Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014
Ðặng Phú Phong - Xoay Quanh Về “ MỸ THUẬT VIỆT NAM - Những Vấn Ðề Xoay Quanh” với Hoạ sĩ Trịnh Cung.
![]() |
Họa sĩ Trịnh Cung (Hình: Uyên Nguyên) |
Đặng Phú Phong (ĐPP) : Thưa Họa sĩ Trịnh Cung, với hơn 50 năm sáng tác tranh và những bài viết, tham luận về mỹ thuật, tên tuổi anh đã được khẳng định rõ ràng và độc lập trong hội họa Việt Nam cũng như trên thế giới. Mới đây anh tự xuất bản cuốn “MỸ THUẬT VIỆT NAM- Những Vấn Ðề Xoay Quanh”(MTVN). Cuốn sách gồm 26 đề mục mà đề mục nào cũng đầy gai góc, nhưng nghiêm chỉnh, đánh động đến những người có tâm huyết đối với nền mỹ thuật Việt Nam. Toàn bộ cuốn sách từ hình thức đến nội dung thể hiện thật rõ nét tâm tư đầy nhiệt huyết của anh trước hiện trạng đi xuống (theo tác giả) của mỹ thuật Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân tôi đến với anh, để được trò chuyện thêm về cuốn sách này.
Trong “Thay Lời Tựa” anh cho biết MTVN hướng đến ba đối tuợng:
1/ Người yêu nghệ thuật
2/Các họa sĩ trẻ
3/Nhà quản lý
Đây là ba thành phần chính, trực tiếp chịu trách nhiệm đến sự
phát triển hay thụt lùi của nền mỹ thuật. Tuy nhiên anh lại chủ truơng sách chỉ
để tham khảo, không phổ biến trên thị trừờng. Xin anh cho biết thêm về chủ trương
này?
Trịnh Cung (TC) : Tại sao tôi lại không chủ trương phổ
biến cuốn sách này trên thị trường trong khi sách này lại có mục đích dành
cho ba đối tượng: 1. Người muốn đến với tác phẩm mỹ thuật, 2. Giới họa
sĩ trẻ và 3. Những nhà quản lý mỹ thuật ?
Rõ ràng câu hỏi của anh đã cho thấy sự mâu thuẫn của tác giả
cuốn sách giữa chủ trương phổ biến hạn hẹp và sự mở rộng đối tượng mà sách
muốn hướng tới.
Thực tâm, tôi rất muốn sách này có mặt trên thị-trường-đọc của
người Việt, có lẽ hầu như ai xuất bản sách đều muốn thế, nhưng khổ nỗi, thực
trạng hiện nay, tuy Việt Nam có trên chín mươi triệu dân nhưng lượng người đọc
(mua) rất ít trừ sách cần cho học hành. Ngay cả những sách của những nhà
văn cũng chỉ được in ra lần đầu chừng một ngàn bản, sau đó nếu
có dấu hiệu ăn khách thí sách mới được tái bản. Ðọc truyện là một
cái thú phổ biến thế mà thị trường sách loại này còn yếu kém thế thì sách viết
về mỹ thuật, một loại sách luôn phải đính kèm nhiều tranh màu, nên chi phí in rất
cao thì không mấy nhà xuất bản nào chịu bỏ tiền để in. Ðó là chưa nói
bản thảo phải bị gạch bỏ hoặc sửa chữa những từ và/hay những câu mà chính trị
Việt Nam không cho phép.
Cái khó thứ hai là nếu sách này in ở Mỹ thì rất dễ vì
không cần kiểm duyệt nhưng lại không có thị trường cho sách loại này nên các
nhà xuất bản người Việt không ưa thích mà tác giả tự bỏ vốn in nhiều rồi tổ chức
ra mắt sách để bán thì e rằng không tránh khỏi điều tiếng "xin trợ
giúp" nên tôi rất ngại, đành quyết định tự bỏ tiền in chừng một trăm cuốn
cho lần đầu chỉ để tặng và qua đó biết được dư luận sẽ như thế nào đối với
những gì tôi đã viết trong sách rồi tính tiếp.
ĐPP : Trong ”Cái đẹp có tiêu chuẩn không” anh đi đến
kết luận “cái đẹp là một khái niệm mở” vậy người phê bình đóng vai trò như thế
nào trong “khái niệm mở” này?
TC: Về “Cái Ðẹp là
một khái niệm mở,” trong bài viết “Cái Ðẹp có tiêu chuẩn không?" tôi
muốn xác định là Cái Ðẹp luôn có tiêu chuẩn nhưng những tiêu chuẩn của
nó được lập ra theo từng thời đại mỹ học do những nhà sáng tạo tiền
phong, những nhà lý luận và cả những triết gia của mỗi thời đại nhân loại
lập ra, vì thế khái niệm về Cái Ðẹp không cố định và luôn hàm chứa tiền đề
cho sự thay đổi nhưng không phải vì thế mà ai cũng có thể dễ dàng nói thế
này mới là Ðẹp thế kia là Xấu.
Tôi nghĩ, các nhà phê bình mỹ thuật thừa biết điều này khi họ
cân nhắc, lượng giá về Cái Ðẹp mà tác phẩm nghệ thuật đang được họ quan
tâm. Hệ qui chiếu (Frame of Reference)
là một công cụ rất phổ biến để giúp người xem tác phẩm nghệ thuật nhận ra được
tiếng nói của Cái Ðẹp mà tác giả của tác phẩm muốn trình bày. Lịch sử mỹ thuật là một hệ thống gồm tất cả
những hệ qui chiếu về Cái Ðẹp từ Mỹ Thuật Tiền Sử đến Mỹ Thuật Ðương Ðại và rồi
sẽ bổ sung thêm khái niệm mới về Cái Ðẹp của Mỹ Thuật Hậu Ðương Ðại. Với tôi,
Cái Ðẹp là một khái niệm mở là như thế.
ĐPP: Anh phân tích về những người trẻ, những
người lớn tuổi và những người thành đạt (về những mặt khác) đến với hội họa rất
thẳng thắn và những đòi hỏi cao. Anh có thể nói thêm ảnh hưởng trong mục này (phản
ứng tích cực và tiêu cực) của những thành phần anh đề cập đến?
TC: Vì sách mới ra với số lượng ít
nên tôi chưa nhận được bao nhiêu phản ứng đối với các bài viết mà câu
hỏi đặt ra. Tuy nhiên, dù không nhiều lắm nhưng những phản hồi từ nhiều
thân hữu vốn là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, bác sĩ, giáo sư đại học,
nhà hoạt động về nghệ thuật,... đều nói với tôi là cuốn sách viết về mỹ
thuật như thế này của một người Việt Nam thì họ chưa từng đọc, rất thích,
rất bổ ích, và đề nghị nên phổ biến rộng.
Và tôi đang chờ thêm những phản hồi chỉ ra những thiếu
sót của cuốn sách để hoàn thiện nó hơn cho lần tái bản tới.
ĐPP: Trong phần ”Mầu sắc cuộc chơi không
đơn giản” anh viết:”… Mầu sắc, từ lâu, cơ
bản đã được “định nghĩa” bởi những nhà tâm lý học và dân gian, mặc dù trong thực
tế và cả ý thức không phải như vậy. Mầu đen không hẳn là màu của u buồn tang
tóc. Mầu xanh không phải lúc nào là mầu của hy vọng …” Và, trong bài viết ”Tinh
thần của màu sắc: Lí thuyết màu sắc của Goethe” của Karl Gerstner(*)
do Hà vũ Trọng dịch có đọan:
“…Những màu sắc là những
đơn vị cá thể, tương đối và bị giới hạn. Ánh sáng được hiển thị qua màu vàng và
bóng tối qua màu lam. Chúng là hai màu nguyên thuỷ, “thuần khiết,” từ đó bắt
nguồn tất cả những màu khác…”
“…Đúng như màu sắc vận
hành từ trong ra ngoài, phơi mở trạng thái nội tâm qua ngoại hình, vì thế nó
cũng vận hành từ ngoài vào trong. Theo Goethe, màu sắc tác động đến tinh thần
con người và phụ thuộc vào đặc tính của chúng, khơi dẫn vào những trạng thái
“Khi thì phấn khởi và khát khao, khi uỷ mị và thương cảm, khi hướng tới cái cao
cả, khi thì lôi xuống tận đáy” – đấy là tác động của vàng, lam, đỏ và lục. …”
Xin anh cho biết ý kiến về nhận xét này.
TC: Sự giải thích của tôi về màu sắc không mâu thuẫn
với Goethe xét về phân tâm học và tâm lý học. Trong y học, người
ta đã áp dụng sự tác động của màu sắc và ánh sáng để
làm chuyển đổi tinh thần của bệnh nhân tùy theo các phác đồ điều
trị áp dụng cho từng bệnh nhân rối loạn về tâm lý.
Tuy nhiên, trong bài viết về “Cuộc Chơi Màu Sắc,” tôi muốn nhấn
mạnh đến tính cách nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ. Không biết một cách chắc chắn,
mỗi nghệ sĩ là một loại "bệnh nhân tinh thần" hay không (?) nhưng màu
sắc đối với họ luôn thể hiện một bản sắc rất rõ ngoài cá tính được thể
hiện qua nét vẽ.
Chúng ta thử làm một khảo sát về màu trên tranh của Picasso,
Chagall, Soulages thì mỗi người được nhận ra sự khác biệt trong màu sắc. Sự khác biệt đó cho thấy cả sự khác biệt
giữa mỗi người nghệ sĩ về mức độ cuồng nhiệt hay dữ dội. Sự tương phản mãnh liệt
trong màu nóng với vàng, đỏ bên cạnh những xanh, đen trong tranh
Picasso hoàn toàn không có trong game xanh êm đềm, mộng mị trong
tranh của Marc Chagall và cũng hoàn toàn khác với Soulages chỉ toàn im-lặng-đen
trong các tranh abstract của mình.
Tất nhiên, để tạo ra một ID cho mình, người nghệ sĩ
không chỉ có mỗi con đường dùng màu sắc. Bernard Buffet chẳng hạn, ông
không dùng màu mà dùng nét vẽ đen sắc bén, đan cắt vào nhau trên những
hình thể đầy ám ảnh chết chóc, bi thảm và còn những cách khác nữa,
cốt để không lẫn lộn, để tránh cái gọi là "déja vue".
![]() |
Woman in Hat and Fur Collar. Pablo Picasso. Year, 1937. Sơn dầu trên Canvas. 61 cm × 50 cm |
TC: Thuật ngữ
Nghệ Thuật Ngoài Giá Vẽ được các nhà viết lịch sử mỹ thuật và các nghệ sĩ
tiền phong của mỹ thuật dùng để phân biệt với Nghệ Thuật Giá Vẽ, thứ nghệ
thuật được sản sinh trên giá vẽ có từ thời Phục Hưng tới ngày nay. Ðiều
này nó xác định tính tự do tuyệt đối trong quá trình thực hành sáng tạo,
không lệ thuộc các công cụ vẽ truyền thống mà các thế hệ nghệ sĩ hiện đại
trở về trước thường dùng. Nói một cách đơn giản hơn là các nghệ
sĩ đương đại hiện nay đã có nhiều sự chọn lựa rất khác nhau cách
thể hiện tác phẩm của mình từ chất liệu đến hình thức mà có chỗ gọi là Nghệ
Thuật Ða Phương Tiện, Nghệ Thuật Thị Giác,... Vì thế mà tôi không phải nói
tới Nghệ Thuật Giá Vẽ.
ĐPP: Cũng trong ý này, theo anh, những
Performance Art (Nghệ thuật trình diễn, Visual Art (Nghệ thuật thị giác),
Installation (sắp đặt), Sound Installation (Sắp đặt âm thanh), Land Art (Nghệ
thuật địa hình), chúng có thể gọi là trường phái hay chỉ là phong trào? Có phải
đây là những biểu hiện cho sự bế tắc trong ngành Mỹ thuật thế giới rồi lây lan
sang Việt Nam?
TC: Thuật ngữ Trường Phái (Ecole/trend)
gần như đã không còn tồn tại kể từ khi Nghệ Thuật Ðương Ðại phát
triển rộng khắp thế giới. Người ta không gọi Sắp Ðặt, Video Art,
Performance,... là trường phái này hay trường phái kia bởi vì tất cả các hình
thức ấy đều bắt nguồn từ Nghệ Thuật Ý Niệm do Marcel Duchamp khởi xướng từ thập
niên đầu của thế kỷ 20. Ðây là một thứ nghệ thuật mang tính cá nhân,
vừa độc lập về tư duy vưà phi chủ nghĩa, phi đẳng cấp nên không hình thành
trường phái như nghệ thuật hiện đại.
Và nó có phải là hiện thân sự bế tắc sáng tạo của mỹ thuật
phương Tây? Ðể trả lời câu hỏi này, tôi có lần đề xuất với một tờ báo
web văn học làm một chuyên đề về "Lật Ðổ và Khai Sinh- Quá Trình
Tiếp Diễn trong Thế Giới Sáng Tạo" để làm rõ tính tất yếu sự cần thiết
của đổi mới cũng như nội hàm của nó đã chất chứa sẵn những giới hạn của
sự tồn tại mà bất cứ một chủ nghĩa nào cũng phải kết thúc vai trò của
mình khi nó không còn hợp thời nữa. Vậy thì, Nghệ Thuật Ðương Ðại có
là một tiền lệ hay không? Nếu những nhà
sáng lập ra nó còn sống thì cái lý tưởng đưa nghệ thuật ra khỏi những tòa
nhà Bảo Tàng, đưa nghệ thuật đến với đại chúng chứ không phải chỉ dành cho
giới quí tộc và giới tiểu tư sản, thì chắc sẽ thấy các hậu duệ của mình ngày
nay, phần lớn, đang bị đồng tiền tư bản (những nước tư bản) và quyền
lực chính trị (những nước độc tài) xỏ mũi một các thảm hại.
Việt Nam và các nước ở Á Phi luôn là nơi nhập khẩu
những món hàng mới lạ mà người Phương Tây sản xuất, tất nhiên bao giờ cũng muộn,
nhưng cái bế tắc của nơi kia lại là cái mở ra cho bên này. Tuy nhiên, vấn đề ở
chỗ là biết tiếp nhận điều gì có ích và từ chối cái không cần thiết.
ĐPP: “Vì sao Việt Nam chưa có họa sĩ lớn?” Đây là một
câu hỏi lớn, nó mở rộng tầm nhìn không riêng gì của nền hội họa, mà cho tất cả
đến các bộ môn về nghệ thuật của VN. Từ đó chúng ra nhìn ra đựợc những nguyên
nhân nội tại và ngoại biên, trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên trong MTVN anh đề
cập đến chỉ qua hình thức một lá thư ngỏ gửi cho Tiến Sĩ Nora A. Taylor cho nên
nó còn có những hạn chế. Nhân đây anh có thể trình bày thêm về vấn đề này?
TC: Thực ra, đây là một phản hồi có tính
"trả đũa" những gì một trí thức trẻ Hoa Kỳ đã mắc sai lầm
khi đã từng chọn và ca tụng hội họa của lớp họa sĩ trẻ, Hà Nội, thế hệ vừa
trưởng thành sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc như là những gì tiêu
biểu cho hội họa cả nước, để rồi 10 năm sau trở lại chốn cũ thì cô ấy đã đâm ra
thất vọng về những tài năng ấy, nền hội họa đầy bản sắc dân tộc ấy, đã
trở thành "những món hàng sản xuất hàng loạt.”
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đây là một tình trạng chung mà
người phương Tây, nhất là người Mỹ, đều dành tất cả mọi sự ưu ái lẫn ngưỡng mộ
cho Hà Nội như một hành động ăn năn, bù đắp cho những gì mà họ cảm thấy có lỗi
trong cuộc chiến tàn khốc ấy không chỉ riêng có hội họa và Nora cũng không là
ngoại lệ.
Tuy nhiên, sự thay đổi cái nhìn của Nora về mỹ thuật Hà
Nội như thế cũng là một một cách rất fairplay của người trí thức dù cô ấy
vẫn chưa nhận ra dấu ấn tốt đẹp, độc đáo mà nền hội họa hiện đại
Sài Gòn đã tạo ra trong thời chiến tranh Việt Nam. Dù gì thì cái vấn đề
Nora đặt ra cho nền hội họa Việt Nam về cái gọi là họa sĩ lớn cũng không
phải là quá đáng bởi đối với các trung tâm nghệ thuật lớn của thế giới
thì Việt Nam chỉ bằng cái móng tay của họ, mỹ thuật Việt Nam là đứa con
sinh sau đẻ muộn, không nên tự cao với ai kể cả với những nước trong khu vực.
Người Thái Lan, người Indonesia, người Phi Luật Tân,... mỗi nước đều có
trường mỹ thuật không sau Việt Nam, họ được các nước phương Tây từng đô hộ
như Anh, Ý, Hòa Lan, Bồ Ðào Nha tổ chức và đào tạo không thua gì người Pháp
giúp Việt Nam thời Pháp thuộc. Vì thiếu thông tin nên người Việt từ lâu vẫn coi
họa sĩ Việt Nam mình là hơn hẳn, thậm chí còn hơn cả người Trung Hoa!
Cho đến thời điểm hôm nay, tác phẩm của họa sĩ bậc thầy Việt Nam, giá
tranh bán được qua các cuộc đấu giá quốc tế cũng chỉ mới có một vài
người leo lên giá từ 300.000 đến 400.000 đô-la, trong khi đó tranh của
các danh họa Trung Quốc (thời nay) và của danh họa Indonesia đã được
bán ra với giá cả triệu đô-la từ cả thập niên trước.
Ðó là một thực tế chúng ta cần phải đối diện và suy gẫm.
Người Việt không phải thiếu tài năng, tài năng là hạt giống, tốt thôi là
chưa đủ hơn ai. Muốn có một sự nảy nở sung mãn còn phải cần đến đất
tốt, phân, nước, thời tiết và một chế độ nuôi trồng tuyệt vời. Mỹ thuật Việt
Nam từ lâu nay thiếu đi những cái cần và đủ như thế thì chỉ có họa sĩ
lớn "cây nhà lá vườn" như thế.
ĐPP: Trong “Lối ra nào cho khủng hoảng
sáng tạo mỹ thuật Việt Nam” anh đưa ra một số phương hướng để giải quyết, tuy
nhiên những giải pháp đó đều nhắm vào giới quản lý hệ thống. Anh có nghĩ rằng để
tránh đựợc khủng hoảng trong sáng tạo, nguyên nhân quan trọng nhất là từ chính
người nghệ sĩ không? Có phải sáng tạo là “Giải trừ kiến thức” như Jiddu
Krishnamurti đã
viết không?
TC:
Câu hỏi anh đặt ra rất quan trọng. Ðúng, phần lớn các cuộc khủng
hoảng sáng tạo đều do từ phía người nghệ sĩ và người giải quyết cho vấn đề
này cũng chính là họ, không ai làm thay họ được kể cả các triết gia và nhà
phê bình. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra ở các nước tự do, dân chủ.
Ở Việt Nam ngày nay, mọi thứ đều bị quản lý. Vì vậy, sự phát
triển hay tụt hậu của mỗi ngành nghề trong xã hội đều thuộc về đường lối của
nhà quản lý. Người nghệ sĩ được làm điều mình mơ mộng chỉ thuộc về những xã hội
tự do dân chủ , ngược lại nếu bị kềm kẹp, bị tước đoạt tự do thì nó sẽ dễ
bị tịt ngòi, bó tay chịu trận. Vậy có phải lỗi tại người nghệ sĩ trong một quốc
gia chỉ có một lề hay không? Hãy vào sống cuộc đời nghệ sĩ trong xã hội ấy
mới biết mình có thể làm cách nào giải cứu được cuộc bế tắc sáng tạo hiện
nay cho mỹ thuật Việt Nam.
Và Ngài Krishnamurti quí trọng của chúng ta, khi suy nghĩ như
thế chẳng qua là được sống trong bối cảnh xã hội không bị chính trị quản lý quyền
tự do tư tưởng và cánh cửa nhà tù không luôn mở rộng để cất giữ vĩnh viễn
giấc mơ tự do sáng tạo để Ngài được lật ngược lật xuôi vấn đề
sáng là "giải trừ kiến thức" hay "kiến thức bất khả giải trừ.”
ĐPP: Qua câu trả lời trên, anh đã biểu tỏ sự quyết
liệt của anh đối với một xã hội không có tự do, dân chủ. Vậy quan điểm này đã ảnh
hưởng như thế nào lên sự nghiệp sáng tác (hội họa) của anh? Nhân đây anh có thể
nói thêm về sự quan hệ giữa mỹ thuật (hội họa) và chính trị?
TC: Như
anh biết đó, cách sống và làm nghệ thuật của tôi không phù hợp với xã hội
mới, một xã hội làm gì cũng phải được phép, kể cả ý nghĩ. Tôi
biết giới hạn của mình nên chỉ mong làm sao giữ được nhân cách tối thiểu của
một con người độc lập và giữ gìn con đường sáng tác không phản bội lại
những gì tôi yêu quí từ khi bước chân vào mỹ thuật. Vì từ khước mọi sự xem xét
tác phẩm nghệ thuật của nhà quản lý, tôi chấp nhận đứng bên lề, chịu sự lẻ loi,
như một cái bóng lạc lõng trong hoàn cảnh nhiều thập niên qua trên quê hương của
mình. Tôi đã thực sự là một kẻ "xa lạ.”
ĐPP: Trong lần
tôi phỏng vấn nhà văn Thảo Trường, ông có phát biểu như thế này: “Tôi thấy nhiều
tác giả nữ trẻ có những sáng tác rất độc đáo nên tôi kỳ vọng nhiều ở họ. Nhận
xét chung thế thôi, không nên nói đến tên những tác giả ấy. Nên tôn trọng sự cô
đơn của họ. Thế nào cũng xuất hiện tác phẩm quan trọng từ phía các tác giả nữ.
Ông tin tôi đi!”
Phần anh trong chương
“Nghệ thuật đương đại, nữ nghệ sĩ- người chủ mới?” anh cũng có ý kiến giống Thảo
Trường. Tại sao trong văn học và mỹ thuật đương đại vẫn lập lại vấn đề giới
tính nam nữ trong khi một giới tính thứ 3- đồng tính- đã và đang hình thành khá
mạnh mẽ trong cộng đồng thế giới?
TC:
Tôi đã thử đặt vấn đề “Nghệ Thuật Ðương Ðại, Phụ nữ, người
chủ mới?" vì ngày nay, sự xuất hiện của các nghệ sĩ nữ trong các hoạt động
sáng tạo nghệ thuật rất đông đảo và gây sửng sốt bởi sự dấn thân táo
bạo của họ thông qua các tác phẩm "nóng" mà thế kỷ trước chỉ có mỗi
Kahlo và O'Keefe. Hiện tượng này mang tính phổ biến trên toàn thế giới, trong đó
có cả Việt Nam. Rõ ràng ngày nay, thời đại của nữ quyền đã thực sự
xác lập sau nhiều thập niên đấu tranh của phụ nữ. Ðây không phải là vấn đề
lập lại giới tính mà cốt đưa ra nhận định về mối tương quan giới đã
thay đổi trong lãnh vực thực hành nghệ thuật của hôm nay dựa trên thực tế đã được
thế giới thống kê.
Và nó không liên quan gì đến giới tính thứ 3 vì lẽ nghệ
thuật mang tâm tình của những nghệ sĩ mang giòng máu đồng tính đã có
từ lâu, Johann Friederick Overbeck, một danh họa người Đức, thời Tân Cổ Ðiển đã
vẽ bức Italia and Germania, chẳng phải tranh nói về sự đồng tính đã
có từ xa xưa?! Và Việt Nam, hiện nay, Lý Trần Quỳnh Giang đã là một nữ họa
sĩ có tranh về giới thứ 3 mãnh liệt và độc đáo nhất trong lịch
sử hội họa nước nhà.
![]() |
Tranh của Johann Friederick Overbeck (Italia and Germania) 1828. Sơn dầu trên canvas 96 x 106.4cm |
![]() |
Johann Friederick Overbeck, Italia and Germania (1828) sơn dầu trên bố, 96cm x 106.4cm |
![]() |
Tranh khắc của Lý Trần Quỳnh Giang |
ĐPP: Hội họa Âu Mỹ ăn trùm cả thế giới, điều đó ai
cũng biết. Do đó có sự hướng ngoại của họa sĩ ở các châu lục còn lại, dĩ nhiên
sự hướng ngoại này nó có cả tốt và xấu, tiêu cực cũng như tích cực. Theo anh,
anh có muốn có một lực đối trọng hay là ủng hộ xu thế toàn cầu hóa trong lĩnh vực
này?
TC: Như
tôi đã từng đề cập đến điểm xuất phát và thời tính của sự
chào đời của những nền mỹ thuật ở phần lãnh thổ xấu số còn lại của địa
cầu thì cái vốn sở học nghèo nàn của nó cộng với xiềng xích bọc lớp nhung
"bản sắc văn hóa dân tộc" thì lấy gì mà đối trọng. Cái vốn lớn
nhất của họ là sự đau khổ nhưng thế giới ngày nay họ quá mệt mỏi về những
lời than thở, kêu cứu, nên các loại đề tài này không còn là món hàng thời
thượng.
Mặc khác, những gì độc đáo nhất của những dân tộc
có bản sắc mạnh, độc đáo cũng đã bị "đánh cắp" từ lâu
bởi những thiên tài Phương Tây, giờ đây vì
nhiều lý do dẫn những dân tộc này trở thành những quốc gia tụt hậu, chỉ còn lại
cái hình hài văn hóa thủa nào đã "hóa thạch" chỉ còn có ích được
cho du lịch và những nhà khảo cổ học.
Và những người theo chủ nghĩa dân tộc, nhất là trí thức và
văn nghệ sĩ, làm sao để thích nghi với thời đại toàn cầu hóa? Vấn đề này
đang được đem ra thảo luận trên nhiều diễn đàn tại những nước đang mấp mé bên bờ
vực bị thôn tính êm ái bằng con đường kinh tế của chủ nghĩa tư bản nhưng hình
như đều không đưa ra được giải pháp chống lũ hữu hiệu nào, ngay cả tại những quốc
gia có một bề dầy văn hóa và văn minh thuộc hàng độc đáo trên thế giới như Trung
Quốc, Ấn Ðộ, Ai Cập,...cũng đang dần dần bị ngọn sóng toàn cầu hóa nhận chìm nếu
không chịu thỏa hiệp với nó để trở thành cổ đông lớn trong cuộc đại xâm chiếm
này của chủ nghĩa tư bản.
Ủng hộ hay đối trọng lại nó ư? Cả một dân tộc còn không
làm được gì thì một cá nhân quá nhỏ bé như tôi và bạn, chỉ có thể là những
chọn lựa có tính cách cá nhân. Tuy nhiên, để được lạm bàn thì tôi cho
rằng nhân cuộc toàn cầu hóa này, Việt Nam nên chụp lấy cơ hội để thay máu
một dân tộc nhỏ, yếu kém kinh tế, suy đồi giáo dục, bị trì trệ quá lâu trong sự
lạc hậu và mất dân chủ để ít ra những thế hệ người Việt sau này hạnh
phúc hơn, được làm người với đầy đủ tiêu chuẩn để rồi chính
họ sẽ làm ra một bản sắc dân tộc Việt Nam mới đáng hãnh diện hơn nhiều so
với hiện giờ. Việc hiện đại hóa bản sắc dân tộc là điều đáng quan tâm, dựa trên
căn bản rằng bản sắc dân tộc không phải là một thứ bất di bất dịch mà luôn luôn
thích nghi, biến thiên, hay hòa nhập theo những vận động xã hội, văn hóa, lịch
sử, vv… Trong cách nghĩ này thì bản sắc dân tộc
cũng là một khái niệm mở.
ÐPP: Nếu
không cho là tôi chủ quan khi coi trọng cuốn "Mỹ Thuật Việt Nam - Những Vấn Ðề
Xoay Quanh" là cuốn sách viết về Mỹ Thuật Việt Nam với những phân tích, nhận định
và gửi gắm chính kiến của riêng anh mang phẩm chất chuyên môn sâu và thẳng
thắn mà trước đây chưa có ai ở Việt Nam làm, dù tính từ khi Trường Mỹ
Thuật Ðông Dương - Hà Nội ra đời năm 1925, đến nay lịch sử
mỹ thuật Việt Nam có gần 100 năm tuổi. Vậy, tại sao Việt Nam chúng ta lại thiếu
vắng người viết về mỹ thuật và cũng hình như Việt Nam không có nền phê bình mỹ
thuật, một thế lực có thể làm chuyển động và phát triển ý thức sáng tạo
của giới nghệ sĩ như tại các quốc gia hùng mạnh Phương Tây?
TC:
Cám ơn anh đã có một đánh giá tốt cho cuốn sách
này, đáng lẽ ra, tôi không nên viết lách về mỹ thuật, là họa sĩ thì chỉ
nên vẽ thôi. Nhưng như anh thấy đó, hoàn cảnh nó đưa đẩy
tôi thấy phải vượt qua giới hạn, nên hay không nên, vấn đề nằm ở chỗ
những trải nghiệm của cả một đời người từ học hỏi đến thực hành, từ
quan sát và cập nhật những bước tiến dài của nghệ thuật thế giới, đã chứng kiến
từ những lúc thăng hoa đến giai đoạn suy thoái đáng suy gẫm của
mỹ thuật Việt Nam, tôi chọn nói ra hay im lặng?
Và câu hỏi của anh về nền phê bình mỹ thuật của Việt Nam có
hay không đã được cuốn sách của tôi gián tiếp trả lời là không. Ðơn giản
là nếu có và tốt thì tôi đã không phải viết, như trước tôi, họa sĩ Thái Tuấn
cũng không phải viết. Và hình như, không biết từ bao đời, người Việt không hề
thích phê bình!
Lịch sử Việt Nam luôn luôn dạy chúng ta những giá trị văn
hóa, những thành tích lẫy lừng về lập quốc và giữ nước của cha ông,...
nhưng hình như người Việt chưa có ai là tác giả của những học thuyết tôn giáo,
tư tưởng, chính trị và những phát minh khoa học quan trọng cũng như trong chế tạo
công nghiệp. Tư tưởng thì không theo Khổng cũng theo Mao, không theo Décartes
thì cũng theo Heidegger, không theo Karl Marx thì cũng theo Lenin. Tôn giáo thì
không theo Phật thì cũng theo Chúa, không Phật không Chúa thì pha trộn cho có vẻ
có cái gì đó là Việt Nam. Công nghệ thì sau bốn ngàn năm văn hiến vẫn chưa
làm ra được một cái xe gắn máy đừng nói chi phi cơ hay tên lửa. Người
Việt bắt đầu lịch sử của mình là đi theo người khác, nước khác
cho đến hôm nay vẫn là một dân tộc "đi theo". Tài năng mới
nhô lên một ít thì bị trù dập ngay, cái tôn chỉ tai họa "quân xử thần
tử, thần bất tử bất trung" vẫn tiếp tục tồn tại với dân Việt dưới nhiều
hình thức, dù nhân loại đã bước vào thế kỷ 21. Lại thêm cái bệnh hoang tưởng,
tài năng mới lú đã vội khoác lác ngang tầm thế giới, đòi phải được
trao giải Nobel văn chương. Không thấy mình ít học, không thấy mình lạc hậu,
không thấy mình chẳng bằng ai mà tiếp thu phê bình để sửa chữa thì đừng
hòng vươn lên! Hình như người Việt mình mắc bệnh kinh niên là cứ đè cổ được
nhau là sướng rồi!
Bao giờ người Việt thôi cái hoang tưởng "Ta như nước
dâng, dâng tràn có bao giờ tàn..." (trong ca khúc “Việt Nam quê hương ngạo
nghễ của Nguyễn Ðức Quang) thì mới khá lên được!
ĐPP: Những chương cuối của MTVN anh cho đăng lại những
bài tham luận, phỏng vấn anh về những
vấn đề như: về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam (trước
1975) , Vấn đề chung quanh giá vẽ và Hội họa hôm nay của người Việt trong và
ngoài nước. Những bài này tưởng như là phần phụ đính cho cuốn sách, nhưng thật
ra đây là những phát biểu đầy tính thẳng thắng, quyết liệt có khi cũng rất cay
đắng, đẩy tinh thần cuốn sách hơn lên một bậc nữa. Tất cả đều nói lên sự trăn
trở, hoài bão cho nền mỹ thuật Việt Nam của Họa sĩ Trịnh Cung. Trước khi chào tạm
biệt, anh còn có gì nói thêm về cuốn MTVN?
TC: Cám ơn anh đã nhận ra mục
đích của các bài trong cuốn sách, thật ra thì nó còn khá hạn chế so với ước muốn
của tôi. Tôi hy vọng sẽ sớm in thêm cuốn thứ 2 với gồm toàn những tiểu luận,
bàn sâu hơn những vấn đề thuộc về sáng tạo nghệ thuật.
Nhân đây, tôi cũng có lời cảm ơn hoặc xin lỗi về những
tài liệu được xử dụng trong sách và những bài viết bàn đến chuyên môn
có ít nhiều đụng chạm đến các bạn đồng nghiệp. Tôi thực
lòng không hề muốn xúc phạm đến bất cứ ai và cũng mong bạn đọc chú ý đến
thời điểm viết bài của tác giả để thấy các vấn đề được đề
cập đến đều có tính thời điểm và bối cảnh xảy ra của nó để thấy
những sự việc được đề cập luôn có giới hạn và được cân nhắc nghiêm túc. Cuộc sống nghệ thuật luôn luôn chuyển động,
luôn luôn đi về phía trước nên có những tư tưởng đúng của thời này nhưng sẽ
là sai lầm của mai sau.
Xin cám ơn.
ĐPP: Cảm ơn Hoạ sĩ Trịnh Cung.
Tháng 1/2014
(* ) Karl Gerstner (Sinh 1930) hoạ sĩ, nhà văn và nhà
thiết kế đồ hoạ của Thuỵ Sĩ. Từ những năm 1950 ông là một trong những đại biểu
toàn diện của nghệ thuật kiến tạo (constructive art). Tác phẩm của ông trải từ
dạng tranh khắc nổi cấu trúc màu sắc cho đến dạng điêu khắc chuyển động.
* Bài do người phỏng vấn
gửi trực tiếp cho DĐTK.