắn có lẽ là tiến trình qua hiệp ước 1997 giữa Romania và Ukraine theo đó Romania cam kết sẽ chỉ giải quyết chủ quyền Đảo Rắn bằng biện pháp hòa bình, hai bên  thương nghị ranh giới TLĐ/VĐQKT trong hai năm, sau đó nếu không thành thì mỗi bên có quyền đưa ra tranh tụng ở Tòa Án Quốc Tế và hai bên sẽ tuân theo quyết định của Tòa.

Một tiến trình tương tự như vậy có thể nên được tham khảo sâu rộng trong nội dung tìm lối thoát cho bế tắc hiện nay trong vụ HYSY 981 ở Biển Đông./.

__________________________________________________________________________
* nguyên là Tổng Cục Trưởng Dầu Hỏa và Khoáng Sản của Việt Nam Cộng Hòa.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét