Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014
Võ Phiến - Giã Từ (1)
![]() |
Hình: internet |
– Ủa! rồi ông bạn chuyến này i thiệt sao?
“Ông bạn” được săn sóc hỏi han đó là tôi. Lần này tôi đi
thật. Vì vậy mà không vội vàng trả lời, tôi thong thả thưởng thức sự quan trọng
của mình.
Người hỏi tôi mặc bà ba đen, quấn
khăn lông quanh đầu, đi chân trần không guốc không dép gì cả. Đó là một người
dân chài đã ngoài bốn mươi lăm.
Đợi tôi xác nhận cái tin tôi sắp giã
từ Qui Nhơn xong, người bạn dân chài sa sầm nét mặt, nói:
— Tụi tôi nghe tin, buồn hết xức
vậy ó.
Tôi hiểu cái lòng chân thành của ông
Sáu: có mực khô nướng mà không có chén rượu, ông ta “buồn hết xức”, có ruốc
tươi mà không có miếng kẹo đậu phụng để giã vào nước nắm, cũng “buồn hết
sức”... Tôi bèn thân mật vỗ lên vai ông ta, dỗ dành:
— Buồn vậy, nhưng có cá cơm ăn gỏi
và có rượu nhắm thì ông Sáu cũng cố gắng vui một chút được chớ?
— Thôi i, giỡn hoài! Ờ! mà
chiều nay, xẵn gặp nhau, tụi tôi mời ông bạn dự một bữa gỏi cá. Ược không?
— Chiều nay thì không.
— Xao vậy?
— Tôi định tìm chiếc ghe đi qua bên
Phước Mai một lần chót. Để chào ông Tám giữ ngọn hải đăng ấy mà.
— Vậy thì hay lắm; tụi mình em ồ nhắm
lên ghe, vừa i vừa dùng. Tôi rủ thằng Tư Tái theo, nó sẽ lặn gỡ một ít
hàu ăn thêm cho vui.
Thế thì nhất định là vui, không còn
nghi ngờ gì nữa. Bao giờ có cá tươi để ăn và có rượu nhắm thì người dân chài dễ
dãi liền tin tưởng ngay rằng chốn cực lạc quyết không thể ở cách xa mép nước.
Buổi đầu tiên tôi được quen ông Sáu cũng tại nơi bờ biển, khi ông ta xách cái
cãu con, nheo mắt ngóng ra biển đợi chiếc ghe của mình về để xúc một cãu ruốc
chạy về nhà ăn gỏi. Tôi tò mò hỏi qua về món ăn ấy, ông Sáu liền niềm nở rủ tôi
dự tiệc.
Từ đó tới nay tôi đã dự với ông Sáu
không biết bao nhiêu lần tiệc nhỏ tiệc lớn. Người dân chài không biết cách nấu
nướng cầu kỳ, không dùng nhiều gia vị: gần hết các thứ tôm cá ở bể bắt lên, họ
thích hoặc luộc, hoặc bóp dấm ăn ngay với rau thơm. Tính họ dễ dãi và hay mời
mọc, nên những cuộc ăn uống như thế thường tụ tập đông bạn bè và tốn kém khá
nhiều. Một đôi khi tôi toan góp ý kiến với ông bạn vong niên nghèo nàn về một
cách sống tằn tiện hơn thì ông Sáu cười ngất, khỏa tay trả lời rằng của cải do
nghề biển làm ra là của bọt nước: có đấy rồi tan đấy, làm sao mà để dành được?
Những người bạn xúm xít quanh mâm rượu cũng vùng lên cười rộ về sự ngờ nghệch của
tôi. “Của bọt nước: làm sao để dành được!” Tiếng cười vui vẻ cởi mở của họ vang
lên ầm ĩ rồi tắt đi dễ dàng, như tiếng sóng đánh ào tới một cái rồi tan liền;
họ lại vui ăn vui uống, lời khuyên can của tôi bị cuốn ào đi không để lại một
dấu vết.
Lần lựa ngày tháng trôi qua, tôi kết
bạn với ông Sáu được hai năm. “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”, mối giao tình
giữa hai chúng tôi không được giống thứ tình lạt lẽo của người quân tử: trên
thứ giao tình chúng tôi cứ phảng phất luôn luôn một mùi men nồng. Bọt nước tan
đấy rồi lại nhóm ngay đấy, ông Sáu không góp của cất nổi một cái nhà ngói, mua
nổi máy thâu thanh, xe Vét-pa v.v... nhưng để tổ chức những cuộc ăn uống thì
lúc nào ông cũng sẵn sàng. Hôm nay được tin tôi nhất định rời khỏi Qui Nhơn đi
làm ăn xa, ông Sáu “buồn hết xức” lại muốn rủ nhau tiêu sầu bằng cá tươi. Tôi
bằng lòng.
Tôi tỏ ý muốn biết cùng đi với chúng
tôi ra hải đăng chiều nay có những ai. Ông Sáu liền trả lời ngoài tôi với ông
chỉ thêm có ông Ba Thê và chú Tư Tái thôi. Tôi giật mình, không ngờ sự tình cờ
lại ghép ông Ba Thê trong bữa ăn tiễn biệt tôi, lại cho tôi gặp ông Ba Thê một
cách trịnh trọng như vậy trước khi rời bỏ Qui Nhơn. Bởi vì ông Ba Thê Đồng Thời
là lịch sử một đoạn đời của tôi ở đất Qui Nhơn.
Ông Ba Thê Đồng Thời vào khoảng trên dưới năm mươi lăm tuổi,
đầu tóc bạc từ hồi bốn mươi, là một người có phong thái đặc biệt khoan thai
nhàn nhã. Ông ta có nhà cửa, có vợ và ba con, trai có, gái có, bạn hữu có, trà
tàu uống sáng có, phở ăn khuya đôi khi cũng có. Chỉ có một điều ông Ba Thê chịu
thiếu thốn đã lâu, ấy là nghề nghiệp. Ông ta thất nghiệp ít nhất cũng trên hai
mươi lăm năm rồi. Và, căn cứ trên hiện tình sức khỏe cùng tâm lý của ông, chúng
ta yên trí ông còn có thể tiếp tục thất nghiệp như thế vài mươi năm nữa.
Có ai thất nghiệp mà chịu vui công
khai? Ông Ba Thê phàn nàn nhiều lắm về tình cảnh của mình, cho nên ông hóa luôn
ra một người thất chí. Theo lời ông ta phân trần thì ông luôn luôn vùng vẫy để
thoát ra khỏi tình trạng nhục nhã. Nhưng mà bây giờ ông ta chỉ còn chừng vài
mươi năm nữa để sống trên đời: làm sao kịp tìm thấy một nghề nghiệp cho ra hồn?
Gấp quá rồi! Chỉ còn có mỗi một hy vọng là tìm ra nghề nghiệp ngoài cõi thế
gian thôi.
Hồi xuân xanh ông Ba Thê đẹp trai,
vui vẻ, lanh lợi, khiến ai thoáng trông qua cũng phải chú ý. Cho nên ông không
cần khó khăn gì cả mà tự nhiên đi đến đâu có bạn bè, có nhân tình nhân ngãi đến
đó, rồi không cần tìm kiếm mà tự nhiên cơ hội đến: ông ta được vào lính khố
xanh dễ dàng, được thăng lên cai, lên đội lúc nào, tựa hồ như không kịp để ý
tới. Sự đời thường là như thế: những dịp may mắn chúng cứ như là ham vui mà dắt
nhau tới trong một thời gian nào đó, rồi tặc một cái, xảy ra chuyện trắc trở,
thế là những cơ hội tốt đội khăn tang lũ lượt kéo nhau đi, gọi kêu mấy cũng
không chịu trở lại; cuộc đời cứ vắng tanh vắng teo hằng mười năm, mười lăm năm,
rồi mãi mãi.
Có thể nói quyết là trong trường hợp
ông Ba Thê sự thành công không hề do cố gắng, vì vậy thất bại cũng không do
biếng nhác. Có cố gắng gì đâu trong cái thời từ hai mươi tới ba mươi tuổi của
ông Ba Thê? Vừa lớn lên, có chút ít chữ nghĩa, có một ít tài sản vốn liếng, Ba
Thê còn đang ham chơi bời, còn tính vào tận Nam Kỳ cho rộng chân rộng cẳng bay
nhảy, ông ta đã tính đâu tới chuyện vô lính! Vậy mà không ai gởi gắm giới
thiệu, ông ta vẫn được thu dụng vào hàng ngũ khố xanh. Hoàn cảnh mới có thú vui
mới, Ba Thê kết giao với rất nhiều bạn đồng ngũ, tập tành thêm nhiều thú chơi
bời, được rất nhiều cấp trên vừa lòng, ngợi khen và giúp đỡ, và cất nhắc, được
nhiều con gái lưu luyến. Những thứ đó xúm lại làm ra một sự nhộn nhịp, rộn ràng
vô số kể. Ba Thê thực tình bị bận rộn đến nỗi không kịp để ý và sau này không
thể nhớ lại mình đã làm cái gì để được yêu mến và thăng thưởng mãi.
Ông Ba Thê và nhiều bạn của ông ta
chỉ còn nhớ lại một đôi mảnh sinh hoạt không thể có chút giá trị kinh nghiệm
gì. Chẳng hạn hồi ông mới cưới vợ, một hôm có nhóm thân sĩ ở quận Bình Khê rủ
nhau tổ chức hát bội, tất cả ban hát chỉ có hai cô đào là con hát chuyên
nghiệp, còn bao nhiêu kép đều là mấy ông thân sĩ mộ điệu tự đóng lấy để thưởng
thức với nhau. Ý kiến được ông tri huyện địa phương cho là ngộ nghĩnh, nên ông
tri huyện có tham dự đêm hát Lã Bố hí Điêu Thuyền ấy. Thủ vai Lã Bố là Ba Thê
mà cô đào đóng vai Điêu Thuyện thì quá trẻ và quá lẳng lơ. Cô vợ mới cưới của
ông đội Ba Thê ngồi ở hàng ghế quan khách cứ đỏ mặt lên dần dần, đỏ như có ai
xoa mạnh tay lên hai bên mang tai; rồi cuối cùng bà đội bật lên khóc hu hu trên
hàng ghế quan khách. Điêu Thuyền ngoảnh xuống chợt hiểu sự cơ liền tái mặt,
thất sắc. Lã Bố ngỡ ngàng, lúng túng trong hia giáp rộng thênh thang. Ông tri
huyện giơ chiếc dùi chầu lơ lửng quên đập xuống mặt trống.
Người ta cũng còn nhớ mãi cái hội
gọi là của Những-Người-Ăn-Bê-Thui. Hội viên hết thảy là những tay cờ bạc, điều
kiện nhập hội ấy không bao giờ công bố nhưng hóa ra là điều kiện thiết yếu
nhất. Khi nào sòng bạc tổ chức tại nhà một hội viên thì tiền xâu hôm đó đều
được trích ra một đồng bỏ vào quĩ “hội”. Như thế cho đến cuối tháng, kiểm điểm
lại, nếu còn thiếu thì các hội viên chia nhau góp cho đủ tiền mua một con bê
non, ăn thui vào một ngày chủ nhật. Nếu số tiền xâu nhập lại mà đủ thanh toán
tiền thui bê thì các hội viên cố nhiên hỉ hả tọa hưởng cái ích lợi do sự cờ bạc
đem đến mà khỏi đóng góp thêm. Đến dự tiệc, một số hội viên đem theo ống đu đủ,
chờ khi vừa cắt cổ con bê ra là thọc ngay cái ống vào mạch máu để hút. Các hội
viên khác thì hứng huyết trong những cái bát có sẵn gừng giã và rượu trắng,
khuấy đều rồi uống ừng ực. Tất cả đều tin rằng huyết bê uống tươi có tài cải
lão hoàn đồng. Sự tin tưởng đó làm nền tảng lý tưởng cho việc thành lập ra hội
Những Người Ăn Bê Thui. Lẽ dĩ nhiên rất có thể phê bình rằng tín ngưỡng ấy
không có gì thâm thúy, tuy nhiên nó cũng đủ để cố kết mười bốn hội viên hoạt
động trong hai năm tròn không mệt mỏi. Một hội viên già lạc quan khoe rằng râu
của mình trước kia vàng hoe và khô, từ ngày ông nhập hội đã lần hồi trở lại đen
và mướt, rất xinh.
Riêng về phía Ba Thê, ông ta thường
có chuyến ngồi đánh bạc, suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ liên tiếp, sau đó được
lệnh ông Một, ông Lãnh hay một cấp trên nào gọi, ông đội Ba Thê vẫn có thể gấp
gấp đến trình diện mà không thiếu vẻ tỉnh táo. Có những đêm mới bắt đầu ngồi
vào chiếu được vài giờ, ông Ba Thê thua hết cả món tiền đem theo, như thế mà
ông ta vẫn không chịu rời sòng bạc đứng dậy, cứ ngồi mãi đó xem người khác
đánh, nói xen vào chuyện của họ, cười góp với họ suốt đêm tới sáng. Được như
thế một phần là vì lòng đam mê, một phần khác cũng là vì huyết tươi của bê
thui.
Chuyện Ba Thê hí Điêu Thuyền cũng
như chuyện Những Người Ăn Bê Thui, về sau này, khi đã thất nghiệp, được hồi
tưởng lại thiệt tình chúng không giúp ích được chút kinh nghiệm gì cho ông Ba
Thê để ông ta có thể xoay xở thoát cảnh nhục nhã.
Điều đó thật đã minh bạch rõ ràng.
Vậy mà những kỷ niệm ấy ông Ba Thê cứ nhớ mãi, bạn bè ông ta cứ nhớ mãi. Đặc
tính cố hữu của những giai thoại lưu truyền chung quanh tiểu sử các danh nhân,
ấy là tính cách vô ích và cái tuổi thọ dai dẳng của chúng.
Ông Ba Thê cầm súng ban ngày, đánh
bạc ban đêm. Cũng có khi ban đêm ông ta phải vác súng tuần hành, thì trái lại
có lắm khi ban ngày ông ta vụng trộm đánh bạc. Cái sinh hoạt nhịp nhàng đó ai
cũng rõ. Vả lại trước sau ông Ba Thê chỉ cầm súng non mười năm, nhưng đến khi
đóng lon đội khố xanh thì ít ra ông ta đánh bạc cũng được mười ba năm rồi. Như
vậy nếu gặp hồi phải nhường nhịn nhau thì đáng lẽ phía sinh hoạt cầm súng nên
nhường cho phía sinh hoạt huynh trưởng kia mới phải. Thế mà việc đời đã xảy ra
không thèm hợp với lẽ phải. Số là ông án sát với ông lãnh binh có điều bất bình
với nhau, một đêm nọ thầy đội Ba Thê đang đánh bạc ở nhà ông lãnh thì bị vây bắt
thình lình.
Từ trước tới giờ ai còn lạ gì nhà
ông lãnh có chứa bạc, ai còn lạ gì những mặt mũi đêm đêm hội họp xung quanh
chiếu bạc đó? Có lạ lùng chăng là cái sáng kiến bắt bạc bất tử ấy.
Một chuyện táo bạo như thế phải là
do cụ án xếp đặt. Nhưng mà sau đó ông lãnh vẫn cứ thoát tội được, chỉ có mấy
bác cai và thầy đội bị lột lon cho về làm dân.
Trong khi thiếu chuẩn bị mà bị bắt
buộc phải làm dân bất ngờ như vậy, người ta làm dân một cách rất vụng về.
Đó là nguyên do đã gây nên cảnh dang
dở trong cuộc đời ông Ba Thê Đồng Thời.
Từ khi thiếu nghề, về sống quanh
quẩn dưới mái gia đình, càng ngày ông Ba Thê mới lại càng biết thưởng thức cái
nết na của vợ mình.
Bà đội Ba Thê không phải là lá ngọc
cành vàng, nhưng trong xã hội thỉnh thoảng người ta bắt gặp một đôi gia đình
tầm thường mà giáo dục con cái nghiêm như là ở chỗ quyền quí vậy. Ông thân sinh
ra bà đội Ba Thê xưa kia chỉ là một thầy câu, giúp việc ở một huyện đường nho
nhỏ. Thầy câu đó còn ít tuổi mà trông sáng sủa lanh lợi, được quan huyện thương
mến. Quan huyện có cô cháu họ mặt mũi dễ thương hết sức, nhưng mà đôi chân hơi
yếu, dáng đi ưỡn ẹo một chút. Quan huyện đề nghị, thầy câu đỏ mặt nhận lời, và
cô cháu gái quan huyện về sau thành bà nhạc mẫu ông đội Ba Thê.
Sau bốn lần mang nặng đẻ đau, sức
khỏe suy giảm, bà câu phát bệnh rồi đôi chân sẵn yếu bị co rút hẳn, không đi
lại được nữa. Quan huyện cũ đổi đi, thầy câu buồn cảnh gia đình, không có người
khuyên can đủ uy tín, nên thỉnh thoảng có ý muốn đi tìm thú vui ngoài tổ ấm. Bà
câu biết vậy, nhưng bà bất lực, cả ngày chỉ ngồi nguyên một chỗ, không làm sao
theo dõi, ngăn ngừa được chồng. Trong tâm hồn thấm thía cay đắng, nhưng người
đàn bà ấy vẫn giữ một bề ngoài trang trọng, điềm đạm. Rồi càng ngày người ta để
ý thấy bà câu chăm sóc dạy dỗ con cái càng nghiêm thêm lên. Buồn về chồng, bà
câu lại giữ vững khuôn phép gia đình đối với con cái. Tuồng như để vớt lại sự
tàn phế tật nguyền, bà muốn làm bật nổi cái nguồn gốc quyền quí của mình, muốn
phô trương với chồng và nhắc cho mình cái uy thế tinh thần ấy. Sự kiêu hãnh có
lẫn lộn chua chát. Thực là một cách trả thù kỳ quặc. Tuy vậy nó có kết quả hay.
Sau mỗi lần sa đà ở một chỗ chơi bời, lúc quay về, bước qua khỏi cửa, ngồi vào
nhà, thầy câu trông thấy thái độ kính cẩn của đứa con mang đôi guốc tới cho mình,
pha trà cho mình, nghe những lời thưa gởi nhỏ nhẹ trọng vọng, bất giác thầy câu
cũng cảm thấy rụt rè trong sự ham mê tội lỗi. Bà câu kín đáo liếc nhìn chồng
thăm dò, và đo lường được mức tác động.
Cứ như vậy, trên hai mươi năm sống
trong cảnh túng thiếu bà câu dùng tất cả cái thì giờ của người đàn bà bị bệnh
tật buộc lại một chỗ để bắt mấy cô con gái ra công tập làm những món mứt, tỉa
những đóa hoa rất công phu, tập nhuộm những cánh hoa tỉa bằng đu đủ rất đẹp,
tập thêu những mẫu mặt gối hết sức khó khăn rắc rối, tập giữ kín từng lời nói,
bước đi, cái nhìn, giữ một sự khép nép tột bực...
Ông đội Ba Thê cảm bà đội chỉ vì nét
mặt khả ái. Ông ta có ý tìm đâu tới chỗ thế gia vọng tộc. Vả lại theo ông rõ
thì bà câu xưa kia chẳng qua là cháu họ xa xa của quan huyện, vì nhà nghèo nên
mới theo ở giúp việc cho quan. Như vậy người giàu tưởng tượng nhất cũng không
hy vọng bắt gặp trong huyết quản bà đội một giọt máu quan quyền. Khi ông đội Ba
Thê cưới vợ thì ông câu già đã về hưu, sinh nhai bằng nghề buôn bán lặt vặt trong
một ngôi quán nhỏ ở chỗ phố huyện. Ông đội Ba Thê có ngờ đâu từ ngôi quán xiêu
vẹo ấy ông ta rước về một tiểu thư nghìn vàng.
Còn người thiếu nữ về sau trở thành
bà đội thiệt đã khéo lựa chọn khi gởi thân vào một kẻ quân nhân. Bởi vì đức
tính căn bản của bà đội Ba Thê là khép nép sợ hãi. Từ thuở còn con gái cho đến
già, lúc nào người đàn bà ấy cũng cần một sự che chở. Ông đội Ba Thê đã làm đầy
đủ nhiệm vụ đối với vợ, và ngược lại ông được báo đền bằng sự trung thành tuyệt
đối của vợ. Hồi còn xuân xanh, bà đội liệt vào hàng đầu danh sách những thứ
đáng sợ là đàn ông. Về sau, khi chiến tranh xảy ra, tiếng động cơ của máy bay
oanh tạc chiếm mất chỗ xếp hạng của đàn ông.
Bà đội không bao giờ dám nằm ngủ một
mình trong bóng tối. Bên giường phải có một ngọn đèn nhỏ và bên mình phải có
một người. Người đó, nếu không phải là ông đội Ba Thê thì là một đứa ở giúp
việc, hay có thể là một đứa bé con. Giấc ngủ của bà đội như thế, trong đời bà
không có chỗ ám muội nào về phương diện ái tình. Nhưng quí hóa hơn cả là cái
cách phản ứng rất hiền lành của bà trước những hoạt động ái tình đáng ngờ của
ông Ba Thê: trông thấy tận mắt ông đội hí Điêu Thuyền mà bà chỉ có khóc lên hu
hu.
Sau này, trong những năm chiến
tranh, lúc nào có máy bay lượn trên đầu là bà đội nằm rạp xuống đất rên ư ử, ôm
đầu mà rên cho đến khi nào máy bay bay mất mới thôi. Và hết rên rồi thì bà đội
còn ngồi thở hỗn hễn, mặt mày tái ngắt, hai tay ôm ngực, ngồi yên một vài giờ
cho lại hồn vía. Thật là một phương thức phòng không thụ động hết sức hao tốn
thì giờ và sức khỏe.
Một linh tính rất nhạy báo cho bà
đội Ba Thê tất cả những thứ đáng sợ trên đời, từ một con sâu cho đến một người
nham hiểm. Một hôm đang ngồi chơi nhà tôi, thoáng trông thấy bà Ní-Nà1 đi ngang qua, bà đội
hạ giọng nói nhỏ: “Người đâu mà trông thấy hãi quá”. Bà lấy làm hãi lắm. Những
người có tướng như thế dẫu có nợ bà cũng không dám đòi, dẫu có tình với chồng
bà, bà cũng không dám gây chuyện.
Từ ngày ông đội Ba Thê thiếu nghề,
cái tính sợ hãi của bà vợ thành ra một món xa xí càng ngày càng nổi bật lên,
ông đội không làm sao không chú ý đến được. Thoạt tiên ông còn nuôi một chút ảo
tưởng vu vơ: ông nghĩ rằng khi còn ở trong quân ngũ ông đã nuôi vợ, biết đâu
khi ông mất chức bà vợ lại chẳng tính chuyện nuôi ông trong cơn anh hùng thất
thế. Ở đời thiếu gì người đàn bà biết trổ tài khi tình thế đòi hỏi đến. Nhưng
ảo tưởng của ông đội Ba Thê không thọ: chưa tròn một năm thì nó chết hoàn toàn.
Thất nghiệp mặc kệ thất nghiệp, bà đội chịu, không sao dám xông pha ra đời,
giành giật với đời để về nuôi sống gia đình.
Bà đội Ba Thê trước sau chỉ nhất
định giữ nguyên một vai nội tướng. Nói cho đúng, lần lần bà hóa ra một cố vấn
nội tướng hơn là một nội tướng thực sự, bởi vì tài sản và công việc nhà ông Ba
Thê cũng chẳng còn gì nữa để cho bà quản trị, điều khiển. Bà nấu nướng có khéo
thực, nhưng đã lâu không có được bao nhiêu nguyên liệu để nấu nướng, nên bà đội
Ba Thê chỉ hay bàn suông và chỉ vẽ nhiều hơn là làm việc. Bà đội biết tìm hứng
thú trong sự hướng dẫn bà con láng giềng cách thức làm thế nào cho mứt gừng
được trắng, cho rim chanh được xanh vỏ, giữ lửa thế nào cho mứt bí khỏi nhăn
tóp, dùng rau gì và chùi rau làm cá thế nào cho gỏi khỏi tanh v.v... Chỉ có cái
hứng thú ấy gọi là chút bổng lộc tinh thần dành cho bà đội Ba Thê, bởi vì người
đời đối với các vị cố vấn và quân sư thực là bạc bẽo đáng trách.
(Còn tiếp)