Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Đức Tâm - Sự im lặng khó hiểu của ASEAN về vùng phòng không Trung Quốc


Đức Tâm
(RFI) 

Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Úc. Các nước này bày tỏ sự bất bình hoặc chỉ trích Bắc Kinh làm cho tình hình khu vực thêm căng thẳng. Nhưng cho đến nay, Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN vẫn im hơi lặng tiếng một cách khó hiểu.

Hai hãng hàng không dân sự trong khối ASEAN là Singapore Airlines và Thai Airways cho biết tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc - AFP

Khi lập vùng phòng không, Trung Quốc không hề tham khảo trước các nước láng giềng hoặc Hoa Kỳ. Điều này cho thấy Bắc Kinh quyết tâm tiến hành đơn phương các hoạt động vì lợi ích riêng của mình, đặc biệt trong vấn đề biên giới, lãnh thổ.

Giới chuyên gia về Đông Nam Á rất quan tâm đến khả năng liệu Trung Quốc có lập một vùng phòng không tương tự tại Biển Đông hay không. Dường như đoán trước được câu hỏi này, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun) đã tuyên bố : « Trung Quốc sẽ thiết lập các vùng nhận dạng phòng không khác, vào thời điểm thích hợp, sau khi hoàn tất các chuẩn bị cần thiết ».

Ba ngày sau khi tuyên bố lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông, Bắc Kinh điều hàng không mẫu hạm Liêu Ninh xuống Biển Đông.

Trước các tín hiệu này, ASEAN vẫn không hề có phản ứng. Chỉ có ba hãng hàng không dân sự, trong đó có hai công ty thuộc khối ASEAN là Singapore Airlines và Thai Airways, hãng thứ ba là Qantas Airways của Úc đều cho biết sẽ tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc khi đi qua vùng phòng không.

Vài ngày sau, Ngoại trưởng Philippines lên tiếng cảnh báo là Trung Quốc có thể tìm cách kiểm soát không phận trên Biển Đông. Thông cáo chung của Thượng đỉnh kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật – ASEAN chỉ đề cập một cách gián tiếp đến hành động của Trung Quốc, rằng các bên « đồng ý tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo sự tự do bay trên bầu trời và an ninh hàng không dân sự, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế ».

Theo nhà phân tích Dylan Loh Ming Hui, thuộc trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế Rajaratnam, đại học Nanyang Technological University, Singapore, thì có ba nguyên nhân giải thích phản ứng chậm trễ của ASEAN.

Trước tiên, dường như lãnh đạo các nước ASEAN muốn áp dụng chính sách « Chờ xem ». Có thể họ nghĩ rằng, tại sao lại chấp nhận rủi ro chọc tức Trung Quốc và làm cho tình hình thêm xấu đi, trong lúc những nước lớn hơn, có ảnh hưởng hơn lại không chủ trương đối đầu với Bắc Kinh.

Nguyên nhân thứ hai là một số nước trong ASEAN cho rằng vùng phòng không Trung Quốc tác động rất ít đến Hiệp hội – và như vậy, không có lý do gì để lo ngại – bởi vì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông hoàn toàn khác với tranh chấp ở Biển Đông.

Nguyên nhân thứ ba là do cơ chế ra quyết định của ASEAN đòi hỏi phải có sự đồng thuận trong toàn khối. Do vậy, rất khó có được một câu trả lời chung, nhất là các nước thành viên có các quan điểm khác nhau về Trung Quốc.

Phản ứng chậm trễ của ASEAN làm cho Trung Quốc hiểu rằng việc lập vùng phòng không được chấp nhận và sẽ khuyến khích Bắc Kinh hành động tiếp ở những nơi khác. Nếu đã lập được vùng phòng không ở biển Hoa Đông, nơi mà tình hình căng thẳng hơn, quan hệ với Nhật Bản xấu hơn, thì có trở ngại gì mà không làm tiếp ở Biển Đông, nơi mà tình hình tương đối yên ổn hơn ?



Vả lại, cách hành xử của Trung Quốc ở biển Hoa Đông không khác gì so với tại Biển Đông, như điều động tàu hải giám, ngư chính, máy bay xâm nhập vào các vùng đang có tranh chấp.

Theo giới chuyên gia, ASEAN cần có tiếng nói chung, bày tỏ mối lo ngại và yêu cầu Trung Quốc cho biết có ý định lập vùng phòng không ở Biển Đông hay không. Nếu Bắc Kinh trả lời một cách mơ hồ, hoặc tiêu cực, thì ít ra, ASEAN có thời gian để thương lượng nội bộ, cùng nhau đưa ra kế hoạch đối phó chung.

ASEAN có một số cơ chế để giải quyết các tranh chấp, như Hiệp ước bất tương xâm 1976 mà Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ đều tham gia hay tuyên bố chung 2002 về ứng xử của các bên tại Biển Đông – DOC, nhưng chưa đủ và không hiệu quả.

Nếu ASEAN không có tiếng nói và hành động chung, thể hiện tình đoàn kết nội bộ, thì ít có khả năng ngăn chặn được Trung Quốc tìm cách thống trị vùng trời Biển Đông và ở những nơi khác.


Trọng Thành (RFI) - Triển vọng kinh tế 2014 : Hàn Quốc và Philippines dẫn đầu Châu Á


Trọng Thành
(RFI) - 

Năm 2013 sắp khép lại, nhật báo kinh tế Les Echos có bài dự đoán triển vọng kinh tế năm tới tại các nước Châu Á đang trỗi dậy. Bài viết mang tựa đề “Năm 2014, những lá bài của Châu Á đang trỗi dậy được xáo lại có lợi cho các nước nhỏ”. Les Echos tập hợp nhận định của các chuyên gia làm việc cho ngân hàng Anh Quốc RBS, tập đoàn tài chính Nhật Nomura và công ty tư vấn Pháp TAC. 

Seoul : Ngôi sao sáng của Châu Á là Hàn Quốc trong lúc kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại (© Seoul)

Theo Les Echos, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia không còn là những “siêu đầu máy” của khu vực, cho dù tỷ lệ tăng trưởng của các quốc gia này vẫn còn hấp dẫn ; Hàn Quốc là “học trò giỏi” của năm 2014, tiếp theo là Philippines. 

2013 đối với nhiều nước Châu Á là một năm u ám, nền kinh tế các nước Châu Á đang trỗi dậy đối mặt với nhiều hiểm họa và tăng trưởng chậm lại, sau một thời gian được coi là các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế toàn cầu, suy trầm trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của khu vực này (không kể Nhật Bản) trong năm tới vẫn là khoảng 6%. Nhưng điều được Les Echos chú ý là triển vọng rất khác biệt giữa các nước, theo nhận định của các chuyên gia. 

Tăng trưởng của Trung Quốc được đánh giá là chậm lại. Riêng về điểm này, giữa nhận định của các chuyên gia có sự chênh lệch nhiều nhất : ngân hàng RBS dự đoán Trung Quốc tăng trưởng 8,2%, tức vượt năm nay, trong khi đó công ty Nhật Nomura, thì đưa ra con số 6,9%, tức thụt lùi. Theo chuyên gia công ty tư vấn Pháp TAC, tỷ lệ tăng trưởng lùi xuống của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến các nước láng giềng, vốn phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu khoáng sản và nguyên liệu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó việc nợ nần chồng chất, trong cả hai khu vực công và tư, của Trung Quốc khiến giới quan sát đặt nhiều câu hỏi về tính vững chắc của hệ thống kinh tế nước này. 

Ấn Độ và Indonesia được ghi nhận là vượt qua năm 2013 một cách khó khăn. Hai đồng rupi, “rupiah” của Indonesia và “rupee” của Ấn Độ, đều mất giá nặng (rupiah : 25% ; rupee : 13%). Nửa đầu 2014, New Delhi và Jakarta đều sẽ phải đối mặt với các kỳ bầu cử quan trọng. Sự suy yếu của môi trường kinh doanh và nạn tham nhũng gây trở ngại cho các nhà đầu tư. Chỉ có một ưu điểm chủ yếu của hai quốc gia này, đó là sự nổi lên của một tầng lớp trung lưu mới, trong đó phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt đồng nghề nghiệp. 

Ngôi sao sáng của Châu Á là Hàn Quốc, một quốc gia có thể đứng vào hàng các nước phát triển. Các sản phẩm của Hàn Quốc rất được ưa chuộng tại các nước phát triển, như Hoa Kỳ, các quốc gia Châu Âu và Nhật Bản. Một điểm yếu của Hàn Quốc trong trung hạn mà Les Echos lưu ý là quá trình lão hóa của dân cư nước này, ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa và những hiệu năng của kinh tế Hàn Quốc.

Philippines với khoảng 11% lực lượng lao động ở ngoài nước cũng có nhiều lợi thế. Trong 10 năm gần đây, kiều hối đã góp phần quan trọng giúp cho quốc gia này có được thặng dư thương mại trung bình 3% GDP/năm. Les Echos nhận định, siêu bão Haiyan không có tác động lớn đến nền kinh tế Philippines, ngược lại việc tái thiết các khu vực thiệt hại sẽ mang lại động lực cho nhiều ngành sản xuất của đảo quốc. 

Cũng về kinh tế Hàn Quốc, Le Monde có bài “Nợ nần của Hàn Quốc, nguy cơ mang tính xã hội nhiều hơn là tài chính”. Le Monde so sánh nợ của các gia đình Hàn Quốc vào năm 2012 là 163,8% thu nhập, so với tỷ lệ 100% của Pháp và 130% của Hoa Kỳ. Tờ báo nhận định, nợ nần tăng cao là một gánh nặng xã hội ngày càng nghiêm trọng đối với Hàn Quốc, đặc biệt đối với nhóm các gia đình nghèo. 

Nga : Khủng bố tại Volgograd đặt câu hỏi về an ninh của Thế vận hội Sotchi

Về thời sự quốc tế, vụ khủng bố tự sát đẫm máu khiến ít nhất 16 người thiệt mạng tại nhà ga thành phố Volgograd (nước Nga) hôm qua 29/12 là chủ đề chính trên trang nhất Le Figaro với hàng tựa “”Nga : Khủng bố tại Volvograd đặt câu hỏi về an ninh của Thế vận hội Sotchi”.

Theo truyền thông Nga, người phụ nữ khủng bố - tự sát tên là Oksana Aslanova, gốc Daguestan, một trung tâm của lực lượng nổi dậy Hồi giáo ở miền bắc Kavkaz. Người nổ bom tự sát đã hai lần lấy chồng, đều là chiến binh Hồi giáo, và cả hai người đều bị các lực lượng an ninh Nga hạ sát. Thông tin này làm sống lại nỗi ám ảnh về “các góa phụ đen”, vũ khí đặc biệt đáng sợ của lực lượng Hồi giáo. 

Trong một băng video, được đưa lên mạng hồi tháng 7/2013, lãnh đạo lực lượng nổi dậy Hồi giáo vùng bắc Kavkaz, Doukou Oumarov, kêu gọi “các chiến binh Hồi giáo trên khắp nước Nga” tấn công Thế vận hội Sotchi. Doukou Oumarov, nguyên là một chiến binh Tchechenia đòi ly khai, đã đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ khủng bố tự sát kép tại metro Matxcơva tháng 3/2010 (khiến khoảng 40 người thiệt mạng) và cuộc tấn công tại sân bay Domodedovo tháng 1/2011 (khiến ít nhất 35 người chết). Lãnh đạo phe Hồi giáo chưa có tuyên bố nào về hai vụ khủng bố tại Volgograd, vụ hôm qua và vụ ngày 21/10. 

Theo chuyên gia của nhóm International Crisis Group, phe nổi dậy Hồi giáo muốn lợi dụng thời điểm ngay trước Tết dương lịch để gây được tiếng vang lớn nhất qua truyền thông. Câu hỏi được đặt ra là, nếu Volgograd bị tấn công khủng bố hai lần trong vòng ba tháng, thì thông điệp rất rõ ràng là Doukou Oumarov đang nhắm vào Thế vận hội mùa đông tại Sotchi. 
Ả Rập Xê Út và Pháp muốn đầu tư cho quân đội Liban 



Khủng bố tại Liban cũng mà một tâm điểm thời sự quốc tế khác được báo chí Pháp chú ý, sau vụ tấn công hôm qua tại trung tâm Beyrouth, nhắm vào một nhà hoạt động chống chế độ Damas và lực lượng Hezbollah. Les Echos có bài “Liban, một lần nữa trở thành mảnh đất tấn công khủng bố”. Vụ giết hại ông Mohammed Chatah, một người được coi là nhân vật ôn hòa, đã làm sống dậy nỗi lo ngại về một làn sóng tấn công khủng bố liên tục diễn ra tại Liban từ năm 2005-2012, nhắm vào những người đối lập với chính quyền Syria và lực lượng Hezbollah, đồng minh của chế độ al-Assad tại Liban. 

Cũng liên quan đến Liban, Le Figaro có bài « Hollande sẵn sàng trang bị cho quân đội Liban nhỏ bé ». Tổng thống Pháp trong chuyến công du tại Ả Rập Xê Út hôm qua đã nêu ra vấn đề này với Quốc vương Abdallah. Trong chuyến đi này, Tổng thống Pháp cam kết Paris sẽ tiếp tục hỗ trợ vùng Vịnh về mặt chính trị, vào thời điểm mà Hoa Kỳ dường như đang có xu thế rút một phần ra khỏi khu vực này. Trong số các vấn đề của vùng Vịnh, hỗ trợ quân đội Liban là một mong muốn của Ả Rập Xê Út. Ả Rập Xê Ú hy vọng Pháp sẽ can dự mạnh hơn trong việc này, bởi quân đội Liban là một định chế cuối cùng, là biểu tượng cho sự thống nhất của quốc gia rất phân rẽ này, ở mức độ tối thiểu. Theo một số thông tin, Ả Rập Xê Út sẵn sàng bỏ ra 3 tỷ đô la để Paris giúp quân đội Liban tăng cường lực lượng. 

“Pháp, đồng minh tốt nhất của Ả Rập Xê Út tại Liban cũng như tại Syria” là tựa đề bài viết khác cũng về chủ đề này trên tờ Le Monde. 

Twitter : Doanh nghiệp mạng đắt giá nhất trên sàn chứng khoán Mỹ

Về kinh tế thế giới, sức hấp dẫn đang lên của Twitter trên sàn chứng khoán là chủ đề quan tâm chính của báo Le Monde với hồ sơ mang tựa đề “Internet : Twitter làm náo loạn chứng khoán”. Được lên sàn vào đầu tháng 11, cổ phiếu của mạng xã hội Twitter đã tăng lên gấp ba lần trong vài tuần lễ. 

Twitter, mạng xã hội được khoảng 230 triệu người sử dụng, đang trở thành doanh nghiệp mạng đắt giá nhất tại Hoa Kỳ. Tổng giá trị chứng khoán của Twitter hiện nay là 36 tỷ đô la, cao hơn gấp 60 lần doanh số dự đoán theo các nhà phân tích. Sức hấp dẫn bất ngờ của Twitter khiến nhiều doanh nghiệp mạng khác muốn lên sàn ngay vào năm tới để kiếm lời, trong cơn sốt chứng khoán này. Viễn cảnh này khiến một số nhà phân tích lo ngại có thể hình thành một bong bóng Internet mới, sau vụ bùng nổ bong bóng chứng khoán Internet vào năm 2000. 

Châu Âu chưa chuẩn bị để thích nghi với biến đổi khí hậu

Le Figaro quan tâm đến vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu vốn chưa được Châu Âu chú ý đúng mức qua bài viết “Khí hậu : Châu Âu khó thích nghi”. Tờ báo nhận định trong khi các chương trình hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính có nhiều tiến bộ, thì các chương trình thích nghi lại chậm trễ. Le Figaro tin tưởng Châu Âu sẽ đạt được mục tiêu giảm 20% lượng khí thải vào năm 2020, nhưng nhiều việc còn chưa được chuẩn bị để làm tốt việc thích nghi với biến đổi khí hậu. 

Theo Le Figaro, điều đầu tiên là cần phải thay đổi tâm lý cho rằng có thể chống lại biến đổi khí hậu, để mở đường cho cách nhìn khác : cách nhìn chú trọng việc thích nghi. Hiện tại, các kế hoạch hành động thích nghi còn chưa được cụ thể hóa bằng con số. Trong các chương trình hành động về môi trường của các cấp chính quyền Châu Âu, phần dành cho việc thích nghi chỉ mới chiếm một vài trang nhỏ, trong số một loạt các biện pháp nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Một số nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu công chúng không chú ý đúng mức đến vấn đề này, để có các hành động tương thích, các hệ quả tiêu cực có thể sẽ rất lớn. 

Pháp : Có nên trừng phạt Dieudonné

Về thời sự nước Pháp, vụ bê bối liên quan đến những lời lẽ bài Do Thái của nghệ sĩ hài Pháp gốc Phi Châu Dieudonné khiến báo chí Pháp tốn nhiều giấy mực, sau khi Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls tuyên bố nên cấm các buổi biểu diễn của ông Dieudonné, để tránh làm rối loạn trật tự công cộng. 

Trong bài xã luận trên trang nhất “Nỗi hận thù và sự tỉnh táo”, La Croix bày tỏ nỗi thất vọng về tình trạng dư luận bị lôi cuốn một cách thiếu ý thức vào một cuộc tranh luận không đáng có, với nhận định “sự ngu dốt hạ đẳng này đã làm bùng cháy dư luận suốt kỳ nghỉ”. Tờ báo Công giáo kết luận : “Đối diện với nỗi thù hận, câu trả lời không thể dựa trên tính chất chủ quan của một quyết định hành chính, mà phải dựa trên sự sắc bén của luật pháp, về nguyên tắc không thiên vị”. 

Về chủ đề này, Libération có hồ sơ trên trang nhất mang tựa đề “Dieudonné : Kiểm duyệt hay không ?”. Theo tờ báo, mọi hành động kiểm duyệt các cuộc biểu diễn sẽ phản tác dụng, và điều này chỉ khiến ông Dieudonné tự khép mình trong các ảo giác và biến mình trở thành nạn nhân.

Tuy nhiên, không nên do dự trong việc trừng phạt ông ta, nếu như ông ta phạm luật. Đặc biệt Libération khuyến cáo, truyền thông, các bậc phụ huynh, giới sư phạm nên làm tốt công việc giải thích cho công chúng, cho giới trẻ để họ thông hiểu câu chuyện này, một cách bài bản.


Hoàng Hưng & Hoàng Minh - Trò chuyện giữa nhà thơ Hoàng Hưng và nhà văn Hoàng Minh Tường quanh sự cố tiểu thuyết Nguyên khí bị cấm xuất bản

Hoàng Hưng & Hoàng Minh -

HH: Xin chào tác giả tiểu thuyết Thời của Thánh Thần. Đọc báo mạng mấy hôm nay thấy nhà văn đang gặp nạn. Chợt nhớ câu thơ của thi hào Nguyễn Khuyến: “Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông/ Nó lại lôi ông đến giữa đồng…”. Hình như ông cũng vừa bị “lèn” cho một vố đau như thế?


Nhà văn Hoàng Hưng

HMT: Cám ơn nhà thơ Hoàng Hưng đã quan tâm. Ông vận thơ Nguyễn Khuyến để vấn an tôi, quả là một lời thăm hỏi văn hoá. Tôi không bị “lèn”, nhưng còn đau hơn thế. Vì giá thân xác mình bị đau đã đi một nhẽ. Nhưng đây lại là đứa con tinh thần của mình, sản phẩm sáng tạo văn chương của mình bị bóp từ trong trứng, mới đau đớn hơn nhiều…

HH: Nhưng cơn cớ làm sao? Đọc chương trích (Sử thần Ngô Sĩ Liên) trên các báo mạng thì thấy đây hoàn toàn là một cuốn tiểu thuyết lịch sử.

HMT: Vâng. Tôi biết thời chúng ta đang sống bây giờ là mảnh đất màu mỡ cho các nhà tiểu thuyết đương đại. Nhưng sẽ chẳng có nhà văn nào thành công, nếu không tự bẻ cong ngòi bút của mình đi, tự đẽo gọt những trang văn cho tròn trĩnh, nhợt nhạt… Vì thế tôi phải chọn đề tài lịch sử, trốn vào lịch sử may ra mới an toàn…

HH: Vậy mà ông có an toàn đâu. Nghe nói Cục Xuất bản Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấm xuất bản tiểu thuyết Nguyên khí của ông? Lý do là gì nhỉ? Chỉ vì ông đã gửi bản thảo đến mấy nhà xuất bản và bị từ chối? Chỉ vì NXB Tri Thức không có chức năng in tiểu thuyết?

HMT: Những lí do kì quặc phải không? Các nhà xuất bản có thể từ chối in một cuốn sách là chuyện bình thường. Có thể có một bản thảo bị 9 nhà xuất bản từ chối, nhưng đến nhà xuất bản thứ 10 thì lại được vồ vập chào đón thì sao? Tuyệt tác Lolita của Nabokov đã từng bị tất cả các NXB ở “cựu lục địa” từ chối đấy thôi. Lý do thứ nhất là vớ vẩn. Còn lý do thứ hai, nếu NXB Tri Thức không có chức năng in tiểu thuyết, thì các vị có cho tôi in ở các nhà xuất bản có chức năng in tiểu thuyết (ví dụ NXB Văn Học, Hội Nhà văn…) không? Câu trả lời dứt khoát là: Không. Các vị nại ra lý do cho có vẻ dân chủ. Thực chất là các vị muốn bóp chết một tác phẩm khi còn chưa ra đời. Vậy đó. Rất buồn là mấy chục năm nay giới sáng tác chúng ta bị vây bủa bởi một hệ thống xuất bản không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện đúng ba mươi năm trước của ông…

HH: Về tập thơ Về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm và chuyện Hoàng Cầm với tôi bị vào tù bởi tập thơ ấy?

HMT: Ông có đọc tiểu thuyết Thời của Thánh Thần của tôi không? Ông có ấn tượng gì với nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ trong tác phẩm?

HH: Hình như ông muốn mượn câu chuyện tôi bị bắt vào Hoả Lò để viết về một đoạn đời của Nguyễn Kỳ Vỹ?

HMT: Trường hợp các trí thức bị bắt oan như Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Cung, Hoàng Hưng, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên… hồi ấy nhiều lắm. Từng người đều có bóng dáng trong nhân vật nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ của tôi. Vậy mà người ta bảo Thời của Thánh Thần là cuốn sách đen, bôi nhọ chế độ. Nhiều cuộc hội thảo, lớp tập huấn ở các hệ thống trường đảng đều nêu Thời của Thánh Thần như một cuốn sách bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa.

HH: Còn bây giờ, Nguyên khí có phải là một cuốn sách đen không?

HMT: Tôi cũng không biết nữa… Với hai lý do mà Cục Xuất bản bộ Thông tin và Truyền thông gán cho, thì không biết chừng họ còn xếp Nguyên khí trên cả sách đen. Họ không đủ kiên nhẫn chờ cho Nguyên khí xuất bản rồi mới thổi còi như lâu nay họ vẫn làm, mà họ xục xuống tận nhà xuất bản, bắt đem nộp bản thảo để kiểm duyệt. Tôi bỗng nhớ mồ ma nhà văn Trần Hoài Dương. Một đêm kia, ông choàng tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như tắm. Ông vừa mơ một giấc mơ khủng khiếp, rằng cách mạng thành công từ năm 1930 chứ không phải 1945. Nếu quả như vậy thì Thơ Mới, Tự lực Văn đoàn, Mỹ thuật Đông Dương… đã bị bóp chết từ trong trứng, chứ làm gì được tồn tại để bây giờ chúng ta tự hào có những di sản tinh thần vô giá. Và may thay, thời ấy, nhờ bọn thực dân không kiểm duyệt kỹ như bây giờ, mà những Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân… mới còn để lại được Số đỏ, Chí Phèo, Tắt đèn, Bước đường cùng, Bỉ vỏ, Vang bóng một thời…

HH: Quả là một giấc mơ khủng khiếp…

HMT: Vâng. Tận diệt văn hoá là một tội ác khủng khiếp. Triệt tiêu động lực sáng tạo của người viết, bóp chết tác phẩm khi còn trong trứng là vi phạm nhân quyền… Một nền văn học chỉ dung dưỡng những tác phẩm tụng ca, một nền xuất bản lúc nào cũng khuyến cáo các nhà văn hãy tự kiểm duyệt các tác phẩm của mình ngay từ khi ngồi trước trang viết, thì còn gì là văn chương.

HH: Qua vụ cấm xuất bản Nguyên khí, ông có thấy mình bị mất nhân quyền?

HMT: Nếu tôi bảo rằng nhân quyền là thứ xa xỉ với xứ sở này thì ông có tin không? Với trí thức, tầng lớp nhạy cảm nhất của xã hội, thì đó là nỗi đau âm ỉ. Nhân quyền của nhà văn chính là Văn quyền, quyền được viết, được công bố tác phẩm. Không có thứ quyền tối thiểu này nhà văn sẽ bị triệt tiêu động lực, khát vọng sáng tác. Người ta đặt ra luật xuất bản chỉ cốt để bó tay người viết. Nhiều người khuyên tôi khởi kiện kẻ đưa ra lệnh cấm lưu hành để đến nỗi Thời của Thánh Thần bị đầu nậu in lậu hàng vạn bản, bất cứ hàng sách vỉa hè nào cũng thấy bày bán, mà chẳng bị ai thu hồi. Tác giả, NXB, nhà nước, bị thiệt nhiều triệu đồng, độc giả bị đọc một thứ ấn phẩm vừa sai lỗi vừa mất câu… Nhưng kiện ai, thưa ông? Kẻ ra lệnh cấm luôn lẩn trong bóng tối. Không có văn bản. Chỉ một câu nói, hoặc một giọng nói qua điện thoại.

HH: Ông nói khiến tôi thấy nản. Chả lẽ hơn bẩy chục nhà xuất bản trên cả nước đều sợ hãi trước những câu nói phát ra từ bóng tối…?

HMT: Ông có tin không, khi có người bảo rằng, hầu hết các Giám đốc các nhà xuất bản trong cả nước ta đều là cánh tay nối dài của An ninh văn hoá, của Cục Xuất bản. Họ biết sách của anh hay, nhưng họ không dám in, vì họ còn phải bảo vệ niêu cơm của họ. Khi viết xong Nguyên khí, tôi có đưa cho một vài người bạn làm lãnh đạo các nhà xuất bản, vốn có viết lách, có hiểu biết văn chương. Tôi nghĩ rằng họ về hưu rồi, già rồi, còn gì phải sợ. Vậy mà sau khi đọc, họ đều lắc đầu: Rằng hay thì thật là hay, nhưng tôi xuất bản còn gay hơn nhiều. Tôi còn phải giữ cái niêu…(!). Đó, kẻ sĩ thời nay đó…

HH: Thế mới tiếc là cách đây chục năm, vẫn còn có những Giám đốc xuất bản có bản lĩnh. Như ông Nguyễn Văn Ngợi, NXB Thanh Niên, đã in Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, ông Quang Huy, NXB Văn hoá - Thông tin, dám in mấy bài thơ tù của tôi trong tập Người đi tìm mặt, ông Nguyễn Khắc Trường, NXB Hội Nhà văn, in Thời của Thánh Thần… Song, hình như mươi năm nay, chính sách xuất bản ngày càng khắt khe với những nội dung “nhạy cảm”, khiến không còn cơ hội xuất hiện những giám đốc bản lĩnh như thế nữa. Và hình như đó cũng là thông điệp mà ông muốn gửi đến bạn đọc qua tiểu thuyết Nguyên khí?

HMT: Đúng là như vậy. Qua câu chuyện vụ án Lệ Chi Viên, tôi không chỉ minh oan cho hai đại quan triều Lê sơ là Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi và Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, mà còn đề cập tới gương mặt kẻ sĩ thời nay. Họ là hậu duệ của Ức Trai tiên sinh, đau đáu với vận mệnh dân tộc, căm ghét cường quyền, nhưng nếu gặp phải một xã hội toàn trị, họ cũng đành thúc thủ, một số người cũng đành chịu chung số phận như Nguyễn Trãi thời xưa…

HH: Có nghĩa là Nguyên khí không chỉ là một tiểu thuyết lịch sử đơn thuần, mà có đề cập đến cả đương đại.



HMT: Tôi dựng lại không khí lịch sử thời Lê sơ một phần qua góc nhìn, cách đánh giá của người đương thời. Tác phẩm, ngoài hàng loạt những nhân vật lịch sử nổi tiếng, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Ngô Sĩ Liên, Trịnh Khả, Lê Thái Tông, Đinh Liệt, Lương Đăng, Nguyễn Thị Anh…. Còn có một vài nhân vật hiện đại như Giáo sư Hoàng Nguyên, Chủ nhiệm Huỳnh Đạo, Thọt Bỉ Nhân, Đỗ Chí Cao, Ngô Tháp, v.v.

HH: Tôi hiểu ra rồi… Người ta bắt lỗi ông chính là ở những trang viết về các nhân vật hiện đại và thời cuộc hôm nay. Tiểu thuyết Nguyên khí có không khí tranh biện và với một bút pháp hậu hiện đại?

HMT: Tôi có đọc về khuynh hướng hậu hiện đại. Nhưng tôi không viết theo lý thuyết. Tôi viết bằng cảm quan và kinh nghiệm của mình. Việc phân loại dành cho các nhà lý luận. Tôi chỉ tin một điều, nếu những ai đã đọc và yêu thích tiểu thuyết Thời của Thánh Thần của tôi, thì sẽ không thất vọng khi đọc tiếp Nguyên khí.

HH: Ông định sẽ công bố Nguyên khí trên mạng?

HMT: Còn cách nào khác nữa? Thời đại bùng nổ thông tin cho người viết chúng ta một khả năng bất tận, đó là anh có thể đến mọi chân trời, nếu anh đem đến cho người đọc một điều gì mới mẻ.

HH: Thầy Nhất Hạnh có câu này: “Be free where you are” (Hãy tự do ở bất cứ nơi nào anh đang ở). Tôi nghĩ không ai tước đoạt nổi tự do của người sáng tạo, trừ khi anh ta tự tước quyền mình. Nhưng quyền công bố tác phẩm lại do chính quyền từng nơi quyết định. Điều tôi cứ nghĩ mãi không ra là: Suốt mấy chục năm, họ cứ cấm, cứ bắt, cứ cắt… mãi mà kết quả bao giờ cũng chỉ là “quảng cáo” không công cho tác phẩm, tác giả bị cấm, bị bắt. Thế mà họ vẫn cứ làm như chưa hề có kinh nghiệm về tấn bi hài kịch ấy. Tại sao thế nhỉ? Phải chăng trước đây họ hy vọng nỗi sợ vô hình do họ gây ra trong toàn xã hội, mà trước hết cho “kẻ sĩ”, sẽ bảo đảm cho quyền lực toàn trị của họ, còn bây giờ thì chính họ bị kẹt cứng trong nỗi sợ vô hình bị đả kích, bị lên án, bị trở thành tội đồ của lịch sử? 

HMT: Gót chân Asin của Tần Thuỷ Hoàng chính là nỗi sợ hãi người đời phỉ nhổ. Những chế độ độc tài toàn trị mọi thời đều có gót chân như vậy. Họ sợ hãi sự minh bạch, sợ hãi mọi sự phản biện. Hình như giáo sư Ngô Bảo Châu có nói rằng: “Một xã hội không có phản biện là một xã hội đang chết lâm sàng”. Tôi lại nhớ câu của nữ nhà văn Pháp Yveline Féray, tác giả tiểu thuyết Vạn Xuân: “Tấn thảm kịch thực sự của Nguyễn Trãi, là tấn thảm kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ”. Cái xã hội quá ư bé nhỏ ấy, không chỉ tồn tại ở thời Ức Trai tiên sinh, mà ngay cả ở chế độ có bom hạt nhân của Kim Jong Un và bạn bè chúng, cũng mãi mãi quá ư bé nhỏ vậy thôi…

HH: Còn một thắc mắc nữa, tôi không hiểu vì không nằm trong “tổ chức”. Thế cái Hội Nhà văn nước ta sinh ra để làm gì nhỉ? Hội không có động thái gì bênh vực các tác giả bị sách nhiễu như anh sao? Và các đồng nghiệp của anh? Họ có phản ứng gì không?

HMT: Thưa nhà thơ, nhà thơ quá biết câu trả lời rồi, còn hỏi làm gì nữa…

HH: Ôi thôi, vậy những chuyện này không chỉ là chuyện của ngành xuất bản, của an ninh văn hoá, mà là chuyện “nguyên khí” của cả một dân tộc đang… hết hơi? Với một “nguyên khí” như thế, dân tộc này làm sao bảo vệ được sơn hà xã tắc mà cha ông truyền lại? “Một câu hỏi lớn không lời đáp”!

Nguồn: Bauxite Việt Nam


Lê Diễn Ðức - Câu chuyện văn hóa ứng xử

Lê Diễn Ðức - 


Tôi vừa có chuyến đi Ba Lan khá dài. Về lại Ba Lan, nơi tôi đã từng học tập, làm ăn và trưởng thành, có một cái gì đó thật gần gũi, tình cảm, cảm giác tựa như đi xa về lại ngôi nhà của mình. Nhưng tiếp xúc với đủ các giới khác nhau, đôi lúc tôi vẫn thấy ngỡ ngàng, có lẽ vì đã quen với cách sống Mỹ nhiều năm nay.


Ấy là trong những cuộc vui chơi, ăn nhậu, khi trò chuyện, chửi thề và đệm hai từ “Ð.M.” dường như là phổ biến, liên tục, không thể thiếu trong một câu nói. Tuy nhiên mọi người rất vui vẻ, thoải mái, chân tình, không ai thấy mình bị xúc phạm.

Một anh bạn kể về Hà Nội, khi trả tiền taxi anh cám ơn, thì bị người bạn đi cùng mắng ngay: “Ð.M., đéo gì phải cám ơn, coi chừng nó còn cho nhảy đồng hồ số nữa kìa”. Người bạn còn lên tiếng giảng giải, ở Hà Nội, ra đường gặp lưu manh, trộm cướp, không “gấu” là sẽ bị lừa gạt ngay.

Cái văn hóa ăn nói thô lỗ dường như đã ăn sâu vào giao dịch, sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở đây mà đa phần là ra đi từ miền Bắc.

Trong một xã hội con người đối xử với nhau thường nghiêng về bạo lực, có xu hướng lấn át, đè bẹp nhau, trong khi đó giáo dục xuống cấp thế thảm và những nghịch lý đạo đức cứ xảy ra thường xuyên như cơm bữa, hàng ngày, trên mặt báo chí chính thống, trên đường phố.

Cả chính quyền là một bộ máy tập trung quyền lực vào các nhóm lợi ích, thân hữu. Tham nhũng, rút ruột công trình trở thành đường dây có tổ chức, như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thú nhận. Ăn cắp hàng triệu đôla từ dự án để mua nhà cho gái chân dài như Dương Chí Dũng, cựu tổng giám đốc Vinalines, hay có quan hệ tình dục với nữ học sinh vị thành niên như chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô, là những điển hình của sự sa đọa về đạo đức.

Hồ Duy Trúc, trong phiên tòa ngày 26 tháng 12 năm 2013, sau khi bị tuyên án tử hình, cả gia đình đã chửi bới những người bị hại, rượt đánh luật sư, đe dọa thẩm phán, cho thấy một nền tảng pháp lý bị hư hỏng, mọi chuẩn mực, kỷ cương đều bị hủy hoại.

Nhà dột từ nóc. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Dân chúng sẽ chẳng có tấm gương nào để soi rõ là cơ quan công quyền. Trong khi thi hành công vụ, đặc biệt là trấn áp dân oan, những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, hoặc những người có các hoạt động dân chủ nhân quyền, lực lượng công an thường xuyên sử dụng ngôn ngữ dung tục của bọn côn đồ, xã hội đen. Ngay giữa đồn công an mà trung tá công an Vũ Văn Hiển còn nói “tự do là cái con c.” thì chẳng còn gì để bàn thêm.

Tất cả cộng với một quá khứ lâu dài của thời bao cấp, thiếu thốn đủ điều cũng tạo ra cho con người thói cựa quyền, bắt nạt giữa người làm dịch vụ và khách hàng.

Một phóng viên AFP đã từng mô tả về phở Hà Nội: “Chỗ ngon nhất lại nằm ở những hàng quán không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ, dòng người xếp hàng dài và môi trường tồi tàn nhất”.

Vào những nơi này, kiếm được chỗ ngồi đã khó, quán xá chật hẹp, bẩn thỉu, dưới nền nhà vứt đầy những mẩu giấy lau miệng, nhưng rất có thể phải ăn phở đứng. Thế nhưng vẫn chưa an tâm vì bạn có thể được “tặng kèm” những cái lườm nguýt, thái độ khó chịu, hay thậm chí... mắng chửi từ người bán hàng.

Những quán món “quà tặng kèm” có thể nhìn thấy ở quán phở trên phố Bát Ðàn (khách phải trả tiền trước và thường phải ăn trong tư thế đứng), ốc luộc “lắm mồm” ở phố Nam Ðồng (khách ngồi ăn quá lâu sẽ bị “quét” hoặc đuổi thẳng cổ để nhường chỗ cho người khác), bún dọc mùng “chửi” ở chợ Ngô Sĩ Liên, cháo gà ta “quát” phố Nhà Thờ và phố Lý Quốc Sư...

Hết bún “chửi”, cháo “quát” lại đến bánh Trung Thu “xếp hàng” trong dịp Trung Thu vừa rồi. Thời buổi thị trường tự do mà thiên hạ xếp hàng rồng rắn trước cửa hàng bánh Bảo Phương ở Hà Nội, trong không khí nóng bức, ngột ngạt, cãi vã, chửi bới nhau để khi tới lượt thì chỉ được mua ba hộp, người nào thắc mắc lập tức bị mắng và đuổi đi.

Thực ra, trên đấy chỉ là một vài câu chuyện nhỏ trong văn hóa kinh doanh, dịch vụ ở Hà Nội. Nếu kể ra những thứ kém văn hóa thì không xuể. Những người lớn tuổi ở Hà Nội cho rằng, bản thân Hà Nội không phải là nơi chứa chấp, sinh sôi ra thói hư tật xấu ấy. Người Hà Nội thuở xưa vốn nhẹ nhàng, tinh tế, khéo léo và thân thiện, ăn nói lễ phép chứ tuyệt nhiên không có hiện tượng thiếu lịch sự với khách như bây giờ. Ngay trong hoàn cảnh kinh tế nghèo khó hơn nhiều, đã từng có câu ca dao:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Họ đổ tội cho người nhập cư từ các tỉnh lẻ lên đây phá hoại truyền thống văn hóa Hà Nội. Sự pha tạp với những văn hóa của các vùng, miền khác đã hòa lẫn, làm xấu đi những nét thanh nhã, lịch thiệp của người Hà Nội xưa.

Nhưng đổ tội cách cư xử “thiếu văn hóa” cho người nhập cư không hẳn đúng, vì có thể so sánh với Sài Gòn. Sài Gòn có dân số đông hơn, tình trạng người nhập cư đa dạng không kém Hà Nội, thậm chí phức tạp hơn, nhưng văn hóa phục vụ của họ tốt hơn rất nhiều. Ði mua sắm hàng ở Sài Gòn thường được nhìn nhận thái độ nhã nhặn, vui vẻ của người bán hàng. Tính cách này dường như đã thành nền nếp, họ đã được hấp thụ tính văn minh của văn hóa thương mại của một xã hội cởi mở.

Anh bạn Ngô Hoàng Minh ở Ba Lan viết trên Facebook kể về một người Bắc nói rằng, anh ta qua du lịch Mỹ, đến Orange County, khi thuê khách sạn đã bị “đuổi” vì lý do hết phòng, rồi anh ta phải bắt chước giọng Nam mới được một tiệm phở “cho” ăn. Tôi đã viết comment phản bác lại rằng, người đó láo khoét vì không thể nào có lối văn hóa cư cử như thế ở Mỹ. Người miền Bắc ở Mỹ rất nhiều, tôi chẳng thấy sự phân biệt đối xử nào, và tính cách coi “khách hàng là thượng đế” là truyền thống, là tập quán của người Mỹ cũng như người Việt trong kinh doanh, dịch vụ.



Rõ ràng, môi trường sống là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra cách ứng xử của con người. Giống như trước đây tôi đã từng xem bộ phim “Một bông hoa và hai người làm vườn” của Ấn Ðộ. Ðể trả thù vị chánh án xét xử oan sai và nói “giỏ nhà ai quai nhà ấy”, ám chỉ phạm nhân có nguồn gốc của một gia đình xã hội đen. Phạm nhân sau khi ra tù đã bắt cóc đứa con trai nhỏ của vị chánh án và nuôi dưỡng trong hoàn cảnh của mình, dạy dỗ, đào tạo nó thành kẻ trộm cắp, lưu manh chuyên nghiệp. Kết thúc bi hài kịch là người cha, vị chánh án ấy, đã xử chính con của mình về tội giết người cướp của.

Cây cối sẽ không lớn và trưởng thành, ra kết quả trên mảnh đất khô cằn, không có bàn tay chăm sóc. Nó cũng giống như một xã hội thiếu tính nhân văn khó có thể sản sinh ra con người tử tế.

Chưa lúc nào xã hội Việt Nam lại bị lưu manh hóa như hôm nay. Người ta giẫm đạp lên nhau vì tiền. Các giá trị vật chất thay cho giá trị tinh thần nhân bản. Người ta có thể mua vài ngàn đôla tấm bằng tiến sĩ rởm để chạy chức. Cô giáo có thể phạt học sinh bằng liếm ghế. Bảo mẫu nhà trẻ có thể tát, ghì đầu em bé khi cho ăn. Người ta có thể sung sướng tranh nhau hôi của khi xe tải chở hàng bị nạn, có thể đưa ra kết quả xét nghiệm giả, đánh tráo thủy tinh thể, đưa phim chụp giả vì tiền; có thể để sản phụ chết cùng thai nhi chỉ vì thiếu phong bì; có thể giải phẫu thẩm mỹ làm chết người rồi vứt xác phi tang, hoặc lấy xương động vật làm giả xương liệt sĩ, v.v...

Tôi không nghĩ những người bạn của tôi hay nói tục là những con người xấu, ngược lại, họ là những người rất mực bình thường, nếu không nói là đàng hoàng. Tôi nói với họ ở Mỹ, trong những cuộc gặp mặt vui chơi, dường như chẳng thấy ai chửi thề, nói tục. Họ nói rằng xứ văn minh nó thế!

Cách ứng xử của những người bạn ở Ba Lan âu cũng là một thứ di căn của xã hội miền Bắc, như là sự phản ứng có điều kiện trước những cái xấu xa, hủ lậu, riết rồi trở thành thói quen, một lối nhập cuộc để sống và tồn tại. Có lẽ chính xác hơn, rau nào thì sâu đó.




Nguyễn-Xuân Nghĩa - Chuyện trăm năm... Cư an mà chẳng tư nguy...

Nguyễn-Xuân Nghĩa - 

Cứ đến hết năm, cuối một chu kỳ 12 tháng, người ta lại kiểm điểm quá khứ để dự đoán tương lai dù tương lai không nhất thiết tái lập chuyện cũ.





“Lịch sử không để lại bài học nào, mà lại trừng phạt rất nặng những ai không hiểu lịch sử”, hình như một tác giả người Nga nói như vậy. Vì càng nhìn sâu vào quá khứ càng dễ tìm ra một vài bài học, vào dịp cuối năm chúng ta cố nhìn xa hơn chu kỳ một năm.


Sao không nói chuyện trăm năm?

Trăm năm về trước, thế giới bất ngờ lao vào một trận đại chiến khiến chín triệu người chết từ 1914 đến 1918. Sau đó là nhiều thiệt hại nhân mạng khác, ở nơi khác. Cuối năm 1913, một người viết bình luận tại thủ đô thế giới thời đó là London đã nhìn thấy gì và có thể viết những gì?

Nhà bình luận không dám viết là sẽ có “Thế Chiến I”, trong ý nghĩa là sẽ có đại chiến thế giới - rồi sau đó lại còn Thế Chiến II vào năm 1939! Sáng suốt hơn thì cũng xoay viễn vọng kính về quá khứ để nói chuyện trăm năm.

Trăm năm trước đó, đầu thế kỷ 19, Âu Châu vừa bị xuất huyết về cuộc binh đao thời Napoléon nên tìm đường hòa giải. Các nước không nhắm vào nhau mà cùng nhìn về một hướng, cùng phát triển thuộc địa. Ðây đó mà có chiến trận thì cũng là ở xa, mãi tận Viễn Ðông. Vậy mà chiến tranh Pháp Phổ vẫn bùng nổ vào năm 1870. Rút tỉa bài học, các nước đều đồng ý rằng khi đã là bạn hàng thì chẳng ai rút gươm nã đạn vào két bạc. Nhờ vậy mà các nước Âu Châu đã khôn ngoan buôn bán với nhau.

Nhìn từ thủ đô London vào năm 1913, kinh tế Âu Châu đã nhất thể hóa - chữ toàn cầu hóa chưa được phát minh. Thương thuyền, tàu hỏa và cả đường dây điện thoại, tổ tiên của hệ thống Internet thời nay, cứ rộn ràng liên lạc với nhau. Cho nên, sau nhiều lầm lẫn và chiến chinh, năm 1913 mọi người đều có thể nghĩ rằng “thiên hạ thái bình” là chân lý.

Chỉ một năm sau thôi, toàn cầu bốc khói! Thế Chiến I chưa kết thúc thì Ðế quốc Nga đổi chủ qua “Cách mạng Tháng 10” vào năm 1917. Nước Ðức đại bại bị ép thì dựng lại sức bật trên nền móng khác. Việc hồ hởi tái thiết tại Hoa Kỳ cũng thổi lên bong bóng và khủng hoảng 1929 kéo dài đã tạo điều kiện cho Thế Chiến II...

Nghĩa là trăm năm về trước, bình luận gia ở London đã đoán trật. Sau đó, nước Anh nhường ngôi bá chủ cho Hoa Kỳ. Thế giới chuyển trục từ Âu qua Mỹ.

Tại nước Mỹ này, một nhà bình luận vào năm 1913 thì thấy những gì và tiên đoán ra sao?

Nhớ lời tổ phụ, đừng dây vào thiên hạ sự ở bên đó, nước Mỹ rạch ròi viết ra chủ thuyết Monroe, “Mỹ Châu là của người Mỹ”. Tây bán cầu hay cả lục địa Trung-Nam Mỹ là vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ, các nước Âu Châu xin đừng bén mảng. Không chỉ tránh xa Âu Châu, Hoa Kỳ nhìn qua Châu Á và gõ cửa Nhật Bản bằng pháo hạm vào năm 1853. Quả nhiên là Nhật phải mở cửa canh tân thời Minh Trị.

Nhưng trong khi nước Nhật vươn lên thì Hoa Kỳ lại rơi vào trận Nội chiến thảm khốc nhất lịch sử còn son trẻ của xứ này. Chuyện thiên hạ, xin cứ để đó vì nước Mỹ cần tự hòa giải với chính mình và hoàn tất cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Vào thời ấy có nhà bình luận nào tại Hoa Kỳ dám ngờ là chỉ vài chục năm sau, Nhật Bản đã khai chiến và đánh bại Ðế quốc Trung Hoa của nhà Mãn Thanh trong trận chiến Giáp Ngọ 1894? Rồi 10 năm sau thì Nhật đánh tan Hạm đội Nga ở Eo biển Ðối Mã trong trận hải chiến mà các sử gia Âu Châu gọi là có tầm quan trọng tương tự như trận Trafalgar đúng trăm năm trước.


Chiến thắng đó của Nhật đã mở ra hy vọng cho Châu Á da vàng, dẫn tới Phong trào Ðông Du tại Việt Nam và Cách mạng Tân Hợi tại Trung Quốc. Nhưng với nước Mỹ, đấy là chuyện quá xa, dù là nhìn từ Hawaii.

Vì thế giới hỗn mang như vậy, nên người Mỹ của trăm năm trước không muốn và cũng chẳng tin là mình sẽ can dự vào một cuộc chiến nữa tại Âu Châu. Vào cuối năm 1913, họ cũng đoán sai như vị đồng nghiệp ngồi ở London.

Mà chúng ta nên e là người Mỹ ngày nay chẳng khá hơn các bậc tiền bối của trăm năm về trước.

Sau Thế Chiến I, từ vòng ngoài của trung tâm thế giới là Âu Châu, Hoa Kỳ vượt lên thành đại cường trước sự tan rã của các Ðế quốc Hung-Áo, Ðức, Nga, Ottoman. Nhưng ít ai tin là nước Ðức lại nổi lên thống trị Âu Châu và bắt tay với Ðế quốc Xô Viết trong Thế Chiến II. Chẳng ai đoán là Hoa Kỳ dân chủ lại kết hợp với Liên Xô Cộng Sản để đánh gục nước Ðức và nhường phân nửa Âu Châu cho Stalin. Cũng ít ai ngờ là bên kia biển Thái Bình, Ðế quốc Nhật lại tấn công hạm đội Hoa Kỳ vào cuối năm 1941. Vì thế, cũng ít ai tin rằng Hoa Kỳ sẽ giội bom nguyên tử lên đầu nước Nhật rồi hợp tác với Ðức với Nhật như đồng minh chiến lược trong suốt thời Chiến Tranh Lạnh, cho đến ngày Liên Xô tan rã, Âu Châu tái thống nhất thành một khối với nước Ðức là cốt lõi.

Như giới bình luận Anh thời trước, rút tỉa các bài học bất ngờ của lịch sử trong thế kỷ 19, Hoa Kỳ ngày nay cũng tin rằng đã buôn bán với nhau thì chẳng ai muốn gây chiến. Kinh tế toàn cầu hóa là giải pháp khôn ngoan.

Quả thật là vào thời điểm 2014, chiến tranh khó tái diễn vì Nga Tàu Nhật gì thì cũng đầu tư buôn bán với Âu-Mỹ và với nhau. Chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa hiếu hòa và doanh gia là thành phần phản chiến nhất!

Nhưng còn thế giới Hồi Giáo?

Sau chục năm can dự lung tung, Hoa Kỳ đã ra khỏi Iraq và sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014, và đánh câu đại xá để các nước giải quyết lấy xung đột của họ, từ Syria qua Lebanon, từ Libya tới Iran. Hoa Kỳ cười cầu tài và treo miễn chiến bài với thiên hạ. Vào dịp cuối năm, người Mỹ càng thấy rằng việc đó là đúng.

Các nước kia, từ Egypt đến Lebanon hay Liên bang Nga, bị khủng bố Hồi Giáo đánh bom tự sát hay Trung Quốc ra tay đàn áp tộc Hồi tại Tân Cương càng khiến Hoa Kỳ muốn gom quân kéo về và hòa giải với mọi cường quốc gần xa.

Nhưng đấy mới là mầm loạn và chiến tranh càng dễ xảy ra, như trăm năm về trước.

Trong thế giới cứ gọi là toàn cầu hóa và thịnh vượng, có nhiều nước không được thịnh vượng và còn chối bỏ quy cách làm ăn toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa duy vật không có giá trị tâm linh và phải bị đánh đổ. Khủng bố Hồi Giáo nằm trong mạch lý luận đó và với chủ trương “Thánh Chiến” còn khơi dậy tinh thần quốc gia dân tộc trong từng cộng đồng Hồi Giáo.

Trong thế giới phồn vinh còn lại, nhiều người cũng thất vọng với kinh tế tự do và thiên về giải pháp bảo hộ mậu dịch. Ðèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ. Và chủ nghĩa quốc gia dân tộc đang được khai thác để phá vỡ hội nhập, như tại Âu Châu. Hoặc để giành lại quyền tự trị, quyền độc lập, như tại Nga, hay bên Tàu. Ngay tại Ðông Á, hai cường quốc lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều thi đua ái quốc bằng hạm đội ngoài biển...

Thế Chiến I bùng nổ tại Âu Châu không vì một đại công tước bị ám sát trong vùng Balkan mà vì chủ nghĩa quốc gia đã tạo ra nhiều chuyển động ngầm dưới mấy tầng địa chất của thời sự phù du. Những gì đang xảy ra ngày nay, trước sự thản nhiên của nước Mỹ, không nhất thiết dẫn tới chiến tranh. Nhưng ai đảm bảo là mình đoán đúng?

Cư an mà không tư nguy là sẽ gặp nguy?





Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Ghé thăm các blogs: 30/12/2013


BLOG BS HỒ HẢI 

Một dân tộc lớn hay không lớn, không phải vì dân tộc đó có một lãnh thổ rộng lớn, hay một dân số đông, hay một nền kinh tế, quốc phòng hùng cường bậc nhất toàn cầu, mà một dân tộc lớn là dân tộc có một lịch sử và nền văn hóa lớn. 

Ở đây không bàn đến chuyện văn hóa đang suy đồi đến cùng cực sau hơn 38 năm dưới sự "giáo dục" của đảng cộng sản cầm quyền. Vì cái gì cũng vậy, khi đi xuống đến tối thiểu thì sẽ tự có cơ chế bảo vệ, ắt văn hóa sẽ đi lên, khi người dân ý thức được những gì xằng bậy đã bị các chính khách gieo rắc. Bài viết này tôi muốn bàn đến bản chất của vấn đề trong văn hóa Việt cần thức tỉnh.

Lịch sử dân tộc nào cũng có bi, hùng mà không cần phải so sánh để biết được dân tộc đó lớn hay nhỏ. Ngay cả Hoa Kỳ, một đất nước đa chủng tộc, có một lịch sử non trẻ chỉ từ 1776 đến nay, nhưng lịch sử nội chiến, và tham gia giữ gìn hòa bình, dân chủ, tự do cho toàn cầu, thì nền lịch sử của Hoa Kỳ hoàn toàn đáng để gọi là vĩ đại.

Phần còn lại của sự lớn mạnh của một dân tộc là ở nền văn hóa của dân tộc ấy. Mỗi nền văn hóa của một dân tộc thì lại quá mênh mông và to lớn cho bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Nhưng để khẳng định sự to lớn của nền văn hóa ấy với toàn cầu lại là một việc khác. Những tiêu chuẩn để khẳng định văn hóa to lớn của một dân tộc không chỉ định hình nó ở trong quốc gia, mà còn sự khẳng định nền văn hóa của dân tộc ấy ra ngoài lãnh thổ biên cương.

Người Việt Nam bắt đầu biết vươn ra biển lớn từ thời thuộc Pháp. Một tầng lớp trí thức và nhà giàu đã du học, hoặc ra đi tìm vận mệnh cho đất nước, hoặc họ ở lại trời Tây, hoặc mang về tầm nhìn, kiến thức để khai sáng dân tộc. Nhưng so với văn hóa Trung Hoa, dân tộc Việt chưa bao giờ làm được sự khẳng định văn hóa Việt ra ngoài lãnh thổ.

Cho đến hôm nay, người Việt Hải Ngoại đã có mặt trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặt dù mãi đến thập niên 1970, cũng chỉ có khoảng 100.000 người Việt sống ở các nước khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia như Pháp, Hoa Kỳ và châu Âu. Nhưng "nhờ" sự có mặt của đảng cộng sản cầm quyền đã "giúp" người Việt thà bỏ thây cho cá biển, cướp biển để được sống ở Hải ngoại, dù bất cứ nơi đâu, mà nơi đó không phải là Việt Nam. Con số người Việt hải ngoại ngày nay đã lên đến khoảng hơn 4 triệu người. Đông nhất là Hoa Kỳ khoảng 2.2 triệu. Đông hàng thứ hai là Pháp và Úc khoảng hơn 300 ngàn.v.v... Nhưng người Việt chưa bao giờ có được Vietnam Town - Phố Việt - như người Trung Hoa có China Town.

Tuy không có Vietnam Town, nhưng văn hóa uống nước nhớ nguồn của dân Việt không thua Trung Hoa. Hằng năm khúc ruột ngàn dặm, mà xưa đảng cầm quyền cho là bán nước, nay là yêu nước vẫn đều đặn gửi về cho quê hương khoảng 10% GDP. Một con số không hề nhỏ so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mà có dân ở hải ngoại gửi tiền về xây dựng quốc gia.

Hôm nay là ngày cuối cùng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn phỏng vấn di dân của năm 2013, trước khi đóng cửa nghỉ tết Tây 2 tuần. Mình nhìn hình ảnh người Việt rồng rắn đi phỏng vấn để định cư Hoa Kỳ tự nhiên nghĩ về điều này, nên viết vội vài dòng để suy nghĩ về văn hóa Việt cần gì?

So sánh với người Trung Hoa, thì cho đến hôm nay dân tộc Việt không thể so sánh về cả tư tưởng, lịch sử, lãnh thổ, dân số lẫn văn hóa. Khi người Trung Hoa tự hào đội quân thứ Năm của họ trên khắp hoàn cầu - ngoài Mãn, Mông, Hồi, Tạng ở nội địa - ở đâu cũng có China Town. Nó là sức mạng to lớn ghê gớm không chỉ kinh tế, an ninh quốc phòng mà còn là sức mạnh văn hóa lan tỏa của tư tưởng Khổng Khâu và Tôn Tử của Trung Hoa.

Sẽ có người cho rằng, người Việt đã có Little Sài Gòn ở San Jose, Hoa Kỳ. Đồng ý, nhưng Little Sài Gòn không thể đại diện văn hóa Việt. Vì nó mang màu sắc chính trị hơn là văn hóa. Trong khi đó, người Việt, nước Việt cần một biểu trưng đại diện cái lớn hơn, trường tồn hơn cho dân tộc, đất nước, dù đất nước Việt có bị chịu dưới ách thống trị của một chính thể xấu xa đến cỡ nào. Người dân Việt và đất nước Việt không xấu xa như các thể chế chính trị đã và đang hiện hữu nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Sự lớn mạnh của một dân tộc cần văn hóa hơn là chính trị, dù có một nền chính trị tốt đẹp nào đi nữa thì người dân vẫn là kẻ bại trận, như câu nói của De Gaulle: "Tất cả các chủ thuyết rồi sẽ qua đi, điều còn lại cuối cùng là dân tộc!"

Vì sao chúng ta chưa có Vietnam Town? Hôm nay nói chuyện với ông bạn già hơn 30 năm sống ở Hoa Kỳ và chu du khắp thế giới, ông bảo, người Việt mình chỉ biết đoàn kết khi cùng đường, lúc còn thở được thì không biết nhìn về một hướng. Cậu thấy đấy, ngay cả trong lúc này, khi đời sống người dân đang xuống đáy, nhưng dân mình còn chưa biết đoàn kết, nói gì những lúc còn có thể thở được. Buồn!

Asia Clinic, 14h51' ngày thứ Sáu, 27/12/2013


BLOG BÙI VĂN BỒNG
  
BVB – Trong bối cảnh hiện nay, những hiện tượng thiếu tôn trọng chủ quyền dân tộc, thậm chí làm nhục quốc thể không thể đơn thuần coi là “nhận thức kém”. Liệu rằng có thực trạng ăn tiền nước ngoài, của ‘thé lực thù địch”, làm tay sai để Tuyên truyền ‘đường Lưỡi Bò’, coi thường chủ quyền dân tộc, cả việc treo cờ Trung Quốc dịp kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam. Có đơn thuần là nhận thức kém hay vô tình không? Chẳng lẽ đảng, chính quyền và cả pháp luật làm ngơ trong những hành động nêu trên?

Khi “đường lưỡi bò” phi pháp bị tố cáo đã xâm lấn cả vào sách của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam thì như thường lệ, các bộ ngành tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi chưa có một lời giải thích chính đáng vì sao thông tin sai trái về chủ quyền lại ngang nhiên xuất hiện trong học đường từ 5 năm trước.

Sau khi “đường lưỡi bò” trong phần mềm tin học lớp 7 bị phanh phui, thì ngày sau đó dư luận tiếp tục bức xúc khi thấy chúng còn có tại cuốn “Bài tập tin học dành cho trung học cơ sở" quyển 2. Cuốn sách này được nộp lưu chiểu vào tháng 6/2013, chịu trách nhiệm xuất bản là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Ngô Trần Ái và Tổng biên tập kiêm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quý Thao, Chủ biên là Phạm Thế Long.

Điều đáng chú ý là danh sách thành viên biên soạn 2 cuốn sách đều có tên ông Bùi Việt Hà - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ tin học nhà trường School@net. Ông Hà là người đã từng chỉ trích báo giới đã “làm quá” và cho rằng việc “đường lưỡi bò” xuất hiện trong phần mềm tin học là “không quá nghiêm trọng”!

Tuy các cơ quan có trách nhiệm trong ngành giáo dục đã vào cuộc và có cả công văn chỉ đạo nhưng cho tới nay, câu hỏi “Vì sao học sinh phải học đường lưỡi bò trong 5 năm?” vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn thì tỏ vẻ ngỡ ngàng và chuyển ngay trách nhiệm cho Cục Công nghệ thông tin quản lý. Ngay sau đó, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Quách Tuấn Ngọc nói trên Đất Việt là Vụ Giáo dục Trung học mới là đơn vị chịu trách nhiệm, còn Cục Công nghệ thông tin quản lý “không hề liên quan”.

Sở GD&ĐT TP. HCM khi được hỏi về vấn đề này, một mặt cho biết đã có công văn đề nghị các phòng giáo dục loại bỏ phần mềm “lưỡi bò”, mặt khác phủ nhận việc mua phần mềm nói trên từ Trung Quốc và khẳng định tài liệu là của Bộ GD&ĐT. Nhắc tới trách nhiệm, Chánh văn phòng Sở GT&ĐT TP.HCM Đỗ Minh Hoàng nói: “Nhà xuất bản Giáo dục phải có trách nhiệm hoàn toàn”! Quan điểm này đúng với tinh thần công văn của Bộ GD&ĐT gửi đi ngày 24/12 khi khẳng định sách giáo khoa “Tin học dành cho trung học cơ sở" quyển 2 không còn bài “học địa lý thế giới với phần mềm Earth Explorer”. Và không hiểu vì lý do gì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các tác giả lại cho xuất bản cuốn sách bài tập vào tháng 6/2013 liên quan đến phần mềm này?!

Trách nhiệm về sự việc “không quá nghiêm trọng”này vẫn chưa có ai đứng ra nhận. Nếu chính các nhà biên soạn giáo trình cho con em nước Việt còn mơ hồ về chủ quyền quốc gia, cơ quan chức năng không làm tròn trách nhiệm kiểm soát sự vô tâm vô cảm đó thì một loạt hiện tượng sách giáo khoa, sách tham khảo cắm cờ Trung Quốc chính là sản phẩm nằm trong dây chuyền “lỗi hệ thống”,…  Cái lỗi này đã mở đường cho những sản phẩm phản động, bôi nhọ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc len lỏi vào tận học đường. Nếu như vậy, dù có tổ chức bao nhiêu triển lãm, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cũng sẽ không bao giờ gánh được hết cái lỗi từ căn bệnh vô trách nhiệm đến đáng sợ của quan chức, cán bộ trong ngành giáo dục.

--------------
**  Trưởng ấp treo cờ Trung Quốc
Theo báo Người Lao Động, tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An người dân đã phát hiện có hai lá cờ Trung Quốc được treo lên trước cửa nhà một trưởng ấp trong hai ngày 22 và 23/12 vừa qua. Nguồn gốc lá cờ là của ông Trương Minh Trí, Bí thư huyện Đoàn Tân Trụ, trước đây là chủ tịch UBND xã Đức Tân. Ông Trí có được cờ Trung Quốc sau lần tham dự hoạt động giao lưu Đoàn với nước bạn. Người treo lá cờ được xác định là... cháu Bùi Đức Thái (11 tuổi) là con cháu trong nhà trưởng ấp và bị thiểu năng từ bé.
(Theo SM – Vĩ Thanh tổng hợp)



BLOG KIM DUNG/KỲ DUYÊN

Tác giả:  Bửu Lân (tổng hợp)

KD: Nói cho công bằng, năm 2013 này ít có những phát ngôn ấn tượng sâu sắc cho xã hội như những năm trước. Dẫu sao, cũng nên điểm lại, năm 2013, những chính khách Việt nào đã khiến cho giới truyền thông nóng bàn phím?

 ”Bao nhiêu con gấu bị tuyên là thỏ?”, “chúng ta đang nói về chúng ta”, “không thể có đặc cách với quan chức”… là những phát ngôn ấn tượng của các chính khách trong năm 2013.

‘Đặc cách’ với quan chức: Không thể chấp nhận!

“Cứ hễ có liên quan đến quan chức, gia đình quan chức là xử sự khác. Điều đó là điều không thể chấp nhận được”. Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) diễn ra chiều 2/12 trước chất vấn của cử tri về áp dụng luật pháp vào đời sống.

Trước chấn vấn của cử tri quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) về năng lực cán bộ công chức và khả năng vận dụng luật pháp vào trong đời sống trong khuôn khổ hoạt động tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng diễn ra ngày 2/12, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng cho rằng: “Đất nước có phát triển cũng từ công tác cán bộ, công tác lựa chọn cán bộ phải đúng người, phải chọn lựa người có tâm, có tầm và có tài để đảm đương vị trí, công việc cho đúng. 
Còn việc áp dụng pháp luật vào cuộc sống, bất kể anh là ai, anh phải chấp hành quy định của pháp luật. Không có chuyện va chạm xe ô tô dọc đường là rút điện thoại ra gọi cho người này người kia can thiệp giúp. Cứ hễ có liên quan đến quan chức, gia đình quan chức là xử sự khác. Đó là điều không thể chấp nhận được”.

“Hiện nay, khâu kém nhất của chúng ta là khâu áp dụng pháp luật vào cuộc sống. Yêu cầu phải chấp hành nghiêm chỉnh. Người dân cũng phải chấp hành, quan chức cũng phải chấp hành như nhau. Nếu không chấp hành thì xử phạt. Mình có những cái xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe”, ông Thanh trăn trở.

Phát ngôn nhận được nhiều ý kiến đồng tình của cử tri và dư luận. Với những chủ trương mang tính đột phá, ông Nguyễn Bá Thanh được xem là người dám nói và dám làm.

“Bao nhiêu con gấu bị tuyên là thỏ?”

Câu hỏi chất vấn Chánh án TAND Tối cao của đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII liên quan đến vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang).
Bắt đầu phiên chất vấn đối với Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII liên quan đến vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) gây chấn động dư luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) đặt vấn đề: Hàng năm vẫn còn hàng chục ngàn đơn xin tái thẩm, giám đốc thẩm cho thấy niềm tin của nhân dân chưa cao, đặc biệt là vụ án Nguyễn Thanh Chấn gây bất bình dư luận trong thời gian qua. Vậy Chánh án cho biết trách nhiệm của tòa án trong vụ việc này, trách nhiệm minh oan, xin lỗi thế nào. Liệu rằng, còn bao nhiêu con thỏ tuyên là con gấu?

Trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, trường hợp để xảy ra oan sai, nhất là với những người chịu mức án cao nhất là không thể chấp nhận được nhưng việc xác định có oan hay không phải dựa trên những quy định chặt chẽ. Dư luận chỉ là dư luận. 
“Vụ án có oan hay không phải được xem xét kịp thời thấu đáo nhưng phải theo quy định pháp luật. Nếu đúng là để xảy ra oan sai, người liên quan trực tiếp, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm. Việc ép cung nhục hình nếu có là điều không chấp nhận được nhưng nếu có phải được chứng minh”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền khiến không ít người lo ngại về tình trạng án oan sai trong thời gian qua. Đặc biệt là trường hợp hy hữu của ông Nguyễn Thanh Chấn.

“Chúng ta đang nói về chúng ta!”

Tại phiên thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII diễn ra chiều 13/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lý giải khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về quy hoạch thủy điện chiều: “Quy hoạch thủy điện mang tính đặc thù… Đây là quy hoạch của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công Thương. Chúng ta đang nói về chúng ta, chứ không phải nói về Chính phủ hay về bộ ngành này, bộ ngành khác”.

Với phát biểu này, Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh (đơn vị Quảng Nam) bình luận: “Chắc chắn là hầu hết đại biểu Quốc hội chúng ta không hiểu nổi. Chính tôi không hiểu nổi. Bộ trưởng nói “chúng ta nói về chúng ta” và nhắc đi nhắc lại mấy lần. Tôi không hiểu bộ trưởng nói gì”.

Ngay sau phiên giải trình của Bộ trưởng Hoàng, tại phiên giải lao một số đại biểu tỏ ra không hài lòng với cách lý giải của Bộ trưởng Công Thương.

Nghị quyết “gối đầu giường”

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) tại phiên chất vấn sáng 20/11 về thực trạng chạy chức, chạy quyền trong chính ngành nội vụ, Bộ trưởng bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng: “Đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị nên tôi đọc kỹ văn kiện Đại hội khóa 11, nhất là nghị quyết TƯ 4. Nghị quyết này đánh giá công tác cán bộ vẫn là khâu yếu, tình trạng chạy chức chạy quyền vẫn còn. Đây là tài liệu gối đầu giường, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu”.

Trả lời của Bộ trưởng bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình được cho là thiếu xác đáng, dài dòng và không làm thỏa mãn mong đợi của các đại biểu. Trong phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã hơn ba lần phải nhắc nhở, đề nghị Bộ trưởng Bình đi vào trọng tâm và ngắn ngọn hơn và yêu cầu Bộ trưởng trả lời lại các câu hỏi của ĐB chưa được giải đáp.

“Cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất thế giới”

Câu trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 6/11, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền đã làm dư luận bất ngờ khi nhận định, cơ quan điều tra ở Việt Nam được coi là một trong cơ quan giỏi nhất thế giới do phá án dựa vào nhân dân khi được hỏi đến vụ oan sai 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

“Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Khóa trước chúng tôi làm việc 1 tuần với FBI, thấy án an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta rất giỏi, vì công cuộc phòng chống tội phạm của ta dựa vào nhân dân”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền trả lời phỏng vấn báo chí.

Nhận định của ông Nguyễn Đình Quyền gây những quan điểm nhiều chiều trong dư luận, đặc biệt sau kỳ án oan sai 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Ra ngõ là gặp kẻ cướp

Đó là phát biểu tại buổi thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII diễn ra ngày 29/10, về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. 

“Tôi băn khoăn khi đọc báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm và thực tế, chưa bao giờ lòng dân bất an như lúc này. Cử tri nói ra ngõ là gặp kẻ cướp. Thậm chí chúng còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, uy hiếp lột tài sản… Tôi giật mình khi nghe anh ấy nói hiện tượng của Dương Chí Dũng không phải là cá biệt”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng phát biểu.

Ý kiến của ông Bùi Đặng Dũng một lần nữa khiến dư luận lo ngại về tình trạng tội phạm ngày càng manh động, nhất là tại các đô thị lớn, khi mật độ dân cư đông, tập trung nhiều thành phần.

Mong có cái nhìn khoan dung với ngành y tế

“Sự đơn độc của ngành y tế trong việc giáo dục và nâng cao y đức sẽ không thể xây dựng một đội ngũ cán bộ thầy thuốc giỏi y thuật, sáng về y đức”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. 

Đối với vụ Cát Tường, bà Tiến cho biết đó là “sự mất nhân tính chứ không chỉ là đạo đức ngành y. Nó đã gây đau đớn cho tất cả ngành y, tất cả cán bộ y tế đều không tin đó là sự thật. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc y đức là vấn đề rất lớn. Mong đại biểu và cử tri có cái nhìn khoan dung và toàn diện hơn, bởi hằng năm với khối lượng rất lớn các ca khám – chữa bệnh thì chắc chắn có tai biến…”

Phát biểu của Bộ trưởng Tiến được cho là chưa đầy đủ khi đẩy vấn đề chất lượng chăm sóc người bệnh và y đức sang cho xã hội.

Phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng

Sáng 7/11, phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Như Tiến lo ngại trước tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” đại biểu Quốc hội trước mỗi kỳ họp: “Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng”.

“Khi có tham nhũng xảy ra, chính người đứng đầu lại chỉ đạo, biến báo, nhào nặn số liệu, làm phép thuật để tham nhũng chỉ còn là khuyết điểm hoặc sơ suất, chỉ xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở, hoặc chuyển công tác lên cấp cao hơn. Vì thế, nhiều người nói: Xung quanh chúng ta toàn đồng chí tốt, “bộ phận không nhỏ” là ở cơ quan khác, ngành khác, địa phương khác. 

Có vị đại biểu tâm sự, mỗi lần ra họp Quốc hội, lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng, muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng, vì nếu phát biểu, khi còn cơ chế xin – cho, mình xin… ai cho… Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội”, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến phát biểu.

“Vinacho”, “Vinachia”

“Vinashin đã là thảm họa. Nhưng nguồn gốc thảm họa là “Vinacho”, và bên cạnh là “Vinachia”. Chia như thế nào? Đấy là sự thỏa hiệp ngầm, thỏa hiệp đen để bòn rút cái tài sản nhà nước”, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bình luận về Vinashin trong giờ giải lao phiên họp Quốc hội khóa XIII ngày 31/10.

Theo ông Dương Trung Quốc, tham nhũng liên quan đến công quỹ của nhà nước nên sẽ không xảy ra ở những lĩnh vực khác. “Nó giống như một bệnh dịch. Ai là người có liên quan đến ngân sách tài sản của nhà nước? Là cán bộ công chức, những người có quyền định đoạt, những cán bộ mà quy định trước hết là phải là Đảng viên. 

Tôi từng nói cuộc đấu tranh chống tham nhũng trước hết là cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng. Nếu ý thức được chuyện đó, nó không chỉ là sự sống còn của quốc gia mà sự sống còn của chính Đảng”, Đại biểu Dương Trung Quốc nói.

“Cho nên người ta hay nói vui như thế này: Vinashin đã là thảm họa. Nhưng nguồn gốc thảm họa là “Vinacho”, và bên cạnh là “Vinachia”. Chia như thế nào? Đấy là sự thỏa hiệp ngầm, thỏa hiệp đen để bòn rút cái tài sản nhà nước. Tôi cho đó chính là con bạch tuộc xuất hiện trong xã hội hiện đại. Cơ chế là cơ sở để giải quyết một cách căn bản nhất. Đã có thời kỳ tôi phát biểu và báo chí còn rút tít là “đấu tranh lên địa trận cuối cùng”, ông Dương Trung Quốc trăn trở.





FACEBOOK NGUYỄN ĐÌNH BỔN


Tôi nhớ hồi ấu thơ, gia đình chạy giặc sống tạm tại quận Đức Dục rồi xuống Đà Nẵng. Ở Đức Dục, mẹ tôi có trồng cà chua, khổ qua, rau muống... Khi những đám rau muống vừa lớn, lá nó không phát triển và quăn tít, nhưng vẫn ăn được. Với tính hài hước của người Việt, dù bom đạn hằng ngày, bà con kêu đó là rau muống "phi dê" bởi hồi đó uốn mái tóc quăn quăn gọi là tóc phi dê!

Sau này mới biết, rau muống quăn như vậy là do người Mỹ rải thuốc khai quang trong các cánh rừng, làm ảnh hưởng đến gần như tất cả những vùng rộng lớn từ núi rừng, thôn quê, thành thị... Dù vậy khi đó người ta chưa cho đó là một chất độc với con người nên dù hoa màu có ảnh hưởng, người dân vẫn cứ ăn. 

Những năm sau chiến tranh, người Việt sinh ra nhiều quái thai, dị dạng, rồi đủ loại bệnh hiểm nghèo tấn công tới tấp. Sau khi người Mỹ thừa nhận các loại hóa chất rải trong chiến tranh Việt Nam, có chứa lượng dioxin đủ để tạo ra khả năng gây bệnh cho người, thì tất cả nguyên nhân của các bệnh trên đều quay về một chính danh thủ phạm: chất độc màu da cam! Nhà nước còn tổ chức một hội có tên "Nạn nhân chất độc màu da cam" để đi kiện các công ty hóa chất Mỹ một cách rầm rộ nhưng đến nay vẫn chưa thành công bởi khó có thể chứng minh một cách thật rõ ràng, khoa học tác hại của nó... Đã có hàng ngàn bài báo viết về cái chất độc hại này và người ta minh họa bằng đủ hình thù dị dạng từ thai nhi đến người tâm thần lớn tuổi, và trong những bài báo đó thậm chí có phóng viên còn dựa vào tên gọi để cho rằng cái chất "siêu độc hại" này... màu da cam!

Qua tìm hiểu, tôi cũng không phủ nhận tác hại của hóa chất này, nhưng không tin nó là thủ phạm duy nhất như cái cách người ta đang muốn nói. Theo các nhà khoa học Mỹ- Việt công bố, nồng độ dioxin cao nhất là tại 2 vùng gần sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa. Thế nhưng có phải 2 địa phương này là nơi sinh ra quái thai dị dạng hay ung thư hàng đầu đất nước đâu? Phần lớn những quái thai, tâm thần được báo chí nêu lên chỉ từ Quảng Trị ra Bắc, và họ lý giải là do người cha, hoặc bây giờ là người ông đi bộ đội, hít phải độc chất này, lưu lại trong tế bào và truyền lại cho con cháu!!!

Nghe cũng khá mơ hồ. Ví như người làng tôi và cả vùng miền Trung hồi đó, đều ăn rau phi dê, mà có mấy ai báo cáo gia đình mình nhiễm chất độc màu da cam? 

Trong khi đó hóa chất cực kỳ độc hại tại phía Bắc đã có từ thời xây dựng những nhà máy mà không xây qui trình thải an tòan, ví như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, xây dựng năm 1959 và chất thải độc hại chảy thẳng xuống sông! Đó chỉ là một ví dụ xa xôi, còn ngày nay mới thật kinh hoàng. Không đâu hơn lúc này, người Việt bị hàng hóa độc hại bao vây một cách nghiêm trọng, mà phần lớn xuất phát từ Trung Quốc. Từ quần áo, rau củ quả, các chất bảo quản độc hại đến cả búp bê... và hiện nay các cơ quan nhà nước vẫn đổ lỗi vòng vòng về mặt quản lý và trách nhiệm, mặc cho hàng Tàu tràn ngập khắp các hang cùng ngỏ hẽm, nơi đâu cũng một màu đỏ China trên đất nước này!

Nè, các vị. Sao không thành lập cái Hội Nạn nhân chất độc China và nếu chưa đi kiện họ thì giúp dân tẩy chay hàng của họ? Hay là các vị tin rằng mình vô nhiễm bởi mình chỉ xài hàng Nhật, ăn thịt bò Úc, cam Mỹ và con cháu đã gửi sang các xứ tư bản giảy chết để tẩy độc?


BLOG QUÊ CHOA


AFR Dân Nguyễn 

Năm trước ông DTQ, đại biểu QH bị chửi thậm tệ.

Năm nay ông vừa bị mắng.

Năm ngoái ông bị đồng nghiệp chửi. Bài chửi “Tứ đại ngu” do người khùng, đại biểu QH Hoàng Hữu Phước soạn rồi chửi, rồi…xin lỗi!...

Năm nay ông bị mắng không bởi người khùng, nếu có chỉ là người…không bình thường chút thôi- Ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao.

Hình như  cứ ai đụng đến nhà sử học, vị đại biểu QH nhiều khóa này đều nổi…tai tiếng thì phải.

 Được biết đến như một người hay có những câu chất vấn ấn tượng trong các kỳ họp QH, ông có vẻ được Nhân Dân mến mộ, trong khi các đồng chí X, đồng chí Y thì tất nhiên là không rồi, nếu không muốn nói ghét ông đằng khác… Âu cũng là “Tai nạn nghề nghiệp”. Nếu ông cứ ngủ gật, hay cứ ngồi im như nhiều trăm kẻ khác năm đôi lần xách catap đến Hội trường Ba Đình, thì ông đâu bị chửi bị mắng.

Hãy khoan nói tới lý do vì sao ông bị người bên BNG mắng. Hãy điểm qua thành tích “Ghi bàn” và cả “Đốt lưới nhà” của vị đại biểu may mắn chưa vào đảng này…

Những bàn thắng của ông có lẽ mọi người còn nhớ, vì thế xin phép không được nêu ra đây. Như vậy hơi bất công, nhưng cũng tránh được dài dòng. Chỉ xin nhắc lại mấy pha “Đốt lưới nhà” của “Cầu thủ” này.

 Còn nhớ mấy năm trước, khi người ta đem vị ts họ Cù ra xử vì tội đòi đa nguyên đa đảng, nhất là dám kiện ông thủ tướng…thì nhà sử học có câu phát biểu như trích dẫn từ dân gian: “…Nói phải củ cải cũng phải nghe!...”.

Phải chăng ông DTQ nói vậy là muốn bênh khéo người bị kiện? Rằng muốn bảo rằng vị ts nọ bị đi tù là đáng lắm, bởi “nói không phải” (?)…

Nhưng người ta phải hiểu thế nào, khi vị đại tướng huyền thoại cũng như nhiều nhân sỹ khác của Đất Nước góp ý rất tâm huyết về việc dừng Dự án bauxit Tây Nguyên, sao “Củ cải” không chịu nghe? Không lẽ vị đại tướng cũng “Nói không phải”? Không những không “Nghe”, mà “Củ cải” còn không thèm trả lời thư của đại tướng-một hành động rất khiếm nhã…

Thật tiếc, nhà sử học đáng kính không nhận thấy một điều hết sức rõ ràng rằng, “Củ cải” hầu như không bao giờ biết lắng nghe ai, từ đơn thư của người Dân cho tới góp ý của các trí thức yêu nước…

Lần khác, trả lời VTV News, ông nói đại ý: Về vấn đề Biển Đông, cần phải trang bị cho người Dân những kiến thức hiện đại về luật biển…

Lời phát biểu đó đáng lưu ý là nó được đưa lên trong khi cuộc biểu tình của Nhân Dân hai tp HN và SG đang diễn ra và đang bị đàn áp dưới mọi hình thức bởi nhà cầm quyền. Họ nói đại rằng các cuộc biểu tình đó bị các thế lực thù địch lợi dụng(?). (Trong khi trải qua 11 cuộc biểu tình, nhà cầm quyền, với lực lượng CA vừa chìm vừa nổi, cả lực lượng dân phố dân phòng hùng hậu cũng không bói đâu ra một tên phản động…). Điều cần bàn ở pha “Đốt lưới nhà” này là: Có cần phải “Trang bị những kiến thức hiện đại về biển, luật biển” cho Nhân Dân? Và nếu là cần thiết, thì bao giờ và bằng cách nào để “Trang bị” cho Dân những “Kiến thức” đó? Nói như ông khác nào bảo phải phổ cập đại học cho toàn Dân. Nói như ông khác nào bảo khi nào được nhà cầm quyền “trang bị” cho những kiến thức đó mới hiểu được đâu là biển đảo của mình, và mới biết biểu tình là đúng sai!?...Rồi thì lúc đó có biểu tình thì biểu tình…

Ngoài ra còn vài lần ông “Đốt lưới nhà”, như lần trả lời pv hãng thông tấn BBC liên quan tới vấn đề Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN, hay cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam của VN những năm 80s...ông cũng chưa có cái nhìn thật thấu đáo khách quan của sự kiện. Hay khi bị chửi “Vô tư” bởi “Đại biểu tâm thần” HHP, ông, hình như phát hoảng nên có ngay bài viết trần tình về con đường đưa ông trở thành nhà sử học là bởi cuốn sách (Mà ông khẳng định vô cùng bổ ích!). Đó là cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, tác giả Trần Dân Tiên. Ai cũng biết Trần Dân Tiên là ai, và cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” “Kể” gì trong đó…Cũng cần nói thêm, khoảng 7 năm về trước, khi trả lời pv báo ANTG, ông còn nói “…Nếu muốn nói sự thật, trước hết tôi cần phải giữ cái đầu!...”. Với câu phát biểu này, ông cho thấy ông không phải là Tư Mã Thiên. Tuy nhiên, cũng qua lời phát biểu đó, ông đã gián tiếp tố cáo cái thể chế mà ông và Nhân Dân của ông đang sống, không có đất cho những ai muốn nói sự thật!!!


Nhà sử học của chúng ta nổi tiếng khá lâu rồi; Trong khi cái ông thứ trưởng ngoại giao tên Sơn thì mới nổi… tiếng gần đây thôi. Ông Sơn (Hình như còn kiêm cả chức Chủ nhiệm UB về người Việt ở nước ngoài), người vừa mắng nhà sử học, được nhiều người biết đến gần đây với phát biểu rất dễ thương, thể hiện vừa tâm, vừa tầm của con nhà ngoại giao. Ông nói về cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt ở hải ngoại phản đối một quan chức hàng đầu của nhà nước VN nhân chuyến công du của ông này, rằng những người này biểu tình vì thù hận và vì…tiền. Câu nói của ông Sơn đúng một nửa. Nửa kia chẳng khác một lời thóa mạ “Khúc ruột ngàn dặm”. (Phát biểu như thế, ông Sơn đã quên rằng, đảng ta luôn khẳng định Cộng đồng người Việt hải ngoại là bộ phận không thể tách rời của Dân Tộc; rằng đảng luôn quan tâm chăm lo(!) tới đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng của bà con Việt kiều…).

Ông Sơn cho rằng người ta đi biểu tình vì tiền là nói liều, thiếu suy nghĩ, là “Suy bụng ta ra bụng người”. Còn bảo người đi biểu tình vì thù hận, thì chính ông và nhà nước cộng sản phải tự hiểu điều đó. Không thù hận sao được, khi chính các đồng chí của đồng chí đã đẩy gia đình họ vào cảnh nhà tan cửa nát, phải “chia lìa đôi ngả”, kẻ ra đi người ở lại. “Chia lìa đôi ngả” còn bởi âm dương đôi đường…

 Trở lại lý do đồng chí Sơn mắng nhà sử học. Xuất phát từ chuyện thi thố sắc đẹp của cô Trần thị Quỳnh. Nguyên nhân bắt đầu từ dải băng cô Quỳnh đeo tên nước bị ghi sai thành Vietnem. Ông DTQ cho lỗi đó không đáng gì, trong khi đồng chí Sơn thì coi đó là sự sỉ nhục…nhân cái sai này, đồng chí Sơn khẳng định các người đẹp của ta rất dốt về lịch sử…(Giống ai đó làm ngoại giao nhưng dốt về ngoại giao…).

Thiết nghĩ trước hết phải xem chữ Vietnem là chính tay cô Quỳnh viết, hay dải băng mà cô đeo có tên nước bị viết sai là do người khác đem đến, cô chỉ việc đeo vào…

Những cuộc thi hát, thi thời trang, các ca sỹ, người mẫu thường được người ta make up… rồi cứ thế mà ra, mà biểu diễn trình diễn… Sự thật thì dù có khiếm khuyết gì, họ cũng khó phát hiện ra, đành phải “Nhờ” khán giả hay Ban giám khảo “Phát hiện” hộ. Các diễn viên thường hồi hộp, lo lắng, vì vai diễn của mình, nhất với người lần đầu xuất hiện trước công chúng, mà lại nhút nhát thiếu tự tin…

Huống hồ một cuộc thi QT về sắc đẹp. Người thi có biết bao mối lo lắng bận tâm. Họ phải chú tâm vào những điều được căn dặn, được học hỏi từ trước, bước đi thế nào, ánh mắt ra sao, động tác quay, dáng đứng…nên cái dải băng mà ai đó đưa cho người đẹp đeo, nếu có sai sót, thì lỗi, trước hết phải thuộc về người khác, những người khác. Thậm chí cô Quỳnh, thay vì phải xin lỗi có thể kiện ai đó dù vô tình hay hữu ý đã làm nên cái sai của cô. (Đấy là với điều kiện cô Quỳnh chỉ là người nhận dải băng từ tay người khác).

Vì vậy, nhà sử học trong trường hợp này tỏ ra có lý, khi cho rằng đồng chí Sơn “Nâng tầm quan trọng hóa” khi coi việc ghi sai tên nước là sự sỉ nhục…

 Ôi, đồng chí Sơn có lòng tự tôn Dân Tộc, thật đáng khen thay. Nhưng những lần quốc thể bị lăng nhục, sao không thấy đồng chí Sơn và các đồng chí của đồng chí lên tiếng kêu “Nhục” nhỉ. Những lần tàu “Nước Lạ”  xuất phát từ nước “Láng giềng bốn tốt” xâm phạm lãnh hải VN, ngang ngược hung hãn đánh, bắt, cướp ngư dân VN, đến mức Nhân Dân VN, dù biết sẽ gặp sự đàn áp bắt bớ đe dọa của nhà cầm quyền, vẫn xuống đường biểu tình… Chẳng lẽ đồng chí Sơn không thấy nhục trong những lần đó sao? Và còn cái vụ “Cờ sáu sao” –cờ lạ xuất hiện ở VN tới những hai lần. Lần đầu ngay sau khi nó xuất hiện trên bản tin thời sự của VTV (Truyền thông của đảng độc quyền), đã bị báo Lề Dân la lối rầm trời cảnh báo… Thế mà mấy tháng sau, cờ sáu sao vẫn ngang nhiên xuất hiện trên lãnh thổ VN. Sau khi bị dư luận la lối quá trời, Ban lễ tân thuộc BNG (Của đồng chí Sơn) mới có lời xin lỗi dành cho…đại sứ quán Trung Quốc(!)… Có kẻ ác khẩu còn cho rằng đây là một việc làm cố ý, thậm chí là việc làm có mưu đồ của thế lực (Không thù địch).

Đồng chí Sơn suy nghĩ gì về trường hợp này?

Nếu đồng chí có lòng tự tôn Dân Tộc cao như vậy, hẳn phải thấy sỉ nhục trong những trường hợp dân ta ở Tây Nguyên bị đánh đập tàn bạo khi bén mảng tới gần “Lãnh thổ” của “Người lạ” trong cái gọi là Dự án bauxit Tây nguyên chứ? Ngư dân mình bị nó đánh, nó bắt nó thu hết ngư cụ, nó bắt nộp tiền chuộc. “Nhục quá trời!”! (Có nhà văn đã uất ức thốt lên như thế) mà chẳng thấy đồng chí Sơn thở dài hay ho he nỗi nhục… Vậy mà chỉ có mỗi sơ xuất tên nước (Mà lại không phải lỗi của người Việt thí sinh), mà đồng chí Sơn thấy đó là sự sỉ nhục. Dám hỏi do ĐỘNG CƠ nào mà đồng chí Sơn nổi hứng thấy sự sỉ nhục thế?

 Vậy rõ ràng, nỗi nhục mà đồng chí Sơn thấy ở đây, không phải tên nước hay quốc hiệu bị người ta ghi sai, mà nếu có, nỗi nhục này ắt hẳn xuất phát từ việc nhà sử học dám “Dạy” BNG. Thì trong lời mắng mỏ của mình, đồng chí Sơn chả nói tới còn gì. Cô Quỳnh chỉ là cái cớ cho nỗi nhục mà đồng chí Sơn nói tới. Cũng có thể đồng chí Sơn chẳng thấy nhục hay sự sỉ nhục gì cả, mà chỉ là ai đó “nhờ” đồng chí nhân vụ này mắng cho nhà sử học mấy mắng.

Dù thế nào, ngôn ngữ đồng chí Sơn xổ ra cách hằn học (Chưa đến mức chợ búa), cũng cho thấy đồng chí chưa thật “Cao tay”. Nếu ghét ông nhà sử học, thậm chí là ghét cay ghét đắng, thiếu gì cách hạ nhục mà không cần phải có bài Tứ đại ngu, hay như bài mắng vừa rồi vu cho ông DTQ cái tội dám dạy cả BNG, Bộ VH, TT và DL…Đồng chí cứ “Dạy” lại vị ĐBQH này, để làm giảm uy tín của ông ta trong Nhân Dân, ví như bảo ông đừng có nêu lên cái gọi là văn hóa từ chức làm gì cho mất thời gian, vì Dũng này xuống sẽ có Dũng khác lên. Hùng này đi có Hùng khác về. Đồng chí X cũng như đồng chí Y cả thôi…, rằng sao ông không nêu những câu chất vấn xoáy mạnh vào những điều đã ghi trong HP minh định quyền con người hết sức căn bản như quyền biểu tình, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội…và chốt lại bao giờ những quyền đó được thực thi… Chưa nêu được những câu hỏi đó, hoặc nêu lên rồi bỏ đó, không rốt ráo đến cùng, khác nào đánh trống bỏ dùi… Vậy là Nhân Dân sẽ hết “Mê tín” nhà sử học đáng kính thôi mà. Làm gì phải ầm ĩ hằn học quá vậy.

Thôi đã trót mắng rồi thì dừng lại ở đó, đừng phẫn chí mà chửi như nghị Phước, kẻo lại phải xin lỗi, khác nào tự “Đốt lưới nhà”.

 Dec/27th/2013

Tác giả gửi  Quê Choa
B ài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả