Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Ghé thăm các Blogs: 17/02/2014

Hình: internet

BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH

ĐI THĂM THÀY GIÁO ĐINH ĐĂNG ĐỊNH


Người Việt Yêu Nước

Chiều tối ngày 13-2-2014, mình và một bạn trẻ vào thăm thầy Đinh Đăng Định. Vợ của Thầy thấy chúng tôi định đỡ Thầy ngồi dậy, tôi vội ngăn lại: Chị cứ để anh ấy nằm. Ngay lập tức một cậu CA còn trẻ ngồi bàn gần giường Thày đứng dậy hỏi chúng tôi: quan hệ thế nào với Thầy Định?. Thày rất nhanh: Đây là học trò cũ của tôi. Anh ta yêu cầu chúng tôi ra ngoài hành lang nói chuyện và nói: Theo "qui định" không cho phép ai ngoài gia đình của ông Định được thăm hỏi.

Cậu bạn trẻ đi cùng tôi nói: Thày không còn bao ngày nữa, tôi là học trò cho tôi vào được gặp Thầy 5 phút thôi. Anh kia nói: Thế thì để đến "lúc đó" đến nhà mà thăm (ý là khi Thầy chết), ở đây chúng tôi không cho thăm. Tôi rùng mình khi nghe câu nói này, cái sự tàn nhẫn mà thản nhiên như vậy khiến tôi gai người và ám ảnh mãi đến bây giờ.  Cậu bạn trẻ  đành nói: "vậy cho chúng tôi vào chào Thầy một tiếng rồi đi ngay". Cậu CA kia chần chừ, chúng tôi cứ thế đi vào. Anh ta theo, đứng sát cạnh. Luôn mồm nhắc chúng tôi, chào thế đủ rồi đấy. Cậu bạn trẻ nắm tay Thầy nói nhanh: Thầy ơi, gia đình em cũng là giáo viên, em sẽ dạy cho con em, học trò em về tấm gương của Thầy, mọi người luôn nhớ đến Thầy, Thầy cứ yên tâm". Hoàng Bui nói nghẹn ngào, mắt cậu ấy ướt nhòe. Còn tôi thì không kìm được cứ đứng nhìn mà khóc. Thầy Định nắm chặt tay hai chúng tôi, Thày cười rất tươi và giọng Thày sang sảng: Tôi có chết cũng theo phù hộ ACE và các bạn. Hồn Thiêng Sông Núi sẽ phù hộ các bạn, phù hộ cho Nhân dân VN., tôi không sợ chết đâu, Thầy cười. Tôi vừa khóc vừa nói: Anh hãy kiên định, còn nhiều người bên anh, nhiều người tiếp bước.Thầy trả lời: TÔI TIN.


Nụ cười của Thày Đinh Đăng Định làm mình  nhớ đến tựa đề một cuốn sách, phải chăng hoàn toàn đúng với thầy Đinh Đăng Định.: "Trông CHẾT cười ngạo nghễ”.

Tôi còn nhớ lời Ba tôi dạy tôi hồi nhỏ: Con à, một đời người sống phải có ý nghĩa. Lúc con ra đời, con khóc thì mọi người xung quanh con đều cười. Nhưng khi con chết, con cười còn mọi người xung quanh con lại rơi nước mắt

Thày Đinh Đăng Định là một Thầy giáo tại Đắc Nông - một người tù chính trị với bản án 6 năm, đây cũng là vụ án khá nổi tiếng với phiên tòa phúc thẩm trong khỏang 45 phút (ngày 21/11/2012). Thày Đinh Đăng Định bị kết án với tội danh tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ Luật hình sự . Dù ai cũng biết Thầy Định chỉ là viết bài phê phán nhiều sai lầm của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam, trong đó nổi bật là lọat bài quyết liệt kêu gọi dừng dự án khai thác Bauxit Tây Nguyên. Hiện nay Thầy giáo Định đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Một bạn viết trên Facebook:  Mặc dù theo đúng lịch là ngày mồng 10 tháng 2 mới là ngày bắt đầu làm việc sau kỳ nghỉ tết dài hơi, nhưng chắc do thày giáo Định bị đau liên tiếp trong những ngày nghỉ tết và thể trạng ngày một yếu đi trông thấy do không ăn được gì, chỉ uống nước yến và một ngày cố nhồi nhét được 1 bình sữa 250 ml, nên các đồng chí công an trại giam cầm lòng không đặng nên quyết định đưa thày Định trở lại bệnh viện ung bướu Sài Gòn từ hôm mồng 7 tháng 2, sớm hơn dự kiến là 3 ngày. Qủa là một việc làm phúc đức đáng ca ngợi.

 Và sau đó đã rất nhiều người đến và thăm Thày, mặc dù có sự giám sát chặt chẽ của CA. Thế nhưng…

Một bạn trên facebook khi thăm Thày Đinh Đăng Định về đã viết:

Luu Gia Lạc - Xuống bệnh viện ung bướu Gia Định Sài Gòn từ hôm mồng 6 tháng 1 năm 2014 với tình hình sức khỏe ở mức báo động thì mãi đến cuối tuần vừa rồi các bác sĩ ở bệnh viện mới dám bạch hóa thông tin về bệnh tình thày giáo Đinh Đăng Định. Cuộc nói chuyện (bạch hóa) của các bác sĩ với gia đình thày Định và cả bên phía công an trại giam đang giam giữ bệnh nhân như là một sự thanh minh muộn màng.

- Nếu các anh đưa bệnh nhân qua đây ngay từ những ngày đầu thì mọi thứ đâu đến nỗi, đâu dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Tình trạng gì ?

Gần đây thày Định đã không còn ăn được, có thể cực kỳ mỏi mệt, thường bị ói mửa cả ngày, sau khi khám xét, chiếu chụp đến khi không còn có thể giấu được nữa thì các bác sĩ cho truyền nước mỗi ngày và bệnh nhân không được ăn mà chỉ được uống nước yến, lý do là do vết cắt dạ dày bị viêm và phù nề, thức ăn trong dạ dày có khi nằm đó cả chục ngày không tiêu, khả năng co bóp của dạ dày cực yếu ... và cần phải trong trạng thái chăm sóc đặc biệt .

Cuộc nói chuyện của các bác sĩ cho thấy họ cũng chẳng có tốt đẹp gì, chẳng qua là họ muốn chối bỏ trách nhiệm bằng cách bạch hóa mọi vấn đề, khi cần thì họ đâu phải sợ mấy ông công an làm gì, nhưng điều đó càng cho thấy sự đớn hèn và chỉ biết đến lợi ích của riêng mình họ mà thôi, còn bệnh nhân thì mặc, chỉ khi lợi ích, trách nhiệm của họ bị xâm phạm hoặc bị ảnh hưởng họ mới cất tiếng nói. Điều đó không có gì là lạ trong ngành y, nhưng trong trường hợp này thì quả thật họ đốn mạt hêt sức.

Cần phải, cần được chăm sóc đặc biệt nhưng ngày tết đã cận kề, ngày của xum họp, ngày của bánh chưng, ngày của quà cáp và biếu xén, ngày của ... xả hơi sau một năm lao động, công tác, cống hiến miệt mài ... nên người ta quyết định tạm ngưng mọi thứ để dành cho tết. Tết đã, tính sau.

Chính vì thế nên họ quyết định cho thày Định được về ăn tết, nhưng mà về cái nơi quen thuộc là phòng giam trên trại giam An Phước. Họ sẵn sàng bất chấp tất cả, tất nhiên họ nắm trong tay hồ sơ bệnh án, họ nắm trong tay các bác sĩ để họ có thể biết chắc chăn một điều rằng "nó không chết ngay đâu mà phải lo", mà có chết hay có bị làm sao thì họ cũng đã "tận tình cứu chữa" hết sức có thể, bằng chứng sẽ là những thước phim được chắt lọc, dàn dựng lại từ nhưng máy quay camera 24/24, từ những đợt sắp xếp để ghi hình lưu trữ. Phản ứng của công luận ư, của quốc tế ư thì đây, những thước phim được chuẩn bị sẵn để chờ có dịp để tung ra sẽ dán chặt vào miệng lưỡi dư luận.

Trưa nay người ta đưa thày Định về lại trại giam trong tình trạng cần và phải chăm sóc đặc biệt. Có lẽ ở trại giam cũng là một hình thức chăm sóc đặc biệt.

Họ đưa người tù nhân lương tâm đi để lại sự ngơ ngác, đớn đau và tuyệt vọng nơi những người phụ nữ mỏng manh và yếu đuối, thẫn thờ và tất cả như đổ sụp xuống với họ. Họ có cần phải ăn tết không khi mà chồng, cha họ đang trong cơn trọng bệnh như thế này.

Giết người đâu cần phải bằng bom rơi đạn nổ, bằng dùi cui và dao găm, có rất nhiều cách khác nhau để giết người...

Tôi không muốn viết gì thêm.

SG ngày 15-2-2014.
Người Việt Yêu Nước


BLOG ĐÀO HIẾU 

Một lần được nghe sư phụ Thích Chơn Quang giảng hẳn về quan hệ Việt-Trung, tui mới té ngửa ra rằng Trung-Việt là anh em (khi nói câu này, giọng sư phụ nghe xúc động lắm!) Và được sư phụ giảng cho thấy hành động của Lý Thường Kiệt tiến đánh Lưỡng Quảng là “hỗn láo”. Ngẫm lại, tui thấy lời dạy của Thày quả trùng khớp với quan điểm của các đồng chí lãnh đạo ta!

Vào những năm 1975-1978, VN ta đã từng có những hành động hỗn láo với Thiên Triều. Đến mức đồng chí Đặng Tỉu Bềnh bấy giờ đã tuyên bố phải “dạy cho VN một bài học”. Và nói sao làm vậy, ngày 17 tháng 2 năm 1979, đồng chí đã xua hàng chục vạn quân, tinh nhuệ có, ô hợp có, tràn qua biên giới xuống nước ta. Để tỏ thái độ một cách rõ ràng, quân TQ đã thẳng tay tàn sát hàng vạn dân thường. Đúng ra thì lúc đó phía ta phải tạ tội với bậc đàn anh, nhưng lại tiếp tục hỗn láo, cố chống lại, giết hàng vạn “tên xâm lược bành trướng bắc kinh”, làm các đồng chí đàn anh tuy rút quân sau vài tháng nhưng vẫn còn tức tối.

Từ năm 1984 đến 1989, đàn anh Đại Hán tiếp tục trừng phạt VN. Vài ví dụ: Tháng 4 năm 1984, TQ đánh chiếm ngọn núi 1509 (Núi Đất) thuộc địa phận Hà Giang. Tháng 3 năm 1988 xảy ra cuộc chiến đẫm máu tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa… Để bài học tăng thêm sức răn đe, các đồng chí đàn anh chiếm dần đất đai và các đảo ngoài biển Đông. (Chứ chẳng lẽ dọa chơi để sau lại đâu vô đấy à?)

Việc dạy dỗ của các đồng chí đàn anh đã có tác dụng rõ rệt.

Ngày 3 tháng 9 năm 1990, đồng chí Nguyễn Văn Linh tổng bí thư đã dẫn đầu đoàn đại biểu ĐCSVN, trong đó có cố vấn Phạm Văn Đồng, sang dự Hội Nghị Thành Đô lịch sử. Kể từ ngày đó, các đồng chí ta đã đặt VN dưới sự bảo trợ của đàn anh TQ. Các đồng chí ta vĩnh viễn không bao giờ phải lo về vấn đề an ninh nữa. Nếu một số tầng lớp dân đen nghe theo sự xúi giục của các thế lực thù địch mà dám ho he nổi dậy thì đã có các bậc đàn anh lo đem quân sang đè bẹp, giống như Liên Xô làm ngày xưa ở Hung Gia Lợi hay Tiệp Khắc (trừ khi chính ở Thiên Triều cũng có hỗn loạn.) Nhìn tấm hình chụp các đồng chí ta với các đồng chí đàn anh mà mát lòng mát ruột: đồng chí Giang Trạch Dân đứng chính giữa hàng đầu, được vinh dự đứng sát hai bên là đồng chí Lý Bằng và đồng chí Linh của ta, rồi đến cố vấn Phạm Văn Đồng và đồng chí Đỗ Mười, vân vân. Từ ngày đó, tình anh em Trung-Việt được nối lại, và khi về qua biên giới, đồng chí TBT Nguyễn Văn Linh đã sung sướng và xúc động nói: “Hữu Nghị Quan đời đời là Hữu Nghị Quan” (có điều sau đó các đồng chí đàn anh đã lấy hẳn HNQ và đổi tên, chắc như rứa có lợi cho VN ta hơn!)

Hội nghị Thành Đô lịch sử

Từ ngày đó tình anh em không ngừng đơm hoa kết trái. Nó bền chặt đến mức ngay cả khi ngư dân ta léng phéng trên biển, bị các đàn anh dạy tiếp cho nhiều bài học (đánh đập, bắt giam, đâm cho chìm tàu,…) thì nó vẫn không suy suyển. Không có gì chứng minh sự bền chặt đó bằng câu nói của đồng chí tổng đương kim: “Quan hệ Trung-Việt chưa bao giờ tốt đẹp như lúc này.”

Vâng, các đồng chí đàn anh Trung Quốc vẫn đang tiếp tục dạy, và “chúng ta” vẫn đang tiếp tục học.

Có điều, dân chúng nước ta vốn đa số bướng bỉnh. Bọn họ vốn là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… mà.

Cho nên họ không chịu tiếp thu những bài học các đồng chí Thiên Triều dạy. Rồi cũng sẽ có ngày…

MICHAEL LANG   


BLOG ĐÀO TUẤN


Bà Tưng đã lại tái xuất hiện ào ạt trên báo mạng trong 24h qua. Cũng chỉ rất vớ vẩn thôi. Một, từ việc nàng rửa bát. Và một, từ một dòng trạng thái khoe mẽ sẽ làm MC sexy trong đêm “thoát kiếp FA” (cô đơn) ở một quán café nào đó. Ô hay, rửa bát sao giờ cũng lên báo. Tôi không điên. Bạn không điên. Báo mạng cũng không điên. Là vì nàng “nhà rông” vòng 1 qua cái nách áo, thật kỳ cục, xẻ tận thắt lưng.

“Gạch đá”. Tất nhiên rồi. Rửa bát chỉ là cái cớ cho cái nách áo xẻ tận thắt lưng. Còn cái nách áo chỉ là cái cớ để nàng thổn thức rằng: Này, tôi vẫn tồn tại.

Nhưng ngẫm ra, chuyện chẳng có gì to tát nếu như nhìn ảnh ấy chúng ta mỉm cười, thay vì thắt một chiếc ca vát đạo đức. Dẫu gì cũng là tự do cá nhân. Miễn là cô ấy đừng mặc như thế ra đường, như vừa hôm qua, một anh “trần như nhộng” diễu hàng làm tắc ngẽn cả phố phường Thăng Long ngàn năm tuổi. Miễn là cô ấy đừng đóng vai Bạch Cốt Tinh thả rông theo một gánh nhà đòn nào đó diễu hành trên quốc lộ.

Thói hiếu kỳ đang làm hại chúng ta chứ không phải những thứ tạo ra sự hiếu kỳ đó.

Trên mạng, một nữ ký giả thắc mắc: đôi lúc tìm cách lý giải mãi mà không trả lời được câu hỏi, vì sao người Việt, trẻ chứ không nói lớp già nua, hay bi kịch hóa những chuyện cực kì cỏn con và nghiễm nhiên, trong khi đó lại cười hê hê với những chuyện bi thảm thực sự, ví như cái chết chẳng hạn.

Cái chết là một bi kịch con người tránh cũng không thoát. Nhưng còn có những bi kịch hơn mà thoạt nhìn, tưởng đó là bình thường, giả dụ như việc dư luận đang chỉ nhìn thấy cái chức vụ trưởng một vụ của Văn phòng chính phủ trong một vụ tai nạn giao thông. Nói bi kịch của sự GATO cũng phải (thuật ngữ thời @: Ghen ăn tức ở), mà bảo bi kịch niềm tin trong quan hệ giữa thảo dân mà quan chức cũng chẳng sai.

Ngày lễ tình nhân Valentine đã đến rồi, ở một tiệm hoa ngay bên cạnh chỗ chúng ta ngồi trà chanh buôn dưa lê với người ấy chẳng hạn, người ta bán một lẵng hoa hồng với giá 25 triệu đồng. Có bán, hẳn sẽ có mua.

Nếu GATO  mang giá trị biểu cảm tình yêu chia cho 2 ngàn, giá một củ su hào, thì lẵng hoa ấy trị giá 12.500 củ xu hào. Ôi cái cà vạt đạo đức thật kinh khủng.

Thanh thản hơn đi bên cạnh cuộc tranh luận triền miên và ngớ nhẩn về việc có hay không có “hôi của” ở Minh Hóa, Quảng Bình, thì ngay ở Hà Nội này, ngay trong vụ án Cát Tường man rợ và bất nhân, lại đang có một nghĩa cử đầy tình người:
Khi biết tin mẹ của bị can Đào Quang Khánh phải nhập viện tâm thần, gia đình nạn nhân bị ném xác xuống sông Hồng ngay lập tức đã bày tỏ sự cảm thông. Thậm chí, họ nói sẽ “sắp xếp thời gian để tới thăm chị”.

Tại sao lại không thể tin vào những điều đẹp đẽ cơ chứ.


BLOG HIỆU MINH
Hoàng Sa, 17-2-1979, báo chí và Flappy Bird

Cuối cùng thì anh Nguyễn Hà Đông tuyên bố “giết” con Flappy Bird mang lại hàng chục ngàn đô la mỗi ngày chỉ vì sợ người chơi…nghiện, lý do hết sức vô bổ, hay bởi nỗi sợ vô hình. Cả nước chưng hửng, mà chưng hửng tầm quốc gia.

Entry này không muốn bàn anh Đông làm thế là đúng hay sai, vì đó là quyết định cá nhân, tôi tôn trọng quyết định của anh.

Con chim đó đã thành Flabby (nhũn và mất hết nhuệ khí), có sống lại cũng thành loại chim dặt dẹo.

Thế giới ảo khắc nghiệt, nhân loại chỉ tung hô người chiến thắng, không ai tìm và khen kẻ thối lui, cái gì cũng sợ.

Người yêu game biết kẻ sản xuất lại sợ gây nghiện, chẳng ai muốn download dù miễn phí, vì chẳng biết tác giả sẽ làm gì vài phút sau đó. Xây dựng lòng tin khó, đánh mất dễ, chỉ cần một phút.

Entry bàn về cách báo chí đưa tin về chiến tranh với Trung Quốc nhưng lại liên quan đến Flabby Bird – chim yếu đuối và mềm nhũn trước kẻ thù.

Khi cả nước đang hừng hực khí thế chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng Hoàng Sa từ chính quyền Sài Gòn năm 1974, một dịp để tuyên bố với thế giới về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, và cũng là cơ hội hàn gắn vết thương chiến tranh Nam Bắc, đùng một cái, ngừng.

Lý do ư, sợ Trung Quốc phiền lòng. Cả nước được một bữa chưng hửng, cũng ở tầm quốc gia.

Thật xấu hổ, khi một tấm bia tưởng niệm những người lính chiến đấu trên biên giới phía Bắc bị đục bỏ. Hèn tới mức phải đục bỏ lòng yêu nước.

Cơn hận chưa nguôi thì mấy tuần gần đây, báo chí, blog đang sôi sục vụ kỷ niệm 35 năm ngày Trung Quốc gây hấn chiến tranh biên giới phía Bắc.

Một số tờ báo đã có những bài rất hay, gợi lại thời “Ta lại hành quân lên đường ra biên giới” hào hùng. Hàng triệu thanh niên đi đào phòng tuyến sông Cầu, trong đó có người viết bài này khi lên Xuân Hòa hàng tuần liền để đào giao thông hào trên đồi.

Lại đùng một cái, dừng, cấm được đưa tin về 17-2-1979. Cả nước lại chưng hửng tầm quốc gia.

Dù mấy hôm nay các báo đã đăng trở lại về chiến tranh biên giới 1979. Nhưng giống như con Flappy Bird của anh Đông, có tung cánh, cũng chẳng ai tin là nó sẽ bay tiếp. Làm sao mà biết người quản lý 700 tờ báo khi nào tuýt còi.

Hành xử ở tầm quốc gia như thế chứng tỏ sự dốt nát, yếu đuối, không dám ra gió mạnh, cái gì cũng sợ của người lãnh đạo. Quan to hành xử như Flabby Bird khó mong dân dũng cảm. Dân nào sinh ra quan ấy, quan như thế nào thì dân như thế.

Dạng Flabby Bird của xứ Việt chưa kịp ra gió đã chết, sẽ còn nhiều, ở dạng này hay dạng khác, bởi nỗi sợ vô hình đã ăn vào máu của cả quan, rồi lây sang dân.

Khi nào các quan biết vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình mới mong Flappy Bird khác bay.

Còn bây giờ thì chim đang nằm trong Recyle Bin (sọt rác) của anh Nguyễn Hà Đông.


BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ

Tuanvietnam định ý đồ gì?

Trong ngày hôm nay, trên báo vietnamnet chỉ duy nhất có một bài nhắc đến Trung Quốc. Thoạt tiên nhìn tiêu đề  bài báo người ta tưởng rằng chỉ trích TQ. Hóa ra là không, ngược lại bài báo này một công đôi việc nhân lúc thiên hạ đang chú ý kỷ niệm ngày 17/2 ( ngày quân TQ tràn vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam tàn sát đồng bào VN).


Tóm tắt bài báo này có hai ý.

- Ý thứ nhất cho rằng Việt Nam nhập nguyên liệu của TQ giá rất hời. Giờ tham gia TPP mà phải nhập nguyên liệu từ nước khác không phải từ TQ, thì giá thành sẽ rất cao hơn. Nếu thế thì việc gia nhập TPP được miễn thuế thì chả có giá trị gì. Không phải cứ TQ là không có lợi cho Việt Nam, hoặc không phải bỏ TQ là có lợi cho VN.

- Ý thứ hai cho rằng, vì phải tìm nguồn vật liệu thay thế, phải cân đối lại hệ thống sản xuất, cần mất thời gian nữa mới ra nhập được TPP, khi đó mới có lợi. Còn bây giờ ra nhập có khi thiệt hại, vì VN không đủ sức sản xuất đúng theo tiêu chuẩn TPP, mà lại phải nhập hàng từ TPP vào thì lỗ to.

Tựu trung của hai ý này là. Nên bám vào Trung Quốc, chưa cần phải rời bỏ Trung Quốc để nôn nóng vào TPP.

Tiếc rằng bài báo này không nói đến chuyện bám vào TQ, nhập của TQ thì thâm hụt thương mại của Việt Nam là bao nhiêu.? Con số thâm hụt thương mại mấy trăm phần trăm không hề được nhắc đến.


Bài báo này cho rằng phần lớn ngành công nghiệp phụ trợ cho thành phẩm như đinh, ốc vít cho xe hơi hay sợi cho may mặc của Việt Nam yếu kém. Nhưng cũng không nói đến việc nhập khẩu tràn lan, cửa ngõ hải quan từ Trung Quốc sang vì tham nhũng đã tiếp tay cho hàng TQ tràn ngập vào VN được trốn thuế với giá rẻ, bóp chết những ngành công nghiệp nhỏ lẻ này. Bài báo cũng không nói đến nguyên nhân khác ngoài việc hàng TQ trốn thuế khiến các doanh nghiệp Việt Nam không ngóc đầu nên được. Nguyên nhân do quản lý, chính sách của nước CHXHCN Việt Nam. Hiển nhiên dù chửi bọn Ngụy quân, ngụy quyền thế nào đi nữa, thì thực tế 50 năm trước, dưới thời bọn Ngụy lãnh đạo miền Nam Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được những mặt hàng mà đến nay CHXHCN Việt Nam còn chưa đâu ra đâu.

Nhưng cũng thông cảm cho ý đồ chính của bài báo. Vì nội dung của nó nhằm ám chỉ Hoa Kỳ không muốn Việt Nam nhập nguyên liệu từ Trung Quốc khi tham gia TPP. Hàm ý bài báo cho rằng Hoa Kỳ đã không khách quan, thiếu thiện chí. Nội dung bài báo cũng muốn bênh vực chuyện Việt Nam làm ăn với TQ có những cái lợi, không nên cứ nhắc đến Trung Quốc là khó chịu. Xa xôi hơn, bài báo còn ám chỉ bài bác những người Việt Nam đang bài Trung Quốc. Xa hơn nữa là rào đón lý do Việt Nam sẽ chậm vào TPP vì nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân như đã nói là Hoa Kỳ không ưa Trung Quốc, dẫn đến không ưa Việt Nam nhập nguyên liệu từ TQ song song với nguyên nhân các doanh nghiệp Việt Nam còn phải mất quá trình dài nữa mới đủ lực để gia nhập TPP.

Những lý do đều ngụy biện, nhằm che dấu thực chất lý do vì sao quá trình vào TPP  bị ách lại tại thượng viện Hoa Kỳ. Lúc này, một số kênh của Việt Nam đang nỗ lực thiết kế đường dây liên lạc với thượng nghị sĩ John McCain, nhằm thông qua thượng nghị sĩ này tìm kiếm thông tin quan điểm của thượng viện Hoa Kỳ về TPP, đồng thời nhờ thượng nghị sĩ này vận động thượng viện Hoa Kỳ.

Trở lại nội dung bài báo của Tuanvietnam ngày hôm nay, không phải ngẫu nhiên họ giải thích lý do Việt Nam sẽ chậm gia nhập TPP mà còn bóng gió bài xích những quan điểm không ưa TQ.  Lý do này trùng hợp với thời điểm mà tinh thần hừng hực của người dân trong nước hướng về kỷ niệm ngày 17/2/1979. Cùng với sự công kích của các trang dư luận viên chỉ trích tinh thần này, bài báo của Tuanvietnam có nhiệm vụ đổ thêm nước lạnh để dập tắt tinh thần ấy. Có thể nhận ra một luồng tấn công có sự phối hợp nhằm triệt tiêu ý chí của người dân Việt Nam hướng về ngày 17/2/1979 giữa báo chính thống và báo lá cải của bọn dư luận viên.

Sự kiện tổng thống Obama tháng 4 này công du ở một số nước châu Á, đặc biệt là những nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc như Nhật, Sing, Mã... chương trình làm việc của tổng thống Obama với các nước này sẽ nhấn mạnh về việc Hoa Kỳ hiện diện bao nhiêu sức mạnh quân đội ở Biển Đông để hạn chế tham vọng bá chủ của Trung Quốc.

Lẽ ra lúc này Việt Nam nên để mặc tinh thần phản đối TQ của người dân dâng cao, khiến TQ tức giận có những hanh vì cắt cáp, va tàu vào dàn khoan hay đuổi bắt ngư dân, khiến cho thượng viện Hoa Kỳ thấy cần thiết phải quan tâm đến chủ quyền của Việt Nam hơn nữa, chứ không phải chỉ quan tâm các nước Nhật, Sing, Mã không mà thôi.

Thế nhưng Việt Nam lại làm một điều lạ lùng, dường như Việt Nam không muốn nhắc gì đến mâu thuẫn chủ quyền với Trung Quốc lúc này. Phải chăng Việt Nam muốn nói là ở khu vực biển Đông, không có căng thẳng nặng nề nào trong quan hệ Việt Nam- Trung Quốc. Sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực biển Đông là điều thiếu khách quan.

Việt Nam làm vậy hay do TQ bảo Việt Nam làm vậy.?


BLOG NHƯ CÂY TRE VIỆT NAM


Phạm Hồng Sơn

Dù đã dự đoán trước, nhưng tôi vẫn giật mình khi xem bản điếu văn do ông Huỳnh Tấn Mẫm đọc trong lễ truy điệu ông Lê Hiếu Đằng, ngày 26/01/2014. Giật mình là vì, ngoài việc không dám nhắc tới sự kiện ông Lê Hiếu Đằng đã đàng hoàng công khai từ Đảng Cộng sản Việt Nam trước khi qua đời (song, điều này có thể thông cảm được phần nào), điếu văn đó có thần thái và phần lớn nội dung giống y bản biện hộ, vinh danh chính người đọc (hay soạn) điếu văn. Xin trích:

Qua mấy nét tiểu sử trên đây, chúng ta thấy xuyên suốt cuộc đời Anh, vận mệnh của đất nước là điều không lúc nào rời khỏi sự bận tâm suy nghĩ của Anh. Thái độ đó đã thể hiện rất sớm khi Anh mới chỉ là một học sinh trung học và có lẽ rất sớm như vậy vì đã diễn ra trong hoàn cảnh một đất nước liên tục bị các thế lực bên ngoài xâm lược thống trị, mà vào thời Anh lớn lên là tình thế tổ quốc bị chia đôi sau 1954: do không thống nhất được trong hòa bình, những xung đột tiềm ẩn nội tại đã bùng lên với sự can thiệp trực tiếp của chính quyền Mỹ bấy giờ, cuối cùng phát triển thành một cuộc đối đầu quân sự vô cùng tàn khốc, có nguy cơ đẩy cả dân tộc vào một thảm hoạ hủy diệt chưa từng có. Sự chọn lựa chính trị của Anh đã phát sinh từ tình thế đó và thường được giải thích như một thức tỉnh mang tính truyền thống của những thanh niên trí thức trước họa ngoại xâm. Nhưng như tất cả chúng ta đều biết: sự chọn lựa của Anh không dừng lại ở tình tự yêu nước tự nhiên đó mà lại được bồi đắp cho mạnh mẽ hơn bằng một niềm tin mới mẻ, hấp dẫn hơn nhiều lần: đó là niềm tin vào một thứ chủ nghĩa cộng sản nào đó mà Anh tin rằng sau này khi nước nhà đã độc lập trong thống nhất, hoà bình, nếu đem ra áp dụng, chúng ta sẽ kiến tạo nên được một xã hội tốt đẹp bội phần. Anh đã gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng vì niềm tin ấy, sống chết với Đảng Cộng sản suốt 45 năm kể từ ngày Anh gia nhập cũng vì niềm tin ấy... Cũng chính vì vậy mỗi khi có dịp nhắc lại những tháng ngày gian khổ cũ của mình như một tổng kết về cuộc sống, Anh không hề tỏ ra tiếc nuối với những gì đã làm để phải trách móc bản thân hay “sám hối” với ai khác cả.

Áp nội dung này với thân thế, sự nghiệp của ông Huỳnh Tấn Mẫm, và tạm đặt bối cảnh tang lễ của ông Lê Hiếu Đằng ra một bên, khó ai có thể nghĩ rằng ông Huỳnh Tấn Mẫm đã đọc điếu văn cho người khác.

Ngày 13/02/2014 tôi lại thấy tên ông Huỳnh Tấn Mẫm xuất hiện trên công luận, đứng đầu danh sách ký tên của LỜI KÊU GỌI NHÂN KỶ NIỆM 35 NĂM ĐÁNH TAN CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIÊN GIỚI PHÍA BẮC NƯỚC TA 17.2.1979.


Bản văn này có tinh thần rất căm hờn, phẫn uất đối với quân xâm lược Trung Quốc, khơi lại cả tinh thần cổ kim của dân ta trong việc chống quân xâm lược hèn hạ từ phương Bắc và còn có một nhận định mạnh mẽ:

"Nhưng, cũng sẽ là hèn hạ không kém nếu không dám công khai và quyết liệt vạch trần tội ác xâm lược của kẻ thù, càng phi đạo lý hơn nữa khi thỏa hiệp với luận điệu xảo trá về cái gọi là "giữ gìn đại cục", chui đầu vào thòng lọng của mười sáu chữ lừa bịp để tự trói tay, trói chân mình, quay lại đàn áp nhân dân mình biểu tỏ lòng yêu nước, lên án giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc."

Tuy nhiên, đoạn này có một sự thừa là chữ “sẽ”, nhưng lại thiếu hẳn một từ quan trọng về văn phạm, là chủ từ - ai, kẻ nào (?). 

Ai còn chút trí nhớ thì sao có thể quên chỉ cách đây chưa đầy một tháng, ngày 19/01/2014, chính cái nhà nước hiện tại đã dành một lối hành xử hạ cấp cho những người muốn tưởng nhớ tới các chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh trong việc bảo vệ một “lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc” – Hoàng Sa. Ngay việc tôn vinh chính người dân mình mà họ còn không dám ủng hộ thì làm sao họ lại dám để lên án quân xâm lược – đã trở thành bạn bốn tốt của họ rồi.


Thế mà trong dòng đầu tiên cho xướng suất về việc tưởng niệm, Lời kêu gọi lại vẫn dành để xới lên sự tin tưởng, kỳ vọng vào cái nhà nước đó và những tổ chức tay chân của nó: 

Trước hết, đề nghị Nhà nước tổ chức trên quy mô cả nước và các địa phương. Cũng có thể do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể các cấp từ trung ương tới địa phương tổ chức để đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Đối với những đề xuất tưởng niệm khác của Lời kêu gọi như “Mỗi cá nhân, mỗi gia đình có thể tổ chức tưởng niệm tại nhà riêng của mình theo hoàn cảnh và sáng kiến như trước đây chúng ta đã làm: thắp một nén nhang trên bàn thờ với khẩu hiệu: Đời đời đời nhớ ơn chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược trên biên giới phía Bắc 17.2.1979. Khẩu hiệu này có thể dán trước cổng nhà, trước cửa ra vào nhà, trước bàn làm việc, đeo trên mũ, trước ngực khi đi ra đường trong một tuần kể từ ngày 17.2.2014…”, chỉ nội trong vài ngày qua đã liên tiếp xảy ra những vụ trấn áp, khủng bố dân lành giữa thanh thiên bạch nhật thì những đề xuất đó liệu có khả thi, thiết thực?


Hay chúng chỉ có tác dụng như việc một danh y đưa ra chỉ định: Hãy trân trọng biếu một chai dầu cù là (loại mới) cho người đang mắc trọng bệnh?


BLOG UYÊN NGUYÊN

1.
Những ngày qua, người dân trong nước xôn xao chuyện báo chí bị cấm không được nhắc đến chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979. Không nhắc, nhưng liệu có quên được chăng!?

Rồi lúc bị cấm đọc những điều về cuộc chiến chống ngoại xâm 1979, lại thành ra thấy được sự thật cay đắng và dã man hơn nhiều: Giặc tuy lui khỏi cửa biên thùy, nhưng được rước đi nghinh ngang vào cửa dinh phủ.

2.
Cấm thì cấm vậy, mà vẫn có những bài báo được phổ biến, chuyền xa và nhanh. Những bài viết nhắc lại ngày thật buồn. Nhưng chiến công nào cũng réo rắt khói hương!

Người không nói, không có nghĩa đã quên. Người ta nhớ tức còn nuôi ý chí. Còn hy vọng.

Cấm, nên sanh hy vọng. Chẳng là Mục sư Martin Luther King từng nói:

I have a dream, mà thành sự thật!?

3.
Người chết thì đã chết cho bao người được sống, nhưng người sống lẽ nào không thể làm được điều thật giản dị: Tưởng Nhớ!

Ðất nước bao giờ mới có linh quyền cho người đã chết và nhân quyền cho người đang sống?

13 tháng Hai, 2014
UYÊN NGUYÊN

DẶN CON
Thơ Bùi An Nguyễn
khi con học bài văn và sử ở trường,
đọc to lên những điều về “Ngụy.”
Ba ngước lên bàn thờ nội – ngoại
(hai ông “ngụy già” đã bước xuống mồ).
Nỗi đau của ba dâng lên làm nghẹn cổ.
Thôi thì cho qua,
vì đã thành nội sử.
Gieo cho con làm chi hận thù quá khứ.
Khi con học bài văn và sử ở trường,
đọc to lên những điều vinh quang của Đảng
Tiếng cười của ba không thoát ra,
mà chui xuống bụng
xì hơi.
Thôi thì bây giờ học cũng như chơi
không lẽ ba bắt con đi móc bọc.
Nhưng nếu một hai năm tới,
thầy cô còn giảng cho con về một thứ chủ nghĩa-
Chủ Nghĩa Anh Hùng Cách Mạng,
sản phẩm của “Đảng ta.”
Ba muốn con phải bịt tai tức khắc.
Vì tự cổ chí kim,
không một dân tộc nào
không một thứ chủ nghĩa anh hùng nào
lại sợ,
không dám vinh danh
các anh hùng
vị quốc vong thân.
Sài Gòn 12/2/2014