Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013
Ghé thăm các blogs: 30/12/2013
BLOG BS HỒ HẢI
Ở đây không bàn đến chuyện văn hóa đang suy đồi đến cùng cực sau hơn 38 năm dưới sự "giáo dục" của đảng cộng sản cầm quyền. Vì cái gì cũng vậy, khi đi xuống đến tối thiểu thì sẽ tự có cơ chế bảo vệ, ắt văn hóa sẽ đi lên, khi người dân ý thức được những gì xằng bậy đã bị các chính khách gieo rắc. Bài viết này tôi muốn bàn đến bản chất của vấn đề trong văn hóa Việt cần thức tỉnh.
Lịch sử dân tộc nào cũng có bi, hùng mà không cần phải so sánh để biết được dân tộc đó lớn hay nhỏ. Ngay cả Hoa Kỳ, một đất nước đa chủng tộc, có một lịch sử non trẻ chỉ từ 1776 đến nay, nhưng lịch sử nội chiến, và tham gia giữ gìn hòa bình, dân chủ, tự do cho toàn cầu, thì nền lịch sử của Hoa Kỳ hoàn toàn đáng để gọi là vĩ đại.
Phần còn lại của sự lớn mạnh của một dân tộc là ở nền văn hóa của dân tộc ấy. Mỗi nền văn hóa của một dân tộc thì lại quá mênh mông và to lớn cho bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Nhưng để khẳng định sự to lớn của nền văn hóa ấy với toàn cầu lại là một việc khác. Những tiêu chuẩn để khẳng định văn hóa to lớn của một dân tộc không chỉ định hình nó ở trong quốc gia, mà còn sự khẳng định nền văn hóa của dân tộc ấy ra ngoài lãnh thổ biên cương.
Người Việt Nam bắt đầu biết vươn ra biển lớn từ thời thuộc Pháp. Một tầng lớp trí thức và nhà giàu đã du học, hoặc ra đi tìm vận mệnh cho đất nước, hoặc họ ở lại trời Tây, hoặc mang về tầm nhìn, kiến thức để khai sáng dân tộc. Nhưng so với văn hóa Trung Hoa, dân tộc Việt chưa bao giờ làm được sự khẳng định văn hóa Việt ra ngoài lãnh thổ.
Cho đến hôm nay, người Việt Hải Ngoại đã có mặt trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặt dù mãi đến thập niên 1970, cũng chỉ có khoảng 100.000 người Việt sống ở các nước khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia như Pháp, Hoa Kỳ và châu Âu. Nhưng "nhờ" sự có mặt của đảng cộng sản cầm quyền đã "giúp" người Việt thà bỏ thây cho cá biển, cướp biển để được sống ở Hải ngoại, dù bất cứ nơi đâu, mà nơi đó không phải là Việt Nam. Con số người Việt hải ngoại ngày nay đã lên đến khoảng hơn 4 triệu người. Đông nhất là Hoa Kỳ khoảng 2.2 triệu. Đông hàng thứ hai là Pháp và Úc khoảng hơn 300 ngàn.v.v... Nhưng người Việt chưa bao giờ có được Vietnam Town - Phố Việt - như người Trung Hoa có China Town.
Tuy không có Vietnam Town, nhưng văn hóa uống nước nhớ nguồn của dân Việt không thua Trung Hoa. Hằng năm khúc ruột ngàn dặm, mà xưa đảng cầm quyền cho là bán nước, nay là yêu nước vẫn đều đặn gửi về cho quê hương khoảng 10% GDP. Một con số không hề nhỏ so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mà có dân ở hải ngoại gửi tiền về xây dựng quốc gia.
Hôm nay là ngày cuối cùng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn phỏng vấn di dân của năm 2013, trước khi đóng cửa nghỉ tết Tây 2 tuần. Mình nhìn hình ảnh người Việt rồng rắn đi phỏng vấn để định cư Hoa Kỳ tự nhiên nghĩ về điều này, nên viết vội vài dòng để suy nghĩ về văn hóa Việt cần gì?
So sánh với người Trung Hoa, thì cho đến hôm nay dân tộc Việt không thể so sánh về cả tư tưởng, lịch sử, lãnh thổ, dân số lẫn văn hóa. Khi người Trung Hoa tự hào đội quân thứ Năm của họ trên khắp hoàn cầu - ngoài Mãn, Mông, Hồi, Tạng ở nội địa - ở đâu cũng có China Town. Nó là sức mạng to lớn ghê gớm không chỉ kinh tế, an ninh quốc phòng mà còn là sức mạnh văn hóa lan tỏa của tư tưởng Khổng Khâu và Tôn Tử của Trung Hoa.
Sẽ có người cho rằng, người Việt đã có Little Sài Gòn ở San Jose, Hoa Kỳ. Đồng ý, nhưng Little Sài Gòn không thể đại diện văn hóa Việt. Vì nó mang màu sắc chính trị hơn là văn hóa. Trong khi đó, người Việt, nước Việt cần một biểu trưng đại diện cái lớn hơn, trường tồn hơn cho dân tộc, đất nước, dù đất nước Việt có bị chịu dưới ách thống trị của một chính thể xấu xa đến cỡ nào. Người dân Việt và đất nước Việt không xấu xa như các thể chế chính trị đã và đang hiện hữu nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Sự lớn mạnh của một dân tộc cần văn hóa hơn là chính trị, dù có một nền chính trị tốt đẹp nào đi nữa thì người dân vẫn là kẻ bại trận, như câu nói của De Gaulle: "Tất cả các chủ thuyết rồi sẽ qua đi, điều còn lại cuối cùng là dân tộc!"
Vì sao chúng ta chưa có Vietnam Town? Hôm nay nói chuyện với ông bạn già hơn 30 năm sống ở Hoa Kỳ và chu du khắp thế giới, ông bảo, người Việt mình chỉ biết đoàn kết khi cùng đường, lúc còn thở được thì không biết nhìn về một hướng. Cậu thấy đấy, ngay cả trong lúc này, khi đời sống người dân đang xuống đáy, nhưng dân mình còn chưa biết đoàn kết, nói gì những lúc còn có thể thở được. Buồn!
Asia Clinic, 14h51' ngày thứ Sáu, 27/12/2013
BLOG BÙI VĂN BỒNG
Khi “đường lưỡi bò” phi pháp bị tố cáo đã xâm lấn cả vào sách của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam thì như thường lệ, các bộ ngành tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi chưa có một lời giải thích chính đáng vì sao thông tin sai trái về chủ quyền lại ngang nhiên xuất hiện trong học đường từ 5 năm trước.
Sau khi “đường lưỡi bò” trong phần mềm tin học lớp 7 bị phanh phui, thì ngày sau đó dư luận tiếp tục bức xúc khi thấy chúng còn có tại cuốn “Bài tập tin học dành cho trung học cơ sở" quyển 2. Cuốn sách này được nộp lưu chiểu vào tháng 6/2013, chịu trách nhiệm xuất bản là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Ngô Trần Ái và Tổng biên tập kiêm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quý Thao, Chủ biên là Phạm Thế Long.
Điều đáng chú ý là danh sách thành viên biên soạn 2 cuốn sách đều có tên ông Bùi Việt Hà - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ tin học nhà trường School@net. Ông Hà là người đã từng chỉ trích báo giới đã “làm quá” và cho rằng việc “đường lưỡi bò” xuất hiện trong phần mềm tin học là “không quá nghiêm trọng”!
Tuy các cơ quan có trách nhiệm trong ngành giáo dục đã vào cuộc và có cả công văn chỉ đạo nhưng cho tới nay, câu hỏi “Vì sao học sinh phải học đường lưỡi bò trong 5 năm?” vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn thì tỏ vẻ ngỡ ngàng và chuyển ngay trách nhiệm cho Cục Công nghệ thông tin quản lý. Ngay sau đó, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Quách Tuấn Ngọc nói trên Đất Việt là Vụ Giáo dục Trung học mới là đơn vị chịu trách nhiệm, còn Cục Công nghệ thông tin quản lý “không hề liên quan”.
Sở GD&ĐT TP. HCM khi được hỏi về vấn đề này, một mặt cho biết đã có công văn đề nghị các phòng giáo dục loại bỏ phần mềm “lưỡi bò”, mặt khác phủ nhận việc mua phần mềm nói trên từ Trung Quốc và khẳng định tài liệu là của Bộ GD&ĐT. Nhắc tới trách nhiệm, Chánh văn phòng Sở GT&ĐT TP.HCM Đỗ Minh Hoàng nói: “Nhà xuất bản Giáo dục phải có trách nhiệm hoàn toàn”! Quan điểm này đúng với tinh thần công văn của Bộ GD&ĐT gửi đi ngày 24/12 khi khẳng định sách giáo khoa “Tin học dành cho trung học cơ sở" quyển 2 không còn bài “học địa lý thế giới với phần mềm Earth Explorer”. Và không hiểu vì lý do gì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các tác giả lại cho xuất bản cuốn sách bài tập vào tháng 6/2013 liên quan đến phần mềm này?!
Trách nhiệm về sự việc “không quá nghiêm trọng”này vẫn chưa có ai đứng ra nhận. Nếu chính các nhà biên soạn giáo trình cho con em nước Việt còn mơ hồ về chủ quyền quốc gia, cơ quan chức năng không làm tròn trách nhiệm kiểm soát sự vô tâm vô cảm đó thì một loạt hiện tượng sách giáo khoa, sách tham khảo cắm cờ Trung Quốc chính là sản phẩm nằm trong dây chuyền “lỗi hệ thống”,… Cái lỗi này đã mở đường cho những sản phẩm phản động, bôi nhọ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc len lỏi vào tận học đường. Nếu như vậy, dù có tổ chức bao nhiêu triển lãm, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cũng sẽ không bao giờ gánh được hết cái lỗi từ căn bệnh vô trách nhiệm đến đáng sợ của quan chức, cán bộ trong ngành giáo dục.
--------------
** Trưởng ấp treo cờ Trung Quốc
Theo báo Người Lao Động, tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An người dân đã phát hiện có hai lá cờ Trung Quốc được treo lên trước cửa nhà một trưởng ấp trong hai ngày 22 và 23/12 vừa qua. Nguồn gốc lá cờ là của ông Trương Minh Trí, Bí thư huyện Đoàn Tân Trụ, trước đây là chủ tịch UBND xã Đức Tân. Ông Trí có được cờ Trung Quốc sau lần tham dự hoạt động giao lưu Đoàn với nước bạn. Người treo lá cờ được xác định là... cháu Bùi Đức Thái (11 tuổi) là con cháu trong nhà trưởng ấp và bị thiểu năng từ bé.
(Theo SM – Vĩ Thanh tổng hợp)
BLOG KIM DUNG/KỲ DUYÊN
Tác giả: Bửu Lân (tổng hợp)
KD: Nói cho công bằng, năm 2013 này ít có những phát ngôn ấn tượng sâu sắc cho xã hội như những năm trước. Dẫu sao, cũng nên điểm lại, năm 2013, những chính khách Việt nào đã khiến cho giới truyền thông nóng bàn phím?
”Bao nhiêu con gấu bị tuyên là thỏ?”, “chúng ta đang nói về chúng ta”, “không thể có đặc cách với quan chức”… là những phát ngôn ấn tượng của các chính khách trong năm 2013.
‘Đặc cách’ với quan chức: Không thể chấp nhận!
“Cứ hễ có liên quan đến quan chức, gia đình quan chức là xử sự khác. Điều đó là điều không thể chấp nhận được”. Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) diễn ra chiều 2/12 trước chất vấn của cử tri về áp dụng luật pháp vào đời sống.
Trước chấn vấn của cử tri quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) về năng lực cán bộ công chức và khả năng vận dụng luật pháp vào trong đời sống trong khuôn khổ hoạt động tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng diễn ra ngày 2/12, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng cho rằng: “Đất nước có phát triển cũng từ công tác cán bộ, công tác lựa chọn cán bộ phải đúng người, phải chọn lựa người có tâm, có tầm và có tài để đảm đương vị trí, công việc cho đúng.
Còn việc áp dụng pháp luật vào cuộc sống, bất kể anh là ai, anh phải chấp hành quy định của pháp luật. Không có chuyện va chạm xe ô tô dọc đường là rút điện thoại ra gọi cho người này người kia can thiệp giúp. Cứ hễ có liên quan đến quan chức, gia đình quan chức là xử sự khác. Đó là điều không thể chấp nhận được”.
“Hiện nay, khâu kém nhất của chúng ta là khâu áp dụng pháp luật vào cuộc sống. Yêu cầu phải chấp hành nghiêm chỉnh. Người dân cũng phải chấp hành, quan chức cũng phải chấp hành như nhau. Nếu không chấp hành thì xử phạt. Mình có những cái xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe”, ông Thanh trăn trở.
Phát ngôn nhận được nhiều ý kiến đồng tình của cử tri và dư luận. Với những chủ trương mang tính đột phá, ông Nguyễn Bá Thanh được xem là người dám nói và dám làm.
“Bao nhiêu con gấu bị tuyên là thỏ?”
Câu hỏi chất vấn Chánh án TAND Tối cao của đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII liên quan đến vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang).
Bắt đầu phiên chất vấn đối với Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII liên quan đến vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) gây chấn động dư luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) đặt vấn đề: Hàng năm vẫn còn hàng chục ngàn đơn xin tái thẩm, giám đốc thẩm cho thấy niềm tin của nhân dân chưa cao, đặc biệt là vụ án Nguyễn Thanh Chấn gây bất bình dư luận trong thời gian qua. Vậy Chánh án cho biết trách nhiệm của tòa án trong vụ việc này, trách nhiệm minh oan, xin lỗi thế nào. Liệu rằng, còn bao nhiêu con thỏ tuyên là con gấu?
Trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, trường hợp để xảy ra oan sai, nhất là với những người chịu mức án cao nhất là không thể chấp nhận được nhưng việc xác định có oan hay không phải dựa trên những quy định chặt chẽ. Dư luận chỉ là dư luận.
“Vụ án có oan hay không phải được xem xét kịp thời thấu đáo nhưng phải theo quy định pháp luật. Nếu đúng là để xảy ra oan sai, người liên quan trực tiếp, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm. Việc ép cung nhục hình nếu có là điều không chấp nhận được nhưng nếu có phải được chứng minh”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền khiến không ít người lo ngại về tình trạng án oan sai trong thời gian qua. Đặc biệt là trường hợp hy hữu của ông Nguyễn Thanh Chấn.
“Chúng ta đang nói về chúng ta!”
Tại phiên thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII diễn ra chiều 13/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lý giải khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về quy hoạch thủy điện chiều: “Quy hoạch thủy điện mang tính đặc thù… Đây là quy hoạch của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công Thương. Chúng ta đang nói về chúng ta, chứ không phải nói về Chính phủ hay về bộ ngành này, bộ ngành khác”.
Với phát biểu này, Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh (đơn vị Quảng Nam) bình luận: “Chắc chắn là hầu hết đại biểu Quốc hội chúng ta không hiểu nổi. Chính tôi không hiểu nổi. Bộ trưởng nói “chúng ta nói về chúng ta” và nhắc đi nhắc lại mấy lần. Tôi không hiểu bộ trưởng nói gì”.
Ngay sau phiên giải trình của Bộ trưởng Hoàng, tại phiên giải lao một số đại biểu tỏ ra không hài lòng với cách lý giải của Bộ trưởng Công Thương.
Nghị quyết “gối đầu giường”
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) tại phiên chất vấn sáng 20/11 về thực trạng chạy chức, chạy quyền trong chính ngành nội vụ, Bộ trưởng bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng: “Đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị nên tôi đọc kỹ văn kiện Đại hội khóa 11, nhất là nghị quyết TƯ 4. Nghị quyết này đánh giá công tác cán bộ vẫn là khâu yếu, tình trạng chạy chức chạy quyền vẫn còn. Đây là tài liệu gối đầu giường, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu”.
Trả lời của Bộ trưởng bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình được cho là thiếu xác đáng, dài dòng và không làm thỏa mãn mong đợi của các đại biểu. Trong phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã hơn ba lần phải nhắc nhở, đề nghị Bộ trưởng Bình đi vào trọng tâm và ngắn ngọn hơn và yêu cầu Bộ trưởng trả lời lại các câu hỏi của ĐB chưa được giải đáp.
“Cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất thế giới”
Câu trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 6/11, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền đã làm dư luận bất ngờ khi nhận định, cơ quan điều tra ở Việt Nam được coi là một trong cơ quan giỏi nhất thế giới do phá án dựa vào nhân dân khi được hỏi đến vụ oan sai 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.
“Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Khóa trước chúng tôi làm việc 1 tuần với FBI, thấy án an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta rất giỏi, vì công cuộc phòng chống tội phạm của ta dựa vào nhân dân”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền trả lời phỏng vấn báo chí.
Nhận định của ông Nguyễn Đình Quyền gây những quan điểm nhiều chiều trong dư luận, đặc biệt sau kỳ án oan sai 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ra ngõ là gặp kẻ cướp
Đó là phát biểu tại buổi thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII diễn ra ngày 29/10, về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
“Tôi băn khoăn khi đọc báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm và thực tế, chưa bao giờ lòng dân bất an như lúc này. Cử tri nói ra ngõ là gặp kẻ cướp. Thậm chí chúng còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, uy hiếp lột tài sản… Tôi giật mình khi nghe anh ấy nói hiện tượng của Dương Chí Dũng không phải là cá biệt”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng phát biểu.
Ý kiến của ông Bùi Đặng Dũng một lần nữa khiến dư luận lo ngại về tình trạng tội phạm ngày càng manh động, nhất là tại các đô thị lớn, khi mật độ dân cư đông, tập trung nhiều thành phần.
Mong có cái nhìn khoan dung với ngành y tế
“Sự đơn độc của ngành y tế trong việc giáo dục và nâng cao y đức sẽ không thể xây dựng một đội ngũ cán bộ thầy thuốc giỏi y thuật, sáng về y đức”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Đối với vụ Cát Tường, bà Tiến cho biết đó là “sự mất nhân tính chứ không chỉ là đạo đức ngành y. Nó đã gây đau đớn cho tất cả ngành y, tất cả cán bộ y tế đều không tin đó là sự thật. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc y đức là vấn đề rất lớn. Mong đại biểu và cử tri có cái nhìn khoan dung và toàn diện hơn, bởi hằng năm với khối lượng rất lớn các ca khám – chữa bệnh thì chắc chắn có tai biến…”
Phát biểu của Bộ trưởng Tiến được cho là chưa đầy đủ khi đẩy vấn đề chất lượng chăm sóc người bệnh và y đức sang cho xã hội.
Phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng
Sáng 7/11, phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Như Tiến lo ngại trước tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” đại biểu Quốc hội trước mỗi kỳ họp: “Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng”.
“Khi có tham nhũng xảy ra, chính người đứng đầu lại chỉ đạo, biến báo, nhào nặn số liệu, làm phép thuật để tham nhũng chỉ còn là khuyết điểm hoặc sơ suất, chỉ xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở, hoặc chuyển công tác lên cấp cao hơn. Vì thế, nhiều người nói: Xung quanh chúng ta toàn đồng chí tốt, “bộ phận không nhỏ” là ở cơ quan khác, ngành khác, địa phương khác.
Có vị đại biểu tâm sự, mỗi lần ra họp Quốc hội, lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng, muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng, vì nếu phát biểu, khi còn cơ chế xin – cho, mình xin… ai cho… Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội”, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến phát biểu.
“Vinacho”, “Vinachia”
“Vinashin đã là thảm họa. Nhưng nguồn gốc thảm họa là “Vinacho”, và bên cạnh là “Vinachia”. Chia như thế nào? Đấy là sự thỏa hiệp ngầm, thỏa hiệp đen để bòn rút cái tài sản nhà nước”, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bình luận về Vinashin trong giờ giải lao phiên họp Quốc hội khóa XIII ngày 31/10.
Theo ông Dương Trung Quốc, tham nhũng liên quan đến công quỹ của nhà nước nên sẽ không xảy ra ở những lĩnh vực khác. “Nó giống như một bệnh dịch. Ai là người có liên quan đến ngân sách tài sản của nhà nước? Là cán bộ công chức, những người có quyền định đoạt, những cán bộ mà quy định trước hết là phải là Đảng viên.
Tôi từng nói cuộc đấu tranh chống tham nhũng trước hết là cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng. Nếu ý thức được chuyện đó, nó không chỉ là sự sống còn của quốc gia mà sự sống còn của chính Đảng”, Đại biểu Dương Trung Quốc nói.
“Cho nên người ta hay nói vui như thế này: Vinashin đã là thảm họa. Nhưng nguồn gốc thảm họa là “Vinacho”, và bên cạnh là “Vinachia”. Chia như thế nào? Đấy là sự thỏa hiệp ngầm, thỏa hiệp đen để bòn rút cái tài sản nhà nước. Tôi cho đó chính là con bạch tuộc xuất hiện trong xã hội hiện đại. Cơ chế là cơ sở để giải quyết một cách căn bản nhất. Đã có thời kỳ tôi phát biểu và báo chí còn rút tít là “đấu tranh lên địa trận cuối cùng”, ông Dương Trung Quốc trăn trở.
FACEBOOK NGUYỄN ĐÌNH BỔN
Sau này mới biết, rau muống quăn như vậy là do người Mỹ rải thuốc khai quang trong các cánh rừng, làm ảnh hưởng đến gần như tất cả những vùng rộng lớn từ núi rừng, thôn quê, thành thị... Dù vậy khi đó người ta chưa cho đó là một chất độc với con người nên dù hoa màu có ảnh hưởng, người dân vẫn cứ ăn.
Những năm sau chiến tranh, người Việt sinh ra nhiều quái thai, dị dạng, rồi đủ loại bệnh hiểm nghèo tấn công tới tấp. Sau khi người Mỹ thừa nhận các loại hóa chất rải trong chiến tranh Việt Nam, có chứa lượng dioxin đủ để tạo ra khả năng gây bệnh cho người, thì tất cả nguyên nhân của các bệnh trên đều quay về một chính danh thủ phạm: chất độc màu da cam! Nhà nước còn tổ chức một hội có tên "Nạn nhân chất độc màu da cam" để đi kiện các công ty hóa chất Mỹ một cách rầm rộ nhưng đến nay vẫn chưa thành công bởi khó có thể chứng minh một cách thật rõ ràng, khoa học tác hại của nó... Đã có hàng ngàn bài báo viết về cái chất độc hại này và người ta minh họa bằng đủ hình thù dị dạng từ thai nhi đến người tâm thần lớn tuổi, và trong những bài báo đó thậm chí có phóng viên còn dựa vào tên gọi để cho rằng cái chất "siêu độc hại" này... màu da cam!
Qua tìm hiểu, tôi cũng không phủ nhận tác hại của hóa chất này, nhưng không tin nó là thủ phạm duy nhất như cái cách người ta đang muốn nói. Theo các nhà khoa học Mỹ- Việt công bố, nồng độ dioxin cao nhất là tại 2 vùng gần sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa. Thế nhưng có phải 2 địa phương này là nơi sinh ra quái thai dị dạng hay ung thư hàng đầu đất nước đâu? Phần lớn những quái thai, tâm thần được báo chí nêu lên chỉ từ Quảng Trị ra Bắc, và họ lý giải là do người cha, hoặc bây giờ là người ông đi bộ đội, hít phải độc chất này, lưu lại trong tế bào và truyền lại cho con cháu!!!
Nghe cũng khá mơ hồ. Ví như người làng tôi và cả vùng miền Trung hồi đó, đều ăn rau phi dê, mà có mấy ai báo cáo gia đình mình nhiễm chất độc màu da cam?
Trong khi đó hóa chất cực kỳ độc hại tại phía Bắc đã có từ thời xây dựng những nhà máy mà không xây qui trình thải an tòan, ví như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, xây dựng năm 1959 và chất thải độc hại chảy thẳng xuống sông! Đó chỉ là một ví dụ xa xôi, còn ngày nay mới thật kinh hoàng. Không đâu hơn lúc này, người Việt bị hàng hóa độc hại bao vây một cách nghiêm trọng, mà phần lớn xuất phát từ Trung Quốc. Từ quần áo, rau củ quả, các chất bảo quản độc hại đến cả búp bê... và hiện nay các cơ quan nhà nước vẫn đổ lỗi vòng vòng về mặt quản lý và trách nhiệm, mặc cho hàng Tàu tràn ngập khắp các hang cùng ngỏ hẽm, nơi đâu cũng một màu đỏ China trên đất nước này!
Nè, các vị. Sao không thành lập cái Hội Nạn nhân chất độc China và nếu chưa đi kiện họ thì giúp dân tẩy chay hàng của họ? Hay là các vị tin rằng mình vô nhiễm bởi mình chỉ xài hàng Nhật, ăn thịt bò Úc, cam Mỹ và con cháu đã gửi sang các xứ tư bản giảy chết để tẩy độc?
BLOG QUÊ CHOA
AFR Dân Nguyễn
Năm trước ông DTQ, đại biểu QH bị chửi thậm tệ.
Năm nay ông vừa bị mắng.
Năm ngoái ông bị đồng nghiệp chửi. Bài chửi “Tứ đại ngu” do người khùng, đại biểu QH Hoàng Hữu Phước soạn rồi chửi, rồi…xin lỗi!...
Năm nay ông bị mắng không bởi người khùng, nếu có chỉ là người…không bình thường chút thôi- Ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao.
Hình như cứ ai đụng đến nhà sử học, vị đại biểu QH nhiều khóa này đều nổi…tai tiếng thì phải.
Được biết đến như một người hay có những câu chất vấn ấn tượng trong các kỳ họp QH, ông có vẻ được Nhân Dân mến mộ, trong khi các đồng chí X, đồng chí Y thì tất nhiên là không rồi, nếu không muốn nói ghét ông đằng khác… Âu cũng là “Tai nạn nghề nghiệp”. Nếu ông cứ ngủ gật, hay cứ ngồi im như nhiều trăm kẻ khác năm đôi lần xách catap đến Hội trường Ba Đình, thì ông đâu bị chửi bị mắng.
Hãy khoan nói tới lý do vì sao ông bị người bên BNG mắng. Hãy điểm qua thành tích “Ghi bàn” và cả “Đốt lưới nhà” của vị đại biểu may mắn chưa vào đảng này…
Những bàn thắng của ông có lẽ mọi người còn nhớ, vì thế xin phép không được nêu ra đây. Như vậy hơi bất công, nhưng cũng tránh được dài dòng. Chỉ xin nhắc lại mấy pha “Đốt lưới nhà” của “Cầu thủ” này.
Còn nhớ mấy năm trước, khi người ta đem vị ts họ Cù ra xử vì tội đòi đa nguyên đa đảng, nhất là dám kiện ông thủ tướng…thì nhà sử học có câu phát biểu như trích dẫn từ dân gian: “…Nói phải củ cải cũng phải nghe!...”.
Phải chăng ông DTQ nói vậy là muốn bênh khéo người bị kiện? Rằng muốn bảo rằng vị ts nọ bị đi tù là đáng lắm, bởi “nói không phải” (?)…
Nhưng người ta phải hiểu thế nào, khi vị đại tướng huyền thoại cũng như nhiều nhân sỹ khác của Đất Nước góp ý rất tâm huyết về việc dừng Dự án bauxit Tây Nguyên, sao “Củ cải” không chịu nghe? Không lẽ vị đại tướng cũng “Nói không phải”? Không những không “Nghe”, mà “Củ cải” còn không thèm trả lời thư của đại tướng-một hành động rất khiếm nhã…
Thật tiếc, nhà sử học đáng kính không nhận thấy một điều hết sức rõ ràng rằng, “Củ cải” hầu như không bao giờ biết lắng nghe ai, từ đơn thư của người Dân cho tới góp ý của các trí thức yêu nước…
Lần khác, trả lời VTV News, ông nói đại ý: Về vấn đề Biển Đông, cần phải trang bị cho người Dân những kiến thức hiện đại về luật biển…
Lời phát biểu đó đáng lưu ý là nó được đưa lên trong khi cuộc biểu tình của Nhân Dân hai tp HN và SG đang diễn ra và đang bị đàn áp dưới mọi hình thức bởi nhà cầm quyền. Họ nói đại rằng các cuộc biểu tình đó bị các thế lực thù địch lợi dụng(?). (Trong khi trải qua 11 cuộc biểu tình, nhà cầm quyền, với lực lượng CA vừa chìm vừa nổi, cả lực lượng dân phố dân phòng hùng hậu cũng không bói đâu ra một tên phản động…). Điều cần bàn ở pha “Đốt lưới nhà” này là: Có cần phải “Trang bị những kiến thức hiện đại về biển, luật biển” cho Nhân Dân? Và nếu là cần thiết, thì bao giờ và bằng cách nào để “Trang bị” cho Dân những “Kiến thức” đó? Nói như ông khác nào bảo phải phổ cập đại học cho toàn Dân. Nói như ông khác nào bảo khi nào được nhà cầm quyền “trang bị” cho những kiến thức đó mới hiểu được đâu là biển đảo của mình, và mới biết biểu tình là đúng sai!?...Rồi thì lúc đó có biểu tình thì biểu tình…
Ngoài ra còn vài lần ông “Đốt lưới nhà”, như lần trả lời pv hãng thông tấn BBC liên quan tới vấn đề Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN, hay cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam của VN những năm 80s...ông cũng chưa có cái nhìn thật thấu đáo khách quan của sự kiện. Hay khi bị chửi “Vô tư” bởi “Đại biểu tâm thần” HHP, ông, hình như phát hoảng nên có ngay bài viết trần tình về con đường đưa ông trở thành nhà sử học là bởi cuốn sách (Mà ông khẳng định vô cùng bổ ích!). Đó là cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, tác giả Trần Dân Tiên. Ai cũng biết Trần Dân Tiên là ai, và cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” “Kể” gì trong đó…Cũng cần nói thêm, khoảng 7 năm về trước, khi trả lời pv báo ANTG, ông còn nói “…Nếu muốn nói sự thật, trước hết tôi cần phải giữ cái đầu!...”. Với câu phát biểu này, ông cho thấy ông không phải là Tư Mã Thiên. Tuy nhiên, cũng qua lời phát biểu đó, ông đã gián tiếp tố cáo cái thể chế mà ông và Nhân Dân của ông đang sống, không có đất cho những ai muốn nói sự thật!!!
Nhà sử học của chúng ta nổi tiếng khá lâu rồi; Trong khi cái ông thứ trưởng ngoại giao tên Sơn thì mới nổi… tiếng gần đây thôi. Ông Sơn (Hình như còn kiêm cả chức Chủ nhiệm UB về người Việt ở nước ngoài), người vừa mắng nhà sử học, được nhiều người biết đến gần đây với phát biểu rất dễ thương, thể hiện vừa tâm, vừa tầm của con nhà ngoại giao. Ông nói về cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt ở hải ngoại phản đối một quan chức hàng đầu của nhà nước VN nhân chuyến công du của ông này, rằng những người này biểu tình vì thù hận và vì…tiền. Câu nói của ông Sơn đúng một nửa. Nửa kia chẳng khác một lời thóa mạ “Khúc ruột ngàn dặm”. (Phát biểu như thế, ông Sơn đã quên rằng, đảng ta luôn khẳng định Cộng đồng người Việt hải ngoại là bộ phận không thể tách rời của Dân Tộc; rằng đảng luôn quan tâm chăm lo(!) tới đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng của bà con Việt kiều…).
Ông Sơn cho rằng người ta đi biểu tình vì tiền là nói liều, thiếu suy nghĩ, là “Suy bụng ta ra bụng người”. Còn bảo người đi biểu tình vì thù hận, thì chính ông và nhà nước cộng sản phải tự hiểu điều đó. Không thù hận sao được, khi chính các đồng chí của đồng chí đã đẩy gia đình họ vào cảnh nhà tan cửa nát, phải “chia lìa đôi ngả”, kẻ ra đi người ở lại. “Chia lìa đôi ngả” còn bởi âm dương đôi đường…
Trở lại lý do đồng chí Sơn mắng nhà sử học. Xuất phát từ chuyện thi thố sắc đẹp của cô Trần thị Quỳnh. Nguyên nhân bắt đầu từ dải băng cô Quỳnh đeo tên nước bị ghi sai thành Vietnem. Ông DTQ cho lỗi đó không đáng gì, trong khi đồng chí Sơn thì coi đó là sự sỉ nhục…nhân cái sai này, đồng chí Sơn khẳng định các người đẹp của ta rất dốt về lịch sử…(Giống ai đó làm ngoại giao nhưng dốt về ngoại giao…).
Thiết nghĩ trước hết phải xem chữ Vietnem là chính tay cô Quỳnh viết, hay dải băng mà cô đeo có tên nước bị viết sai là do người khác đem đến, cô chỉ việc đeo vào…
Những cuộc thi hát, thi thời trang, các ca sỹ, người mẫu thường được người ta make up… rồi cứ thế mà ra, mà biểu diễn trình diễn… Sự thật thì dù có khiếm khuyết gì, họ cũng khó phát hiện ra, đành phải “Nhờ” khán giả hay Ban giám khảo “Phát hiện” hộ. Các diễn viên thường hồi hộp, lo lắng, vì vai diễn của mình, nhất với người lần đầu xuất hiện trước công chúng, mà lại nhút nhát thiếu tự tin…
Huống hồ một cuộc thi QT về sắc đẹp. Người thi có biết bao mối lo lắng bận tâm. Họ phải chú tâm vào những điều được căn dặn, được học hỏi từ trước, bước đi thế nào, ánh mắt ra sao, động tác quay, dáng đứng…nên cái dải băng mà ai đó đưa cho người đẹp đeo, nếu có sai sót, thì lỗi, trước hết phải thuộc về người khác, những người khác. Thậm chí cô Quỳnh, thay vì phải xin lỗi có thể kiện ai đó dù vô tình hay hữu ý đã làm nên cái sai của cô. (Đấy là với điều kiện cô Quỳnh chỉ là người nhận dải băng từ tay người khác).
Vì vậy, nhà sử học trong trường hợp này tỏ ra có lý, khi cho rằng đồng chí Sơn “Nâng tầm quan trọng hóa” khi coi việc ghi sai tên nước là sự sỉ nhục…
Ôi, đồng chí Sơn có lòng tự tôn Dân Tộc, thật đáng khen thay. Nhưng những lần quốc thể bị lăng nhục, sao không thấy đồng chí Sơn và các đồng chí của đồng chí lên tiếng kêu “Nhục” nhỉ. Những lần tàu “Nước Lạ” xuất phát từ nước “Láng giềng bốn tốt” xâm phạm lãnh hải VN, ngang ngược hung hãn đánh, bắt, cướp ngư dân VN, đến mức Nhân Dân VN, dù biết sẽ gặp sự đàn áp bắt bớ đe dọa của nhà cầm quyền, vẫn xuống đường biểu tình… Chẳng lẽ đồng chí Sơn không thấy nhục trong những lần đó sao? Và còn cái vụ “Cờ sáu sao” –cờ lạ xuất hiện ở VN tới những hai lần. Lần đầu ngay sau khi nó xuất hiện trên bản tin thời sự của VTV (Truyền thông của đảng độc quyền), đã bị báo Lề Dân la lối rầm trời cảnh báo… Thế mà mấy tháng sau, cờ sáu sao vẫn ngang nhiên xuất hiện trên lãnh thổ VN. Sau khi bị dư luận la lối quá trời, Ban lễ tân thuộc BNG (Của đồng chí Sơn) mới có lời xin lỗi dành cho…đại sứ quán Trung Quốc(!)… Có kẻ ác khẩu còn cho rằng đây là một việc làm cố ý, thậm chí là việc làm có mưu đồ của thế lực (Không thù địch).
Đồng chí Sơn suy nghĩ gì về trường hợp này?
Nếu đồng chí có lòng tự tôn Dân Tộc cao như vậy, hẳn phải thấy sỉ nhục trong những trường hợp dân ta ở Tây Nguyên bị đánh đập tàn bạo khi bén mảng tới gần “Lãnh thổ” của “Người lạ” trong cái gọi là Dự án bauxit Tây nguyên chứ? Ngư dân mình bị nó đánh, nó bắt nó thu hết ngư cụ, nó bắt nộp tiền chuộc. “Nhục quá trời!”! (Có nhà văn đã uất ức thốt lên như thế) mà chẳng thấy đồng chí Sơn thở dài hay ho he nỗi nhục… Vậy mà chỉ có mỗi sơ xuất tên nước (Mà lại không phải lỗi của người Việt thí sinh), mà đồng chí Sơn thấy đó là sự sỉ nhục. Dám hỏi do ĐỘNG CƠ nào mà đồng chí Sơn nổi hứng thấy sự sỉ nhục thế?
Vậy rõ ràng, nỗi nhục mà đồng chí Sơn thấy ở đây, không phải tên nước hay quốc hiệu bị người ta ghi sai, mà nếu có, nỗi nhục này ắt hẳn xuất phát từ việc nhà sử học dám “Dạy” BNG. Thì trong lời mắng mỏ của mình, đồng chí Sơn chả nói tới còn gì. Cô Quỳnh chỉ là cái cớ cho nỗi nhục mà đồng chí Sơn nói tới. Cũng có thể đồng chí Sơn chẳng thấy nhục hay sự sỉ nhục gì cả, mà chỉ là ai đó “nhờ” đồng chí nhân vụ này mắng cho nhà sử học mấy mắng.
Dù thế nào, ngôn ngữ đồng chí Sơn xổ ra cách hằn học (Chưa đến mức chợ búa), cũng cho thấy đồng chí chưa thật “Cao tay”. Nếu ghét ông nhà sử học, thậm chí là ghét cay ghét đắng, thiếu gì cách hạ nhục mà không cần phải có bài Tứ đại ngu, hay như bài mắng vừa rồi vu cho ông DTQ cái tội dám dạy cả BNG, Bộ VH, TT và DL…Đồng chí cứ “Dạy” lại vị ĐBQH này, để làm giảm uy tín của ông ta trong Nhân Dân, ví như bảo ông đừng có nêu lên cái gọi là văn hóa từ chức làm gì cho mất thời gian, vì Dũng này xuống sẽ có Dũng khác lên. Hùng này đi có Hùng khác về. Đồng chí X cũng như đồng chí Y cả thôi…, rằng sao ông không nêu những câu chất vấn xoáy mạnh vào những điều đã ghi trong HP minh định quyền con người hết sức căn bản như quyền biểu tình, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội…và chốt lại bao giờ những quyền đó được thực thi… Chưa nêu được những câu hỏi đó, hoặc nêu lên rồi bỏ đó, không rốt ráo đến cùng, khác nào đánh trống bỏ dùi… Vậy là Nhân Dân sẽ hết “Mê tín” nhà sử học đáng kính thôi mà. Làm gì phải ầm ĩ hằn học quá vậy.
Thôi đã trót mắng rồi thì dừng lại ở đó, đừng phẫn chí mà chửi như nghị Phước, kẻo lại phải xin lỗi, khác nào tự “Đốt lưới nhà”.
Dec/27th/2013
Tác giả gửi Quê Choa
B ài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả