Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013
Thụy My - LS Nguyễn Văn Đài bị cản trở gặp đại diện ngoại giao Pháp, nhà báo Phạm Chí Dũng bị câu lưu
Thụy My (RFI) -
Ngay sau khi Việt Nam mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã liên tiếp xảy ra một số sự kiện cho thấy có vẻ như vẫn chưa có gì thay đổi đối với các nhà bất đồng chính kiến và các cây bút bình luận độc lập.
Hôm qua luật sư Nguyễn Văn Đài bị ngăn trở tiếp xúc với ông Jean-Philippe Gavois, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, và hôm nay 29/11/2013 đến lượt nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bị câu lưu nhiều tiếng đồng hồ.
Luật sư Nguyễn Văn Đài (Trái) và nhà báo Phạm Chí Dũng - (DR)
Trả lời RFI Việt ngữ, luật sư Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội kể lại chi tiết sự việc :
LS Nguyễn Văn Đài: Tôi có hẹn trước với ông Bí thư thứ nhất của đại sứ quán Pháp tại Hà Nội là Jean-Philippe. Theo lịch hẹn thì khoảng 10 giờ sáng ngày 28/11 chúng tôi sẽ gặp nhau tại quán cà phê Gecko ở trên địa bàn Bách Khoa. Bởi vì từ khi tôi ra tù ngày 06/03/2011 thì hiện nay tôi vẫn đang bị quản chế, nên không thể ra khỏi khu vực của mình, và hầu hết các cuộc gặp giữa tôi với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đều trong phạm vi phường Bách Khoa.
Từ sáng sớm tôi đã biết tin là cơ quan an ninh theo dõi chặt chẽ các buổi gặp này. Đúng 10 giờ tôi đến và chờ ông Jean-Philippe ở đó. Khi ông tới nơi, tôi có chỉ cho ông xem những nhân viên an ninh đang quây xung quanh khu vực chúng tôi đứng, và hỏi ông có ngại khi gặp tôi không. Ông nói là không có vấn đề gì cả, tôi cũng muốn xem cơ quan an ninh Việt Nam sẽ đối xử với chúng ta như thế nào, bởi vì cuộc gặp này là hoàn toàn hợp pháp.
Rất nhiều nhân viên an ninh dùng máy điện thoại chụp ảnh chúng tôi, thì ông Bí thư thứ nhất cũng lấy điện thoại của ông ra chụp ảnh lại họ. Sau đấy chúng tôi lên trên quán ngồi nói chuyện.
Cuộc gặp mới diễn ra được chừng khoảng bảy, tám phút gì đó thì người chủ quán đến nói là trưởng công an phường Bách Khoa đã gọi điện thoại cho anh, gây sức ép với anh là phải đuổi chúng tôi đi khỏi quán. Không được bán hàng và không cho phép ngồi tại chỗ, nếu không thì quán này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Tôi nói rằng chúng tôi còn chờ một người bạn nữa tới rồi sẽ đi, chúng tôi không muốn để anh bị phiền hà. Chúng tôi ngồi thêm được ít phút nữa thì anh ta lại đến nài nỉ nói là bây giờ không đi không được, bởi vì công an gây sức ép rất lớn. Họ nói là không đi thì họ sẽ đóng cửa quán của anh ấy.
Đúng lúc đấy, ngoài tôi ra còn có anh Phạm Chí Dũng, là một blogger đồng thời là người bất đồng chính kiến rất nổi tiếng ở Saigon ra, cũng tham dự cuộc gặp này. Sau đấy chúng tôi đi tìm những quán khác cũng trong địa phận phường Bách Khoa để tiếp tục câu chuyện.
Khi vào một quán gần đó, mới ngồi khoảng ba, bốn phút thôi – trên đường đi thì công an và an ninh đã đi theo phía sau rồi – ngay lập tức công an nói với chủ quán là không được phép bán hàng hay phục vụ cho chúng tôi. Chúng tôi bèn trao đổi với nhau là ngồi nói chuyện thôi chứ không cần phải dùng đồ uống ở đây, và khi kết thúc cũng sẽ trả tiền cho chủ quán mặc dù họ không phục vụ.
Thế nhưng cũng chỉ được hai phút thì chị chủ quán chạy từ dưới tầng một lên tầng hai. Chị nói : « Chúng tôi không biết các anh là ai, nhưng công an họ ép chúng tôi phải đuổi các anh đi, nếu không họ sẽ phá hểt cả quán của tôi ». Và hiện giờ công an đã đến để tịch thu tất cả bàn ghế của họ ở trong quán rồi.
Chúng tôi trao đổi rất nhanh với nhau, thôi thì sẽ dời cuộc gặp này sang một thời gian thích hợp. Trong thời gian ngắn thì chúng tôi cũng đã kịp nói với nhau những vấn đề quan trọng nhất rồi, và làm quen với nhau.
Khi chúng tôi xuống thì thấy phía bên ngoài quán rất nhiều công an mặc thường phục cũng như sắc phục đang tịch thu những đồ đạc của quán đó. Sau đấy chúng tôi chia tay nhau. Ông Bí thư thứ nhất lên xe trở về sứ quán còn tôi và anh Phạm Chí Dũng quay về nhà.
Ông Nguyễn Văn Đài cho biết thêm:
LS Nguyễn Văn Đài : Tôi cũng nghe câu chuyện là Phạm Chí Dũng sáng nay có đi gặp bác Nguyễn Thanh Giang, cùng với một số bác cán bộ lão thành cách mạng có tư tưởng dân chủ, thì một số người cũng bị cơ quan an ninh bắt và câu lưu.
Lúc nãy trước khi anh Phạm Chí Dũng lên máy bay, tôi có nói chuyện với anh. Anh nói rằng họ đã lập biên bản cảnh cáo anh, vì anh đã có cuộc gặp với Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và một số người khác ở Hà Nội.
Tôi rất ngạc nhiên ! Việc công dân Việt Nam gặp nhau và chuyện hết sức bình thường. Thậm chí còn có quyền hội họp và rất nhiều quyền khác, mà tại sao cơ quan an ninh Việt Nam lại cảnh cáo công dân khi họ tiếp xúc với các công dân khác, dù luật pháp Việt Nam không có điều nào cấm các công dân gặp nhau.
Không những không bị cấm, mà còn là quyền của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp, trong pháp luật cũng như Công ước quốc tế. Đó là một điều rất nực cười !
Việt Nam vừa được bầu và trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đến ngày 01/01/2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Nhưng không hiểu sao cơ quan an ninh lại có những hành động rất là vi phạm nhân quyền như vậy, xâm phạm trực tiếp đến quyền của người dân Việt Nam. Tôi không hiểu là khi trở thành thành viên chính thức rồi thì những chuyện gì sẽ xảy ra, người dân chúng tôi vẫn chưa biết được.
Về phần cây bút bình luận Phạm Chí Dũng sau khi được trả tự do, khi đang chờ lên máy bay trở về Saigon đã cho chúng tôi biết như sau :
Nhà báo Phạm Chí Dũng
Sáng nay, ngày 29/11 tôi có hẹn với tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang. Ông rất nhiệt tình mong tôi tới chơi, và tôi cũng muốn đến thăm, vấn an sức khỏe của ông vì lâu nay chưa có cơ hội. ôi hy vọng được gặp ông Giang lần đầu tiên.
Sáng nay tôi đi cùng với anh Lê Quốc Quyết, là em ruột của luật sư Lê Quốc Quân. Khi chúng tôi đến theo đúng hẹn 9 giờ sáng thì đã thấy có những nhân viên an ninh mặc thường phục lẫn sắc phục đứng ở cửa. Họ đề nghị chúng tôi không vào. Khi chúng tôi hỏi tại sao thì họ không nói lý do, và ngay lập tức họ mời chúng tôi đến đồn công an Trung Mỗ, xã Trung Văn huyện Từ Liêm để làm việc.
RFI : Theo như trên mạng thì lúc đó có đến khoảng gần 50 nhân viên công an ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Thật ra lúc đó tôi không quan sát kỹ, nhưng tôi thấy trước mặt mình khoảng sáu, bảy người. Và khi đưa về đồn Trung Mỗ làm việc với tôi, có lẽ phải lên tới mười một, mười hai người.
Bộ phận an ninh làm việc với tôi ngày hôm nay tự xưng là cơ quan an ninh điều tra của công an Hà Nội, tức là PA 24. Sau đó có một người tự xưng là người của Cục Bảo vệ Chính trị 7 Bộ Công an, thì tôi mới nhớ ra Cục này cũng chính là cơ quan đã phối hợp với công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt tôi vào tháng 7/2012.
Khi đến đó, một lúc sau anh Lê Quốc Quyết được cho về. Còn tôi thì phải làm việc suốt từ 9 giờ sáng cho tới 3 giờ chiều. Họ hỏi rất kỹ tôi ra Hà Nội làm gì, gặp gỡ những người nào, và có ý đồ… gì không.
Tôi cũng nói rất rõ, tôi ra kỳ này có mục đích khảo sát về xã hội dân sự. Vì xã hội dân sự hiện nay theo tôi là một quan niệm khá rõ ràng, và tận dụng được những mặt mạnh của xã hội dân sự thì thể chế chỉ có tốt lên mà không yếu đi. Và tôi muốn gặp gỡ một số nhân vật để khảo sát. Đây là giai đoạn một của tôi, khảo sát những nhân vật ngoài đảng và giai đoạn hai nếu có thể được thì năm sau tôi sẽ khảo sát, thăm dò ý kiến những nhân vật trong đảng về xã hội dân sự.
Mục tiêu là tôi sẽ viết một cuốn sách nghiên cứu về xã hội dân sự ở Việt Nam. Theo tôi biết, cũng đã có những tín hiệu Nhà nước Việt Nam đang chủ động nghiên cứu và vận dụng xã hội dân sự vào những điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Tôi cho đó là một điều rất bình thường. Và việc gặp gỡ những nhân vật này, nhân vật kia, cho dù trước đây những nhân vật đó có thể đã bị bắt, nhưng sau đó cũng không có vấn đề gì và theo tôi thấy thì những nhân vật đó cũng ôn hòa thôi.
Nhưng cuối cùng sau cuộc làm việc, cơ quan an ninh đã làm một biên bản cảnh cáo tôi, liên quan tới việc gặp gỡ những người như ông Nguyễn Thanh Giang, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân.
Thực tình cảm giác của tôi, tôi cho là việc họ làm việc và giữ tôi trong vòng sáu tiếng đồng hồ cũng là bình thường thôi. Đối với tôi đó là chuyện nho nhỏ, không đáng kể. Có điều tôi vẫn ngạc nhiên là tại sao Nhà nước Việt Nam mới được chấp nhận vào Hội đồng Nhân quyền nhanh đến thế và hào hứng đến thế, mà lại hạn chế quyền đi lại và thăm hỏi của người dân.
Đó là một câu hỏi mà tôi nghĩ có thể là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên đặt ra đối với Nhà nước Việt Nam, đối với trường hợp những người như tôi hoặc như luật sư Nguyễn Văn Đài và kể cả những người khác nữa, có phải là thái độ tôn trọng nhân quyền hay không.
Phạm Thị Hoài - UY TÍN CỦA BÁO VĂN NGHỆ
Phạm
Thị Hoài -
Chuyện
không thể lãng xẹt hơn: Một nhân viên sân golf tại một khu du lịch bị truy tố
về tội trộm
cắp tài sản của khách. Một nhà thơ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, phóng
viên báo Văn Nghệ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, kiêm luật gia, hội
viên Hội Luật gia Việt Nam, ông Phùng Thế
Dũng, bị gia đình bị cáo – thông qua một luật sư thuộc Đoàn Luật sư
Khánh Hòa – phát giác đã nhận 70 triệu đồng với lời hứa sẽ dàn xếp, lo trọn
gói để bị cáo được giảm án và hưởng án treo, nhưng thất hứa. Vụ chạy
án không thành, bị cáo vào tù và nửa năm sau ông Dũng bị khởi
tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gần một năm rưỡi sau, quyết
định khởi tố bị hủy bỏ.
Nhưng đoạn kết thì có phần thú vị: Văn phòng đại diện báo Văn Nghệ tại Nam Trung bộ có công văn yêu cầu Đoàn Luật sư Khánh Hòa chỉ đạo đăng tin xin lỗi công khai trên báo tỉnh vì đã “làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của báo Văn Nghệ và nhà báo Phùng Thế Dũng“. Song thay vì chỉ đạo xin lỗi, Đoàn Luật sư Khánh Hòa lại công khai từ chối yêu cầu của báo Văn Nghệ.
Nhưng đoạn kết thì có phần thú vị: Văn phòng đại diện báo Văn Nghệ tại Nam Trung bộ có công văn yêu cầu Đoàn Luật sư Khánh Hòa chỉ đạo đăng tin xin lỗi công khai trên báo tỉnh vì đã “làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của báo Văn Nghệ và nhà báo Phùng Thế Dũng“. Song thay vì chỉ đạo xin lỗi, Đoàn Luật sư Khánh Hòa lại công khai từ chối yêu cầu của báo Văn Nghệ.
Chạy là bản
năng sống còn và mệnh lệnh tồn tại ở Việt Nam thời đại chuyên chế vô chính phủ này,
là động từ quan trọng nhất trong tiếng Việt hiện đại, là hành vi xã hội chủ
đạo, là con đường nhận thức thế giới hiệu quả nhất và trải nghiệm nhân sinh sâu
sắc nhất của chúng ta. So với những “tử hình chạy chung thân, chung thân
chạy đặc xá” chẳng hạn thì chuyện chạy cái án treo với cái giá 70 triệu khá
khiêm tốn quả thật không có gì đáng để mất danh dự. Nếu mất thì cả một xã hội
đang đồng lòng và đồng lõa chạy đã mất cả rồi. Song công cuộc đi đòi
danh dự của ông Dũng vẫn đáng quan tâm, ít nhất để xác nhận rằng ở những chỗ
bất ngờ nhất, công lí ở Việt Nam vẫn có thể rình rập.
Còn uy tín của báo Văn
Nghệ? Giấy nhận tiền của gia đình bị cáo do ông Dũng, Phó trưởng Văn phòng
Đại diện của báo này tại Nam Trung Bộ, viết tay (xem hình kèm theo, vốn đăng
trên trang Công an
Nhân dân) gồm 67 chữ kể cả tên người và địa danh cho thấy 22 lỗi chính
tả và lỗi chấm câu, chưa kể lỗi diễn đạt và hình thức trình bày như thường thấy
ở người ít học.
Chính
tả tuy vô dụng trong các cuộc chạy, song ít nhất cũng là phép lịch sự
với ngôn ngữ. Những người phụ trách cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn như ông
Phùng Thế Dũng nên biết sử dụng tiếng Việt ở mức tối thiểu. Trước khi tiếp tục
yêu cầu ai đó chỉ đạo xin lỗi để khôi phục một uy tín xã hội nào đó đã
sứt mẻ, báo Văn Nghệ nên tự khôi phục uy tín chuyên môn của mình.
© 2013
pro&contra
Nguyễn Chí Thiện - Đàn Bò Sữa
Nguyễn Chí Thiện -
Mới chín giờ sáng, nắng đã gắt. Lại một ngày nóng dữ. Hàng chục nữ tù nhân đổ năm bao tải chặt cứng những túi ni-lông ra cạnh bể nước trước phòng. Đó là những túi ni-lông gia đình các phạm nhân đựng quà gửi vào. Họ rửa sạch sẽ từng túi một, rải ra phơi khắp sân. Ngoài khoản ni-lông, còn có khoản dép nhựa. Tù ở các buồng chung phải đi chân đất. Giầy dép thu, vất vào kho. Ban giám thị Hỏa-Lò đem bán hai khoản này. Tiền thu được, mua lợn, nuôi cạnh nhà bếp. Bọn cấp dưỡng có trách nhiệm phải nuôi chúng bằng cơm tù, rau tù. Trong chuồng, lúc nào cũng ủn ỉn bảy, tám “ông ỷ” béo nục nịch. Thỉnh thoảng, quản giáo, công an võ trang lại thịt một “ông”, liên hoan. Tù không được một miếng. Mùa hè, sân gạch nóng bỏng. Tù không giầy dép, ngồi ăn quà, ăn cơm, chân dát rộp. Mùa đông, sân gạch lạnh ngắt, chân buốt giá, tê tím, như kim châm.
Chẳng mấy khi được ngồi ngoài hiên thoáng đãng, cạnh bể nước. Tha hồ vốc nước lên mặt, lên cánh tay, cho nó mát da, mát thịt. Các ả vừa thủng thẳng làm, vừa chuyện trò:
- Thằng bé tội quá. Gầy còm, ghẻ lở đầy mình.
- Hôm mới vào, trông nó kháu khỉnh. Cái mồm lúc nào cũng toe toét cười.
- Nó giống mẹ nó nhỉ. Tao cũng ước có một đứa con.
- Có con, để mày mang đầy nó vào tù với mày!
- Khổ thân thằng bé, mới có mười tháng đã là tù nhân rồi!
- Mẹ nó không có sữa nuôi nó.
- Ăn uống thế, mà đòi có sữa!
- Không ai có sữa hộp để cho nó.
- Dạo này, nó ốm, khóc quấy quá.
- Bố nó đi chiến đấu ở Căm-pu-chia, bị mìn chết. Mẹ nó chỉ có một bà chị. Bà này nghèo dớt mồng tơi, lại đông con, không dám nhận nuôi nó.
- Gia đình bố nó ở tận Quảng-Bình. Nghe đâu cũng đói lắm. Đường xá xa xôi. Tiền đâu tầu xe mà ra tận Hà-Nội đón nó về.
- Kể nó cũng liều. Là giáo viên, mà dám đem cả “Nghĩa vụ quốc tế” của Đảng ra chửi. Bị bắt là phải.
- Liều cái gì? Được tin chồng chết, nó đau khổ quá, hoá điên, mới làm vậy. Nó bảo vợ chồng nó yêu nhau lắm.
Tiếng mụ quản giáo, the thé:
- Mấy con đượi, nhanh tay lên, rồi vào. Đừng có lợi dụng ngồi mát, tán hươu, tán vượn với nhau. Bận sau, để những đứa khác làm. Không khiến chúng bay nữa. Có tí ni-lông, mà dềnh dàng, từ sáng đến giờ chưa xong. Quen thói nằm ngửa, ăn sẵn.
Các ả vội vã nhanh tay. Một lúc sau, xong việc, kéo nhau vào.
Đương ở ngoài, bước vào phòng như bước vào lò hấp. Phòng nữ tuy không quá đông như các phòng nam, nhưng cũng chật ních. Mùi cầu tiêu, mùi mồ hôi, mùi máu mủ ghẻ lở, lậu, giang mai, kinh nguyệt, quện vào nhau, lan tỏa. Tệ hơn phòng nam. Các ả đói meo, gầy teo, da dẻ nhăn nheo, ghét bẩn, đầu tóc bù xù. Những đường cong tuyệt mỹ trở thành những đường thẳng khẳng khiu. Không thể gọi là phái đẹp được nữa. Trừ những mụ tự giác, những mụ tham ô, buôn bán, và dăm bảy “nữ quái” trấn lột được của người khác mà ăn, là còn có da, có thịt.
Buổi chiều, đếm tù xong, mụ quản giáo khóa phòng lại. Trong phòng, gần hai trăm ả, kẻ cởi quần, kẻ cởi áo, nằm, ngồi ngổn ngang, lấy những miếng giẻ con, thấm máu mủ, ghẻ lở cho nhau. Mấy mụ tự giác, mấy nữ quái, phanh ngực, ngồi ở đầu phòng, gần cửa, chuyện trò.
Mụ trưởng phòng đã ngoài bốn mươi, nhưng vóc dáng thanh mảnh, trông còn tươi mát, bế đứa nhỏ trong tay, nựng:
- Cô thương cháu quá. Tí hon thế này, mà đã tù. Chỉ tại mẹ cháu trẻ người non dạ, ăn nói dại dột. Ngoan nào! Cô sẽ kiếm sữa cho cháu. Cười đi! Khổ thân cháu tôi quá. Ăn toàn cháo loãng. Mẹ nó có còn đường không? Cô giáo đừng ăn của con đấy nhé.
- Cảm ơn các chị thương cháu, cho nó. Em đâu nỡ ăn của con. Đường còn đủ nó ăn vài hôm nữa. Cháu nó ghẻ lở quá. Lại sốt. Em lo lắm. Ông y sĩ cho uống át-pi-rin, nó cứ ọe ra. Thuốc bôi ghẻ, thì đợi mãi chưa có. Nó quấy suốt đêm, không chịu ngủ. Gầy xọp đi. Không hiểu mẹ con em kiếp trước phạm tội gì, mà trời đầy đọa đến thế này. Bố nó bỏ mạng xứ người. Mẹ con em thì vào tù đã năm tháng rồi.
Nói xong, cô giáo ôm mặt, nức nở.
Mụ trưởng phòng an ủi:
- Đừng khóc nữa. Sẽ được về thôi. Trên thế nào cũng xét, chiếu cố cho mẹ con em. Em thật là dại. Bao nhiêu người chồng chết, con chết. Có ai dám cả gan chửi như em đâu. Em phải làm đơn, nhận hết khuyết điểm. Xin Đảng khoan hồng cho mẹ con em.
- Em đã nhận hết tội lỗi. Làm hai lá đơn rồi. Có thấy gì đâu. Thực ra, em không chửi. Em chỉ kêu khóc là “nghĩa vụ quốc tế” đã giết chồng em. Thế rồi, bị bắt ngay.
- Giữa trường học, mà kêu thế, ảnh hưởng lắm. Em phải thấy tội em nghiêm trọng.
Một nữ quái trẻ măng, thân hình thon thả, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, da trắng mịn, đôi mắt to, đen láy, bĩu môi:
- Nói một câu như thế, mà cũng bỏ tù mẹ con người ta! Em cũng vậy. Có làm hại gì tới chế độ đâu, mà cũng bắt bớ. Em ngủ với bọn sứ quán Tây phương, thì việc gì tới Đảng? Em không có sức đi công trường đắp đường, gánh đá. Em kiếm tiền theo lối của em. Thuận mua, vừa bán. Có ăn trộm, ăn cắp của ai đâu.
- Mày là “phò tây” còn kiếm ra tiền. Bọn tao, ngày đi lao động, tối đi “kiếm thêm”, vẫn chưa đủ tiêu. Thế mà cũng tù ra, tù vào. Có lần, gặp thằng đểu. Nó đèo tao ra tận ngoại thành. Đã chơi quỵt thì chớ. Nó còn lấy cả quần, phóng xe đi mất. Lần ấy, may gặp một bác già cứu. Bác cho tao cái quần của bác, mặc quần đùi, đèo tao trở về. Tao nhớ ơn suốt đời. Tiếc rằng không gặp lại được bác ấy.
- Mày tưởng “phò tây” không nguy hiểm à? Mỗi lần ra vào sứ quán, tao phải nằm phục xuống sàn xe. Lần này, vừa ra khỏi xe, xuống đường, là bị “chôm” ngay. Còn bị nghi là gián điệp nữa!
Mụ trưởng phòng thở dài, nhớ lại thời xa xưa:
- Nói thực với các em, chị cũng tiếp Tây nhiều lắm. Chúng nó sang trọng, lịch sự. Cho chị nào tiền, nào ra-đi-ô, đồng hồ, xe đạp. Chị sống như một bà hoàng. Chị không phải lén lút như các em bây giờ đâu. Hồi đó, chị ở Hải-phòng. Bố Mẹ chị bán thuốc tây. Chị được ăn học. Nói tiếng Pháp khá trôi chảy. Chị tích cực hoạt động nên được kết nạp vào Đoàn. Chị được điều sang làm việc ở khách sạn Bắc-Kinh, gần ngang cầu Hạ-Lý. Đó là nơi các đồng chí chuyên gia y tế Tiệp-Khắc ở. Trước khi nhận công tác, chị được gặp một đồng chí trong Ban Bí-Thư thành-ủy, căn dặn là phải phục vụ các đồng chí chuyên gia hết mình. Đồng chí đó giơ ngón tay lên, nhấn mạnh: “Nhớ rằng phục vụ vô điều kiện. Thỏa mãn mọi yêu cầu của các bạn Tiệp. Chắc cháu hiểu chú muốn nói gì? Đây là công tác cách mạng. Đòi hỏi phải hy sinh. Bao đồng chí đã hy sinh cả cuộc sống cho cách mạng cơ mà. Nhiệm vụ của cháu rất vẻ vang”. Nhìn thấy người Tiệp họ ăn uống, mà thương cho các cán bộ của mình. Các loại thịt, các loại hải sản, thừa mứa. Bữa nào cũng phải đổ đi. Mứt sen mình biếu, họ chê ngọt, đổ đầy thùng rác. Cán bộ mình ăn có 18 đồng một tháng. Họ ăn những 180 đồng. Lại hưởng giá cung cấp, rẻ thối. Hoa quả, đồ hộp, bia rượu, không tính. Lương bác sĩ của họ hai nghìn đồng. Lương đầu bếp, sáu trăm đồng. Trong khi lương bác sĩ mình có sáu mươi đồng. Đầu tiên, chị tưởng có mình chị được giao trách nhiệm đó. Sau, chị mới biết có nhiều cô trẻ đẹp cũng làm như chị. Họ không làm việc ở khách sạn. Họ chỉ được ô-tô đưa tới vào buổi tối, hoặc buổi trưa. Tùy theo yêu cầu. Cô nào, cô ấy áo dài tha thướt, nước hoa thơm ngát. Trong đời phục vụ cách mạng của chị, chỉ có giai đoạn đó là vinh quang nhất. Mấy năm sau, chị được kết nạp vào Đảng. Được Đảng giới thiệu, cho lấy chồng. Lần này, bị tù, chỉ vì tham ô hai mươi tấn gạo. Nhân viên của chị ngồi bán hàng, đứa nào cũng giầu. Chúng nó ăn cò con, năng nhặt, chặt bị. Chẳng ai bắt được cả. Tiêu chuẩn nhân dân mười cân một tháng. Chúng cân cho chín cân rưỡi. Mỗi ngày, bán ra bao nhiêu là tấn gạo. Chúng kiếm vô số. Có điều, chúng phải biếu xén đủ mặt.
Nữ quái bất bình:
- Chị cũng làm như em, thì chị được coi là làm nhiệm vụ vẻ vang, được kết nạp vào Đảng. Em thì bị bêu rếu, bị bắt bỏ tù. Chẳng còn trời đất nào cả!
- Chị làm theo lệnh của Đảng. Còn em, là tự ý em. Khác nhau là ở chỗ đó. Nhưng thôi, chúng ta hãy tìm cách kiếm sữa cho thằng bé này.
Mụ đu đưa thằng bé, nựng:
- Khổ thân cháu cô. Còm quá! Thương quá!
- Ai mà chẳng thương. Nhưng những người có tiếp tế, không ai có sữa. Biết làm thế nào?
Nữ quái hớn hở:
- Em đã có cách. Tụi công an đi tuần ban đêm, biết chúng ta mùa hè không mặc quần áo. Chúng thường trèo lên chỗ song sắt trên cao nhòm vào. Thèm ứ tới tận họng. Tại sao chúng ta không giở nghề ra, kiếm sữa cho thằng cháu? Đêm, em sẽ ra đứng ở cửa dụ chúng. Thằng nào muốn đụng vào người em, em bắt phải đưa hai hộp sữa. Lão chánh giám thị ra lệnh bắt phải mặc quần áo. Làm như nghiêm lắm! Nhưng chính em, một lần đi tiểu ban đêm, nhìn thấy nó trèo lên, nhìn vào. Một hôm, em đi cung về, mắt lão hấp ha, hấp háy, vờ vẫn hỏi chuyện, còn giáo dục em. Mồm sặc hơi rượu.
- Lão ta đứt mạch máu não, chết hơn một tuần rồi. Lão đã trắng trợn tán tỉnh chị mấy lần. Đàn ông toàn một ruộc cả. Sáng kiến em hay đó. Bắt đầu ngay đêm nay đi.
Cô giáo nhìn nữ quái, ngập ngừng:
- Chị cảm ơn lòng tốt của em. Không ngờ em thương cháu đến như vậy. Nhưng chị không muốn em gặp phiền phức. Lộ chuyện, em có thể bị cùm.
Nữ quái cong cớn:
- Vì thằng bé, cùm, em cũng không sợ. Phục vụ nó còn tốt hơn phục vụ cách mạng!
Mụ trưởng phòng cười:
- Em nói xỏ xiên chị. Nhưng em nói đúng. Chị không giận. Nhớ phải thành công. Thận trọng một chút.
Đêm đó nữ quái ngồi ngay ở cửa. Cả phòng đã ngủ. Muỗi vo vo từng đàn, tha hồ hút máu trên tấm thảm người trần trụi, nham nhở ghẻ lở. Những tiếng mê sảng, thảng thốt, thỉnh thoảng bật ra, ú ớ, nức nở. Nghe tiếng giầy, nữ quái gục đầu xuống đùi gối.
- Đêm hôm không ngủ, ngồi ở đây làm gì?
Ả ngẩng đầu lên, cười:
- Báo cáo cán bộ, nóng quá, em không ngủ được. Ngồi đây cho thoáng một chút. Phòng bí quá.
Ả đứng lên. Chiếc áo không cài khuy tự động phanh ra. Hai tên công an không rời mắt khỏi hai trái tuyết lê chắc nịch, núm hồng hấp dẫn.
- Em có chuyện muốn báo cáo riêng với một trong hai cán bộ.
Một tên đưa mắt nhìn tên bạn, nói:
- Cậu ra ngoài canh.
Tên kia đi khỏi. Ả nói ngay, nũng nịu:
- Mấy hôm nay không có cơm. Em không ăn được bo bo. Em bị đau ngực lắm. Em muốn xin cán bộ hai hộp sữa.
Tên võ trang, giọng nhân đức:
- Phải cố mà ăn, giữ sức khỏe chứ. Được, ba giờ đêm mai, tôi sẽ cho sữa. Đau thế nào? Tù mà ốm đau là khổ lắm.
- Cảm ơn cán bộ. Em đau ở chỗ này. Nhức lắm.
Ả chỉ tay vào ngực. Tên võ trang thò ngay tay vào, mân mê.
Ả để yên khoảng một phút, rồi lùi lại:
- Thôi, em đi ngủ. Đêm mai, em đợi cán bộ. Nhớ cho em hai hộp sữa. Em sẽ đền bù lại thỏa đáng.
Ả đi vào.Tên võ trang đứng tần ngần một lúc, rồi bỏ đi.
Sáng hôm sau, như thường lệ, gã nhà bếp tới lấy thùng nước đặt ngoài cửa mang đi.
Mụ trưởng phòng gọi lại:
- Anh bạn cấp dưỡng, tôi muốn nhờ anh một việc.
Gã nhà bếp dừng lại, nhìn quanh, vẻ e ngại:
- Có việc gì, nói nhanh lên.
- Phòng tôi có một cháu bé mới mười tháng. Nó không ăn được. Chúng tôi có kẹo, bánh. Anh đổi dùm cho một hộp sữa để nó uống. Nếu có thể, anh kiếm cho ít kháng sinh. Nó sốt cao mấy hôm rồi. Ông y sĩ bảo trại hết thuốc kháng sinh, phải đợi. Anh làm phúc giúp hộ.
- Được, tôi sẽ cố.
Gã xách thùng về nhà bếp, nghĩ ngợi. Cánh nhà bếp thường được ông quản giáo phụ trách dẫn ra phố mua bán. Kiếm hộp sữa, không có gì là khó. Nhưng nội quy cấm ngặt việc liên lạc với các phòng. Mồm đàn bà bép xép. Lộ ra thì bị tống đi trại lập tức. Vợ gã phải mất mười cây vàng mới mua được chân làm bếp ở Hỏa-Lò. Gã cũng muốn giúp thằng bé. Nhưng bản thân gã quan trọng hơn nhiều. Không thể làm liều được. Còn chuyện thuốc kháng sinh, thì gã đã có sẵn. Ông y sĩ mới đưa cho gã ba chục viên tétra, dặn gã nghiền ra, rắc lên chỗ mông con lợn bị chuột gậm. Con lợn này béo quá, không đi đứng được. Cứ nằm ềnh ra. Ban đêm, chuột tới gậm mông ăn. Nhà bếp đã phải cấp tốc đan chiếc lồng bàn tre, úp lên nó. Cho thuốc thằng bé uống, nhỡ nó làm sao, thì đại họa. Thôi, việc thiên hạ, không nên bận tâm tới.
Đêm hôm đó, trước giờ hẹn, nữ quái đã đợi sẵn.
Tên võ trang hôm qua mò tới, cười nhăn nhở:
- Anh bận quá, chưa có thì giờ ra phố. Hẹn em đêm mai, khoảng một giờ. Tuy không phải phiên tuần tra của anh, nhưng vì em, anh sẽ mang sữa tới. Cho anh xem chỗ đau của em đi.
Nữ quái ức lắm, định chửi. Nhưng cố kìm lại. Vì hy vọng có hai hộp sữa đêm mai, ả chiều lòng, cho hắn mân mê một phút. Hắn hăng máu, đưa tay xuống phía dưới.
Ả lùi lại, nói nhỏ:
- Trong phòng có người vừa dậy. Hẹn anh tối mai.
Rồi đi vào, mặc tên võ trang đứng đờ đẫn ngoài song sắt.
Nữ quái về chỗ nằm, uất ức, mặt bừng bừng.
Mấy cô bạn nằm cạnh thì thào hỏi:
- Thế nào? Thất bại à?
- Gặp phải thằng bọ, chỉ muốn gỡ gạc, không muốn chi, phải không?
- Phải có cách nào chứ? Chẳng lẽ chịu lỗ với nó sao?
Nữ quái thì thầm, bàn tán kế hoạch tác chiến với mấy cô bạn. Tất cả đồng tình, quyết tâm phải làm bằng được. Phải thu hoạch lớn là đằng khác.
Sáng dậy, thấy không có sữa, mụ trưởng phòng than thở với nữ quái:
- Chị đã nhờ thằng nhà bếp. Nhưng nó sợ, không dám giúp. Em thì đã mất công toi hai đêm.
Thôi, để chị xin phép bà quản giáo viết thư về gia đình. Chồng chị sẽ gửi sữa cho chị. Nhưng sớm nhất là tận cuối tháng mới có.
Nữ quái tươi cười:
- Chị cứ an tâm. Em hứa với chị đêm mai là có sữa. Có thể đêm nay đã có, không biết chừng.
Gần một giờ đêm, nữ quái đợi ở cửa. Ả đã mất hai đêm công cốc rồi, nên hận lắm. Ả nhất định không chịu thất bại. Gặp thằng đểu, ả phải đểu hơn. Vỏ quít dầy phải có móng tay nhọn.
Tên võ trang cay cú lại mò tới, tay không.
Ả đon đả:
- Em nhớ anh quá. Chỉ sợ anh không đến. Em đâu có phải vì hai hộp sữa, để em bỏ cả ngủ, chờ anh. Chỗ đau của em đã đỡ rồi. Nhờ anh xoa hộ lần này nữa là khỏi.
Tên võ trang vui mừng:
- Nếu em thật lòng yêu anh. Khi ra tù, chúng ta sẽ cưới nhau.
Hắn thò tay qua song sắt, say sưa xoa bóp. Hai tay nữ quái giữ chặt cánh tay hắn. Một cô bạn nấp sẵn ở bên tường nhẩy tới, nhanh như cắt, tháo chiếc đồng hồ đeo tay của hắn. Đó là nghề chuyên môn của ả. Tất cả diễn ra chớp nhoáng vài giây.
Nữ quái vểu mỏ, nói vào cái mặt nghệt ra của tên võ trang:
- Đồ bọ chó! Mỗi lần hai hộp. Đúng 11 giờ tối mai, mà không mang sáu hộp sữa tới, bà sẽ mang cái đồng hồ Seiko này báo cáo với Ban Giám-Thị. Bà không dọa mày đâu. Đúng 11 giờ, bà không thức đợi được!
Nói xong, ả bỏ vào phòng, không thèm nghe hắn ấp úng xin xỏ.
Sau khi nhận đủ sáu hộp sữa, giả lại đồng hồ cho tên võ trang, nữ quái đưa tất cả cho mụ trưởng phòng, vẻ đắc thắng:
- Chị giữ lấy. Mỗi ngày pha cho cháu nhỏ nửa hộp. Hết, em lại kiếm “con bò sữa” khác.
Mụ trưởng phòng thán phục:
- Công nhận em có bản lĩnh. Mưu kế thực. Xứng đáng với danh hiệu “nữ quái”. Bọn võ trang rồi sẽ khốn đốn với em.
- Từ nay trở đi, em phải chơi lối tiền trao, cháo múc. Không để rắc rối như lần này nữa.
Thằng bé có sữa uống, đã mập ra đôi chút. Mụ trưởng phòng kiếm được thuốc ghẻ, bôi cho nó. Ghẻ cũng đỡ. Không thuốc men gì, cơn sốt của nó cũng tự nhiên khỏi.
Cô giáo đưa con cho nữ quái bế, cảm động:
- Từ nay, em là mẹ nuôi của nó. Lớn lên, chị sẽ kể chuyện cho nó, bảo nó phải coi em như mẹ. Em đã cứu sống nó đấy.
Nữ quái nâng niu thằng bé trên tay, cười rất tươi. Ả vui trong lòng, vì thấy mình đã làm được một việc tốt.
Ngày lại ngày trôi đi. Trong vòng một tháng, đã có thêm ba tên võ trang nộp sữa cho nữ quái.
Mụ trưởng phòng cười vui:
- Đúng là một “đàn bò sữa”. Nữ quái chăn bò cừ thật!
Những ngày đầu tháng tám. Thời tiết nóng lạ thường. Mặt trời chói lóa dội lửa xuống. Tường, sàn xi-măng, mái ngói, phả hơi nóng ra, hầm hập, ngột ngạt. Trong phòng đầy người, mùi hôi tanh nồng lên.
Mụ quản giáo ngồi dưới quạt trần, cau có:
- Trời đất gì mà như cái lò lửa. Quạt máy chỉ toàn quạt hơi nóng vào người. Tắt mẹ nó đi. Đài nói nhiệt độ lên tới bốn mươi độ. Đợt nóng này còn kéo dài nhiều ngày.
Các nữ tù nhân, mình mẩy nổi mụn đỏ. Ngứa. Rát. Ban đêm không thể ngủ được. Thằng bé lại sốt cao. Át-pi-rin, sữa, uống vào, đều ọe ra. Rôm sẩy đầy người. Nó khóc tới nghẹt thở. Mẹ nó chỉ còn xương với da, mắt quầng thâm, ôm con, lo lắng. Mất ngủ nhiều đêm liền, quá mệt.
Một buổi sớm, cô giáo thiếp đi. Khi tỉnh dậy, thấy thằng con bé bỏng há hốc cái miệng nhỏ xíu, mắt trợn lên, bất động. Hai bàn tay tí hon nắm chặt. Cô sợ quá, ôm con vào lòng. Nó đã tắt thở. Cô hoảng loạn, kêu ầm lên, nước mắt dàn dụa:
- Con tôi chết rồi! Con tôi chết rồi!
Cả phòng xôn xao. Trưởng phòng, nữ quái, mấy ả nữa đổ xô tới. Nó đã chết thật. Cô giáo gục đầu vào ngực con, ngất xỉu. Nữ quái úp mặt vào hai bàn tay, nức nở.
Trưởng phòng nước mắt dòng dòng, ra cửa kêu:
- Báo cáo cán bộ! Phòng nữ có người chết!
Một lúc, mụ quản giáo cùng một tên tù tự giác tới. Mụ mở cửa, hỏi:
- Ai chết?
- Báo cáo cán bộ, thằng bé con.
- Đưa nó ra.
Trưởng phòng vào, định bế thằng bé ra. Mẹ nó đã tỉnh lại, ôm ghì con trong lòng, gào lên, điên loạn:
- Con của tôi, nó phải ở với tôi! Không ai có quyền đưa con tôi đi đâu!
Thấy cô giáo mắt trợn trừng, ôm chặt con không rời.
Trưởng phòng bối rối, dỗ:
- Em bình tĩnh lại. Cháu nó đã mất. Nên để người ta đưa đi chôn cất, cho nó được mồ êm, mả đẹp. Em giữ đây làm sao được. Nghe chị. Chị cũng đau khổ, thương cháu lắm.
Cô giáo ôm chặt con hơn:
- Không, không được, tôi phải giữ nó với tôi!
Mụ quản giáo ngoài cửa sốt ruột, bảo tên tự giác:
- Vào mang nó ra!
Tên tự giác vào phòng. Nó giật đứa bé khỏi tay cô giáo, đẩy cô ngã chúi xuống. Rồi ôm đứa bé đi ra. Cửa khóa lại.
Cô giáo vùng dậy, chạy theo, gào thét:
- Trả con tôi! Trả con tôi! Tôi tự tử chết!
Cô đập đầu vào song sắt. Trưởng phòng, nữ quái ôm chặt lấy cô. Máu từ đầu chảy xuống, hòa với nước mắt, đỏ lòm. Hai người khiêng cô vào, đặt lên sàn. Nữ quái xé áo mình, băng vết thương trên đầu, lau máu trên mặt cô.
Khi tỉnh lại, miệng cô lảm nhảm:
- Trả con tôi, trả con tôi. Con ơi, mẹ thương con quá!
Sợ cô giáo tự sát, suốt ngày, suốt đêm, nữ quái cùng mấy ả thay nhau ngồi bên, an ủi cô.
Sau cái đập đầu vào song sắt. Cô giáo không chết. Cô chỉ trở thành người mất trí. Lúc cười, lúc khóc, lúc ngồi thừ ra, lúc ôm túi quần áo trong tay như ôm con, hôn hít. Ngày nào cô cũng múa hát. Giọng cô khàn. Nhưng cô múa rất dẻo. Cô chỉ hát một bài duy nhất. Bài hát đã được các thầy, các cô dạy, từ thủa cô còn là một nhi đồng sáu, bảy tuổi. Cô vừa múa, vừa hát, miệng tươi cười:
Ai yêu bác Hồ-chí-Minh hơn các em nhi đồng
Bác chúng em, dáng cao cao, người thanh thanh
Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài
Bác chúng em, vì đất nước, quên thân mình
Bác nay tuy đã già rồi
Già rồi, nhưng vẫn vui tươi
Mong sao Bác sống muôn đời
Để dìu dắt nhi đồng thành người…
Một hôm, ăn cơm ngoài sân, cô đứng lên múa hát. Mụ quản giáo đương đọc tờ “Nhân Dân” cũng phải ngừng đọc, nhìn. Mụ khen cô múa hát giỏi. Thấy tờ báo có ảnh Bác Hồ to tướng, cô năn nỉ xin mụ quản giáo. Cô mất trí, nhưng hiền, không phá phách, mất trật tự. Mụ cũng thương hại. Mụ cắt hình Bác ở báo ra cho cô.
Từ đó, đêm đêm, cô đặt ảnh Bác ở đầu chỗ nằm, quỳ xuống, xụt xùi khóc lóc, cầu khấn: “Cháu lạy Bác. Chồng cháu đã hy sinh vì cách mạng. Bác thương tha cho mẹ con cháu! Mẹ con cháu biết có tội với Đảng rồi. Xin Bác khoan hồng, thương tha cho! ”
Nhìn cảnh tượng đó, trưởng phòng, nữ quái, nước mắt ứa ra.
Thế rồi, một sáng đầu tháng mười, ông y sĩ vào dẫn cô đi. Cô được đưa tới một trại giam người điên bên Châu-Quỳ, Gia-Lâm.
Trưởng phòng thì thầm với nữ quái:
- Chắc nó được đưa đi bệnh viện Việt-Đức điều trị. Bác Hồ phù hộ đấy. Bác thiêng lắm. Hôm Bác mất “Người tuôn nước mắt, Trời tuôn mưa” * cơ mà!
*Thơ Tố-Hữu.
Nguyễn Chí Thiện
Ngô Nhân Dụng - Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam
Ngô Nhân Dụng -
Chính quyền cộng sản nước ta mới được vào ngồi trong Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc; mặc dù cả thế giới biết họ vẫn liên tục vi phạm tất cả những quyền làm người trong những năm qua. Nhưng khi biết các chính quyền cộng sản độc tài ở Cu Ba, Trung Quốc cũng được vào ngồi trong đó, thì chúng ta có thể hiểu.
Theo quy tắc của Liên Hiệp Quốc, Châu Á được cử 13 nước vào trong hội đồng gồm 47 nước, các nước Á Châu cứ thế thay phiên nhau, mua bán và trao đổi lá phiếu với nhau, chính quyền nước nào cũng đến lượt được vô ngồi trong hội đồng này, sau khi đã ký giấy cam kết sẽ thi hành các điều khoản trong những tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.
Vì vậy, nhiều người Việt trong nước thấy đây là một cơ hội để công khai đòi hỏi chính quyền cộng sản phải tôn trọng quyền làm người, thực hiện đúng các điều họ đã cam kết. Tại Sài Gòn, một nhóm 40 nhà trí thức đã ký kiến nghị yêu cầu thành lập những hội đồng để thúc đẩy nhân quyền. Ngoài những tên tuổi quen thuộc hay ký tên trong các bản tuyên bố, có nhiều người tư cách đáng kính trọng mà ít khi thấy ký kiến nghị, như nhà báo Huy Ðức và Giáo Sư Ðào Công Tiến. Họ đề nghị hãy lập những “hội đồng nhân quyền,” lập ngay trong guồng máy nhà nước, trong các tổ chức được nhà nước bảo trợ hoặc cho phép. Ðặc biệt họ còn đề nghị tổ chức những nhóm bảo vệ nhân quyền của nhân dân nữa. Họ muốn các nhóm đó sẽ lo phổ biến, truyền đạt kiến thức, tổ chức hội thảo về nhân quyền cho dân Việt Nam hiểu; đồng thời, “cập nhật và quảng bá thông tin về tình hình thực thi nhân quyền tại Việt Nam, dựa vào “14 điều cam kết” mà chính quyền đã ký kết khi nộp đơn ứng cử vào Hội Ðồng Nhân Quyền. Ðây là một ý kiến đáng hoan nghênh; nếu nó được thực hiện mà không để chìm vào quên lãng như bao nhiêu sáng kiến đã đưa ra trong mấy năm qua.
Nhưng một nhóm phụ nữ Việt Nam còn tiến bộ hơn 40 nhà trí thức ở Sài Gòn. Họ không viết kiến nghị xin cho tổ chức những nhóm bảo vệ nhân quyền. Chính họ đứng lên tổ chức lấy; 34 người họp lại, tự đặt lấy danh hiệu là Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam!
Những vị trong nhóm 40 nhà trí thức có tên tuổi đã làm kiến nghị trên đây chắc chắn phải hoan nghênh sáng kiến mới này. Phải hoan nghênh ngay lập tức và ủng hộ hết mình. Bởi vì khi đề nghị tổ chức những nhóm bảo vệ nhân quyền của nhân dân, thì chính họ cũng là nhân dân, chứ có ai không phải là nhân dân đâu? Toàn là những người đã trưởng thành, có trí tuệ và tin tưởng vào giá trị của những quyền con người; chính mình là nhân dân. Tự mình tổ chức được thì tại sao phải xin ai cho phép, hay chờ coi có ai làm giúp cho mình? Hồi còn sống, Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ đã nói một câu đầy ý nghĩa, rằng người dân không thể xin ai ban cho tự do dân chủ mà phải tranh đấu đòi tự do dân chủ. Ông Nguyễn Hữu Thọ hồi đó chỉ nói mà không thấy làm gì. Ông đang làm phó chủ tịch nhà nước, tức là làm quan chứ không còn làm dân nữa; cho nên ông chỉ cổ động người khác thôi. Bây giờ chính các bà, các cô trong nhóm Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam đang thực hiện câu nói của ông Thọ.
Cô Huỳnh Thục Vy là một trong chín người đầu tiên vận động thành lập Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Cô nói rằng những nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền trong nước luôn đóng vai thụ động, bị động trước những việc đàn áp của chính quyền. “Từ nay, chị em chúng tôi muốn chủ động.” Rất nhiều người đã tự đóng vai chủ động trong việc bảo vệ quyền làm người của họ, trong đó có hai phụ nữ nữa. Mẹ con Bà Phạm Thị Lài đã khỏa thân để ra đứng giữa mảnh đất đang bị chính quyền cướp chiếm giao cho nhà đầu tư khai thác. Họ đau đớn sau khi chồng bà phải tự tử vì không giữ được mảnh đất sinh nhai. Bà Ðặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu khi quyền sống, quyền cư trú bị xâm phạm chỉ vì cô con gái bà là Tạ Phong Tần chống Trung Cộng xâm lăng và bị đàn áp. Ông Ðoàn Văn Vươn tự mình bảo vệ đất đai và công lý cho gia đình mình, dù phải bạo động, khi bị đám tham quan chiếm đoạt. Các bà Phạm Thị Lài, Ðặng Thị Kim Liêng không có khả năng dùng chất nổ, nhưng họ chứng tỏ tinh thần bất khuất không khác gì. Nếu tất cả mọi người dân Việt Nam đều can đảm, không chịu khuất phục như hai bà, thì chắc chắn nước ta không lo sẽ bị nước láng giếng phương Bắc bắt nạt mãi.
Người Việt Nam không quên rằng những cuộc khởi nghĩa đầu tiên “chống Trung Quốc xâm lược” đều do phụ nữ lãnh đạo. Hai Bà Trưng ở Mê Linh cầm đầu cuộc dấy binh kéo theo 65 thành cùng nổi dậy chống quân Hán. Hai thế kỷ sau, bà Triệu Thị Trinh ở Cửu Chân được quân và dân suy tôn là Bà Vua, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô. Hai Bà Trưng và Bà Triệu là những phụ nữ dưới 30 tuổi; riêng Bà Triệu tuổi mới ngoài 20. Các cô Huỳnh Thục Vy, Lê Thị Công Nhân, Trịnh Kim Tiến cũng bắt đầu biết tranh đấu cho quyền làm người vào lớp tuổi đó. Các nữ tướng của Hai Bà Trưng ngày nay còn được dân thờ làm thần trong các làng, thần phả ghi lại sự tích cho biết đa số họ còn trẻ dưới 20 tuổi; trẻ hơn cả cô Nguyễn Phương Uyên.
Cho nên chúng ta có thể tin tưởng vào vai trò đứng đầu sóng ngọn gió của 35 người phụ nữ mới thành lập Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Họ đủ trí sáng suốt, thông minh, và thừa can đảm để lãnh đạo công cuộc tranh đấu cho quyền làm người của dân Việt Nam.
Bà Dương Thị Tân, vợ của nhà báo tự do Ðiếu Cày đang bị tù, đã nhắn với các quốc gia trong Liên Hiệp Quốc, qua một nhân viên Tòa Ðại Sứ Úc tại Hà Nội, bà nói rằng: “Quý vị biết Việt Nam có một hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhưng quý vị đã bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì quý vị phải chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình. Từ nay trở đi, nếu có một trường hợp người Việt Nam nào, đặc biệt và phụ nữ Việt Nam, bị sách nhiễu hoặc bỏ tù thì người đó chính là nạn nhân của Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.” Câu nói này cần được dịch sang đủ các ngôn ngữ trên thế giới để phổ biến.
Cô Huỳnh Thục Vy biết sẽ phải vận dụng các phương pháp đấu tranh như thế nào. Trước hết là phải quảng bá cho thế giới biết tổ chức mới này. Cô nói: “Chúng tôi đã có những kênh liên lạc cần thiết với các tổ chức phi chính phủ (NGO) bảo vệ Nhân quyền quốc tế, với các tòa đại sứ và các báo đài. Việc lên tiếng với giới truyền thông và các nhà ngoại giao là việc vô cùng quan trọng.” Vận động ngoại giao quan trọng thật. Bởi vì chính quyền cộng sản Việt Nam không sợ dân chúng mà chỉ sợ dư luận thế giới tạo áp lực cắt bớt viện trợ hoặc đầu tư. Dùng công an chó săn đánh đập, bắt bớ người dân thì dễ, nhưng không thể đánh hay bắt những người cho tiền hoặc đem tiền đến nước ta làm ăn! Nếu thiếu viện trợ và bị giới đầu tư tẩy chay thì công cuộc kiếm tiền, làm giầu cho gia đình các quan chức sẽ bị đình trệ!
Khác với 40 nhà trí thức Sài Gòn chỉ viết kiến nghị xin lập ra các hội đồng nhân quyền mà không nói rõ các hội đồng này phải làm gì nếu chính quyền không tôn trọng quyền làm người của dân; 35 phụ nữ biết công việc của họ là phải làm gì. Và họ nêu lên những việc rất cụ thể và hữu ích.
Cô Huỳnh Thục Vy nói đến những việc làm như: “Trợ giúp tài chính, viếng thăm thân nhân của người bị đàn áp là việc tiếp theo. Cuối cùng nếu một người bị bắt, chúng tôi sẽ tìm kiếm luật sư và vận động các nhà ngoại giao các quốc gia tự do tạo áp lực chính quyền trả tự do cho người bị bắt.”
Những công việc trên đây là việc chung của tất cả mọi người dân Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Cộng sản ở bên Nga, bên Tàu đều phải hỗ trợ những nhà tranh đấu đòi dân chủ tự do ở trong nước và gia đình họ. Phải tạo dư luận trên trường ngoại giao khắp thế giới để đòi chính quyền cộng sản tôn trọng những điều họ cam kết khi xin vào ngồi trong Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Vì vậy, chúng ta cần nhiệt liệt hưởng ứng những người đang đi tiên phong, Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Họ là những bà Aung San Suu Kyi của nước Việt Nam.
Hồ Trường An - Nguyễn Chí Thiện với tập truyện Hỏa Lò
Hồ Trường An -
Cái tên Nguyễn Chí Thiện
đã được kiều bào biết đến từ khi nhà xuất bản Thời Tập, vào năm 1980 tung ra
thi tập Tiếng vọng từ đáy vực của
anh. Rồi vào năm 1981, nguyệt báo Văn Nghệ Tiền Phong tung ra thi tập Bản
chúc thư của người Việt Nam’ (một tựa khác của Tiếng vọng từ đáy vực’’ của anh).
Vào năm
2002, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ trình làng quyển tập truyện Hỏa lò của Nguyễn Chí Thiện. Tôi thắc mắc, tại sao anh Nguyễn không viết
hồi ký như Bùi Tín, như Vũ Thư Hiên mà lại viết truyện ngắn? Có lẽ trong thâm
tâm, tôi tin rằng anh Nguyễn viết truyện ngắn không lưu loát và sắc sảo bằng
viết hồi ký. Viết hồi ký chúng ta chỉ cần kể lể sự việc sống thực có sẵn. Còn
viết truyện ngắn, truyện dài thì từ một sự thực, nhà văn phải dùng óc tưởng
tượng dựng nên một vài hoạt cảnh và một vài bối cảnh. Đã vậy, nhà văn còn phải
miêu tả những gì mà đương sự đang nêu ra (tả người, tả cảnh, tả vật, tả luôn
tâm trạng của mọi nhân vật cùng mọi diễn biến v.v...).
Nhưng Hỏa lò làm tôi ngạc nhiên: Nguyễn Chí Thiện thừa
sức viết truyện ngắn với một kỹ thuật điêu luyện. Trên văn đàn hải ngoại, chúng
ta không thiếu gì các cây bút tố Cộng, trong đó có Nguyễn Ngọc Ngạn ăn khách nhất. Nhưng Ngạn viết văn quá ít,
còn kể truyện thì nhiều. Có nhiều khi anh không cần viết văn mà chỉ kể chuyện
rặc ròng, cho nên đương sự không làm thỏa mãn độc giả sành điệu lắm. Anh làm
cho độc giả nghĩ rằng anh là một người ghi chép (un chroniqueur) rất hay, rất
duyên dáng hơn là một nhà văn thuần túy. Trái lại, Nguyễn Chí Thiện nắm bắt rất
vững vấn đề viết văn bắt nguồn từ thần trí sáng tạo mãnh liệt của mình. Sang
lãnh vực viết truyện ngắn, anh làm cho chúng ta có cảm tưởng anh đã quen tay xử
dụng văn chương từ lâu xa rồi.
Hỏa lò gồm 7 ttruyện ngắn: Đàn bò
sữa, Một lựa chọn, ‘Tạc tượng, Những bài ca cách mạng, Phùng Cung, Sương buồn ôm kín non
sông’’, Trăng nước sông Hồng.
Theo tác
giả thì:
Hỏa lò gần Trung ương
nhất
Con
người gần địa ngục nhất
Nhưng qua
sự trình bày và diễn tả của tác giả và
thì cảnh ngộ của tù nhân còn bi
đát và tệ hại hơn nữa. Con người trong cái địa ngục đó thua cả con vật bởi sự
hành hạ cay nghiệt của bọn quản giáo và bọn cai tù. Chúng ta hãy nghe nhân vật
mà tác giả gọi là ‘‘lão già’’, một tù
nhân có tiết tháo và khí phách trong truyện
Tạc tuợng’kể cho viên tù trưởng phòng:
-- Nhà tù thực dân, đế quốc, hiệu quả kém
lắm. Bọn cộng sản không sợ. Chúng coi nhà tù là một trường học. Mà là trường
học thật! Nhiều tên vào không biết tiếng Pháp. Ra tù, đã đọc được sách báo
Pháp. Chúng còn còn có cả tổ chức đảng,
kết nạp cả đảng viên trong tù. Chúng mở lớp huấn luyện chính trị, học tập văn
hóa. Ăn uống đầy đủ, sách báo không tthiếu. Mày cứ đọc những cuốn hồi ký của
chính mấy lãnh tụ cộng sản kể lại sinh hoạt trong tù của họ thì rõ. Thời Nga
hoàng, Lê-nin bị đày ba năm ờ Si-bê-ri. Y đọc sách, viết sách, câu cá, săn bắn,
cưới cả vợ ! Vì thế có ra tù, vào tù, chúng cũng không sợ. Lại nổi tiếng anh
hùng cách mạng! Rút kinh nghiệm đó, cộng sản xây dựng một trại tù kinh hồn,
táng đởm, tiêu diệt mọi sinh lực, mọi ý chí. Thực chất là những trường bắn im
lìm, không tiếng súng. Những lò thiêu
không cần lửa điện. Thằng nào sống sót ra được, mười năm sau, ngủ ở nhà
với vợ vẫn còn thấy ác mộng._
(trang 93)
Đa số
tù nhân, khi còn ở ngoài nhà tù cũng bị tước đoạt sự tự do về các mặt vật chất,
tinh thần, tư tưởng... Nhưng đó là một nhà tù rộng lớn, còn có không khí để họ thở, còn có không gian rộng để họ xoay
trở, đi lại. Nhưng nếu có ai phê bình
chế độ và lỡ xúc phạm chế độ dù vô tình đi nữa cũng đều bị thảy vào tù. Sự tước
đoạt tự do thể chất ở trong tù là kết quả thảm khốc của sự phát biểu tự do. Nhà
tù theo nghĩa đen quá hạn hẹp nên tù nhân dễ bị kiểm soát, dễ bị khống chế, bị
ngược đãi hơn. Họ bị trừng phạt không nương tay của bọn quản giáo và bọn công
an.Trong khi nhà tù ở ngoài cuộc sống là một nhà tù theo nghĩa bóng, nghĩa
tượng trưng nên con người ở trong đó vẫn còn chút tự do tối thiểu.
*
*
*
Ở
truyện ngắn Đàn bò sữa, chúng ta chứng kiến phòng nhốt những nữ tù nhân,
trừ cô giáo ra, đều thuộc thành phần bất hảo. Cô giáo này là vợ một chàng chiến
binh làm ‘‘nghĩa vụ quốc tế’’ bỏ xác (vì bị trúng mìn) trên đất
Căm-pu-chia. Cô chỉ kêu khóc cái chủ nghĩa đó giết chồng cô. Thế là cô bị nhốt
vào ngục Hỏa Lò và đã làm đơn xin ân xá hai lần rồi mà đơn vẫn chưa được cứu
xét. Cô sinh con trong tù. Đứa bé ốm đau quặt quẹo vì thiếu sữa làm các nữ tù
nhân khác cảm thông đau xót.
Đương
ở ngoài bước vào phòng như bước vào lò hấp. Phòng nữ tuy không quá đông như các
phòng nam, nhưng cũng chật ních. Mùi cầu tiêu, mùi mồ hôi, mùi máu mù ghẻ lở,
lậu, giang mai, kinh nguyệt, quện vào nhau, lan tỏa. Tệ hơn phòng nam. Các ả
đói meo, gầy teo, da dẻ nhăn nheo, ghét bẩn, đầu tóc bù xù. Những đường cong
tuyệt mỹ trở thành những đường thẳng
khẳng khiu, không thể gọi là phái đẹp được nữa. Trừ những những mụ tham ô, buôn bán, và dăm bảy ‘‘nữ
quái’’ trấn lột của người khác mà ăn là
còn chút có da, có thịt.
Buổi chiều đếm tù xong, mụ quản
giáo khóa phòng lại. Trong phòng, gần hai trăm ả, kẻ cởi quần, kẻ cởi
áo, nằm, ngồi ngổn ngang, lấy những miếng giẻ con, thấm máu mủ, ghẻ lở cho
nhau. Mấy mụ tự giác, mấy nữ quái, phanh
ngực, ngồi ở đầu phòng, gần cửa, chuyện trò.
(trang 23)
Trong
số gần 200 nữ tù nhân, nhưng tác giả chỉ
đưa ra 3 nhân vật chính và thêm thằng bé, một nhân vât tí teo chỉ biết khóc
quấy nhưng không có nói một câu. Trong 3 nữ nhân vật chính, ngoài cô giáo ra,
có mụ trưởng phòng vốn là cựu đảng viên nhờ làm việc hộ lý cho các chuyên gia y
tế Tiệp-khắc. Sau đó mụ được Đảng cho lấy chồng, nhưng mụ nhúng tay vào vụ tham
ô 20 tấn gạo mà bị tội. Còn nữ nhân vật thứ ba là một nữ quái bị tội vì ra vào
sứ quán để ‘‘phò Tây’’ (ngủ với Tây), lại còn bị gán tội gián điệp.
Nữ
quái thương xót thằng bé thiếu sữa nên tính ngủ với tên công an để được một hộp
sữa. Cô ta để cho hắn sờ soạng bộ ngực của mình. Nhưng tên này chì sờ nắn rồi
nuốt lời. Cô ta nghĩ kế gài bẫy hắn. Lần sau, khi hắn thò tay qua song sắt
để mân mê nắn bóp ngực cô thì nhanh như
cắt cô tháo chiếc đồng hồ Seiko của hắn. Cô hăm he hắn nếu hôm sau hắn không
đem 6 hộp sữa lại thì cô sẽ đem đồng hồ trình Ban Giám Thị. Thế là thằng bé có
sữa để bồi dưỡng. Rồi trong vòng một
tháng lại có thêm 3 thằng võ trang đến nộp sữa cho nữ quái.
Thằng bé nỗi rôm sẩy vì thời tiết nóng.
Nó chết. Cô giáo hóa điên, bị đưa tới trại giam người điên ở Châu Quỳ, Gia Lâm.
Câu chuyện thê thảm; nhưng trong bạo
hành bạo lực vẫn sáng lên đâu đó tình người. Căn tánh, bản năng của con người
Cộng Sản đi ngược giáo điều khô cứng và không tưởng của chủ nghĩa của họ. Bọn
cán bộ cộng sản tin tưởng và thường hay đề cao giáo điều của bọn chúng, nhưng
sống và hành động khác hẳn giáo điều; bọn hắn vẫn tham lam, lừa đảo, đạo đức
giả, bén nhạy với sự cảm ứng của nhục dục... Trái lại, ở lớp cặn bã xã hội có
những kẻ có thiện căn như cô nữ quái. Cô ta làm sáng rực niềm tin cho những ai
nhìn cuộc đời qua khía cạnh xấu xa, tiêu cực. Những kẻ có tấm lòng trong sáng
này sống rất chân thành. Họ làm việc thiện theo sự hướng dẫn của thiên lương,
của tấm lòng cảm thông thâm thúy đối với kẻ đồng cảnh ngộ với mình, nhất là kẻ
này bị dồn tới bức tường cuối cùng. Họ không hay nói chuyện đạo đức, nhưng họ
sống bằng tấm lòng nhân đạo, một khía cạnh của đạo đức. Cái nhục cảm của câu
chuyện gần gũi với cái không khí (ambiance) trong truyện ngắn Chí Phèo của
Nam Cao: tàn nhẫn mà thương tâm. Nhưng lạ thay, cái nhục cảm trong Đàn bò sữa
không khơi dậy cảm ứng dục tình người đọc. Trái lại nó chiếu sáng rực trong
cõi thưởng ngoạn của chúng ta tấm lòng nhân ái và sự hy sinh cao cả của một phụ
nữ bụi đời. Còn cái nhục cảm trong Chí Phèo tuy vẫn là động cơ thúc đẩy
hai nhân vật chính (Chí Phèo và Thị Nở) đến chỗ bộc lộ hết bản năng thầm kín
của họ và đưa họ đến thảm kịch, Nhưng khi đọc xong truyện ngắn của Nam Cao lẫn
truyện ngắn của Nguyển Chí Thiện, độc giả không còn bàng hoàng với cái hâm hấp
dục tình lảng vảng trên những dòng diễn
biến của câu chuyện, mà họ lại cảm thấy tấm lòng mình ray rứt mối thương tâm.
*
* *
Truyện ngắn Một lựa chọn được diễn
tả dưới hình thức lá thư hay là một câu chuyện kể của một tù nhân viết từ bệnh
xá Hỏa lò cho nhân vật mà đương sự
gọi bằng chú.
Tù nhân này (tức là nhân vật xưng cháu
mắc bệnh lao) cùng nằm cuối phòng với hai kẻ mắc bệnh lao khác và với một kẻ
mắc bệnh tim. Bốn người chia nhau 2 cái giường. Phòng chỉ có 6 cái giường, bệnh
nhân thuộc loại lưu manh, trộm cắp ngoài xã hội. Khi vào tù, họ không được tiếp
tế, không có áo ấm. Bệnh nhân nằm trong bệnh xá như nằm trong nấm mồ tạm thời,
đợi ngày được đem chôn vĩnh viễn. Đa số mang chứng kiết lỵ dễ chết và
chết mau hơn bệnh lao và bệnh tim. Trong
số 6 tên bị chứng kiết lỵ có mặt trong truyện thì đã có 3 tên chết. Lại có một
tên mắc bệnh giang mai, chưa chết vì bệnh gốc của mình mà lại chết vì bệnh kiết
lỵ.
Cảnh đói lạnh trong bệnh viện được tác
giả diễn tả bằng một bút pháp gọn gàng và trong sáng, nhưng nó như những vết
roi độc địa quất mạnh lên một chế độ vô nhân đạo, làm độc giả bần thần
xốn xang.
... Ba thằng ho lao chúng cháu ngồi chùm chăn, ôm lưng nhau. Cả bệnh xá ngồi
như vậy. Trừ gã đau tim và vài gã quá
yếu. Tất cả chúng cháu đều run lẩy bẩy. Chẳng khác gì đang lên cơn sốt rét.
Những cái chăn chỉ đủ cho con bệnh đắp qua, thối khẳn, hàng năm mới được nhúng
nước qua loa, gọi là giặt. Chúng cháu vẫn phải chùm kín mặt, kín đầu. Rét từ
trong xương, trong tủy rét ra. Rét như kim đâm vào da thịt nứt nẻ, ghẻ lở. Giá
có thanh củi đốt lên sẽ xua tan cái lãnh
khí, lẫn tử khí. Sinh khí sẽ được duy trì, sưởi ấm. Ao ước thế, giống
như giữa mùa đông mà ao ước mùa hè, giữa
đêm đen mà ngưỡng vọng mặt trời. Nửa
đêm, thằng ôm lưng cháu tự nhiên nấc mấy cái, thổ máu ra vai cháu. Chúng cháu tung chăn, dìu nó ra
thùng phân. Nó ộc tới nửa lít máu. Máu
đỏ tươi, vón lại từng cục như những miếng phổi tung tóe ...
(trang 42)
Kẻ đau tim chết, ba bệnh nhân ho lao chậm khai báo với quản
giáo để được có 4 suất cơm. Cả ba chia suất cơm của kẻ vừa chết.
... Cơm chia xong, tên tự giác phụ trách
bệnh xá khóa cửa lại. Bọn kiết lỵ, tháo tỏng ăn loáng một cái đã hết, uống mỗi
thằng một ca nước cho đầy. Đó là phuơng pháp chống đói của chúng cháu. Nước
lạnh ngắt. Chúng cháu rét run lên, ngồi ôm lưng nhau chùm chăn, đợi bữa chiều.
Ba thằng ho lao chúng cháu ngồi quây lấy xác chết. Bốn suất cơm để trước mặt.
Cháu vốn tin là con người có linh hồn, nên lầm rầm khấn, mời linh hồn tên chết
về dùng cơm, và tha tội chúng cháu. Suất cơm gian lận được chia đều. Ấm bụng
hơn một chút. Ông chú chưa bị đói triền miên bao giờ, nên không bao giờ hiểu
nổi tầm quan trọng của thìa cơm trong cảnh tù tội. Phạng nhau vỡ sọ cũng vì nó.
Đến trưa, cháu muốn gọi báo việc gã đau tim chết. Thằng bạn ho lao tham lam,
muốn tối mới báo. Làm thêm một suất chiều nữa. Cháu cuơng quyết không nghe.
Cháu sợ nhỡ phát hiện, quản giáo sẽ mang cùm vào, cùm chân lại. Ở bệnh xá mọi
vi phạm nội quy, như hút thuốc lào chẳng hạn đều bị cùm hằng tuần, kể cả đang
ốm nặng. Có thằng đã chết trong cùm...
(trang 44)
Trong hai tên bạn ho lao của nhân vật
xưng cháu, một tên còn ở lại bệnh viện, còn tên ho ra máu cùng nhân vật xưng
cháu bị chuyển trại. Dọc đường, tới Phủ Lý, tên ho ra máu vì xe bị dằn xóc nên
ộc ra hàng lít máu nên phải thiệt mạng. Nhân vật xưng cháu được đưa đến trại
Thanh Phong. Ở đây, đương sự được các tù ngụy quân bị giam ở đó cưu mang, cho
thuốc, cho ăn vì họ được gia đình tiếp tế. Đương sự được sống sót nhờ tình
thương của các ngụy quân đó. Bốn năm sau, anh ta được tha, rồi lập gia đình.
Anh ta đã trải qua một thời sống dở chết dở nên có quan niệm như sau:
... Cháu tù hai lần. Tổng cộng là mười năm. Nhà tù đã dạy cháu chịu
đựng, kiên nhẫn. Cháu rất quý cuộc sống. Xét cho cùng, sống vẫn hơn chết. Nhưng
phải thành thực nói với ông chú, nếu bây giờ bảo cháu phải chịu mười năm tù
ngục đằng đẵng, khổ nhục hơn con bò, con lợn, cháu cương quyết chọn cái chết.
(trang 45)
Truyện ngắn này viết bằng
thuyết thoại (la naration) chứ không
bằng miêu tả (la description). Lại
nữa, nếu nó được viết bằng hình thức lá thư thì lá thư không thể viết ở tại
bệnh viện Hỏa Lò, hay viết khi nhân vật xưng cháu khi còn ở trong nước. Nó phải
viết khi đương sự thoát ly ra hải ngoại vì thư từ của tù nhân dù là cựu tù nhân
đi nữa dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa vẫn bị kiểm duyệt gắt gao.
Nguyễn Chí Thiện khi vào tù
mới biết rõ chân tướng của những bại
binh mà bọn Cộng sản gán cho danh từ ‘‘ngụy quân’’. Nhân vật xưng cháu được đưa
về trại Thanh Phong tức là trở về cõi sống dù là cõi sống bị đóng khung, bị đè
nén bởi bạo quyền, bởi sự báo thù một
chế độ thời quá khứ ở Miền Nam Việt Nam. Ở đây, anh ta được những kẻ trước kia
ở bên kia giới tuyến với anh, không phải là những con quỷ đội lốt người như bọn
Cộng Sản đã từng tuyên truyền. Trong cảnh nhục nhằn cơ cực, họ vẫn giữ tấm lòng
tương thân tương trợ; căn tánh tốt lành của họ vẫn còn nguyên vẹn. Có kẻ vì
quẳng cho nhân vật xưng cháu kia một chút bo bo mà bị cùm kẹp. Trong nghịch
cảnh, cái con người thánh thiện của họ không bị bức tử, không bị che mờ để rồi
có dịp mà bừng dậy để thắp sáng tình người.
*
* *
Truyện ngắn thứ ba là
Tạc tượng. Cũng vẫn là phòng giam ở ngục Hỏa Lò. Ở đây, tên tù trưởng có
kinh nghiệm lấy uy lẫn lấy ân để cai quản bọn tù vốn là bọn lưu manh và là bọn
trộm cướp ở ngoài đời. Ngoài các tên tự giác, tên thọt, tên trưởng phòng và các
tù nhân khác, đặc biệt có một viên kỹ sư được đào tạo bên Pháp xin về Việt Nam
để phục vụ đất nước. Anh ta bị tù vì dám góp ý với các tên chóp bu ở nhà máy
Trần Hưng Đạo về vụ cải tiến lề lối làm việc. Hắn ta bị tròng vào đầu tội phá
hoại uy tín của giới lãnh đạo nhà máy, tội khích động các công nhân nhà máy. Và
nhất là tội làm gián điệp. Ông chấp pháp bảo rằng sang Pháp sung sướng nhưng
tại sao anh ta lại về đây? Ngoài ra còn có tên thợ sửa đồng hồ dạo bị tội vì đã
rao ‘‘hồ hỏng, hồ vỡ, sửa chữa’’. Rao theo kiểu đó là xúc phạm anh linh ‘‘Hồ
chủ tịch’’, có dụng ý xấu.
Ngoài ra, có kẻ mới vào là
một lão già có tiết tháo, có khí phách. Tiểu sử của lão mơ hồ. Lão bị buộc tội
là đã hoan hô Hoàng Văn Hoan, hoan hô đại quân Trung Quốc sẽ sang giải phóng
Việt Nam. Nhưng lão không nhận tội đó. Tên chánh giám thị lại còn bảo rằng lão
ương ngạnh chống đối với các cán bộ. Nhưng lão đính chánh:
-- Tôi chống đối là
chống đối Chủ nghĩa Mắc-lê, chống đối cái chế độ xây dựng trên chủ nghĩa ấy. Đó chỉ là một sự bất
đồng về quan điểm chính trị. Ở một xã hội dân chủ bình thường, tôi không thể bị
bắt giam. Mục tiêu của tôi là thế. Chứ không phải là vào Hỏa Lò này để chống lại mấy ông quản lý trại giam. Tôi ở đây gần ba năm, chưa bao giờ
vi phạm nội quy, chưa bao giờ có lời nói hoặc thái độ nào coi thường các cán bộ. Có thể chỉ vì tôi không
xưng cháu với các ông ấy, nên bị coi là bướng bỉnh. Hôm nay, nhân gặp ông đây,
tôi xin nói thẳng. Mục đích cải tạo là để tội phạm trở thành người tốt, có nhân
cách. Phạm nhân luôn xưng cháu với các cán bộ có khi ít tuổi hơn họ nhiều, là
họ tự bỏ mất nhân cách của họ. Cần phải cấm, không cho họ xưng hô quỵ lụy như thế. Nghĩa là bắt họ phải tự trọng, giữ
lấy tư cách làm người. Sau đó mới cải tạo thói hư, tật xấu của họ được.
(trang 53)
Bên bọn cai tù gồm có tên
chánh giám thị, tên quản giáo, các tên công an võ trang v.v... Cảnh tù được thu
gọn vào căn phòng giam đầy nhóc người. Một số tù nhân phải bị nhét vào nhà mét
(tức là cầu tiêu). Suốt ngày, ba đợt tù từ các nhà giam ở các quận Hai Bà, Đống
Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình chuyển về. Do đó mà 20 người mới vào phải dựa vào tường
mà ngủ, đêm sau sẽ có người thay thế. Ngủ kiểu đó được gọi là tạc tượng.
Căn phòng giam bẩn thỉu,
chật chội, ngột ngạt. Bọn quản giáo thì hà khắc. Cách quản chế ẩm thực biến con
người thành thú vật, lúc nào cũng chỉ nghĩ tới ăn uống. Tên tù trưởng (tức là
viên trưởng phòng giỏi việc cai trị tù nhân) vốn quyền biến, biết áp dụng ân uy đúng chỗ, đúng lúc nên anh
ta làm cho việc an ninh trật tự trong phòng giam được thi hành nghiêm chỉnh. Sự
xuất hiện của lão già làm viên tù trưởng vui mừng vì có bậc đàn anh tâm giao
khả kính. Hắn gọi lão là đại ca, đối xử rất thành thực, cung kính và thân ái.
Ở truyện ngắn này, có tên
tù được gia đình tiếp tế. Sau khi lãnh lương thực, hắn mở ra ăn thì tên quản
giáo sai hai tên tự giác khám mình mẩy
hắn ta. Tới khi vạch hậu môn hắn ta ra, chúng bắt gặp cục thuốc lào bọc
ni-long. Thế là quà tiếp tế bị tịch thu. Tên quản giáo bắt nhét cục thuốc lào
vào mồm nạn nhân, may nhờ có lão già can thiệp nên lệnh tên quản giáo được thu
hồi.
Ở đây thú hút thuốc lào được
các tù nhân chiếu cố đặc biệt. Tên tù trưởng lươn lẹo với các tên quản giáo
(bắt nọn, bắt thót bọn chúng ở thói tham nhũng) để có thuốc lào. Sự xuất hiện
của lão già làm phòng giam dễ thở hơn. Với kinh nghiệm trong nhà tù, với niềm
thông cảm bao la, lão dàn xếp để cho những kẻ không được tiếp tế hưởng lây một
ít thực phẩm. Vắng mặt bọn quản giáo và bọn công an, tên tù trưởng và lão cùng các
tù nhân bày thuốc lào ra hút. Tên tù trưởng và lão già tương đắc nhau nên họ ưa
tâm tình với nhau:
... Đêm mãi rồi cũng phải sáng. Chỉ cần một
phần dân số như đại ca với em, thì độc tài phát-xít, độc tài cộng sản, chẳng
thằng độc tài nào cai trị nổi ! Cộng sản
làm chủ đất tnước, cũng như em đây làm chủ căn phòng này, là nhờ có bạo lực.
Nhưng kinh nghiệm xương máu cho bọn đầu gấu chúng em biết cai trị bằng bạo lực
chỉ hữu hiệu nhất thời, không bền. Ở các phòng khác,‘‘đảo chính’’, đâm chém xảy
ra luôn. Em sở dĩ nắm chính quyền được ở đây đã bảy tháng nay, mà không xảy ra
bạo loạn, là vì em giới hạn việc dùng bạo lực. Em không trấn lột ai, không lừa
bịp ai, không đàn áp vô lý ai, xử phạt nghiêm minh. Nhiều khi còn che chở, giúp
đỡ bọn rận rệp, tạo điều kiện cho tất cả được thoải mái đôi chút. Khi có nhiều
thuốc lào, em vẫn phát cho cả phòng. Thằng nào ốm yếu, em miễn cho khỏi nằm nhà
mét. Không để thằng nào bắt nạt thằng nào. Do đó, chúng sợ em mà không căm
thù em. Em hơn cộng sản là ở chỗ đó! Cộng sản chỉ thuần túy dùng lừa bịp, áp
chế, bạo lực. Chúng lừa bịp một cách
trắng trợn, bạo lực một cách quá đáng. Chúng tồn tại không lâu nữa đâu. Đó là
điều chắc chắn.
-- Không ngờ đầu óc mày thông minh như vậy.
Nhận định của mày đúng lắm. Nhưng cái ‘‘không lâu’’ của lịch sử nhiều khi bằng
cái ‘‘quá dài’’ của đời người. Hy vọng lớp tuổi mày sẽ được ngày mai tươi đẹp.
Lớp con cháu sẽ được cứu vớt.
-- Cũng nhờ đại ca chỉ bảo trước kia. Bản
chất em vốn không phải là thằng lưu manh. Em có bao giờ trộm cắp của tư nhân
đâu. Em toàn đột các kho hàng của nhà nước. Chúng nó cướp của dân, em cướp lại
chúng một tí. Thấm thía gì! Nhưng từ khi gặp đại ca, em đã đi làm nghiêm chỉnh.
Em tự kiểm điểm, em còn thấy mình lương thiện gấp vạn lần bọn lãnh tụ Đảng!
-- Ở một xã hội bình thường, mày có thể
trở thành một nhân tài vì mày thông minh. Nhưng thực tế của xã hội cũng dạy cho mày những kiến thức
quý báu mà nhiều đại trí thức không có. Xét cho cùng, cuộc sống là cuốn sách vĩ
đại nhất. Tất cả cuốn sách khác đều sao chép từ nó...
(các trang 77, 78)
Nguyễn Chí Thiện dù mô tả cảnh ngục tù
với cái thực chất ‘‘địa ngục chốn trần
gian’’ nhưng anh không hoàn toàn dồn tù nhân đến tận đầu mút của đau khổ, tuyệt
vọng đâu. Lâu lâu, anh ‘‘xả xú báp’’ để cho nỗi khổ đau bớt căng phồng trái tim và lồng ngực. Lão già
và viên tù trưởng gặp nhau để tìm đôi chút tâm tình, và tìm được bạn đồng tâm
tương ứng, có thể làm cho độc giả cảm thấy các tù nhân được xoa dịu những cay
cực của thể xác. Có vậy tinh thần của tù nhân được an ủi ở hiện tại và trong
những ngày sắp tới. Có vậy, dù cuộc sống không cho họ một chút lạc quan thì
những cách cư xử của viên tù trưởng cùng sự
giúp đỡ và can thiệp của lão già giúp họ tự thắp lấy ánh sáng ở nội giới
mình. Và cũng nhờ vậy, họ đủ can đảm đương đầu với mọi trắc trở sắp tới và đủ
can đảm chịu đựng để được sống sót.
Cảnh bi thảm nhất là một tên tù nửa đêm
rên rỉ thống thiết đòi nước cam, nước chanh đá, cháo gà và gọi ‘‘sao em không tiếp tế cho anh?’’ (sic).
Sáng ra, cả phòng phát giác hắn đã chết. Thì ra, trong cơn hấp hối, hắn chỉ còn
nhớ tới cái ăn ngon mà suốt thời gian trong cảnh tù đày hắn không được hưởng
những món mà hắn đã từng mơ ước. Dư hương và dư vị miếng ngon gợi nên nỗi thèm
khát bị dồn ép tới tận đáy thẳm của tiềm thức mà thường nhật hắn có thể nén
nhịn, không dám bộc lộ ra. Nhưng trong phút lâm chung, những cái dồn nén từ tâm
khảm trồi lên bình diện ý thức. Sự kềm hãm như cái đập nước yếu ớt bị nước cuốn
phăng.
Tên tù chết trần truồng. Tên thọt cho xác chết cái quần. Gã ‘‘hồ hỏng,
hồ vỡ’’ cho hắn cái áo. Lão già và viên tù trưởng cảm động trước nghĩa cử ‘‘thố
tử hồ bi’’ ấy, thưởng cho cả hai ‘‘kéo một hơi tới lăn đùng ra’’ (sic).
Cái chết của kẻ bất hạnh
vắn số làm cho những kẻ còn sống sót ngồi gần lại với nhau. Cho nên:
... Tù
trưởng tuyên bố:
-- Tối nay
cho tất cả bọn bay mỗi đứa bắn một phát.
Tất cả ồ
lên nhau nhau:
-- Hoan hô
tù trưởng! Hoan hô tù trưởng!
Một tên
khoái quá la lớn:
-- Tù
trưởng muôn năm!
Tù trưởng
mắng:
-- Muôn
năm ở đây để bỏ mẹ tao à! Chúc đéo gì lại chúc kiểu ấy!
Cả phòng
cười ầm lên vui vẻ.
(trang 97)
Xác chết phải được đưa về
bệnh viện Bạch Mai hoặc bệnh viện Việt Đức. Thì ra, mọi xác chết ở ngục Hỏa Lò phải đưa tản khắp các bệnh viện ở Hà Nội. Con số tử vong ở nhà tù phải được
bảo mật. Nhà cầm quyền không dám cho dân chúng biết con số tù nhân bị chết ở
nhà tù vì bọn Cộng Sản sợ bị để lộ ra
chính sách cai tù tàn ác của chúng. Chỉ cần đưa xác các tù nhân về bệnh viện,
bọn chúng có thể đổ hô là tù nhân chết vì bệnh và trước khi chết họ được bệnh
viện săn sóc tử tế.
*
* *
Truyện ngắn thứ tư có cái
tựa Những bài ca cách mạng. Nhân
vật chánh là gã giáo viên bị nhốt trong Hỏa Lò 21 tháng. Gã dạy môn Trung văn
(tiếng Trung Quốc). Vào thời kỳ Trung Quốc và Việt Nam gây hấn nhau, cái tội vô
lý bỗng trút lên đầu hắn. Tác giả trình bày tội trạng hắn như sau:
Vào nằm Hỏa Lò, gã mới
nhận ra tuy là sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhiều năm, gã vẫn chưa hiểu
sâu sắc về chế độ. Gã không ngờ rằng việc gã giỏi Trung văn, đọc báo, nghe đài
Trung Quốc, giao thiệp với người hàng xóm Trung-Hoa, như gã vẫn làm từ mấy chục
năm trước, nay bỗng trở thành trọng tội. Gã đã thiếu nhạy bén trước những bước
ngoặt của lịch sử. Khi tình nghĩa đào viên Trung Việt đã tan tác, đáng lẽ gã
phải sống khác. Sai lầm của gã là ở chỗ
đó. Vợ chồng gã chia lìa cũng là ở chỗ
đó.
(các trang 130, 131)
Gã giáo viên bị buộc tội
không điềm chỉ kẻ nào dám bôi chữ ‘‘Ta’’
trên hàng chữ Chủ tịch Hồ Chí
Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta để biến thành ‘‘một câu
phản động cực kỳ láo xược’’ (sic) do tên chấp pháp buộc tội. Cái tẩy nẩy cái
ung. Gã còn bị buộc tội dám cho rằng
định luật bảo tồn năng lượng là của Lavoisier tìm ra trước, trong khi tên chấp
pháp khẳng định luật ấy do nhà bác học Lomonosov phát minh ra. Gã còn bị buộc
tội: ‘‘Khi nhìn tranh thằng Quan Vân
Trường, hắn còn tấm tắc ca ngợi lòng trung kiên của nó, tuy thân ở Tào, nhưng
lòng vẫn ở Hán. Ý đồ muốn khích động quần chúng noi gương thằng Quan Vân
Trường, thân tuy ở Việt Nam, mà lòng ở Trung Quốc...’’ (sic).
Vào tù, gã giáo viên gặp
tên quản giáo vốn là học trò cũ của mình. Tên này tuy tỏ ra hách dịch nhưng vẫn
nới tay cho ông thầy cũ của mình, chẳng phải hoàn toàn nặng nghĩa thầy trò mà
phần lớn là y ta muốn tìm hiểu về kiến thức, văn hóa nên nhờ gã giảng dạy những
điều mà y ta thắc mắc.
Ngày 30 Tết, các tù nhân
được tiếp tế. Đang lúc họ ăn uống thì bọn công an vũ trang bất nhân tập kích
bất thần để tịch thu các thức ăn ngon của tù nhân để đem về nhà ăn. Mọi người
đều uất ức. Một tên tù ca sĩ hô hào mọi người cùng hát cho đỡ buồn. Đây là
những bài ca cách mạng mà thời ‘‘kháng chiến chống Tây’’ thường được hát. Những
bài hát đó trước kia có ý nghĩa thiêng liêng về vụ cổ động tinh thần độc lập tự
do, bây giờ trở thành mỉa mai lại chế độ Cộng Sản. Bài Quốc tế ca có những câu như sau :
Vùng lên, hỡi các
nô lệ thế gian!
Vùng lên, hỡi ai
cơ khổ bần hàn!
Và đây là bài Diệt Phát-xít
:
Nào nhà tù, nào
trại giam, biết bao nhiêu cực hình...
Diệt Phát- xít với bầy chó đê hèn của
chúng...
Để chờ
ngày trả mối thù chung.
Và đây là bài Chiến sĩ lục
quân Việt Nam :
Lời
kêu thiên thu phá hết lao tù!
Giết hết quân
thù!
Tù nhân dùng bài mà bọn ’‘cách mạng’’ thuờng suy tôn để xỏ xiêng lại bọn chúng theo
kiểu‘‘gậy ông đập lưng ông’’,‘‘đạp gai lấy gai mà lể’’ (tiếng Bắc gọi là
nhể ). Thế là bọn công an vũ trang xông vào dùng báng súng A K đánh đập tù nhân
một cách dã man. Gã tù nhân được mệnh danh là ‘‘gã thuốc phiện’’ vốn là đảng
viên, cựu đại úy quân đội hăm he tố cáo bọn công an cướp lương thực của tù nhân
để chè chén. Thế là tên thượng úy công an phải giảng giải. Bọn tù mới được yên thân. Gã thuốc phiện (tức là buôn
thuốc phiện lậu) vào dịp Tết chỉ ao ước là nếu Trời đất thay đổi, lũ công an sẽ
vào tù, đương sự sẽ là ‘‘cai ngục nhỏ bé’’.
Mấy bài hát này chứng tỏ
chế độ Cộng Sản làm những gì mà họ đã từng chửi bới, công kích. Và theo vết
chân của chế độ Phát-xít, họ bày ra những hình thức bạo lực khác, thiên biến
vạn hóa bạo lực để những kẻ chóp bu của đảng cấp thống trị dễ bề củng cố quyền
lực và bóc lột dân chúng. Quyền lực là mục đích tối thượng của họ, tất cả sự áp
chế của họ đều trở thành phương tiện.
Cảnh địa ngục trần gian
trong Hỏa lò được thể hiện ở cảnh giam cầm trong cát-xô qua câu truyện
của tên trùm đầu gấu kể cho gã giáo viên nghe:
Tên trùm đầu gấu kéo ống
quần lên:
-- Ông anh
nhìn vào cái sẹo ở cổ chân em đây thì
biết. Gân đứt, thọt mẹ nó rồi, không chữa được. Cát-xô ở phía góc Hỏa Lò, đằng
kia kìa. Có hai lần tường bọc. Ban ngày phải bấm đèn pin, mới nhìn được. Vào
cát-xô chỉ được mặc quần đùi! Không được mang theo bất cứ thứ gì, kể cả khăn
mặt. Bọn em nằm trên nền xi-măng. Thực tế là trên một bể chứa phân. Phía dưới
chân là một rãnh nước. Ngày đêm một mùi thum thủm, khắm khú bao trùm. Mỗi ngày
chỉ ăn được một bữa. Chúng em gọi là ăn ‘‘dồn toa’’ , hai bữa làm một. Ăn bốc, không thìa, không bát. Cơm đựng trong
túi ni-lông. Không có bô. Đi ngoài ngay lên chỗ mình nằm. Rồi tay bốc phân, ném xuống rãnh. Hồi đó,
cách đây hai năm, phụ trách cát-xô là một thằng quản giáo trung úy lùn, mắt
híp. Chúng em gọi là ‘‘thằng Híp’’. Ở cát-xô có tám lỗ cùm bằng bê-tông nham
nhở. Lỗ số 8 là lỗ khốn nạn nhất. Em bị
đưa chân vào lỗ đó. Khi ba thằng chúng em để cổ chân vào lỗ cùm rồi, nắp cùm là
thỏi bê-tông dài ba thước, được ập xuống. Một thằng tự giác đứng ở trong
coi. Thằng Híp ra ngoài khóa cùm. Nó nhảy lên nắp cùm, bên kia tường, để nắp
cùm sập hẳn xuống, rồi khoá lại. Khi nó nhảy, nó cười như một thằng điên. Còn
chúng em thì rú lên, ngất đi. Cổ chân bị nghiền vỡ. Em cùm lỗ số 8 nên chỉ có
12 tiếng là được đổi sang lỗ khác. Cùm ở
cát-xô lâu nhất là một tuần. Sức người không chịu quá nổi. Có tên đến ngày thứ
ba đã toi mạng.
(các trang 118, 119)
Tác giả Nguyễn Chí Thiện cho
rằng ở ngục Hỏa Lò con người gần với con vật nhất. Có lẽ anh nghĩ rằng các tù
nhân trong hoàn cảnh mà nhu cầu của dạ dày, nhu cầu của thân xác bị bức bách
tối đa, cho nên mọi bản năng thú tính của họ bị bóc trần ra. Nhưng chúng ta còn
có thể nghĩ thêm: ở Hỏa Lò, bọn cai tù gồm những tên quản giáo và những tên
công an vũ trang vì nắm được quyền lực khống chế những kẻ yếu thế hơn mình cho
nên bản năng tàn bạo của chúng được dịp hiển lộ, con ác quỷ tiềm phục ở nơi
chúng được dịp thoát cũi xổ lồng... Đảng và nhà nước của Xã hội Chủ nghĩa rất
cần cái bản năng tàn ác của kẻ thống trị lẫn cái bản năng hèn nhát của kẻ bị thống trị (của bọn tự giác chẳng hạn)
để củng cố nền tảng của chủ nghĩa được xây dựng trên bạo lực của chúng.
Trong truyện ngắn Những bài ca cách
mạng, chúng ta được thấy có sự hiện diện con trai của nhà thơ Nguyễn Xuân
Sanh (ông Sanh trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập vào thời tiền chiến). Tên này can
tội trộm cắp ở sứ quán (tác giả không nói sứ quán của nước nào). Hắn đã vào tù
nhiều lần, nhưng có bố hắn vốn là công an tìm cách can thiệp cứu hắn. Hắn cho
biết vài hôm sau hắn sẽ được phóng thích để trở về nhà ăn Tết. Và hắn còn cho
biết thêm hiện giờ thằng con trai của Huỳnh Tấn Phát cũng bị nhốt ở phòng 12 vì
tội xách súng đi ăn cướp, và cũng như hắn, tên quý tử họ Huỳnh này cũng đã phạm
tội nhiều lần rồi, lần nào cũng được tha sau khi bị cầm tù một thời gian ngắn
như hắn.
Riêng về gã giáo viên được tên quản giáo
vốn là học trò cũ của gã hứa sẽ nhờ bố của hắn (vốn là thiếu tướng công an) can
thiệp và cứu xét việc của gã. Nhưng:
... thoạt nghe, gã cũng khấp khởi hy
vọng. Nhưng suy nghĩ một tí gã thấy đó là chuyện hão huyền. Các vụ gọi là chính
trị, không ai dại can thiệp hộ hết, ngay cả anh em ruột thịt. Những Huỳnh Tấn
Phát, Nguyễn Xuân Sanh xin xỏ được cho con của họ, vì con họ chỉ đi ăn cắp, ăn cướp. Nếu là chính trị,
những loại ‘‘Chủ tịch cây cảnh’’, ‘‘Nhà thơ mật thám’’ đó làm sao dám hé răng!
Gã nhớ hồi gã mới bị bắt, nằm xà lim 1, người ta có dẫn Huỳnh Tấn Phát tới thăm
hai buồng kỷ niệm Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh. Y đến một cái là cắm đầu đi ngay. Không dám nhìn ngang
nhìn ngửa. Không dám đưa mắt tới buồng khác.
(trang 131)
(Còn tiếp một kỳ)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)