Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Ghé thăm các Blogs: 03/04/2014


BLOG QUÊ CHOA
01-04-2014

Nguyễn Mộng Hoài 

Trên các phương tiện thông tin đại chúng cả quốc doanh lẫn dân doanh gần đây ồn ào về con số 24.000 tiến sĩ, lại ồn ào về 72.000 cử nhân (và tương đương) đang bị thất nghiệp, nghĩa là đang bị thừa. Chắc Việt Nam ta quá giầu "chất xám" nên mới có nhiều, để thừa nhiều cử nhân, tiến sĩ như vậy. Không biết có nước nào trên quả đất này giống Việt Nam ta không ?

Từ xưa, các "Cụ" tổ tiên ta vẫn nói "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" và cũng đã có nhiều triều đại gắng sức đào tạo, sử dụng và ưu ái nguyên khí quốc gia. Trong thời đại mà người ta hay ca bài "tôn trọng và sử dụng tốt" mọi chất xám, tức là mọi trí thức trong xã hội, vì "hiền tài là nguyên khí quốc gia". Nói vậy mà không phải vậy, hay hiểu một cách khác là người ta thích "làm cá tháng Tư", thích nói dối và nghe nói dối. Người nào chót nói thật lập tức người ta ghép cho cái tội "bất đồng chính kiến !" Muốn không bị mang tiếng và bị bắt vì "bất đồng chính kiến" thì tốt nhất làm "cá tháng Tư". Ngay cả người đang viết bài này trong "Ngày Cá tháng Tư" cũng vẫn chưa thật tin vào những con số "Tiến sĩ" và "Cử nhân" thất nghiệp. Chỉ mong đây là những con số không phải sự thật !

 Là dân đen, tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ các vị "Cử nhân, Kỹ sư, Bác sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư..." Xã hội đang tiến lên, rất cần các trí thức có học vị cao. Nhưng có rồi dùng làm gì và dùng như thế nào lại là một chuyện khác. Cái chuyện khác ấy, tôi thiển nghĩ như sau:

1 - Đó là một nền giáo dục đào tạo mất cân đối ghê gớm. Đầu tư phát triển mạnh ngành giáo dục đào tạo là hướng đúng, nhưng mấy chục năm qua, ta lại đi vào con đường "anh đào tạo cứ đào tạo, tốt nghiệp cứ là cử nhân, tiến sĩ, còn thực tế nhu cầu có cần dùng và dùng bao nhiêu lại là quyền của bên sử dụng.  Chỉ gói gọn trong đội ngũ tốt nghiệp đại học là cử nhân hoặc tương đương cả nước thừa" đến 72.000 người" thì quả là rùng mình.

Cho nên, đi đến đâu cũng có thể gặp "cử nhân lái xe ôm" , " cử nhân làm quét rác", "cử nhân làm bảo vệ gác cổng" và "cử nhân ở nhà trông con cho vợ cũng là cử nhân đi chợ buôn thúng bán mẹt. Đau lòng hơn nữa, là cử nhân đi làm "ca-ve, làm nhân viên nhà hàng.." Đây có là một nghịch cảnh không, và ai chịu trách nhiệm và ai giải quyết nghịch cảnh này ? Đấy là mới nói đến những người tốt nghiệp đại học và chắc chắn trong số ấy có người tốt nghiệp loại giỏi, chứ còn những người học xong trung học phổ thông không thi được vào Đại học cao đẳng, cũng không vào được trung cấp thì làm gì và đi đâu.  Đau quá chứ !!!

2 - Biên chế có hạn, chỗ nào thơm tho thì "con ông cháu cha" chiếm hết rồi, mặc dù các vị "con ông cháu cha này có tư tưởng ỷ lại cái ghế của cha ông khi còn tuổi đi học thường không chịu khó học tập rèn luyện, thi đã có người thi hộ, biên chế và ghế thơm đã có người bố trí sẵn rồi, lo gì. Cái nạn (tôi mạn phép gọi là "cái nạn" con ông cháu cha đang hoành hành rất dữ dội ở bất kỳ một địa phương nào, một lĩnh vực nào, nhất là những chỗ "béo và bở". 

Lăn lên lộn xuống, đầu tắt mặt tối, đổ mồ hôi sôi nước mắt bấm gan bấm ruột nuôi con ăn học hết trung học phổ thông rồi hết đại học, con tốt nghiệp có bằng Cử nhân và...về làm ruộng với mẹ. Ruộng thì đã "nhượng hết cho doanh nghiệp rồi, đành phải dành dụm mua cho con một cái xe máy tàng tàng cũng được để con ngồi ngã ba làm nghề "lái xe ôm". 

Những cái ghế biên chế Nhà nước ấy các loại "con ông cháu cha chiếm gần hết rồi, kể cả chẳng cấn có bằng đại học chính quy. Vậy thì những cháu, những em học thật, thi thật có bằng tốt nghiệp đại học thật thì vẫn phải đừng ngoài "trông vào biên chế Nhà nước cao với vợi !" Bao nhiêu hiền tài là nguyên khí quốc gia có bằng cử nhân, kỹ sư, bác sĩ vẫn thất nghiệp. Vì biên chế có hạn mà "cử nhân quá nhiều" cũng phải thông cảm cho các nhà tổ chức. Mà các nhà tổ chức nhân sự của nước ta bây giờ quá rắn, ông bà nào cũng lạnh lùng vô cảm, cũng nắm vững nguyên tắc tuyển chọn "nhân tài". 

.Con Vua thì lại làm Vua thôi. Còn con lão sãi chùa thì cứ việc đi quét lá đã. Luật bất thành văn như thế rồi, làm gì mà thay đổi được ?

3 - Ở Việt Nam ta có "nạ mua quan bán chức" không? Công khai mà nói thì làm gì có. Nhưng ngầm thì lại vẫn có. Chỉ nghe thôi, chứ có ai được chứng kiến ông này bà kia bỏ ra riền tỷ để mua cho được cái chức cái quyền mà ít năm sau sẽ "san bằng tỷ số", sẽ lấy lại "vốn" đầu tư. Đầu tư cho "mua quan bán chức bây giờ đã có giá định ngầm rồi, nghe đến cái chức cấp ấy thì cứ việc mà chuẩn bị "đạn". Có người môi giới hoặc ngã giá một cách công khai (công khai những úp úp mở mở, nói xa nói xôi, ai dại gì nói toẹt ra, nhưng người trong cuộc thì biết chắc chức nào tiền trăm triệu, chức nào tiền tỷ)
Vài ba năm nhậm chức là có thể hòa vốn bắt đầu có lãi. Vì thế mới có hội chứng cấp cao biệt thự khủng như hiện nay.

Thật không ngờ, chế độ tươi đẹp của chúng ta, do Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, mà nhanh chóng hình thành các tầng lớp quý tộc" đông như quân Nguyên. Cụ Mác và cụ Lê nin ngày xưa chỉ thấy nói đến chế độ tư sản, gia cấp tư bản, hoặc lên nữa là "tư sản mại bản" chưa thấy cụ nào đề cập đến "tư bản đỏ", "quý tộc đỏ" và cả "phong kiến đỏ" nữa. Ở Việt Nam hiện nay và một số nước còn rơi rớt chủ nghĩa cộng sản đều đã sinh ra tầng lớp "Tư bản đỏ", "Quý tộc đỏ", và "phong kiến đỏ. Tư bản đỏ là các ông chủ có chức vị cao, có tập đoàn kinh tế lớn, là chủ ngân hàng cỡ bự, là quan chức cấp cao, là trưởng hoặc chỉ huy các "nhóm lợi ích", là sếp của các tập đoàn kinh tế Nhà nước v.v... 

 .Thế đấy, tất cả đều sống trên lưng người lao động. Trong khi công nhân bình thương làm tăng ca tăng kíp mới được 5 triệu tiền lương một tháng, còn một số sếp hiện nay lương "cứng" đã trên dưới 100 triệu một tháng rồi. Chưa kể đến khoản "lậu". Vậy mới có tiền đầu tư cho khách sạn 8 tầng như ông Vua đất ở Bắc Kan, như ông Chủ tịch tỉnh "tuột xích" ở một tỉnh miền núi chót vót đầu tư 260 tỷ đồng cho ngôi biệt thự riêng của mình...

Vậy đến năm 2020, chúng ta giảm 100.000 công chức, viên chức "sáng vác ô, chiều lại vác ô". Liệu có giảm được không, và giảm những ai.?


FACEBOOK HÀ HỒNG LÊ

Nhờ internet, dân mình càng có nhiều cơ hội tiếp cận với truyền thông. Nhưng, vì đa phần người dân rất bận bịu, không kịp xem kỹ, nên thường khi cái gây ấn tượng nhiều nhất là những tấm hình.

Xin trưng ra hai tấm ảnh ở hai thời điểm khác nhau, có thể làm nhiều người trong số độc giả thay đổi hẳn suy nghĩ và thái độ về nhân vật được loan tin:

Đây là hình của (cựu) thiếu úy CA tên Thành tại phiên tòa hôm 10/3/2014 (phiên tòa phải hoãn vì hầu hết các nhân chứng vốn là cán bộ CA Tuy Hòa đã không đến theo lệnh triệu tập). Dưới bức hình, các báo ghi chú:


"Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành tươi cười hớn hở tại phiên sơ thẩm" 

Và dưới đây tấm hình thứ hai chụp sáng 27/3/2014 trong ngày xét xử thứ hai của phiên xử được mở lại, kèm với lời sau cùng của bị cáo trước khi Tòa xử:


“Tôi cảm thấy rất nhục nhã khi đứng ở đây, cùng những người phạm tội nhưng không dám nhận”

Thành là cán bộ điều tra trinh sát của CA Tuy Hòa, có cấp bậc thấp nhất trong số 5 bị cáo của vụ này gồm: Nguyễn Minh Quyền (thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội- PC45, Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (thiếu tá, Đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa), Phạm Ngọc Mẫn (thượng úy), Đỗ Như Huy (trung úy), Nguyễn Thân Thảo Thành (thiếu úy), nhưng lại là người bị VKSND Tuy Hòa truy tố với tội danh nặng nhất và đã bị tạm giam từ 15/1/2013 tức hơn 1 năm nay. 

- - - - -

Tôi xin đưa lên 3 tấm nữa thôi, cho thấy những tấm hình báo chí cung cấp cho độc giả có khi gây oan sai hay hậu quả tai hại cho "người bị chụp" đến mức nào, để xin các nhà báo hãy thận trọng và suy nghĩ nhiều đến "thiên chức" của mình.

Và về phía độc giả chúng ta, tôi nghĩ chúng ta cũng cần rất thận trọng khi tiếp cận thông tin.  

Trong tư cách công dân, mỗi một suy nghĩ hay phán đoán của riêng từng người trong chúng ta thì không hề là vô thưởng vô phạt, trái lại, nó góp phần định đoạt một hay nhiều số phận của đồng bào chung quanh mình.

Theo tôi, để chúng ta không nhầm lẫn hay bị phỉnh lừa bởi những nhà truyền thông bất xứng, chúng ta cần có những nguyên tắc vững chắc cho suy nghĩ và nhận thức của mình. Và tôi nghĩ rằng những nguyên tắc đó là: nhân bản, nhân quyền, dân chủ, tự do, nhưng đặc biệt nhất là 'nhân đạo'.

- - - - -

Xin kết bằng ba tấm ảnh khác nữa:

Tôi thích tấm ảnh này. Dù nó nói lên một thực trạng đáng buồn của giới nhà báo, nhưng tất cả khuôn mặt của những người chụp hình đều được làm mờ đi. Vâng, chúng ta phê phán hành vi sai trái chứ không cố tình bêu xấu bất cứ con người nào, vì họ cũng là người. 


Tấm ảnh dưới đây, kể cả phần "chế" kèm theo, các bác có tưởng tượng được không là đã đăng trên một trang báo mạng chính thống? 


Và cả tấm này nữa, với cả dòng chữ kèm theo, cũng đã đăng trên trang báo chính thống đó. Bà Út, người trong hình, mẹ của phạm nhân Hồ Duy Trúc, kể lại về việc mà báo chí mô tả là bà "quậy" ở tòa: "Trong suốt phiên tòa cái cô phóng viên ấy cứ dí máy quay vào sát mặt tôi. Rồi lúc nghe tòa tuyên án tử hình con tôi, tôi vừa khóc vừa ra ngoài, cô ấy vẫn cứ đi theo dí máy quay vào tôi miết, hỏi tôi không nổi khùng lên sao được?"



BLOG BS HỒ HẢI
MONDAY, MARCH 31, 2014

Hôm qua, tờ Business Insider của Úc đưa ra vấn đề: Đây là biểu đồ tốt nhất cho nợ của Trung Hoa - This Is The Best Chart We've Seen On The Chinese Debt Problem. Tác giả đưa ra "thời điểm Minsky" - Minsky Moment - và "tỷ lệ nợ tư" của các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Hoa, Liên minh kinh tế và tiền tệ của Liên minh châu Âu - Economic and Monetary Union of the European Union: EMU; và Liên minh kinh tế tiền tệ của các quốc gia châu Á - Economic and Monetary Union of the Asia: EM Asia.

Cố Giáo sư kinh tế học của Washington University in Saint Louis - Hymen Minsky(1919-1996) - là người Hoa Kỳ di dân từ Bạch Nga - Belarus - đã đưa ra lý thuyết chu kỳ khủng hoảng kinh tế từ năm 1974, và tại Levy Economics Institute of Bard College ông đã viết lại tiểu phẩm ngắn về Lý thuyết mất cân bằng tài chính - Financial Instability Hypothesis - trong đó nhắc đến sự di chuyển chậm chạp từ ổn định tài chính đến khủng hoảng tài chính sau một thời gian dài tăng trưởng, và đầu tư đưa đến vỡ bong bóng đầu tư, kéo theo khủng hoảng kinh tế tài chính từ nợ quá mức ở ngân hàng, trong khi hàng hóa đầu tư ra đã bảo hòa, không có khách hàng tiêu thụ. Và cái gọi là "thời điểm Minsky" đã được Paul McCulley đặt tên vào năm 1998, để mô tả khủng hoảng tài chính Nga năm 1998.

Để đi đến thời điểm Minsky nền kinh tế phải đi qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là, nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng, phát triển ổn định, các nhà đầu tư hứng khởi đầu tư vào một lĩnh vực được đánh giá là mang lại lợi nhuận to lớn. Giai đoạn 2 là đầu tư vào lĩnh vực này sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác. Họ đẩy lên cao trào, tạo ra bong bóng giá, và tan vỡ trong lĩnh vực ấy. Giai đoạn 3, là bong bóng giá vỡ kéo theo khủng hoảng tài chính. Có nghĩa là, trong lúc kinh tế phát triển thịnh vượng đã bắt đầu mầm móng của suy thoái do hành vi và thái độ của nhà đầu tư/đầu cơ.

Trường phái Tân cổ điển và ông Hymen Minsky thì không đồng ý nhau về cội nguồn của bất ổn tài chính. Theo trường phái Tân cổ điển thì, cội nguồn ấy nằm trong sự phức tạp của thị trường, và sự phức tạp ấy đến từ "sự sáng tạo" của kỹ thuật tài chính. Nhưng Hymen Minsky cho rằng sự bất ổn ấy nằm trong chính trong bản chất của nền kinh tế thị trường tư bản tự do. Nền kinh tế này luôn năng động và tạo cơ hội cũng như điều kiện cho các nhà đầu tư làm giàu. Chính vì thế Hymen Minsky đặt nền tảng của sự bất ổn nằm trong cấu trúc nợ của hệ thống tài chính, và thái độ của nhà đầu tư/đầu cơ làm trọng tâm của mô hình kinh tế mỗi quốc gia.

Một khi lòng tham của các nhà đầu tư vượt quá sự thận trọng của đầu tư/đầu cơ, do nền kinh tế đang ổn định, cung chưa đủ đáp ứng cầu. Các nhà đầu tư đổ xô mượn nợ để đầu tư nóng vào lĩnh vực đang hái ra lời, mà họ quên đi điểm bảo hòa giữa cung cầu. Hậu quả là dẫn đến khủng hoảng tài chính, kết thúc bằng khủng hoảng kinh tế quốc gia kéo theo khu vực và toàn cầu, như khủng hoảng của khu vực châu Á 1997, và khủng hoảng toàn cầu bắt đầu từ Hoa Kỳ 2008.

Nhìn vào biểu đồ trên của Business Insider ta thấy, giai đoạn đỉnh điểm Hoa Kỳ khủng hoảng 2008, nợ tư của các nhà đầu tư/đầu cơ Hoa Kỳ lên đến 170% GDP của nước Mỹ, và hiện tại, khối nợ tư này đã giảm, khoảng 150% GDP, nhưng lại có khuynh hướng nhích trở lại vào cuối năm 2013.

Đối với Trung Hoa, từ năm 2008 cho đến cuối năm 2013, nợ tư tăng từ 110% lên đến 200% GDP. Và với chính sách thắt chặt tiền tệ của ông Lý Khắc Cường trong hơn 6 tháng qua, nó bắt đầu có tác dụng, khi những công ty lớn của Trung Hoa bắt đầu tuyên bố mất khả năng thanh toán. Ví dụ như Chaori Solarchuyên sản xuất và cung cấp pin mặt trời trên toàn cầu và trong nước. Đó là chưa nói đến, nợ công của các chính phủ địa phương mất khả năng chi trả vì những đầu tư vào bất động sản để tạo ra hàng chục ngàn thành phố Ma.

Khủng hoảng kinh tế của nền kinh tế thị trường tự do tư bản có chu kỳ cứ 7 -8 năm diễn ra một lần. Lúc đó, quy luật bàn tay vô hình - cung cầu - tự điều chỉnh để nền kinh tế bước sang một thời kỳ mới, bằng những thay đổi chính sách của các nhà kỹ trị. Chứ không phải ý chíu của chính khách thò tay vào để nắn nó theo ý mình như kinh tế Xã hội chủ nghĩa, mà không theo quy luật cung cầu.

Song nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa - hay nói cách khác là nên kinh tế định hướng Xã hội chủ nghĩa - là một nền kinh tế mà có bàn tay hữu hình của chính khách mó tay vào ngay từ đầu. Nên, nếu kinh tế thị trường tự do khủng hoảng vì khủng hoảng của cung quá cầu, do lòng tham và thái độ của các nhà đầu cơ/đầu tư làm ra, thì khủng hoảng kinh tế của nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa là hậu quả của 2 vấn đề: tham nhũng và cung quá cầu.

Hay nói cách khác, khủng hoảng kinh tế của các nền kinh tế thị trường tự do tư bản có nguồn gốc từ thái độ và hành vi đầu tư/đầu cơ của các nhà đầu tư/đầu cơ trong nền tài chính. Ngược lại, khủng hoảng kinh tế của nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa là do nền chính trị của nó tạo ra tham nhũng thúc đẩy các chính khách đầu tư/đầu cơ vô tội vạ để kiếm tiền mua quan bán chức kiếm ăn trên xương máu người dân, và môi trường tài nguyên của đất nước.

Năm 1987, khi các chính khách Hàn Quốc thấy được nền chính trị quân phiệt độc tài đã giúp Hàn Quốc tự lực, tự cường, nhưng không làm cho Hàn Quốc thoát được bẫy thu nhập trung bình với GDP đầu người ì ạch ở con số 5.000USD/năm. Họ đã mạnh dạn đổi hiến pháp, và từ đó đến nay, Hàn Quốc thẳng tiến suốt 27 năm đến nay GDP đầu người đạt con số 33.200USD/năm 2013. Trong đó, có năm 1997, Hàn Quốc đi vào chu kỳ khủng hoảng kinh tế, song dân Hàn Quốc sẵn sàng góp vàng, tiền để chính phủ vượt qua sóng gió chỉ 1 năm sau phục hồi. Thậm chí, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 từ Hoa Kỳ cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc trong 9 năm qua, mà còn biến Hàn Quốc thành 1 trong 20 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới - G20 - trong khi dân số Hàn Quốc chỉ bằng 1/2, và diện tích chưa bằng 1/3 của Việt Nam! Chỉ riêng tập đoàn Sam Sung Hàn Quốc đã đóng góp 10% GDP cho Việt Nam năm 2012. Quả là thần kỳ.

Thế nhưng, cơ hội thay đổi hiến pháp của Việt Nam năm 2013 đã bỏ qua, trong khi nền chính trị Việt Nam là chiếc áo chật không đủ đảm đương nền kinh tế cỡi trói 28 năm qua. Cho nên, từ đầu năm đến giờ chỉ 3 tháng, mà tình hình hệ thống tài chính ngân hàng đã có nhiều dấu hiệu mất khả năng đảm đương nợ tư vì bong bóng bất động sản đang nổ vỡ.

Cũng vậy, với nợ tư trong nước của Trung Hoa lên đến 200% GDP, và nợ công gấp hơn nhiều lần so với nợ tư, mà không ai có thể biết được con số chính xác, chúng sẽ là cái bẫy kéo lùi nền kinh tế Trung Hoa mãi nằm trong thu nhập trung bình. Dù Trung Hoa có là nền kinh tế đứng thứ hai toàn cầu, nhưng Trung Hoa sẽ mãi là nước đang phát triển thuộc thế giới thứ 3, chứ không thể vào được những quốc gia đã phát triển, với hệ thống an sinh xã hội đầy đủ như Hàn Quốc, thì sẽ chưa và không có ngày mai để so sánh với các cường quốc phương Tây!

Hãy cứ nhìn những con số cụ thể, với diện tích gấp 96 lần - 9.596.961km2 so với 99.720km2; dân số gấp 27,6 lần Hàn Quốc - 1.355.692.576 người so với 49.039.986; nhưng GDP chỉ gấp 8 lần Hàn Quốc - 13.370 tỷ USD so với 1.666 tỷ USD. Và GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc gấp 3,39 lần so với dân Trung Hoa - 33.200 so với 9.800USD/đầu người trong năm 2013. Hơn thế nữa, cùng là một nền khoa học kỹ thuật sao chép, mua bản quyền như Trung Hoa, nhưng tại sao Hàn Quốc lại có nền kinh tế mạnh đến như thế? Vì kinh tế là chính trị!

Trả lời hết tất cả những điều trên ta sẽ thấy Trung Hoa đang rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình, nếu họ không có một nền chính trị lành mạnh. Và Trung Hoa mãi là một quốc gia đang phát triển, chứ không thể gia nhập vào các quốc gia đã phát triển có một nền kinh tế hùng mạnh, và an sinh xã hội tốt cho người dân.

Hay nói đơn giản dễ hiểu là tăng trưởng GDP của Trung Hoa trong 30 năm qua, chủ yếu là vay nợ ngân hàng để đầu cơ/đầu tư là chính. Một tỷ lệ tăng trưởng giả tạo để ra một "cường quốc kinh tế" giả tạo.


FACEBOOK MẠNH KIM 
Manh Kim

Làm thế nào mà bây giờ thói quen đặt tít của báo chí Việt Nam chỉ dừng lại ở mỗi những cụm từ như thế này:
Choáng với cảnh mại dâm trong rừng ở Ý
Choáng với đôi chân tong teo của Lê Thúy
Choáng với đôi nam nữ làm 'chuyện ấy' ngay bên đường Yên Phụ
Choáng với dưa hấu miền Tây giá 1.500 đồng/kg
'Choáng' với những sở thích làm đẹp hãi hùng nhất thế giới
Choáng với sinh viên quay người yêu thay quần áo
Choáng với độ 'bá đạo' của 'gái một con' Xuân Lan 
Choáng với thất bại của Arsenal, Wenger ngã dúi khi ra về?
Sốc với ảnh siêu mẫu hôn người tình đồng tính trên biển
Sốc với tóc dị thường của Lady Gaga
Sốc với nam thanh niên Hà Nội ăn cắp sạc iPhone còn lên FB khoe
Sốc với thanh niên khoe ảnh "của quý" có... 3 TINH HOÀN 
Sốc với hành động tế nhị của đôi trai gái giữa ban ngày
Sốc với con số 4.000 tỉ đồng 
Sốc với các bà mẹ tự ý dùng thuốc tăng cân cho con trên mạng 
SỐC với việc Quỳnh Trâm bất ngờ viết status tố Andrea ngủ với Baggio ...
Sốc với cảnh 'giường chiếu' của Cindy Thái Tài
Sốc với công nghệ tăng trọng heo thịt
Sốc với màn nhảy thoát y trong đám cưới
Lộ diện Toyota Camry bản nâng cấp 
Lộ diện thông số Galaxy S5 Zoom với nhiều thay đổi lớn
Lộ diện thiết kế của iPhone 6 
Lộ diện hình hài đường cao tốc Bắc - Nam
'Bỏng mắt' với những shoot hình bikini Hè 2014
Bỏng mắt với hình ảnh mới của Hoàng Thùy Linh
Bỏng mắt với ảnh "tự sướng" của Thanh Hằng
Bỏng mắt với những bộ váy xuyên thấu của Hoàng Thùy Linh 
Bỏng mắt với vòng 3 căng tròn của Lan Hương
Bỏng mắt với MV “Last time” vừa ra lò của Hoàng Thùy Linh
Lại “bỏng mắt” với “ảnh phòng ngủ” của Elly Trần
Bóc mẽ nhan sắc "đen nhẻm vêu vao" của Elly Trần
Bóc mẽ những lần nói dối như cuội của sao Việt. 
Lộ ảnh bóc mẽ sự dối trá của bà Tưng 
“Bóc mẽ” đường cao tốc 
Bóc mẽ tin đồn khủng khiếp về tác giả Flappy Bird 
Bóc mẽ chiêu 'bẫy' khách của doanh nghiệp địa ốc
Chấn động nghi án clip "vui vẻ" của lão nông với 4 phụ nữ
Chấn động với những sai phạm ở Từ Liêm
Chấn động, nữ sinh 17 tuổi bị sát hại dã man với 55 nhát chém
Chấn động bác sĩ lạm dụng tình dục với hàng chục bệnh nhân
Đắng lòng chuyện mẹ ruột vào nghỉ với chồng sắp cưới ...
"Đắng lòng" với những bức ảnh chế khi Leonardo DiCaprio hụt giải ...
Đắng lòng với cái tết miền quê! 
Đắng lòng cảnh trẻ em 'ăn Tết' với bình truyền dịch
Đắng lòng với thói 'tranh ăn xấu xí' của một bộ phận người Việt
Đắng lòng với lãi vay tín chấp ngân hàng 
Đắng lòng khi người yêu mang bầu với bố
….


BLOG BÀ ĐẦM XÒE

Đào Dục Tú

Người Việt nói riêng ,người phương Đông hàng nghìn năm chịu hướng đạo và câu thúc tinh thần bởi hệ tư tưởng Nho giáo có một nỗi sợ truyền kiếp ” chết không nhắm được mắt” . Một trong những lý do, một nguyên cớ ,một áp lực gây ra tình trạng bất thường đó là để nợ đời mình cho đời sau con cháu trả. Nợ ,có thể là nợ tiền,có thể là nợ tình, tình nghĩa đúng. . .nghĩa .Chuyện nợ cá nhân riêng tư ngoài phương diện đạo đức thì có gì đáng nói nhiều đâu. Còn nợ tầm cỡ quốc gia dân tộc mới thật là nghiêm trọng, đáng lao tâm khổ tứ ,đáng bàn . Tự nhiên nhớ đến chuyện . . .ngày xưa,thời đang chống Mỹ cứu nước,”ông anh láng giềng không lồ” môi hở. . .răng gẫy thừa cơ đi đêm với Mỹ,vội vàng dùng binh pháp Tôn Tử hiện đại lấy thịt đè người chiếm Hoàng Sa của VN lúc bấy giờ do chính quyền Sài Gòn quản trị. Nghe đâu thời đó có vị giao giảng đại ý ta để bạn giữ hộ còn hơn là để bọn ngụy chiếm đảo . . .Và bây giờ thì trong khi “bạn ta” cắm chắc tiền đồn biển Đông ở đó ,lập thành phố Tam Sa chính quyền hóa ,chính thức hóa ở đó,lại có người định hướng : ta không đòi được thì con cháu sau này đòi ,mất thế nào mà mất !.

Sau Hoàng Sa,là Gạc Ma, là gậm nhấm bãi ngầm bãi cạn bãi nổi quanh Trường Sa, là đường lưỡi bò “vây hãm” 80 % biển Đông khiến dư luận khu vực Đông Nam Á và thế giới có thời điểm tưởng lên cơn sốt nóng kịch phát

Nợ khó đòi,nợ giang sơn quốc gia dân tộc khó đòi, thì đành đổ lên lưng con cháu gồng gánh “vai trò lịch sử”. Còn nợ tiền thiên hạ, phải nói là cục nợ khổng lồ so với “tầm” kinh tế vĩ mô VN ?. Đã có bộ máy dữ liệu kinh tế quốc tế thống kê chi tiết từng đồng tiền nợ của VN,trên đàu dân số tính tận cùng số lẻ mới chiều qua 17 giờ ngày 29 -3-2014 ! Dân số VN 90.520.196 người(chín mươi triệu,năm trăm hai mươi ngàn một trăm chín sáu người, chi li chính xác nhé ). Nợ công VN :80.114.754.098 đôla Mỹ (tám mươi tỷ một trăm mười bốn ngàn. bẩy trăm năm mươi tư không chín tám đôla Mỹ, cụ thể từng xu mỹ kim nhé !). Tính ra chỉ riêng số nợ công VN chiếm tới trên 48 % GDP, mỗi đầu người Việt từ ” ẵm ngửa trở lên” đến “đầu râu tóc bạc” thượng thọ, đại thọ “gần đất xa trời” cõng 886,82 đôla Mỹ tương đương gần 20 triệu đồng tiền Việt. Dĩ nhiên nợ công ,nợ nhà nước thì dân là người trả chứ ai vào đây nữa !. Bất động sản mới đóng băng, đại gia đại ca ăn lên làm ra nhờ ăn . . . nhà ăn đất vừa hắt hơi sổ mũi ,nhà nước đã chìa lưng ra”cõng hộ” ba mươi ngàn tỷ chỉ để cứu mà còn không cứu được, không cứu nổi ,nói chi đến số nợ lên tới 4 8,98 % GDP. Lại nghe nói thực chất nợ công VN lớn hơn nhiều con số đó, nếu tính cả con số nợ khổng lồ của các quả đấm thép kinh tế nhà nước, có nhà nghiên cứu kinh tế còn đoan chắc rằng con số nợ công VN thực chất trên 100 % GDP, nôm na tổng sản phẩm kinh tế quốc dân không đủ trả nợ ,hoặc lạc quan hơn thì là vừa đủ gán nợ, nghĩ mà sợ ! Thời xưa “vây giữa kẻ thù” thủy hỏa đạo tặc, người Việt mình chỉ mong ,chỉ mơ có bát ăn bát để, mở mày mở mặt với đời ,cố không thua chị kém em. Đấy là nói về phương diện gia đình ,phạm vi hẹp cá nhân. Còn tầm vĩ mô quốc gia dân tộc ,thì ai chả mong có ngày “được sánh vai với các cường quốc năm châu” như người khai sinh ra nước VN mới DCCH , cụ Hồ Chí Minh mơ ước từ một đêm trăng Trung Thu gửi thư cho các cháu nhỏ giữa rừng Việt Bắc thời chống quân viễn chinh Pháp vây hãm năm 1947 !

Nợ to như thế, lấy gì mà trả ? Ai trả ? Dân trả. Dân lấy gì trả ? Quanh đi quanh lại chỉ thấy bến nước thời sự đang xôn xao chuyện các “quan cách mạng”(chữ của cụ Hồ nói về một số cán bộ. . .biến chất ngay sau CM tháng Tám 1945) hạ cánh an toàn xuống đủ loại cung vua phủ chúa, các quan cách mạng không trả nhà công vụ-toàn biệt thự vài chục tỷ, sau khi đã “cáo quan về điền viên”; rồi hết chuyện vina. . .đuôi “sin” ,đuôi “lai” coi như “chìm xuồng” ,vụ siêu lừa Huyền Như bốn ngàn tỷ, chuyện Bô xít Tây Nguyên lỗ to vân vân và vân vân . . .nay lại đến chuyện quan chức Tổng cục đường sắt nhận hối lộ khiêm tốn 16 tỷ . Trông vào đâu để thấy ánh sáng cuối đường hầm kinh tế khi mà nói như một chuyên gia kinh tế lão làng ,bộ máy đồ sộ ,nói năng quyết liệt ,nhưng vẫn không sao ngăn chặn được nạn tham nhũng ? Không tối thiểu ngăn được tham nhũng thất thoát kinh tế thì nói nôm na làm kinh tế từ vi mô đến vĩ mô có khác gì đánh bùn sang ao ,gió vào nhà trống. Trông vào đâu để tăng trưởng bền vững, giảm dần nợ ,tiến tới xóa nợ ? Lại là dầu thô chăng ?. Hay về lâu về dài trông vào Bô-xít !

Nói thật tình trạng nợ xấu của nền kinh tế ,nợ nước ngoài chồng chất của nền kinh tế như VN ta thì đến người đủ tâm đủ tầm quốc kế dân sinh giá có xuất hiện như là cứu tinh thì cũng đã khó mà xoay chuyển tình thế, nói gì đến một thất phu nhiều khi đành tiêu cực . . .vô trách. Chỉ biết ngậm ngùi ông cha không trả được nợ đời thì theo luật đời , con cháu phải đành hứng lấy trả nợ đậy, còn biết làm sao. Mà nợ đẻ ra nợ,nợ chồng lên nợ tiền tấn như thế ,con cháu ta cõng nợ đến bao giờ ? Đến cuối thế kỷ này còn không biết CNXH hoàn thiện có xuất hiện như cầu vồng bẩy sắc trên dải đất hình chữ S này không ; nghĩa là tối thiểu con cháu mình không còn phải còng lưng cõng nợ ,chỉ mơ thế thôi. Đâu kẻ thất phu . . .vô trách dám hão huyền mơ tưởng ngày nhân loại đang sống ở phần đất ngàn vạn lần dân chủ kém cỏi hơn ta được mơ một lần nữa , sáng ra ngủ dậy thành người Việt ,như thời “lịch sử chọn ta làm điểm tựa”.


BLOG VĂN CÔNG HÙNG

Tôi vốn dĩ rất hay tin cấp trên, nhưng đến cái lập luận của bác Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh rằng, đăng cai ASIAD để góp phần nâng cao thể lực của dân ta thì tôi xin phép không tin. Thậm chí còn nghĩ ngược lại: đăng cai thì dân ta sẽ… còng thêm vì gánh nợ. Nó cũng hài hước như ngày nào ta thấy có cái ảnh trên mạng một đứa bé mấy tháng tuổi nằm ngửa cầm điện thoại nhắn tin bầu chọn Vịnh Hạ Long…

Sáng nay đọc tin trên khampha.vn, tôi rất mừng thấy phó thủ tướng Vũ Đức Đam đang lưỡng lự xem có nên đăng cai tổ chức Asiad hay không?

Là bởi, chưa thấy quyết định nào gây tranh cãi trong dân chúng như quyết định nước ta sẽ đăng cai sự kiện Asiad.

Chúng ta làm là do dân, vì dân, vậy nên khi mà dân phản đối thì có lẽ phải xem lại.

Trước khi Asiad diễn ra thì trên nước ta đã diễn ra bao hoàn cảnh thương tâm. Từ ông bố bỏ nhà lên Hà Nội tự nguyện ở hàng chục năm trong ống cống ăn mì tôm để dành những đồng tiền còm cõi ông sửa xe hàng ngsy nuôi con ăn học, đến cô giáo qua sông bằng “cầu… túi”, chui vào túi nilon ngồi như bào thai để người biết bơi túm đầu kéo qua, cho đến nữa là bà mẹ trẻ cùng 2 con tự sát bằng cách buộc các con vào mình rồi nhảy xuống hồ vì cuộc sống quá nghèo…

Trong khi đó, nói thật, lâu nay ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tiêu quá nhiều tiền vào những việc vô bổ. Như nhắn tin bầu chọn vịnh Hạ Long chẳng hạn, như liên tục tổ chức các lễ hội na ná nhau chẳng hạn, rồi ngay các hoạt động thể dục thể thao hoành tráng như đại hội thể dục thể thao từ cơ sở tới trung ương, có cần thiết như thế không, và có phải nhờ thế mà sức khỏe dân ta nâng lên không?.

Ở Gia Lai đã từng có một cái nhà thi đấu bóng chuyền, hồi mới xây dựng thuộc loại nhất… khu vực (miền Trung và Tây Nguyên), vô cùng hoành tráng, vô cùng nhiều tiền. Nhưng nếu tôi nhớ không nhầm thì nó đăng cai được nhõn 2 cuộc thi đấu bóng chuyền cấp quốc gia, mỗi cuộc kéo dài mấy ngày, sau đấy thì để làm nơi dạy khiêu vũ và câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ và hiện thì thuộc loại “để thì thương vương thì tội”, dù là nhà thi đấu bóng chuyền nhưng giờ không thể đánh bóng chuyền.

Vẫn biết là rất khó, và xấu hổ nữa, khi mà đã đăng cai rồi giờ lại… chạy làng. Nhưng nếu rút lui, chúng ta không đơn độc, vì trước Việt Nam đã có nhiều nước làm rồi, và chả có nước nào xấu hổ cả, ngược lại, họ được dân tán đồng, bởi đã không tốn tiền vào những việc chưa cần thiết, trong khi dân còn đói kém, rất nhiều ngôi trường ở vùng sâu vùng xa chưa ra trường, rất nhiều cháu học sinh tiểu học cho đến trung học vẫn đi chân không đến trường trong những ngày lạnh cắt da, và khi đi học, dẫu bé lít nhít, nhưng phải cõng theo gạo muối đến lán cạnh trường để tự nuôi nhau ở lại học, rất nhiều cô giáo cắm bản vẫn dùng những đồng lương ít ỏi của mình mua kẹo để… nhử học trò đi học… Và nếu có dịp, hãy đến chứng kiến một bữa ăn các cháu học sinh 6, 7 tuổi tự nấu, không chảy nước mắt không phải là con người, tôi tin thế.

Thà là chịu phạt một ít còn hơn là bỏ cả đống tiền ra để rồi chả thu được cái gì ngoài một vài thành tích hão. Ai cũng biết, đăng cai thì sẽ có thuận lợi trong một số môn, như nước nào đăng cai Sea Game thì nước ấy sẽ có nhiều huy chương và phần lớn là nhất toàn đoàn. Điều ấy làm sự trung thực trong thể thao bị biến mất, nó chỉ còn là hành động “tự sướng” một cách vô cùng lãng phí và vô bổ. Không biết tự bao giờ, nước ta cũng hùa theo trào lưu “tự sướng” ấy…

Tự nhiên tôi lại nhớ đến quyết định kéo pháo ra của Võ Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một quyết định mà cho đến bây giờ được chứng minh là vô cùng chính xác, bởi nó vẫn giành được chiến thắng cuối cùng và tránh tổn thất. Nghe nói nếu ta rút lui không đăng cai Asiad lần này thì sẽ bị phạt 1 triệu đô la, quả là một số tiền không hề nhỏ, nhưng nếu cứ mắm môi mắm lợi theo lao, thì con số lãng phí còn khổng lồ hơn thế.

Tôi vốn dĩ rất hay tin cấp trên, nhưng đến cái lập luận của bác bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh rằng, đăng cai Asiad để góp phần nâng cao thể lực của dân ta thì tôi xin phép không tin. Thậm chí còn nghĩ ngược lại: đăng cai thì dân ta sẽ… còng thêm vì gánh nợ. Nó cũng hài hước như ngày nào ta thấy có cái ảnh trên mạng một đứa bé mấy tháng tuổi nằm ngửa cầm điện thoại nhắn tin bầu chọn Vịnh Hạ Long…

Sắp đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ rồi, chính phủ hãy học tiền nhân, dũng cảm quyết định: Kéo pháo ra. Tôi tin, nhân dân sẽ ủng hộ…


BLOG QUÊ CHOA

Hà Văn Thịnh

Nói ra thì mang tiếng tra rồi còn mít ướt nhưng thực sự là trước NỖI ĐAU vô bờ bến của nông dân nước ta, không ai có thể cầm lòng được. Khổ, cực, nhục, bị cướp đất, bị chà đạp, bị khinh rẻ…, vẫn là chưa đủ. Một trong những điều của “chưa đủ” là năm nào cũng thế, vấn nạn bị CỬA KHẨU nó hành, khiến cho chôm chôm, nhãn, dưa hấu…, cứ thi nhau chờ để thối, nát; mỗi gia đình trồng trái cây lỗ ít nhất vài chục triệu đồng!...

Xe tải chở dưa sắp hàng 2 hay 20, 80 km? Không hề thấy bất kỳ một sự sẻ chia và cảm thông nào của những cơ quan như Bộ NN & PTNT, Bộ Công thương, Đại sứ quán của Nước CHXHCN VN ở nước người… Có vô số cơ quan, vụ, cục, ban bệ; ăn không biết bao nhiêu tiền thuế của dân nhưng hầu như không hề nhấc tay động chân (hoặc không hề biết làm như thế nào bởi quá dốt nát) để gỡ, tháo nỗi khổ cho dân. Câu hỏi đặt ra là “sinh” các vị để làm gì nếu cứ nhắm mắt bịt tai coi như không biết, mặc cho người nông dân lên bờ xuống ruộng, chịu khổ, chịu nhục trăm bề? Thậm chí, cán bộ hải quan nói rằng đã có kiến nghị gửi về trung ương phản ánh chuyện bất cập của thủ tục nhưng không hề có phản hồi(?)! Cả một bộ máy quan liêu ăn trên ngồi trôốc ngang nhiên coi thường cuộc sống của người dân, lừa mãi dân vậy ư?

Chuyện đâu có chỉ là trái dưa hay quả vải xưa kia (theo truyền thuyết) Mai Hắc Đế cống nạp cho Tàu(!) Nó lột trần tận lõi sự thâm sì, hắc ám của 4 tốt hay 16 từ vàng mã. Nếu tốt thật, bạn thật, chẳng bao giờ để cho hàng ngàn chiếc xe chở trái cây (mau hư hỏng) nằm dài đợi thông quan hàng tuần lễ. Chuyện nhãn tiền như thế mà vẫn ra rả về tình “hữu nghị” thì chẳng có ma nào hiểu nổi. Hành hạ người nông dân là tận cùng của sự khốn nạn, tàn nhẫn. Chỉ cần hỏi một câu rất nhỏ thôi: Tại sao cửa khẩu nhiều như thế mà hàng rau quả chỉ được thông quan duy nhất ở Tân Thanh? Theo nguyên tắc, mở từ một thành vài cửa khẩu là chuyện nhỏ hơn cả con có vỏ trong quan hệ ngoại giao bình thường (chỉ cần bình thường, vất hẳn “chiến lược”), “bạn bè” hoàn toàn có thể giải quyết không mấy khó khăn. Chỉ có những kẻ thích hành hạ VN, những kẻ mặc kệ người dân VN mới sống chết mặc bay theo cách đó. Sống nhơn nhơn mặc cho nông dân khổ sở đủ bề rồi, lấp liếm rằng vì nông dân “ham ăn”, tranh mua, tranh bán, “đua nhau lên cửa khẩu” vì trồng dưa, trồng nhãn quá nhiều…, là cách ngụy biện tồi tàn, vô sỉ. Theo như chức năng của nhà nước thì “nó” có đủ ban bệ cần thiết để định hướng, cảnh báo cho người dân nên “trồng con gì, nuôi cây gì”, bán ở đâu, bán như thế nào; còn, nếu không, sinh ra nhà nước để làm gì? Nhà nước còn có chức năng kế hoạch hóa đầu vào, tìm (phải tìm cho ra, tìm cho thấy) đầu ra. Không lẽ các sứ quán, các bộ ngành ăn rồi chỉ lo nhảy múa, lo hành hạ mấy người xin cấp visa, quota,..? Sao các vị không đọc thử vài tờ báo để biết rằng 1 ha dưa đầu tư hết 140 triệu đồng, được 35 tấn quả, vận chuyển (từ Quảng Ngãi) hết 90 triệu – vậy chi là 230 triệu đồng nhưng, rốt cục, 1 kg dưa chưa “đổi” được một ly trà đá?

Chắc chắn như không thể chống tham nhũng ở nước ta rằng các bộ ngành đều có đủ cơ quan nghiên cứu giá cả thị trường, các tương quan cung cầu, các thị trường đang teo tóp và đang nhiều triển vọng… Vậy, tất cả “chúng nó” ở đâu khi hết năm này sang năm khác người dân khổ quá trời như thế mà chúng nó vẫn cứ nhơn nhơn ăn sung, mặc sướng, luôn rả rích lừa dân bằng vô số mỹ từ?

Ngược lại với nỗi đau khôn cùng của người nông dân Việt là sự tự tung tự tác, lộng hành, coi đất có chủ quyền như cõi vườn hoang của thương lái xứ Tàu. Có ở đâu, bao giờ họ mặc sức lừa nông dân từ nuôi đỉa đến nuôi gián, từ mua là điều đến lá khoai lang… như ở VN không? Tại sao không thấy những trò lừa lọc đảo điên, trở tráo và vô sỉ đó diễn ra ở Lào hay Campuchia, Nhật Bản, Hoa Kỳ…? Hiển nhiên là những kẻ lừa đảo sẵn sàng lừa bất kỳ ai, ở đâu có thể. Chúng không thể lừa ở nước khác (trừ VN) bởi ở những nước đó, dù còn nghèo hay còn “nhung di” – cũng không hề có thứ cán bộ man rợ, sẵn sàng khom lưng quỳ gối cho người toa rập lọc lừa. Tôi thách ai tìm được lý do nào khác để lý giải chuyện chỉ có VN mới bị “chúng nó” lừa!

Chuyện lọc lừa của xứ ta nhiều hơn cả dưa hấu thối ở Tân Thanh.  Thử nghĩ xem khi mỗi quả dưa có ngàn đồng bạc, phải chui túi nilon qua sông… mà dám bỏ ra hàng trăm triệu USD (tức hàng triệu tỷ quả dưa) để tổ chức ASIAD? Cái đó là thói trưởng giả nhớp nhơ hay sự bịp lừa để vét vơ? Đây đích thị là một trong những cú lừa trắng trợn “ngoạn mục” nhất trong lịch sử loài người. Vừa để lòe thế giới với cái “hạnh phúc” viển vông; vừa làm cho người dân xao lãng, quên đi những cực nhọc, đắng cay; lại vừa tha hồ đút túi hàng chục triệu USD. Dự trù (để qua cầu rồi lừa tiếp) tổ chức ASIAD là 150 triệu USD (ông Hoàng Vĩnh Giang đoan chắc mức giá này, BBC, 31.3.2014). Kịch bản tất nhiên là sẽ có lừa 2, lừa 3…, với mức chi phí tăng thêm vài lần vì 150 triệu USD thì ngay cả Tôn Ngộ Không cũng không thể làm nổi! Nếu không sinh ra để lừa thì không thể trở thành một trong những nước có quan chức tham nhũng nhiều nhất thế giới.

Huế, tháng Tư 2014.