Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014
Hùng Tâm/Người Việt - Tương lai Trung Quốc
Hùng Tâm/Người Việt -
Hãy quẳng gánh lo mà nghĩ cho mình
Trung Quốc đang là mối quan tâm của thế
giới. Thế giới đó có các doanh gia và chiến lược gia Hoa Kỳ khi họ nghĩ đến
quyền và lợi của nước Mỹ. Thế giới đó có các nước Á Châu, từ Ấn Ðộ Dương qua
Thái Bình Dương, từ Ấn Ðộ tới các nước Ðông Nam Á và Nhật Bản. Thế giới đó cũng
có Việt Nam và hơn 90 triệu người ở trong và ngoài nước. Cho một số tất niên
trước thềm năm mới, “Hồ Sơ Người-Việt” xin vén mở tương lai về Trung Quốc - hoàn
toàn dựa trên những dữ kiện của thực tế.
Thực tế về Trung Quốc
Trung Quốc có một lãnh thổ bát ngát bằng diện tích của nước Mỹ, là 10 triệu cây
số vuông.
Nhưng Trung Quốc có một lãnh thổ nghèo, rất thiếu hai phương tiện sinh sống căn
bản cho con người là đất canh tác và nước ngọt. Diện tích khả canh, có thể canh
tác được, của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của trung bình toàn cầu. Nếu tính
theo đầu người của xứ này thì lượng nước ngọt, từ sông hồ đến giếng sâu và cả
nước mưa, thuộc loại thấp nhất Á Châu, và Á Châu thiếu nước nhất trong các lục
địa của thế giới.
Lãnh thổ của Trung Quốc lại có những khác biệt chết người. Ðó là một vòng bao
lơn hiểm trở khắc nghiệt vây quanh và nhìn xuống vùng đất tương đối phì nhiêu
hơn ở phía Ðông, gần duyên hải. Xưa nay, biển người từ bao lơn ba phía đổ xuống
vùng Trung Nguyên đã làm nên lịch sử hợp tan của Trung Quốc. Nếu biết nhìn vào
địa dư người ta cũng có thể hiểu ra một phần của lịch sử.
Với thực tế ngàn đời ấy, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã có hơn 30
năm tăng trưởng từ 1979 đến 2009, trung bình là tăng 10% một năm. Từ một quốc
gia có hơn một tỷ 300 triệu người, đà gia tăng ấy quả nhiên là đáng kể. Những
người lãnh đạo Trung Quốc và giới kinh doanh làm ăn tại đây đều ngợi ca rằng
đấy là sự kỳ diệu, một phép lạ kinh tế.
Nhưng sự thật thì Trung Quốc vẫn là một nước cực nghèo. Hãy nói về cái nghèo
đó.
Cả thế giới cứ nói đến các đại gia mới nổi của Trung Quốc, thành phần tỷ phú
đang làm loại sản phẩm xa xỉ đắt tiền tăng giá lên trời. Nhưng theo thống kê của
nhà nước Bắc Kinh, chỉ có 60 triệu người là có lợi tức đồng niên nhiều hơn hai
vạn đô la. Sáu mươi triệu người thì đông thật, nhưng là thiểu số hơn 4% giữa
một tỷ 350 triệu người.
Lợi tức trung bình của dân Mỹ là 53 ngàn đô la và của dân Tầu là 10 ngàn hai
trăm đô la. Con số trung bình ấy che giấu nhiều chuyện khác: khoảng 600 triệu
người không kiếm ra hai đồng một ngày để sống. Có 400 triệu người khá giả gấp
đôi vì kiếm được từ hai đến bốn đô la một ngày. Vị chi, có một tỷ người Tầu
chưa đạt mức lợi tức bần cùng là bốn Mỹ kim một ngày!
“Hồ Sơ Người Việt” cứ nói đến lời ngợi ca của doanh gia Mỹ về triển vọng kinh
tế Trung Quốc. Ăn cây nào họ rào cây nấy. Nhưng sự thật thì kinh tế Trung Quốc
làm giàu cho các tổ hợp như Wall Mart, Home Depot hay Carrefour của Pháp. Và cả
một khu vực duyên hải lại gắn bó và gần gũi với Wall Mart hay Apple hơn là với
các tỉnh khác ở bên trong. Nghĩa là kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào giới tiêu
thụ ở bên ngoài, trong các nước giàu có tại Hoa Kỳ hay Âu Châu.
Nếu giới tiêu thụ đó từ chối thì hàng hóa “Made in China” dù có rẻ mạt vẫn vượt
khỏi sức mua của đa số người dân Hoa lục. Bài toán của lãnh đạo Bắc Kinh là
nâng sức mua đó, nhưng họ không có giải pháp kỳ diệu!
Từ kinh tế mà nhìn ngược về lịch sử, người ta thấy rằng trong quá khứ, Trung
Quốc đã từng có những bước nhảy vọt và thời nguy nàn. Sau giai đoạn mộng mị của
Mao Trạch Ðông, nếu xứ này có vọt lên trong ba thập niên thì cũng sẽ có lúc
tuột xích, nhất là khi lãnh đạo không tìm ra cái phép thần thông để giải quyết
tình trạng nghèo khốn và khác biệt ở bên trong.
Ra khỏi lãnh vực kinh tế, nhiều
người lạc quan cũng nói đến một tương lai khác, là khi Trung Quốc có thể dân
chủ hóa và tiến tới thể chế liên bang. Ðây là chuyện mộng mị khác.
Ða số người dân Trung Quốc rất hài
lòng với hiện tại. Họ hãnh diện về sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc và
chưa từng say đắm nguyên tắc dân chủ. Những người có trí nhớ sâu xa nhất, lên
tới trăm năm về trước, thì còn e sợ dân chủ như đã thấy dưới thời Cộng Hòa của
Trung Hoa Dân Quốc. Họ coi đó là mầm đại loạn và nội chiến.
Trong cái DNA của họ chưa hề có tế bào dân chủ.
Quốc gia rộng lớn này đang trở về trạng thái cũ, chẳng có gì là phép lạ. Và nếu
trạng thái cũ có là nội loạn thì cũng chỉ là truyền thống.
Cận cảnh của Trung Quốc
Nói về những chuyện xa xôi, lớn lao hay mơ hồ như kinh tế xã hội của trăm năm
thì nhiều người khó mường tượng ra thực tế trước mắt, nhìn trong cận cảnh.
Thực tế trước mắt là các doanh nghiệp quốc tế đều đang nhìn lại Trung Quốc, và
nhìn qua xứ khác trước khi xứ này có loạn. Có ba lý do đều chính đáng cho sự
chuyển hướng ấy.
Thứ nhất là sau hai chục năm mở cửa đón nhận các tổ hợp quốc tế đầu tư vào
trong nước, doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã học được một số bí quyết
làm ăn và với quyền lực chính trị trước đây không hề có, lãnh đạo các tập đoàn
kinh tế nhà nước không muốn chia phần cho thiên hạ. Là trung ương ủy viên có
ảnh hưởng, họ bắt đầy gây khó cho doanh nghiệp ngoại quốc. Ăn của địch để đánh
địch là một phép khôn ngoan đã từng có trong Binh pháp Tôn Ngô!
Thứ nhì, ưu thế của thị trường Trung Quốc là dân nhiều lương rẻ nay đã không
còn. Dân số Trung Quốc hết tăng, vựa người từ thôn quê ra tỉnh kiếm việc đã cạn
dần và thợ thuyền ở tỉnh muốn phải có lương cao hơn. Trung Quốc bị nạn thiếu
người và mức lương tối thiểu khoảng 300 đô la một tháng hết được coi là rẻ, vì
gấp đôi Việt Nam, gấp ba Cam Bốt, gấp bốn năm lần mức lương của Bangladesh hay
Miến Ðiện. Bị nhà nước gây khó và công nhân đòi tăng lương, doanh nghiệp quốc
tế đã thất vọng về thị trường Trung Quốc.
Thứ ba, thị trường này sẽ không tăng mà có khi lại gặp loạn.
Thị trường này không tăng và tốc độ 10% một năm đã hết. Ðầu tiên là sức người
có hạn, dân số đã hết tăng mà còn bị lão hóa. Năng suất cũng vậy khi giảm dần
vì kinh tế bước qua hình thái khác. Khi thấy đà tăng trưởng sút giảm dưới 8%,
lãnh đạo xứ này đã ồ ạt bơm tiền. Tín dụng đổ ra có thể chảy vào ba ngả, là đầu
tư sản xuất cho số cung, là tiêu thụ để nâng số cầu, hay đầu cơ để làm giàu cho
các đại gia. Vì những lệch lạc ngay trong cơ chế kinh tế và chính trị, lượng
tiền bơm ra đã chảy vào khu vực nhà nước, chứ không vào sức mua của người dân,
và từ khu vực nhà nước chảy qua lãnh vực đầu cơ.
Nạn đầu cơ thổi lên bong bóng và khi bể thì sẽ như Nhật Bản hơn 20 năm trước.
Nhưng khủng hoảng kinh tế trong một xứ độc tài lại dễ đưa tới khủng hoảng chính
trị. Nghịch lý ở đây là các doanh nghiệp quốc tế càng rút chạy thì nguy cơ bể
bóng càng tăng và đấy là mầm khủng hoảng tài chánh, rồi kinh tế.
Khi thị trường cổ phiếu tại Mỹ sụt giá mạnh từ tuần qua cho đến hôm qua, một
trong những nguyên nhân chính là mối lo của giới đầu tư về kinh tế Trung Quốc!
Kết luận ở đây là gì?
Hãy quẳng gánh lo mà nghĩ cho mình. Nghĩ cho mình là cho Việt Nam. Ðừng phục
Trung Quốc như đã từng trong cả ngàn năm. Hãy tin vào dân mình để tìm ra ngả
khác. Ðấy là ước nguyện cho năm Giáp Ngọ khang cường.