Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Ghé thăm các Blogs: 11/03/2014

Hình: internet
BLOG TRỊNH XUÂN BÁU

1. Vụ việc được dư luận xôn xao nhất trong tuần là vụ tai nạn tại cầu treo Chu Va tỉnh Lai Châu khiến 8 người thiệt mạng và 37 người bị thương. Tại hiện trường, neo cáp treo của cầu bị gãy làm đôi, và đây là lý do dẫn đến tai nạn.


Nguyên nhân dẫn đến neo cáp bị gãy vẫn được các cơ quan chức năng điều tra. Dư luận thì chín người mười ý. Người thì cho là do quá tải, người thì cho là cộng hưởng, người thì cho là bớt xén vật liệu nên chất lượng không đảm bảo, người cho là lỗi kỹ thuật. Thậm chí, có người còn cho là linh hồn người chết giận nên gây sập cầu.

Trên báo chí, anh thiếu tướng giám đốc công an Lai Châu nhận định nguyên nhân ban đầu là do “quá tải và có hiện tượng cộng hưởng khi đoàn người đưa tang cùng đi trên cầu”, và cho rằng cộng hưởng xảy ra vì “Vì người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh”. Anh thiếu tướng này cũng cho rằng, chưa thể khẳng định do làm ẩu, hoặc thi công không đúng.

Những người lái xe tải thường truyền nhau kinh nghiệm: "Cầu nhân ba, phà nhân đôi". Nghĩa là tải trọng xe gấp 3 lần tải trọng cầu thì có thể chạy vô tư qua cầu. Với lại, tải trọng của cable thép và các kết cấu liên hệ với dây cáp thường lớn hơn nhiều lần so với tải trọng thực tế của cầu (ở châu Âu bắt buộc chọn hệ số an toàn là 10). Thế nên, chỉ khoảng 50 người trong đám tang đi qua cầu thì khó mà thuyết phục được dư luận là tai nạn do quá tải. Mặt khác, nhiều người có chuyên môn cũng nêu trên các diễn đàn mạng rằng, khó mà có cộng hưởng đến mức gây đứt cáp.

Nhìn cái neo cáp bị gãy, những người dù không có chuyên môn kỹ thuật cũng có thể nhận ra rằng neo cáp được gia công quá sơ sài. Và các công đoạn gia công để hình thành neo cáp chắc chắn đã làm thay đổi lý tính và cơ tính của thanh thép làm neo cáp. Và để xác định neo cáp này có đảm bảo tải trọng lẫn tiêu chuẩn kỹ thuật hay không thì quá đơn giản.

Nguyên nhân cụ thể sẽ được cơ quan chức năng công bố trong nay mai. Tuy nhiên, ở An-nam, vấn đề hoa hồng cho chủ đầu tư, chi phí cho giám sát, rút ruột công trình,… không còn là điều gì mới mẻ. Thậm chí đã được nêu cả trên nghị trường khi các ông bà nghị nói về chất lượng công trình.

Giả sử nguyên nhân xác định không phải là do quá tải và cộng hưởng như các quan chức nhận định ở trên. Vậy lỗi sẽ thuộc về ai? Thiết kế, thẩm định, thi công hay giám sát? Và có hay không trách nhiệm của chủ đầu tư?

Đôi khi, có những lý do rất phức tạp được sử dụng để trả lời những câu hỏi đơn giản, thuần túy về kỹ thuật!!!


2. Cũng liên quan đến vụ việc này, một fanpage trên FB về thế giới tâm linh cho rằng vì người chết nổi giận do thay người cầm di ảnh nên đã gây tai nạn nói trên. Chỉ trong vài ngày, status này đã có tới hơn 3.800 người thích, hơn 1.600 phản hồi và gần 900 lượt chia sẻ.

Vấn đề tâm linh có hay không, đúng hay sai thì người viết không lạm bàn. Cái gì khoa học chưa chứng minh rõ ràng thì vẫn là một điều bí ẩn. Có điều, với cần-lao An-nam, sự mê tín dị đoan đã ăn sâu vào tiềm thức. Xứ này luôn thích những câu chuyện kỳ quái hoang đường, thích sử dụng các thế lực siêu nhiên để giải thích sự vật hiện tượng. Không chỉ đơn thuần trong cần-lao xã hội mà có trong cả chính sử.

Thế nên mới có chuyện bà Âu Cơ đẻ trăm trứng, ông Thánh Gióng bay lên trời, anh Thạch Sanh có nồi cơm ăn mãi không hết, chị Tấm hết hóa quả thị đến chim vàng anh. Thậm chí, những sự vật tồn tại ngay trước mặt con người, như đòi suy tôn con rùa đầu đen ao Gươm lên thành linh thú, bần-nông giẫm đạp để cướp ấn đền Trần,…

Mà giả sử linh hồn người chết kia nổi giận thật, chả có lẽ lại hại người thân của mình. Vì những người đi đưa tang đều là máu mủ ruột rà trong gia đình, anh em họ mạc, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp. Ấy thế mà mấy nghìn người nhao nhao vào tán dương, ủng hộ vấn đề này mới tài.

Cũng giả sử có linh hồn thật, và giả sử người ta xác định nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật. Vậy thì oan hồn của 8 người chết do tai nạn có về vật chết anh thiếu tướng chém gió nói trên lẫn những kẻ đã tham ô, tham nhũng, rút ruột công trình dẫn đến tai nạn đáng thương kia không nhỉ?

Mà biết đâu, có nguyên nhân tâm linh được đưa ra trong nhóm nguyên nhân gây tai nạn!!! 

3. Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định đã có kết quả xử lý kỷ luật vụ thầy trò đánh nhau trong lớp. Theo đó, thầy bị sa thải khỏi ngành, trò bị cảnh cáo trước toàn trường.

Anh Phó sở GD&ĐT cho rằng kết quả kỷ luật đã được “xem xét có tình, có lý” và giải thích cho lý do đuổi thầy giữ trò là do thầy sai trước. Có thể anh này đã từng một thời đứng lớp. Và có thể, khi ngồi ghế phó sở, anh ta đã quên mất những ngày chập chững khi tập cầm phấn.

Bốn năm học đại học bị vứt xuống sông, xuống bể. Dĩ nhiên chẳng đi dạy thì đi làm cái khác. Xã hội chả thiếu việc để làm. Với anh thanh niên trẻ này, âu cũng là cái liễn!

Thế nhưng, đây sẽ là tiền lệ cực xấu cho ngành giáo dục nói riêng và xã hội An-nam nói chung. Rồi đây, những thế hệ học sinh đánh thầy cô sẽ ra đời, những thế hệ học sinh thích chửi mắng thầy cô sẽ ra đời. Và để giữ nồi cơm của mình, sẽ có một trào lưu các thầy cô khoanh tay cúi đầu xin lỗi học sinh mất dạy.

Và rồi, sự vô cảm lẫn sự thiếu trách nhiệm của thầy cô sẽ được hình thành. Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa sẽ chỉ còn những người thợ dạy như một con rô-bốt, không còn tình thương yêu học sinh lẫn tâm huyết nghề nghiệp. Khái niệm “dạy dỗ” sẽ được vứt ra khỏi từ điển của ngành giáo dục.

Giáo dục là cơ sở, là nền tảng để xây dựng một đất nước văn minh và hùng mạnh. Khi những người cầm phấn đứng lớp bị sỉ nhục về lòng tự trọng nghề nghiệp và khi những đạo lý trong giáo dục bị đảo ngược thì không bao giờ có được một nền giáo dục tiên tiến. Nghĩa là, cần-lao An-nam khó mà rũ bỏ thói man di mọi rợ để bước vào thế giới văn minh được.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho tương lai của dân tộc??? 

4. Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào vừa được thành lập do thủ tướng làm chủ tịch. Ở An-nam, thường khi thành lập một ủy ban tầm quốc gia có nghĩa là vấn đề đó đã trở nên rất nghiêm trọng. Tỷ dụ như phòng chống tham nhũng, dân số, an toàn giao thông,…

Trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận đề nghị Bộ Nội vụ lập đề án đổi mới tuyển dụng công viên chức vì “những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước”.

Ông Luận là người rất hay có những câu phát biểu “lăng nhăng” như lời vè của dân gian. Hơn nửa nhiệm kỳ bộ trưởng trôi qua, với mục tiêu “không tạo dấu ấn cá nhân”, ông Luận đã ra một seri phát ngôn “bất hủ”. Từ “hàng nghìn điểm 0 (môn Sử) là bình thường” đến “trận đánh lớn, xứng tầm cách mạng trong giáo dục”, từ “tôi đang rất buồn” khi nhận kết quả phiếu tín nhiệm đến “nếu không thay đổi được… thì thay đổi nhân sự”, từ “không thể để mèo già hóa cáo trong giáo dục” đến “chưa phát hiện trường nào bán bằng giả”,…

Làm tư lệnh ngành giáo dục, không xử lý được tình trạng học giả bằng thật đến mức tràn lan các loại học hàm học vị dởm mà lại đi nhờ bộ khác loại bằng giả, bằng dởm. Thế có khác nào một ông bố có đứa con ăn cắp vặt, đáng ra không dạy bảo được thì đưa vào trường giáo dưỡng, đàng này mồm vừa nói con tôi ngoan rồi nhưng lại nhắc ông hàng xóm đóng cửa cho chặt kẻo mất cắp.

Trong khi những vấn nạn học giả bằng thật, thầy đứng nhầm lớp trò ngồi nhầm chỗ, trường đại học mở tràn lan, thầy cô làm bài hộ học sinh thi tốt nghiệp để lấy thành tích, mầm non bạo hành trẻ em,… không được giải quyết. Thầy trò vùng cao cơm không có thịt mà ăn, trường không đủ lớp mà dạy. Thầy trò thành phố thì dạy thêm học thêm ầm ĩ. Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, hết thầy đánh trò đến trò đánh thầy, hết trò đánh trò đến trò đánh phụ huynh. Sách giáo khoa bao năm cải cách vẫn mãi tranh cãi chữ a đứng trước hay chữ e đứng trước.

Thôi thì giáo dục An-nam đã nát như tương từ lâu, ông Luận có ba đầu sáu tay cũng chả thay đổi được tất cả. Nhưng chả làm được nhiều thì cũng cố làm được ít để hậu thế lưu danh chứ. Đàng này, chưa thấy ông làm được điều gì có tính thay đổi hay đột phá cả, mà chỉ làm cho nát thêm mà thôi. Đã thế lại còn phát ngôn những câu nói vừa thiếu thực tế, vừa thiếu tâm huyết, vừa thiếu trách nhiệm như thế.
Vẫn dân gian, có câu: Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!!! 

5. Lâu nay ở An-nam, vấn đề trách nhiệm luôn là sự xa xỉ. Thành tích thì được dành cho cá nhân, nhưng lỗi lầm thì thuộc về tập thể. Một xã hội chỉ phát triển khi từ thượng tầng quản lý đến hạ tầng cần-lao xác định rõ vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Khi mọi nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, yếu kém lẫn thiệt hại xã hội bị quy về thằng cơ chế thì cần-lao khó mà mong chờ một sự sòng phẳng và công bằng trong xã hội.

Bởi vì, khi người ta đã đứng được trên cao, thường có thói quen nhìn vào mặt người khác chứ ít ai tự soi gương nhìn lại mặt mình.

Bi kịch của cần lao An-nam chính là điều đó!!!

(@ by Baron, 2014) 
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.



BLOG TRƯƠNG NHÂN TUẤN 

Việt Nam và Ukraine, ngoài việc giống nhau  về mức độ tham nhũng và nghèo, thì không có điểm nào « giống » vói nhau nữa để mà so sánh. Các quan hệ VN-TQ và Ukraine-Nga cũng vậy, kể cả trong phạm vi « địa chính trị », ngoài việc « kế cận nước lớn », thì cũng không có điểm tương đồng nào khác.

Quan hệ Việt-Trung, tùy theo thời kỳ, giao hảo hai bên có lúc thăng, lúc trầm, lúc thuợng quốc – chư hầu, lúc thù nghịch bất cộng đái thiên (do bị đánh chui vào ống đồng chạy thoát thân), lúc đồng chí anh em, hữu nghị « môi hở răng lạnh », nhưng cũng có lúc hiến pháp VN ghi TQ là « kẻ thù của dân tộc » sau cuộc chiến 1979.

Từ 1991 đến nay quan hệ hai bên dựa trên « 4 tốt » và « 16 chữ vàng ». Điều người ta đặt nghi vấn là còn bao lâu thì « 4 tốt » thành 4 xấu và « 16 chữ vàng » thành 16 tiếng chửi thề ? Trong dân gian VN thì từ lâu, 4 tốt đã là « 4 đểu » (hay « 4 điều chó đẻ ») ; 16 chữ vàng đã là 16 tiếng chửi thề trong hầu hết các bài viết của trí thức VN khi nói về Trung Quốc. Mà đúng vậy, xem thái độ hiện nay của TQ đối với VN trong các vấn đề về lãnh thổ, hải phận, chủ quyền các đảo HS và TS, về đường chữ U 9 đoạn… cho thấy thái độ của TQ là thế nào ? Không phải là đểu (hay chó đẻ) thì là gì ? Vấn đề là khi nào thì 16 tiếng chửi thề được chính thức sử dụng trên trường ngoại giao của VN mà thôi.

Còn Ukraine ? Nếu chỉ tính từ 1991 đến nay, nước này và nước Nga đều là các nước sinh ra từ đống tro tàn của Liên bang Xô Viết. Các dân tộc Nga và Ukrane có thể là các dân tộc hiện hữu từ lâu đời, nhưng trước công pháp quốc tế, hai quốc gia Nga và Ukraine là hai quốc gia mới. Hai quốc gia này (cùng một số nước cộng hòa khác lập thành LBXV) kế thừa di sản của LB Sô Viết.

Quân đội của Ukraine, cũng như quân đội Nga, là quân đội trước kia của LB Xô Viết.

Ukraine kế thừa tất cả khí tài của quân đội Xô Viết cũ đóng tại Ukraine. Về hải quân, hạm đội biển Đen được hai bên Nga-Ukraine thỏa thuận phân chia : Ukraine được 17% (gồm 80 chiến hạm) và Nga phần còn lại, 338 chiến hạm. Về các vũ khí hạt nhân : kế thừa khoảng 3.780 đầu đạn hạn nhân gắn trên các loại  hỏa tiễn liên lục địa hay tầm trung và ngắn. Còn bán đảo Crimée thuộc về Ukraine do quyết định của Khrustchev năm 1954. Việc này tái khẳng định qua nhiều kết ước sau này giữa Nga và Ukraine.

Trong khi Nga kế thừa phần lớn di sản của LB Xô Viết.

Một số sự kiện đã xảy ra làm ta phải suy nghĩ. Thí dụ, trường hợp một đề đốc tư lệnh hải quân của Ukraine dễ dàng qui thuận Nga, khi tranh chấp Crimée bùng nổ. Điều này có thể giải thích là vì những vị lãnh đạo quân đội Ukraine và Nga có những mối quan hệ sâu xa. Họ đều là những đồng chí cũ, học chung trường, tốt nghiệp cùng khóa, có cùng một lối suy nghĩ cũng như quan niệm về quân sự và chính trị. Họ có cùng một tổ quốc trước đây. Việc trở mặt đánh nhau đối với họ là điều bất ngờ, không thể tưởng tượng được.

Thí dụ khác, hành động mà quân Nga, sau khi kiểm soát Crimée, là tìm cách khống chế các địa điểm phóng hỏa tiễn của Ukraine. Dĩ nhiên đây là các địa điểm phóng hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng không chỉ phóng tới Moscou. Điều này làm ta suy nghĩ, nếu Ukraine vẫn còn những địa điểm phóng hỏa tiễn khác, thì  khả năng răn đe của Ukraine vẫn còn rất thuyết phục.

Nguyên nhân Nga can thiệp vào Ukraine, tìm cách « chiếm » Crimée, dĩ nhiên là nhằm « bảo vệ quyền lợi của người Nga tại Ukraine ». Quyền lợi lớn lao nhất của Nga, theo quan niệm địa chính trị của Putin, là căn cứ hải quân của Nga tại Biển Đen, đóng tại Sébastopol, thuộc Crimée.

Lực lượng hải quân Nga có ba đường thông ra biển lớn : 1/ từ căn cứ Crimée qua eo biển Bosphore (Thổ) đển vào Địa Trung Hải. 2/ Từ St Pétersbourg qua các eo biển trong vùng Baltique để ra Đại Tây Dương. 3/ Từ căn cứ Vladivostock trong biển Nhật Bản thông qua các eo biển thuộc Nhật để ra Thái Bình dương.
Theo quan niệm về địa chiến lược của Putin hiện nay, vùng Địa Trung Hải có tầm quan trọng lớn lao đối với việc phục hưng nước Nga.

Nga vừa mất căn cứ ở Lybie, đang bị đe dọa ở Syrie, dĩ nhiên con cờ quan trọng nhất còn lại sẽ là Crimée (Ukraine).

Nhưng quan điểm địa chiến lược của Putin có thể sai lầm. Một nước Nga hòa hoãn, hợp tác với EU và Mỹ sẽ có lợi cho Nga nhiều hơn. Phát triển của Nga hiện nay là nhờ vào trữ lượng tài nguyên chứ không do phát triển về kinh tế. Nga không thể quyến rũ các nước khác bằng mô hình phát triển của mình. Lại càng không thể tìm cách ràng buộc các nước chung quanh, như Ukraine, qua các việc đe dọa về quân sự hay do lệ thuộc về năng lượng.

Nếu thành công, các việc này sẽ chỉ là những trái bom nổ chậm. Nó sẽ thừa cơ bộc phát, khi Nga suy thoái (vì giá năng lượng sứt giảm, thí dụ vậy), việc này có thể đưa đến một nước Nga phân liệt.

Trung Quốc dân số 1 tỉ 300 triệu người. Họ đang bị khủng hoảng về nhân số nặng nề. Họ đang dòm ngó lục địa Úc Châu. Thử tưởng tượng, họ cho đổ bộ khoảng 100 triệu dân vào lục địa này, còn gì là nước Úc ? Bởi vậy, ta thấy các lãnh Úc tỏ ra rất nhạy cảm về việc này. Việc liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ cho ta thấy việc đó. Ngoài ra họ cũng đang dòm ngó vùng lãnh thổ rộng lớn, không có dân cư về phía bắc. Vùng lãnh thổ này thuộc Nga nhưng trên phương diện lịch sử thì nó thuộc Trung Quốc. Các vùng đất mà TQ nhượng cho Nga qua các hiệp ước bất bình đẳng (khoảng 1 triệu km², vùng phía bắc sông Hắc Long Giang), mà từ nhiều thời kỳ TQ đã tuyên bố không có hiệu lực.

Như thế, đe dọa của Nga là ở Châu Á chứ không phải ở Châu Âu.

Nga cần có một quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Châu Âu để chấn chỉnh nội lực và cần kíp « chuyển trục » sang Châu Á, như Mỹ và các đồng minh khác của nước này đang làm. Trung tâm của thế giới đang là Châu Á Thái Bình Dương chứ không còn, như Putin nghĩ, là ở Địa Trung Hải.

Quan hệ VN với TQ thì khác. Bề dài lịch sử của VN, bề mặt « thần phục » TQ nhưng bên trong « thấy vậy mà không phải vậy » ! Ngoài ra VN không có một « Crimée » để mà TQ cố sức dành với VN.

Không thể so sánh với HS và TS, ở đây không có dân như Crimée để mà tổ chức hay kích động quyền « dân tộc tự quyết ».

Trên phương diện địa chính trị, dĩ nhiên TQ thích một VN nghèo, nhu nhược, lãnh đạo không có tầm nhìn… như hiện nay hơn là một VN mạnh mẽ, có khả năng « tự lực tự cường » như các nước kế cận Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan…

Như thế, phải nhìn nhận rằng TQ « chiếm » được VN vẫn không hay bằng để một VN nguyên trạng như hiện nay. Chiếm VN, TQ sẽ ôm trái bon nổ chậm. Trong khi, về địa chiến lược, nếu có VN thì TQ vẫn bị bao vây bởi các nước (thân Mỹ) như Phi, Mã Lai, Indonésie, Tân Gia Ba…

Cái mà TQ cần là tài nguyên ở biển Đông, nếu nó nằm ngoài kiểm soát của VN, hay chia chác với VN, thì TQ sẽ rất « hảo lớ » !.

Những điều mà TQ đang làm, là khiến VN bị lệ thuộc sâu xa vào kinh tế, văn hóa, khuôn mẫu chính trị với TQ. Tức một nước VN nghèo, chậm tiến, ngu dốt và lệ thuộc vào TQ. Đó là quan niệm địa chính trị của Trung Quốc. Họ đang thành công trong việc này.

Điều khốn đốn cho VN, trên quan điểm địa chiến lược, là VN không ở gần một đại cường nào để có thể trở thành một vùng « trái độn », như Thái Lan ở giữa hai thế lực thực dân đối đầu là Anh (ở Ấn độ và Miến Điện) và Pháp tại Đông dương trong thế kỷ 19, hay Phần Lan ở giữa hai thế lực Đông-Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Sự lên tiếng của Mỹ về vị trí của VN trong chiến lược tái cân bằng khu vực (cách nói khác của việc chuyển trục) không được lãnh đạo VN tiếp đón nồng nhiệt. Điều này có lẽ VN (và tầng lớp trí thức tại đây) vẫn còn đang say sưa với các chiến thắng đánh Mỹ. Cũng có thể họ mang trong lòng tâm bệnh « hội chứng chống Mỹ ». Họ không nhìn thấy đã đến lúc phải kết bạn đồng minh với Mỹ để thoát khỏi hấp lực của TQ nhằm kiến tạo một nước VN tiến bộ như các nước trong khu vực.

(Xem ra trí thức VN còn thua xa trí thức Miên hay trí thức Miến Điện. Động lực thay đổi xã hội, trước một tập đoàn lãnh đạo u mê và tham nhũng, sẽ phải là trí thức chứ không ai khác.)

Trong khi Putin cố dùng mọi cách để chiếm lấy Crimée, đặt Ukraine trong vòng kìm tỏa. Ukraine ở cận kề với một thế lực lớn hơn Nga nhều lần về kinh tế là khối Châu Âu cũng như đối đầu với một thế lực quan trọng hơn là OTAN. Về lâu dài, Nga có nhiều phần sẽ thua.

Nhưng nếu Putin ý thức được những nguy hiểm tiềm tàng mà Nga sẽ gặp phải khi chiếm Crimée, thì tương lai của Ukraine sẽ rất sáng lạn. Ukraine có nhiều yếu tố để trở thành một Phần Lan trong thời chiến tranh lạnh.
Nói như thế để biết rằng, so sánh các quan hệ VN – TQ với quan hệ Ukraine-Nga, về những tương đồng về phương diện địa chính trị (cũng như địa chiến lược), sẽ không thuyết phục.

Gần hay xa chỉ là một yếu tố địa lý chứ không phải là yếu tố quyết định.



BLOG TRẦN KINH NGHỊ
Thứ Hai, ngày 10 tháng 3 năm 2014

Hai ngày qua cùng lúc có hai thông tin với nội dung căn bản hoàn toàn giống nhau: một về vụ mất tích của chiếc máy bay hành khách của hãng hàng không Malaysia; và một  về "tàu lạ" khống chế, cướp phá tàu cá của Việt Nam xem thêm tại đây . Cả hai vụ việc đều xảy ra trên biển Đông, đều mang nội dung nhân đạo và có yếu tố khủng bố. Vụ máy bay mất tích gây thiệt hại lớn và mang tính chất quốc tế nhưng không thiết thân đối với Việt Nam trong khi vụ tàu cá hoàn toàn xảy ra trong vùng biển của Việt Nam gây thiệt hại nặng nề trực tiếp đối với dân chài Việt Nam.

Tuy nhiên, qua cách thức đưa tin và điều hành xử lý của  nhà chức trách Việt Nam cho thấy một sự mất cân đối khó hiểu. Nó được thể hiện từ khâu phát ngôn đến khâu chỉ đạo các ngành, các cấp và việc đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi mọi sự "ưu ái" dồn cho vụ máy bay mất tích với hàng trăm chuyến xuất kích của máy bay và tàu thủy (chắc chắn là rất tốn kém) được điều đi phục vụ việc tìm kiếm cứu hộ đối với chiếc máy bay của Malaysia  thì chỉ một vài tờ báo mạng đưa tin chung chung về "tàu lạ" khống chế tàu cá của Nha Trang, tuyệt nhiên không thấy phương tiện, lực lượng nào tham gia ứng cứu. 

Người viết bài này thật sự không muốn "vạch áo cho người xem lưng" khi đề cập một vấn đề vốn đã quá quen thuộc đối với người Việt Nam. Nhưng vừa có tin cho hay dư luận Trung Quốc lại lên tiếng nghi ngờ thiện chí và năng lực của phía Việt Nam trong việc ứng cứu vụ máy bay Malaysia (!) Có thể các nhà chức trách Việt Nam đã biết tin này dù đây chỉ là một biểu hiện nữa của bộ mặt thật của Bắc Kinh luôn coi Việt nam là "thuộc quốc" của Thiên triều. Nhưng sẽ không thừa để nhắc lại câu hỏi: Tại sao một nước có chủ quyền với bề dầy lịch sử dân tộc hơn 4.000 mà lại có cách hành xử không tương xứng như vậy? Có người sẽ lớn tiếng biện minh bằng điệp khúc "mềm dẻo, không khéo...". Nhưng thử hỏi mềm dẻo khôn khéo gì thì cũng phải đặt danh dự của của tổ quốc và lợi ích của người dân lên trên hết chứ?  Hy vọng rằng đó không phải là chiếc mặt nạ che đậy sự giả dối đớn hèn vị kỷ của một nhóm lợi ích.  


BLOG BÀ ĐẦM XÒE 

Cách đây bốn, năm năm Nhà xuất bản Giấy Vụn quyết không cần  giấy phép của nhà nước cho in hàng loạt tác phẩm văn học có giá trị ở trong nước và thế giới (chẳng hạn như các tập thơ của nhóm Mở Miệng, tập thơ Chẹc Chẹc của nhà văn Nguyễn Đình Chính, tiểu thuyết cấm kỵ của cả khối xã hội chủ nghĩa: Trại Súc Vật của nhà văn gốc Ấn Độ và hiện tại đang chuẩn bị xuất bản một số tác phẩm văn học có giá trị khác), thì nay có thêm Nhà xuất bản Dân Khí cũng cho in tác phẩm mà không cần xin giấy phép của nhà nước với cuốn sách xuất bản đầu tiên là tiểu thuyết Nguyên Khí của nhà văn Hoàng Minh Tường, cuốn tiểu thuyết này vừa bị cơ quan quản lý nhà nước cấm xuất bản cách đây chưa đến một tháng.

Đây là một bước tiến của quyền năng làm người ở Việt Nam đã đến hồi mọi công dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực thi hiến pháp, “được làm những gì luật pháp không cấm ( Thông điệp đầu năm 2014 của TT Nguyễn Tấn Dũng). Thực tế, Hiến pháp của Việt Nam chưa từng có điều khoản nào ngăn cấm việc tự do tư tưởng trong đó có tự do xuất bản. Thế nhưng điều này không những chưa từng được nhà nước thực thi mà nhà nước còn ra những quy định trái với Hiến pháp, đồng thời tổ chức một bộ máy khổng lồ từ địa phương đến trung ương ngăn cấm tự do xuất bản.

Một thời gian quá dài, in ấn phải cần đến giấy phép, tức được phép của nhà nước, đã dẫn đến những tác phẩm văn học ( nói riêng) của nước nhà trong mấy chục năm qua chỉ “vẻ” được những bức tranh  thô thiển minh họa cho đường lối của nhà cầm quyền với nhân vật giả dối, thổi đủ đủ cho con người bay bổng lên hay ngược lại. Tóm lại nó chỉ cho xuất bản những tác phẩm giả dối xuyên tạc cuộc sống. Chính vì vậy mà một “hào quang chói loại” của nền văn nghệ nước nhà, nhà văn Nguyễn Khải, cuối đời phải gào lên “Đi tìm cái tôi đã mất” và khi nhận “huân chương chiến công” là giải thưởng văn học Hồ Chi Minh, ông đã ngâm ngùi, xâu hổ mà than: … “đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc”.

Việc Nhà xuất bản Dân khí công khai tuyên bố và thực thi quyền xuất bản và thực tế đã xuất bản, tức là “nói đi đôi với làm”, rõ ràng, đây là một bước tiến tiếp theo của dân chủ sau Giấy Vụn trong việc tự do xuất bản, vì trước đây Giấy Vụn chỉ lặng lẽ xuất bản thì nay Dân khí có tuyên bố đàng hoàng trước khi xuất bản.
Xin chúc mừng Dân khí.

Chúc mừng cuốn sách xuất bản đầu tiên của Dân Khí.

Mừng một nền văn học nghệ thuật chân chính bắt đầu tái sinh.

BĐX.



BLOG HIỆU MINH

Khoan đi khoan đi em ơi. Ảnh vui internet

Cả hai phía, một bên là EU, Mỹ, Ukraine, và bên kia là Nga đã đưa ra những đòn mang tính phản ứng mềm nhưng đầy cứng rắn.

Quốc hội tự trị Crimea đã nhất loạt đồng ý để Crimea trưng cầu dân ý vào ngày 16-3 và họ đã gửi yêu cầu cho phía Nga. Quốc hội Nga đã nhất loạt giơ tay.

Như thêm dầu vào lửa, chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn quyết tâm hạ sát phe đối lập vì Mỹ và EU đang lo Ukraine sốt vó.

Phía Mỹ, EU, Ukraine ra sức chống, cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này là phạm luật quốc tế.

Cho dù phản đối, kêu gào, dọa dẫm, Crimea sẽ về Nga và khó có thể đảo ngược. Với mấy chục ngàn lính Nga đã tràn vào Crimea, hạm đội Sevastopol án ngữ, khó có lực lượng nào địch nổi. Putin biết cái giá không nhỏ nhưng ông không bỏ cuộc nhằm lấy lại Crimea đã đầy lính giấu mặt.

Cuộc chiến sẽ quay sang đấu đầu về kinh tế, địa chính trị. Cấm vận kinh tế, tịch thu tài sản, hai bên quay lưng lại nhau, chiến tranh lạnh lần 2 bắt đầu từ bán đảo Crimea.

NATO sẽ tăng cường phòng thủ cho Ba Lan và các nước gần với Nga. Nếu chính quyền mới ở Ukraine đứng vững cũng sẽ theo kịch bản EU và NATO tiến gần hơn biên giới Nga. Chiếm được Crimea nhưng mất Ukraine là một giá quá lớn cho nước Nga.

Nga có một vũ khí mạnh hơn nguyên tử, đó là dầu hỏa và khí đốt cung cấp cho EU, và Ukraine. Họ sẽ tăng giá, làm đủ kiểu để EU và Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán.

Có vẻ con bài này đang bị phía Mỹ bắt vở.

Hôm nay, theo VOA, không phải bỗng nhiên mà Bộ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, ông Ernest Moniz, bắn một tin “muốn xuất khẩu khí đốt cho Ukraine, giúp quốc gia non trẻ này ít lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.

Ông Ernest Moniz nói rằng vụ xung đột tại Ukraina, nơi các binh sĩ Nga chiếm đóng bán đảo Crimea của nước này rõ ràng là một “tình hình rất nghiêm trọng và quan trọng” đáng để xem xét liệu là xuất khẩu năng lượng có thể đóng một vai trò trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hay không.

Trong nhiều thập niên Hoa Kỳ đã là một nước nhập khẩu năng lượng lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với tiến bộ trong công nghệ dùng thủy lực làm dập vỡ để khai thác năng lượng, Hoa Kỳ ngày càng tiến tới độc lập về năng lượng.Theo đánh giá chung Hoa Kỳ có thể vượt quá Nga trong năm nay là một nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới, và vào năm tới, vượt Ả Rập Saudi, là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.” Hết trích.

Dầu khí đã đưa lên bàn ngoại giao. Phía Nga không thể không đọc tin này, dù hai bên đã nói đi nói lại từ lâu. Tin cho hay, họ đang trình lên TT Obama và có thể đưa ra Quốc hội Mỹ biểu quyết.

Mấy năm trước, nàng Palin từng ra ứng cử chức Phó Tổng thống Hoa Kỳ cùng với McCain, đã tuyên truyền cho việc khai thác dầu mỏ ở gần bờ của Hoa Kỳ, nhưng bị phản đối. Obama lên nắm quyền vẫn đi theo chiến lược cũ, lấy dầu ở bên ngoài, của mình để dành.

Drill, baby, drill là khẩu hiệu đi tranh cử của dân biểu Michael Steel thuộc bang Maryland, muốn khai thác dầu tại Mỹ để giá xăng giảm, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân.

Hoa Kỳ nhập khẩu dầu thô của nước ngoài, để dành kho dầu khí tại quê nhà, khai thác rất hạn chế vì lý do chiến lược và môi trường.

Nay đã đến lúc họ đưa con bài dầu khí lên bàn ngoại giao. Đây cũng là cách tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ hiện có 7 triệu người đang thất nghiệp. Thu đô la ngay tại nước Mỹ do cuộc chiến Crimea mang lại.

Nếu Mỹ và EU hợp tác tìm ra các phương thức dùng năng lượng mà không cần ống dẫn dầu và khí đốt từ Nga thì đòn trừng phạt kinh tế sẽ ngấm. Bởi cả hệ thống chính trị của Nga dựa hoàn toàn vào tài nguyên thiên nhiên.

Cuối cùng, cuộc tranh chấp Đông – Tây lại quay về con bài quen thuộc: năng lượng.

Hãy đợi xem ai sẽ thắng trong cuộc chơi đầy tốn kém này.

HM. 7-3-2014

Bài vừa lên trang thì thấy có bài của bà Condoleezza Rice, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ thời Bush, viết về Ukraine và làm thế nào Hoa Kỳ tỏ rõ sức mạnh trong thử thách này. Bà cũng nhắc đến việc khai thác dầu khí tại Mỹ và EU nên tìm cách không phụ thuộc vào Nga.

The Russians need foreign investment; oligarchs like traveling to Paris and London, and there are plenty of ill-gotten gains stored in bank accounts abroad; the syndicate that runs Russia cannot tolerate lower oil prices; neither can the Kremlin’s budget, which sustains subsidies toward constituencies that support Putin. Soon, North America’s bounty of oil and gas will swamp Moscow’s capacity. Authorizing the Keystone XL pipeline and championing natural gas exports would signal that we intend to do precisely that. And Europe should finally diversify its energy supply and develop pipelines that do not run through Russia.

Người Nga cần đầu tư nước ngoài, oligarchs phải đi Paris và London, rất nhiều tiền của kiếm được đã ở trong nhà băng nước ngoài, những kẻ khống chế nước Nga không thể cho phép giá dầu xuống thấp hơn, ngân sách Kremlin cũng thế, mà đó là những thứ giúp cho Putin giữ ghế. 

Sắp tới Hoa Kỳ sẽ khai thác dầu khí và thay thế nước Nga. Xây dựng đường dẫn dầu Keystone và xuất khẩu khí đốt là tín hiệu rõ ràng. Và Châu Âu cũng cần dùng nhiều loại năng lượng khác nhau, xây dựng đường ống không cần đi qua Nga.

Xem thêm Keystones Pipeline ở đây: Đường dẫn dầu này đi từ Canada xuống tận vịnh Mexico và Texas.



BLOG BÀ ĐẦM XÒE

Nguyễn Hoàng Đức

Tiền đề hiển nhiên khó chối bỏ:

Việt Nam vừa chạy băng qua vạch số 90 triệu dân, xét tổng thể đứng hàng xuýt xoát tốp mười thế giới về dân số, nhưng ở mọi chỉ số nhân văn theo nhiều thống kê từ thu nhập, đến văn hóa, giáo dục đứng hàng đội sổ thế giới, hay nói một cách văn học, đứng hàng đầu từ dưới nhìn lên. Xét ngay với các nước trong khu vực thì Việt Nam cũng thua rất xa. Căm-pu-chia nước nhỏ hơn dân số Việt Nam cả chục lần, xa xưa họ có Ăng-co-vát mức kỳ quan thế giới, còn Việt Nam có chùa một cột lớn hơn chuồng chim một tẹo. Và giờ đây, họ đã có nền chính trị Đa nguyên còn chúng ta vẫn chỉ có một nhà nước phong kiến độc tài biến tướng theo kiểu “chủ nghĩa Mác – theo lối Khổng Tử”.

Ngay nước Lào bị coi là nước nghèo bậc nhất thế giới, vậy mà tôi qua đó, đi hàng nghìn cây số, cả ngoại vi lẫn trong thành phố, tôi thấy mình không hề gặp một ổ gà nào, trong khi đó ở Việt Nam không có con đường nào ngắn nhất mà không có ổ gà, thậm chí đường bị đào xới đi xe nhấp nhổm như phi ngựa. Còn về đạo đức, cả người Lào và người Việt nói, dân chúng họ thật thà lắm, trước kia họ đi xe buýt, phụ nữ vẫn để ví lên giá hàng mà chẳng sợ bị ai lấy cắp, nhưng từ khi Việt Nam sang nhiều, không ai dám để ví lên giá xe cả vì nạn ăn cắp đã được các “chuyên gia” Việt nhập cảnh sang.

Mới đây theo số liệu bằng con số từng vụ việc đàng hoàng, thì người Việt chiếm tới 40% ăn cắp tại Nhật. Nếu xét trên dân số đầu người thì người Việt ăn cắp bằng hàng ngàn lần nước Nhật và nước khác cộng lại. Bởi dân số họ đông gấp bội, cộng với các ngoại kiều khác, vậy mà chỉ hơn một nhúm người Việt Nam có 10%.

Người Việt trong mắt thế giới thế nào? Người ta có giành cho người Việt những khẩu hiệu: “Đề phòng người Việt Nam móc túi” trong rạp phim? “Bạn chớ lấy thừa, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu”, Hay ở Nhật “Bạn chớ ăn cắp mà bị phạt tù rất nặng”…

Còn người Việt nhìn người Việt? Chính người Việt cũng khinh người Việt, đã có cả quán ăn Việt không cho người Việt vào, quán ăn trên đất Việt mà liên doanh với Tây lại càng không muốn cho người Việt vào. Người Việt đã thể hiện không phải chỉ sác xuất mà là đại trà, những buổi chiêu đãi buffet, người Việt ào ào tranh cướp thức ăn, mới đây xe bia đổ vỡ, người Việt ào ào tranh cướp như ngày hội, rồi tranh cướp ở lễ hội hoa, chen lấn, xả rác ở lễ hội ngàn năm Thăng Long, tranh cướp mua ấn đền Trần…

Tại sao nước Nhật lại có khẩu hiệu giành cho người Việt: “Bạn chớ ăn cắp mà bị phạt tù rất nặng”? Bởi lẽ ở Việt Nam ăn cắp dường như quá đại trà và hiển nhiên, đến mức người ta xem nhẹ tựa lông hồng. Tôi đã từng chứng kiến nhiều vụ các văn nghệ sĩ nhớn khoe không chút ngượng ngùng, mình trắng trợn cho bút máy, hay bật lửa của người khác vào túi mình. Một chuyện tiêu biểu hơn, khi chúng tôi đang loay hoay tìm cách mở một chai vang, thì một bác rất nổi tiếng liền rút ra một cái mở vang loại xịn nhập cảng, bác còn khoe “có biết tại sao có cái này không? Một lần được mời đi dự tiệc trong khách sạn, nhà hàng đem ra vài cái mở vang này, tớ liền cho cái này vào túi, bọn nó đi qua ngờ vực, nhìn ngó, tớ tỉnh bơ, mình đạo mạo thế này chẳng lẽ bọn nó đòi khám túi…” Trong quán cơm bụi, tôi thấy những người thợ công khai nói chuyện “chúng mình” ăn cắp, với cái giọng kẻ cả tự hào rằng chúng mình đông lắm, đứa nào làm gì được. Tôi còn đọc thấy cái tin trên báo mà nổi da gà “Cần mua xe giá cực đắt”. Nghĩa là gì? Là bán đắt cho tôi, để rồi cái tiền lên bổng đó, chúng ta sẽ chia đôi. Trời ơi, có nước nào dám ăn cắp mà còn khoa trương trên báo không?!

Không đâu có ăn cắp đa dạng như Việt Nam, không những vặt gương xe, vặt cả logo xe, mà lấy cả guốc dép người ta để ngoài cửa. Tại các quán thịt chó nhà sàn trên đê Tây Hồ, còn có những dòng chữ “quí khách tự bảo quản lấy guốc dép của mình”. Khách vào ăn không những tụt guốc dép ra như người ở, lại còn khệ nệ cho guốc vào túi ni lon xách vào để sát người. Lúc đó trông hình ảnh người Việt đúng là ăn xó mó niêu, làm sao sang trọng nổi…!

Hoàng Đế Napoleon có nói: “Quá khoan dung với tội lỗi là đồng tình với tội lỗi”. Người Việt quá khoan dung với tội ăn cắp hay những thứ ăn gian tinh thần từ đạo văn đến nhập nhèm mọi chuyện, bởi vì người Việt có nhiều thường trực trong tâm hồn bản tính đó. Chính thế mà chúng ta dù có là đại quốc về dân số thì vẫn cứ mang bóng dáng của xó máy thiểu năng tinh thần.
Tìm lý do cho sự thiểu năng tinh thần của người Việt

Tôi đã dự một cuộc gặp mặt đông đảo các đại gia từng du học nhiều năm, giầu có, từng là cán bộ cốt cán, văn nghệ sĩ nhớn, có một anh bạn khá trẻ khoe khoang về vốn du học, tài sản đang có của mình, thì bị một đàn anh lọc lõi hơn, du học nhiều hơn, biết vài ngoại ngữ, anh ta bảo: “Sao cứ tự hào về người Việt, nếu chúng ta tài giỏi, thì cái quốc gia này đã không nghèo nàn lạc hậu như thế này?!”

Sau khi quan sát tỏ tường nhiều, tôi thấy xuyên suốt một lý do rằng: Người Việt nhược thiểu, quốc gia nghèo hèn, thua cả Lào và Căm-pu-chia, bởi vì một lý do chính, người Việt chưa biết sống bằng Lý Trí. Tôi sẽ chứng minh điều này:
Các triết gia Hy Lạp nói không cãi được rằng: “Sống tốt mới hạnh phúc!” Tại một phóng sự truyền hình của thành phố Munich nước Đức, ở khu phố ăn chơi, gồm nghiện hút, rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm thả cửa, thì tuổi thọ chỉ bằng một phần ba các khu phố khác. Tóm lại đó là những kẻ lên cơn co giật đùng đùng về hạnh phúc rồi lăn ra chết tức tưởi. Đây cũng là thí nghiệm về hồi xuân cho các con vật già. Người ta tiêm thuốc kích dục vào các con vật già, chúng lên cơn đùng đùng, lăn xả vào con cái, rồi lăn ra chết.

Như vậy nếu không sống tốt thì không thể có hạnh phúc trường cửu. Người Hy Lạp còn mã hóa phương ngôn trên cụ thể hơn:
          Lý trí = Đạo đức = Hạnh phúc

Lý trí như đoàn tầu đi trên đường ray, nếu không có nó trật bánh khỏi đường ray thì không thể nào đi tới đích. Người Hoa nói “Có lý đi khắp thiên hạ, không có lý không vượt qua một bước chân”. Đấy không có lý, thì một bước cũng không đi nổi nói gì đến thành công, thịnh vượng và hạnh phúc?!

Lý trí nghĩa là biết suy xét, cái gì đúng thì làm, cái gì sai thì tránh. Vì thiếu lý trí phân biệt mà người Việt à uôm trong cả Đúng – Sai, rồi lương thiện -hay – ăn cắp. Cả triệu người làm thơ, nhưng không có nổi vài người biết bình phẩm thực sự thế nào là Hay, thế nào là Dở. Và rồi trong mọi ngành, dân tộc ta chỉ có khả năng tán lếu láo mà không thể bình luận một cách nghiêm túc được. Tại Việt Nam, có cả triệu người đã học đại học ngành văn, nhưng chỉ có khoảng mười người có thể viết phê bình văn. Còn lại như một bài viết nói: đã có cả vạn comments, nhưng không thể tập hợp được thành một bài đăng báo cả trong nước lẫn ngoài nước. Vì sao? Đa số là nói leo, chửi đổng, giống nhau như đúc, tâm lý bầy đàn, đánh hội đồng, đánh hôi… nhưng để có một chính kiến cho ra hồn mang trách nhiệm thì không đãi được. Việc cả nước nhũn nhẽo làm mấy câu thơ vần vèo cũng là một bằng chứng cho thấy: người Việt vẫn chưa bắt đầu sống bằng lý trí.

Có phải vì chúng ta sống thiếu lý trí, à uôm, xuê xoa, nên đạo đức không thể xuất hiện? Ở đâu chúng ta cũng thấy cảnh: làm đường xong mới đào lên làm cống, thử hỏi quê hương việt Nam bao giờ giầu mạnh? Rồi còn ngành công nghiệp ô tô, cũng giả vờ thiểu năng, hơn 20 năm chưa tìm ra dòng xe nào giữa xe tải và xe con là chiến lược. Ngành giáo dục toàn những giáo sư vẫn giả dốt, không biết áp dụng thước đo nào để đánh giá ngành giáo dục, để rồi họ vẫn tiến hành dạy thêm để kiếm thêm…?

Dân Việt còn thiểu năng vì chúng ta chưa biết sống lý trí. Nếu vậy chúng ta sẽ nghèo hèn mãi, chứ không phải như một ảo vọng hứa hão, từ từ thôi dân ta sẽ tiến bộ. Có một phương ngôn: “Công việc hôm nay không làm thì ngày mai chẳng thể xong”.

Đây là những gì tôi trải nghiệm trực tiếp và giãi bày mong nước Việt ngày càng tiến bộ và giầu mạnh. Mong ai đó chớ vì tự ái cá nhân lợi ích cục bộ mà thấy khó chịu. Xin cám ơn!

NHĐ   06/03/2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét