Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014
Ghé thăm các Blogs:20/02/2014
![]() |
Hình: internet |
BLOG ĐÀO TUẤN
Tháng Hai 19, 2014
Có những thứ còn tồi tệ hơn cái đói đang xảy ra xung quanh những “hạt gạo cứu đói”. Và để định danh sự tồi tệ đó, không gì hơn phát biểu nghị trường của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Người ta ăn của dân không từ một cái gì.
Sau việc kỷ luật hàng loạt cán bộ, kể cả bằng hình thức khai trừ đảng, đối với những người dùng gạo cứu đói bán lấy tiền….tu sửa nhà văn hóa khu phố, đến hôm qua, Phú Yên mới lại “giao các địa phương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, bình xét và lập danh sách những hộ thật sự thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt để hỗ trợ”.
Có một thông tin bối cảnh đáng chú ý: Phú Yên bị báo chí phát hiện đã “giữ lại” 444 tấn gạo cứu đói. Và việc “rà soát, bình xét” là sau khi chính Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc cấp phát gạo hỗ trợ cứu đói chưa đến tay hộ nghèo.
Câu chuyện Phú Yên cho thấy nhiều điều… không lạ.
Không lạ dù đó là lời kêu thảm thiết của một tỉnh được mệnh danh là “vựa lúa của miền Trung” luôn dẫn đầu về năng suất lúa. Không lạ dù ngay trong năm kêu gào thiếu đói, năng suất lúa vụ đông xuân 2013 của Phú Yên đạt cao nhất từ trước đến nay với 67,5 tạ/ha.
Không lạ vì sau khi “xin” 760 tấn cứu đói dịp Tết và giáp hạt (và được nhận 676 tấn), thì Phú Yên mới chỉ “phát” 232 tấn, và đến giờ mới lại “tiến hành ra soát, bình xét, lập danh sách”.
Còn quá sớm để kết luận ngay cả một tỉnh giàu cũng “xin lấy được” khi gạo cứu đói vào mỗi cuối năm, trước mỗi kỳ giáp hạt, thông lệ đến nỗi như một thứ “của chùa”, để đến nỗi giàu như Khánh Hòa với GDP tăng 8,2%, thu ngân sách hơn 11.300 tỷ và tỷ lệ hộ nghèo chỉ 4,26%, bằng phân nửa mức bình quân chung, cũng “xin” với lý do “Tất cả cũng là lo cho dân thôi mà”.
Cũng chưa thể vội vàng bảo Phú Yên cứ kê lên mà xin, được bao nhiêu thì hậu xét.
Nhưng rõ ràng, có một sự thật không đổi là “món quà tết của Chính phủ đối với hộ nghèo”, vì những thứ “không lạ” không năm nào không diễn ra, đã trở thành nỗi ấm ức của người được nhận. Ấm ức vì bị bớt xén.
Trên Lao Động mấy hôm trước, một đồng bào phàn nàn: “Tết đến, cái bụng của bà con dân tộc Rắc Lây đói bỏ bữa, nhưng xã lại cắt xén bớt 5kg gạo cứu đói mỗi người. Vậy nên nhiều hộ phản đối…”. Còn một phụ nữ Quảng Trị thì chìa ra trước ống kính thùng gạo cạn đáy với vẻ mặt giống như là bất bình. Trước thực tế chưa hết Tết đã “đói trở lại”. Trước thực tế gạo cứu đói được “chia đều cho toàn dân”.
Hạt gạo cứu đói, qua tay không ít sự tùy tiện chính quyền, trở thành bằng chứng của sự bất công.
Hạt gạo cứu đói, thêm một lần nữa, khẳng định câu chuyện niềm tin của nhân dân với chính quyền.
Hồi trước tết, một quan chức cơ quan điều phối hoạt động cứu đói là Bộ LĐTB và XH đã khẳng định “Chủ tịch UBND tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm” từ việc đề xuất xin cấp gạo cho đến hậu kiểm việc thực hiện. Đây không chỉ là để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng “không được để gia đình nào đói”, mà còn là sự ràng buộc trách nhiệm để hạt gạo từ bụng dân không làm no bụng những quan chức địa phương. Và bây giờ, nhân dân sẽ chờ xem cái trách nhiệm đó nó có to hơn hạt gạo.
BLOG ĐỒNG PHỤNG VIỆT
Đảng CSVN không tưởng niệm, tri ân những người đã chết vì bảo vệ lãnh thổ và cả vì sự tồn tại của chính mình là bất nghĩa.
Ngăn chặn những người khác tưởng niệm, tri ân những người đã chết vì bảo vệ xứ sở của họ là bất nhân.
Tệ đến mức không thể tưởng tượng là chọn hình thức ca hát, nhảy múa hưởng ứng “năm văn minh, trật tự đô thị” để hóa giải chuyện tưởng niệm tri ân. Làm như thế là cố tình hạ nhục những người vị quốc vong thân. Đó là bất lễ, bất tín.
Không thể tìm được từ để diễn đạt cho đúng ý!
Ai đọc nhiều, biết nhiều, “thông kim bác cổ”, chỉ giúp mình xem từ xưa đến giờ trong lịch sử tồn tại và phát triển của nhân loại, có chính thể nào, kể cả hôn quân, bạo chúa lại chọn cách hạ nhục những trung thần, dũng sĩ của chính mình theo kiểu như vậy để được “bình yên xây dựng và phát triển” như Đảng CSVN mới làm vào sáng 16 tháng 2 tại tượng đài Lý Thái Tổ như vậy hay không?
Hạ nhục những liệt sĩ của mình tới mức như thế thì liệu còn mấy người muốn xả thân? Khi không còn mấy người muốn xả thân bảo vệ xứ sở của mình để xương máu không bị Đảng CSVN dùng để xây “sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” thì tương lai của xứ sở này, dân tộc này ra sao?
Vụ hạ nhục này không đơn thuần là bất nhân, bất nghĩa, bất lễ, bất tín. Mình không dùng chữ bất trí vì nó có dấu hiệu của một âm mưu hết sức thâm độc. Đó là đồng hóa Đảng CSVN với quốc gia, dân tộc rồi chứng minh Đảng bất nhân, bất nghĩa, bất lễ, bất tín để chẳng còn ai màng tới quốc gia, dân tộc.
Ngày mai, nếu tiếng súng lại vang trên biên giới, sẽ có hàng chục triệu người Việt hoang mang không biết nên làm gì cho đúng và chừng đó là quá đủ cho một âm mưu…
BLOG HIỆU MINH
Not The End
Vụ anh Dương Chí Dũng khai ra Thượng tướng Phạm Quí Ngọ nhận tiền 500.000USD vì ông tướng đã tiết lộ thông tin để anh Dũng bỏ trốn coi như kết thúc. Người chết mang theo bí mật xuống mồ.
Nhiều người tiếc ngẩn ngơ, chán nản, vì chống tham nhũng đi vào ngõ cụt. Nhưng Tổng Cua lại nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Đó là bảo bối cho bác Nguyễn Bá Thanh, dùng tử tù bài trừ tham nhũng.
Mọi người còn nhớ, anh Dũng khai vụ tày đình này với hy vọng sẽ được giảm án tử hình xuống chung thân hoặc ít hơn. Bây giờ tướng Ngọ đã mất, anh Dũng không chứng minh được lời khai của mình có giá trị, nên sẽ y án tử hình.
Còn nước còn tát. Lúc đương chức anh Dũng quen rất nhiều quan chức. Trong chuyện làm ăn thế nào chả có biếu xén, hối lộ, làm quà. Anh Nguyễn Bá Thanh chỉ cần vào trại thì thầm “Ngoài tướng Ngọ, Dũng còn đưa tiền cho ai nữa? Khai ra, anh tha tội chết cho em. Không khai anh hốt liền, không nói nhiều.”
Để mong thoát hiểm, đảm bảo Dương Chí Dũng sẽ đọc thơ tiếp. Lần này rút kinh nghiệm, có phương án dự phòng, anh Dũng sẽ khai 3-4 người cho chắc ăn.
Trong trường hợp một người bị ung thư và mất đột ngột như tướng Ngọ thì còn nhân chứng khác. Nếu tất cả cùng đột tử như dân oan bị bắt và bỗng nhiên tự treo cổ trong đồn công an, anh Dũng khai tiếp cho đến khi một trong những người bị khai bị chứng minh là có tội.
Giảm án cho anh Dũng, nhưng tòa tuyên tử hình đối với kẻ phạm tội mới này. Để tránh bị lên đoạn đầu đài, người sau lại ngâm thơ giống như Dương Chí Dũng, khai tuốt tuồn tuột, có vần có điệu, cốt mình thoát tội là OK.
Mớm cung tử tù “khai ra thì ta tha cho ngươi”, anh Nguyễn Bá Thanh chẳng phải làm gì, tham nhũng tự nhiên giảm hẳn, thậm chí có khi hết. Lý do ư, kẻ khai để mong thoát tội vẫn bị án chung thân, những người trong diện nghi vấn dễ bị bệnh hiểm mà chết.
Vấn nạn quốc gia được triệt tận gốc. Đất nước từ từ tiến lên CNXH trong thế kỷ 22, quyết liệt, trong sạch, vững mạnh, và biện chứng.
FACEBOOK LÊ ĐỨC DỤC
Năm ngoái, dịp kỷ niệm 17-2-1979 ,đại tá Nguyễn Mạnh Hà (Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Học viện CTQGHCM) nói trên Tuổi Trẻ :
“Là một người nghiên cứu lịch sử, nhưng cũng là một người lính, tôi xin nói thẳng là dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất. Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổimới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay.
Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau.”
Sau nhiều năm lòng dân ấm ức trong im lặng, từ năm ngoái cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1979 đã được nhắc lại công khai, gọi đích danh “quân xâm lược Trung Quốc” chứ không là “tàu lạ, nước lạ” đã mang lại sự phấn khích cho bạn đọc, nghĩ kỹ cũng thấy “lạ”, bởi chỉ cần gọi đúng tên một sự việc thôi đã được cho là dũng cảm-điều này khiến tôi nhớ đến ý một câu thơ ai đó :“Thời chúng tôi đang sống thật lạ lùng /chỉ sống lương thiện thôi đã là người dũng cảm”. Chỉ cần lương thiện là dũng cảm, chỉ cần nói đúng tên sự việc là dũng cảm, biết như thế để hiểu hơn niềm vui sướng của hàng vạn bạn đọc trong ngày hôm qua khi dòng chữ “Quân bành trướng (quân xâm lược) Trung Quốc điềm tĩnh xuất hiện trên những trang báo
...
Nhiều nhà báo ngỡ với tình hình này, dịp kỷ niệm 35 năm CTBG năm nay, chuyện nhắc nhớ về tháng 2-1979 sẽ thoáng hơn, nhưng thật bất ngờ , lần đầu tiên chúng ta có thêm khái niệm “xoay tua”, “quota tuyên truyền”, “tem phiếu biên giới”…
Chắc sẽ có dịp nói thêm về chuyện này, giấy trắng mực đen công văn dấu đỏ vẫn còn đó cơ mà, cứ lưu lại như một tài liệu “bằng chứng lịch sử”
( bạn tui kể có lần anh ấy từng vò một công văn vứt vào sọt vì quá tức giận nhưng sau đó, vì là một tiến sĩ sử học , anh lọ mọ lục giỏ rác tìm lại cái công văn đó cất đi để vài chục năm sau làm “bằng chứng lịch sử”)
Nhưng cuộc chiến tranh biên giới ấy không chỉ được nhớ đến trong một ngày, không chỉ nhắc trong một bài và càng không chỉ nằm trên chữ nghĩa.
Những nén nhang của lòng dân, những chữ nghĩa gọi tên các anh có thể khiến các anh ấm lòng một chút dưới thẳm sâu đất đai kia.
Nhưng có lẻ mơ ước lớn nhất của người lính không phải được nhắc tên hay vinh danh chiến công. Đất nước lâm nguy, họ lên đường ra trận, từ thuở vua Hùng đánh giặc Ân, những nông dân của nước Văn Lang cũng lên đường như thế, thuở Quang Trung đánh quân Thanh cũng thế, và năm 1979 những người lính Việt cũng cứ như thế lên đường. Không ai muốn chiến tranh, bởi bây giờ có chiến tranh xảy ra, người lên đường đầu tiên cũng là con em “áo vải” . Hy sinh đầu tiên cũng là họ, như tổ tiên xưa máu đã thấm bao áo vải cờ đào. (Chuyện đời , áo vải luôn chết trước, và áo gấm …chết sau (!)
Cái điều, vì nó người lính hy sinh, chính là độc lập tự do, là cơm no áo ấm cho cha mẹ mình, gia đình mình, đồng bào mình.
Mong ước ấy là mảnh đất của cha mẹ mình không bị lấy đi để thay bằng dự án sân golf rồi sau đó ban cho những đồng tiền với giá đền bù rẻ mạt.
Mong ước ấy là trường học con cháu mình không phải lợp bằng bạt nhựa che chắn gió mưa mà phải khang trang nhà ngói tường xây.
Mong ước ấy là những em bé nơi lớp học bản xa không phải đu dây qua sông trong khi người ta mãi mê với dự án cao tốc ngàn vạn tỷ đồng.
…
Cứ lên những bản làng, những điểm trường rẻo cao biên cương, bạn sẽ thấy khát vọng được đổi bằng của máu xương người lính năm xưa,có nhiều nơi giờ vẫn chỉ là khát vọng!
Nhiều năm qua, chúng tôi đã lặng lẽ đến với những điểm trường biên ải xa thẳm ấy, không chỉ là món quà nhỏ cho học sinh và thầy cô giáo (thật lòng là chỉ như muối bỏ bể ) không chỉ là những suất học bổng “Gần lại với biên cương” dành cho con em cán bộ chiến sĩ biên phòng, không chỉ là những mái ấm bán trú hay ngôi trường mầm non được xây lên từ tấm lòng những bạn đọc thân yêu của Tuổi Trẻ!
Chúng tôi hiểu làm như thế cũng là góp một chút tâm nguyện của mình trang trãi cùng khát vọng mang theo của những người lính trước lúc hy sinh.
Bạn đã đi dọc biên giới phía Bắc, nhất là từ Lao Cai lên Lũng Pô-đúng điểm đầu tiên sông Hồng chảy vào đất Việt chưa? Bạn sẽ thấy dọc theo bờ sông Hồng, nhìn sang đất Trung Quốc phía bờ bên kia với con đường cao tốc bề thế từ Côn Minh chạy về Hà Khẩu như khoe sự giàu mạnh của họ, bạn sẽ như tôi, thấm thía nỗi buồn của những con đường biên ải phía ta, những bản làng nghèo khó bên đất Việt.
Chăm lo cho biên ải phía Bắc cũng là để trao gửi thêm tin yêu với những đứa trẻ mà sau này lớn lên, các em sẽ là những người lính đầu tiên cầm súng bảo vệ cột mốc, bảo vệ bản làng của mình-và điều ấy cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ bình yên cho chúng ta, những người vốn đang sống ở “tuyến sau”!
Vì thế, nhắc nhớ và tưởng niệm, khi ngày hôm nay gọi đích danh tên kẻ thù “Trung Quốc xâm lược” là điều đáng trân trọng.
Nhưng càng trân trọng hơn khi chúng ta dành nhiều hơn nữa sự chăm sóc cho những đời dân đang sống nơi biên ải, bởi với những người lính đã không tiếc gì tuổi trẻ của mình, cuộc đời của mình , có lẻ, với các anh, chỉ một cành hoa sim gói gém trĩu nặng tấm lòng thành thật biết ơn với máu xương đổ xuống là đã đủ.
Không ai phủ nhận rằng nhiều năm qua, chúng ta đã dồn nhiều công sức cho cuộc sống dân sinh nơi biên ải, nhiều bản làng có điện, có đường, có trường, có trạm…nhưng dường như những đầu tư ấy không tương xứng với sự hy sinh của chính những người dân nơi đây cho đất nước.
Chỉ cần có được một phần rất nhỏ , cỡ chừng 1% trong số tiền thất thoát, lãng phí , nợ nần của các tập đoàn kinh tế “nắm đấm thép” được thống kê và nêu ra, hẳn các em bé vùng cao đã có một môi trường học tập khác, bữa cơm khác…Chỉ 30% con số ấy, hệ thống giao thông vùng cao biên giới sẽ không thua kém hệ thống giao thông phía làng giềng đối diện bên kia sông Hồng, và chỉ cần 50%...Mà thôi, “nếu” làm gì khi “với những chữ nếu người ta có thể bỏ Paris vào lọ”!...
Chuyện quan trọng nhất là phải làm cho những bản làng biên ải ấy ấm no hơn.
Bữa cơm mỗi ngày của các em có nhiều cơm và nhiều thịt thay cho nồi mèn mén.
Tấm áo ấm mùa đông sẽ đủ ấm thay cho bếp lửa sưởi khói mù chống rét.
Chỉ vậy thôi, và đấy chính là sự tưởng niệm cần thiết!
Đừng nói chi mấy chuyện xa xôi với thiên đường mộng ảo thi ca “Núi rừng có điện thay sao/Nông thôn có máy làm trâu thay người ” hay hứa hẹn “….Ngày mai về lại thôn hương /Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về/ Ngày mai rộn rã sơn khê/ Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng…”
Lòng dân vốn bao dung nên hay tin vào những hứa hẹn.
Lòng dân cũng dễ hứng khởi, đôi chỉ vì một nụ hoa mà không để ý cả một mùa giá rét đang còn!
Vậy thôi, bạn ạ!
BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ
Thứ Ba, ngày 18 tháng 2 năm 2014
Phần trước xem ở đây.
Lại nói lúc trước hỗn chiến, Tư Tứ và đám Tân Nhiên Liệu vâng lệnh Chúa đem quân bản bộ ra khỏi cổng thành nhằm giải vây cho Báu Mã. Báu Mã tiễn mấy dặm đường, gặp cánh quân trong thành phục sẵn. Báu Mã gò ngựa nhìn lại thấy tướng bên kia là Lộc Sáng, thủ hạ của đại thần nghị chính trấn thủ kinh thành Sáng Quyết. Báu Mã định cất lời hỏi thăm, bất ngờ Lộc Sáng hét lớn.
- Vâng lệnh Sản trên, bắt thằng tham quan này. Khai tên.
Tên của toán Tân Kinh Thành bắn như mưa, Tư Tứ một mình một ngựa nhờ mặc giáp sắt chạy thoát mất dạng, còn lại đám Tân Nhiên Liệu do Bằng Gió chỉ huy đánh loạn mấy hồi cho Báu Mã thoát thân. Mã chạy về được đến phủ thì trúng mũi tên Đích Danh. Đóng cửa phủ chữa trị.
Lúc đó cận kề ngày Tết, Trăm Xanh thắng liền mấy trận, cũng muốn nghỉ ngơi dưỡng quân. Bèn dâng sớ lên Vệ Kính Vương xin hạ lệnh thu quân, đợi ra giêng ngày rộng tháng dài tiếp tục chinh phạt.
Bọn Bằng Gió nhân lúc trời yên, biển lặng ra sức khóc gào thảm thiết khắp nhân gian, lúc thì kể công trạng của các tướng Báu Mã, Dương Kính. Lúc thì nguyền rủa Dương Bạo hám sống sợ chết nghe theo lời cường địch phá hoại bình yên nước nhà. Thấy bọn Bằng Gió tung hoành thế, mà bên Vương Phủ không động tĩnh gì. Nhà Chúa lấy làm yên tâm.
Mùa xuân năm Giáp Ngọ, đất nước điêu linh. Nhà nọ có hai bố con, người cha bệnh nặng, cậu con trai làm đủ nghề không đủ sống, quẫn bách quá liền đâm chết bố rồi tự đâm mình tự vẫn. Những người đi nhặt rác kể rằng trong mấy mươi năm hành nghề lại đây, Tết này là cái tết mà họ ít nhặt được rác nhất. Vì dân tình quá túng quẫn chả có rác mà bỏ đi.
Qua rằm tháng giêng, cũng là lúc hết Tết. Trăm Xanh dóng trống hội quân. Thẳng thừng tuyên bố sẽ ra trận trước là tước mũ áo, thu hồi ấn tín của Báu Mã. Sau sẽ bắt sống về Vương Phủ tra xét bọn đồng đảng.
Báu Mã tuổi lục tuần, lúc trước còn tráng kiện lắm. Cả đời Báu Mã là chinh chiến lên được chức tướng quân, phó bộ Hình, bỗng dưng vì mũi tên của bọn tiểu tốt Lộc Sáng mà đột ngột từ trần.
Hôm ấy Báu Mã đang ngồi đọc sách, người nhà báo tin có người bên Phủ Chúa đến thăm. Mã tưởng tin vui lật đật đứng dậy ra phòng khách. Kẻ kia bê đến một cái tráp đặt đó rồi lặng lẽ ra về.
Báu Mã bê tráp vào thư phòng, mở niêm phong. Thấy bên trong có phong thư của Chúa và một bầu rượu nhỏ, một giải lụa trắng. Mã đọc thư xong, nước mắt chảy âm thầm. Hôm sau gọi thân quyến đến căn dặn, chiều hôm đó Báu Mã đột ngột từ trần vì bệnh nan y phát, thầy thuốc tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi.
Theo lời bọn Tân Nhiên Liệu thì Báu Mã là tướng tài, vì dân, vì nước, trong sáng vô tư. Gia cảnh thanh bạch, khi chết trong nhà chẳng có nổi vài lượng vàng cho con cháu. Lúc cuối đời lại bị tai tiếng của bọn thù địch. Thật là đáng thương, đáng thương thay.
Bữa đó nhân ngày các nhân sĩ tưởng niệm các quân lính hy sinh ở phía Bắc. Có kẻ nhảy ra phá đám, mồm miệng liến thoắng là đất nước cần phải yên bình để phát triển. Vài hôm sau thì Báu Mã chết.
Phải chăng cái chết của Báu Mã mang lại sự ổn định, yên bình để đất nước phát triển?
Cái này phải hỏi bọn Tân Nhiên Liệu. Bọn Tân Nhiên Liệu khai thác tài nguyên ngoài biển Đông nguồn lợi khổng lồ nuôi tràn lan quân lính, lại còn tập trận diễu võ giương oai dưới mác chống khủng bố. Bởi thế bọn đó bên ngoài sợ Tề cho hải quân quấy phá việc làm ăn, bên trong sợ dân chúng gây mất lòng Tề, lại sợ hỗn loạn Vương Phủ nhân đó mà kiểm soát nguồn lợi ấy. Chúng bèn ra sức kêu gọi yên bình là để tranh thủ phát triển khai thác nguồn lợi tối đa.
Nhà Sản muốn kiểm soát nguồn lợi tài nguyên biển đó, mới lập quân, bày trận. Trước đánh vào vây cánh nhà Chúa ở bộ Hình, sau đánh vào đám Tân Nhiên Liệu nắm nguồn thu. Chiếm được nguồn lợi ấy xong, có đánh tới phủ Chúa nữa hay không cũng chẳng còn quan trọng. Vì coi như đã chiếm được kho quân lương nhà Chúa, chẳng cần đánh nữa cũng tan. Vì thế nhà Sản bên ngoài cũng muốn yên bình với Tề để giữ nguồn lợi ấy. Khi giữ được sẽ phát triển khai thác mạnh hơn để nuôi quân.
Cái nghĩa yên bình ở đây là thế, cái nghĩa phát triển ở đây cũng là thế.
Dân Vệ được gì trong cái yên bình và phát triển này.?
BLOG J.B NGUYỄN HỮU VINH
“Bây giờ thì hắn trở thành mõ thật rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém một anh mõ chính tông một tí gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn” – Tư Cách Mõ , Nam Cao
Luật sư Lê Quốc Quân lại bị điệu ra tòa xử phúc thẩm tội “Trốn thuế”, kết quả là y án sơ thẩm với 30 tháng tù giam và phạt hơn 1 tỷ đồng. Chẳng ai bất ngờ với kết quả phiên tòa.
Điều bất ngờ, nếu có chăng chỉ là sau hàng loạt ý kiến của các tổ chức, cá nhân, những người có tiếng tăm, các chính phủ trên thế giới đã lên tiếng yêu cầu Việt Nam thả ngay lập tức Ls Lê Quốc Quân, một nhà đấu tranh dân chủ. Thế nhưng, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn bỏ ngoài tai tất cả.
Sự bất chấp của con nghiện
Khi người ta yêu cầu thẳng thừng như vậy, nghĩa là người ta biết tỏng cái trò mèo của anh. Nghĩa là người ta không lạ gì cái trò nhố nhăng của anh trong vụ án Lê Quốc Quân. Bởi trên thế giới người ta chẳng ai đi ủng hộ hay biện minh cho việc trốn thuế, nhất là bọn “tư bản giãy chết” “chuyên bóc lột nhân dân thậm tệ” như ở những nơi đã lên tiếng. Vậy thì khi họ lên tiếng, có nghĩa là cái màn kịch dối trá “trốn thuế” cũng đã tương tự như vụ Điếu Cày, vu “hai bao cao su đã qua sử dụng” của Cù Huy Hà Vũ… Điều đó cũng chẳng có gì lạ.
Nghĩ về điều này, nó cũng tương tự như một gia đình trong làng có ông bố rượu chè, cờ bạc và ích kỷ chuyên hành hạ vợ con nhưng nhát cáy với hàng xóm làng giềng. Hễ hàng xóm dậm chân thì tim thót lên cổ, nhưng hành hạ vợ con thì bậc thầy. Mục đích chỉ nã tiền cho thỏa mãn cơn nghiện của mình mà thôi. Và hàng xóm khuyên can, ngăn cản, kiểm điểm… nhưng tất cả chẳng có chút tác dụng nào. Chứng nào vẫn tật ấy. Bởi bản chất dối trá, bạo lực, nghiện ngập của anh không thể thay đổi.
Mới đây, với 270 điểm Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã khuyến cáo Việt Nam, chẳng khác gì việc cả làng tập trung nhắc nhở bố thằng nghiện: Hãy coi chừng, mày đối xử với vợ con mày vậy là ảnh hưởng đến sự văn minh của cả làng đấy.
Và hôm nay, những hàng động đánh đập, tra nã con cái lại tiếp tục ngang nhiên xảy ra. Tội của nó chỉ đơn giản là dám nói lên ý nghĩ và mong muốn của nó. Đơn giản thế thôi.
Chuyện gắp lửa bỏ tay người của những cái đầu thiếu não
Vẫn biết miệng lưỡi cộng sản nó là vậy, rất xứng đáng với tư cách mõ. Nhưng khi đi dự phiên tòa sáng qua, tôi mới thấy cái tư cách đó được thể hiện rõ ràng, mà không chỉ có tôi, hầu hết mọi người đều thấy điều đó.
Khi hàng loạt người dân đến phiên tòa công khai, ở đó đang túc trực sẵn hàng đoàn hàng lũ công an các loại, cảnh sát cơ động, công an chìm, nổi, du côn đu đãng… đủ cả. Ngang giữa đường Đội Cấn và ngã tư Liễu Giai – Đội Cấn, hai ba xe ô tô cảnh sát chặn ngang đường, một dây chão và dây xanh chăng từ bên này qua bên kia đường Ngã tư.
Tất cả xe cộ, người dân đi lại phía đó đều bị chặn lại. Công an đứng dày đặc chặn tất cả mà không hề có một thông báo, một biển hiệu hướng dẫn cho người dân.
Những người dân đến dự phiên tòa công khai được cảnh sát ra lệnh đứng lại, khi họ tiến về phía Tòa án. Hàng đoàn người dân đến Tòa, chỉ biết đứng chờ mà không biết đi đường nào, trên tay họ là hàng loạt biểu ngữ đòi tự do cho Lê Quốc Quân, hình ảnh Lê Quốc Quân và lên án phiên tòa ô nhục, lén lút.
Nhưng, chiếc xe cảnh sát với cái loa luôn kêu gào: Yêu cầu nhân dân bảo đảm an toàn, trật tự giao thông (?) và việc ách tắc giao thông là do người dân đứng giữa đường.
Thậm chí, ra rả từ sáng cho đến trưa, kể cả khi tôi đã rời khỏi đó từ lâu để đi việc khác, thì cái loa vẫn lải nhải: “Nếu xảy ra vấn đề gì về an toàn giao thông, ông Lê Quốc Quyết (Em trai nạn nhân Lê Quốc Quân) và ông J.B Nguyễn Hữu Vinh phải chịu trách nhiệm”.
Lúc đầu giữa những tiếng hô: “Lê Quốc Quân vô tội, Tự do cho Lê Quốc Quân”, và giữa những bài hát Việt Nam tôi đâu, Kinh Hòa Bình… của những người dân, tôi không nghe rõ. Cho đến khi một giáo dân nói với tôi: “Nó đang gào tên anh trên loa”, chú ý thì tôi mới nghe rõ những lời “quy trách nhiệm” kia.
Hè phố bị công an rào lại và đứng chặn
Đường phố bị xe công an chặn ngang và căng dây ngăn chặn
Người dân đến Tòa công khai bị chặn lại sẽ đi đâu nếu không đứng giữa đường?
Phía trong là người dân, phía ngoài là công an và các loại cô hồn, côn đồ không sắc phục. Nhưng loa cứ leo lẻo: "hai ông phải chịu trách nhiệm nếu có vấn đề về an toàn giao thông. (Sic)
Hãy nghe những cái loa cộng sản kết tội
Thật đáng buồn cho một lũ lỹ từ cán bộ to đến nhỏ, công an lớn đến bé có mặt ở đó nhưng hình như không mang theo bộ não để điều chỉnh cho tên phát loa.
Thử hỏi việc đảm bảo an toàn giao thông cho người dân là trách nhiệm của ai?
Thử hỏi khi tự nhiên chặn ngang đường người dân đang đi không một câu thông báo, thì việc gây ra lộn xộn về giao thông là trách nhiệm của ai?
Thử hỏi, với cả ngàn công an, cán bộ, cảnh sát nhung nhúc ở đó ăn lương nhân dân mà không dẹp được trật tự, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân thì họ có trách nhiệm gì?
Thử hỏi, tôi là một công dân không ăn lương nhà nước, không được giao trách nhiệm thì lấy đâu trách nhiệm để “chịu” khi người dân không đảm bảo an toàn giao thông?
Thấy ngồ ngộ và buồn cười, tôi đến bên anh chàng công an đang phát loa, gõ cửa xe và bảo:
- Này, đồ não trắng, ai trả lương cho tôi mà bảo tôi chịu trách nhiệm đấy? Nếu muốn chịu trách nhiệm, thì đưa cái loa cho tôi.
Nhưng, anh ta đóng chặt cửa không mở và ngay lập tức hàng đoàn côn đồ xông đến. Thế đấy, cái “tư cách mõ” là ở chỗ bất chấp pháp luật, bất chấp liêm sỉ và bất chấp sự thật, nói lấy được, nói như thật… đó mới là Cộng sản.
Tư cách mõ
Xưa nay, không phải ngẫu nhiên mà người ta thường kết luận và ghét cay đắng, cảnh giác với cộng sản Việt Nam về thói ăn gian, nói dối trở thành bản chất. Dần dần từ chỗ còn che đậy, còn giấu diếm… họ không ngần ngại phô luôn bản chất của mình ra. Cứ như mặc định rằng đã là cộng sảnn hẳn nhiên phải dối trá không cần suy nghĩ gì hơn. Tôi chợt nhớ câu chuyện “Tư cách mõ” của Nam Cao. Ở đó, có một câu: “Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…”. Và cách hành xử ở phiên tòa vừa qua, chính là minh chứng điều này.
Ở phiên tòa này, người ta thấy những sự ngang nhiên rất “Tư cách mõ”. Sự ngang nhiên đó, thể hiện ở chỗ lật lọng giữa thanh thiên bạch nhật những khái niệm cơ bản.
Phiên tòa công khai, nhưng tất cả mọi nẻo đường đều bị cấm nếu lưu thông đến nơi xử án. Không chỉ ngăn cản đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân, mà còn là sự vi phạm trắng trợn luật pháp. Có điều là với người cộng sản khi có quyền, luật pháp chỉ là một trò đùa chỉ sử dụng khi có lợi.
Dường như, việc thay đổi khái niệm “Công khai” là chuyện đương nhiên không cần bàn cãi.
Trong “Tư cách mõ” của Nam Cao, ông viết về một thằng mõ rất cụ thể, lời nói, hành động của hắn bị khinh rẻ, bị coi thường, không có ai coi trọng. Hãy nghe ông viết: “Cứ thế, hắn ỷ vào cái địa vị hèn hạ của mình để nhiễu người ta, và lấy sự nhiễu dược của người ta làm khoái lắm. Nhiều người phải bực mình. Họ lại còn bực mình vì cái cách hắn ưng nịnh những người rộng rãi và tỏ vẻ xấc láo, bùng phỉu đối với những kẻ không lấy gì mà rộng rãi với hắn được. Thật hắn đã vô liêm sỉ quá. Mỗi lần hắn đi khỏi, những người đàn bà nguýt theo, chúm mỏ ra và lẩm bẩm:
- Giống mõ có khác! Không trách được người ta gọi là đồ mõ!… Trông ghét quá!…”
Và dù bị khinh ghét, bị chửi bới, phỉ nhổ, thì vẫn với lý thuyết tự sướng kiểu AQ rằng ta là đỉnh cao trí tuệ, là lương tâm thời đại. Còn hành động thì: “A! Họ bảo hắn là mõ vậy… Tham như mõ vậy!… Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!… Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn lại hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu lại để ăn hai ba ngày… Hà hà! Phong lưu thật!… Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi!”
Chính vì thế, cái ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ đã ngang nhiên như mâm cỗ về sân nhà thằng mõ.
Để rồi “Cứ thế, hắn ỷ vào cái địa vị hèn hạ của mình để nhiễu người ta, và lấy sự nhiễu dược của người ta làm khoái lắm… Hắn nghĩ ra đủ cách xoay người ta. Vào một nhà nào, nếu không được vừa lòng, là ra đến ngõ, hắn chửi ngay, không ngượng:
- Mẹ! Xử bẩn cả với thằng mõ…”
Với tư cách đó, họ đã có những hành động bất chấp sự mỉa mai, bất chấp sự thật, luật pháp một cách công khai như ở phiên tòa xử Lê Quốc Quân và các phiên tòa khác xử những người bất đồng chính kiến, xử các giáo dân Thái Hà trước đây… để “công khai xử kín”. Và dần dần, họ coi rằng việc họ bất chấp liêm sỉ và luật pháp là chuyện hiển nhiên của… thằng mõ.
Bởi vì “Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục.”
Hà Nội, ngày 19/2/2014
J.B Nguyễn Hữu Vinh
FACEBOOK TIN KHÔNG LỀ
Tin Không Lề with Sông Quê and Ngọc Thu
Có lẽ nhiều người chưa biết đến vụ đàn áp đẫm máu các cựu chiến binh nổi dậy ở Thái Bình hồi năm 1997, mà ông Phạm Quý Ngọ, trong vai trò là Giám đốc công an tỉnh Thái Bình thời đó, bàn tay ông đã nhuốm máu đồng bào, khi mượn tay tội phạm để thanh toán các cựu chiến binh: "Khi các cựu chiến binh Thái Bình đang ngủ, bọn tội phạm bất thình lình đóng chiếc đũa này vào lỗ tai của họ. Với độ dài 25cm, đũa xuyên suốt từ tai nọ sang tai kia. Nạn nhân chết tức khắc không kịp bật một tiếng kêu".
Hãy nghe bà Dương Thu Hương kể về sự kiện Thái Bình: "Trong các nhà tù, thì chúng nó ra lệnh cho những thằng tù muốn lập công với công an, là bọn tù hình sự, những thằng tàn ác nhất, tìm cách gây sự với những nông dân và cựu chiến binh cầm đầu cuộc nổi dậy; rồi bọn hình sự này thủ tiêu những nạn nhân bằng cách dùng đũa nhọn đóng vào tai lúc người ta đang ngủ. Nạn nhân chết ngay tức khắc, không thể kêu một tiếng nào cả. Chính thân nhân những người chết kể lại cho tôi nghe chuyện đó.
Ðó là cuộc tàn sát trong bóng tối một cách hèn hạ, cực kỳ khôn khéo, cực kỳ hèn hạ, cực kỳ đểu cáng và chúng nó là những đao phủ số một nên mới nghĩ ra hình thức thủ tiêu dã man như thế.
Một vài năm sau vụ thảm sát này, cha mẹ các nạn nhân từ Thái Bình lên Hà Nội tập trung tại số 15 Trần Bình Trọng (trụ sở Bộ Nội Vụ cũ) để khiếu kiện, nhưng không có người nào tiếp họ cả. Chúng nó không đàn áp, không làm gì cả. Chúng nó cứ để họ đói lả ra, và chỉ cho mỗi người một ổ bánh mì giá 1 nghìn Việt Nam (khoảng chưa tới 10 cent Mỹ kim), sau đó xúc họ lên xe quân đội, chở họ đến những cánh đồng vắng người rồi thả họ ở đấy. Người dân phải đi bộ hoặc tìm cách thuê những chiếc xe ở dọc đường để về nhà.
Chúng nó làm như thế khiến người nông dân cạn hết tiền, mỏi mệt kiệt sức và rốt cuộc khiếu kiện của họ không hề được giải quyết. Cuối cùng, dân chúng chỉ còn biết giữ nỗi căm hờn trong lòng thôi.
Tôi cho rằng, đó là vụ Thiên An Môn kinh tởm nhất và đó là một trong những lý do khiến tôi gọi cái lũ cầm quyền VC là giòi bọ. Chúng nó giòi bọ về mặt nhân cách, chúng nó là rắn độc, cực kỳ độc ác xảo quyệt. Khi chúng nó làm như thế, chúng nó đã đẩy người khác vào cái thế bất dung đối với chúng nó. Sau vụ đàn áp đó, tôi nói với anh Trần Ðộ rằng, nếu trước vụ đó, tôi còn chút gì nghĩ chúng nó là người, thì sau vụ này, tôi nghĩ chúng nó hoàn toàn là giòi bọ, hoàn toàn là một lũ đao phủ kinh tởm nhất và không thể nào tôi nhân nhượng với chúng nó được”.
-----
"Khi phóng viên nước ngoài cuối cùng lên máy bay và các ống kính đã chĩa về hướng khác là lúc cuộc đàn áp bắt đầu. Trong một đêm, hàng nghìn cựu chiến binh đã bị bắt. Không một tờ lệnh. Hoàn toàn là lệnh mồm. Ở Việt Nam, lệnh mồm là thứ hiệu lực nhất. Lực lượng đàn áp là bộ phận được trả lương hậu hĩnh nhất trong guồng máy này. Trên 40% kinh phí quốc dân dành để nuôi họ. Vì thế, cuộc vây bắt diễn ra êm nhẹ. Hoàn toàn trong bóng đêm. Sót lại là tiếng kêu khóc của đám dân quê đói khổ, thất học, thân nhân của những người bị cùm trói và tống vào xe thùng sắt.
Khởi sự là các cuộc khiêu khích, gây hấn. Sau đấy là cuộc tàn sát bằng các hình thức khác biệt, trong đó một hình thức đặc biệt hiệu nghiệm và rất ấn tượng: giết người bằng đũa ăn. Người châu Á ăn cơm bằng đũa. Dụng cụ ẩm thực biến thành vũ khí sát nhân là sự ứng biến tuyệt vời. Người ta vót những chiếc đũa bằng gốc tre đực, thứ tre cứng như sắt, một đầu đũa được chuốt nhọn như kim đan. Khi các cựu chiến binh Thái Bình đang ngủ, bọn tội phạm bất thình lình đóng chiếc đũa này vào lỗ tai của họ. Với độ dài 25cm, đũa xuyên suốt từ tai nọ sang tai kia. Nạn nhân chết tức khắc không kịp bật một tiếng kêu".
Bà Dương Thu Hương nói về vụ tàn sát người dân Thái Bình:
http://www.toquocvietnam.org/PhuongThucChauA.htm
http://www.toquocvietnam.org/PhuongThucChauA.htm
Thái Bình 1997 – Bài học đấu tranh cho công lý:
http://www.vietcatholic.net/News/Html/51032.htm
http://www.vietcatholic.net/News/Html/51032.htm
Báo cáo về vụ nổi dậy ở Thái Bình của GS Tương Lai:
http://www.diendan.org/viet-nam/bao-cao-ve-vu-noi-day-o-thai-binh
http://www.diendan.org/viet-nam/bao-cao-ve-vu-noi-day-o-thai-binh
TỪ SỰ KIỆN TIÊN LÃNG, NHỚ LẠI VÀ SUY NGẪM:
http://www.diendan.org/viet-nam/tu-su-kien-tien-lang-nho-lai-va-suy-ngam/
http://www.diendan.org/viet-nam/tu-su-kien-tien-lang-nho-lai-va-suy-ngam/
BIẾN CỐ THÁI BÌNH (Nguyễn Long, Tương Lai, Dương Thu Hương):
BLOG ĐÀO TUẤN
Tháng Hai 18, 2014
Bộ trưởng Nguyễn Quân sau khi trả lời như một chính khách yêu dân đã không quên “mở ngoặc kép”
Câu chuyện lọ thuốc trừ sâu tự chế có thể “mút chùn chụt”, “uống ừng ực” của một người nông dân ở Khoái Châu, Hưng Yên đã được đặt ra trong một chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời”.
Phản ứng rất nhanh, trả lời như một chính khách, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân ngay lập tức đáp rằng: Bộ Khoa học – Công nghệ hay các cơ quan liên quan cần có trách nhiệm trong việc này. “Khi một người dân, thậm chí một doanh nghiệp có được kết quả nghiên cứu còn sơ khai thì cơ quan quản lý cần có trách nhiệm hỗ trợ nghiên cứu đó”, Bộ trưởng Quân nói.
Tuy nhiên, ông cũng không quên “mở ngoặc kép”: “Phải tuân thủ quy luật của nền kinh tế thị trường. Có nghĩa là nó phải có đầu ra, các doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất thì tính toán phải có lãi, nếu không thì không dám đầu tư. Cơ quan Nhà nước có thể giúp người dân hoàn thiện sản phẩm nhưng để sản phẩm thành sản phẩm thương mại hóa thì còn nhiều yếu tố khác”.
“Nhiều yếu tố khác” là gì thì Bộ trưởng không giải thích, còn những “anh Hai lúa” thì tất nhiên chịu chết.
Nếu có thể hiểu, thì đại khái thì là một kịch bản đã có sẵn tiền lệ “chiếc máy cắt cỏ”- sáng chế nông dân, bị dẹp vì bị chê là nguy hiểm bởi… các nhà khoa học.
90% thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường là “hàng ngoại”. Nhiều và loạn giống như vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Sự gia tăng chóng mặt của các con số % thị phần giữa một bên là 7 doanh nghiệp nước ngoài đang thống lĩnh và một bên 300 DN nội tranh ăn miếng xương còn sót lại. 50% trong số không ít hơn 629,5 triệu USD là thuốc trừ sâu nhập từ Trung Quốc. Cái tâm trạng “như có ai xát ớt vào mũi” khi “Đồng (ruộng) đầy vỏ bao thuốc sâu, mương máng ngập ngụa hóa chất. Con lươn không sống được, con chạch phải nhoài lên, con đỉa dần mất giống”. Và viện K đầy ắp những bệnh nhân đến từ “lũy tre làng”…Nhu cầu về một loại thuốc trừ sâu giá rẻ, an toàn…bảo là ước mơ của người nông dân cũng chẳng hề quá lời.
Nhưng ai là người giúp họ thực hiện mơ ước ấy nếu không phải là chính họ. Cho dù, không phải các nhà khoa học đang “kê cao gối” ngủ trong tháp ngà khoa học.
Nhớ năm ngoái, khi Bộ KHCN đã trao giải Nhất sáng chế cho “Hai Lúa” Phạm Hoàng Thắng với sản phẩm máy gặt đập, Giám đốc một trung tâm nghiên cứu máy nông nghiệp đã đưa ra một danh sách dài những gì các nhà khoa học đã làm, dù sau đó, ông cũng thẳng thắn thừa nhận “Các nhà nông học của Việt Nam phải làm đề tài theo cơ chế giao nhiệm vụ từ cấp trên. Nên có khi đề tài này mới hoàn thành, chưa đưa ra thị trường thì đã phải nhận nhiệm vụ nghiên cứu mới”.
Gần 4.000 tỷ đồng đã được đầu tư cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp kể từ năm 2008. Đội ngũ các nhà nghiên cứu lên tới 11 ngàn người với đủ loại thạc sĩ, tiến sĩ. Và cuối cùng, đến lọ thuốc sâu cũng vẫn cứ nhập ngoại, hoặc để nông dân tự mày mò, tự mạo hiểm bằng chính sức khỏe, thậm chí sinh mạng của mình nếu không muốn chấp nhận thực tế đó.
Thế còn thuốc trừ sâu thương hiệu Việt ư?
Hình như chỉ mỗi người dân Thanh Hóa họa may còn nhớ loại thuốc trừ sâu nổi tiếng đã thành…scandal: Nicotex.