Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014
Trùng Dương - New Orleans Kỷ niệm 10 năm xây dựng bộ sử di dân của người Việt tị nạn
Các
công tác đã và đang hoàn tất: Bộ Tù nhân Chính trị Việt Nam; bộ Di cư 1975 tại
Guam; bộ 500 Lịch sử Truyền khẩu (oral history); và bộ phim tài liệu “Hành Đi
Tìm Tự Do của Người Việt tị nạn”
“Ghi
lại lịch sử bi hùng của người Việt tị nạn sau 1975 rất là cần thiết. Nếu chúng
ta không ghi lại thì con cháu chúng ta sẽ không biết được những sự kiện đã xẩy
ra vì những gì được ghi lại trong sử sách các em học ở nhà trường cũng như có
nhiều sách vở hiện lưu hành đã ghi ngược lại những gì đã thực sự xẩy ra đưa đến
cuộc tị nạn của chúng ta.” – John Hoà Nguyễn, New Orleans, LA
Tôi
trở lại New Orleans, theo chân Hội Bảo tồn Văn hoá và Lịch sử người Mỹ gốc Việt
(Vietnamese American Heritage Foundation -- VAHF) nhân kỷ niệm 10 năm hoạt động
nhằm xây dựng bộ sử di dân của người Việt, do các thân hữu địa phương tổ chức
như một cách bầy tỏ sự quan tâm tới và hỗ trợ các công việc của những anh chị
em tất cả là tình nguyện trong hội VAHF. Có lẽ không nơi nào ý nghĩa hơn cho hội
VAHF mừng 10 năm hoạt động là New Orleans, nơi của những con người không chịu để
nghịch cảnh khuất phục mình.
Đây
là lần thứ năm tôi trở lại thành phố này, thành phố mà với tôi đã trở thành biểu
tượng của sức sống còn không những của New Orleans nói chung, mà đặc biệt của cộng
đồng người Việt tại đây, nhiều người đã có tới bốn lần xây dựng lại cơ đồ --
hai lần bỏ cửa nhà làng mạc chạy nạn cộng sản năm 1954 và rồi 1975; một lần với
đại thiên tai Katrina năm 2005; và lần cuối là nạn nhân tai dầu rò BP năm 2010
làm ô nhiễm cả một vùng Vịnh Mexico, nguồn sinh sống của bao nhiêu con người và
sinh vật. Tôi vốn thường có cảm tình đối với những cảnh đời đã có thể từ vực thẳm
vươn lên với sức chịu đựng can trường và như thể thách thức nữa. Ngoài ra, New
Orleans còn lôi kéo tôi ở nét văn hoá đặc thù rơi rớt của thuở tiểu bang
Louisiana còn thuộc Pháp, cái văn hoá đã trở nên một phần di sản của đời sống
tinh thần của tôi.
Suốt
năm ngày ở New Orleans, từ 28 tháng 2 tới ngày 4 tháng 3, phái đoàn VAHF gồm gần
hai chục anh chị em đến từ Tiểu bang Oregon, Orange County, San Francisco,
Austin và Houston, đã được các vị lãnh đạo tinh thần và anh chị em địa phương
tiếp đãi ân cần, lo cho từ miếng ăn, chốn nghỉ. Đặc biệt anh chị John Hoà Nguyễn,
người phối hợp chương trình của năm ngày, đã dành cho nguyên một căn nhà bỏ trống
để phái đoàn nghỉ ngơi, với các bà chiếm hết các phòng ngủ trong khi các ông mỗi
người một tấm nệm nằm la liệt các nơi, kể cả trong phòng giặt bỏ trống, rất ư
là “dã chiến” như thời còn là học sinh, sinh viên.Chúng tôi cảm thấy như trẻ lại,
và cũng thật là vui vẻ và ấm cúng.
“Tôi
thay mặt cho anh chị em vùng New Orleans đứng ra tổ chức các buổi gọi là viếng
thăm New Orleans để mời quý anh chị về đây để có dịp chính thức cám ơn và hỗ trợ
công việc làm của các anh chị,” anh John Hoà nói. “Ghi lại lịch sử bi hùng của
người Việt tị nạn sau 1975 rất là cần thiết. Nếu chúng ta không ghi lại thì con
cháu chúng ta sẽ không biết được những sự kiện đã xẩy ra vì những gì được ghi lại
trong sử sách các em học ở nhà trường cũng như có nhiều sách vở hiện đang lưu
hành đã ghi ngược lại những gì đã thực sự xẩy ra đưa đến cuộc tị nạn của chúng
ta. Và hội Bảo tồn Văn hoá và Lịch sử người Việt tị nạn đã đứng ra làm việc
này.”
Ngoài
ra, anh chị “ngư phủ” Phong và Liên cũng mở cửa ngôi nhà xây lại hoàn toàn từ
móng sau Katrina ở vùng Burnas phía nam New Orlean bên Vịnh Mexico ra đón phái
đòan VAHF chúng tôi vào chơi hai ngày một đêm, đã đãi chúng tôi bằng những bữa
ăn bằng hải sản chài bắt được trong Vịnh và rau trái trồng trong vườn nhà.
Không những thế, anh chị còn bỏ hơn nửa ngày đưa chúng tôi ra Vịnh Mexico để có
dịp quan sát anh chị chài lưới bắt tôm cá, một kinh nghiệm hoàn toàn xa lạ đối
với nhiều người trong chúng tôi. Anh Phong, ngoài đi biển, còn là nhân viên của
Coast Guard như một chuyên viên phụ trách liên lạc các ngư phủ người Việt, và
nghề chài lưới chỉ là nghề tay trái, mặc dù trước khi vào làm việc với chính phủ
anh cùng với chị đã sống bằng nghề cào tôm và nuôi sáu con tất cả nay đã thành
đạt.
Đặc
biệt ban tổ chức còn thu xếp để chúng tôi có dịp tham dự lễ hội tiền Mardi
Gras, dịch nôm na là thứ Ba Mập, vào ngày thứ Hai – ở New Orleans họ thích gọi
đó là Lundi Gras, Thứ Hai Mập. Mardi Gras là một ngày lễ truyền thống mọi người
ăn chơi hội hè thả cửa trước khi bước vào mùa chay của đạo Thiên Chúa
(Catholics), bắt đầu từ nửa đêm về sáng ngày thứ Tư kéo dài cho tới Lễ Phục
Sinh, tức Easter. Năm nay một đoàn múa lân của các em thuộc cộng đoàn Nhà thờ
WoodLawn, dưới sự điều hợp và hướng dẫn của anh John Hoà Nguyễn, anh chị Phạm
Duy Văn và Hương, đã được
mời tham dự buổi diễn hành tiền Mardi Gras. Hôm sau ngày chính thức của lễ hội
thì trời mưa và gió lạnh, cho nên mặc dù chương trình đã sắp sẵn cho chúng tôi
đi xem diễn hành, thế nhưng các “bô lão”, chiếm một số lớn trong phái đoàn, xin
kiếu ở lại nhà trọ xem… diễn hành Mardi Gras trên truyền hình. Buổi chiều chúng
tôi đi thăm viếng cảm tạ sự khuyến khích và hỗ trợ của các vị lãnh đạo tinh thần
như Thượng toạ Thích Tâm Nguyên và các linh mục Michael Nguyễn Hoàng Nam và
Nguyễn Văn Nghiêm.
Lần đầu tiên anh bạn
phóng viên Mỹ Lợi của Việt Vùng Vịnh từ San Francisco mang đồ nghề qua theo
chúng tôi làm phóng sự về năm ngày sinh hoạt này. Bài phóng sự dài 30 phút của
anh đã ghi lại đầy đủ chi tiết của từng ngày, với những cuộc phỏng vấn chớp
nhoáng song chi tiết các thành viên của hội VAHF về các sinh hoạt xây dựng bộ sử,
cũng như sự cần thiết của bộ sử của người Việt tị nạn qua cái nhìn của các vị
lãnh đạo tinh thần và thân hữu của VAHF tại New Orleans.(*)
Nhờ có anh Mỹ Lợi làm
việc ghi chép này, nên tôi tự cho phép mình gác máy hình qua một bên, và thả
suy nghĩ về dĩ vãng của 10 năm về trước…
Từ những thùng
tài liệu mốc meo của Hội Gia đình
Các Tù nhân Chính trị Việt Nam…
Trên
10 năm về trước, Triều Giang, với tư cách một nhà báo và là tác giả của cuốn tự
truyện “Bọt Biển” (Ngày Nay, Houston, 1987) dựa trên sự thật của thảm cảnh thuyền
nhân mà chị cũng là một trong những thuyền nhân đến Songkhla cùng hai đứa con
thơ vào năm 1979, đi tìm tài liệu để viết lại cuộc đời của Bà Khúc Minh Thơ, chủ
tịch Hội Gia đình Các Tù nhân Chính trị Việt Nam, nôm na là “tù cải tạo” hay
“HO”. Bà Thơ là một người đã, từ những năm cuối thập niên 1970, cùng với các
thân hữu thành lập hội này tại Hoa Thịnh Đốn để vận động các chính giới Hoa Kỳ
can thiệp cho các tù nhân chính trị Việt Nam được trả tự do và sang định cư tại
Mỹ.
Kết
quả của 20 năm làm việc không ngừng nghỉ ấy là sự hiện diện của trên 300,000 cựu
tù nhân chính trị và thân nhân của họ tại Hoa Kỳ kể từ đầu thập niên 1990. Vào
đầu thập niên 2000, Triều Giang được bà Thơ đồng ý cho chị “xục xạo” vào đống
tài liệu nặng khoảng 6,000 lbs chứa trong khoảng 300 thùng giấy banker’s box,
tính ra gồm vào khoảng 200,000 trang giấy đủ cỡ, với rất nhiều trang viết tay của
các cựu tù nhân chính trị gửi cho hội xin can thiệp trên giấy mầu vàng hay xám
xịt, loại giấy thông dụng ở Việt Nam hồi trước “đổi mới”, chồng chất trong cái
basement của căn nhà của bà Thơ tại Virginia, nơi thỉnh thoảng còn bị mưa lụt.
… Đến sự ra đời
của hội VAHF
Trước
đống tài liệu ngồn ngộn và đang ở trong tình trạng dần hư nát này, hai người phụ
nữ nhìn nhau với câu hỏi lớn trong ánh mắt: phải làm gì với đống tài liệu, công
lao cũng như kỳ vọng của bao nhiêu người trong suốt 20 năm qua đang bị hư hại
này? Từ đó là sự hình thành của hội vô vị lợi Bảo tồn Lịch sử Và Văn Hoá Người
Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation, tắt là VAHF) do chín sáng
lập viên quyết định thành lập vào tháng 10 năm 2004 để giải quyết việc trước mắt:
cứu vãn 200,000 ngàn trang tài liệu của Hội Gia đình Các Tù nhân Chính trị Việt
Nam (Families of Vietnamese Political Prisoners Association, viết tắt là FVPPA).
Dù
vậy, lý do sâu xa của việc lập hội VAHF là do chỗ các anh chị em trong ban sáng
lập nhận thấy nhu cầu cấp bách không thể trì hoãn thêm nữa sau trên ba thập
niên sinh sống tại Hoa Kỳ, đó là việc phải xây dựng một bộ sử của người di dân
Việt tại Mỹ để nói lên lý do thực sự tại sao chúng ta đến đây, hầu để lại cho
các thế hệ tương lai vốn chịu ảnh hưởng bởi sách vở với nhiều sự kiện sai lạc
do tuyên truyền của cộng sản vẫn còn đầy dẫy trong sách vở nhà trường, thư viện
mà các con em người Mỹ gốc Việt phải học tập.
“Chúng
tôi đã ngồi lại với nhau và suy nghĩ thấy rằng mình phải, bằng cách này hay
cách khác, giúp cho con em của mình, không những con cháu của chúng ta mà cả những
người Mỹ, không những tại Mỹ mà tất cả các giới trẻ con tại Việt Nam nữa, thấu
hiểu được lý do tại sao có hơn một triệu người Việt phải bỏ nước ra đi bất chấp
hiểm nguy chết chóc,” Bác sĩ Trần Văn Đức, một trong những sáng lập viên hội
VAHF, tâm sự. “Chúng ta ra đi vì tự do, vì công bằng.”
Chương trình 500
Lịch sử Truyền khẩu (oral history) và gần 60 ngàn
đô của Liên hội Sinh viên Việt Nam Bắc Mỹ tặng
Cho
tới nay, 10 năm kể từ sau khi thành lập, với sự tiếp tay của nhiều tình nguyện
viên bên cạnh sự hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất của các cộng đồng người Việt
tị nạn trên toàn nước Mỹ qua những cuộc vận động gây quỹ, VAHF đã hoàn tất,
ngoài bộ sưu tập FVPPA hiện đang ở trong giai đoạn chót là vi tính hoá
(digitization) tại Vietnam Center thuộc trường đại học Tech Texas ở Lubbock
(**), là bộ sưu tập về cuộc di tản năm 1975 do chính quyền đảo Guam trao tặng
năm 2006.
Song
đặc biệt hơn cả là bộ sưu tập 500 Lịch sử Truyền khẩu đã hoàn tất phần phỏng vấn.
Bộ sưu tập này hiện đang được sang băng, dịch thuật và thiết lập văn khố với sự
hợp tác của các trường Đại học University of Texas tại Austin, Đại học Houston,
Đại học Rice ở Houston, Đại học Tech Texas tại Lubbock, và Đại học University
of California tại Irvine.
Tôi
đã may mắn có dịp cùng đi với Triều Giang, hội trưởng VAHF, và nhiều anh chị em
tình nguyện khác, tuổi từ 19 tới ngoài 70, suốt chặng đường dài hơn một năm, từ
mùa xuân 2010 tới mùa hè 2011, vòng quanh nước Mỹ tới những nơi có đông đảo người
Việt định cư, như San Jose, Calif.; Washington D.C.; Westminster, Calif.;
Houston, Texas; New Orleans, Louisiana; và Denver, Colorado để thực hiện chương
trình 500 Lịch sử Truyền khẩu.
Ấy
vậy mà cũng có những trường hợp chúng tôi đã tới quá trễ vì một số người nhận
cho phỏng vấn đã ra đi vì lớn tuổi và bệnh tật. Trường hợp điển hình khiến
chúng tôi rất tiếc nuối, đó là sự ra đi của ký giả Nguyễn Tú, nguyên là ký giả
của nhật báo Chính Luận ở Saigòn trước 1975, ngưởi đã đi theo đoàn người di tản
khỏi Cao nguyên vào những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà, và là tác
giả của những bài tường thuật đẫm nước mắt, máu và xác người. Vài ngày trước
khi lên đường đi Washington D.C., nơi ông cư trú, thì chúng tôi được tin ông
qua đời.
Điều
khiến tôi xúc động nhất là, mặc dù đã gần bốn thập niên kể từ khi chúng ta phải
cắn răng gạt nước mắt từ bỏ quê cha đất tổ và thân bằng quyến thuộc để ra đi
lánh nạn cộng sản độc tài đảng trị -- với nhiều người thì đây là lần tay trắng
di cư thứ hai -- nhưng những hoài niệm về những ngày tang thương 1954 và 1975 vẫn
còn sống động trong tâm khảm. Và họ đã sẵn sàng chia sẻ với các anh chị em tình
nguyện viên của hội qua những cuộc phỏng vấn có thu hình, mỗi cuộc phỏng vấn
như vậy dài hai tiếng, có khi hơn, và nhiều khi đẫm trong nước mắt. (***) Và đã
hẳn là còn hàng trăm ngàn người khác đã vùi thân dưới biển hay trong rừng sâu
trên đường đi tìm tự do, do thân nhân sống còn kể lại.
Tôi cũng vô cùng cảm động khi biết các em
trong Liên hội Sinh viên Việt Nam tại Bắc Mỹ (Union of North American
Vietnamese Student Associations, uNAVSA) đã phát động chiến dịch gây quỹ có tên
là “Chương sử của chúng ta - Lịch sử Người Mỹ Gốc Việt: Cha anh kể lại, Giới trẻ
bảo tồn” (Chapter of Us – Vietnamese American History: Told by the Old,
Preserved by the Young).
Và
cũng chính nhờ số tiền gần 60,000 Mỹ kim do các em gây quỹ được trong năm 2009
mà, thay vì 10 năm như dự trù, VAHF đã, trong có hơn một năm, hoàn tất được phần
thu thập trên 500 câu chuyện truyền khẩu – chính xác là con số 514 câu chuyện
truyền khẩu đếm được ở ngày kết thúc giai đoạn phỏng vấn tại Denver vào tháng 7
năm 2011, tại Giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức mà Linh mục Đức Ông Nguyễn Quang đã có nhã
ý cho phái đòan mượn khu trường học của giáo xứ đang đóng cửa nhân dịp hè để
làm việc.
Bộ
sưu tập 500 Lịch sử Truyền khẩu này hiện đang được sang băng và dịch thuật và sẽ
được lưu giữ tại các trường Đại học Texas tại Austin, Đại học Houston, Đại học
Rice và Đại học California tại Irvine cho các công cuộc khảo cứu về lịch sử người
Việt tại Mỹ, hiện đã lên tới 2 triệu, do chính người Việt tại Mỹ kể lại.
Ngoài
ra, một bộ phim tài liệu tựa đề “Hành trình Tìm Tự do” (“Journey to Freedom of
Vietnamese Americans”) cũng đang được thực hiện, dự trù hoàn tất trong năm nay.
Bộ phim gồm sáu phần, mà phần đầu, Triều Giang cho biết, đang ở giai đọan ráp nối
và hy vọng sẽ hoàn tất trong năm nay. Được biết bộ phim sẽ do chuyên viên viết
truyện phim, bà Elizabeth Orr, viết phân cảnh và sẽ được diễn giải bởi Peter
Coyte, người đã diễn giải nhiều phim tài liệu nổi tiếng trong đó có bộ “Dust
Bowl” của nhà làm phim tài liệu tên tuổi Ken Burns.
Bộ
phim tài liệu này, cùng với các bộ sưu tập 500 Lịch sử Truyền khẩu , bộ sưu tập
Tù nhân Chính trị Việt Nam, và bộ sưu tập về đợt di cư tại Guam năm 1975 sẽ là
những tài liệu chứng nhân (primary source) mà chúng ta thu thập được để trao lại
cho các thế hệ con em, và để đóng góp vào bộ lịch sử của hiệp chủng quốc Hoa Kỳ,
một quốc gia được tạo thành và phát triển bởi di dân từ khắp các nơi trên thế
giới. [TD, 03/2014]
Chú
thích:
(*) Video phóng sự “New Orleans: Nhật ký 5
ngày mừng hội VNHF 10 năm thành lập” tại http://vietvungvinh.com
và http://youtu.be/5Yj96BEE7E0.
(**) Tìm hiểu về hành trình thiết lập văn khố
cho bộ sưu tập Hội Gia đình của Tù nhân Chính trị Việt Nam (Families of
Vietnamese Political Prisoners Association – FVPPA), mời đọc “Chuyện trò với
Ann Mallett về việc soạn bộ sưu tập Tù nhân Chính trị Việt Nam” tại http://www.hopluu.net/D_1-2_2-117_4-341_5-4_6-4_17-14_14-2_10-92_12-1/
(***) Tìm hiểu thêm về nội dung của các cuộc
phỏng vấn qua bài viết tiêu biểu và cảm động của Phạm thị Diễm Hương, một tình
nguyện viên đã từng đi theo phái đòan phỏng vấn tới làm việc tại Houston, New
Orleans và Denver, “Houston những ngày đáng nhớ”, tại http://www.hopluu.net/D_1-2_2-125_4-1677_5-4_6-1_17-1_14-2_10-306_12-1/