Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014
Hoàng Ngọc Tuấn - Lời tựa tác phẩm "GỬI NGƯỜI YÊU VÀ TIN" của Nguyễn Thị Từ Huy
![]() |
Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn |
Phải nói ngay rằng Gửi người yêu và tin của Từ Huy là cuốn tiểu thuyết
thư tín — đúng nghĩa — đầu tiên trong văn chương Việt Nam đương đại, và đây cũng
là tác phẩm đầu tiên chạm đến tận căn nguyên của sự tham nhũng và băng hoại đạo đức của nền giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.
Thể loại tiểu thuyết thư tín khá phổ biến trong văn chương Âu-Mỹ, nhưng trong
văn chương Việt Nam, từ trước đến nay, thư tín, như một thủ pháp nghệ thuật và một
hình thức tự sự, chỉ được
sử dụng trong một số truyện ngắn và tùy bút,(*) chứ chưa bao giờ được sử dụng để tạo
cấu trúc toàn bộ từ đầu đến cuối một cuốn tiểu thuyết. Năm 1960, Toàn Phong có xuất
bản cuốn Đời phi công, gồm 14 bức thư,
nhưng đó chỉ là những bức thư của tác giả gửi cho một người nữ tên Phượng, mà không
hề có một bức thư nào từ người nữ ấy gửi lại, vì thế cuốn Đời phi công giống như
một cuốn sách để tác giả bày tỏ tâm sự đơn phương, hơn là một cuốn tiểu thuyết thư
tín.
Gửi người yêu và tin của Từ Huy là một cuốn tiểu thuyết thư tín gồm 16
bức thư, trong đó có 12 bức của một giáo sư đại học ở Việt Nam, 3 bức của một phụ
nữ ngoại quốc, và 1 bức của người đàn ông đã đính hôn với cô ấy.
Hình thức đối đáp qua thư tín khó tạo nên sự hấp dẫn cho một cuốn tiểu thuyết so
với hình
thức
đối đáp trực tiếp bằng lời nói giữa các nhân vật nhưng, ngược
lại, nó có khả năng đào sâu vào nội tâm của từng nhân vật. Có lẽ đó chính là chủ
đích của Từ Huy khi viết cuốn tiểu thuyết này, chị không cố ý tạo ra những tình
tiết hấp dẫn, mà nhắm vào việc khai thác chiều sâu nội tâm: mỗi bức thư là một cuộc
giãi bày
tâm sự, qua đó, người viết thư diễn tả tất cả những ý nghĩ thầm kín của mình.
Đọc 16 bức thư trong Gửi người yêu và tin của Từ Huy, tôi thấy
mình rơi vào một thế giới khủng khiếp — thế giới nội tâm của những con người thành
đạt trong một guồng máy tận cùng thối nát của sự tham nhũng và băng hoại đạo đức
của nền giáo dục đại học ở Việt Nam hiện thời.
Từ những năm 80 đến nay, ở Việt Nam đã có không ít
tiểu
thuyết, truyện ngắn và kịch bản viết về đề tài chống tham nhũng. Ở Trung Quốc —
“nước xã
hội
chủ nghĩa anh em” của Việt Nam — đề tài này đã được các tiểu thuyết gia khai thác nhiều đến độ trở
thành một thể loại gọi là “phản tham tiểu thuyết” và thu hút rất đông đảo độc giả.
Tuy nhiên, ở cả hai nước xã hội chủ nghĩa này, số lượng tiểu thuyết viết về sự
tham nhũng và băng hoại đạo đức của nền giáo dục nói chung, và nền giáo dục đại
học nói riêng, thì còn khá ít, và không chỉ khá ít về số lượng, mà còn khá nông cạn về nội dung.
Thoạt
đầu, những cuốn tiểu thuyết “chống tham nhũng”
đã xuất hiện dưới hình thức giống như tiểu thuyết trinh thám, xoay quanh những vụ án tham nhũng, và
diễn biến câu chuyện được trình bày theo một công thức rất an toàn
cho tác giả, trong đó những nhân vật phản diện tức là những cán bộ tham nhũng (thường
là những kẻ ở hàng lãnh đạo trung cấp trở xuống) bị theo dõi, rồi bị phát hiện và bị đem ra trước vành móng ngựa.
Còn giới cán bộ lãnh đạo
cao cấp
thì luôn luôn được mô tả như những người ngay thẳng, đại diện cho lẽ phải. Những cuốn tiểu
thuyết “chống tham nhũng” theo công thức ấy được cho phép xuất bản, vì chúng truyền bá cái thông
điệp rằng trong một đất nước xã hội chủ nghĩa (như Việt Nam và Trung Quốc) thì công lý sẽ toàn thắng dưới
sự lãnh
đạo
của Đảng. Trong những năm đầu tiên ấy, đa số độc giả ở Việt Nam và Trung Quốc cảm
thấy hả hê khi đọc những cuốn tiểu thuyết “chống tham nhũng” vì trước kia họ chưa
từng thấy hình ảnh những cán bộ tham nhũng bị đem ra phê phán và kết tội trên những trang
sách.
Thế nhưng, chẳng mấy chốc thì sự hả hê của độc giả đối với những trang tiểu thuyết
ấy tan dần đi vì thực trạng xã hội bày ra trước mắt họ một nạn tham nhũng càng ngày càng trở
nên trầm trọng trong mọi lĩnh vực và ở mọi cấp chính quyền. Một số nhà văn bắt đầu
cố gắng bước ra khỏi cái công thức an toàn trước kia để đặt ra những vấn đề về cơ
chế chính trị và hệ thống quan chức. Tuy nhiên, nỗ lực của họ bị hạn chế bởi mạng
lưới kiểm duyệt. Họ chỉ có thể mổ xẻ một số vấn đề trong một phạm vi và một mức
độ nào đó không đụng đến bản chất của chế độ và không làm tổn hại đến uy tín của
Đảng.
Một điều đáng lưu ý là mặc dù nạn tham nhũng từ lâu đã
thâm nhập vào lĩnh vực giáo dục và đã gây nên vô số hậu quả vô cùng
tệ hại, số lượng tiểu thuyết viết về đề tài này vẫn còn khá ít. Ở Việt Nam, từ những
năm 80 cho đến nay chỉ có vài cuốn, và những
cuốn ấy vẫn còn tự giới hạn ở việc mô tả và phê phán những hành vi “tiêu cực” của một số cán
bộ giáo dục, chứ không hề chạm đến căn nguyên của sự tham nhũng và băng hoại đạo
đức của nền giáo dục. Để có thể chạm đến căn nguyên của vấn đề này một cách sâu
sắc, có lẽ tác giả không chỉ là một nhà văn có tài, mà còn phải là một người
trực tiếp làm việc trong lĩnh vực giáo dục, có lương tâm chức nghiệp, có khát vọng
mãnh liệt trong việc cải
cách giáo dục, có óc quan sát và phân tích hết sức tinh tế, có khả năng đưa ra những
nhận định sắc bén, và có lòng dũng cảm.
Cuốn tiểu thuyết Gửi người yêu và tin chứng tỏ rằng tác giả có tất
cả những điều kiện và phẩm chất đó.
Qua những bức thư trong cuốn sách này, Từ Huy đưa độc giả đi vào nội tâm
của một con người để nhìn thấy những nguyên nhân, những tác động và những áp lực nào từ bản thân và ngoại
giới đã
làm cho một nhà giáo dần dần biến đổi từ lúc còn là sinh viên
mới
ra trường với tâm hồn trong sạch và đẹp đẽ cho đến lúc trở thành kẻ thoả hiệp với
một guồng máy phi nhân, rồi biến thành một nhà lãnh đạo ích kỷ, tham lam, vô cảm,
vô liêm sỉ, vô lương tâm, chỉ biết thăng tiến bằng sự luồn lách, dối trá và quỷ
quyệt. Đó là một sự biến đổi ngoài sức tưởng tượng của người yêu của hắn, hay của
bất cứ ai sinh ra và lớn lên trong một đất nước khác, nơi cuộc sống có công lý, có tự do và có một nền
giáo dục nhân bản.
Từ Huy
đã viết cuốn tiểu thuyết Gửi người yêu và tin với một ngòi bút
tỉnh táo và sắc bén của một nhà phân tích tâm lý và một nhà phê phán xã hội và,
dưới ngòi
bút ấy,
nhân vật chính trong tác phẩm — một nhân vật hư cấu nhưng đích thực là điển hình của loại người đang
làm mục ruỗng xã hội và đạo đức ở Việt Nam hiện nay — tự phơi bày bản chất qua nhiều chặng
biến đổi khác nhau từ trang sách đầu tiên cho đến trang sách cuối cùng.
Tác giả đã
để cho nhân vật ấy biến đổi một lần cuối, từ sau cái chết của cô tình nhân ngoại quốc — “người yêu và
tin” — của hắn. Trong những bức thư cuối cùng (mà hắn tiếp tục viết và gửi cho nàng,
dù nàng đã
chết),
hắn bắt đầu tự phản tỉnh. Đó là lúc tác giả dừng ngòi bút phân tích và phê
phán của mình lại, và đưa vào trang viết một thoáng hy vọng. Chính tác giả thú
nhận đó là “một hy vọng nhuốm màu tuyệt vọng”, nghĩa là tác giả hy vọng rằng những
con người như thế vẫn còn có thể thay đổi để trở lại với thiện tâm. Đó là một niềm hy vọng vô cùng mong
manh, một niềm hy vọng gần như bất khả, xuất phát từ ý thức nhân bản sâu
sắc của tác giả. Và chắc hẳn đa số độc giả, những con người đầy thiện tâm, cũng
muốn có một chút hy vọng như thế, mặc dù ngay sau chút hy vọng mong manh ấy, tác
giả cũng đành phải trao cho nhân vật ấy cái quyền tự xử.
Đọc xong Gửi người yêu và tin của Từ Huy, tôi chợt
có thêm một thoáng hy vọng nữa, một thoáng hy vọng cũng vô cùng mong manh, rằng
tác phẩm này sẽ có cơ hội được đọc bởi chính những con người mà nó phản ảnh, và
biết đâu có một giây phút tự phản tỉnh sẽ xảy ra trong lòng những con người ấy.
Hoàng Ngọc-Tuấn
Sydney, 3/2014
---------------------------
(*) Trong tiểu luận “Thư của các nhà văn”,
Nguyễn Hưng Quốc viết: “Thư, với tư cách một thủ pháp nghệ thuật và một hình thức tự sự, cũng đã được sử dụng; không nhiều, nhưng
có, từ Nhất Linh, trong truyện ngắn ‘Mười năm qua’ đến Toàn Phong trong cuốn Đời phi công (1960) và một số nhà văn khác, trong
đó có Võ Phiến với
những ‘Thư nhà’ (1962), Thư gửi bạn (1976) và Lại thư gửi bạn (1979), v.v...”